HAI NĂM 1975-1976 Tác phẩm thứ 100 của tôi (Trí Đăng xuất bản) nhan đề là Mười câu chuyện văn chương phát hành khoảng 20-4-1975. Bản thảo tập Nguyễn Hiến Lê, Châu Hải Kỳ (một nhà văn kiêm nhà giáo ở Nha Trang) viết xong vào khoảng đầu năm 1975. Tạp chí Bách Khoa số cuối – 426, ngày 20-4-75 – giới thiệu cuốn Mười câu chuyện văn chương và đăng hai bài, một của Võ Phiến giới thiệu xổi tập của Châu Hải Kỳ, một của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc kể ít hồi ký về tôi và nhận định sơ về sự nghiệp văn hóa của tôi. Nhà Khai Trí tính tổ chức một cuộc triển lãm 100 tác phẩm của tôi, chưa kịp làm thì 11 giờ rưỡi trưa ngày 30-4-1975, một uỷ viên chính trị của đạo quân Giải phóng ngồi xe thiết giáp tiến vào dinh Độc Lập. Tướng Dương Văn Minh – thay tổng thống Trần Văn Hương, người mà Nguyễn Văn Thiệu giao quyền hành cho trước khi ôm vàng đào tẩu – cùng vài nhân viên nữa ra tiếp, đầu hàng không điều kiện: Miền Nam lật qua trang sử mới. Do một sự ngẫu nhiên kỳ dị, số báo Bách Khoa cuối cùng đánh dấu chấm dứt sự nghiệp của tôi cùng với sự chấm dứt chế độ miền Nam. Trong hai năm đầu, nhờ Cách mạng sắp vào giới trí thức tiến bộ, nhờ tuổi cao (65 tuổi ta) mà lại đa bệnh: khạc huyết, thêm bệnh nước tiểu đục, (không kể những bệnh kinh niên: loét bao tử, trĩ, mất ngủ), nhất là nhờ không có tài sản lớn, không bốc lột ai, nên tôi được sống yên ổn, nhưng vẫn không nhàn. Vợ trước của tôi mắc kẹt ở Pháp từ 1972, vì lo cho con và cháu; em gái tôi, vài người bạn thân của tôi cũng qua Mỹ, Pháp cả, tôi sống ở Sài Gòn với bà vợ sau, cảnh thật cô độc. Vợ chồng tôi thay nhau dự các buổi họp tổ, học đường lối chính phủ, làm một số bổn phận công dân: khai lý lịch, khai gia sản, bầu cử dân biểu, đổi tiền (mệt nhất là công việc này), đăng ký các sách tôi xuất bản mà còn ở trong kho… Riêng tôi phải tiếp vài bạn văn trong chiến khu miền Nam về như tiểu thuyết gia Nguyễn Văn Bổng, nhà báo Nguyễn Huy Khánh…, một số học giã từ Bắc vô như Nguyễn Kim Thản, Hoàng Phê (ban ngôn ngữ), Nguyễn Đỗng Chi, Đào Duy Anh (ban sử), nhiều nhà văn, nhà báo cũng từ Bắc vô… Tôi dự: . Một buổi toạ đàm với hai thứ trưởng Hà Huy Giáp (văn hóa), Hà Xuân Trường (giáo dục). . Đại hội trí thức yêu nước. . Đại hội văn nghệ thành phố, cả hai đều với tư cách nhân sĩ Sài Gòn. . Một cuộc họp nhân dịp ban ngôn ngữ Hà Nội giới thiệu tập đầu A-C bộ Tự điển tiếng Việt phổ thông. Phần lớn thì giờ của tôi dùng để đọc sách báo Bắc Việt, tìm hiểu văn học ngoài đó, và xét chung tôi thấy về sáng tác, Bắc không phong phú bằng Nam; về khảo cứu sử và cổ văn hoc của mình thì Bắc hơn Nam, nhưng trừ vài ba tác phẩm thực có giá trị, như Cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông của Hà Văn Tấn, Lam Sơn khởi nghĩa của Phan Huy Lê, còn lại đều bình thường thôi; về dịch, Bắc cũng ít hơn Nam. Tôi đã góp ý vài lần trong các cuộc họp về việc soạn từ điển, thống nhất chính tả, thống nhất cách viết các nhân danh, địa danh ngoại quốc. Tôi viết trước sau bốn bài báo: một bài nhan đề Đoàn kết, đại ý bảo muốn đoàn kết Bắc Nam, đoàn kết nhân dân thì cán bộ phải làm gương, nhã nhặn, và hết lòng giúp dân; bài này báo Đoàn kết không đang; hai bài cho tờ Nguyệt san Tổ quốc do lời yêu cầu của ông Lê Huy Vân trong toà soạn, bạn học cũ của tôi ở trường Yên Phụ: một bài nhan đề là Một truyện ngắn (của Nam Cao) làm tôi xúc động (năm 1977), một bài nhan đề Chủ nghĩa thực dân và vấn đề kỳ thị chủng tộc (ở Nam Phi, năm 1978), cả hai bài đó đều bị cắt bỏ rất nhiều; và một bài được đăng trọn trên tờ Giải phóng chủ nhật 12-9-76, nhan đề là Góp ý về việc thống nhất tiếng Việt. Đại ý tôi bảo rằng tiếng Việt từ hồi nào tới giờ vẫn thống nhất, nay chỉ cần “nhất trí” hay “qui định” một số tiếng thôi; công việc đó mới xét tưởng là dễ dàng mà thực ra cũng có nhiều vấn đề nan giải và tôi nêu ra một số vấn đề về thống nhất: 1. phát âm, 2. chính tả, 3. từ ngữ, 4. ngữ pháp. Bài đó không dài, nhưng được độc giả ở Nam và Bắc khen, được đăng lại trên báo Đoàn kết của Hội Việt kiều ở Pháp, và trên một tờ báo của đồng bào di cư qua Mỹ, với một trang giới thiệu tôi, do Nguyên Sa viết (1977).Tháng 10 năm 1979, ban tổ chức Hội nghị khoa học toàn quốc ở Hà Nội mời tôi ra dự về vấn đề Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt vì sức khoẻ kém, tôi đi không được. Năm 1978, một nhân viên bộ Giáo dục ở Hà Nội vào, mời tôi dự ban Trung Hoa học (Sinologie) nghiên cứu về Trung Hoa, tôi đáp không đủ tư cách; sau ban đó không thành lập nổi. Bộ không có đủ phương tiện mà cũng không có thực tâm nghiên cứu. Năm 1979, nhà xuất bản Văn học Hà Nội, do một anh bạn học cũ của tôi ở trường Bưởi[1] làm trung gian, yêu cầu tôi dịch cho một danh tác Pháp hay Anh, tôi đáp không có thì giờ (vì tôi đương viết bộ Kinh Dịch); năm nay (1980), nhà xuất bản đó lại xin tôi gởi cho họ vài truyện dài hoặc tuyển tập văn học tôi đã dịch và xuất bản rồi để coi xem có thể in lại một cuốn được không; tôi đáp không còn dư cuốn nào cả (sau vụ “ba huỷ” năm 1978: sách phản động, huỷ; sách