Quần đảo nằm đâu? Nó rải rác một dọc dài cả ngàn hòn, từ eo Bering chạy tuốt xuống vịnh Bosporus! Nó lù lù đấy nhưng vẫn là vô hình. Cũng như những thằng dân quần đảo, đám nô lệ có trọng lượng, cũng choán một khối lượng phải chuyển dịch từ đảo này sang đảo khác không ngừng nghỉ nhưng chớ cho ai thấy. Chuyển dịch bằng phương tiện gì, đi tàu nào? Có chứ? Có bến lớn là những khám tạm, chờ di chuyển. Bến nhỏ là trạm tiếp nhận. Chuyên chở đã có những con tàu vỏ thép nằm ngoài kè đợi những toa xe zak cũng bọc thép chở người đến đúng ngày đúng giờ. Nếu cần gấp rút sẽ có cả đoàn công voa chuyên chở rặt tù, đưa từ bến này tới bến kia. Đừng tưởng thường! Đó là cả một lịch trình sắp xếp nghiên cứu cả chục năm dài bởi những đầu óc nhàn nhã, no đủ để tiến hành công tác sao cho nhịp nhàng, có hệ thống. Ngày lẻ công voa Kineshma nằm chờ ở nhà ga lớn Mạc Tư Khoa đúng 17 giờ chiều để đón tù từ các khám Butyrki, Krasnaya Presnya, Taganka. Ngày chẵn công voa Ivanovo sẽ tới đúng 6 giờ sáng để đón thêm người từ các khám Nerekths, Bezhetsk và Bologeye đưa đi luôn. Công tác chuyển vận đều đặn, đúng ngày giờ như vậy, gần gụi kể như đụng vào mắt anh vậy mà vẫn không thấy. (Thấy làm gì, nhắm mắt lại!) Cố nhiên vì lý do an ninh bảo mật, đám tù bẩn thỉu đâu có đi chung sân ga với hành khách. Đã có sẵn toa riêng ở tuốt xa xa, chỉ nhân viên phụ trách đường rầy hay biết. Ở các ga nhỏ những hành lang sẽ được cấp thời dựng lên, ngăn ra bít bùng. Người ngoài nhìn vô không thấy mà tù có muốn nghênh ngó nhìn ra để kiếm người nhà cũng vô phương. Nhiều khi khỏi cần nhìn thấy toa xe, cứ theo chân thằng đi trước mà đặt bước. Kẻ trước người sau dồn tới, chỉ khựng lại chút đỉnh nếu bục lên xuống ở toa xe cao cỡ lưng chừng ngực. Dọc hai bên hành lang kín mít đã có toán hộ tống chia nhau đứng chặn luôn miệng hối thúc, nạt nộ: "Mau lên, gấp gấp lên chớ?" Nếu cần sẽ có những mũi lưỡi lê thúc kèm theo! Anh có thể ra ga đáp xe lửa đi cùng chuyến xe nhưng hối hả, bận con nít và hành lý đâu có để ý được tới một toa hàng hoá vừa móc thêm vô đoàn xe. Toa chở hàng nào chẳng bít bùng, không dấu hiệu? Nhưng ở đầu toa, chỗ chòi cao cao tại sao lại ló ra một người lính? Mỗi người ngồi một đầu, xe ngừng là trèo lên nóc toa, tay cầm súng đi lại, mắt dòm chừng xuống dưới. Xe chuyển bánh mang theo toa tù. Cùng đoàn xe với anh, cũng chạy ngang ngần ấy phong cảnh cũng dọc theo đường rầy ngoằn ngoèo rắn lượn, cũng thở chung làn khói với anh (trước anh vài giây đồng hồ) và cùng chung sinh hoạt đoàn xe có một đám người chen chúc nhau, dồn cả trăm mạng vào một toa. Những con người thân xác từng đau khổ, rã rời vì hành hạ tra tấn, tinh thần đang căng thẳng vì số mệnh chưa biết đưa đẩy tới đâu. Ca-bin ngồi 4 người anh còn lấy làm khó chịu vì chật chội, chung đụng – Toa zak đằng trước ca-bin cũng chừng ấy chỗ mà 14 người, 24 người và có thể 34 người đấy! (Bạn đừng lấy làm lạ, Zak mà. Trong "kỹ nghệ ngục tù" các ông lớn ưa xài danh từ đặc biệt. Phải zaklyuchennye là "toa xe chở tù" mới nghề nghiệp! Danh từ dài lòng thòng đó chỉ nằm trong hồ sơ nhà tù, vì tù quen xài chữ tắt, chỉ zak là đủ. Họ còn gọi toa xe Stolypin hay Stolypin, lấy tên ngay ông kỹ sư đã chế ra kiểu toa đặc biệt chở tù hồi đầu thế kỷ). Cho đến cuối thế kỷ XIX nhà nước đưa tù đi đày Tây Bá Lợi Á còn áp tải bộ hoặc xe ngựa. Năm 1896 xe lửa khá phổ thông nên Lenin đi đày Tây Bá Lợi Á được đi toa hạng 3 và ngồi chung với hành khách. Nghe nói người còn la nhân viên Hoả xa xe quá chật chội! Bức danh hoạ Đời sống muôn nơi của Yaroshenko cho thấy toa xe hành khách hạng 4 cải biến thành xe chở tù chẳng có gì khác, ngoài 2 lớp lưới sắt chăng cửa sổ. Năm 1927 vẫn xài y kiểu toa xe đó, chỉ phân biệt nam nữ. Theo tù già Trushin đảng viên Cách mạng Xã hội thì thời Nga hoàng chở tù đi đày có toa xe Stolypin mỗi ca-bin 6 người thay vì 4. Một toa Stolypin đại khái chia 9 ca-bin thì tù chỉ choán 5 (đó là luật quần đảo: thầy chú một nửa, tù một nửa!). Ở giữa chừa lối đi, ca-bin nằm bên, ngăn chấn song sắt từ sàn tới nóc, toa in hệt chuồng nhốt thú. Dĩ nhiên ca-bin không có cửa sổ mở ra ngoài nên trông như toa chở hàng. Chỉ có một hàng lỗ thông hơi ở lưng chừng, gần nóc toa. Cửa vô ca-bin là cửa kéo, bằng sắt. Nhà hoạ kiểu sắp xếp cho 6 tù ngồi 2 hàng ghế dưới, 3 đứa nằm ngăn giữa và giá để hành lý gần nóc toa còn thêm được 2 mạng. Mỗi ca-bin 11 tù nhưng thực tế bao giờ cũng thêm ít nhất 11 mạng nữa mà lính gác ấn vô bằng đế giày. Vậy phải sắp xếp lại. Giá hành lý vẫn co ro 2 đứa nửa nằm nửa ngồi, 5 đứa chiếm chỗ nằm ngăn giữa (đây là chỗ danh dự của các đàn anh, nếu không phải giải quyết bằng tay chân. Nếu tù chính trị và tư pháp đi chung thì đương nhiên đây là giang sơn của dân chơi!) Còn lại 13 thằng thì 10 đứa chia 2 hàng ghế dưới, 3 thằng chiếm sàn cộng thêm những gói, ba lô, va li quần áo ngổn ngang trên dưới thì đủ chỗ như trong một hộp cá mòi! Chật chội như vậy nhưng đừng nói tù bị hành hạ! Chiến sĩ lao động Cải tạo, phải giữ gìn cho họ còn đủ sức khoẻ mới sản xuất đủ tiêu chuẩn chớ. Nhưng đòi hỏi tiện nghi du lịch thì khỏi! Công dân tự do đi xa có trả tiền còn mệt mỏi thì dân quần đảo đi đến nơi về đến chốn là may rồi. Bộ chàng rể đưa vợ về thăm nhạc gia chắc? Trước năm 1950 xe lửa Xô Viết chạy như rùa bò, thời khoá biểu co giãn nên đi tù đày là phải mất mấy ngày cá hộp liền. Bây giờ văn minh hơn, chỉ một ngày tới ngày rưỡi. Thời chiến và mấy năm sau chiến tranh mới là cực khổ tối đa. Tù đi đày chất trong toa xe Stolypin cỡ 7 ngày là thường quá. Ăn uống, bài tiết, thức ngủ gì cũng giới hạn hết trong ca-bin, không có vấn đề xê xích, di chuyển. Tháng 8 năm 1945, Susi được đưa từ Kuibyshev tới Chelyabinsk mỗi ca-bin lính gác tấn vô 35 mạng bắt buộc tù phải nằm sấp lớp đè lên nhau, tranh chỗ nhau chí chóe suốt ngày đêm và đánh nhau lục đục (Ai bảo tù cong cưng, ngoan ngoãn không dám chiến đấu?). Kỷ lục cá hộp và thời gian chịu đựng hình như là của Timofeyev-Ressovsky trong chuyến chở tù từ Petropavlovsk về Mạc Tư Khoa mùa thu năm 1946. Cũng toa xe Stolypin chia 9 ca-bin và tù chiếm 5. Mỗi ca-bin nhét 36 mạng tù đi, đúng 3 tuần lễ liền [1]. Mỗi lần hồi nhớ lại chuyến xe trở lại tự do nhà bác học đều rùng mình: không hiểu mình nằm hay ngồi nhưng chắc chắn Timofeyev-Ressovsky đã kẹt khúc giữa. Nghĩa là phía dưới người nằm la liệt, phía trên cũng chen chúc những người. Nhiều ngày liền cứ lơ lửng vậy vì chắc chắn chân không đụng được sàn xe! Dĩ nhiên những thằng nằm dưới bị đè nén cách đó thì chết quá dễ. Quả vậy, ngày thứ nhất chưa có chuyện. Từ ngày thứ hai trở đi, lính áp giải đã phải nắm chân những xác chết kẹt phía dưới kéo ra. Bớt được thằng nào đỡ khổ những thằng dở sống dở chết! Số xác kéo ra không được ghi nhận, chỉ biết dần dà 3 tuần lễ cũng đủ rộng chỗ để những thằng sống sót đi đến nơi về đến chốn. 36 con người dồn vào ca-bin vẫn dành cho bốn hành khách! Quả có ghê rợn, nhưng kỷ lục thì chưa chắc vì nước Nga dưới chế độ Xô Viết không có gì là giới hạn. Do đó nếu muốn nhét 37 mạng thì sau cùng cũng vẫn phải được. Vấn đề là phải thu gọn con người, sắp xếp lại để sử dụng tối đa từng phân khối khe hở còn sót lại ở các hóc kẹt, ở giữa khoảng những đầu, mình và chân tay, tổng hợp lại thế nào chẳng dư ra một chỗ? Vả lại sớm muộn thế nào chẳng có thằng chết kẹt, chết ngạt? Lôi bớt ra được một xác cố nhiên bớt đi được một chỗ cho đám còn lại. Hoặc nhét thêm vô nhiều thằng nữa! Nhân chứng Korneyeva từ Mạc Tư Khoa bị đi đày cũng ngồi toa Stolypin, 30 đàn bà nhét một ca-bin đa số lại là những lão bà lãnh án tôn giáo. Tới trại thì 28 người phải cáng đi nhà thương. Tuy nhiên không bà nào bỏ mạng trong cabin vì may mắn trong đám có năm bảy cô trẻ đẹp mang án "giao du với ngoại nhân". Cứ thấy mặt lính áp tải là họ xúm lại rủa xả: "Mấy anh khốn nạn, tàn nhẫn quá! Đày ải cả mấy bà già đáng tuổi mẹ mình, nằm ngồi chết chồng gần chết thế này sao?" Mấy thằng tù mà "có ý kiến" vậy là chết chắc. Các em dù sao cũng dễ thương hơn nên lập tức những bà già nào coi bộ chịu hết nổi được chuyển ngay sang cát-xô thụ hình. Nếu trong khám cát-xô là địa ngục thì trên toa xe stolypin lại là thiên đường! Như đã nói ở trên một toa chia 9 ca-bin thì tù chỉ có 5. Bao nhiêu mạng cũng dồn vào 4 ca-bin, để dành ra 1 