Đám cưới của Phong và Giáng Hương diễn ra tại Đà Lạt thay vì ở Sài Gòn hay Nha Trang theo lẽ thường. Bởi cả hai gia đình đều đồng ý rằng việc rước dâu từ Nha Trang về Sài Gòn quá xa xôi, thay vì mỗi bên cứ bao xe mời khách thân quen cùng lên Đà Lạt, vừa dự đám cưới vừa đi du lịch mấy hôm. Tuy đã có quyết tâm phải lấy vợ ngay để tránh phải gánh vác chuyện cô Kiều My, nhưng trong suốt buổi diễn ra lễ cưới ở nhà hàng khách sạn Palace, hầu như lúc nào Phong cũng nơm nớp lo sợ sự rắc rối xảy ra. Nhưng cũng may, buổi lễ diễn ra trót lọt. Cô dâu Giáng Hương đi bên cạnh chồng với nụ cười lúc nào cũng rạng rỡ trên môi. Điều mà ít cô dâu nào có được. Bởi tâm lý chung của các cô nàng là thường bồi hồi trong giây phút trọng đại này, nên dễ gì tìm được nụ cười nơi họ. Phần nữa, các cô hơi ngượng ngùng trước đám đông... - Em vui phải không? Cảm ơn em nhiều... Giáng Hương đáp lại Phong bằng một cái siết chặt tay. Đêm đó họ ngủ lại ở khách sạn, thay vì về nhà riêng. Cho nên chỉ sau khi tiệc tàn, khoảng mười phút sau là cả hai đã rút hẳn vào phòng riêng. Việc các khách sạn tổ chức hình thức khuyến mãi bằng cách tặng cho cô dâu chú rể một phòng sang trọng khách sạn ngay trong đêm tân hôn là điều hết sức tế nhị. Phải tâm lý, cô dâu ngay trong đêm động phòng mà phải ké né trước người thân ở nhà khi bước vào phòng riêng với chồng, rồi sáng dậy lại phải đỏ mặt khi bước ra. Nhất là trước sự xét nét của gia đình hoặc là bà mẹ chồng, chẳng biết thằng con trai mình đêm động phòng đã làm tròn nghĩa vụ mà tổ tông giao phó hay không? Hoặc bà mẹ vợ, bà ta thường chờ sáng ra xem nét mặt của con gái mình xem có biểu hiện gì của sự bị... ăn hiếp quá đáng không? Còn ở phòng riêng khách sạn thì tha hồ mà ngủ cho đến chín mười giờ sau một đêm mệt mỏi... Bởi vậy vừa vào đến phòng, Giáng Hương đã cởi áo cưới ra rồi bảo với chồng: - Em mệt chết đi được, cho em nghỉ chút đã! Rồi cô tự tắt đèn, giải thích với Phong: - Em sợ ngủ dưới ánh sáng lắm! Mà thật ra lúc ấy Phong cũng cần bóng tối... Họ nằm trong bóng tối bao trùm, nhưng chẳng người nào phàn nàn hay sợ hãi. Bởi đối với họ, phút giây chìm trong màn đêm này nó có ý nghĩ cả cuộc đời... Cho đến quá nửa khuya thì cả hai mới đi vào giấc ngủ một cách êm ái, nhẹ nhàng mặc dù hơi thở của người cũng như sắp dứt... Nếu không có giọng nói rót vào tai thì có lẽ Phong cũng chưa tỉnh giấc: - Có yêu em không? Phong với giọng nhừa nhựa: - Không yêu sao... nằm đây! Con chó con, dậy sớm vậy. Bộ còn muốn... gây sự sao? - Em hỏi lại, anh có có yêu em không? Phong đưa tay bụm miệng nàng lại: - Khỏi phải hỏi, em đã thừa biết rồi! Nhưng nàng vẫn vùng ra, cố nói tiếp: - Em nói chưa hết. Ý em muốn hỏi là nếu