Chương 7
Hai chục vạn quân Tần bị tiêu diệt


Trưởng Sử nấn ná trước cửa Tư Mã

Theo ý định của Hạng Võ, sau khi tiêu diệt quân của Vương Ly xong thì tức khắc xua quân tới Cức Nguyên, mở cuộc tấn công vào quân Chương Hàm.  Ý tưởng đó được nhiều bộ tướng tán đồng.  Qua chiến thắng ở Cự Lộc, họ thấy được quân Tần tuy lớn mạnh nhưng không phải là không thể chiến thắng.  Còn quân Sở tương đối nhỏ yếu nhưng giờ thì lại có một sức mạnh không thể nào ngờ được.  Trước khi có cuộc giao tranh, họ băn khoăn không biết thắng bại thế nào, thậm chí, còn lo lắng không yên tâm thật hoàn toàn nhưng giờ khác hẳn.  Thời bấy giờ thần kinh trên khắp châu thân họ đều căng thẳng đến cực điểm, nhưng nay sau cuộc chiến thắng, toàn quân được nghỉ ngơi, thì họ cảm thấy nhẹ nhàng chưa từng có.  Họ bắt đầu xem việc giao chiến với quân Tần là điều không khó khăn chi cả, thái độ khinh địch của họ do đó bắt đầu lớn dần.
Nhưng, Mạt tướng Phạm Tăng thì rõ ràng hết sức bình tĩnh. Ông không hề có thái độ dương dương tự đắc như trên mặt của các tướng sĩ, mà trái lại có nét ưu tư như trong lòng đang tiềm ẩn một nỗi lo lắng gì.  Vừa trông thấy Hạng Võ ông liền đặt thẳng vấn đề:
- Này Thượng tướng quân, theo ngài thì dưới chân thành Cự Lộc chúng ta đã giết được bao nhiêu địch?
Hạng Võ không cần suy nghĩ, đáp:
- Ít thì năm vạn, còn nhiều thì mười vạn.
Phạm Tăng gật đầu, lại hỏi:
- Thế quân Chương Hàm ở Cức Nguyên thì sao?
Hạng Võ đáp:
- Căn cứ theo quân thám thính cho biết, thì đông chừng hai chục vạn.
Phạm Tăng mỉm cười, nói:
- Lời nói của Thượng tướng quân không sai.  Quân của Vương Ly tối đa không hơn mười vạn, chỉ bằng 1/3 quân của Chương Hàm.  Hiện giờ Chương Hàm lui về Cức Nguyên chẳng qua là tạm thời tránh quân Sở, chứ không phải đã im trống cuốn cờ đâu.  Nếu so sánh binh lực giữa đôi bên hiện nay, thì quân Tần vẫn hơn quân ta gấp hai lần, tức quân ta vẫn ở thế yếu.  Chiến thắng ở Cự Lộc mặc dù có thể xem là rất vinh quang, nhưng tuyệt đối đừng quên tại sao lại được như vậy, để qua đó lại có những hành động liều lĩnh.
Hạng Võ cảm thấy lời nói của Phạm Tăng như muốn nhắc nhở một điều gì, bèn hỏi:
- Theo ý kiến của tướng quân là ta nên tạm thời khoan mở cuộc tấn công Cức Nguyên?
Phạm Tăng đáp:
- Chính Mạt tướng có ý muốn nói như vậy, vì theo mạt tướng, nôn nóng mở cuộc tấn công vào Cức Nguyên sẽ có ba điều bất lợi: quân ta mới vừa chiến đấu xong, tướng sĩ đều mệt mỏi, nếu liên tục tác chiến, thể lực sẽ không chịu đựng nổi, sức chiến đấu không thể phát huy đến mức tối đa, đó là điều bất lợi thứ nhất.  Sự bại trận của Vương Ly mặc dù làm cho sĩ khí của quân Tần bị tụt giảm, nhưng nếu nôn nóng mở cuộc tấn công, thì sẽ dồn địch vào thế phải liều chết chiến đấu, tạo nên nhiều khó khăn cho ta.  Đó là điều bất lợi thứ hai.  Quân ta mới chiến thắng, một số người có thái độ kiêu ngạo khinh địch, điều đó là điều đại kỵ trong việc dụng binh.  Đó là sự bất lợi thứ ba.  Đã có ba điều bất lợi như trên thì rất khó thủ thắng.  Tôi rất khâm phục lòng dũng cảm của tướng quân khi ra lệnh đập vỡ nồi niêu, nhận chìm ghe thuyền, vậy nếu lại kéo quân đi đánh Chương Hàm, thì cũng cần phải có một quyết tâm như thế: không đánh thì thôi, đánh thì phải giành cho được toàn thắng!