đồi truỵ, huỷ; sách lạc hậu, huỷ), nhà xuất bản chịu khó tìm của người khác mà đọc. Khoảng 1971-72, mặc dầu có nhiều tình cảm với kháng chiến, nhưng tôi cũng biết chế độ Cộng sản không hợp với tính tình tôi nên có lần tôi nói với ông Giản Chi: “Cộng sản vô đây, tôi chỉ cầu họ cho tôi sống yên ổn, khỏi lãnh một nhiệm vụ nào hết, mình già rồi”. Điều đó, may mắn tôi đã giữ được. Năm 1973, khi ký xong Hiệp ước Paris (chưa ráo mực thì đã xé) tôi ao ước ba điều: đi thăm quê hương đất nước trong một năm; xuất bản hết 10 cuốn đã viết xong; và còn dư năm nào thì nghiên cứu nốt về các triết gia lớn Trung Hoa thời Tiên Tần. Hai ước vọng trên đã hoá hão; còn ước vọng cuối cùng, từ năm 1976, tôi tuần tự và siêng năng thực hiện xong. Dưới đây là những trang cuối trong bộ Hồi kí, tôi có sửa và tóm tắt một vài chỗ. Nam , tôi thấy công trình đó không có lợi ích thiết thực bằng một cuốn chỉ cách viết tiếng Việt sao cho xuôi tai, khỏi tối tăm, không lại căng. Có chủ trương đó rồi, ngay từ 1963, hễ đọc sách báo, tôi luôn để cây viết chì bên cạnh, thấy câu nào mắc một trong những lỗi kể trên, tôi đánh dấu liền, sau chép lại, sắp riêng vào một chỗ. Tôi chú trọng nhất vào sự cấu tạo câu văn và khi đã gom được 3-4 trăm câu rồi, tôi lựa lại còn độ trăm câu, tìm xem lỗi tại đâu, sắp đặt thành từng loại, cố kiếm ra những luật chi phối tiếng Việt, mà luật quan trọng nhất theo tôi là luật liên tục, luật cân xứng. Tôi lại nghĩ ý nào có thể diễn được theo lối của mình thì không nên mượn lối của người, nhất là trong giai đoạn hiện tại. Viết văn càng phải có tính cách bình dân để dễ truyền bá những kiến thức mới trong đại chúng. Vay mượn của người ta là một việc cần thiết nhưng chúng ta phải luôn thận trọng, không nên tiếp thu một cách lố lăng, bừa bãi. Chủ trương đó giống với chủ trương mà gần đây ngoài Bắc gọi là giữ tiếng Việt cho được trong sáng. Cuối năm 1964, tôi viết xong một tập dày trên 100 trang gồm 11 chương: I. Luật liên tục – II. Cân xứng cũng có khi là luật liên tục – III. Xung đột trong thể liên tục – IV. Tách ra và gom lại – V. Đạt sai vị trí – VI. Một số cạm bẫy cần đề phòng – VII. Coi chừng những tiếng đồng âm dị nghĩa – VIII. Thiếu và dư – IX. Ý tưởng lộn xộn – X. Dịch văn ngoại quốc – XI. Sự thuần khiết. Mới đầu tôi đặt nhan đề là: Ít kinh nghiệm của tôi để viết cho sáng sủa và xuôi tai; sau thấy dài quá, đổi là Tôi tập viết tiếng Việt. Vài nhà muốn xin phép tôi xuất bản, tôi khất để sửa lại đã, rồi mắc nhiều công việc, mãi đến 1976, sau ngày giải phóng, mới sửa lại xong[2]. Nam ra Bắc mang nhan đề đó, mà không có cơ hội thực hiện được. Tôi viết xong năm 1972, định dăm năm sau sẽ giao cho nhà Lá Bối xuất bản. Ông Giám đốc nhà Lá Bối và vài bạn thân khen truyện rất hấp dẫn. Chưa kịp xuất bản thì miền Nam được giải phóng. Truyện dài khoảng 250 trang ghi được một số hồi kí của tôi như cảnh ngã ba Bạch Hạc, Đền Hùng, tình hình hồi đầu kháng Pháp ở thôn quê miền Nam…, cả chí hướng của tôi trong đoạn kết nữa[6]. - Một mùa hè vắng bóng chim Dịch tiểu thuyết - mà cũng là tự truyện - Birdless Summer của Han Suyin (Hàn Tú Anh), một nữ sĩ cha Trung Hoa, mẹ Bỉ, khá nổi tiếng ở phương Tây, viết khá nhiều về Trung Hoa hiện đại. Bà đương học Y khoa ở Bỉ thì xảy ra Nhật - Hoa chiến tranh. Vì yêu tổ quốc bà bỏ học về quê hương, lấy chồng là một sĩ quan Quốc dân đảng. Nhưng sau bà thất vọng về thói tàn bạo của chồng, nhất là chế độ thối nát kinh khủng của Tưởng Giới Thạch, thương hại cho tình cảnh điêu đứng của dân nghèo Trung Hoa sống như thú vật trên một non sông tuyệt đẹp. Đọc truyện đó ta mới thấy nguyên nhân thất bại của Quốc dân đảng: họ chỉ lo cũng cố địa vị và làm giàu, mua quan bán chức, bán chợ đen thực phẩm, y phục, lương thực của lính, bán lậu khí giới cho Nhật nữa; họ lùng bắt nông dân ở ngoài đồng, phu phen ở ngoài phố, lấy dây chì, dây thừng cột lại thành từng xâu, lùa vào trại lính rồi đánh đập, bỏ đói; họ bắt dân nhổ lúa để trồng thuốc phiện, đặt ra hàng trăm thứ thuế (thuế cửa sổ, thuế số nhà, thuế hạnh phúc, thuế làm biếng…), họ lạm phát giấy bạc tới nỗi dân phải vác cả thúng giấy bạc mới mua nổi một vé xe... Trong chương XIII[7] có một tài liệu chính xác gồm 5 trang về cuộc nội chiến Trung Hoa, giữa Quốc và Cộng từ 1946 đến 1949. Tác giả không thiên cộng, chỉ ghét sự thối nát, vô nhân đạo thôi. Mà cộng sản cũng không ưa gì tác giả, mấy lần “tố” bà. Bà bảo: “Tôi chỉ ghi lại các biến cố một cách vô tư và trung thực để cho các thế hệ sau biết những gì đã xảy ra”. Tôi mong rằng bà tiếp tục ghi biến cố ở Hoa lục từ 1940 đến nay. Tác phẩm dày 400 trang, tôi đã dịch khá kỹ, năm 1972 nhà Lửa Thiêng đưa kiểm duyệt, không được phép in, đưa 2 bản, sở Thông tin chỉ trả lại một. Tôi phản đối, bảo bản tiếng Pháp cuốn Destination Tchung King cũng của Han Suyin nội dung cũng như cuốn Birdless Summer bán khắp Sài Gòn trong loại Sách bỏ túi thì sao không cấm? Họ làm thinh. Họ cấm có lẽ vì trong bài Tựa, tôi viết: “Đọc truyện đó, chúng ta không thể không liên tưởng tới tình cảnh nước ta trong mười mấy năm nay. Tôi cho rằng có những luật bất di bất dịch trong lịch sử: những dân tộc cùng một văn hóa, đặt trong một hoàn cảnh như nhau thì cũng phản ứng như nhau và rốt cuộc cùng đi tới một điểm lịch sử như nhau”. Trong mấy hàng đó, tôi đã báo trước sự sụp đổ của chế độ Nguyễn Văn Thiệu. Sau Thiệu cũng phải lưu vong nhưng không được một đảo Đài Loan như Tưởng.