em... không phải là Giáng Hương thì anh có còn yêu em không? Câu hỏi hơi lạ, mà giọng cũng không bình thường. Phong ngồi bật dậy ngay, vừa hỏi: - Em sao vậy Hương. Nàng kéo anh nằm lại: - Chưa trả lời em? - Anh... anh làm sao yêu khi không phải là em được! Em đừng làm anh sợ, Hương! Nàng bỗng cười khúc khích: - Tập sợ lần cho quen đi! Vừa lúc ấy, đèn trong phòng tự dưng bật sáng. Phong vừa nhìn sang Giáng Hương thì đã phát hoảng: - Sao lại là... là cô? Trước mắt anh là một Kiều My với thân thể ngọc ngà, cô nàng không hề ngượng ngùng khi phơi mình dưới ánh đèn, mà trái lại còn hả hê, hài lòng. Phong kêu lên: - Tôi hỏi, tại sao lại là cô? Nàng rất từ tốn, đáp: - Thì em đã nói trước với anh rồi, em phải làm vợ anh thì mọi việc của em và của anh mới tốt đẹp được. Bây giờ anh có nói gì thì cũng đã muộn, bởi sau đêm tân hôn thì em đã là vợ anh và anh đương nhiên là chồng em rồi! - Nhưng mà... Phong định cãi, nhưng nhìn lại thân thể mình anh mới giật mình. Bởi lúc ấy anh cũng... Quá ngượng, Phong định nhảy xuống giường, nhưng nàng đã kéo ghì lại: - Vợ chồng mới cưới đừng để bất cứ việc gì không hay xảy ra, như vậy sẽ là điềm xui xẻo. Rồi không đợi Phong nói, nàng lại tiếp. - Thật ra từ lâu nay vẫn là em cùng với anh, chứ nào phải là Giáng Hương! Anh không nhận ra cũng là phải, bởi hồn em nằm trong xác của cô ấy! Phong không muốn nàng ta nói tiếp, nên lớn tiếng quát lại: - Cô đừng nói nữa, dối trá! Nhưng nàng ta vẫn bình tĩnh: - Anh có nhớ lần cô ấy ngã xuống hồ Xuân Hương không? Anh nghĩ một con người chìm dưới nước hơn mười lăm phút, mà thật ra là nửa giờ, thì có thể còn sống không? Phong giật mình: - Vậy ra...? - Giáng Hương đã chết từ phút đó! Và em đã nhập vào xác cô ấy, sống lại ở bệnh viện! Anh không để ý những hiện tượng kỳ lạ mà anh đã gặp trong thời gian đó sao? Tất cả không là ảo giác, mà là chính em... Nàng ngừng kể, nhìn vào mắt Phong với tia nhìn đầy trìu mến, rồi lại tiếp: - Chỉ vì em yêu anh! Em là người đến sau, không được anh yêu, nhưng theo số thì chính em mới là duyên số của anh. Vả lại, Hương đã chết rồi! Ngoài ra, lấy em là anh đã cứu được mạng một người đang gặp thảm cảnh. Phong vẫn gay gắt: - Nhưng người tôi yêu là Hương! Tôi muốn... - Anh có muốn thì bây giờ cũng không được. Hơn nữa, anh đâu có mất gì, bởi từ nay anh vẫn sẽ sống với thân xác của Giáng Hương. Mọi người, ngoài anh ra, đâu có ai biết gì về chuyện này. Kể cả mẹ và gia đình cô ấy… Lúc này thì Phong đã hoàn toàn suy sụp, anh chỉ biết ôm đầu và gục xuống. Trong khi đó, giọng của Kiều My vẫn đều đều: - Việc em đón xe anh trên đèo Bảo Lộc là một định mệnh, chứ đâu phải ngẫu nhiên. Nếu hôm đó anh không gặp em thì rồi Giáng Hương vẫn