Họ Lý ở huyện Duy (tỉnh Sơn Đông) có tòa nhà không ở, chợt có một ông già tới thuê, xin trả năm mươi đồng vàng một năm. Lý ưng thuận, nhưng ông già đi luôn không thấy trở lại. Lý bảo người nhà cho người khác thuê, thì hôm sau ông già tới nói "Ta đã hỏi thuê rồi, sao lại định cho người khác thuê nữa?". Lý nói thật là ngờ ông không thuê, ông già nói "Ta định ở đây lâu, nên mới thong thả để chọn ngày tốt, sau mười ngày nữa mới dọn tới". Rồi trả trước tiền thuê một năm cho Lý, lại nói “Nếu trọn năm vẫn bỏ không, xin cũng chớ lạ". Lý đưa ra cửa, hỏi rõ ngày dọn tới, ông già chào ra về. Quá kỳ hẹn mấy hôm vẫn không thấy đâu, Lý tới xem thì thấy hai cánh cổng cài chặt nhưng bên trong có khói nấu cơm bốc lên và tiếng người ồn ào. Lý ngạc nhiên gõ cửa vào thăm, ông già vội ra đón, cười nói rất thân mật. Lý ra về, sai người mang thức ăn qua biếu, ông già đáp lễ rất hậu. Vài hôm sau Lý mở tiệc mời, ông già qua trò chuyện rất vui vẻ. Lý hỏi quê quán, đáp là ở Tần Trung (vùng Thiểm Tây). Lý ngạc nhiên vì xa quá, ông già nói "Quý hương đây là đất phúc, chứ Tần Trung không thể ở lâu dài được, vì sắp có nạn lớn". Lúc ấy đang thời thanh bình, nên Lý nghe thế cũng bỏ qua không hỏi thêm. Mấy ngày sau ông già gởi thiếp mời Lý sang để đáp lễ với chủ nhân, căng màn ngồi trong trướng ăn uống, vật dùng đều sang trọng xa xỉ, Lý càng ngờ là bậc quý quan. Ông già thấy đã thân tình, tự xưng là hồ, Lý sợ hãi không dám qua lại nữa, đi trên đường trông thấy là tránh mặt. Thân hào trong huyện nghe chuyện lạ, ngày nào cũng ruỗi xe giong ngựa tới cửa xin ra mắt làm quen, ông già cũng không từ chối một ai, dần dần quan lại có khi cũng ghé chơi. Riêng có quan huyện muốn tới chơi, ông già lại kiếm cớ từ chối. Quan huyện nhờ Lý tới nói để ông già nể mặt chủ nhà, ông cũng từ chối. Lý hỏi tại sao, ông dời ghế tới gần ghé tai nói nhỏ “Là ông không biết, chứ kiếp trước y là con lừa, nay tuy nghiễm nhiên cai trị dân, nhưng uống nước vo gạo cũng say°. Ta tuy vốn khác loài nhưng lấy làm thẹn bị xếp ngang hàng với y". Lý bèn tìm lời nói thác rằng hồ sợ quan huyện là bậc thần minh nên không dám gặp mặt, quan huyện tưởng thật bèn thôi. Lúc ấy là năm Khang Hy thứ 11 (1672). Không bao lâu đất Tần quả có nạn binh lửa, mới tin rằng hồ có tài tiên tri. °Uống nước vo gạo cũng say: Ý nói chỉ cần được nhiều tiền thì không uống rượu cũng say, đây chỉ quan huyện tham lam, thích ăn hối lộ. Dị Sử thị nói: Lừa là giống vật to lớn, tức giận thì đá mạnh hí vang, mắt lồi như cái chén, thở phì phì như trâu, không những tiếng hí khó nghe mà hình dáng cũng khó coi. Nhưng nếu cầm bó cỏ tới dụ, thì cụp tai nghểnh đầu, vui vẻ chịu đóng yên cương. Loại ấy mà cho cai trị dân thì đúng là uống nước vo gạo cũng say thật. Mong nhữug kẻ coi việc dân lấy con lừa làm răn mà biết thứ tự trên dưới như con hồ, thì đức sẽ tiến vậy. 254. Ông Mỗ Ở Thiểm Hữu (Thiểm