[8] - Những quần đảo đầu tiên. Tuyển dịch một số truyện ngắn của Somerset Maugham viết về đời sống của thực dân Anh trong một số quần đảo trên Thái Bình dương. Trong lời giới thiệu tôi viết: “Trong khung cảnh đẹp mê hồn của các quần đảo miền Nam Hải (Thái Bình Dương) xảy ra biết bao bi kịch mà nạn nhân là người da trắng. Họ mắc tội lỗi đến nỗi phải chết một cách thê thảm hoặc phải chôn vùi cả cuộc đời ở giữa rừng xanh với một ve Whisky”. S. Maugham không phê phán, nhưng đọc rồi chúng ta rút được kết luận này: đa số bọn thực dân chỉ là những “con heo nhơ nhớp”; chính bọn thổ dân mà họ tự cho là có sứ mạng phải “khai hoá” kia, lại văn minh hơn họ”. - Gogol- Tourguéniev- Tchékhov Ba cuốn trên đi chung với nhau thành một bộ. Mỗi cuốn dày khoảng 150-180 trang, gồm hai phần: một phần giới thiệu tác giả (độ 50 trang) và một phần văn tuyển. Cũng như thơ Trung Hoa đời Đường, tiểu thuyết Nga thế kỷ XIX từ một bình nguyên bỗng vọt lên những đỉnh rất cao rồi qua thế kỷ XX lại hạ xuống. Tất cả các tiểu thuyết gia lớn thời đó đều có tinh thần nhân bản, phản kháng, chiến đấu và đều tả chân thân phận những hạng người bị áp bức trong xã hội. Độc giả nước mình đã quen với hai đỉnh cao nhất là Tolstoi và Dostoievski; trong bộ ba cuốn này tôi giới thiệu thêm ba đỉnh cao hạng nhì: + Gogol mà mọi người đều nhận là “cha của tiểu thuyết Nga”, “một vinh quang của dân tộc Nga”, “không có Gogol thì không có toàn thể tác phẩm Dostoievski”. + Tourguéniev mà Tolstoi khen: “Tôi mới đọc xong tập Hồi kí của một người đi săn của Tourguéniev; ông ấy viết rồi thì người ta ngại không muốn viết nữa”. Lời đó khiến ta nhớ thái độ của Lý Bạch khi đứng trước bài thơ của Thôi Hiệu ở Hoàng hạc lâu! + Tchékhov mà từ Tolstoi, Gorki tới Maugham, Maurois đều phục là bực thầy, có phần sâu sắc hơn Maupassant của Pháp. - Lịch sử văn minh Trung Hoa của Will Durant trong bộ Lịch sử văn minh gồm 32 cuốn với 1 cuốn tổng kết: Bài học lịch sử. Dày khoảng 400 trang, cũng sáng sủa, hấp dẫn như hai cuốn Văn minh Ấn Độ, Văn minh Ả Rập; tuy viết cho độc giả phương Tây mà thanh niên mình đọc vẫn hiểu thêm được nhiều điều, và có một tổng quan khá đúng về văn minh Trung Hoa, vì tác giả nhận định thận trọng, sáng suốt, tỏ rằng ông yêu nền văn minh đó, có yêu nó nên hiểu được nó. Phê bình Khổng học ông viết: “Khổng Tử chỉ thành công khi ông mất rồi, và thành công ấy thật hoàn toàn (…). Có thể nói rằng lịch sử Trung Hoa với lịch sử Việt Nam ảnh hưởng Khổng giáo chỉ là một. Liên tiếp bao nhiêu thế hệ, người Trung Hoa dùng Tứ thư, Ngũ kinh để dạy trong các trường của quốc gia và hầu hết các học sinh đều thuộc lòng lời dạy trong sách. Tinh thần khắc kỷ, bảo thủ của vị “thánh” đó nhờ vậy mà lần lần thấm vào máu dân tộc, lâu đời tạo nên những con người thâm trầm, có tư cách cao mà khắp lịch sử nhân loại không nước nào có, không thời nào có nữa. Nhờ triết lý ấy, dân tộc Trung Hoa đã tìm được một sự hoà hợp trong đời sống xã hội, trong lối sống của mỗi giới; biết ngưỡng mộ sự học thức, minh triết, và có được một nền văn hoá vĩnh cữu, hiếu hoà, khiến cho văn minh Trung Hoa đủ sức mạnh để tồn tại sau tất cả các cuộc xâm lăng. Không những vậy, còn đồng hoá kẻ xâm lăng nữa. Ngày nay cũng như ngày xưa, cho thanh niên hưởng thụ nhiều tư tưởng Khổng học là phương thuốc tốt nhất cho những dân tộc nào bị nhiễm cái hại quá thiên về trí dục, mà luân lý suy đồi, từ cá nhân đến toàn thể dân tộc đều kém tư cách.Nhưng một mình triết lý chưa đủ để bồi dưỡng. Nó rất thích hợp với một nước cần ra khỏi cảnh hỗn loạn, cần mạnh lên để lập lại trật tự, nhưng nó là một sự cản trở cho nước nào cần biến đổi, tăng tiến hoài để ganh đua trên trường quốc tế”. Cộng sản Trung Hoa hiểu vậy cho nên mấy chục năm nay đả Khổng rất mạnh; nhưng khi nào xã hội loạn thì người ta lại sẽ phải trọng học thuyết của Khổng. Đoán về tương lai dân tộc Trung Hoa, Will Durant trước thế kỷ vừa rồi, bảo: Trung Hoa đã chết nhiều lần, mà lần nào nó cũng hồi sinh”. Và mãi đến năm 1972, Mỹ mới chịu nhận rằng không thể nào thắng một dân tộc như vậy được. Hiện nay, Nga lại muốn tranh giành ảnh hưởng với Trung Hoa ở Đông Á; để coi bên nào sẽ thắng? Tôi đưa Lịch sử văn minh Trung Hoa[9] cho nhà Cảo Thơm xuất bản. Năm 1974 ông giám đốc nhà đó đã chuẩn bị nhiều hình danh nhân và thắng cảnh Trung Hoa để làm bản kẽm, chưa kịp in thì nhà xuất bản phải đóng cửa. Mấy cuốn giới thiệu ở trên không tốn công cho tôi mấy, đều đáng đọc, nhưng không in được, tôi không tiếc lắm. Những cuốn dưới đây về triết học Trung Hoa thời Tiên Tần mới tốn công hơn. Trang Tử Trang Tử có địa vị rất lớn trong lịch sử tư tưởng Trung Quốc, ngang với Mạnh Tử, hơn