ca-bin làm cát-xô để cô lập những thằng cứng đầu, vô kỷ luật. Cát-xô chia làm 2 ngăn và tối đa cũng chỉ nhốt 3 hay 4 thằng phạm tội. Do đó được nằm cát-xô là tiện nghi không thua nhân viên Hoả xa đi theo chuyến xe! Vấn đề ăn uống trên xe mới cực khổ trần ai. Tù mà đòi hỏi đồ ăn nóng, rau trái tươi trong khi di chuyển sao? Dĩ nhiên súp chẳng thể cho ăn sống được nên mới có truyền thống cá khô. Bánh mì có sẵn, để khô. Thảy cho mấy con khô là tiện lợi biết mấy. Cũng gọi là đồ ăn, chịu đựng mấy ngày có chết chóc gì. Chỉ có khát nước vô số kể, nhưng đâu phải nhà tù cố tình hành hạ cho chết khát. Chế độ cá khô áp dụng mọi thời, mọi nơi, từ Tây Bá Lợi Á xuống Ukraine. Vẫn biết toa Stolypin nào chẳng có một khu nho nhỏ gọi là nhà bếp bỏ túi nhưng lính áp tải xài còn không đủ, đâu đến mấy thằng tù hưởng. Cũng như mấy món đồ hộp vô cùng quý giá vậy! Hãy có cá khô mà ăn! May mắn được một miếng khô cá chép biển Caspian, hay phân nửa con khô chầy. Nhưng được vứt tận tay thì cứ giữ lấy, bọc kỹ lại hay nhét lén trong túi áo. Phải chờ coi ga tới có được phát chút nước ngọt nào không đã. Hấp tấp, tham ăn là có chầu khát nước bỏng cả cổ họng. Nửa con khô chầy gọn gàng, nhét vô đâu không được. Nó có lầy nhầy, nhám nhúa như mấy con khô trạch ranh con lổn nhổn những muối bột chát đắng. Khô trạch thuộc loại ướt át, dơ dáy để dành không được, nếu không các thầy chú đã chẳng hốt một mớ, thảy vào manh áo thằng nào đó để liệu mà chia nhau. Khô trạch là thứ phải vốc bằng tay, giữ không được liệng thì tiếc mà ăn vô chỉ khát nước mà khổ. Chẳng bù với khô cá chép to tướng liệng nguyên con vô sàn xe, tù có thể để lên đầu gối xé chia nhau mỗi đứa một miếng. [2] Thông thường lính áp tải có lệ "có gì phát nấy" cho tù. Phát khô là có bánh mì, lâu lâu còn có cục đường. Chỉ sợ nhất lúc gã trưởng toán ghé đầu vô tuyên bố: "Bữa nay ráng nhịn nghe. Mấy người không có khẩu phần". Thế là nhịn thật vì không có khẩu phần thật! Có thể vì ban lương thực nhà tù "tính lầm", có thể lính áp tải hụt bánh, nên "mượn" của mấy thằng tù. Không phát bánh mì là nửa con cá khô cũng không luôn. Thà truất luôn thể cho đỡ bại lộ. Sức mấy tù dám kêu ca. Ăn tiếng vậy còn đỡ lo. Nước uống mới là mối đe doạ thường xuyên vì xe lửa đâu có chở theo nước uống. Tới ga nào tiếp tế chẳng được, dù lâu lâu ưa kẹt bậy và vận chuyển khó khăn (không lẽ chiến sĩ Hồng quân thời bình mà phải quần quật xách nước lo hầu hạ đám phản động?) Số lính áp tải giới hạn, công tác quá nhiều lại phải chia 3 ca. Làm việc 8 giờ một ngày thôi chớ. Nào canh gác trong xe, ngoài xe, tới ga lo đi kiểm soát thành toa xe, leo lên nóc, chui xuống gầm gõ từng chút một. "Lỡ tù âm mưu đục một lỗ, đào tẩu dọc đường thì sao?" Còn phải lau chùi súng ống, học tập chính trị, quân sự mỗi ngày, Thực sự toa tù phải đậu ra xa một chỗ khuất, công tác đi xách từng thùng quả có nặng nhọc. Phải chi tù được phép mang theo bầu nước, ca nước riêng! Mỗi ca-bin cổ lệ chỉ có 2 gáo uống nước của nhà nước phát, liệu chia tua mà xài với nhau cái điệu một thằng uống mấy thằng chầu nuốt nước miếng mà nước uống có ngon lành gì. Có khi nước lấy ở nồi súp de đầu máy ra đục ngầu, sặc sụa mùi dầu máy. Ăn thua gì, có mấy khi ở trong ca-bin có đủ ánh sáng đâu. Cũng như nguyên tắc thì "mạnh khoẻ, vô bệnh tật uống trước, sau đó đến ho lao và mấy thằng mắc chứng giang mai phải đợi sau rốt". Nhưng lát sau ca nước lại vục vô chậu, múc thêm nước, có tẩy uế gì đâu. Đời sống trên công voa là vậy. Lo cơm nước, canh chừng đám tù đã là cả một trách nhiệm phiền phức. Lại còn vấn đề bài tiết mới rắc rối! Có ăn uống là phải có "cho chúng nó ăn nhiều chỉ mất công đưa đi vệ sinh". Luật lệ hộ tống buộc phải vậy thì càng cho chúng ăn uống ít đi càng đỡ mệt. Đâu thể cho phép tù "bậy" trong ca-bin. Cả toa xe chỉ có một cầu vệ sinh ở đầu toa, đưa 1 thằng đi là phải 3 người "hộ tống": 1 binh nhất, 2 binh nhì chia nhau canh. Đứng trấn sao cho nó hết hy vọng vùng chạy, kể cả đứng sát vào cửa cầu tiêu mở he hé. Luật lại buộc chỉ cho đi từng thằng một mới là phiền phức. Một thằng đi mất 3 người đưa, còn 30 thằng chở trong ca-bin và tính cả toa xe là 120. Vì vậy giờ cho đi cầu ầm ĩ rối loạn những hối thúc: "Lẹ lên, mất thời giờ quá!" Đi cũng như về bị 3 người hối thúc, nhiều thằng té thảm thương. Nhất là trường hợp gã Schultz một người Đức năm 1949 từ Mạc Tư Khoa đi Kuibyshev. Bị xô đẩy quá, hắn cuống cuồng nhảy lò cò làm trò cười cho mọi người. Một lần quá vội Schultz vấp té chỗ cửa cầu tiêu bị lính "hộ tống" giận dữ đánh đấm túi bụi, cất đầu dậy không nổi. Hắn đành phải bò lết vào trong cầu tiêu để tránh đòn. Vậy mà bà con còn cười được, cười lớn hơn! Nghĩ đến danh từ "thần tượng hoá cá nhân" của Stalin không khỏi xót xa. Than ôi ngồi trên cầu vẫn còn bị hối! Còn gã lính gác ngồi ngất ngưởng chỗ chòi cao phía ngoài toa xe "theo dõi" bằng mắt và miệng chõ vô hét: "Đi cấp tốc, đủ rồi, còn chờ đợi gì nữa? Thằng số một vô là vừa rồi. Lẹ lên". Có cái la-va-bô nước dơ dáy tính thò tay vô rửa qua là bị nạt: "Đừng có thọc tay vô! Cút ra,". Còn nói gì tới xà bông có cũng không dám giở ra, lấy khăn lau sơ cái tay cũng hết dám! Đành lại lẹp kẹp đôi dép trên sàn cầu cực kỳ dơ dáy, vội vàng đi như ăn cướp trở về ca-bin. Đôi dép đó điềm nhiên bước qua tay, qua vai đồng bọn trước khi trở về đúng chỗ cũ trên nócc ca-bin, treo ngất ngưởng trên chân để mặc cho nước cứ thế nhỏ giọt, Đàn bà đi "công tác vệ sinh" đại khái cũng vậy. Cửa ngoài không được phép đóng mà phải mở hé, vì một chiến sĩ Hồng quân vẫn phải đứng sát cửa trong canh chừng. Cũng có gã trưởng toán ra lệnh đóng cửa ngoài luôn. Sau cùng một phụ nữ bắt buộc phải công tác cọ rửa, lính canh bắt buộc vẫn phải đứng bên "theo dõi" kia mà. Dù có hối thúc như điên thì 120 con người vẫn không thể làm xong công việc trong 120 phút. Phải trên 2 giờ! Mất đứt đi một phần tư ca còn gì? Dù tinh thần cao đến đâu, "hộ tống" mãi cũng phát mệt và tởm. Đó là lý do lính canh không bao giờ chấp nhận cỡ nửa giờ sau lại: "Xin phép sếp, cho đi". Thằng nào bày đặt đám đòi đi thêm là phải làm ngay trong ca-bin rồi phải tự tay bốc hốt mang xuống dưới cầu! "Ăn cho lắm vào". Cái mùi xú uế đó ai chịu nổi? Thôi thì cứ giới hạn khẩu phần trước là vừa! Nước uống chỉ nhìn nhín thôi. Để giới hạn mọi phiền phức. Nhưng bánh khô, cá khô vẫn giữ phải phát. Luật bắt buộc vậy.
[1]Cũng nên nhắc Timofeyev-Ressovsky là nhà quang tuyến Sinh vật học lừng danh của Nga, có phòng thí nghiệm ở Đức từ 1922 đến 1945. Sau khi "hồi hương để kiến quốc" bị Stalin tặng 10 năm cải tạo. Sống sót trở về Mạc Tư Khoa, như trên thì các Sĩ quan Nội An chờ sẵn ở sân ga, chia nhau bồng bế (thay vì nằm cáng đã quá tử tế) ra xe riêng đưa đi tĩnh dưỡng để nhà bác học có dịp phục hồi sức khoẻ phục vụ Tổ quốc. [2]Tập hồi ký Thế giới tù đày của Yakubovich, xuất bản năm 1964 ở Mạc Tư Khoa viết về những năm đói kém hồi 1890 tù đi đày Tây Bá Lợi Á được phát mỗi đầu người 10 kopeck tiền ăn đường Hồi đó ổ bánh mì lớn, ngon nhất là 5 kopeck… một bình sữa 3 kopeck và ở trại Irkutsk xa xôi, đời sống đắt đỏ tới 10 kopeck một nửa ký thịt nên tù đi đày KHỔ SỞ, THIẾU THỐN. Than ôi, với những thằng đi đày "cá khô làm chuẩn" thì chỉ mong sao "thiếu thốn" được nửa ký thịt một ngày! [3]Yubahovich ghi rõ ràng: "… chỉ vì những đòi hỏi đặc biệt này mà tù thường phạm thường mệnh danh chính trị phạm là những "đàn anh đớp híp". Xin bạn đọc phê phán xem có oan hay không? [4]Tôi cũng nghe nói có vài trường hợp chống cự hẳn hoi, nhất định không cho bọn côn đồ "làm thịt". Có điều những chiến sĩ đó không bảo vệ Công lý, bênh vực mấy thằng già yếu bênh cạnh mà chỉ tự bảo vệ lấy thân, đúng nguyên tắc "võ trang bất can thiệp". [5]Bằng cớ là ông bạn V.L. Ivnov nay ở Uktha, trong thời gian đi chơi đã dính Điều 162 (trộm cắp) chín lần và Điều 82 (vượt ngục) năm lần. Nếu ở đủ án thì phải 37 năm nhưng thực sự Ivanov chỉ ăn cơm nhà lao từ 5 đến 6 năm. [6]Trong ngôn ngữ của giới Blatnye thì danh từ frayera chỉ bọn người ở ngoài giới nhưng "nhà quê, làng xã" chớ không phải blatnoi hay Chelovek (con người, người đàng hoàng). [7]Tên nhà đại văn hào mà lấy đặt tên cho Trại Cải tạo thì quả thực trớ trêu! Sao không có trại Pushkin, Gogol hay Tolstoi? Giữa Elgen và Kolyma còn có mỏ đồng Gorky.