Hữu Mỗ Công)Mỗ công ở Thiểm Hữu (tức Thiểm Tây), thi đỗ Tiến sĩ năm Tân sửu, nhớ được chuyện kiếp trước. Thường kể rằng kiếp trước ông là học trò, đến tuổi trung niên thì chết, sau khi chết xuống nơi Diêm Vương xét xử, thì thấy đủ cả vạc dầu núi kiếm đúng như lời truyền ngôn ở nhân gian. Phía góc đông điện có đặt mấy cái giá treo da dê, chó, trâu. Viên lại gọi tên ai bị phạt làm ngựa làm heo thì đều bị lột hết quần áo ra, lấy bộ da trên giá chụp vào. Tới lượt ông, nghe Diêm Vương phán "Nên phạt làm dê", quỷ sứ bèn rút một bộ da dê trắng tới chụp vào người ông. Viên lại bẩm ông đã từng cứu một người thoát chết, Diêm Vương xem lại sổ, nói "Vậy thì tha cho y, tuy làm nhiều việc ác, nhưng việc thiện ấy đủ chuộc tội rồi". Quỷ sứ tới cởi bộ da dê ra, nhưng đã dính chặt vào người ông không gỡ ra được nữa. Hai con quỷ bèn tỳ tay xuống ngực ông lấy hết sức giật mạnh, đau đớn không bút nào tả xiết. Bộ da dê bị xé rách thành từng mảnh nhưng không lột sạch được, khi đã gỡ ra rồi trên vai vẫn còn một mảnh dính chặt, to bằng bàn tay. Khi ông sinh ra, trên lưng có một đám lông dê, cắt đi lại mọc. 255. Viên Lại Coi Văn Thư (Tư Trát Lại) Du kích (một chức quan võ) Mỗ có nhiều thê thiếp, rất thích kiêng tên của họ. Như nói Niên là Tuế, Sinh là Ngạnh, Mã là Đại lư. Lại kiêng kỵ, bắt nói Bại là Thắng, An là Phóng. Thư từ công văn gởi đi các nơi vì vậy rất phiền nhiễu, nhưng người nhà nói tới là nổi giận. Một hôm viên lại coi văn thư bẩm việc, lỡ miệng phạm húy, Mỗ cả giận vớ cái nghiên đánh, viên lại chết ngay tại chỗ. Ba ngày sau Mỗ say rượu nằm nghỉ, thấy viên lại cầm tấm thiếp đi vào, hỏi có chuyện gì, viên lại đáp "Mã Tử An tới thăm" (Mã Tử An lai bái). Mỗ chợt biết là ma, vội vùng dậy tuốt đao vung lên, viên lại cười khẽ ném tấm thiếp xuống bàn rồi biến mất. Mỗ cầm tấm thiếp xem, thấy viết "Sui gia là con lừa lớn bướng bỉnh đánh rắm" (Tuế gia quyến ngạnh đại lư tử phóng thắng)°. Hung dữ giết người như thế, để tới nỗi bị ma quỷ mỉa mai, thật là đáng cười. °Tuế gia quyến ngạnh đại lư tử phóng thắng: tức "Niên gia quyến sinh Mã Tử An bái" (Họ hàng bên vợ là Mã Tử An tới thăm). Tục lệ Trung Quốc xưa, người của hai nhà kết thông gia với nhau, ngang hàng thì gọi nhau là quyến đệ, với người bậc trên tự xưng là vãn sinh, với người bậc dưới tự xưng là quyến sinh. Theo văn cảnh thì Mã Tử An ở đây là hàng chú bác của vợ Mỗ tới thăm, nhưng viết danh thiếp theo lối kiêng húy của Mỗ nên thành ra một câu như vậy (chữ “bái" gần âm với chữ "bại", đổi thành chữ “thắng" gần âm với chữ "thí" “phóng thí" là đánh rắm). Ở núi Ngưu Thủ có một nhà sư, lấy tên là Thiết Hán (Người đàn ông sắt), lại lấy tên là Thiết Thỉ (Cứt sắt), có bốn mươi bài thơ, ai đọc thấy cũng khâm phục. Tự khắc hai dấu ấn, một đề “Hỗn trướng hàng tử” (Vô lại khốn nạn), một đề "Lão thực phát bì" (Thành thật mặt dày). Tú tài Vương Tư Trực in thơ ấy, lấy tên là "Ngưu Sơn tứ thập thí” (Bốn mươi cái rắm Ngưu Sơn), hàng lạc khoản đề “Hỗn trướng hàng tử, Lão thực phát bì. Phóng bất tất độc kỳ thi, Tiêu danh dĩ túc giải ky" (Vô lại khốn nạn, Thành thật mặt dày. Thơ rắm không cần phải đọc, Nêu tên đã đủ để cười). 