Tuân tử, hơn cả Mặc Tử nữa. Nhờ ông một phần lớn mà tư tưởng của Lão tử mới được phổ biến mạnh: chỉ giới trí thức mới quí những cách ngôn trong Đạo Đức kinh, còn giới bình dân thì ai cũng biết ít nhiều những ngụ ngôn trong Trang tử. Do đó tên ông gắn liền với tên của Lão Tử và cả hai có công làm cho dân tộc Trung Hoa bớt thực tiễn, yêu thiên nhiên, tự do hơn, khoan dung hơn, khoáng đạt hơn… thơ văn cũng như hội hoạ từ Lục triều trở đi, nhất là dưới đời Tống đều mang dấu vết của Trang. Ở nước ta ông Nguyễn Duy Cần đã giới thiệu học thuyết của Trang, nhưng chỉ dịch ít chương trong Nội thiên, Nội thiên và Tạp thiên[10]; lại không đặt chân nguỵ của những chương đó, gán cho Trang vài tư tưởng không thực của Trang. Ông nhằm mục đích phổ thông hơn khảo cứu. Người đầu tiên nêu ra vấn đề chân nguỵ trong bộ Trang Tử (cũng có tên là Nam Hoa Kinh) là Tô Đông Pha đời Tống. Sau ông, số học giả nghi ngờ sự nguỵ tác trong Trang Tử càng ngày càng nhiều. Đại khái ngày nay ai cũng nhận rằng Nội thiên là của Trang Tử (trừ một số bài), còn Ngoại thiên và Tạp thiên là của người đời sau. Tôi kiếm được năm bản Trang Tử, quan trọng nhất là Trang Tử toản tiên của Tiền Mục, Tân dịch Trang Tử độc bản của Hoàng Cẩm Hoành (1974) và L’œuvre complète de Tchouang-tseu của Liou Kia - hway (1969); dịch tất cả các chương trong Nội thiên, Ngoại thiên, Tạp thiên, không bỏ một bài nào; cuối mỗi chương lại đưa ra nhận định của tôi về chân, nguỵ; nếu là nguỵ tác thì người viết thuộc về phái nào: chẳng hạn phái quá khích của Lão giáo, phái ôn hoà của Lão giáo, phái theo Trang, phái theo Khổng, phái theo Đạo gia (tu tiên) hay theo Pháp gia… Tôi chỉ dùng những chương chắc chắn của Trang để phân tích tư tưởng của Trang, cố không gán cho Trang những tư tưởng của người đời sau. Cuối cùng tôi chỉ cách nên đọc Trang ra sao. Tác phẩm khá dày: trên 500 trang (riêng phần giới thiệu trên trăm trang), có thể coi là công trình đầy đủ nhất về Trang Tử từ trước tới nay, tiếc là chưa in được[11]. Nam . Số vốn chữ Hán của tôi có thể dùng để mở mang kiến thức được rồi. Vào Nam, nhờ bác Ba tôi hướng dẫn, tôi đọc sách thêm và năm 1953 tôi viết được bộ Đại cương văn học sử Trung Quốc, năm 1957 viết được cuốn Nho giáo một triết lý chính trị. In xong hai bộ đó tôi định bỏ hẳn khu vực cổ học Trung Hoa vì nó không phải là sở trường của tôi, mà chỉ soạn những sách về Việt Nam và phương Tây. Nhưng thời cuộc khiến có cuộc di cư năm 1945, tôi được quen ông Giản Chi, và năm 1962, tôi đề nghị với ông viết một bộ Đại cương triết học Trung Quốc, in năm 1965-66. Từ đó tôi tin vào sức mình, muốn đi sâu thêm vào cổ học Trung Quốc, càng đi sâu càng thích, và tôi liên tiếp cho ra: Cổ văn Trung Quốc (Tao Đàn – 1966), Chiến Quốc sách (chung với Giản Chi – Lá Bối – 1970), Văn học Trung Quốc hiện đại (tự xuất bản – 1969), Sử ký của Tư Mã Thiên (chung với Giản Chi – Lá Bối – 1970), Tô Đông Pha (Cảo Thơm – 1970), dịch Nhân sinh quan và Thơ văn Trung Hoa của Lâm Ngữ Đường (Ca Dao – 1970), Liệt tử và Dương tử (Lá Bối – 1973), Nhà giáo họ Khổng (Cảo Thơm – 1972), Mạnh Tử (Cảo Thơm – đầu năm 1975). Năm 1973, tôi bắt đầu viết Trang Tử; năm 1974, bắt đầu viết chung với Giản Chi Tuân Tử và Hàn Phi, chưa xong thì miền Nam thay đổi chế độ. Từ ngày Giải phóng đến nay, tôi viết xong được năm tập nữa đều chưa in: Mặc học (Mặc Tử và Biệt Mặc), Lão Tử, Luận ngữ, Khổng Tử và Kinh Dịch[25]. Vậy tôi đã viết được 19 nhan đề về cổ học Trung Hoa (không kể một cuốn dịch của Lâm Ngữ Đường), trong số đó có 6 nhan đề về văn học, đều đã xuất bản, và 13 nhan đề về triết học mà mới có 5 nhan đề xuất bản, còn 8 nhan đề chỉ là bản thảo. Được vậy là nhờ 3 sự ngẫu nhiên: ở trường Công chánh ra phải đợi bổ 5 tháng, do đó có thì giờ học thêm; rồi được bổ dụng vào Nam mà được gặp bác Ba tôi hướng dẫn trong việc đọc sách, viết sách; sau được gặp ông Giản Chi. Nhưng nếu không có quyết định của mẹ tôi cho tôi học chữ Hán “để đọc được gia phả bên nội bên ngoại” thì sau có gặp ba sự ngẫu nhiên đó, tôi cũng không lợi dụng được. Phải có một số vốn học thức, kinh nghiệm, có khi tiền bạc nữa thì cơ hội tới mới sẵn sàng để nắm lấy nó được. Cho nên công của mẹ tôi vẫn là lớn nhất. Nam đây. Tôi bồi hồi nhớ lại 45 năm trước. Thời đó cảnh vật sao tươi mát thế: trên các đường làng đâu đâu cũng phảng phất hương mù u, hương xoài, hương cau, và trong xóm nào cũng có tiếng chim cu, tiếng cuốc, tu hú tuỳ mùa. Mươi năm nay hương đã hiếm mà ba loài chim đó đã đi đâu mất, ngay đến chim khách, diều hâu, quạ cũng ít thấy. Tôi quay về cầu Hoàng Diệu bắc trên rạch Long Xuyên, đứng giữa cầu ngắm một hàng dừa tám gốc[28] trên bờ rạch trong Quân y viện: thân dừa vươn lên nền trời xanh mây trắng, tàu dừa phe phẩy dưới gió, lấp lánh dưới ánh nắng, yểu điệu mà bóng bảy; phía mặt, bên kia đường lộ, dưới gốc cầu, là một bụi ba cây dương, sừng sững, hiên ngang trấn áp khu Bình Đức. Cả thành phố chỉ còn chỗ này là cảnh thiên nhiên. Hồi tôi mới tới, cầu còn bằng sắt, hẹp, xe chạy qua cầu rầm rầm. Chiếc ghe hầu của