°
Xin đừng hiểu có sự cố tình hành hạ. Chẳng qua luật lệ bó buộc và sao cho tiện việc, như dân La Mã ngày xưa bị nhốt cũi sắt, lè những cái lưỡi khô rớm máu cho lính canh đổ muối lên mà thôi. Có mấy khi cố tình nhốt chung thường phạm cùng ca-bin với những người đi đày vì điều luật 58. Blatari vẫn cho đi riêng! Nhưng tù nhiều, xe ít, thời gian hẹp quá. Có 5 ca-bin thì 1 là cát-xô, 1 dành cho đàn bà. Còn có 3 cái thì sắp xếp, chọn lựa tư pháp chính trị mất công quá. Sao bằng sắp theo thứ tự nơi đến? Cùng đến một nơi nhưng nhốt chung cùng 1 ca-bin mới thuận tiện, hợp lý! Ngày xưa Pontius Pilate cho đóng dinh Đấng Christ, treo giữa 2 quân trộm cướp đâu phải nhằm hạ nhục. Tình cờ rơi trúng nhằm ngày hành hình, chỉ có một đỉnh Golgotha mà thời gian cũng gấp rút quá nữa. Vậy Đấng Christ có bị chết treo chung với bọn trộm cũng có sao đâu.°
"Tôi chắc nếu mình là thường phạm sẽ bị đối xử tệ hại lắm. Bề nào chính trị phạm tôi cũng được bọn áp tải từ lính đến quan vì nể rõ, tiếng bị đưa đi đày khổ sai nhưng ngồi xe tương đối dễ chịu, có ca-bin riêng không phải chung đụng với thường phạm. Mớ hành lý cỡ hai chục ký lô còn có xe đẩy đi, không phải tự tay vác lấy". Xin bạn đọc để ý giùm mấy hàng chữ trên in trong ngoặc kép. Ngoặc kép còn để làm gì, nếu không muốn gợi ý ngược lại một cách chua chát? Hay muốn phân biệt ra cho rành rẽ. Vì đoạn văn trên chẳng phải của tôi mà trích từ hồi ký của tù già Yakuhovich cực tả đời sống tù tội những năm 1890, vừa được xuất bản ở Mạc Tư Khoa để ghi nhận một thời kỳ tăm tối, đau thương. Tolstoi cũng ghi nhận trong tập Hồi sinh. Hồi đó tàu chở tù đi đảo thì chính trị phạm cũng được dành ca-bin riêng, có lối đi dạo cho đỡ chồn chân. Ông Hoàng Nebkhlyudov còn được phép vô thăm hỏi. Cũng chỉ chờ 3 chữ mầu nhiệm chính trị phạm ghi lầm bên cạnh tên (chính đương sự thú nhận) mà đến trại khổ sai Ust Kara, phạm nhân Yukabovich được sếp giám thị vị nể. Chính trị phạm là phải đổi khác, không được phép đánh giá như tù tư pháp. Thời buổi quý hoá vậy chớ. Đảng viên Cộng sản Oliminsky viết rằng: "năm 1899 thường phạm ra ga đi đày bị sắp hàng đi diễu ngoài phố để hạ nhục trước công chúng. Chính trị phạm có xe ngựa chở đến. Ngay ăn cũng không phải ăn cơm tù, có phụ cấp ẩm thực và có quyền nhận đồ ăn chính do nhà hàng đưa tới. Vì vậy khẩu phần nhà thương bị tôi từ chối vì nấu hỗn tạp quá!" [3]. Thậm chí quản đốc khám Butyrki có lần phải xin lỗi chính trị phạm Olminsy vì một giám thị dưới quyền lỡ ăn nói xấc xược. Ông ta giải thích rằng: "Ở đây lâu lâu mới có chính trị phạm nên thuộc viên của tôi không quen tiếp xúc với mấy ông!". Chao ôi, thời buổi sung sướng. Butyrki lâu lâu mới có chính trị phạm! Thời ấy chính trị phạm nằm đâu? Đâu đã có khám đường Lubyanka hay Lefortovo? Nhà văn Radishehev bị xiềng xích đưa đi đày thật. Gặp trời lạnh được vứt cho một mảnh da cừu tươi, dơ dáy lấy đỡ của một phu Hoả xa. Nhưng sau đó chính Nữ hoàng Catherine ra lệnh phải trút bỏ xiềng xích và người cần cái gì phải cung cấp trong thời kỳ đưa đi đày. Ngược lại tháng 11 năm 1927 giữa mùa giá lạnh nhất, nữ phạm nhân Anna Skripnikova bị đưa từ Butyrki ra đảo Slovetsky vẫn phong phanh chiếc váy vải hoa, mũ rơm mùa hạ. Từ lúc bị câu lưu là nhà cửa niêm phong cứng, có ai cho phép gởi quần áo lạnh? Thử hỏi giữa thường phạm và chính trị phạm có gì khác nhau, nếu chẳng phải quan điểm cá nhân? Tù chính trị có quan điểm, có lập trường do đó họ có ý thức tự do ngay cả khi bị bắt. Nhưng kể từ khi nhà nước có nhãn hiệu phản cách mạng (bọn KR!) và đến đảng viên Xã hội còn bị tước đoạt luôn mác chính trị thì chẳng gì làm mấy ông cai ngục ôm bụng cười và phạm nhân ngạc nhiên cho bằng xác nhận "Tôi là tù chính trị. Yêu cầu!" Lập tức giám thị sẽ long trọng tuyên bố: "Vô đây thằng nào cũng là thằng tội! Đó là một sự thực!" Đó là sự thực ngỡ ngàng mở mắt thằng tù chính trị ngay từ hồi còn kẹt ở khám giam cứu hay trên chuyến xe đi đày. Nếu những trận đòn tra tấn tàn nhẫn, những mục thẩm vấn quay quắt liên miên đã khiến anh không dám xếp hạng những ông Mật vụ mũ xanh (họ là cán bộ Cơ quan, không thể nhầm lẫn!) thì hiển nhiên anh cũng phải nhận ra sự đồng loại giữa những thằng tội với nhau, những thằng đang chia sẻ một thân phận. Dù căn bản, trình độ và thực tế cuộc đời khác hẳn nhau. Có gây gổ nhau hay bị họ chèn ép, đàn áp thì cũng đến vậy. Cũng thằng tội như nhau! Chen chúc cùng một ca-bin toa xe Stolypin với nhau hiển nhiên là một đám cùng chung cảnh ngộ tù đày. Những kẻ thù, những thằng từng hành hạ mình nhất định phải ở bên kia, không thể cùng ở bên này, trong đám này. Khốn nạn, vậy mà lúc ngước mắt nhìn lên ca-bin phía trên anh bỗng nhận ra 3, 4 khuôn mặt một lúc. Mặt người không phải mà mặt khỉ cũng không! Mặt khỉ phải lành hơn, có dáng suy tư hơn nhiều chớ. Không phải những khuôn mặt chịu đựng đau khổ đang xấu xa nhăn nhó. Nếu vậy đã có phần nào người! Rõ ràng 3, 4 khuôn mặt ác độc, hung dữ, biểu hiện của cả một thèm khát, nhạo báng. Hình như mặt nào cũng chăm chăm vào anh như nhận rình ruồi và anh đã bị màng lưới của nó giam hãm kỹ. Trên khuôn mặt đó hình như hai cánh môi đang mấp máy, nhem nhép sửa soạn táp mồi. Hình như chúng cũng cất tiếng nói. Không, chúng phát âm thì đúng hơn vì âm thanh gì rít rống, ấp úng khác lạ quá! Những thân hình kỳ cục không người không khỉ đó thường đánh chiếc áo thun cộc. Ca-bin Stolypin hầm quá mà. Chợt hiện ra những phần cổ nổi ngắn, những bờ vai ăm ắp, những lồng ngực xâm trổ đến khiếp. Không gầy gò, trơ xương tù chút nào. Ô hay, ai thế? Họ từ đâu đến? Bỗng đâu lủng lẳng nơi cần cổ hiện ra một vật nho nhỏ, đong đưa. Một cây thánh giá xinh xinh, dĩ nhiên phải bằng nhôm. Anh chợt nghe lòng ấm hẳn lại, tin cậy hẳn. Dù sao có nó là còn có Đức Tin. Còn là người, không có gì e ngại hết! Đúng lúc đó thì niềm tin vừa hình thành trong anh sụp đổ cái rụp. "Con người" mang thánh giá vừa buộc miệng chửi thề, tiếng chửi thô tục các ngài, lai căng, đểu giả. Thế rồi nó chĩa ra hai ngón tay, ngón trỏ và ngón giữa đâm thẳng ra và dứ dứ chọc vào mắt anh. Nó muốn nói: "Ê, thằng quỉnh, Ông móc mắt mày ra bây giờ!". Nó đâu có hăm doạ suông. Nó dám làm thiệt và làm tức thời, ngay đây, vì triết lý sống, đạo sống của nó là vậy! Than ôi, cặp mắt quý giá của anh còn dám bị nó móc ra khơi khơi thì những gì của anh, bám vào người anh nó có tha bao giờ! Thốt nhiên cây thánh giá đua đưa, thấp thoáng trước cặp mắt và khuôn mặt ngơ ngẩn, khờ khạo của anh. Đầu óc anh choáng váng. Này, còn biết suy nghĩ gì nữa, trời? Nó điên hay anh điên. Thằng nào sắp điên? Phút chốc bao nhiêu quan niệm của anh về cuộc đời này, về con người bỗng đổ sập. Thế này còn gì nữa? Cuộc đời anh trước khi bị bắt kể bỏ đi. Nhưng ngay cả sau khi bị bắt thì người với người giao tiếp với nhau vẫn phải bằng lời. Bằng tiếng nói của người. Thẩm vấn, hạch hỏi cũng vẫn người nói với người, để rồi người có thái độ, người phản ứng. Hoặc ra lệnh, hoặc chấp nhận cũng vẫn là con người nói với nhau. Nhưng động tác anh vừa chứng kiến đã vượt ra khỏi ngôn ngữ của loài người, ở ngoài hẳn sự tương quan giữa người và người. Một đại diện trong số 3, 4 khuôn mặt ấy sẽ mò xuống – thông thường là một đàn em côn đồ, mất dạy ra mặt. Chính nó cởi gói đồ của anh, thọc tay vào túi anh, điềm nhiên như của nó. Vậy thì anh còn gì nữa? Anh ngây người ra như tượng gỗ, thây kệ cho nó bóc lột. Lên tiếng phản đối, la lối hay một cử chỉ phản kháng, giằng co làm gì với nó hoặc với mấy thằng trên ấy? Chúng nó đâu phải người. Đúng thế, với thằng đàn em, hay 3, 4 thằng già đầu kia chỉ có một cách đối phó và đập. Đừng nói. Đập là xong. Từ dưới này đập với lên sao được? Mà thằng khốn cướp trắng trợn bỉ ổi thật nhưng nó cũng không ổn. Hay là xô nhẹ nó ra? Không được. Ngay bây giờ chính nó có thể xô tới cắn phập một phát cho anh đứt mũi. Hay bất thần từ trên dộng xuống cho anh bể đầu. Dao nhọn chúng có, nhưng với anh thì rút làm chi, lụi làm chi cho dơ lưỡi dao? Anh đành liếc nhìn bè bạn chung quanh, mấy thằng điều 58 Hình Luật như nhau. Để coi, có nên kháng cự lại chăng? Ô hay, sao họ im lặng, họ dửng dưng như không thấy gì, chính họ là những người từng bị lột dễ dàng in hệt? Họ ngồi co ro, gục mặt và hỡi ơi rõ ràng họ nhìn anh như mọi lần vẫn nhìn. Họ toạ thị điềm nhiên trước một chuyện ắt phải xảy ra, như cỏ mọc như mưa rơi! Mà thôi, xét ra đúng lúc phải chống cự nhất thì họ cũng như anh đã điềm nhiên toạ thị mất rồi, lúc phải nhìn lại gương Struzinsky châm lửa thiêu sống trong xà lim ngục Vyatka, lúc bị nhà nước gán mác "phản cách mạng". Vậy anh mới để cho mấy thằng côn đồ "mượn" đỡ chiếc áo lạnh, lục lọi trong người "mượn" luôn tờ giấy bạc 20 rúp khâu kín dưới ve áo và ngó bọc đồ của anh bị thảy lên trên đó để chúng lục soát "tịch thu" tất cả những gì bà vợ yêu gởi cho chồng mang theo đi đày. Đúng, chúng thảy xuống cho anh thì còn gì đâu, ngoài chiếc bàn chải răng? Phải nói thật là không phải ai ai cũng chịu để chúng "thịt". Khoảng 1930, 1940 chẳng hạn, chỉ 99 phần 100 thôi [4]. Khốn nạn, toàn những đàn ông, chiến sĩ tiền tuyến cả! Thì ra muốn làm gan đập thì phải biết mà chuẩn bị sẵn, chờ chúng ta ra tay là đập. Không ngờ có chuyện này xảy ra, không ngờ bọn blatnye bóc lột là hỏng! Cứ ngây thơ tưởng đã làm cảnh tù đày chỉ phải đối phó với thầy chú là sai lầm tai hại. Còn phải "đụng độ" chán mới thấm thía rằng côn đồ với thầy chú chỉ là lá mặt lá trái của một cây bài, đúng định luật câm: "Chú khi ni, mi khi khác". Mới đi tù quen tự coi mình tù chính trị, đứng về phía nhân dân chống lại nhà nước ắt không khỏi bốn phương tám hướng đều có kẻ thù chia nhau xâu xé. Lúc bấy giờ đầu óc mới quay cuồng, không biết đường nào mà mò cho đến lúc tỉnh táo nhận ra rằng Mũ xanh hay xâm ngực vốn tuy hai mà một. Muốn gan dạ đập lại thì ít nhất phải có cảm giác an toàn. Sau lưng có chỗ dựa, hai bên sườn là đồng minh và, chân đi vững vàng trên đất. Những điều kiện đó tù đi đày điều 58 không có! Về mặt vật chất thì ngồi trên xe Stolyphin thân thể đã bầm dập, tơi tả, không còn hơi sức sau những trận đòn, nhịn ăn, cấm ngủ, biệt giam gần chết cóng. Tinh thần là cả một sự sụp đổ để thấy rằng tư tưởng mình sai lệch, cuộc đời đi không