Những tiếng nói “nhân danh bảy trăm triệu nhân dân Trung Hoa” của Mao Trạch Đông cất lên đầy thách đố với thế giới, chắc chắn không phải phát xuất từ ý thức đấu tranh cho vô sản, vì trong số 700 triệu ấy còn không biết bao nhiêu “kẻ thù” của giai cấp này. Thực tế, người ta chỉ có thể nhìn thấy khía cạnh vị tộc trong giọng điệu kiêu căng phô trương sức mạnh nhân số ấy. Thế giới nói chung vẫn ngại ngùng trước mưu đồ muốn dùng một phần tư nhân loại đó để gây loạn. Trong sự ngại ngùng, người ta đã từng thấy rõ rệt những khuynh hướng muốn cầu hoà, muốn thần phục và những khuynh hướng muốn chống đối, muốn đương đầu. Đông Nam Á nói riêng cũng không thoát ra ngoài hai khuynh hướng trên. Nhưng tự xé lẻ để cầu hoà, thần phục có thể được để ở yên trong giai đoạn hiện tại, song lấy gì bảo đảm cho tương lai, trong khi Trung Hoa đã có sẵn dự kế thống trị. Còn chống đối, đương đầu thì không đủ mạnh, nên có quốc gia đã bám theo đế quốc khác để tìm sự che chở. Hành động theo phản ứng ấy đã dựa vào một mệnh đề nghe ra thường hợp lý “Kẻ thù của kẻ thù là bạn ta”, nhưng thật ra là sai lầm ấu trĩ trong trường hợp này. Vì hành động như vậy, chúng ta đã đồng hoá lập trường tự vệ thiêng liêng của mình với lập trường đế quốc. Hay nói một cách khác, chúng ta đã chỉ phụ hoạ theo tiếng gầm gừ của bày thú dữ đang tính chuyện xâu xé lẫn nhau mà thôi. Muốn ý thức được con đường phải chọn trong phạm vi này, hãy lắng nghe tiếng thì thầm thổn thức trong suốt dòng lịch sử của các bộ tộc Bách Việt từ khi dời bỏ địa bàn Hoa Nam qua lúc hình thành các tổ hợp Đông Nam Á tới ngày nay. Tiếng thì thầm ấy nhắc nhở chúng ta rằng: hãy trả vấn đề Trung Cộng lại cho cộng sản Nga, cho tư bản Mỹ, còn chúng ta, nhân dân Đông Nam Á, chúng ta không có vấn đề Trung Cộng riêng rẽ mà chỉ có vấn đề Tàu. Tàu thì lúc nào cũng chỉ là Tàu, và cái mưu đồ theo đuổi tận diệt bằng cách đồng hoá các dân tộc nhỏ yếu xung quanh (dưới hình thức này hay hình thức khác) từ xưa đến nay cũng vẫn thế [1]”. Từ nhận thức ấy, hãy bàn đến chuyện Tàu – chuyện Tàu từ Hoa Lục, chuyện Tàu từ Đài Loan và cả chuyện Tàu ở ngay trong lòng Đông Nam Á. Từ nhận thức ấy mới thấy cần phải phòng ngự và phòng ngự với tư thế của bày trâu chống cọp, chứ không phải với cung cách của trẻ nít núp váy mẹ hờ. Đông Nam Á không gây hấn, vì thực ra cũng chẳng có sức mà gây hấn. Nhưng các nước Đông Nam Á phải nắm tay nhau giữ vững trận tuyến của mình; có như vậy mới mong làm nhụt ý chí lũng đoạn của Bắc phương và mới tạo được hoà bình thực sự lâu dài cho toàn vùng. Truyền Thống Đế Quốc Cho tới thế kỷ 19, mối liên hệ giữa Trung Hoa và các liên bang là mối liên hệ của thiên triều với tiểu quốc, vì Trung Hoa vẫn tự coi là trung tâm của thế giới, một tổ hợp văn minh cao cả ở giữa những tổ hợp của các “rợ”. Vì vậy, trước kia người Trung Hoa không thể nào quan niệm nổi một hình thái thế giới loài người quy tụ những quốc gia bình đẳng. Cái tinh thần đại đồng được phô diễn một cách tốt đẹp trong Lễ Ký đã được người Trung Hoa hiểu một cách thực tế là nhân loại đại đồng trong sự “coi sóc” của nòi Hán