chết, bởi số cô ấy chỉ tới đó. Em chính là sự thay thế, sự bù đắp hoàn hảo nhất cho anh còn gì! Nếu anh thử xa em xem, số phận của anh sẽ ra sao? Anh muốn thì cứ làm thử đi, em không dọa đâu, bởi từ phút này em đã là vợ của anh rồi, chỉ bảo vệ và lo lắng cho anh không hết, chẳng bao giờ em làm anh khổ cả... Phong lặng người đi... Trở lại cuộc sống bình thường... Những ngày sau đêm tân hôn tưởng đâu Phong sẽ bị sốc, nhưng trái lại, anh vẫn vui vẻ nếu không muốn nói là phấn khởi, yêu đời hơn! Ngay khi quyết định làm đám cưới. Phong đã có ý sẽ chuyển về Sài Gòn ở. Nhưng đến lúc này thì anh lại đổi ý. Do vậy, khi bà Phấn quyết định tặng cho vợ chồng anh ngôi nhà Giáng Hương đang ở thì Phong nhận ngay. Mặc dù việc đó sẽ khó cho công việc làm ăn của anh ở Sài Gòn, Phong nói với cha mẹ mình: - Con sẽ chuyển công việc làm ăn lên đây, để con vừa tiện làm ăn lại dễ cho Giáng Hương theo học hết hai năm cuối đại học. Sau đó tụi con sẽ tính tiếp. Dĩ nhiên cha mẹ anh chiều theo con. Riêng bà Lộc, mẹ Phong thì có vẻ thích cô con dâu: - Mẹ thấy tính tình con nhỏ được lắm. Ráng mau mau kiếm cho ba mẹ một đứa cháu nội nghe chưa! Phong nhớ cách đây vài năm, khi anh bắt đầu yêu Giáng Hương thì sau vài lần gặp gỡ, chính mẹ anh đã phán: - Tao không ưa kiểu đỏng đảnh của con nhỏ đó. Ngữ ấy mà cưới về làm vợ thì chỉ có nước... để nó leo lên đầu! Vậy mà bây giờ lại khác. Nhờ đâu vậy, nếu không là nhờ... vong hồn của Kiều My! Bất ngờ hơn nữa là sự xuất hiện của bà bác sĩ, mẹ của Kiều My. Bà nhìn con mình qua dáng vóc của Giáng Hương bằng tất cả sự trìu mến. Bà nói với Phong: - Má cám ơn con. Nhờ con mà từ hôm đó tới nay Kiều My không về nữa. Lần cuối cùng nó về với má là sau đêm tân hôn với con, nó bảo rằng từ nay thằng bồ cũ của nó sẽ không còn theo ám nó được nữa, bởi nó đã thành thân với người đàn ông khác. Việc nó đem chôn cây rựa ở sau vườn cũng mang ý nghĩa đó. Mất cây rựa và việc nó dâng đời con gái cho con, là hai nguyên nhân chính giúp nó và con được an toàn từ đây! Giáng Hương từ nào đến giờ chưa từng quen biết với bà bác sĩ. Nhưng khi từ trong phòng bước ra, vừa thấy bà, cô đã sà vào lòng, vuốt ve bà: - Con nhớ má nhiều! Rồi hai người cùng khóc. Bà bác sĩ nhẹ giọng: - Từ nay má coi như con vẫn còn sống! Thôi được, dưới thân xác của ai, miễn linh hồn là của con cũng đủ rồi. Má sẽ thường xuyên tới lui với con... Phong vội nói: - E rằng... Nhưng bà đã hiểu ý: - Má tới đây nếu có gặp ai thì sẽ bảo với họ rằng, má là bác sĩ riêng của cô chủ Giáng Hương! Họ cùng cười trong niềm hạnh phúc tràn dâng... Trong một ngôi biệt thự sang trọng ở Đà Lạt, có một đôi vợ chồng kẻ tục người ma sống với nhau, mà không một ai khác hay biết…