đúng hướng và bạn bè đồng chí cũng chẳng cần biết gì, chẳng còn gì. Chỉ cần sống. Điều 58 Hình Luật quả có tác dụng đè bẹp một con người, tách rời nó một lần và vĩnh viễn. Nó sẽ thấu hiểu rằng lỗi lầm trọng đại và tệ hại nhất hồi còn tự do ở ngoài đời là dám nghĩ đến việc kết hợp nhau đi khác con đường của Đảng, của nhà nước. Thậm chí trong tù nó đâm sợ bất cứ cái gì làm chung hay có dây dưa với một người nào khác. Hai thằng tù cùng thắc mắc một điểm, cùng ký tên chung một bản thỉnh nguyện. Nghĩ đến hợp tác, cộng tác là ngán và còn ngán lâu. Ngán đến độ không dám sẵn sàng hợp lực để đối phó với côn đồ nữa! Ở trên xe, ở khám dọc đường tù "chính trị" đâu dám nghĩ đến một con dao, một cây gậy. Một là dao, gậy để làm gì, để đánh ai? Hai là đã bị dính vô điều 58 mà giở đến dao đến gậy dám bị ra toà xử lại, xử bắn lắm. Ba là chưa dùng đến mà bị lính xét lòi ra dao, gậy cũng nguy hiểm quá. Thường phạm chỉ vì phạm luật nhà lao hay côn đồ là cùng. Dân 58 thì chắc chắn là khủng bố hết chối. Sau hết, đa số những kẻ bị đi đày điều 58 đều thành phần hiếu hoà, nhiều người có tuổi hoặc thể chết yếu đuối. Đó là những người cả đời chỉ văn chương chữ nghĩa chớ không chuộng quả đấm. Bị bắt cóc rồi cũng vẫn vậy chớ không hơn. Trong khi đó đám trộm cướp tuy cùng chuyến xe đi đày nhưng họ đâu bị thẩm vấn, điều tra. Hai chầu hỏi cung, một phiên xử là thành án mà án cũng chẳng mấy khi ở hết. Không khoan miễn giảm án cũng vượt ngục [5]. Sung sướng nữa là thời kỳ giam cứu, chưa thành án vẫn có quyền nhận đồ tiếp tế từ ngoài gởi vô. Tiền "làm ăn" còn giữ được, thân nhân hay đồng nghiệp phụ trách "thăm nuôi" thì phải biết là no đủ! Họ có nhịn ăn một ngày, gầy ốm đi ký lô nào. Di chuyển lại có quyền ăn trên lưng bọn tù Frayera [6] mà họ liệt vào hạng nhà quê, cả quỉnh làng xã. Đối với dân blatnye, luật pháp không xuống tay nặng đã đành mà hình như họ còn vinh dự vì 3 chữ "tù tư pháp!" Thái độ của thầy chú còn làm cho họ có lý do "lên" nữa: "Cướp, trộm hả? Có sao đâu, cho dù có mang án sát nhân, cũng còn hơn mấy thằng phản quốc! Có cơ hội là còn cải hoá được". Ưu điểm của tù tư pháp còn thấy rõ ở điểm không bị những khoản 11 chi phối. Tù điều 58, thêm khoản 11 là CÓ TỔ CHỨC rồi! Trái lại luật pháp không nhằm đối phó với bọn ăn cướp có tổ chức, nhà nước không trừng trị tổ chức cướp, trộm. Cướp trộm có tổ chức cũng quét dễ cái một!) Có dấu võ khí cũng chẳng sao, luật lệ giang hồ còn được tôn trọng (thì ăn trộm, ăn cướp hiển hiện là vậy rồi!) Thậm chí giết người trong xà lim không bị chồng án mà xem ra còn được vị nể thêm. Tù tư pháp thực sự được chế độ ưu đãi từ lâu. Họ bất quá chỉ bị roi như vô kỷ luật, không tôn trọng luật pháp. Làm cách mạng phản đế nương dựa được vào bọn họ! Năm 1901 Stalin còn bị các đồng chí cùng ở tù kết án lợi dụng tù tư pháp để chống lại các đối thủ chính trị và từ 1920 trở đi nghiễm nhiên coi họ như "đồng minh". Quan điểm Makarenko cũng vậy khi ông ta khẳng định "tội ác thực sự bắt nguồn từ môi trường phản cách mạng" do đó trộm cướp còn cải hoá được. Thành phần rác rưởi, vô phương cứu vãn là đám kỹ sư, tu sĩ, đảng viên Men-xơ-vích, Cách mạng Xã hội. Vì vậy mấy chục thằng phản động nhát nhúa quen cong lưng chống cự sao nổi vài ba đứa "vô kỷ luật" hè nhau bóc lột? Gọi là "đồng minh" cố nhiên người nhà nước đã lờ đi cho họ làm. Đó là sự thực trắng trợn, ngờ ngờ! Bằng không nếu không dám đấm đá, giằng co thì những thằng bị lột vẫn còn mồm để thưa gửi, kêu cứu chớ. Chỉ cần la một tiếng là lính gác phụ trách hành lang bắt buộc phải nghe thấy. Cách nhau có 1 mét không lẽ người nhà nước không can thiệp. Người nhà nước không can thiệp vì nạn nhân không cầu cứu. Cầu cứu làm chi khi chính xác các đồng chí hộ tống cũng cùng quan điểm Makarenko? Tệ hơn nữa là bao lâu quen dung dưỡng "đồng minh", người nhà nước nay bọc xuôi theo "đồng minh", và đặc biệt trên công voa hộ tống thì làm "đồng minh" luôn. Lính hộ tống thực sự cũng bóc lột tù, cũng ăn giựt. Nhất là trong khoảng 10 năm giữa thập niên 1930 và 1940, thời kỳ tù phản cách mạng bị đàn áp mạnh nhất, tù tư pháp dám làm lộng nhất! Nạn bóc lột gần như công khai nhưng có nghe nói lính hộ tống chưa can thiệp một lần nào. Chỉ thấy trước mắt vô vàn những chia chác giữa "đồng minh". Có "mượn" được món đồ tốt là đút lót các đồng chí hộ tống, đổi lại được tiếp tế Vodka, săng-úych và nhất là thuốc lá! Xét ra cũng chẳng có gì lạ. Thầy đội trưởng toán áp tải có súng thật nhưng tất cả mọi vật sở hữu trong người từ chiếc áo dạ, đôi giày đến cà-mèn cơm đều là đồ nhà binh phát, nghĩa là những vật dụng hạng tồi. Có dễ gì trấn áp được khi thấy thằng tù phản động dưới tay mình nào áo nào mũ nào bốt-da toàn thứ chiến? Lại đầy một bọc đầy những vật lạ trưởng giả thành thị tại sao không động lòng tham? Tại sao không có quyền tịch thu, huống hồ đã có "đồng minh" ra tay thay và sẵn sàng nạp lại? Nếu có sự phân cách, tại sao không san bằng chính cái hố sâu ngăn cách đó? Hai năm 1945-1946 lớp tù đi đày phản động từ Âu châu trở về. Họ mang trong người, bọc trong hành lý nhiều món đồ lặt vặt, hiếm có quá! Sĩ quan đi hộ tống cũng động lòng tham, cứ gì trung sĩ? Thời chiến không được ở ngoài mặt trận để vơ vét chiến lợi phẩm, thời hậu chiến có dịp sao không bọc lột lại? Thì ra chẳng phải vì ít thì giờ, vì thiếu chỗ nhốt hoặc vì muốn thuận tiện công việc mà có vụ giam lẫn lộn thường phạm và tù chính trị trong cùng một ca-bin toa xe Stolypin? Phải tạo ra sự chung đụng, hỗn tạp, các "đồng minh" blatnye mới có cơ hội "làm ăn". Con mòng có những cái gì đáng lột và lột bằng hết để những gì đáng chuyển giao thì cho chúng chạy vào ba lô các thầy chú hộ tống! Nào trash (những quần áo, giày dép giá trị của nhà giàu) nào bao nhiêu thứ bacilli béo bở (đường, sữa, bơ). Muốn lột con mòng thì phải có các "đồng minh" nhằm sẵn trong ca-bin. Nhưng có phải muốn có "đồng minh" lúc nào cũng được? Lỡ trên xe không có, chuyến xe sắp chuyển bánh và những khám đường cũng không có thì sao? Năm 1947 có toán lính hộ tống được lệnh áp tải một số tù ngoại quốc từ Mạc Tư Khoa tới Trung ương khám đường Vladimir. Điệu này trúng mối lớn! Chỉ nhìn chỗ hành lý, bao nhiêu va-li căng phồng mở ra xét qua là biết hết. Một cuộc tịch thâu diễn ra tức thời. Để không giấu lén được một cái gì, tù phải cởi trần truồng ngồi thứ tự trên sàn xe, ở sát nhà cầu. Xét món nào là "di chuyển" món ấy. Có lẽ toán hộ tống choá mắt quá quên bằng một điều sơ đẳng: đám tù này không đưa đi trại Cải tạo mà đến một khám đường! Đến khám đường là có tổ chức đàng hoàng, tù có quyền làm đơn khiếu nại. Do đó, Korneyer tố cáo. Thế là phải điều tra. Toán hộ tống "ăn cướp" bị truy ra tức thời, từng người một bị khám xét và lòi ra gần đủ mặt "chiến lợi phẩm". Những món đồ mất không truy ra được nhà nước bồi thường bằng tiền mặt. Nghe nói mỗi vị hộ tống đều bị quất từ 10 năm tới 15 năm, nhưng án tư pháp dễ khoan hồng quá! Phải chi ông trưởng toán sáng suốt một chút chắc đã không dám rớ tới "món hàng" ngoại quốc này. Càng mập càng khó nuốt! Trường hợp dưới đây khác. Tháng 8 năm 1945 có chuyến đi đày từ Mạc Tư Khoa đi Novosibisk, có mặt cả Susi. Trên toa Stolypin không có một dân chơi. Đường xa, xe chạy rề rề. Đợi đúng lúc thuận tiện nhất, ông trưởng toán hộ tống ra lệnh khám xét. Từ ca-bin tù phải bước ra từng đứa một, cởi trần truồng đứng ngoài hành lang. Dĩ nhiên lúc bước ra phải xách theo hành lý. Đâu phải khám xét những món đồ bất hợp pháp. Kêu từng người ra thì chuyền tay nhau giấu trong ca-bin quá dễ. Ông sếp chỉ giương cặp mắt hau háu ngó đám ba-lô, ngó túi mấy thằng tù tình nghi con mòng. Bề nào cũng sĩ quan, không lẽ tự tay xét? Đành kiêu kỳ đứng một bên để gã trung sĩ đàn em "làm ăn". Nhưng vẫn không giấu được ai vì không quen giấu được sự thèm muốn! Phải chi có một "đồng minh" thì tiện biết mấy. Không có dân blatnye chính hiệu thì coi, thế nào, chẳng có thằng đi dây điều 58 đổ đốn, sẵn sàng làm công việc "đồng minh". Tù khổ sở quá, những gương ăn cắp nhan nhản, tội gì giữ tư cách mãi. Thế là có 2 ông sĩ quan, 1 Hải quân là Sanin, 1 Bộ binh là Merezkhov động lòng và đồng tình xung phong. Bắt thóp được sự thèm muốn của Trung úy trưởng toán, Sanin bèn tự nhận đại diện ca-bin xin gặp sếp. Đó là một sự lạ nhưng sếp cho gặp liền. Ca-bin kế bên cũng có ông đại diện tương tự. Ngay sáng hôm sau, giờ phát bánh mì có chuyện lạ. Cổ lệ khẩu phần ăn đường hàng ngày của tù là 450 gam bánh. Sáng nay chỉ có 180 gam. Bánh phát xong là bà con xầm xì. Xầm xì chớ đâu dám lên tiếng, thay mặt tập thể chất vấn. Mãi sau mới có thằng dám hỏi gã phát bánh: "Sếp coi, khúc bánh mì này cỡ bao nhiêu gam?" "Đúng khẩu phần hàng ngày". "Sếp cho cân lại. Khẩu phần này tôi từ chối". Hắn lớn tiếng. Ca-bin lặng thinh. Có thằng tính bẻ bánh ra ăn cũng chùn lại. Lỡ ra được cân lại thực thì sao? Sĩ quan trưởng toán hộ tống xuất hiện, quân phục chỉnh tề, oai nghi hơn thường lệ và oai vệ hỏi gặng: "Thằng nào vừa phát ngôn chống nhà nước đấy? Thằng nào?..." Cả ca-bin nghẹt thở. Cha thằng nào dám hó hé, dám đứng lên nhận ngay cái tội tày đình? Đang lãnh án đi đày vì tuyên truyền chống nhà nước mà lại bị quất thêm tội phát ngôn trước công chúng và người nhà nước thẩm quyền thì nát xương! "Thằng nào hó hé, toan xách động phiến loạn vì mẩu bánh mì đấy?" Bao nhiêu cặp mắt chiếu vô thằng tội phạm ghê gớm! Chẳng trốn chạy nổi, gã đứng lên ấp úng: "Trình sếp, tôi chỉ muốn nói..." "À, mày! Thằng khốn, mày tính chống đối?" (Đúng, hắn chống đối thực sự. Chống mẩu bánh quá nhỏ chớ chống nhà tù, nhà nước làm chi? Biết vậy thà bóp bụng một chút còn hơn!). "Thằng phản động tồi bại! Tội mày đáng treo cổ, cho ăn là tốt còn đủ can đảm đòi cân lại bánh. Nhà nước không bỏ đói, cho mày ăn uống mà còn dám bất mãn. Mày muốn chết chắc? Lính đâu, lôi cổ thằng khốn ra. Tống nó xuống cát-xô đã, nào còn thằng bất mãn nào ra đây? Còn thằng nào xách nhiễu bánh ít bánh nhiều không?" Thấy "thằng bất mãn" bị kéo cổ ra, cha thằng nào dám xách nhiễu! Bây giờ không phải bánh ít, bánh nhiều nữa. Mà từ nay sẽ là bánh phạt, cho cả ca-bin, cho tới khi đến Trại! Phải hiểu bánh đã thiếu thì sức mấy còn đường? Số bánh mì, đường đã bị sung công, tiếp tế thêm