và được biểu hiện ra thành một thứ chủ nghĩa đế quốc mệnh danh là thiên hạ chủ nghĩa. Khi Mao Trạch Đông hô hào giải phóng toàn thể nhân loại để thiết lập một thời đại mới thì thật ra Mao đã chỉ lập lại cái ý thức truyền thống của Trung Hoa bắt nguồn từ trước Công nguyên và mới chấm dứt vào cuối thế kỷ 19 [2]. Trong giai đoạn không tiếp nối trước Mao, Khang Hữu Vi cũng đã mưu toan xây dựng lại cái cơ cấu mục nát của Thanh triều trên ý thức này nhưng đã thất bại (1898), cũng như Tưởng Giới Thạch đã thất bại vì sự quật khởi của Nhật Bản, một dân tộc “rợ” vốn trước kia vẫn thần phục Thiên triều. Ngay từ khi mới lập quốc, người Hán đã theo đuổi một đường lối bành trướng bằng phương cách đồng hoá mãnh liệt. Truyền thuyết Trung Hoa còn ghi lại thời kỳ tranh chấp sông Hoàng giữa Hán và Miêu (người Mèo) vào thiên kỷ 3 trước C.N. Trước chính sách diệt tộc của người Hán, người Mèo đã phải lùi dần xuống phương Nam nhưng vẫn luôn luôn bị người Hán theo đuổi mà tiêu diệt. Trong khi nhiều bộ tộc Việt đã thiên di ra xa hẳn vùng người Hán chiếm cứ thì người Mèo vẫn lẩn quất tại Hoa Lục. Bỏ Hoàng Hà, họ lui xuống Dương Tử, rồi qua sông đi về đông nam. Để tránh nạn diệt chủng, họ phải rút lên các núi cao vùng Nam Lĩnh (người Hán về sau gọi là Miêu Lĩnh) ở ranh tỉnh Vân Nam, Quảng Tây, Hồ Nam, Quý Châu và Tứ Xuyên, nơi đã được mô tả bằng thành ngữ “trời không ba ngày sáng, đất không ba thước bằng,” vì có địa thế vô cùng hiểm trở và bị sương mù bao phủ quanh năm. Mãi tới thế kỷ 17 mới bắt đầu có những đoàn người Mèo thiên di xuống Đông Nam Á, tổng số hiện nay cũng chỉ độ vài trăm ngàn. Số còn lại bị tiêu hao dần sau mỗi đợt nổi dậy chống Hán. Cho đến nay, một dân tộc trước kia đông đảo ngang dân Hán và đã choán giữ bình nguyên phát triển văn minh thuỷ đạo (lúa cấy ruộng nước) đầu tiên, nay chỉ còn lại 2,5 triệu người rải rác trên các vùng cao nguyên cằn cỗi và hoàn toàn biến thành dân ở núi. Trường hợp Miêu tộc được nêu lên ở đây chỉ là một trường hợp điển hình trong lịch sử bành trướng của Hán tộc. Đối với các bộ tộc khác cũng vậy. Sử còn chép vào cuối thế kỷ 3 trước C.N., quân Tần xuống đánh Bách Việt ở miền nam, tiến quân bình định đến đâu liền di dân Hán dành đất đến đó. Chính trong dịp này, nhiều bộ tộc Việt đã thiên di. Trên vùng đất cũ, ngoài cuộc quật khởi của bộ tộc Lạc Việt ta để thâu hồi độc lập, ngày nay chỉ còn sót lại vài nhóm thiểu số rút ẩn vào rừng núi. Nhóm đông đảo nhất còn lại là bộ tộc Choang (vẫn tự xưng gốc Việt) ở Quảng Tây. Nhóm này hiện đã được chính quyền Bắc Kinh tổ chức thành khu tự trị với mục đích đồng hoá từng bước bằng phương cách hoà bình. Chính sách đồng hoá các dân tộc nhỏ của Bắc Kinh ngày nay thực ra cũng chỉ là việc kế tục các triều đại xưa và nhất là kế hoạch do Tôn Văn đề ra. Chủ nghĩa dân tộc trong chủ nghĩa tam dân của Tôn Văn chẳng có gì khác hơn là lập lại thành văn ý thức Đại Hán cũ. Tưởng Giới Thạch đã thi hành chủ nghĩa ấy và Mao Trạch Đông đã nhận xét về hành động của Tưởng như sau: “Đối với các dân tộc ít người, chúng (Quốc Dân Đảng) hoàn toàn kế thừa chính