Chương XV

Ba tháng nữa thì anh lại có một cuộc cứơi linh đình đấy! Anh liệu mà thu xếp công việc. Hàm có ra tỉnh chơi không? Hôm vừa rồi bố mẹ em bảo rằng hỏi ý anh? Và cũng là nhân một dịp hai chúng ta ra thăm em.
- Ừ! Phải, thằng em hôm nọ không về dự cuộc lễ ăn hỏi chúng mình, thực là một điều đáng tiếc. Hình như nó ham học lắm thì phải. Thư của nó đâu rồi, nó viết bằng tiếng Thái à?
- Không đâu, anh ạ, nó viết tiếng Việt đấy. Nó có dặn trong thư rằng nó trông giấy ủy quyền của anh lắm đấy. Đây anh xem đi.
Péng nói xong, đưa tay vào túi áo dút bức thư ra cho người yêu. Hàm đọc:
Yên Bái, ngày...tháng...năm19..
Thưa anh chị,
Em vừa nhận được tin anh chị cho biết đến ngày hôm vừa rồi về nhà để dự cuộc vui nhất trong đời chị Péng em. Song, em đã thất lời, ông giám thị lưu trú trường em khắt khe quá anh ạ. Anh xem như thế này quả là ác số một.
Em đưa giấy của anh chị mời về ăn tiệc cưới, ông ấy bảo rằng không có "giấy phép" của bố mẹ. Ông ấy còn đưa ra những giả thiết và bảo em:
- Mày muốn về nhà nên nhờ ai viết giấy xin phép chứ, nếu thật anh chị mày ăn cứơi thì phải có giấy của bố mẹ. Khi mày vào đây, bố mẹ mày có ký giấy nhận với chúng tao rằng chỉ cho về một khi sẵn giấy của cha mẹ hoặc ủy quỳên. Vả lại mày gần đi thi Sẹc-ti-phi-ca thì lại càng không có lợi nữa. Mày đang chăm học ấy thế mà vì bữa ăn hỏi, bỏ mấy ngày học không tiếc ư?
Người ta sống trên đời này để học chứ không phải để ăn một bữa cỗ. Bữa này chưa lấy gì làm to tát, nó chỉ là bữa sính lễ, đến kỳ cưới thật sự mày về cũng chưa lấy gì làm muộn mằn.
Đây anh Hàm xem, em còn nói đùa vào đâu được nữa. Vậy em chỉ còn biết gửi thư chúc anh chị luôn luôn vui vẻ chung sống với nhau một cuộc đời hạnh phúc
Phần thưởng quí giá nhất của em ở trong lưu trữ là anh nên gửi thư cho em luôn.
Anh có hiểu thấu tình cảnh buồn bã trong lưu trú không? Chắc anh đã qua rồi. Ăn cơm, học bài, tập thể dục, đi ngủ, nghĩa là con người phải theo lệnh của cái còi sắt và anh giám thị cay nghiệt.
Yên Bái bây giờ cũng vui anh ạ! Buổi sáng sớm có kèn nhạc diễn qua phố xá vào khoảng bây giờ trong lúc sương muối còn bay ngập trên các mái nhà.
Em dậy sớm lắm, và rất đúng giờ, dạo này em luyện tập thân hình rất vạm vỡ, và hy vọng sẽ chiếm được giải thưởng kỳ thi lực sĩ học sinh cuối năm.
Thư dài lắm rồi, em xin chúc anh chị vui vẻ. Nhớ ngày cưới phải báo tin cho em và bảo ba, mẹ em gửi cả giấy ủy quyền. Em gửi lời chúc Thày mẹ và cả nhà.
BẠC CẦM HONG.
Hàm bỏ lá thư xuống nương sắn rồi nhìn người yêu:
- Thằng Hong nó trách chúng mình đây. Anh cũng quên khuấy đi  mất! Đáng lẽ phải gửi giấy ủy quyền thì nó mới được về.
Péng chẳng hiểu giấy ủy quyền là gì nên nàng hỏi người yêu:
- Em chẳng hiểu giấy ủy quyền là gì?
- Là giấy thay măt của bố mẹ; chẳng hạn bây giờ bố mẹ muốn cho thằng Hong về thì bố hay mẹ phải ra tận đấy đón. Nếu không đi được bố hay mẹ phải viết giấy ủy quyền cho em hay anh ra đón về.
Thế ông chánh ra hôm nọ cũng không được về à?
- Họ biết ông chánh là ai? Nếu ngoài địa phận này ra. Ông chánh cũng phải có giấy ủy quyền của bố mẹ mới đón được em về.
- Nó còn ít tuổi gì cho cam, mười hai tuổi đầu rồi. Em cứ tưởng rằng ai ra đón cũng được.
- Em dốt lắm.
Péng quay lại nhìn chàng, vẻ trách móc:
- Em có dốt mới phải hỏi anh nếu không thì đã...
Hàm thấy mình cau có vô lý hết sức. Chàng phải nói lãng:
- Péng ạ, chiều nay ngồi bên nương sắn vối em thật là quên tất cả bao nỗi lo âu trong sự vất vả thường ngày. Em là người khích lệ anh trong những lúc buồn bã âm thầm. Có phải đúng như thế chăng?
- Em cũng thấy vậy, chúng ta đều khuyến khích lẫn nhau.
- Chẳng thế người ta sinh ra gia đình làm gì chứ? Phải không Péng?
- Vâng
Cả hai ngồi cho đến lúc bóng hoàn hôn rũ xuống, mặt trời lấp ló bên trơi tây mới trở lại nhà.
Đôi vợ chồng bắt tay nhau thong thả bước đều.