Trước hết, Bô-na-pác xúc tiến việc tổ chức chính quyền mới, nghĩa là việc hợp thức hoá chính quyền chuyên chế của mình. Người ta không thể không có cảm tưởng khôi hài khi quan sát những cuộc gặp gỡ giữa Bô-na-pác với những nhà chính trị lỗi thời vào loại Xi-ay-ét, kẻ đã cho rằng mình là vai trò chính và tự coi mình là sư phụ và quân sư của chàng thanh niên đó. Na-pô-lê-ông lúc ấy đã coi những nhà chính trị chuyên nghiệp của nước Pháp trong thời kỳ đó như những kẻ ba hoa lỗi thời, không muốn hiểu rằng thời của họ đã qua rồi. Còn đối với những người Gia-cô-banh, Bô-na-pác căm ghét và sợ hãi họ, không bao giờ nói đến anh em Rô-be-xpi-e (mà như chúng ta biết, trước Bô-na-pác đã có những mối quan hệ cá nhân tốt với Rô-be-xpi-e em), nhưng hiển nhiên là Bô-na-pác đã hiểu quá rõ giá trị của những kẻ đã ám hại và cướp quyền của Rô-be-xpi-e. Che đậy những hành động ám muội của chúng bằng cái tài hùng biện rỗng tuếch, những tên đầu cơ, những viên chức không tròn nhiệm vụ và những tên tham nhũng trong bọn Tháng Nóng ấy đã gợi ở Bô-na-pác một cảm giác khinh tởm. Bô-na-pác giao cho Xi-ay-ét dự thảo một bản hiến pháp mới. Xi-ay-ét say sưa làm và đề ra được những chương mục quán triệt, kết hợp khéo léo, nhưng lại quên mất rằng đại bộ phận giai cấp tư sản ở thành thị cũng như ở nông thôn lúc này đang đòi hỏi một nền an ninh tuyệt đối và đòi hỏi xác nhận cho họ những quyền lợi trực tiếp liên quan đến quyền tự do thương nghiệp và công nghiệp, những nông dân hữu sản muốn rằng quyền sở hữu đất đai vừa mới tậu được của họ phải được bảo đảm một cách hoàn toàn và vĩnh viễn. Bô-na-pác nhận xét bản dự thảo của Xi-ay-ét là vô lý, chỉ thị cho Xi-ay-ét và tham gia vào việc "sửa chữa", điều đó khiến Xi-ay-ét hết sức ngạc nhiên. Một tháng sau cuộc đảo chính, bản hiến pháp mới được chuẩn bị xong. Đứng đầu nước Cộng hoà là ba vị Tổng tài, Tổng tài thứ nhất được trao toàn bộ quyền hạn, và hai vị kia chỉ có quyền tư vấn, không có quyền quyết nghị. Các Tổng tài chỉ định các thượng nghị sĩ, và các thượng nghị sĩ lại lựa chọn các uỷ viên Hội đồng lập pháp và tư pháp, lấy trong số hàng nghìn ứng cử viên do nhân dân bầu ra. Bản hiến pháp mới, như ban đầu người ta đã hứa hề n, phải được nhân dân biểu quyết. Nhưng, bỗng nhiên Na-pô-lê-ông tuyên bố bản hiến pháp sẽ mang ra thi hành ngay, không đợi trưng cầu ý dân. Bô-na-pác nghiễm nhiên được "bổ nhiệm" làm Tổng tài thứ nhất. Cuộc trưng cầu ý dân tiến hành ngày 4 Tháng Tuyết (25-12-1799), với 3.011.007 phiếu thuận và 1.562 phiếu chống, đã phê chuẩn bản hiến pháp mới và việc chỉ định ba vị Tổng tài, đứng đầu là Bô-na-pác. Quân đội cũng bỏ phiếu, và ở một vài nơi, cuộc bầu cử đã tiến hành từng trung đoàn một, bằng cách binh lính đồng thanh trả lời câu hỏi của người chỉ huy của họ. ở các thành phố và ở các làng, nhân dân đi bỏ phiếu dưới con mắt kiểm soát cẩn mật của các nhà chức trách. Vả lại, số lớn nông dân là những người hữu sản, số lớn trong