sách phản động của chính phủ Mãn Thanh và chính phủ quân phiệt Bắc Dương, áp bức bóc lột, không biết đến đâu mà kể. Vụ tàn sát nhân dân Y Khắc Chiếu thuộc dân tộc Nông năm 1943, việc trấn áp bằng lực lượng vũ trang đối với dân tộc ít người ở Tân Cương năm 1944 và cả hiện nay, vụ tàn sát nhân dân thuộc dân tộc Hồi ở tỉnh Cam lúc mấy năm gần đây, đã chứng minh điều đó”[3]. Ấy là chưa kể đến vụ Tưởng tàn sát dân Đài Loan ngày 26 tháng 1 năm 1947 sau này khi Đài Loan nổi dậy đòi độc lập. Dân gốc Đài Loan vốn không phải là người Hán. Trong vụ này, theo báo cáo của lãnh sự Mỹ ở Đài Bắc gửi cho Bộ Ngoại Giao Mỹ, trên năm ngàn dân Đài Loan đã bị Quốc Dân hạ sát [4]. Từ khi Tưởng bị đánh bật ra khỏi Hoa Lục, Mao đã tiến hành công việc Hán hoá một cách có kế hoạch hơn. Nỗ lực Hán hoá đã ảnh hưởng tới khoảng 50 triệu dân không thuộc Hán tộc. Việc thành lập các khu tự trị được tiến hành một cách tinh vi nhất. Một mặt lãnh địa khu tự trị sẽ dần dần bị co rút lại để sát nhập vào các tỉnh ngay trên đất tổ của mình. Gần đây, Cộng Hoà Nhân Dân Mông Cổ đã tố cáo bản đồ chính trị chính thức của Trung Cộng, công bố hồi tháng 12 năm 1971 đã vẽ lại biên giới (khu tự trị) Nội Mông, thu hẹp lãnh thổ khu này đến một phần ba so với bản đồ chính thức công bố năm 1957. Phần lãnh thổ khu tự trị Nội Mông bị cắt xén đã được ghép vào các tỉnh Hắc Long Giang, Liêu Đông và Trực Lệ [5]. Thật ra, dù chẳng thu hẹp khu tự trị thì chỉ nội chính sách di dân choán đất cũng đủ làm mất ý nghĩa tự trị rồi. Trong phần đất còn lại của Nội Mông, người Mông Cổ chỉ còn trên một triệu trong tổng số 6,5 triệu. Giả sử Trung Hoa trả lại đất Nội Mông cho Cộng Hoà Nhân Dân Mông Cổ thì liệu Mông Cổ với dân số 1,3 triệu có dám nhận lãnh hay chăng? Tại Mãn Châu, Trung Cộng cũng đã di dân Hán lên để triệt hẳn mầm mống phục hưng Mãn Châu quốc. Ở miền Tây, sau khi đã kiểm soát chặt chẽ được Tân Cương bằng quân lực, Trung Cộng đã dành cho dân Hồi Thổ (Uighur và Kazakh) chế độ khu tự trị (1953), nhưng đồng thời cũng phát động rầm rộ phong trào cưỡng bách di dân các tỉnh ở trung nguyên lên. Người Tây Tạng cũng đang trong tình trạng tương tự. Những cuộc hành quân đàn áp năm 1959 đã được mô tả là quân Tàu tiến vào Tây Tạng đến đâu, dân Tàu lũ lượt kéo theo choán đất đến đó. Xâm lăng bằng cách di dân tràn ngập là loại xâm lăng nguy hiểm nhất, vì đất bị chiếm không bao giờ còn hy vọng thâu hồi độc lập. Người Hán là dân tộc đầu tiên thấu hiểu và thi hành phương cách ấy [6]. Và chính vì sự trải mỏng trên những vùng đất mới để đồng hoá các dân tộc nhỏ khác, dân số Tàu đã phát triển một cách kinh khủng trong năm sáu thế kỷ vừa qua [7]. Mức độ dân số tăng tiến quá mau đã vượt xa diện tích đất mới. Ngày nay với chừng 800 triệu dân, Trung Hoa đang cần thấy khó sống trong một lãnh thổ tuy rộng nhưng không đủ thực phẩm cung ứng. Sự thiếu ăn truyền kiếp vẫn đeo đuổi người Trung Hoa như một định mệnh, vì vậy họ đã nhìn xuống vựa lúa Á châu (vùng đất Đông Nam Á) với con mắt thèm thuồng. Đó là lý do chính đã khiến Tàu, dù dưới chế độ nào, cũng đều mật đưa việc thôn tính