tôi thường đậu phía dưới kia. Một giọng hò văng vẳng từ dĩ vãng xa xăm: Hò ơ… Long Xuyên nước ngọt gió hiền,Tàu xuôi Nam Hải ngược miền Nam Vang,Thương hồ chiếc dọc chiếc ngang,Tiếng rao lãnh lót nhịp nhàng chèo khua… Mới ngày nào mà thoắt đã non nửa thế kỷ! Trên ba chục năm nay tôi không còn được nghe thứ tiếng xuất phát từ đáy lòng mà dân quê gởi vào lòng trời đất trong những đêm khuya thanh vắng trên cảnh sông nước mênh mông đó nữa. Hết rồi! Nếu còn thì chỉ còn trên những băng nhạc ít chục năm nữa là cùng. Hết rồi, hết ghe thương hồ, hết những cô em: …Chèo vô núi Sập lựa con khô cá sặc cho thiệt ngon, Lựa trái xoài cho thiệt giòn, Đem ra Long Xuyên lựa gạo cho thiệt trắng, thiệt thơm,Em về em dọn một bữa cơmĐể cho người quân tử Hò ơ... để người quân tử ăn còn nhớ quê... Cái gì cũng có lúc phải hết, nhưng khi truyền thống cũ đã tắt từ mấy chục năm nay mà chưa có gì để thay thế… Tôi không muốn vòng ra công viên Nguyễn Du trên bờ sông Hậu, phía dưới Sở Bưu Điện nữa, nơi mà trước ngày Giải phóng tôi thường lại ngồi trên ghế đá, dưới hàng điệp đỏ để hưởng cảnh gió mát trên sông, nhìn ghe tàu qua lại trước mặt. Vì nơi đó hai ba năm nay đã bị phá để làm chỗ chất cát, đá, thùng dầu. Cây cối bị đốn hết. Ngay cái hồ nhân tạo phía sau công viên, cách công viên một con đường trồng dừa mà tôi gọi là đường Cổ ngư của Long Xuyên, nay cũng đầy lục bình, chiếc cầu gỗ bắc ngang qua đã gẫy nát, chỉ còn trơ hai hàng cột bê tông trơ trẽn ở giữ hồ. Tôi bùi ngùi xuống cầu Hoàng Diệu, theo đường Gia Long cũ đi thẳng về nhà. Con đường này ngày xưa cách cả trăm thước mới có một nhà sàn, sau nhà toàn là lau sậy, chung quanh không trồng gì được vì đất thấp, mùa nước ngập trên một thước; dọc theo đường, bên trái có một con kinh với những chiếc cầu ván đưa vô nhà. Sau bữa cơm chiều, gia đình nào cũng ra ngồi ở cầu hóng mát. Ngày nay, con kinh đã lấp, hai bên đường nhà cửa san sát, lớp trong lớp ngoài, đất trồng chung quanh nhà đã được mỗi gia đình bồi đắp từng ky một, lập thành vườn tược sum suê, mà gần đây chính phủ tính đuổi hết dân, bắt họ dỡ nhà đi nơi khác để làm một khu riêng cho các cơ quan và cán bộ ở. Trước thế chiến, hầu hết nhà nào cũng là nhà sàn, ngày nay đã có những nhà lầu tối tân, và trong khoảng trăm thước gần đầu đường có tới bốn quán ăn, năm bảy bàn bi da (billard), bốn quán cà phê và cả chục sạp nhỏ bán thuốc điếu, không còn vẻ an tĩnh, mát mẻ nữa. Đã tới giữa đường Gia Long, gần tới nhà rồi. Trên mặt đường đã thấy nhiều lá nính báo cho tôi rằng gió xuân đã nổi. Nính là một trong vài loại cây rất hiếm ở miền Nam , cứ đầu xuân thì thay lá một loạt như xứ lạnh. Trước nhà tôi có một cây không biết bao nhiêu tuổi, thân hai người ôm không giáp, cao non hai chục thước. Nó bắt đầu trút lá rồi đây, lá nó nhỏ như lá chanh, mùa này xanh đen. Suốt nửa tháng lá nó sẽ bay lả tả xuống sân tôi, ban đêm nghe lào xào, sáng dậy lá đã đầy sân; nhìn lên ngọn, cành nào lá già mới rụng là lá non đã nhú liền, lấp lánh dưới ánh vàng ban mai. Cứ mỗi ngày thay một vài cành, bắt đầu từ trên xuống, khi tới cành thấp nhất thì toàn cây xanh mướt khiến tôi nhớ lại cảnh xuân ngoài Bắc. Trong nửa tháng đó ngày nào cũng có gia đình một nhà giáo, vợ chồng và hai ba đứa con nhỏ, sáng sáng lại quét và hốt lá, thồn[29] đầy một hai bao ny-lông chở về nhà để đỡ phải mua củi một tháng. Củi đắt quá mà số lá hốt được giá trị bằng một tháng lương 60đ lương của cô giáo. Sáng nào tôi cũng dậy sớm, ra coi họ quét lá khô mà nhớ lại hồi nhỏ, hai anh em tôi xách thúng cùng với bà ngoại ra đường Bờ Sông trước nhà nhặt lá bàng khô đem về đun bếp. Chốc mà đã 60 năm, bà ngoại tôi đã qui tiên đúng nửa thế kỷ, em trai tôi cũng đã mất trên ba chục năm rồi. Thăm thành phố bấy nhiêu đã đủ. Từ nay ngày lại ngày nằm trên võng, dưới mái hiên, bên gốc mận đỏ mà nhìn mây và đọc sách; tối tối bách bộ trên lối đi lát gạch bát tràng để hưởng hương lan và đón gió.
°
SỬA LẠI BẢN THẢO CHƯA IN Trong một chương trên tôi đã nói khi soạn gần xong cuốn Khảo luận về ngữ pháp Việt°
Ngoài tập đó ra, trước 1975 tôi còn soạn và dịch xong được 9 tác phẩm nữa mà tôi sẽ lần lượt giới thiệu dưới đây; và bắt đầu soạn chung với ông Giản Chi bộ Tuân Tử và Hàn Phi, hai bộ này đến cuối 1976 cũng hoàn thành (sẽ nói ở sau). Đời nghệ sĩ Thuộc loại Gương danh nhân, gồm tiểu sử năm nhà: Goethe, thi hào Đức; Chataubriand, văn hào Pháp; Balzac, tiểu thuyết gia danh tiếng nhất của Pháp; S. Maugham, tiểu thuyết gia Anh; và Walt Disney tác giả những phim hoạt hoạ bất hủ. Dày khoảng 200 trang[3]. Con đường thiên lí Tôi dùng hồi kí của tôi với những tài liệu về cuộc tìm vàng ở miền Tây nước Mỹ giữ thế kỷ trước để tạo ra nhân vật Lê Kim (quê ở Phú Thọ - Bắc Việt), người đầu tiên trôi nổi qua Mỹ, theo một đoàn đi tìm vàng; khi tìm được rồi thì chán, trở về Nam Việt lập gia đình, khai hoang và giúp Thiên Hộ Vương “Bình Tây sát Tả” trong Đồng Tháp. Ý nghĩa truyện đó trong đoạn cuối, lời tôi nói với một người chắt của cụ Lê Kim ở Gia Định vào khoảng 1950[4]: “Cụ Lê Kim