giai cấp tư sản thành thị và theo lời của những người đương thời, ngay cả một số lớn thợ thuyền ở các thành phố lúc đố đều nhiệt liệt ủng hộ Tổng tài thứ nhất, họ thấy ở ông ta con người đã cứu vãn nền Cộng hoà thoát tay bọn bảo hoàng ngày 13 Tháng Hái nho và đã đẩy lùi được sự can thiệp của nước Anh, nước áo và nước Nga đang đe doạ nước Pháp.Tất cả quyền hạn đều đã tập trung hết vào tay Bô-na-pác. Tất cả những cơ quan khác chỉ còn là những cái bóng không hồn, không hề có và thậm chí cũng không mong có chút uy quyền nào. Xi-ay-ét tưng hửng và tức tối, nhưng Bô-na-pác đã ban thưởng cho Xi-ay-ét một món kếch xù và vĩnh viễn gạt Xi-ay-ét ra khỏi mọi chức việc cụ thể. Bô-na-pác cần những người phục vụ và thực hiện, chứ không cần cố vấn cũng như những nhà làm luật. Ông ta cũng tức khắc bóp nghẹ t công luận. Bằng một nghị định ký ngày 27 Tháng Tuyết, sau việc thi hành hiến pháp Tổng tài ít lâu, Bô-na-pác hạ lệnh đóng cửa 60 tờ báo trong số 73 tờ hiện có hồi ấy, và 13 tờ còn lại sống được một thời gian nữa đều phải đặt dưới sự giám sát chặt chẽ của bộ trưởng công an (chăng bao lâu chín tờ nữa bị đóng cửa, chỉ còn lại bốn). Tính chất hữu cơ của Na-pô-lê-ông là không thể nào hình dung được một chút tự do báo chí, dẫu chỉ là một chút tự do bề ngoài. Những biện pháp đầu tiên ấy chứng minh rõ ràng quan niệm của Na-pô-lê-ông về quyền lực của mình. Na-pô-lê-ông cho rằng, ông ta chỉ mang ơn đội quân cận vệ trong những ngày của Tháng Sương mù, những người đã mang lại quyên lực vô hạn độ cho ông ta. Chẳng chịu ơn ai hết, vạn sự chỉ mang ơn binh sĩ cận vệ của mình, nghĩa là bản thân mình, tất cả đều xây dựng trên quyền chiến thắng, điều đó không phải chỉ là tư tưởng mà còn là tín điều chính trị của Na-pô-lê-ông, nếu có thể nói được như vậy. "Nhưng binh đoàn lớn bao giờ cũng có lý", đó là một trong những châm ngôn mà Na-pô-lê-ông thích thú nhất. Những binh đoàn đã chiếm được nước Pháp cho Na-pô-lê-ông vào ngày 18 và 19 Tháng Sương mù, cũng như trước đây, dưới quyền của Na-pô-lê-ông, đã chinh phục được hầu hết châu Âu, và theo ý Na-pô-lê-ông, không ai có thể bắt ông ta phải báo cáo, cũng như không ai có thể đòi ông ta chia sẻ quyền hành. Xi-ay-ét đã hiểu Na-pô-lê-ông rất nhanh và đã tỉnh ngộ. Những kẻ khác cùng trong âm mưu ngày 18 Tháng Sương mù cũng dần dần hiểu Na-pô-lê-ông và về sau thì tất cả bọn họ đều hiểu. Nhưng câu nói của Gớt về Na-pô-lê-ông đến nay vẫn đúng: đối với Na-pô-lê-ông, chính quyền chẳng khác gì một nhạc cụ ở tay một nhạc sĩ có tài. Vừa nắm được nó xong, Na-pô-lê-ông đã sử dụng được nó ngay. Na- pô-lê-ông đặt nhiệm vụ đầu tiên là chấm dứt cuộc nội chiến ở miền tây nước Pháp và nạn cướp bóc, câu kết chặt chẽ với cuộc nội chiến, đang hoành hành ở khắp miền nam và miền bắc nước Pháp. Na-pô-lê-ông tỏ ra rất vội: thật vậy, phải giải quyết trước mùa xuân mọi công việc khẩn cấp cùng loại với hai việc nói trên, vì đến mùa xuân chiến tranh lại sắp tiếp diễn.