Đông Nam Á, dưới hình thức này hay hình thức khác, lên hàng đầu quốc sách. Hãy bỏ qua những cuộc xua quân xâm chiếm trong lịch sử mà chỉ xét ngay trong thời hiện đại, chúng ta thấy người Tàu đã chiếu cố Đông Nam Á dưới hai hình thức trong hai thời kỳ khác nhau: từ cách mạng 1911 đến khi thành lập Cộng Hoà Nhân Dân (1949), người Tàu đã di cư xuống các nước trong vùng và định cư luôn. Sau 1949, phong trào di cư bị chặn đứng, người Tàu, dưới chế độ cộng sản, bèn xoay hướng khác với kế hoạch vận dụng chính trị nhằm đưa các quốc gia trong vùng vào vòng quỹ đạo của mình – bước đầu tiên của mưu đồ thống trị. Hoa Kiều Ở Đông Nam Á Thật ra thì không phải mãi tới thế kỷ 20 này mới có Hoa kiều ở Đông Nam Á. Nước nào trong vùng cũng đều ghi nhận sự hiện diện của Hoa kiều từ mấy trăm năm về trước. Nhưng Hoa kiều chỉ trở thành vấn đề nan giải cho vùng này trong vòng nửa thế kỷ nay, nghĩa là từ khi Trung Hoa có chính sách về Hoa kiều hải ngoại và mưu toan sử dụng họ vào việc lũng đoạn các quốc gia cho họ trú ngụ. Tổng số người Tàu ở Đông Nam Á hiện đã lên tới 13 triệu, nghĩa là nhiều hơn tổng số dân gốc cả ba nước Kampuchea, Lào và Mã Lai Á hợp lại. Trừ trường hợp Miến Điện, tất cả các nước còn lại đều đang tranh thủ một cách chật vật để tự gỡ ra khỏi vòng thống trị về kinh tế của Hoa kiều. Trước 1911, thường thường chỉ có đàn ông Tàu hầu hết là nông dân và công nhân ở hai tỉnh Quảng Đông và Phúc Kiến xuống Đông Nam Á tìm công ăn việc làm. Khi có một số vốn lớn, họ bèn trở về xứ. Chính cái kết quả nhãn tiền về sự giàu sang mau chóng của họ đã lôi cuốn các đợt Tàu khác xuống kiếm ăn. Ở các xứ Phật giáo như Miến Điện, Thái, Kampuchea, Việt Nam, nhiều đàn ông Tàu đã lấy vợ trú xứ. Theo truyền thống, họ cố gắng biến đám con cháu lai thành Tàu hay ít ra cũng thiên về tính chất Tàu nhiều hơn. Song, cũng có những trường hợp ảnh hưởng đàng mẹ quá mạnh, nhiều gia đình trải qua ba bốn thế hệ là trở thành người địa phương. Đối với trường hợp này, không có vấn đề gì phải đặt ra cả, vì họ đã chấp nhận dân tộc mà họ mang trong mình phân nửa dòng máu, chấp nhận quốc gia đã nuôi dưỡng họ, và sống hoà đồng không kỳ thị với tập thể địa phương. Nhưng đa số người Tàu và Tàu lai đều không chịu địa phương hoá một cách dễ dàng như vậy. Họ đã liên kết với nhau tranh đấu cho quyền lợi riêng của họ bằng mọi thủ đoạn sâu xa có thể có như mua chuộc, đút lót, và đã mở mang hoạt động kinh tế của họ bằng đủ mọi phương tiện bẩn thỉu như đầu cơ tích trữ, chợ đen, buôn lậu. Sự việc này đã gây phẫn nộ cho chính quyền độc lập duy nhất trong vùng là Thái Lan. Năm 1910, vua Wachirawut đã tung ra chiến dịch chống tập thể Hoa kiều mà ông gọi là “bọn Do Thái phương Đông”. Và đến năm 1913 thì Thái Lan đưa ra đạo luật đầu tiên về việc hạn chế hoạt động của Hoa kiều. Thật ra nếu so sánh với sự lũng đoạn kinh tế Đông Âu của bọn mại bản Do Thái thời ấy, thì người Tàu còn nguy hiểm hơn nhiều, vì họ không phải là những kẻ lang thang mất gốc. Họ còn có một tổ quốc phải hướng về và trông nhờ sự che chở. Và vì vậy, ngoài tài tháo vát của họ, họ còn được