Hạng Võ cho lời nói của Phạm Tăng rất chí lý, bèn hỏi:
- Nếu vậy bây giờ ta phải hành động như thế nào?
Phạm Tăng đáp:
- Bây giờ chúng ta nên kéo về đóng quân ở phía nam sông Chương để cho tướng sĩ nghỉ ngơi chỉnh đốn đội ngũ, bồi dưỡng sức lực, nâng cao sĩ khí để chờ cơ hội đánh bại quân địch.  Tần Nhị Thế và Triệu Cao đều là những người luôn có lòng nghi ngờ.  Nay Vương Ly bị bại trận, Chương hàm chắc chắn sẽ bị khiển trách.  Như vậy Chương Hàm tất nhiên sẽ thối chí ngã lòng, mất đi nhiệt tình chiến đấu.  Ta sẽ thừa dịp đó để mở cuộc tấn công thì sự đắc thắng sẽ nắm vững trong tay.
Hạng Võ nghe xong liền khen là đúng. Thế là dựa theo kế hoạch của Phạm Tăng, quân Sở dời về đóng tại phía nam của sông Chương, chong mặt với quân Chương Hàm ở Cức Nguyên.
Sự phán đoán của Phạm Tăng và Hạng Võ là chính xác.  Sau khi Chương Hàm bị bại trận tại Cự Lộc, quả nhiên ông ta đã bị triều đình quở trách, khiến ông ta hết sức nản lòng, sĩ khí của toàn quân do đó cũng bị tụt giảm một cách thê thảm.  Tình hình đó đã làm cho lực lượng của quân Tần bị suy yếu rất nhiều, dẫn đến ảnh hưởng chung cho cả chiến cuộc.
Vào một ngày tháng 7 năm 207 Tr. CN, gió thổi ào ào, cây cối nghiêng ngả, như có thể bị gãy ngang bất cứ lúc nào.  Trên bầu trời mây đen phủ đầy, mù mịt, không mấy chốc bắt đầu mưa lâm râm, và càng lức mưa càng to, chỉ trong chốc lát thì tất cả đều bị đắm chìm trong mưa bão, không còn phân biệt trời, đất, núi, sông, cây cối, nhà cửa.  Tất cả đều bị ngập chìm trong mưa bão.
Tướng sĩ của Chương Hàm chen chúc nhau trong những gian lều trướng thô sơ, người nào người nấy run cầm cập.  Họ bàn nho nhỏ với nhau về trận chiến đẫm máu dưới chân thành Cự Lộc và càng lo cho số phận của mình.  Số tù tội tại Ly Sơn vốn có hy vọng sau khi thắng lợi được trả tự do, trở về quê hương, nhưng giờ đây họ cảm thấy niềm hy vọng đó cũng mờ mịt như bầu trời ở bên ngoài.  Cây trụ tinh thần giúp cho họ dốc hết sức lực ra chiến đấu giờ đây đã gãy, giờ đây sức mạnh trong người họ đã biến mất và tinh thần hết sức mỏi mệt.