có phải là người Việt đầu tiên qua Mỹ không, điểm đó không quan trọng gì đối với chính sử. Vậy mà tìm ra được đủ chứng cứ và ít nhiều chi tiết, bác Bảng của cháu và bác (tức tôi, người kể truyện) đã phải bỏ ra… tới nay trên hai chục năm[5] đấy, và phải nhờ vài sự ngẫu nhiên lạ lùng với mấy người giúp sức nữa. Trong khi tìm tòi, có những lúc chán nản mà cũng có những lúc phấn khởi say mê. Tìm ra được rồi tất mừng, nhưng chỉ được một lúc (…) cũng như cụ Lê Kim mạo hiểm đi hết con đường thiên lý, tới miền có mỏ vàng thì chán nản, trở về nước khai hoang, kháng chiến. Vàng là thứ mà cụ coi thường nhất – danh vọng cũng vậy – cụ chỉ muốn tìm ý nghĩa cho cuộc sống và sự say mê trong hành động”. Truyện đó tôi đặt cho nhan đề: “Con đường thiên lí” vì hồi trẻ tôi muốn viết một tập du kí từ°
VIẾT NỐT VỀ TRIẾT HỌC TIÊN TẦN Khổng học tới Mạnh Tử trải một lần biến, tới Tuân Tử trải một lần biến nữa. Khổng Tử chỉ nói “tính tương cận, tập tương viễn” (bản tính con người giống nhau, do tập nhiễm mới khác xa nhau), và trọng đức nhân hơn cả; Mạnh Tử đưa ra thuyết tính thiện, ai sinh ra cũng có sẵn bốn “đầu mối” (tứ đoan), cũng như bốn mần: nhân, lễ, nghĩa, trí, ông ít nói đến nhân mà nói nhiều đến nghĩa; Tuân Tử, trái lại chủ trương tính ác (tính người vốn ác), và “thiên nhân bất tương quan” (người và trời không quan hệ gì với nhau), ông ít nói đến nhân, nghĩa mà rất trọng lễ. Mạnh là một triết gia kiêm chính trị gia; Tuân hoàn toàn là một triết gia (mặc dầu cũng nhận vài chức không quan trọng), học rất rộng, có nhiều tư tưởng độc đáo, bàn cả về tri thức, danh (công dụng của danh, nguyên lý chế danh…), về biện thuyết (phạm vi của biện thuyết, phương pháp biện thuyết), nên được nhiều người tôn là học giả uyên bác nhất thời Chiến Quốc. Cho đến đầu đời Hán, học thuyết của Mạnh và của Tuân được trọng ngang nhau; từ Đường trở đi, Mạnh được tôn và Tuân bị ức; nhưng gần đây ở Trung Hoa, Tuân lại được nghiên cứu hơn Mạnh, vì tư tưởng của Tuân hợp thời hơn: tìm hiểu để lợi dụng thiên nhiên, trọng khoa học, lễ, pháp luật, hiến pháp[12]. Ở nước ta, vì chịu ảnh hưởng nặng của Tống Nho, Tuân Tử cũng bị khinh, buộc cho cái tội là đã đào tạo Lý Tư và Hàn Phi, hai chính trị gia giúp Tần Thuỷ Hoàng dựng nghiệp đế rồi đốt sách, chôn Nho nên ngày nay, ngoài ít chục trang trong Nho giáo của Trần Trọng Kim, Khổng học đăng của Phan Sào Nam, chưa có một cuốn nào chuyên viết về Tuân Tử. Chúng tôi soạn bộ Tuân Tử để bổ khuyết điểm đó. Tác phẩm dày hơn 400 trang, phần học thuyết chiếm khoảng 150 trang, còn lại là phần trích dịch[13]. Hàn Phi Bộ này dày như bộ trên và cũng gồm hai phần như bộ trên. Vì Hàn Phi là tư tưởng gia cuối cùng của thời Tiên Tần, tập đại thành các pháp gia (các nhà cho rằng trị nước, dùng pháp luật có hiệu quả hơn, là những người chủ trương pháp trị, trái với Khổng, Mặc chủ trương nhân trị) trong 3-4 thế kỷ, nên trước khi giới thiệu đời sống và tư tưởng của Hàn Phi, chúng tôi ôn lại hai thời Xuân Thu và Chiến Quốc về phương diện xã hội, chính trị và học thuật; lược thuật tư tưởng cùng chính sách của các pháp gia trước Hàn Phi: Quản Trọng, Tử Sản, Lý Khôi, Ngô Khởi, Thân Bất Hại, Thận Đáo, Thương Ưởng. Ba điểm chính trong học thuyết của Hàn là:Trọng cái thế: Người cầm quyền không cần phải hiền và trí mà cần có quyền thế và địa vị. Hiền và trí không đủ cho đám đông phục tòng, mà quyền thế và địa vị đủ khuất phục được người hiền. Trọng thế thì tất nhiên trọng sự cưỡng chế: vua nắm cả quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, và phải được tôn trọng triệt để: bắt chết thì phải chết.Trọng pháp luật, mà pháp luật phải hợp thời, dễ biết dễ thi hành, phải công bằng.Trọng thuật trừ gian, dùng người. Điểm này rất quan trọng, Hàn đưa ra nhiều thuật tàn nhẫn rồi dùng nhiều cố sự để dẫn chứng, đại khái cũng như Kautilya ở Ấn Độ sau cuộc xâm lăng Ấn của Alexandre le Grand, một thế kỷ trước Hàn Phi, và như Machiavel, tác giả cuốn Le prince ở Ý cuối thế kỷ XV[14].°Từ năm 1977, được nhàn rỗi, tôi lại tiếp tục nghiên cứu hết các triết gia lớn đời Tiên Tần, để thực hiện xong chương trình tôi đã vạch từ 5-6 năm trước và soạn thêm năm cuốn nữa: Mặc Học, Lão Tử, Luận Ngữ, Khổng Tử, Kinh Dịch. Mặc học (gồm Mặc Tử và phái Biệt Mặc) Đạo Mặc là đạo Khổng của bình dân, do một tiện nhân thành lập. Mặc Tử sinh sau Khổng Tử, chịu ảnh hưởng của Khổng, cũng tôn quân, trọng hiền, đề cao đạo đức và sự tu thân như Khổng, nhưng chống Khổng ở chỗ ghét lễ nghi, cho nó là phiền phức, xa xỉ, ghét ca nhạc, mà lại có tinh thần tín ngưỡng rất mạnh: đạo Mặc gần như một tôn giáo, tổ chức cũng chặt chẽ như một tôn giáo. Nó chỉ thịnh ở thời Chiến Quốc, các thời sau không một triều đại nào dùng nó vì thuyết kiêm ái (yêu mọi người như yêu chính mình, cha mẹ người như cha mẹ mình…) và bỏ chính sách mỹ thuật, sống khắc khổ của nó không hợp nhân tình; nhưng nó đã có ảnh hưởng khá lớn: mở đường cho Lão Tử vì nó chủ trương bình đẳng giữa các giai cấp và trở về lối sống bình dị; mở đường cho cả pháp gia nữa vì trọng quyền