một thế lực chính trị to lớn là Trung Hoa chính quốc theo dõi và ủng hộ khi cần; nhất là từ sau cách mạng 1911. Từ sau 1911, phụ nữ Trung Hoa bắt đầu tràn xuống, những gia đình thuần Trung Hoa được lập nên và xã hội Trung Hoa ở địa phương dần dần ràng buộc thêm những quy luật từ chính quốc đưa sang cho các tổ chức bang hội thi hành. Một mặt các bang hội Tàu lo bảo vệ tập thể Trung Hoa về quyền lợi kinh tế, cũng như về văn hoá (để giữ nguyên truyền thống Tàu), mặt khác họ lo đẩy mạnh việc kéo hẳn những người lai sang hàng ngũ Tàu, phần nhiều bằng những mối lợi trước mắt. Vì vậy tập thể Hoa kiều ngày càng đông đảo và bền chặt. Cho đến thế chiến II, người ta đã nghĩ là không có cách gì buộc họ gia nhập vào những xã hội mà họ sinh sống. Họ lập thành một tập thể ngoại nhân riêng biệt và cùng với tập thể thực dân Tây phương ở vùng này, họ đã triệt để khai thác địa phương để thu lợi. Trong việc đầu tư khai thác, người Tây phương có vốn và uy quyền, còn người Tàu thì thực ra chỉ đến với hai bàn tay trắng. Nhưng với sự mẫn cán và óc tổ chức sẵn có của họ, người Tây phương đã rất tin cẩn nơi họ. Vì thế người Tàu đã trở nên trung gian, đầu nậu trong nhiều loại nghiệp vụ khác nhau cho các chủ nhân ông Tây phương. Sống trong thời bị trị, dân địa phương đã chịu khốn đốn dưới hai tầng bóc lột Tây và Tàu. Tây nắm chính quyền, bóc lột bằng sức mạnh; Tàu nắm kinh tế, bóc lột bằng mưu trá. Và với mưu trá, chẳng bao lâu đã thấy xuất hiện không biết bao nhiêu những người Tàu làm chủ các thương điếm vĩ đại, các ngân hàng, hầm mỏ, cơ sở kỹ nghệ.Còn các hoạt động trung bình khác thì càng không thiếu những tiệm chạp phô, những đại lý nhu yếu phẩm, những tiệm cầm đồ, cho vay, tiệm ăn, tiểu công nghệ, v..v…, chỉ những Tàu là Tàu. Có thể nói khắp Đông Nam Á, chỗ nào có thị trấn là có người Tàu. Từ những cơ sở thương vụ lớn lao có tầm mức quốc tế ở Manila đến những quán cóc ở một thị trấn heo hút như Nam Tha tại Thượng Lào, những bảng hiệu Tàu cũng đều thấy dựng lên ngạo nghễ. Về số Hoa kiều ngày nay tại mỗi quốc gia, khó mà có được bảng kiểm kê chính xác, nhất là từ khi Đông Nam Á đồng loạt tung ra những đạo luật hạn chế Hoa kiều nhập nội và địa phương hoá Hoa kiều thổ sinh. Tại Phi-Líp-Pin, tới cuối thế kỷ 19, cũng là cuối thời kỳ Tây Ban Nha đô hộ, tổng số Hoa kiều chưa tới 40.000. Nhưng sang thế kỷ 20 tới gần thế chiến II, con số này đã tăng lên gấp10 lần. Ngày nay, người ta ước lượng tổng số Hoa kiều vào khoảng 600.000, nghĩa là 2% dân số Phi. Tại Việt Nam, trong những năm đầu thế chiến II, tổng số Hoa kiều chỉ có vào khoảng từ 320.000 tới 420.000; riêng tại Nam Kỳ, Hoa kiều đã tập trung đông đảo nhất và chiếm tới 75% toàn số. Nhưng từ khi chiến tranh Đông Dương bùng nổ, Hoa kiều đã lợi dụng chính sách bỏ ngỏ của Pháp ào ạt đổ vào Sài Gòn để khai thác chiến tranh, nhất là từ 1946 đến 1948. Sau hiệp định Genève, số Hoa kiều ở Việt Nam được ước tính vào khoảng 900.000, nghĩa là chiếm tới 7% dân số [8]. Tại Kampuchea, theo thống kê 1955, tổng số Hoa kiều là 270.000 người, nghĩa là vào khoảng 5,5% dân số. Tuy nhiên, thống