256. Học Quan (Tư Huấn) Huấn đạo Mỗ điếc đặc, nhưng chơi thân với một con hồ, nhờ hồ ghé sát tai nói nên cũng nghe được. Mỗi lần yết kiến quan trên, đều có hồ ngầm theo giúp nên không ai biết Mỗ điếc. Được năm sáu năm, hồ từ biệt, dặn “Ông như con rối, không có người giật dây thì ngũ quan đều bỏ xó, để tới nỗi vì điếc mà chịu tội, chẳng bằng sớm từ chức cho có vẻ cao thượng. Mỗ tiếc bổng lộc không chịu nghe lời ấy, mấy lần cứ hỏi gà lại đáp vịt, quan Đốc học muốn cách chức, Mỗ lại xin quan huyện năn nỉ giùm. Một ngày nọ chấm thi, xướng danh xong Đốc học trở về, cùng các học quan ăn tiệc. Các học quan đều giắt sổ sách trong ống giày, đưa lên trình báo. Kế Đốc học cười hỏi sao riêng quý học quan không có gì trình báo vậy. Mỗ hoang mang không biết gì, người ngồi cạnh lấy khuỷu tay huých, lại lấy tay thò vào ống giày ra hiệu. Mỗ vì có người họ hàng gởi mua dương vật giả để dùng vào việc trong phòng, nên giấu trong ống giày, lúc ấy cũng mang theo. Thấy Đốc học tươi cười, tưởng là đòi vật ấy, bèn lấy ra đứng dậy kính cẩn thưa "Chỉ có tám tiền một cái là cùng, nên hạ quan không dám dâng lên". Cả tiệc cười ầm, Đốc học quát đuổi ra, kế cách chức Mỗ. Dị Sử thị nói: Chốn đất bằng cũng cần có cột đá để ngăn sóng, quan Đốc học đòi trình báo nên mới dâng lên, vì thế mà bị cách chức, kể cũng oan thật. Nhĩ lục của ông Chu Tử Thanh chép Cống sinh họ Trì ở huyện Đông Lai (tỉnh Sơn Đông) làm Huấn đạo ở huyện Nghi Thủy (tỉnh Sơn Đông), tính tình ngây ngốc. Thường khi họp mặt với mọi người thì im lặng không nói gì nhưng ngồi được một lúc lại khua chân múa tay, vừa khóc vừa cười, coi như chung quanh không có ai, nếu nghe có tiếng người cười thì lại thôi. Ăn tiêu rất bỏn xẻn, tích cóp được hơn trăm lượng vàng, ngầm chôn trong phòng đọc sách, ngay cả vợ con cũng không cho biết. Một hôm ngồi một mình, nhịn không được múa may tay chân, lúc sau nói “Làm điều ác, gây thù oán, ăn đói mặc rét, dành dụm được bấy nhiêu đâu phải dễ, nay giấu ở phòng đọc sách, nếu có người biết được thì làm sao?”. Cứ thế nói mấy lần, có một viên thư lại bên cạnh mà không biết. Hôm sau Trì đi vắng, viên thư lại lẻn vào đào lên lấy hết. Hai ba hôm sau, Trì không yên tâm, đào lên xem thì không còn gì, giẫm chân vỗ ngực, đau đớn tưởng chết. Người trong đám học quan cũng thật là nhiều màu nhiều vẻ vậy. 257. Họ Đoàn (Đoàn Thị) Đoàn Thụy Hoàn là nhà giàu ở huyện Đại Danh (tỉnh Hà Bắc). Bốn mươi tuổi vẫn không có con, nhưng vợ là Liên thị cả ghen nên muốn mua thiếp mà không dám. Đoàn tư thông với một tỳ nữ, Liên thị biết được, đánh người ấy mấy trăm roi, đem bán cho nhà họ Loan ở Hà