cho toán hộ tống công voa. (Vụ ăn chặn bánh và đường đã diễn ra đúng vào năm Hồng quân chiến thắng 2 kẻ thù lớn nhất là Đức và Nhật). Một ngày thiếu bánh chỉ khó chịu. Ngày thứ hai bắt đầu thấm mệt để thấy bị phạt bao tử chỉ có thiệt. Chống đối là ngu. Lúc bấy giờ "đại diện" Sanin mới có một ý kiến khôn ngoan: "Cứ đà này anh em mình sợ chịu hết nổi. Sức đâu chống chọi cho đến khi tới nơi? Theo tôi, tội gì anh em mình chịu đói? Anh em nào có chút đồ giá trị chút đỉnh không? Đưa tôi coi, tôi có cách ngoại giao, trao đổi với họ". Một vài người chịu đói may mắn chìa ra, gom góp vô để Sanin làm bộ chê món này, nhận món này. Một vài người không chịu. Thà đói! Một vài người ngần ngừ, chìa thêm đồ ra. Sau cùng Sanin cũng thâu được một mớ và lấy tư cách đại diện xin ra gặp Trung úy. Cả Merezkhov cũng xin theo ra. Lát sau 2 kẻ từ ca-bin gác bước ra, mang theo một mớ bánh mì xắt khoanh thực ngon. Lại có thêm mớ thuốc rê! Đại diện Sanin làm công tác chia chác. Dĩ nhiên thằng nào có lòi đồ ra mới có quyền thụ hưởng, cộng thêm 2 ông sĩ quan có công "ngoại giao". Anh em khác nhịn hết. Đó là một sự công bằng, hợp lý mà anh em không trách vào đâu được. Bản chất của trao đổi là vậy mà. Mấy người mất đồ cũng tự an ủi thà bỏ ra bây giờ còn no bụng chút đỉnh. Khư khư giữ lấy đồ có chắc gì giữ được mãi không? Có thêm mớ bánh là hể hả lắm. Dù kẻ ăn người ngó! Lát sau thế nào chẳng có tí khói vì thuốc rê chia chác cho nhau dễ chớ đâu có khó khăn như mấy lát bánh mì. Quả nhiên "khói tập thể" bốc lên, khét um cả ca-bin. Lúc bấy giờ mấy anh có đồ mới tiếc, tới Sanin gạ đi "ngoại giao" giùm nhưng hắn từ chối, để khi khác! Mấy năm hậu chiến xe lửa chạy chậm rề rề. Mỗi lần thấy toa, móc toa Stolypin mất quá nhiều thời giờ nằm ga chờ đợi nên đi Kuibyshev phải mất một tuần lễ. Vì vậy lính hộ tống mới đủ điều kiện sắp đặt vụ bóc lột tỉ mỉ và nói cho cùng chỉ những năm quá thiếu thốn ấy con người ta mới thèm muốn quá đáng những thứ thật tầm thường. Một tuần lễ liền mỗi ngày tù được phát không hơn 200 gam bánh (và cá khô, nước lã). Muốn được đủ phần bánh của nhà nước phát phải có gì trao đổi, mà số cung mỗi ngày vượt quá xa số cầu nên lính hộ tống còn có quyền kén chọn. Kuibyshev chỉ là khám tạm dọc đường. Đặc biệt tù được xuống xe áp tải đi tắm rồi trở về toa xe cũ. Từ đây đổi toán hộ tống mới nhưng công tác đổi chác vẫn tiến hành in như cũ vì lính cũ lính mới đã có cuộc "bàn giao" cần thiết. Điều đó chứng tỏ nạn bớt bánh đổi đồ phổ biến mạnh trong tất cả các đơn vị hộ tống. Vừa đặt chân xuống nhà ga Novosibirsk, còn đứng ngơ ngác giữa hai đường rầy đã thấy một ông sĩ quan tất tả chạy ra đón. Câu hỏi đầu tiên là: "Có ai thắc mắc, khiếu nại gì về đoàn hộ tống không?" Chẳng thằng tù nào lên tiếng, đến được là may rồi! Nước Nga vốn dĩ vậy, sếp đoàn hộ tống đầu tiên nghĩ ra công tác trao đổi thật hay.°
Tù đi đày xe Stolypin còn khác mọi hành khách ở chỗ không hề biết sẽ đi đâu. Đi miễn phí, khỏi mua giấy không được coi bảng ghi trạm đến thường treo ở vách toa hành khách. Ngay lúc lên xe cũng là một bí mật: toa Stolypin có chỗ đậu riêng xa sân ga mà Mạc Tư Khoa có tới 8 nhà ga khác nhau. Người nhà hay tin có muốn đi đón cũng chẳng biết nhà nước đưa đến ga nào. Tù ngồi cả mấy giờ trên xe đợi toa đầu máy tới kéo đi, móc vào chuyến xe đang đợi sẵn. Nếu là mùa hè sẽ nghe tiếng máy phóng thanh cất lên rành rẽ: "Xe đi Ufa chuyển bánh ở đường số 3, xe đi Tashkent chuẩn bị", chỉ cần nghe vậy là dân đi đày kinh nghiệm sẽ biết đang ngồi ở nhà ga Kazan. Vậy là mình không đi Vortuka và Pechora rồi: đi đày 2 trại này phải ra ga Yaroslavl kìa! Mà nhất định không phải Kirov và Gorky nữa [7]. Thời buổi này nhà nước có gởi đi đày Byelorussia, Ukraine, Caucasus đâu? Dưới đó làm gì còn chỗ? Nếu đi Ufa hay Takhsent thì đã đi rồi. "Xe đi Novosirbirsk nghe đây, ai đưa tiễn làm ơn xuống giùm. Hành khách cho coi vé xe". Thế rồi xe chuyển bánh. Đi hướng Novosibirsk thì đúng rồi nhưng còn thiếu gì trại khác ở trung vực Volga, ở miền Nam Urals? Bên Kazakhstan, bên Dzhezkazgan còn thiếu gì mỏ đồng? Ở Taishet cũng có trại vậy chớ? Ở đấy chuyên sản xuất các tà-vẹt đường xe lửa. Nghề làm tà-vẹt này độc lắm: nước thuốc xi ngấm vô xương, hơi thuốc vô phổi dễ bệnh vô cùng mà bệnh là chết chắc. Ngả đường này còn đi Tây Bá Lợi Á luôn: nào Sovetskaya Gavan, Kolyma, Norilsk. Gặp mùa đông thì cửa xe đóng kín bưng, chẳng nghe tiếng máy phóng thanh nữa. Nếu lính hộ tống giữ đúng kỷ luật là chịu, không thể biết đi đâu. Nằm co quắp vào nhau nghe bánh sắt nghiến xuống rầy rầm rầm nhưng chỉ biết đi là đi. Hai bên đường là rừng rậm, đồng bằng hay thảo nguyên cũng chịu luôn. Chỉ những thằng nằm ngăn giữa, liếc mắt nhìn qua cửa sổ bên kia hành lang may ra thấy thấp thoáng mấy cái cột điện chạy giật lùi. Nếu khuôn cửa không bị băng giá làm mờ mịt thì ngó qua ngó lại cũng có thể đọc lên mấy nhà ga. Nhưng những Avsyunino, Undol, nghe lạ hoắc, có biết nó nằm địa phương nào? Ngần ấy người có ai biết? Đành ngó mặt trời để biết đại khái đang đi hướng Đông hay ngược lên miền Bắc vậy! Tới ga Tufanovo chẳng hạn, có thêm mấy mạng tù mới được nhét lên. Họ kháo nhau lên Danilov lần này không biết toà xử nặng, nhẹ thế nào... mới hay mình sắp đi ngang Yaroslavl khuya nay và Vologda sẽ là trạm đầu tiên đổi đoàn hộ tống. Mấy tay sành sỏi trong đám sẽ lên mặt thầy đời: "Coi chừng nghe mấy bạn! Dân Vologda nói trọ trẹ thật, nhưng không biết nói đùa đâu!". Dọc đường này thiếu gì khám tạm? Không hiểu họ sẽ cho xuống nhằm khám nào? Uktha, Inta, hay Vortuka coi vậy còn đỡ. Kẹt ở Công trường số 501 mới là đau khổ! Đắp đường xe lửa băng ngang thảo nguyên, địa cầu phía Bắc Tây Bá Lợi Á đâu phải chuyện chơi! 5 năm sau Thế chiến, các đợt đi đày đã sắp đặt xong, MVD đã kiện toàn cơ sơ, Bộ Nội An đã lập xong cả triệu hồ sơ cá nhân nên mỗi thằng đi đày đều có một phong bì dày dán cứng đi kèm. Đưa vô Trại nào, đi đường nào đã chừa sẵn một lỗ hổng nho nhỏ đủ để lính hộ tống liếc vô và liệu sắp đặt. (Hồ sơ bên trong bọn Hộ tống không có quyền mở ra coi, lỡ tiết lộ bí mật hay đe doạ làm tiền thì sao?). Nếu anh nằm ngăn giữa, thầy chú cầm hồ sơ đứng gần bên và mắt anh lại tinh, đọc ngược chữ dễ dàng thì liếc vô lỗ hổng có thể biết thằng nào đi đâu ngay. Tình cờ thấy tên anh, đi Kargopol. Ủa, trại Kargopol nằm đâu? Bà con có ai biết không? Kargopol sản xuất gì nhỉ? Xây cất, khai mỏ, biết được là biết ngay thiên đường hay địa ngục! Thì ra anh sẽ vô trại Cải tạo Kargopol. Người nhà cứ tưởng anh còn nằm trại Stalinogorsk mới là khổ. Tìm không ra, không biết tin là họ lo sốt vó, mà Trại Cải tạo thì cổ lệ một năm chỉ được gởi một lá thư về nhà. Anh bồn chồn, nghĩ đủ mọi cách để thông báo gấp. Tôi đi Kargopol rồi. Nhưng thông tin cách nào? Vô phương! Ủa, có một cách nhưng hy vọng mong manh quá. Cứ thử coi, biết đâu chừng. Anh còn viết chì rồi. Phải xoay 1 miếng giấy cỡ đầu ngón tay. Càng dày, càng cứng, càng may! Nắn nót bức "thông điệp" vắn tắt mà phải che đậy cho khéo, đầu phải nằm quay ra hành lang mà lính vẫn không hay (luật đi xe Stolypin mà đưa chân ra hành lang là bị trừng trị nặng!). Anh phải gấp tờ giấy lại, đợi giờ được đi cầu; đoán chừng sắp đến hay đi ngang một nhà ga là lấy người che khuất tầm mắt thầy chú đứng canh đi cầu để liệng nó qua cái lỗ thoát nước. Tờ giấy sẽ dơ dáy nhưng nó sẽ nằm đâu đó giữa hai đường rầy hoặc gió tạt ra ven đường, "Thông điệp" khẩn của anh thế là có dịp dầm mưa dãi nắng, chịu gió bão đến rã rời, manh mún. Hay được một bàn tay nào đó lượm lên coi. Đời này thiếu gì người xót thương thân phận tù tội và không khoái Đảng. Họ sẽ chép lại hay cho vô phong bì đàng hoàng, gởi đến tận nhà anh. Đồng ý "thông điệp" khó thọ lắm lắm, nhưng thực tế rất nhiều gia đình vẫn nhận được tin người nhà từ trên trời rơi xuống vậy đó. Thông thường thư không tem và người nhà chịu phạt nhưng ít ra nhờ mấy nét chữ mờ nhạt của anh trên mảnh giấy dơ dáy, nhàu nát cũng còn biết anh lưu lạc trại nào,°
Đi tù đi đày hãy tốp những "thông điệp" kiểu trên. Đừng làm dân quỉnh, làng xã tức những thằng bị bóc lột mãi! May lắm "thông điệp" của anh tới nhà được cỡ 5%. Mà có tới cũng chẳng tạo hạnh phúc cho gia đình. Cuộc đời anh kể từ khi lọt vô Trại Cải tạo thời gian đâu có kể ngày kể giờ nữa. Đến hay đi tính bằng thập niên, bằng một góc thế kỷ đi. Trở lại sự thực thế giới của anh ngày xưa thì không bao giờ nữa. Cho nên quên được gia đình và gia đình quên được anh đi sớm ngày nào hay ngày ấy, càng dễ sống ngày ấy. Đồ vật cá nhân – những cái gì bám vào người anh – càng ít càng tốt. Khỏi nơm nớp sợ mất. Chớ có giữ lại cái va-li! Nhốt chung chạ 25 mạng người một ca-bin mang va-li đi để cho thầy chú đạp dẹp nó sao? Mà không đạp thì để làm gì? Đồ lên chiến, áo khoác ngoài đúng mốt, bốt hách đừng mang theo người. Sớm muộn gì cũng bị bóc lột, bị tịch thu hoặc bị trao đổi ở trên xe, ở trong khám điều tra hay khám dọc đường. Có ai đòi hỏi hãy nạp mau mau vì giữ không nổi sợ còn thêm nhục ôm đầu máu mà rút cục mất vẫn mất. Mang những thứ đó trong người là đối tượng của những bầy kên kên dòm dỏ, xâu xé. Mãi lo ôm đồ, mất đồ, anh còn bỏ lỡ cơ hội ngàn vàng là sống và quan sát. Trước hết là tìm hiểu những con kên kên ở quanh anh. Xưa nay qua các hình tiểu thuyết của Kipling, Gumilyev, các nhân vật giang hồ, sống ngoài vòng pháp luật được họ mô tả đặc sắc, có nét lắm chớ. Đâu có tồi bại như bọn blatnye cặn bã này. Dân giang hồ chỉ đẹp trong tiểu thuyết, thực tế cuộc đời chỉ có những tù tư pháp! Còn gì nữa? Với đám blatnye nhà tù mới đích thực là nhà. Dù nhà nước có dung túng, pháp luật có nhẹ tay và án tù có ân giảm liên miên thì trước sau họ cũng có ngày tái ngộ "thế giới của họ". Họ có đặc quyền "dân quần đảo" là phải. Anh có bị bóc lột trơ thân cụ cũng là phải. Ngoài đời chế độ tư hữu tài sản có còn đâu mà mai mỉa ở chỗ chính những đấng có thẩm quyền truất hữu lại khoái chiếm hữu! Ở quần đảo họ thiếu tại sao anh thừa? Anh lạc hậu, có tí mỡ tí đường và thuốc lá cũng giữ xài một mình, không chia chác cho anh em? Họ phải lột anh bằng hết để cho một bài học. Đừng thắc mắc, đôi giày bốt thứ chiến cũng như chiếc áo lên nhà giàu họ vừa "trao đổi" với anh (lấy đôi giày rách, tấm áo công nhân dơ dáy) chính họ cũng chẳng giữ được bao lâu. Qua lại năm ba canh bài thì bốt chiến cũng đi mà áo len sẵn sàng thảy ra đánh đổi chai Vodka, khoanh xúc xích! Cũng có ngày họ trơ thân cụ như anh cho đúng luật động nhiệt học vạn vật đồng nhất thể. Hết khác biệt. Chớ giữ của, chớ giữ của. Phật Thích Ca hay Đấng Christ đã từng dạy. Các bậc thánh nhân, vô vi cũng bảo vậy. Giản dị có thế sao không chịu hiểu? Há chẳng biết có của là sa sút linh hồn? Vậy thì có được phát cá khô thì hãy nhét vào túi đợi đến trạm sau, đừng có hỏi xin miếng nước. Phát hai khẩu phần bánh đường một lượt cũng thanh toán cái một cho rồi! Khỏi phải giữ, khỏi sợ mất cho thư thái cõi lòng! Chỉ giữ những cái không ai lấy được. Đó là kinh nghiệm hiểu đời hiểu người. Là ngôn ngữ, là mớ ký ức mà anh sẽ ghi nhận lại mãi mãi để sau này ắt có dịp sử dụng. Hãy mở mắt nhìn kỹ những người chung quanh. Biết đâu anh chẳng nhớ vĩnh viễn một khuôn mặt nào đó và sau này mới tiếc hùi hụi hồi đó chẳng chịu tìm hiểu sâu xa thêm. Cố mà tìm hiểu, cố nói ít nghe nhiều. Biết bao nhiêu nhân vật lạ anh có thể gặp trên những ngả đường chi chít dẫn đến quần đảo. Gặp đấy, sống cạnh nhau đấy nhưng chỉ một đêm thôi lại xa nhau vĩnh viễn. Anh phải dỏng tai ra nghe chuyện họ cũng như nghe nhịp bánh xe lăn xình xịch trên rầy sắt. Tiếng bánh xe lăn xình xịch như dòng đời vùn vụt trôi. Biết bao nhiêu chuyện lạ cần ghi nhận lại? Như gã người Pháp liến láu đang nghênh ngó ở vách ca-bin. Hắn tìm kiếm cái gì, ngạc nhiên vì cái gì đó. Có ai biết tiếng Pháp xề tới bắt chuyện ắt phải cười đau bụng vì chuyện đi đày nước Nga của Marx Nanterre, quân nhân Pháp. Tính nết lăng xăng cái gì lạ cũng ghé mắt vô, hệt như hồi còn ở quê nhà, ở mảnh đất Pháp tự do. Một hôm đi qua trại tiếp cư những người Nga hồi hương, Max thấy lạ, đứng nghênh ngáo mãi. Bị lịch sự mời đi hắn chưa chịu đi vội. Nên được mấy ông bạn Nga mời lên chơi, làm một ly thân thiện. Rồi không biết trời đất gì nữa, tỉnh lại thấy nằm cong queo trên sàn phi cơ, mình mặc chiến y Hồng quân. Một đôi bốt đưa ra trước mặt dậm doạ. "Anh bị 10 năm trại Cải tạo". Max Nanterre bật cười. Cái gì kỳ lạ vậy? Chắc phải có chuyện lầm lẫn gì đây, và thế chẳng giải thích xong? Hắn được giải thích thật: 10 năm là 10 năm! Có gì đáng ngạc nhiên? Hai năm 1946-1947 những vụ Max Nanterre quá thường! (Sau này ở Trại Cải tạo Max còn bị quất thêm bản án 1 phần 4 thế kỷ. Tính ra nếu không có gì thay đổi còn phải nằm ở Ozerlag tới 1957.) Chuyện Max Nanterre quân nhân Pháp bị đày Trại Cải tạo Nga giản dị có vậy. Chuyện công nhân Nga Ivan Koverchenko bị bắt sau khi đại náo Toà Đại sứ Pháp và cũng đi đày dưới đây thì nhiều màu sắc, nhiều hơi rượu và phi lý hơn nhiều. Xét ra chỉ Nga mới có nổi vở tuồng bi hài khủng khiếp tới cỡ này. Nếu ở đời có những người ngoại khổ, không thể gò ép vào khuôn nếp như những người khác thì Ivan Koverchenko phải là kiểu mẫu của sự ngoại khổ. Hắn không thể sống mẫu mực được, dù người tầm thước và trí óc minh mẫn sức khoẻ không thua ai và nhậu Vodka số dách. Câu chuyện Ivan bị bắt, lãnh án chính trị và đi đày thì chính hắn sẵn sàng cười ha hả kể mọi người nghe chơi cho vui. Đi đày là đi đày, chớ chính trị hay không thì ăn nhằm gì! Chẳng hạn hồi Nga - Đức còn chiến tranh thì Đức bị tố cáo dám sử dụng "võ khí hoá học" còn Nga dĩ nhiên không. Kẹt vụ triệt thoái Kuban gấp rút quá mấy thằng Quân Cụ ngu như bò dám bỏ sót lại nguyên một hầm bom hơi ngạt gần một phi trường. Không thủ tiêu kịp, bọn Quốc Xã sẽ nắm lấy bằng chứng cụ thể thì còn gì thể diện Hồng quân? Trung úy Dù Ivan Koverchenko người tỉnh Krasnodar được giao trọng trách tiêu hủy kho tang vật bằng cách nhảy dù cùng 20 đồng đội xuống phía sau phòng tuyến Đức (Bạn đọc Quần đảo ngục tù hẳn suy đoán Ivan bị Đức cầm tù và sau ngày được giải thoát sẽ lãnh án phản quốc 10 năm chớ gì? Không phải vậy!). Trung úy Koverchenko phá được kho bom, dẫn đồng đội về an toàn không hao một mạng nên được đề bạt làm Anh hùng Liên bang Xô Viết. Muốn chính thức làm Anh hùng thì chờ công văn đi lại ít nhất cũng 1, 2 tháng. Trong khi chờ đợi làm anh hùng thiệt thọ, Ivan không gương mẫu như các đồng chí anh hùng khác. Vừa máu hăng vừa ham nhậu Vodka nên Ivan chịu sao nổi mấy thằng Quân tiếp vụ bần tiện dám từ chối phát cho anh hùng 1 lít rượu. Bất mãn quá hắn bèn cưỡi ngựa thúc lên lầu 2 để hỏi thăm đồng chí trưởng ban. Phải cả người lẫn ngựa lên lầu (như Caligula thời La Mã) đòi thêm rượu mới hách và chắc ăn! Sau đó Ivan bị bắt chăng? Không! Chỉ làm mất Anh hùng, đành lãnh Huy chương Hồng kỳ vậy. Khoái Vodka mà nhà binh phát không đủ thì Ivan phải xoay sở lấy. À, nhờ hắn tiến chiếm kịp thời bọn Đức không kịp phá nên cây cầu này mới còn chớ. Có chiến công phải chiến phẩm, Bộ Tư lệnh chưa tới thì mấy thằng dân Balan muốn qua lại cây cầu được đúng một ngày, vừa đủ mua Vodka nhưng chán chết, có ở đây mãi đâu? Đại úy Koverchenko bèn cho gọi đám dân địa phương đến, đề nghị bán lại cây cầu. "Tao cứu được, tao không xài. Tụi bay muốn xài cầu thì bỏ tiền ra!" Dĩ nhiên dân Balan không chịu. Nhưng Đại úy Ivan vẫn không bị bắt vì vô kỷ luật. Hắn bỏ đi. "Đấy, giữ lấy cầu mà xài. Có tí tiền mà bần tiện!". Năm 1949 Ivan lên lon Thiếu tá, giữ chức Tham mưu trưởng một Trung đoàn Dù đóng ở Balan, nhưng Phòng Chính trị Sư đoàn tối kỵ gã Thiếu tá ba gai không thể giác ngộ chính trị. Xin giấy Sư đoàn đề bạt đi học Đại học Quân sự thì Phòng Chính trị cũng cấp nhưng vừa liếc qua Ivan đã vứt trả lại: "Mấy anh giới thiệu điệu này thì Đại học Quân sự chó gì? Kể như gởi gấm với bọn phản loạn Banderovtsy đúng hơn!" Nếu bị bắt vì vụ này và lãnh 10 năm đi đày thì đáng đời hắn quá rồi! Đúng lúc đó Tham mưu trưởng Ivan ký một giấy nghỉ phép cho thuộc cấp bất hợp lệ. Và bản thân ông Thiếu tá thì say rượu, lên xe phóng như điên làm lật xe nhà binh hư luôn. Làm sao không bị phạt? Nhưng bị 10 ngày trọng cấm chớ đâu phải 10 năm? Phạt trọng cấm, nằm 10 ngày dưới phòng Kỷ luật nhưng có sao đâu? Bọn đàn em vẫn khoái người hùng Ivan Koverchenko, đêm đêm mở cửa cho đàn anh "ra phố" chơi lu bù! Đáng lẽ hắn cũng ráng nằm đủ 10 ngày phạt nếu mấy ông ở Phòng Chính trị Sư đoàn không hăm he đưa ra Toà Quân sự. Mấy chữ "đưa ra Toà Quân sự" làm hắn nổi sùng: "Thế ra cần đi phá kho bom thì thằng Koverchenko này xung phong mà mới làm hư có cái xe ranh con đã ra Toà Quân sự hả?" Ivan bèn cạy cửa sổ, mò ra bờ sông, bơi qua sông Dvina. Bên kia sông có chiếc xuồng máy của thằng bạn nằm chờ, hắn lái dông đi luôn. Hắn nhắm thằng địa giới Lithuania. Bất quá như một hơi rượu say, Ivan có hận chỉ hận mấy thằng ở Phòng Chính trị Sư đoàn. Nhưng hắn quyết phục hận, tình nguyện giúp sức bọn quốc gia Lithuania đang võ trang chống lại nhà nước Xô Viết mới là ngoại khổ! Nào ngờ nghe ông Thiếu tá Dù bảo: "Mấy anh cứ thử nhận tôi coi. Tôi sẽ đánh cho chúng chạy cúp đuôi", cấp chỉ huy Lithuania cũng ngán, chỉ sợ bị gài! Ivan còn có một giấy giới thiệu khâu kín dưới lớp ve áo, có vé xe lửa đi Kuban nhưng trên đường đi Mạc Tư Khoa hắn ghé vô một nhà hàng nhậu say quá. Thế là hắn xuống ga Mạc Tư Khoa, kêu tắc xi. Tài xế hỏi đi đâu. Hắn bảo "Đến Toà Đại sứ". Toà Đại sứ nước nào? "Thì nước nào chẳng có Đại sứ. Toà Đại sứ nào chẳng được!". "Ô hay, phải nói rõ Toà Đại sứ nước nào chớ?". "Thế hả? Cho lại Toà Đại sứ Pháp đi!" Có lẽ đầu óc Ivan lúc bấy giờ choáng váng, nếu có ý định đến một toà Đại sứ nào đó thì cũng đổi rồi. Nhưng làm gì còn đủ tỉnh táo để sai khiến chân tay? Chẳng cần để ý mấy thằng lính canh cửa làm gì. Cứ bức tường ngang nhảy một phát là vượt cái một. Cao 2 đầu người chớ mấy? Vô trong sân là dễ rồi. Chẳng thấy ai hỏi hay chặn đường. Cứ thế Ivan đi phòng này sang phòng khác và lọt vô một phòng có bàn tiệc bày sẵn. Ra chúng sắp tiệc tối! Vẫn không thấy ai, trên bàn bày nhiều món ăn quá chừng nhưng chỉ mấy trái lê là ngon mắt. Ivan quơ đại ít trái nhét vào túi quần túi áo trận. Mấy người bước vô bàn tiệc. Thấy Ivan họ chưa kịp hỏi hắn đã xông tới: "Tụi bây Pháp hả?". Hắn hỏi là đập liền. Với Nga thì cả thế kỷ nay Pháp chỉ làm hại không. Vừa đập túi bụi Ivan vừa lè nhè chất vấn: "Tại sao tụi bay không làm cách mạng coi? Đưa de Gaulle lên nắm quyền để làm cái gì? Tụi bay còn yêu sách gởi lúa mì Kuban cho nữa? Đâu có được!" Mấy người Pháp lúc bấy giờ cuống quít hỏi: "Ông là ai? Ông ở đâu vô đây". Lúc ấy Ivan còn tỉnh táo nồ: "Là ai hả? Là Thiếu tá KGB được không?" "Thì cứ cho là vậy đi, nhưng ông đâu có quyền xâm nhập nơi đây. Ông tính vô làm gì?" Ivan hét lớn: "Hỏi gì? Câm họng hết!" Sự thực lỡ nồ rồi đành phải nồ tiếp. Làm gì hắn không nghe họ đang quay điện thoại ở phòng bên. Bèn kiếm cách rút lui tà tà nhưng nhè lúc đó mấy trái lê trong túi ông "Thiếu tá KGB" mới rớt ra. Ivan bèn tháo lui cấp tốc giữa tiếng cười ầm ĩ. Chạy gì nổi và chạy sao thoát? Đi còn không vững, nhưng không hiểu sao vẫn đi được! Sáng hôm sau tỉnh dậy Ivan thấy đang nằm ở nhà ga Kiev (bộ tính dông xuống Ukraine chắc?). Lúc bấy giờ mới bị người nhà nước vồ. Dĩ nhiên một ca đặc biệt như thế phải được Bộ Nội An chiếu cố đặc biệt. Đích thân ông Bộ trưởng Abakuma thẩm vấn Ivan và chắc là nặng tay lắm nên mấy chiếc thẹo sau lưng hắn bây giờ còn bằng bàn tay một. Lý do không phải vì mấy trái lê hay nhục mạ ở Toà Đại sứ mà để tra hỏi cho ra hắn thuộc tổ chức nào, được tuyển mộ hồi nào. Và đặc biệt như ca Ivan Koverchenko là phải lãnh án 25 năm đi đày, dĩ nhiên.°