kê này đã không kể đến số người lai, mặc dầu trên thực tế số người lai ấy vẫn tự coi là người Tàu. Cũng như ở Việt Nam, người Tàu di cư vào đông đảo nhất trong những năm đầu chiến tranh Đông Dương và cũng qua ngã Sài Gòn. Hiện nay, người Tàu ở Kampuchea gồm tổng cộng ít ra là trên nửa triệu, nghĩa là chiếm tới 7% dân số. Tại Indonesia, cuối thế kỷ 19, người Tàu có độ 200.000. Đến năm 1930 số này tăng lên 1.233.000, và sau khi Indonesia thâu hồi độc lập, tổng số Hoa kiều là 2.250.000 và đạt tới 2,7% dân số. Ngày nay, nhờ nỗ lực vận động nhập tịch, số người Tàu thực sự được coi là ngoại kiều chỉ có 1,4 triệu. Kể từ khi bang giao Indonesia – Trung Cộng bớt căng thẳng, việc nhập tịch không thể tiến hành được nữa, vì Hoa kiều tin tưởng ở sự bảo vệ của chính phủ Bắc Kinh. Tại Mã Lai Á và Singapore, người Tàu hiện đều đông hơn người Mã gốc. Ở Mã Lai Á có 4 triệu người Tàu, chiếm 42% dân số, trong khi người Mã gốc chỉ có 40%, phần còn lại là người gốc Ấn, gốc Âu, v..v… Còn ở Singapore, người Tàu có 1,5 triệu và người Mã gốc 240.000 trong tổng số 2 triệu dân. Như vậy, người Mã gốc chỉ chiếm 12%, trong khi người Tàu 75%. Tại Lào, Hoa kiều có 30.000, chiếm 1% dân số. Lào là nước có ít Hoa kiều nhất, nhưng lại bị Bắc Kinh chi phối nội tình (các tỉnh Bắc Lào) nặng nề nhất. Tại Thái, số Hoa kiều đã lên tới 3 triệu vào năm 1957, tức 13% dân số lúc ấy (23 triệu.) Ngày nay, khó mà phân biệt được thành phần Hoa kiều với thành phần Lukchin (cha Tàu, mẹ Thái) vì đối với chính phủ Thái, Lukchin đương nhiên là Thái, nhưng đối với người Tàu, họ vẫn thừa nhận quốc tịch cha cho Lukchin. Do đó, nếu kể chung cả hai loại này thì con số phải vượt lên trên 4 triệu. Tại Miến Điện, tổng số Hoa kiều có chừng nửa triệu, tức độ 1,8% dân số. Ngoài loại Hoa kiều thông thường, biên giới Thái – Miến hiện nay vẫn còn là nơi trú ngụ của đám tàn quân Quốc Dân Đảng (đã trình bày trong chương 9). Đám quân này đã sử dụng vũ khí biến khu vực thành địa cứ riêng của chúng. Căn cứ Quốc Dân Đảng hiện đã trở nên trung tâm sản xuất, chế biến và phân phối ma tuý lớn nhất thế giới. Nha phiến và bạch phiến sản xuất ở đây đã được tung ra khắp nơi qua ngã Hương Cảng và Singapore bằng những đường dây buôn lậu quốc tế. Riêng tại Đông Nam Á, tổ chức Quốc Dân Đảng này đã gián tiếp đầu độc hàng triệu thanh thiếu niên các dân tộc bằng ma tuý qua hệ thống phối hợp giữa bọn tay sai Hoa kiều và bọn đương quyền nhũng lạm ở các địa phương. Vấn Đề Nảy Sinh Sự phát triển về nhân số quá lớn lao của Hoa kiều sau thế chiến rõ ràng gây nguy hại không nhỏ cho Đông Nam Á và làm cho các quốc gia độc lập trong vùng phải tìm biện pháp giải quyết. Như đoạn trên đã trình bày, với hai nước có số Hoa kiều tương đối ít là Lào và Miến, ta có thể nhìn thấy ngay nguyên nhân từ khía cạnh kinh tế mà ra. Tại xứ Lào, dân số ít, sinh hoạt kinh tế yếu kém, lợi tức thâu hoạch từ các dịch vụ thương mại tương đối rất thấp, nên thực sự không có gì đáng để hấp dẫn người Tàu như các xứ khác. Tuy vậy, hiện nay người Tàu ở Lào cũng đang nắm giữ vận mệnh kinh tế xứ này. Họ vẫn là nhóm