Gian. Đám cháu trong họ sớm tối xin ăn thừa tự, Đoàn không trả lời, chúng đều có vẻ tức giận, muốn cho một đứa ăn thừa tự thì cả bọn ngăn trở. Liên thị hung dữ cũng không làm được gì, mới hối hận uất ức nói "ông nay hơn sáu mươi tuổi, chẳng lẽ không sinh được con trai à?". Bèn mua cho chồng hai người thiếp, nghe Đoàn vào phòng họ ngủ cũng không hỏi tới. Được hơn năm, hai người thiếp đều có mang, cả nhà đều mừng rỡ. Từ đó Liên thị mới hơi yên lòng, phàm đám cháu có ai nài nỉ xin ăn thừa tự, lập tức lớn tiếng chửi mắng. Không bao lâu, một người thiếp sinh con gái, một người thiếp sinh con trai nhưng đứa nhỏ vừa lọt lòng đã chết ngay. Vợ chồng thất vọng, chỉ còn trông chờ vào tương lai mà thôi. Hơn năm sau, Đoàn bị trúng phong nằm liệt giường, đám cháu càng mặc sức hoành hành, trâu ngựa vật dùng trong nhà cứ tự tiện tới tranh nhau mang đi. Liên thị ra chửi mắng thì chúng hỏi vặn lại, muốn tính toán thì không sao tính toán được, sớm chiều khóc lóc. Đoàn vì thế bệnh càng nặng, kế chết. Đám cháu tới họp ngay trước quan tài bàn việc chia gia sản. Liên thị tuy đau đớn nhưng không thể ngăn cấm được, muốn giữ lại một mảnh ruộng tốt để già trẻ sinh sống, mà họ cũng không chịu. Liên thị nói "Các ngươi không muốn để lại chút gì, định cho mụ già này và đứa nhỏ kia chết đói phải không?". Tranh cãi suốt ngày không xong, Liên thị chỉ phẩn uất đấm ngực kêu khóc. Chợt có người khách tới điếu tang, vào thẳng chỗ quan tài khóc lóc rất thảm thiết, rồi xé khăn tang buộc lên đầu, mọi người đều không biết là ai. Hỏi thì khách đáp “Người chết là cha ta đấy" mọi người càng hoảng sợ, khách mới thong thả nói rõ. Trước đây người tỳ nữ mà Liên thị bán về làm thiếp họ Loan được năm sáu tháng thì sinh ra Hoài. Loan coi như con mình, đến năm mười tám tuổi cho vào học ở nhà phán. Sau Loan chết, các con trai chia gia tài, không chia đều cho Hoài. Hoài về hỏi mẹ mới biết nguyên do, nói "Đã là họ khác, thì ai có dòng giống kẻ ấy, cần gì ở đây nhận trăm mẫu ruộng của người?”. Bèn trở về nhà Đoàn, lúc ấy Đoàn đã chết, kể lại mọi chuyện đều có chứng cứ rõ ràng. Liên thị vừa uất ngã bệnh, nghe thế mừng rỡ, đi thẳng ra nói với đám cháu bên chồng "Ta nay lại có con rồi những trâu ngựa vật dùng các ngươi đã lấy đi mau đem trả lại nếu không ta sẽ kiện đấy". Đám cháu Đoàn tái mặt nhìn nhau, im lặng giải tán. Hoài bèn đưa mẹ ruột về ở với Liên thị, cùng chịu tang cha. Đám cháu Đoàn bất bình, bàn nhau đuổi Hoài đi, Hoài biết được nói "Họ Loan không coi ta là họ Loan, họ Đoàn lại không coi ta là họ Đoàn, vậy ta là con ai?". Phẫn uất muốn kiện lên quan, họ hàng xúm lại can ngăn, đám cháu Đoàn mới thôi. Nhưng Liên thị vì việc bọn kia bắt trâu ngựa không chịu thôi, Hoài can ngăn, Liên thị nói "Không phải ta tiếc trâu ngựa, mà là tức giận trong lòng. Cha người vì uất ức mà chết, sở dĩ ta nén khóc nuốt lệ là vì không có con trai. Nay đã