lực, trọng lao động và buộc người dưới phải thống nhất tư tưởng với người trên, buộc dân phải cáo gian. Mặc Tử mất rồi, chỉ trong vài thế hệ, môn đồ không còn giữ chủ trương của ông nữa, bỏ hẳn chính trị, đạo đức, mà suy tư về tri thức, biện luận, khoa học (hình học, lực học, quanh học)… khiến cho triết học Trung Hoa có được vài nét của triết học phương Tây thời Hi Lạp. Đó là một cống hiến đáng kể của môn đồ Mặc Tử mà người ta gọi là phái Biệt Mặc. Gần đây các học giả Trung Hoa rất chú ý tới Mặc học vì họ nghĩ rằng triết học đó mà không bị dìm trong mấy ngàn năm thì chưa biết chừng Trung Hoa đã có tôn giáo, khoa học như phương Tây, có thể mạnh như phương Tây. Một lẽ nữa là chính sách của Mặc Tử có vài điểm hợp với cộng sản. Ở nước ta mới chỉ có Ngô Tất Tố giới thiệu Mặc Tử trong một tập mỏng. Bộ của tôi dày 550 trang[15], nửa trên về Mặc Tử, nửa dưới về Biệt Mặc, gọi chung là Mặc học. Tôi lại trích dịch 19 thiên quan trọng nhất của Mặc Tử. Ông có giọng một nhà truyền giáo: hùng hồn, bình dị, lập đi lập lại để đập vào óc thính giả[16]. - Lão Tử Chúng ta đã có vài ba bản dịch Đạo đức kinh rồi. Tôi góp thêm một bản nữa, với một phần giới thiệu khoảng 100 trang về học thuyết của Lão Tử. Tôi theo các học giả Trung Hoa gần đây, cho rằng Lão sinh sau Khổng, Mặc, trước Mạnh; và bộ Đạo đức kinh xuất hiện sau Luận ngữ, vào thế kỷ thứ IV hay thứ III trước Tây lịch, do môn sinh của Lão Tử chép lại lời thầy; tuy có khoảng mười chương của người đời sau thêm vào, nhưng tư tưởng vẫn là nhất trí. Lão Tử là triết gia đầu tiên của Trung Quốc luận về vũ trụ, có một quan niệm tiến bộ, vô thần về bản nguyên của vũ trụ mà ông gọi là Đạo. Ông lại xét tính cách và qui luật của Đạo, dùng những qui luật đó làm cơ sở cho đạo ở đời và đạo trị nước, tức cho một nhân sinh quan và một chính trị quan mới mẻ. Do đó mà học thuyết của ông hoàn chỉnh nhất, có hệ thống nhất thời Tiên Tần. Ông tặng cho hậu thế những tư tưởng bình đẳng, tự do trong hoà bình, không tranh giành nhau mà khoan dung với nhau (dĩ đức báo oán), trở về thanh tịnh, tự nhiên. Trở về tự nhiên theo ông không phải là trở về thời ăn lông ở lỗ, sống bằng săn bắn và hái lượm, mà trở về buổi đầu thời đại nông nghiệp, thời bộ lạc có tù trưởng nhưng tù trưởng cũng sống như mọi người khác, không can thiệp vào đời sống của dân. Nước thì nhỏ mà dân ít; các nước láng giềng trông thấy nhau, nghe được tiếng cho sủa, tiếng gà gáy của nhau mà dân các nước không qua lại với nhau, có thuyền có xe mà không ngồi, dùng lối thắc dây thời thượng cổ mà không có chữ viết (ch. 80). Thời đó có thể là thời Nghiêu Thuấn mà tất cả các triết gia thời Tiên Tần đều cho là hoàng kim thời đại. Dĩ nhiên nhân loại không lùi lại như vậy được và đọc Lão Tử chúng ta chỉ nên nhớ rằng ông muốn cứu cái tệ đương thời là đời sống đã phúc tạp quá, từ kinh tế tới lễ nghi, chính trị, tổ chức xã hội; con người đã gian tham, xảo trá nhiều, do đó mà loạn lạc, nghèo khổ. Học thuyết của ông bổ túc cho học thuyết của Khổng, nén bớt tinh thần hăng hái hữu vi, quá thực tiễn của Khổng. Hiện nay người phương Tây chán nản nền văn minh cơ giới, sản xuất để tiêu thụ rồi tiêu thụ để sản xuất, muốn trở lại đời sống thiên nhiên, giản dị, nên Đạo đức kinh lại được nhiều người đọc. Nhưng các chính trị gia không ai theo bài học của ông cả; tôi nghĩ những câu như: “Càng ban nhiều lệnh cấm thì dân càng nghèo” (ch. 57), “Can thiệp vào việc dân nhiều quá thì dân sẽ trá nguỵ, chống đối” (ch. 60) rất đáng cho họ suy ngẫm[17]. Luận ngữ Thấy nhiều người hiểu sai Khổng Tử, hoặc không đặt ông vào thời đại của ông, hoặc gán cho ông những tư tưởng của nhà Nho đời sau, cho nên từ lâu tôi đã có ý viết một cuốn về học thuyết Khổng Tử mà chỉ căn cứ vào bộ Luận ngữ thôi, bộ đáng tin nhất do môn sinh của ông chép lại lời của ông. Năm 1972, tôi đã soạn một cuốn mỏng nhan đề là Nhà giáo họ Khổng theo chủ trương trên, định bụng sẽ viết một cuốn nữa về triết gia họ Khổng. Năm 1978, viết xong cuốn Lão Tử, tôi thực hiện dự định đó. Và trước khi viết về Khổng Tử, tôi phải đọc lại, dịch lại bộ Luận ngữ đã. Cũng như tất cả các cổ thư thời Tiên Tần, Luận ngữ có những chỗ tối nghĩa vì chép lầm, thiếu sót; lại có chỗ do người đời sau thêm vào. Lối chép vắn tắt quá, nhiều khi ta không biết Khổng Tử nói một lời nào đó trong hoàn cảnh nào, nên khó hiểu được tư tưởng của ông mà mỗi người giảng một khác. Vì vậy, ngoài các bản Việt dịch toàn hiểu theo Chu Hy, tôi phải kiếm thêm nhiều bản chú giải của Trung Hoa để biết thêm các cách hiểu khác của người Trung Hoa xưa và nay; lại tham khảo thêm lối dịch của Lâm Ngữ Đường, của Etiemble – một nhà Trung Hoa học danh tiếng của Pháp – có tinh thần khách quan, tự do. Khi dịch, gặp bài nào có nhiều cách hiểu, tôi lựa lấy một, nhưng cũng ghi thêm những cách kia. Dịch và chú thích xong, tôi làm các bảng phân loại, nhân danh, địa danh và một bảng khoảng 200 câu thường dẫn. Việc đó rất tốn công. Có những mục chính như Khổng Tử, Môn sinh Khổng Tử, Học và tu dưỡng, Xử thế, Chính trị… rồi trong