Tâm trạng của Chương Hàm không tốt hơn tướng sĩ của ông ta.  Viên Thiếu phủ chủ trì việc xây dựng lăng mộ ở Ly Sơn này, kể từ tháng bảy năm 208 Tr. CN, kiến nghị với Tần Nhị Thế điều động tất cả tội phạm ở Ly Sơn đi trấn áp những cuộc khởi nghĩa của nông dân ngoài chiến trường, đến nay đã hơn một năm.  Đội quân của ông ta chỉ huy đã tung hoành khắp mọi nơi, từng giết được Trần Thắng tại Thành Phụ, đánh bại được Hạng Lương tại Định Đào, tiêu diệt được Ngụy Cửu tại Lâm Tế, gần như đi tới đâu là chiến thắng tới đó.  Sự thất bại như ở dưới chân thành Cự Lộc là điều mà ông ta chưa từn gặp.  Ông ta được sự khích lệ và ban thưởng của triều đình, cứ mỗi lần đến Hàm Dương để báo tin thắng trận thì bao giờ ông ta cũng được nghe những lời khen ngợi, làm cho ông ta cảm thấy thật khoan khoái trong lòng.  Nhưng giờ đây, ông ta không khỏi lo sợ đến cuống cuồng, ông ta chẳng những buồn lo đối với tình hình quân của Vương Ly bị tiêu diệt toàn bộ, mà còn lo sợ sẽ bị những lời lẽ khiển trách đến từ Hàm Dương.  Ông ta biết Tần Nhị Thế là một vị hoàng đế chỉ thích nghe tin vui chứ không hài lòng nghe tin buồn.  Sự thất bại tại Cự Lộc chắc chắn sẽ làm cho nhà vua này giận dữ, không biết chừng nhà vua sẽ sai sứ giả đến khiển trách.
Sự băn khoăn lo nghĩ của Chương Hàm quả nhiên được chứng thực.  Chính trong ngày mưa gió bão bùng đó, sứ giả của Tần Nhị Thế đã đến Cức Nguyên.  Chương Hàm tiếp đón người sứ giả đó với một thái độ ân cần thận trọng, bày tiệc để tẩy trần.  Nhưng sắc mặt của vị sứ giả đó trước sau như một vẫn rất nặng nề, không hề nói một tiếng nào.  Mãi cho tới khi bàn tiệc được thu dọn, mọi người đã tản đi, ông ta mới nói riêng với Chương Hàm:
- Này Chương thiếu phủ, thiên nhan đang giận dữ đấy!
Chương Hàm vừa nghe qua lời nói đó hết sức sợ hãi, đôi chân tự nhiên mềm nhũn, hai đầu gối cũng mất tự chủ quỳ ngay xuống đất.  Sứ giả hất mặt lên cao, gằn tứng tiếng một huấn thị của Tần Nhị Thế:
- Thiếu phủ Chương Hàm từng được nhiều ân huệ, đáng lý ra phải cúc cung tận tụy, đem toàn lực thảo phạt bọn giặc, để không làm nhục sức mệnh của mình.  Thế mà trong trận đánh Cự Lộc, do sự trù hoạch thiếu chu đáo lại thiếu cả sự dũng cảm của tướng sĩ, sơ sót trong việc đề phòng, chỉ huy bị hỗn loạn, nên mới dẫn đến tình trạng hàng vạn binh mã bị thảm bại dưới tay của bọn giặc cướp, làm cho thần oai của quan quân phải chịu nhục.  Đối với tình hình hao binh tổn tướng, tội và trách nhiệm không sao trốn tránh được, trong khi nhiều cuộc chiến lại bất lợi, khiến triều đình không thể tiếp tục tín nhiệm.  Nay xét vì trước đây có công nên tạm tha thứ, vậy phải lấy công chuộc tội, tiêu diệt toàn bộ quân giặc, nếu còn có sự sơ suất, thiếu lòng hăng hái trong chiến sự, thì nhất định sẽ bị nghiêm trị!
Nghe qua những lời quở trách nghiêm khắc đó, Chương Hàm như bị đánh một gậy vào đầu, tinh thần hết sức căng thẳng.  Ông ta cảm thấy trên người mình như đang bị vô số những ngọn roi quất mạnh, trên mặt như đang bị vô số mũi kim chích vào.  Ông ta liên tiếp dập đầu tạ tội và ngỏ ý nhất định sẽ nhớ mãi bài học thất bại ở Cự Lộc, dốc hết toàn lực để tiêu diệt giặt cướp, báo đáp cái ơn tha tội của hoàng đế.
Người sứ giả chỉ  mỉm cười rồi sau đó bình thản nói tiếp:
- Này Chương thiếu phủ, thánh mệnh không thể làm trái, vậy mong ngài phải biết tự lượng!