ngoại kiều đông đảo nhất, có tổ chức chặt chẽ và ảnh hưởng mạnh nhất. Còn tại Miến, chính vì chính sách kinh tế chỉ huy của chính phủ Miến, các thương gia Hoa kiều đã thối chí bỏ đi hơn là các biện pháp trực tiếp như đã được áp dụng ở các quốc gia khác. Tại Mã Lai Á và Singapore, tình trạng lại khác hẳn, nghĩa là vấn đề không còn giới hạn trong địa hạt ngoại kiều nữa mà lại toả rộng ra thành cuộc tranh chấp chủng tộc giữa những người cùng mang quốc tịch. Mặc dầu khi chấp nhận trở thành công dân của hai quốc gia trên, người Tàu đã chấp nhận dùng ngôn ngữ Mã làm phối hợp văn hoá Mã Lai với văn hoá Trung Hoa để tạo thành một nếp sinh hoạt chung; nhưng trên thực tế, sự việc lại trái hẳn. Nghĩa là người Tàu sống trên đất Mã đang cố Trung Hoa hoá phần đất này. Ở Mã Lai Á, người Tàu chống lại việc học Mã ngữ và tìm hiểu phong tục tập quán Mã, vì họ cho rằng nền văn hoá Mã không có gì đáng kể để họ quan tâm tới. Còn tại Singapore, có hai trường đại học thì một trường dùng tiếng Tàu, một trường dùng tiếng Anh làm chuyển ngữ. Tiếng Mã không có chỗ đứng trong sinh hoạt văn hoá xứ này, cũng như người Mã không còn chỗ ở trong lòng đô thị. Tóm lại, ngoài việc nắm giữ hoàn toàn sinh hoạt kinh tế tại Mã và Singapore, người Tàu cũng đang bành trướng mạnh về địa hạt tạo dựng uy quyền văn hoá. Ở Mã Lai Á, quyền chính trị vẫn còn trong tay người Mã nên dù sao cũng còn một số biện pháp chống đỡ, mặc dù yếu ớt. Còn tại Singapore, tất cả đều đã buông xuôi mặc cho việc Trung Hoa hoá tiến hành đến tận chân tơ kẽ tóc của hòn đảo. Nhưng nếu sự việc này chỉ giới hạn trong lãnh thổ Singapore thì chưa vị tất đã là điều đáng phải báo động. Điều đáng nói là Singapore đã trở thành cái nhọt bọc của Đông Nam Á và đang làm nhức nhối toàn vùng. Nếu cái nhọt bọc ấy chỉ là một vết thương xoàng thì còn dễ chữa, đàng này nó lại bị làm độc từ bên ngoài nên càng nguy hiểm hơn. Chất độc đã được nhiễm vào nó chính là từ Trung Quốc, kể cả Hoa Lục lẫn Đài Loan, và cùng với Hồng Kông, Singapore đã trở thành trục chi phối kinh tế toàn miền Đông Nam Á. Cứ lấy bất cứ quốc gia Đông Nam Á nào ra mà xét, chúng ta cũng có thể thấy cái cơ cấu chung như sau: thành phần đầu não và đông đảo nhất của Hoa kiều tập trung ở thủ đô, dĩ nhiên chủ động sinh hoạt kinh tế thủ đô; thành phần Hoa kiều tại các thị trấn khác trong xứ có tỷ số kém hơn nhưng đóng vai trò trung gian quan trọng. Họ là những người phân phối hàng hoá từ hệ thống Hoa kiều ở thủ đô về và ngược lại thu mua sản phẩm địa phương chuyển lên thủ đô. Bằng những phương cách mờ ám riêng, họ có thể tự ý thay đổi giá cả, tạo khan hiếm hay dư thừa một số phẩm vật, bóp chết giới thương gia bản xứ nếu ra mặt cạnh tranh với họ trong một số dịch vụ họ tạo được độc quyền. Đối với toàn vùng Đông Nam Á, Hoa kiều ở thủ đô các nước là thành phần trung gian của Singapore và Hồng Kông. Các biện pháp chi phối nền thương mại mỗi quốc gia được phát xuất từ trục này và giới Hoa kiều địa phương chỉ việc thi hành. Ngoại tệ của các quốc gia đã bay sang Singapore và Hồng Kông, cũng như hàng hoá được nhập nội từ hai