Chuyện đi đày như trên thì thiếu gì. Nhưng đi đường dài xe nào chẳng phải ngủ, kể cả toa tù Stolypin? Ban đêm là phải ngủ, khỏi phát cá phát nước hay cho đi cầu. Đêm đến chỉ nghe tiếng bánh xe lăn đều một nhịp nhưng nếu không thấy bóng lính hộ tống ngoài hành lang thì những vụ thì thào liên lạc giữa các ca-bin mới bắt đầu, kể cả với ca-bin nhốt đàn bà. Hình như thông lệ nhà lao là vậy, có trò chuyện với đàn bà con gái là phải ăn nói tử tế, đàng hoàng. Dù chỉ nói chuyện tù tội, án gì, bao lâu, dưới đây là một vụ trò chuyện điển hình, hồi tháng 7 năm 1950. Chuyến xe đó ca-bin đàn bà chỉ trần một cô bé con gái một ông bác sĩ, bị vì điều 58/10. Đặc biệt như vậy nên cả ba ca-bin đều xôn xao vì sự hiện diện của người đẹp. Đột nhiên lính hộ tống ra lệnh ba ca-bin dồn vào hai. Làm liền, được hay không miễn thắc mắc! Thế rồi họ đưa vô một gã trông không ra vẻ tù chút nào. Tóc không hớt trọc mà để dài có lọn, dợn sóng trên khuôn mặt sáng sủa, con nhà lành. Gã còn trẻ, mặc bộ nhà binh Ăng-lê thật chững chạc. Coi bộ lính hộ tống cũng trọng vọng nữa (chắc họ liếc qua hồ sơ). Gã bước vô, không buồn nhìn ai, kể cả ca-bin đàn bà. Nhưng thấy lính dồn ba ca-bin vô hai, để trống nguyên một ca-bin cho một mình gã, người đẹp buộc phải chú ý, kiếm cách liếc nhìn ra bằng thấy. Họ sắp đặt cho gã ở ca-bin bên cạnh, không cho liên lạc với ai thì cô bé càng ham bắt chuyện. Trên toa Stolypin vách ngăn ca-bin kín bưng nhưng chỉ nhìn không thấy nhau chớ ban đêm yên lặng nói chuyện giữa hai bên vẫn được nữa. Đợi đêm xuống một lúc lâu, chắc chắn lính gác ngủ khoèo rồi cô nàng mới đứng sát vách vừa gõ ra hiệu vừa khẽ gọi. Gã lạ mặt làm đúng như lời nàng chỉ dẫn để hai bên ngồi, đối lưng tâm sự! Ngồi đúng chỗ, lưng tựa lưng, đầu ngoảnh lại thì thầm nói khẽ nghe cũng được. Hai lần vách lưới sắt đan dày cách nhau cỡ hai phân tây chớ mấy. Đúng là mặt kề mặt, môi sát môi nhỏ to tâm sự thì được nhưng không mong gì nhìn thấy mặt hay đụng chạm. Ra gã không phải người Nga, tiếng Nga chưa nói rành. Cố gắng lắm gã mới nói được cho biết tên Erik Arvid Andersen và câu chuyện đặc biệt của gã (sau cùng ở khám tạm chúng tôi mới biết). Trái lại, nàng chẳng có gì để nói. Một nữ sinh bị nhà nước bắt đi đày vì vi phạm điều 58/10 thế thôi. Vậy mà Arvid nghe mê quá! Thì ra nước Nga, thanh niên Nga không giống mấy tờ báo tả phái Âu Châu quảng cáo hay gã quan sát thấy. Hai người nói chuyện thâu đêm. Đối với Arvid đó có thể là đêm mở mắt cho thấy sự thực: xứ sở gì lạ quá mà xe tù cũng lạ nữa! Tiếng xe lăn bánh đều đặn như nhịp tim đập. Giọng người con gái lạ mặt véo von, tiếng thì thầm nhẹ như hơi thở dài, hơi thở của nàng phả trên tai. Rõ ràng nghe nong nóng vành tai mà người đẹp vẫn không thấy mặt (cũng như một năm rưỡi rồi Arvid đâu có nghe thấy tiếng đàn bà). Thế rồi nhờ giọng nói xa xôi đó Arvid chợt nhìn thấy và nhận ra nước Nga đích thực. Làm như chính xứ sở này lên tiếng với gã vậy. Được hướng dẫn như vậy làm gì chẳng nhận ra và ngày hôm sau gã mới để ý nhìn qua cửa sổ thấy những mái rơm thấp thoáng, kèm theo lời phụ đề buồn buồn của người con gái không hề thấy mặt. Nước Nga là như thế này đây. Những thằng tù chen chúc trên toa xe, không phàn nàn. Cô gái khuất mặt bên kia vách sắt. Đám lính hộ tống ngủ khoèo, mấy trái lê lăn lông lốc, một hầm bom hơi ngạt và một con ngựa có người cưỡi thong thả lên lầu hai,°
"Lính sen đầm, lính sen đầm kia rồi!". Đám tù chỉ chỗ, bàn tán. Từ đây trở đi được sen đầm hộ tống, sung sướng hơn lính hộ tống nhiều. Xin lỗi, những hàng chữ trên không phải của tôi. Mà là trích của V.G. Korolenko trong tập hồi ký Thế hệ tôi ấn hành ở Mạc Tư Khoa năm 1955. Chúng tôi khác, không thể có cảm giác sung sướng được các ông Mũ xanh đi hộ tống! Chỉ trừ mắc kẹt dọc đường, nghĩa là tới nơi mà không có đại diện khám ra đón nhận đã đành phải ở lại trên xe cùng toán hộ tống. Đi tới đi lui mãi chừng thấy Mũ xanh đón đợi không mừng vui sao được? Và ít nhất cũng khỏi đói. Thông lệ một thằng tù được chỉ định xuống một nhà ga nào đó mà không thấy người địa phương ra nhận thì toán hộ tống chỉ đợi đúng 2 phút. Xe chuyển bánh là nó mắc kẹt, phải ở lại với toán hộ tống. Nhưng từ đó nhịn ăn, khẩu phần đâu mà chia? Không lẽ buộc lính đi áp tải nhường phần bánh? Có thằng phải xuống ga xép Tulun nhè địa phương đón hụt mà cứ phải "làm con thoi" 6 lần giữa Irakutsk và Krasnoyarsk, không được phát phần ăn. Mà đoạn đường đâu có ngắn ngủi! 18 giờ đồng hồ. Lần thứ 7 qua ga Tulun thấy lố nhố vài chiếc Mũ xanh mừng như sống lại! Sự thực ngồi xe Stolypin gò bó, ngộp thở đến rã rời. Sắp tới một đô thị lớn đâm ra phân vân, không biết nên cầu mong xe chạy thẳng tới nơi sớm cho rồi, hay nghỉ ở khám tạm cho đỡ mệt. Chỉ khi nào thấy toán hộ tống xôn xao, xách ra lủ khủ những ba lô áo lạnh và dộng báng súng xuống sàn xe lộp cộp là dấu hiệu sửa soạn xuống hết. Xuống xe cũng là vấn đề, có quy tắc đàng hoàng. Trước hết lính hộ tống nhảy xuống, quây tròn vây chặt cửa xe. Từng thằng tù nhảy xuống, chúi nhủi vài cái mà chưa ngồi đúng chỗ thì mấy cái miệng sẽ nhau nhau: "Ngồi, ngồi, ngồi xuống hết!". Họ hét đều, hét lớn buộc nó phải luống cuống, ríu ríu tuân lệnh. Không dám ngước lên nhìn mà ngoan ngoãn ngồi bệt xuống kế bên thằng xuống trước. Xin nói rõ "ngồi" là phải ngồi bệt xuống đất. Không được ngồi cách nào khác. Chính tôi đã bị lần đầu tiên ở nhà ga Ivanovo: tay xách va-li, sàn xe cao, cú nhảy làm tôi choáng váng, hớt hải, không liếc nhìn coi anh em ngồi thế nào, thấy hô "ngồi" là ngồi lên trốc va-li, sợ ngồi bệt dơ hết vạt áo ngoài. Gã trưởng toán hầm hầm chạy lại, rõ ràng tính sút cho tôi một đá. Không hiểu sao hắn khựng lại, chỉ cho chiếc va-li một mũi giày và dộng thêm một gót giày lên trên có ý ra hiệu: "Ngồi thế này này". Thế là tôi nhìn quanh anh em và sụp xuống ngồi in như mọi người. In như chó ngồi canh cửa, mèo ngồi trấn trên bàn. (Chiếc va-li lãnh cú đá thay tôi giờ đây tôi còn giữ. Có dịp giở ra coi thế nào tôi cũng mân mê lỗ hổng, một "vết thương không bao giờ thành sẹo" đó!) Đâu phải tình cờ có luật tù bắt buộc phải ngồi bệt. Ngồi bệt là bàn toạ thấp, hai đầu gối đưa cao trước mặt, trọng tâm thân thể sẽ chuyển hết ra phía sau cặp chân. Đứng lên khó mà thình lình nhảy dựng là không được! Ngồi bệt sát vô nhau đỡ tốn chỗ, ngồi sắp thành hàng lối, đấu mặt vào nhau thì muốn xông ào lại tấn công lính gác cũng đụng đầu, lộn xộn mất vài giây! Ở nhà ga tù ngồi đợi thường chỉ đợi xe Mũ xanh đưa đi từng chuyến, nếu không áp giải bộ. Tù sẽ bị quây vô một chỗ kín đáo, ít người thấy. Cùng lắm mới cho ngồi sân ga, ngã tư. Người qua lại ngó nhiều khi phiền là đằng khác. Có ai dám đứng lại nhìn một cách thương hại, có cảm tình (để bị mời đi hay lấy tên tuổi tức khắc). Nhưng chẳng ai nỡ nhìn căm thù, khinh khi (trừ bọn Yermilov tâm thần sao!) Hầu hết cúi đầu bước đi, coi như không ngó thấy. Lâu lâu mới có một bà già dám liệng cho khúc bánh mì hay một "lão tù" từng nếm cơm nhà lao thương tình đồng cảnh quăng cho gói thuốc. Gói thuốc còn ném xa vào trong được nhưng mẩu bánh mì sẽ có hy vọng nằm đấy, thây kệ mấy thằng tù đói. Mỗi lần được ngồi đợi sung sướng biết mấy! Nhất là lần ở nhà ga Omsk, dù ngồi khuất và bất cục cựa giữa hai đoàn xe dài. Không thấy ga thấy người mà chỉ được ngồi lên trên những hòn đá xanh đường rầy còn ấm hơi nắng tháng 8, tai nghe lao xao tiếng nhạc khiêu vũ, tiếng người cười nói cũng ấm hẳn lòng. Hai mươi phút quý giá: ngước lên trời cao còn thấy sao, xa xa ánh đèn néon xanh đỏ thấp thoáng. Chao ôi, nhờ những phút giây này mới sống nổi để những ngày tù tội mà không phát điên lên. Để đề phòng lúc áp giải bộ dọc đường đã có lệnh "Ôm nhau mà đi, thằng trước thằng sau!" Ôm nhau gọn gàng, bằng một tay (vì tay kia còn xách bọc nặng) thì cả bọn sẽ biến thành một đám tàn phế, nương dựa vào nhau đi lặc lè đến thảm hại. Nhưng dù sao cũng còn dễ chịu hơn cái lệnh ác nghiệt: "Đi sát vào nhau. Tay chấm đất!" Phút chốc đám tù biến thành một bầy ngỗng. Gọi là chấm đất nhưng thực tế chỉ nắm được gần cổ chân. Khom lưng đi tới như vậy không khó nhọc sao và một đám vài ba chục thằng tù nhìn nghiêng không giống một bầy ngỗng? Xét cho cùng chẳng phải sếp hộ tống muốn hành hạ tù cho bõ ghét mới bắt đi lặc lè, đi lom khom. Hắn chỉ sợ trách nhiệm, sợ áp tử tù từ xe đến khám không đủ số đó thôi! Tháng 8 còn đỡ. Gặp mùa đông như đợt áp giải tù đến khám tạm Pertopavlovsk tháng 12 năm 1946, hàn thử biểu xuống quá 10 độ dưới zê-rô mới là cực khổ. Mệt nhọc đã đành. Lạnh cóng người cũng không sợ bằng lỡ có nhu cầu bài tiết dọc đường! Mấy giờ trước khi đến ga họ đã cấm tuyệt vụ "Xin sếp cho xuống cầu" để đỡ phải mất công coi chùi rửa cầu lần nữa mà. Càng về chiều càng lạnh càng mắc đi đái. Vô cùng khó chịu. Nhất là đàn bà! Phải chi là ngựa thì cứ đứng sững lại, làm một bãi lụt lội, ngập ngụa ra đó là xong. Là chó thì ghếch chân sau lên gốc cây, hàng rào cũng được vậy. Là người, thân phận tù đày không có quyền đứng lại hay ghếch chân thì đành đái trong quần, vừa đi vừa đái cho xong. Đất nước này của mình, có gì đâu hổ thẹn? Ở khám tạm thế nào quần chẳng khô. Phải vừa đi vừa đái, nhớ vậy. Khựng lại có một bước để cúi xuống lúi húi lo xiết dây giày mà Vera Korneyeva bị gã hộ tống suỵt chó trận tới táp một phát ngay bàn toạ. Cũng may mà Vera mặc thủ mấy lớp vải dày! Phải chi là đàn ông đã ăn no đòn hộ tống: chỉ báng súng, gót giày cũng đủ nằm chết giấc. Công tác bắt buộc phải vậy, có chi bi thảm? Có chụp hình gởi đăng báo Daily Express đâu mà sợ. Phải vậy trưởng toán hộ tống mới sống lâu lên lão làng, chẳng ai đả động đến!°