Sau khi sứ giả ra về, Chương Hàm như người mất hồn, như đang ngồi trên bàn chông.  Những lời nói làm cho ông ta phải khiếp sợ đó vẫn còn văng vẳng bên tai.  Tần Nhị Thế mặc dù không trị tội ông, nhưng ông vẫn nơm nớp lo sợ.  Ông ta quyết định phái người đi Hàm Dương một chuyến, trước tiên là để nghe ngóng thái độ của hoàng đế và dư luận trong triều đinh; kế đó là để báo cáo tường tận tình  hình chiến sự ở Cự Lộc, xin hoàng đế và triều thần tha thứ.
Khi nghĩ đến việc chọn người, Chương Hàm suy nghĩ thật lâu.  Ông ta thấy cần phải tìm một người có tư duy nhanh nhạy, tùy cơ ứng biến, có tài ăn nói biện luận, để qua sự liên hệ của ông ta làm cho hoàng đế bớt tức giận.  Cuối cùng Chương Hàm đã chọn Trưởng sử Tư Mã Hân.  Vì ông này là người am hiểu luật pháp của nhà Tần, lại giỏi quyết đoán.  Lúc Chương Hàm từ Ly Sơn dẫn binh ra đi, ông đã cử Tư Mã Hân giữ chức Trưởng sử, lúc nào cũng sánh vai tác chiến với Chương Hàm, về mặt tình cảm cá nhân đôi bên cũng rất hợp nhau.  Được sự tín nhiệm của Chương Hàm, Tư Mã Hân lấy làm cảm kích.  Ông ta ngỏ ý nhất định sẽ nói rõ tình hình cho hoàng đế nghe, để hoàng đế nguôi cơn giận.  Khi Tư Mã Hân rời khỏi Cức Nguyên, Chương Hàm đã bày tiệc rượu để tiễn hành, dặn dò kỹ lưỡng rồi mới phái một thị vệ giỏi đi theo đến Hàm Dương.  Thành Hàm Dương nằm tại phía nam núi Cửu Tông, phía bắc sông Vị Thủy.  Vì sách có câu "Sơn Nam Thủy Bắc Câu Dương" (Phía nam của núi phía bắc của sông đều là dương), cho nên mới gọi là Hàm Dương.  Người Tần từng đóng đô lâu dài tại Ung Thành, khi đến thời Chiến Quốc, muốn thích ứng với tình hình đấu tranh chính trị mới, nên họ đã dời đô sang phía đông.  Trước tiên dời đến Lịch Dương, rồi sau đó mới dời đến Hàm Dương.  Trước khi dời đô đến Hàm Dương, họ đã qui hoạch tỉ mỉ và thi công kỹ lưỡng.  Chờ khi cung điện chính đã hoàn thành thì năm thứ 12 đời vua Tần Hiếu Công (tức năm 350 Tr. CN) họ mới chính thức dời đến đây.  Từ đó trở đi Hàm Dương vẫn tiếp tục được xây dựng.  Trong quá trình Tần Thủy Hoàng tiêu diệt sáu nước, họ mới tiến hành xây dựng Hàm Dương.  Mỗi khi tiêu diệt được một nước, họ lại lấy kiểu cung thất đẹp nhất của nước này để xây một cung thất tương tự ở phía bắc Hàm Dương, cho nên trong thành Hàm Dương cung điện đứng san sát như rừng, trông càng hùng vĩ hơn xưa.
Nếu so sánh với tình trạng ở phía đông, thì đường phố ở Hàm Dương người qua kẻ lại cũng đông đảo, nơi họp chợ cũng huyên náo chẳng kém gì.  Tư Mã Hân vừa bước vào khu phố của Hàm Dương, đã có cảm giác như mình đã rời xa không khí hòa bình này từ lâu, hoàn toàn khác hẳn với tình trạng chiến đấu quyết liệt và đẫm máu ngoài chiến trường.  Ông ta bất giác ước mơ đến cuộc sống yên ổn này, và mong mỏi một ngày nào đó sẽ từ giã được cảnh sống trong những chiếc lều hành quân tạm bợ và đầy nguy hiểm.  Nhưng, khi ông ta liên tưởng tới trận thảm bại dưới chân thành Cự Lộc và lực lượng lớn mạnh của quân Sở, thì không khỏi lo lắng.  Đúng vậy, cuộc sống bình yên ai lại không muốn.  Còn cảnh hoàng thành giàu sang ở Hàm Dương thì đúng là một niềm kiêu hãnh của vương triều, nhưng tất cả những thứ đó còn kéo dài được bao lâu?  Vương triều nhà Tần phải chăng có thể giống như sự mong muốn của Tần Thủy Hoàng, hết Nhị Thế thì tới Tam Thế, và truyền ngôi mãi mãi, vô cùng vô tận?  Ông không dám tin là đúng như vậy, vì ông cảm thấy mọi việc đều không chắc chắn, thậm chí ông còn cảm thấy bọn giặc cướp kia phải chăng có thể bình định tiêu diệt được, quân Tần phải chăng có thể giành được thắng lợi, đó là điều hiện nay chưa ai hiểu.  Biết đâu chừng bọn giặc cướp kia sẽ đánh vào thành Hàm Dương, và biến những gì ở trước mắt trở thành tro bụi.  Ông không dám suy nghĩ tiếp, bèn giục ngựa đi nhanh về phía cung Hàm Dương.
