Các triều đại phong kiến Trung Quốc phần lớn tự xem mình là "Thiên tử" coi dân Việt là "man rợ" nên người Việt dù có học hành thông thái đến đâu cũng không được trọng dụng (ngoài trường hợp của Trương Trọng). Cho đến đời vua Linh Ddế (168-189) cuối nhà Đông Hán, mới có người Việt học giỏi được cất nhắc làm thái thú quận Giao Chỉ. Lý Tiến dâng sớ xin cho người Giao Chỉ được bổ đi làm quan bất kỳ quận nào, kể cả ở Trung Nguyên. Nhưng vua Hán chỉ cho những người đậu Mậu Tài hoặc Hiếu Liêm được làm quan trong xứ mà thôị Lúc đó có người Giao Chỉ tên là Lý Cầm, làm lính vệ trong cung, khẩn thiết xin vua Hán bãi bỏ lệnh đó. Cuối cùng, vua Hán mới cử một người Giao Chỉ đậu Mậu Tài đi làm quan lệnh ở Hạ Dương và một người đậu Hiếu Liêm làm quan ở Lục Hợp. Trên thực tế, đất Âu Lạc từng có người đỗ Mậu Tài, Hiếu Liêm, làm quan nhà Hán. Vì vậy quan điểm của các nhà sử học Trung Quốc cho rằng đất Giao Chỉ từ khi Sĩ Nhiếp (187-226) sang làm thái thú văn hóa mới phát triển nền giáo dục mới được mở mang là không đúng.