Như vậy đó là những ảo mộng quyến rũ lung lạc và ê hoặc trong buổi thanh xuân của đời sống. Tôi đã thử gắng ghi tạc chúng một cách không thứ tự gì lắm, nhưng nhiều tâm hồn sẽ hiểu tôi. Những ảo tưởng cứ nối đuôi nhau mà rơi rụng, giống như lớp vỏ một trái cây, và trái cây, ấy là duyệt lịch. Hương vị nó đắng chua; tuy nhiên, cũng có một chất gì chát chát làm vững mạnh thêm – xin người hãy tha thứ cái lối nói sáo hủ đó của tôi. Rousseau bảo rằng cảnh tượng thiên nhiên tồn lưu an ủi được mọi thứ. Đôi lúc tôi tìm gặp lại những cụm rừng Clarens thân thuộc, lẫn bóng trong sương mờ, ở phía Bắc Paris. Mọi thứ đó đã thay đổi xiết bao! Ermenonville! Xứ sở mơ màng còn đủ chỗ cho những luyến ái cổ kính, cho những tình duyên thuần khiết đâm bông hồi sinh trong hoài niệm, cứ như lời Hồng Lĩnh bảo Châu Phong – Ermenonville! Ngươi đã đánh mất ngôi sao duy nhất của ngươi rồi, ngôi sao từng đã lấp lánh hai tia ngời trước con mắt của ta. Lúc xanh lúc tía, khi lục khi hồng, như vì tinh tú mê hoặc của Aldebaran ấy là Adrienne, ấy là Sylvie, ấy là hai cánh song song phiêu bồng của một tình yêu duy nhất. Một bên là lý tưởng tuyệt luân, một bên là thực tại êm đềm. Còn có nghĩa gì nữa với ta ngày nay, Ermenonville! Hỡi những cụm mây, chùm lá, và những mặt hồ và ngay cả sa mạc hoang liêu của ngươi còn nói gì với ta nữa ngày nay? Othys, Montagny, Loisy, những thôn làng lang thang lân cận, Châalis – mà thiên hạ đang trùng tu – các ngươi chẳng còn gìn giữ chút gì của quá khứ kia! Đôi lúc ta cần về viếng lại những nơi chốn nọ của tịch mịch mơ mòng. Ta buồn rầu khêu dậy trong hồn mình những dấu vết thấp thoáng tàn phai của một thời đại mà cái hồn nhiên đã thành kiểu sức; đôi lúc ta mỉm cười đọc lại trên mặt đá nham, trên sườn hông hoa cương thạch, một vài câu thơ của Roucher xưa kia đã có lần ta thấy là tuyệt diệu - hoặc những câu cách ngôn phúc thiện ở phía trên một suối nước, một giòng khe, một thạch động thờ sơn thần Pan. Những mặt hồ luống công phơi trải làn nước chết, con thiên nga không thèm ghé lội chơi. Đã qua rồi, cái thời ông hoàng Condé về đây săn bắn; với đoàn Nương Tử cao kiêu cưỡi ngựa, cái thời còi thổi gọi nhau trùng điệp với bao nhiêu tiếng vang dội lại!... Muốn tới Ermenonville, ngày nay không còn đường tới thẳng. Đôi lúc tôi về theo ngả Creil và Senlis, đôi lúc theo ngả Dammartin. Tới Dammartin, bao giờ cũng vào lúc chiều tối. Tôi mướn phòng ngủ tại khách sạn Image Saint-Jean. Thường thường người ta cho tôi mướn một căn phòng sạch sẽ, giấy cũ dán tường, một tấm họa treo trên chiếc gương soi. Ngủ ấm áp dưới tấm nhung mao, bốc mùi chim nhạn biển. Đó là loại mền thân thuộc của xứ này. Sáng hôm sau, mở cửa sổ nhìn ra, cửa sổ lòa xòa những nhành nho với tường vi thắm đóng khung, tôi đê mê nhìn một chân trời màu lục phơi trải suốt mười dặm gió dài, với những hàng bạch dương đứng trang nghiêm như những đoàn binh dàn trận. Vài thôn xóm rải rác đây đó nép mình bên những tháp chuông nhọn hoắt. Ta nhìn thấy thôn Othys trước tiên, rồi thôn Eve, thôn Ver, còn thôn Ermenonville? Nếu Ermenonville có một tháp chuông, ắt ta sẽ nhận ra được ở bên kia khu rừng, nhưng tại chốn tư tưởng triết học nọ, người ta lơ đễnh bỏ quên nhà thờ. Sau khi hít vào phổi đầy đủ khí mát thuần khiết vo ve trên cao nguyên gió hây hây bình minh, tôi vui vẻ xuống làng thôn thăm chàng bán bánh ngọt. “Coi tề! Chào chú bé bỏng Parisien!” Chúng tôi đấm