Cung Hàm Dương là nơi Tần Nhị Thế và người sủng thần của nhà vua là Triệu Cao đang sống hoàn toàn không hề lo lắng gfi như Tư Mã Hân.  Nơi đây mọi việc vẫn diễn ra bình thường, suốt ngày yến tiệc linh đình, ca vũ không chấm dứt.  Tần Nhị Thế tha hồ vui chơi, thu gom rộng rãi các mỹ nữ ở trong nước để bổ sung cho hậu cung, và dạy họ ca múa.  Các quan viên giữ chức Thái nhạc lệnh, đã trở thành những quan viên quan trọng nhất trong triều đình.  Họ không bao giờ rời khỏi Tần Nhị Thế, lúc nào cũng tìm cách làm cho nhà vua vui lòng.  Trong cung còn có những người soạn ca khúc, những người giỏi về các loại nhạc khí như đàn trúc, chung khánh, cầm sắc, tranh dịch, khèn, và các loại ống sáo, v.v... một số đông ca kỹ xinh đẹp, có điệu múa uyển chuyển mê ly, không nơi nào bằng.  Trong cung suốt ngày du dương tiếng đàn tiếng sao, tiếng trống tiếng khèn và những lời ca không bao giờ chấm dứt.  Tần Nhị Thế rất thích các loại nhạc của các nước Trịnh, Vệ, như "Thiều Nguy", "Vũ Tượng", cho nên các điệu ca vũ rất thịnh hành trong cung điện của nhà Tần.
Ngày hôm đó Tần Nhị Thế đang say sưa với những điệu ca vũ, với những chung rượu ngon thì một Yết Giả bước nhẹ đi vào.  Ông ta không đến trước mặt Tần Nhị Thế mà cung kính đến trước mặt Triệu Cao, kề tai nói nhỏ mấy câu.  Triệu Cao nghe xong có vẻ suy nghĩ trong chốc lát, mới đưa mắt nhìn Tần Nhị Thế một lượt.  Trong khi đó Tần Nhị Thế đang mê say ngắm nghía một mỹ nữ trẻ tuổi mặc váy mỏng màu hồng, nên hoàn toàn không hề chú ý tới sự có mặt của Yết Giả.  Triệu Cao bèn dặn dò Yết Giả mấy câu, ông này liền lui ra.
Yết Giả đến để thông báo việc Tư Mã Hân đến xin yết kiến.  Vì mọi việc lớn nhỏ trong triều đình đều do Triệu Cao quyết đoán, Tần Nhị Thế không bao giờ hỏi tới cho nên Yết Giả đã trực tiếp báo cáo với Triệu Cao.  Triệu Cao liền bảo Yết Giả nói lại với Tư Mã Hân: "Hoàng đế đang bận việc nước, vậy Tư Mã Hân hãy chờ đợi ở ngoài cửa một tí."