Đọc Balzac phải biết đến thứ xe chở tù bít bùng. Xe của Mũ xanh cũng bít bùng vậy. Chỉ khác là di chuyển nhanh hơn và chất tù chật chội hơn nhiều, chật cứng. Những năm 1920 trở đi tù còn được áp giải bộ đi phố phường Leningrad rất thường. Đến ngã tư là xe cộ, bộ hành ngưng lại hết đợi những cột tù đi hết đã. Biết bao nhiêu ánh mắt chiếu vào "những thằng phạm pháp"? Người như thế kia mà bất lương! Mấy ai thời đó đã biết đến những đợt tù tống vô quần đảo? Nhưng dần dà Cơ quan phải tiến bộ hơn, chở tù cũng phải cơ khí hoá. Những xe tù đầu tiên xuất hiện đen sì sì, khi hệ thống đường sá còn nguyên vẹn chưa canh cải. Đường lát đá tảng xanh gồ ghề, nhíp xe thì quá yếu. Ngồi bên trong chịu đựng cả một sự lắc lư, hành hạ nhiều khi nhảy dựng người. Nhưng ăn thua gì, tù có phải là đồ sứ, đồ thủy tinh đâu mà sợ hư bể dọc đường? Cho đến 1927 vẫn còn kiểu xe kín bít, không một lỗ hổng, không thèm bắt một ngọn đèn nho nhỏ. Ủa, không khí còn thiếu thì cần gì ánh sáng? Dĩ nhiên lên xe là tù phải đứng, đứng xuôi tay cho đỡ tốn chỗ. Nhét được thêm thằng nào là cứ nhét. Có bao giờ không thiếu xe mà đòi rộng rãi? Mấy năm sau xe tù sơn màu xám xịt. Chỗ nào viết được, vẽ được đều có danh hiệu nhà tù cho phân biệt. Sau Thế chiến II, ở mấy đô thị lớn mới có vụ ngụy trang lớp sơn ngoài rằn ri hay mấy màu tươi tắn, vẽ bảng hiệu quảng cáo hãng thịt, lò bánh hoặc một mác rượu nào đó. Bên trong xe gần như không bao giờ thay đổi. Sườn thép, vách thép cang cảng và trống trơn như một cái hộp sắt khổng lồ. Nếu có bắt mấy hàng ghế sắt ở hai bên chỉ khổ cho mấy thằng tù: số người nhét vào xe đã ấn định rồi, đứng sát vào nhau còn chật ních huống hồ bị ghế chiếm bớt diện tích sàn xe? (Gặp ca này tù lại phải chất nằm, để lớp nọ nằm lên lớp kia cho đủ số vậy). Gặp kiểu xe chia ô tức có vách thép ngăn ra từng ngăn – tức "cát-xô" trên xe – còn khổ nữa. Tuy nhiên xe tù đâu phải đứng lâu, nằm lâu mà sợ. Di chuyển giữa công voa xe lửa và khám tạm chỉ 20 phút, 30 phút chớ có mấy khi một giờ liền. Chậm trễ cũng không nổi với mấy ông Mũ xanh thấy mặt là thấy "Lẹ lên, gấp rút lên!" Vì gấp rút quá nên thây kệ những thằng ôm đồ kềnh càng hoặc có chiều cao trên trung bình! Đầu có đập vô cửa xe, thân thể có bị ép vô cũng ráng nhét cho đủ số, trong thời gian kỷ lục. Vì vậy đi xe Mũ xanh (đúng hơn là, chất đứng trong lòng xe) 20 phút là 20 phút hành hạ xương cốt kinh khủng, 20 phút tiếc nuối ca-bin Stolypin. Phải trông chờ từng cái nhảy nhổm để có dịp nhấc chân, nhấc tay đổi thế một chút cho đỡ mỏi. Chật chội, chen chúc như vậy có khổ thật. Nhưng thà chật cứng, chật ních... chật ních, thằng nào cũng phải đứng xuôi tay, không cục cựa, còn đỡ cho bọn làng xã, dân quỉnh! Vì 20 phút trên xe bít bùng vẫn là cơ hội tốt cho dân blatnye mò mẫm, làm ăn. Không cần di chuyển đôi chân, chỉ cần nhích được tay, quơ qua quơ lại tạm được là bọn kên kên thừa thời giờ "làm thịt" những bacilli, những trash! Họ cất nhắc được đôi tay là những ba lô, những gói của thằng làng xã đứng gần sẽ bị mò mẫm thật thản nhiên. Xe chật chội thế này không lẽ kêu la oái oái, hay trao đổi vài quả đấm? Có đấm được một vài cú, chặn đứng được tệ nạn bóc lột thật nhưng chỉ lúc bấy giờ thôi. Về đến khám tạm là anh phải biết: một mũi dao nhọn sẽ nhằm lưng anh ấn một phát thật đúng lúc! Biết ai mà kêu, biết nắm thằng nào bây giờ? Cũng có thể thầy chú sẽ phải điều tra, nhằm đầu đích danh thủ phạm. Nhưng dân blatnye đâu có ngán điều tra. Sợ rằng họ còn được nằm lại khám tạm (khỏi phải đi xa hơn nữa) trong khi chính anh nếu có sống được thì cũng đành ôm vết thương kỷ niệm lên đường lưu đày, lưu đày xa nữa. (Vậy thà là đứng chật, chật như nêm cối để kên kên cũng phải bó tay, phải không nào?) Nếu đầu óc anh ngây thơ tin rằng đứng xe bít bùng không dễ gì bóc lột đồ vật của người khác – hoặc chật chội hoặc không đủ thì giờ – thì anh hố lớn! Dân blatnye từng lập thành tích hiếp dâm tập thể, ngay trên xe bít bùng, theo lời một nhân chứng khả kính là Đại tá hồi hưu Lunin, nhân viên Ban Chấp hành Hội Osoaviakhim (một tổ chức yểm trợ Quốc phòng, Hàng không ở lãnh vực chế biến hoá học). Trong xà lim Butyrki, ông Đại tá già đã kể lại "thành tích đặc biệt" mà dân blatnye đã lập được trên chuyến xe bít bùng đi từ pháp đình Mạc Tư Khoa đến khám đường Taganka, ngày mồng 8 tháng 3 nhằm Ngày Phụ nữ Thế giới (!) Cô thư ký xinh đẹp sáng hôm ấy còn trang điểm sáng sủa hơn ngày thường để ra hầu toà (chắc để gieo ấn tượng tốt nơi quý vị thẩm phán). Tội danh có gì đâu. Chỉ là "bỏ sở đi chơi, nghỉ không xin phép" mà ông sếp thuyết phục làm nhân tình không được nên bịa đặt ra. Vậy mà trước Toà cũng lãnh án 5 năm vì điều 58 và lên xe bít bùng đã bị "bề hội đồng". Dù xe bít bùng nhưng vẫn là giữa ban ngày và giữa đám đông công chúng là những người có mặt trên chuyến xe. Những "công chúng" đã làm lơ, coi như không có chuyện gì xảy ra. Đừng hỏi tội về ai, về đám blatnye vô lương tâm, vì lính hộ tống đồng lõa, hay vì ông sếp đốn mạt! Mà có phải chỉ hiếp dâm mà thôi. Với blatnye còn phải có bóc lột. Cô bé đáng thương đã mất trinh tiết còn bị cưỡng đoạt thêm đôi giày cao gót và chiếc áo vét duyên dáng mặc ngoài! Chúng đã được thảy lên cho thầy chú hộ tống. Thầy chú ngừng xe lại, đổi lấy Vodka và dĩ nhiên cũng chia chác "chiến lợi phẩm" cho bầy kên kên. Tới khám Taganka dĩ nhiên cô bé nạn nhân phải khóc lóc, thưa gởi. Ông sĩ quan trách nhiệm vừa nghe vừa ngáp và đi đến quyết định giản dị như sau: "Nên nhớ nhà nước không thể cung cấp phương tiện chuyên chở cho từng cá nhân. Nhà nước không có những tiện nghi ấy. Vậy là thống nhất đường lối và quan điểm! Ở quần đảo không có vấn đề nhốt riêng tù chính trị, tù tư pháp trong xe Stolypin thì nhà nước cũng chẳng sẵn phương tiện chuyên chở riêng cho đàn ông, đàn bà! Dân blatnye chỉ mong được nhốt chung để bóc lột thì truất quyền chuyên chở chung để bóc hốt của họ trên xe bít bùng sao được? Phải cho chung đụng như vậy để đền bù lại. Bao nhiêu năm tù đày có bao giờ họ được dịp gần gũi, đụng chạm với chút đỉnh hơi hướng đàn bà. Phải có những chuyến xe bít bùng chung chạ thế này họ mới có dịp ngửi lại hơi đàn bà, nghe giọng nói đàn bà và nhất là đụng chạm da thịt đàn bà chớ. Chúng tôi cũng có lần được gặp một người đàn bà trên một chuyến xe bít bùng, dĩ nhiên hiểu theo nghĩa khác. Đó là vào năm 1950, chúng tôi được chở từ Butyrki ra ga trên một chuyến xe lý tưởng: xe có hai hàng ghế sắt mà chỉ có 14 người. Đang ngồi thoải mái thì họ tống lên một phụ nữ. Người đàn bà rụt rè ngồi xuống băng xe ở sát cửa sau, ngồi riêng rẽ hẳn ra mà mắt vẫn không ngừng dáo dác. Nhưng chỉ một vài câu ngăn ngắn trao đổi là biết ngay toàn người nhà. Cùng điều 58 với nhau, có gì đâu mà phải sợ. Bà ta tự giới thiệu tên Regina, có chồng Đại tá bị bắt trước ít lâu. Bỗng nhiên một khuôn mặt gầy gò nãy giờ khuất lấp bỗng thò ra. Đúng týp sĩ quan nhưng trẻ thế kia chắc chỉ Trung úy là cùng! Hắn đột ngột lên tiếng: "Có phải chị bị bắt cùng với Antonina không?" "Ủa, anh là chồng Antonina hả? Anh là Oleg chớ gì?" "Tôi đây". "Ra anh là Trung tá Oleg I. ở Viện Đại học Quân sự Frunze đấy?" "Đúng thế!" Ôi chao, còn gì bất ngờ, sung sướng cho bằng những tiếng ngắn gọn: "Tôi đây, đúng thế!". Cả một nỗi bàng hoàng mà sau đó không giấu nỗi sợ sệt, hãi hùng của một kẻ sửa soạn phải nghe một hung tin đau thương. Trung tá Oleg bèn chạy lại ngồi kế Regina, hối hả thăm hỏi. Còn may mắn nào bằng tình cờ gặp đây? Ánh nắng vàng úa buổi chiều chiếu lọt qua những kẽ hở trần xe, nhảy múa trên hai khuôn mặt kề cận nhau. Gã đàn ông hốt hoảng, chờ đợi. "Anh biết không, chị ấy và tôi chung xà lim tới 4 tháng liền. Chị ấy đang đợi thẩm cung". "Chị nói sao? Nhà tôi hiện giờ ở đâu?" "Tội nghiệp chị ấy! Nhắc đến anh hoài. Chỉ lo anh bị bắt, và sau này suốt ngày cứ cầu mong cho anh lãnh án nhẹ". "Nhưng nhà tôi hiện giờ ra sao?" "Khoan, để nghe tôi nói đã. Chị ấy tội nghiệp cho anh, chỉ vì vợ mà phải dây dưa, tù tội! Chỉ bấy nhiêu đó mà khổ". Mắt Oleg long lên. Hắn săn đón hỏi tin vợ, vậy mà cứ nói chuyện gì đâu! Nhưng Regina đưa tay lên vai hắn vuốt ngực an ủi như một người thân: "Chị biết nhà tôi hiện ở đâu chớ?" "Đừng sợ, có sao đâu? Chẳng qua chị ấy quá lo đó mà thôi. Chớ người như chị ấy có đời nào chịu khuất phục? Nhưng sau cùng cũng phải chịu vậy, thế rồi bọn chúng tách rời chị ấy ra, đưa đi một chỗ khác. Từ đó mới bặt tin luôn". Hai người mãi chúi đầu vào nhau to nhỏ. Thời giờ sao ngắn ngủi thế? Chỉ có lúc này để thăm dò tin tức người vợ thân yêu. Xe bít bùng vẫn cứ phóng vùn vụt trên đại lộ 6 đường xe chạy. Đèn đỏ cũng ngừng lại, quẹo cũng ra dấu như bất cứ thứ xe nào khác. Trên xe những vách sắt rung lên từng nhịp, như hoà điệu với câu chuyện nhỏ to, Trung tá Oleg I. thì tôi vừa mới gặp trong lao Butyrki xong. Tụi tôi một đám được đưa ra "nhà ga" chờ làm thủ tục đi đày. Ai cũng phải sắp hàng chờ ngoài hành lang để cán bộ Cơ quan lục soát lại lần chót trước khi trả lại mớ đồ đang nằm ở nhà kho. Tình cờ hai đứa tôi sắp hàng bên nhau. Bên trong phòng mụ nữ giám thị mở va-li, rũ tất cả mọi thứ chứa bên trong ra sàn nhà. Không hiểu sao lúc bấy giờ nó còn kẹt được? Một chiếc cầu vai vàng óng ánh với mấy ngôi sao nho nhỏ cấp bực Trung tá. Mụ giám thị cũng không nhìn thấy nên mới sơ ý giẫm chân lên chiếc lon. Tôi vội bấm hắn: "Thấy không, thấy tận mắt chưa, Trung tá?". Hắn nghiến răng chịu đựng. Không thể để chà đạp lên một tượng trưng cho những năm phục vụ. Nhưng thôi, chẳng thể làm gì được. Chỉ đau cho chiếc lon vừa bị chà đạp. Cũng như bây giờ đang xót thương cho con vợ chưa biết lưu lạc đến phương nào.[1]Cũng nên nhắc Timofeyev-Ressovsky là nhà quang tuyến Sinh vật học lừng danh của Nga, có phòng thí nghiệm ở Đức từ 1922 đến 1945. Sau khi "hồi hương để kiến quốc" bị Stalin tặng 10 năm cải tạo. Sống sót trở về Mạc Tư Khoa, như trên thì các Sĩ quan Nội An chờ sẵn ở sân ga, chia nhau bồng bế (thay vì nằm cáng đã quá tử tế) ra xe riêng đưa đi tĩnh dưỡng để nhà bác học có dịp phục hồi sức khoẻ phục vụ Tổ quốc. [2]Tập hồi ký Thế giới tù đày của Yakubovich, xuất bản năm 1964 ở Mạc Tư Khoa viết về những năm đói kém hồi 1890 tù đi đày Tây Bá Lợi Á được phát mỗi đầu người 10 kopeck tiền ăn đường Hồi đó ổ bánh mì lớn, ngon nhất là 5 kopeck… một bình sữa 3 kopeck và ở trại Irkutsk xa xôi, đời sống đắt đỏ tới 10 kopeck một nửa ký thịt nên tù đi đày KHỔ SỞ, THIẾU THỐN. Than ôi, với những thằng đi đày "cá khô làm chuẩn" thì chỉ mong sao "thiếu thốn" được nửa ký thịt một ngày! [3]Yubahovich ghi rõ ràng: "… chỉ vì những đòi hỏi đặc biệt này mà tù thường phạm thường mệnh danh chính trị phạm là những "đàn anh đớp híp". Xin bạn đọc phê phán xem có oan hay không? [4]Tôi cũng nghe nói có vài trường hợp chống cự hẳn hoi, nhất định không cho bọn côn đồ "làm thịt". Có điều những chiến sĩ đó không bảo vệ Công lý, bênh vực mấy thằng già yếu bênh cạnh mà chỉ tự bảo vệ lấy thân, đúng nguyên tắc "võ trang bất can thiệp". [5]Bằng cớ là ông bạn V.L. Ivnov nay ở Uktha, trong thời gian đi chơi đã dính Điều 162 (trộm cắp) chín lần và Điều 82 (vượt ngục) năm lần. Nếu ở đủ án thì phải 37 năm nhưng thực sự Ivanov chỉ ăn cơm nhà lao từ 5 đến 6 năm. [6]Trong ngôn ngữ của giới Blatnye thì danh từ frayera chỉ bọn người ở ngoài giới nhưng "nhà quê, làng xã" chớ không phải blatnoi hay Chelovek (con người, người đàng hoàng). [7]Tên nhà đại văn hào mà lấy đặt tên cho Trại Cải tạo thì quả thực trớ trêu! Sao không có trại Pushkin, Gogol hay Tolstoi? Giữa Elgen và Kolyma còn có mỏ đồng Gorky.