thoi nhau đôi cái chịu chơi theo thói bé rồi tôi leo lên một chiếc cầu thang lai rai. Tiếng kêu mừng rỡ của hai đứa bé con bé bỏng bé chị bé em, ríu rít đón tôi. Nụ cười gái Athénienne của Sylvie làm rạng rỡ khuôn mặt kiều lệ. “Lời đâu kiều diễm…” Lòng chàng không nguôi, chàng tôi tự bảo mình tôi: “Kia là hạnh phúc, có lẽ; tuy nhiên…” Đôi lúc tôi gọi nàng bằng tên Lolotte, và nàng thấy tôi có hơi giống Werther. Trong khi bác tóc quăn cao ráo lo dọn bữa ăn chúng tôi dẫn mấy bé con đi dạo rừng, đi dạo rú, đi dạo dưới bóng cây bồ đề còn đứng đó kiên gan thu góp nhưng mảnh tàn rơi của gạch vụn lãnh cung. Trong lúc các bé con nô giỡn tập tành bắn cung rơm, cung rạ vào cỏ mọc rạ rơm, với những mũi tên cành nhánh của cha mẹ làm cho, thì chúng tôi đọc vài bài thơ, hoặc vài trang sách mùa thu, mà ngày nay chẳng ai viết nữa. Tôi quên nói rằng cái ban kịch cô Aurélie trình diễn một bận tại Dammartin, tôi có dẫn Sylvie đi xem, và tôi có hỏi em có nhận thấy rằng cô đào nọ rất giống một người phụ nữ mà em từng có biết một lần. “Giống ai vậy? – Em còn nhớ chứ, cô Adreinne?” Nàng cười rộ một tiếng thật to: “Coi tề!” Rồi dường như tự trách mình chi đó, nàng ngậm ngùi buông tiếng thở dài: “Tội quá! Adrienne. Cô ấy chết tại tu viện Saint-Sulpice, vào năm 1832.” Láng giềng đệ lục Láng giềng khu vực xuân ba Bốn thu bổ túc tam trùng tích ngân Nguyệt phơi tích biệt in ngần Lá rung mạc ngoại bé chần chờ chi Bé Em hải diện biên thùy Tình trong Bé Chị quyền uy ra ngoài Trông chừng Khúc Nghệ Bé Choai Vi từ chỉ dục vọng hoài chỉ ưng (…) Quy lai phục niệm chưa từng Tình trong như thể luống từng ở xa Tót vời tình điệu kiêu sa Vườn thơm trắng ngát hồn hoa lạc loài Phục hồi tú cốc sơ khai Hương trời tự nhiễm bông lài tự dưng. Một hai năm Tặng gà vịt một năm sương tuyết Vịt gà xin ráo riết hai năm Ngồi suông nhớ mãi đêm rằm Văn thừa bích lạc nguyệt cầm tiểu man Đêm mộng mị về hang núi lạnh Nhìn gấu beo bên cạnh hùm thiêng Sịch mành trở giấc u miên Muôn vàn brigitte nằm nghiêng nghiêng cười. Tình thứ nhất Anh chỉ có một tình yêu thứ nhất Và thứ hai ba bốn chín thêm mười Bờ tang hải biển dâu xô lật úp Bến phiêu bồng anh lật đật theo đuôi Anh chỉ có niềm vui trong chốc lát Và nỗi buồn cũng chốc lát như nhiên Tình thứ nhất thoảng đi qua thấm thoát Tới trăm năm còn thấm thoát như thường Anh vẫn tưởng đầu đường thương xó chợ Ai có ngờ xó chợ cũng thương nhau Hồn tan vỡ song đôi trong hơi thở Ôi đầu đường ôi xó chợ nơi đâu Là nơi đó chốn kia anh rất rõ Trong máu me từng khoảnh khắc sơ đầu Anh chỉ có một tình yêu thứ nhất Và thứ nhì cũng đệ nhất như nhiên Bờ dâu biển phiêu bồng trôi lật đật Bến phiêu du chớp nhoáng mộng tang điền Bây giờ anh dại anh điên Biên Hòa Bệnh Viện bình yên anh về Anh chào vĩnh biệt sơn khê Chào anh vĩnh quyết bốn bề nhà ma. Hồng Quần Quần sẽ đỏ từ khi trăng là nguyệt Kinh là kỳ từ châu quận tân toan Từ xứ sở đắng cay thu đầu chết Bước dã man sầu xé lá gieo vàng. Lá sẽ đỏ từ vàng da mũi tẹt Môi là mềm hoa mọc mật cong môi Từ bờ cõi chia xương chua là ngọt Trút lang thang từ nát mộng lên trời. Mộng sẽ đỏ từ hoa đêm ghẹo chọc Cánh thay hồng từ cánh đỏ cuồng điên Từ thung lũng mù kêu mưa gọi móc Tới phiêu du từ vầng nhật qua miền… Nguồn: Tân An xuất bản tại Sài Gòn trước 1975, An Tiêm xuất bản tại hải ngoại 1990. Bản điện tử do talawas thực hiện. Bản tiếng Pháp có thể đọc tại: http://www.site-magister.com/sylvie.htm