Tư Mã Hân đang nôn nóng muốn được vào yết kiến hoàng đế, sau khi nghe nói thế thì trong lòng lại càng nôn nóng hơn.  Nhưng, ông ta có cách nào khác hơn được?  Hoàng đế tạm thời không triệu kiến thì ông ta phải chờ mà thôi.  Nào ngờ, ông ta chờ liên tiếp ba hôm mà vẫn không thấy lệnh nhà vua cho vào.  Tư Mã Hân bắt đầu không an tâm, vì sợ có xảy ra biến cố, liền đến nhà riêng của một triều thần vốn có mối quan hệ thân mật để hỏi nguyên do. Người này trước tiên tỏ ra do dự một lúc, rồi sau đó mới nói:
- Chuyện này đáng lý ra không thể nói cho ai biết, nhưng tôi nghĩ tình giữa chúng ta đã kết giao từ lâu, nên mới mạo hiểm nói cho ngài biết.  Có lẽ Trưởng Sử cũng đã nghe qua đại quyền trong triều đinh hiện nay đều do một mình Triệu Cao nắm giữ.  Ông ta là người độc đoán chuyên quyền, ngông cuồng tự đại, lại luôn luôn nghi ngờ.  Ông ta sợ người khác sẽ thay thế địa vị của ông ta, nên xem những người có tài năng như là kẻ thù địch, muốn trừ khử tất cả.  Chương thiếu phủ là người có công lao nhất trong triều đình cũng như ở ngoài dân gian, tài năng siêu phàm, nên đã trở thành một trong những người mà Triệu Cao rất thù ghét.  Trước đây một thời gian, có sứ giả tới vùng Cức Nguyên để khiển trách Chương thiếu phủ, thật ra đó là do Triệu Cao cố khuyên hoàng đế làm như vậy.  Nay ngài tới đây để báo cáo tình hình chiến sự, Triệu Cao hoàn toàn không muốn gặp mặt ngài, hơn nữa, không biết chừng ông ta sẽ sử dụng độc kế gì để đối với ngài.  Vậy theo tôi, ngài nên mau chóng rời khỏi Hàm Dương kẻo lại xảy ra bất trắc.
Tư Mã Hân nghe tới đây thì kinh hoàng thất sắc, không dám ở lại Hàm Dương lâu, vội vàng lên đường trở về Cức Nguyên.  Sau khi Tư Mã Hân rời đi được vài tiếng đồng hồ, Triệu Cao liền phái một toán thân binh, men theo đường cũ của Tư Mã Hân để truy bắt.
Tư Mã Hân về tới Cức Nguyên, báo cáo lại với Chương Hàm những điều gặp phải ở Hàm Dương.
- Hiện này Triệu Cao chuyên quyền, bày trừ những người không ăn cánh.  Chúng ta nếu chiến thắng ngoài chiến trường sẽ làm cho Triệu Cao ganh tị, trái lại, nếu bị chiến bại, thì cũng sẽ không tránh được tội chết.  Tôi đã đứng chờ trước cửa suýt cũng bị ám hại.  Vậy xin tướng quân hãy suy nghĩ kỹ.
Những lời nói đó đã làm cho Chương Hàm ngẩn ngơ một lúc thật lâu.  Vị tướng quân một lòng một dạ bán mạng cho vương triều nhà Tần này, có thể nói là người trung thành không hề có ý nghĩ phản trắc, sẵn sàng làm thân trâu ngựa cho triều đình.  Trong nhữg ngày chinh chiến gian lao ông ta không bao giờ thán oán, chuyện vào sinh ra tử ngoài chiến trường ông ta chưa bao giờ sợ sệt.  Ông ta muốn dẹp yên giặc cướp, chỉ muốn phơi gan trải mật cho nhà vua, dùng xương máu của mình để đổi lấy sự anh lành cho vương triều, chô sự trường cửu của đế nghiệp.  Ông luôn thấy phải làm như vậy mới xứng đáng với lòng tín nhiệm của hoàng đế, mới không phụ ơn triều đình.  Thế mà vừa gặp thất bại là đã bị khiển trách, suýt nữa mang tội, quả thật điều đó làm cho ai cũng phải rùng mình.  Ông ta bắt đầu oán ghét Triệu Cao.  Ông ta nhận ra Triệu Cao là một con người rất hiểm độc, dám làm bất cứ chuyện gì, vậy cần phải đề phòng mới được.
Thế nhưng, lúc bấy giờ ông ta vừa phải đối mặt với nghĩa quân đang chờ tấn công, còn ở sau lưng thì bọn gian nịnh lắm mưu mô ác độc.  Như vậy có thể nói là ông ta đang lưỡng đầu thọ địch, vậy biết tính sao?
Tạm thời ông ta không nghĩ ra được biện pháp nào, tâm trạng vô cùng đau khổ...