có con, còn sợ gì nữa? Chuyện trước ngươi không biết đâu, chờ ta kiện sẽ biết". Hoài ra sức can ngăn, Liên thị không nghe, đưa đơn kiện lên huyện, quan huyện bắt đám cháu Đoàn lên hỏi cung, Liên thị căm tức đứng bên cạnh tố cáo rành rọt. Quan huyện tức giận, trừng trị đám cháu Đoàn, tịch thu trâu ngựa vật dùng trả lại. Liên thị về, gọi những đứa cháu chồng trước đó không đòi chia gia tài tới, đem những trâu ngựa vật dùng đòi lại được chia hết cho họ. Liên thị sống hơn bảy mươi tuổi, lúc sắp chết, gọi con gái con dâu và cháu gái tới dặn "Các ngươi nhớ lấy, nếu đã ba mươi tuổi mà chưa sinh nở thì nên cầm bán hết vòng vàng cưới thiếp cho chồng, chứ không có con trai khổ lắm" Dị Sử thị nói: Liên thị tuy cả ghen nhưng về sau tự sửa ngay được, nên cuối đời mới có thể rửa hận thảnh thơi. Xem thái độ khảng khái khích liệt như thế, cũng là kẻ hào kiệt vậy. Tưởng Giá người huyện Tế Nam (tỉnh Sơn Đông) có vợ là Mao thị không sinh đẻ được mà hay ghen, bà vú vẫn khuyên, Mao thị không nghe, nói "Chẳng thà tuyệt tự, chứ không để chồng liếc mắt đưa tình với ai cả, cho khỏi tức giận”. Tưởng gần bốn mươi tuổi, muốn có người nối dõi, bèn hỏi xin đứa con của người anh, người anh ưng thuận, lại hỏi chị dâu chị dâu cũng ưng thuận, nhưng có ý cản trở. Thằng bé mỗi lần tới nhà chú, vợ chồng đều bồng ám vỗ về, mang kẹo bánh ra cho ăn, hỏi "Có chịu tới nhà chú ở không?” thằng bé cũng chịu. Người anh dặn riêng nó rằng "Nếu chú có hỏi nữa, con nói là không chịu, nếu chú hỏi tại sao không chịu, con nói rằng cứ chờ chú chết rồi thì lo gì ruộng vườn không về tay cháu. Một hôm, Giá đi buôn xa nhà, thằng bé qua chơi, Mao thị lại hỏi, thằng bé đáp như lời cha dặn, Mao thị nổi giận đuổi thằng bé về, nói “Vợ người ta còn sống sờ sờ đây, mà đã chăm chăm nhắm tới ruộng vườn của người ta rồi à? Tính lầm rồi đấy!". Bèn không đợi chồng về, sai ngay gia nhân đi tìm mua thiếp cho chồng. Lúc bấy giờ có bà mối bán tỳ thiếp giá rất cao, Mao thị dốc hết tiền mặt trong nhà ra mua vẫn không đủ. Người anh sợ để chậm thì nàng hối hận, lén đưa tiền cho bà mối, dặn nói với Mao thị là cho thiếu. Mao thị mừng đưa người thiếp về. Đến khi Giá về, Mao thị kể lại chuyện, Giá cũng tức giận, từ đó không qua lại gì với anh nữa. Hơn một năm sau, người thiếp sinh được con trai, vợ chồng cùng mừng rỡ, Mao thị nói “Không biết bà mối kia nghe ai mà cho thiếu tiền, cả năm nay không thấy tới hỏi. Cái ơn ấy không thể quên được, nay đã có con, chẳng lẽ còn để thiếu tiền sao?”. Giá mang tiền tới đưa bà mối, bà ta cười nói "Phải tạ ơn ông bác bên nhà chứ đừng tạ ơn già này, ta nghèo xác xơ, ai dám cho thiếu tiền?", rồi kể hết sự thật. Lúc ấy Giá mới biết, về nói với vợ, nhìn nhau rơi nước mắt. Vội bày tiệc mời người anh sang, vợ chồng cùng quỳ lạy, mang tiền ra trả lại, người anh không nhận, bèn cùng nhau ăn uống rất vui vẻ. Sau Giá sinh được ba con trai.