địa điểm này vào phần nhiều bằng phương cách bất hợp pháp. Trên phương diện kinh tế có thể nói Singapore và Hồng Kông chính là đầu não của một loại Mafia Đông Nam Á với nhân số 17 triệu (nếu kể cả Hồng Kông) trong một hệ thống có tổ chức chặt chẽ buông toả khắp nơi nhằm khuynh loát một tập thể trên 250 triệu con người trong vùng. Những Biện Pháp Nửa Vời Trước trạng huống ấy, cái quốc gia còn lại trong vùng đã làm gì để tự bảo vệ. Hai biện pháp căn bản đã được đưa ra từ nhiều năm truớc là hạn chế các hoạt động kinh tế của Hoa kiều và buộc họ nhập tịch trú xứ, nhưng kết quả thực sự cũng không mấy khả quan. Thái Lan, ngay từ 1942, đã cấm ngoại kiều làm 27 nghề dành riêng cho người Thái, hạn chế sự nhập nội và buộc nhập Thái tịch thành phần thổ sinh. Kampuchea cũng đã đưa đạo luật cấm Hoa kiều làm 16 nghề và khuyến khích họ nhập tịch Kampuchea từ năm 1955. Indonesia, Việt Nam, Phi-Líp-Pin cũng có những biện pháp tương tự, nhưng tất cả đều gặp những trở ngại rất phức tạp. Trước hết, về quốc tịch, người Tàu đã có một nguyên tắc gần như bất dịch “đã là Trung Hoa thì mãi mãi là Trung Hoa” được áp dụng cho tất cả những người Tàu gốc hoặc Tàu lai. Nguyên tắc ấy được cụ thể hoá qua đạo luật ban hành năm 1909, theo đó con cái đương nhiên mang quốc tịch cha (Jus sanguinis). Điều này trái hẳn với luật lệ được đặt ra về sau của các nước Đông Nam Á nhằm buộc Hoa kiều thổ sinh phải nhập quốc tịch nơi sinh (Jus soli.) Tuy nhiên, vì quyền lợi kinh tế (để tránh điều khoản cấm hành nghề), nhiều Hoa kiều vừa nhập quốc tịch trú xứ, vừa giữ quốc tịch Trung Hoa, tạo thành tình trạng hai quốc tịch; hoặc nhập quốc tịch trú xứ nhưng không chịu địa phương hoá và vẫn được tập thể Hoa kiều còn lại chấp nhận là phần tử của tập thể để cùng liên kết trong các mưu đồ chung. Trên nguyên tắc, một khi Hoa kiều đã nhập quốc tịch trú xứ rồi thì những luật lệ cấm ngoại kiều hành một số nghề không còn ảnh hưởng gì đến họ nữa. Ngay cả đến những thành phần vẫn giữ quốc tịch Trung Hoa cũng còn tiếp tục hoạt động được qua những phần tử địa phương trung gian hay Hoa kiều đã cải tịch. Tại Indonesia, trong thập niên 50, người ta đã điều tra thấy 80% vốn các công ty mới thành lập là của Hoa kiều. Tại Phi-líp-pin, tình trạng cũng tương tự, nghĩa là nếu chỉ kể đến tên đứng thì số vốn đầu tư chuyển dần về phía người Phi một cách rất đáng kể, nhưng khi điều tra lại thì chủ nhân thực sự của những số vốn ấy vẫn là Hoa kiều. Trước những biện pháp chung nhằm giảm thiểu sự chi phối của người Tàu đối với nền kinh tế địa phương, chúng ta hãy thử xét trường hợp điển hình tại miền Nam Việt Nam để xem sự việc diễn tiến ra sao. Năm 1956, chính phủ Ngô Đình Diệm đã ban hành Dụ số 53 cấm ngoại kiều (nhắm vào Hoa kiều) làm 11 nghề:
- Buôn bán thịt cá.
- Buôn bán than củi.
- Mở tiệm chạp phô.
- Mở cây xăng.
- Buôn bán vải vóc tơ lụa.
- Buôn bán sắt đồng thau vụn.
- Mở nhà máy xay lúa.
- Buôn bán ngũ cốc.
- Hành nghề chuyên chở.
- Cầm đồ bình dân.
- Trung gian ăn hoa hồng.
- tập thể Hoa kiều sống ở các nước,
- căn cứ Singapore, và
- các đảng Cộng Sản tay sai.