mỗi loại lại có những tiểu mục, chẳng hạn mục về Khổng Tử chia ra: Đời sống, Lối sống, Nhân cách, Tính tình, Dạy học, Khổng Tử tự xét mình, Khổng Tử xét người, Người đương thời xét Khổng Tử. Tôi phân loại như vậy chủ ý để tôi dễ tra và dẫn chứng và cũng để giúp người sau vì từ trước tới nay chưa ai làm công việc đó một cách kỹ lưỡng, cả ở Trung Hoa, ở châu Âu cũng vậy. Dịch xong bộ Luận ngữ rồi tôi mới bắt đầu viết cuốn Khổng Tử. Khổng tử Trang đầu tiên tôi nêu chủ trương của tôi: “Triết thuyết nào cũng chỉ để cứu cái tệ của một thời thôi. Muốn đánh giá một triết thuyết, phải đặt nó vào thời của nó, xem nó giải quyết được những vấn đề của thời đó không, có là một tiến bộ so với các thời trước, một nguồn cảm hứng cho các đời sau không”. Trước hết tôi tìm hiểu thời đại Khổng tử (chương I) rồi đời sống Khổng Tử (ch. II – có một niên biểu của đời ông), con người Khổng Tử: lối sống, tư cách, tính tình (ch. III). Tư tưởng và phương pháp giáo dục của ông, tôi đã xét trong cuốn Nhà giáo họ Khổng, nên trong cuốn này tôi chỉ xét tư tưởng chính trị và chính sách trị dân của ông thôi (ch. V, VI). Sau cùng là một chương về đạo làm người của luân lý gia họ Khổng. Ở đầu chương V (Tư tưởng chính trị) tôi viết: “Khổng Tử sinh ở cuối thời Xuân Thu, thời mà chế độ phong kiến tuy suy nhưng vẫn còn cơ duy trì được. Tề Hoàn công là vị “bá” đầu tiên và có uy thế nhất trong số ngũ bá, vẫn phải mượn danh thiên tử nhà Chu để họp các chư hầu, và về già mới có ý lật vua Chu nhưng chưa kịp thi thành thì chết, và nếu có thể thi hành được thì cũng chỉ thay Chu để làm thiên tử chứ vẫn phải giữ chế độ phong kiến”. Rồi tôi minh chứng rằng như mọi người khác ở thời ông, có lẽ cả Mặc Tử, Mạnh Tử sau ông nữa, Khổng Tử cho chế độ phong kiến là hợp pháp, hợp lý, vì hoàn cảnh thời ông chưa cho ông quan niệm được một chế độ nào khác để thay nó. Phải tới gần cuối thời Chiến Quốc, khoảng 250 năm sau, bọn pháp gia mới lần lần quan niệm được một chế độ mới, chế độ quân chủ chuyên chế thống nhất Trung Hoa. Mà sở dĩ vậy là vì ở thời Khổng Tử, nền kinh tế Trung Hoa (canh nông, công nghệ) chưa phát triển, không đủ nuôi một số dân đông, cả Trung Hoa nới có được 10-15 triệu người, nước lớn như Tề mới có được vài triệu người, một hai ngàn chiến xa (4.000-8.000 quân), võ khí lại thô sơ (cuối đời Khổng Tử mới có sắt để làm lưỡi cày chứ chưa đủ làm được binh khí), chiến thuật cổ lỗ (vẫn dùng chiến xa, không có bộ binh, kỵ binh), quốc gia chưa chia thành quận huyện để nắm được toàn dân, tập trung quyền hành vào triều đình; như vậy thì làm sao có một nước đủ mạnh, đủ lính, đủ khí giới để chinh phục tất cả các nước kia mà thống nhất Trung Hoa và lập chế độ quân chủ chuyên chế cai trị cả Trung Hoa được. Khổng Tử ở vào thời đó tất phải giữ chế độ phong kiến, không thể trách ông được. Trái lại, đặt ông vào thời đại của ông thì ta phải khen ông có tinh thần cải cách, cách mạng nữa (thuyết chính danh của ông đẻ ra thuyết giết một bạo chúa là giết một tên thất phu của Mạnh), bắt bọn cầm quyền phải có đức, phải thương dân; ông điều chỉnh lại quyền lợi, nghĩa vụ vua tôi; ông lại đào tạo một giai cấp mới: kẻ sĩ để trị nước, thay thế bọn quí tộc thiếu tài, thiếu đức, giai cấp đó đa số ở trong giới bình dân, địa chủ mới, thương nhân mà ra. Ở thời ông, ai làm được hơn ông? Cả hai cuốn trên tôi viết trong khoảng 7-8 tháng. Thật lạ lùng! Người có công nghiên cứu đạp Khổng, đề cao Khổng Tử nhất ở nước ta từ trước tới nay lại là một tín đồ Công giáo, giáo sư Kim Định. Ông đã viết khoảng chục cuốn mỏng về đạo Khổng, đưa ra nhiều ý táo bạo mà ông chưa sắp lại thành hệ thống. Ông muốn cải tạo xã hội, cải tạo thế giới nữa, cho rằng nếu canh tân đạo Khổng thì những tư tưởng tự do và bình sản (làm cho tài sản quân bình, không ai giàu quá nghèo quá) của Khổng có thể cứu nhân loại khỏi cái hoạ những tư tưởng hẹp hòi. Theo ông, “hiểu Khổng là vượt Khổng”, cho nên Khổng rất tránh các vấn đề siêu hình mà ông lại dùng nhãn quan siêu hình để nghiên cứu Khổng.Tự do, bình sản là lý tưởng chung của các triết gia phương Đông như Khổng, Lão, Phật mà cũng là những điều nhân loại ngày nay đòi hỏi; nhưng tôi nghĩ thời nay chúng ta cần có một nhân sinh quan mới, một triết lý mới, một lối sống mới, chứ tự do và bình sản chưa đủ. Lối sống mới đó tôi đã vạch qua ở cuối chương XXXII, bộ Hồi kí và trong tạp chí Bách Khoa hồi đầu năm 1975[18]. Điều tôi quí nhất ở Khổng Tử là ông rất gần chúng ta, rất hiểu tâm lý con người. Học thuyết của ông thật đầy đủ từ tu thân tới tề gia, trị quốc, không triết thuyết nào được như vậy. Ông thực tiễn, sáng suốt mà ôn hoà, vừa nghiêm, vừa khoa. Những lời ông khuyên môn sinh về bất kỳ vấn đề gì tới nay vẫn còn giá trị, miễn là ta nhớ qui tắc “thời trung”, học được thái độ “vô khả vô bất khả” của ông. Bộ Luận ngữ có mấy trăm câu minh triết sâu sắc, thành châm ngôn cho thời sau, càng già đọc càng thấy ý vị. Năm 1979 tôi viết cuối cùng về triết học thời Tiên Tần, tức cuốn Kinh Dịch. Tôi đã thu thập tài liệu Hoa, Việt, Pháp, Anh về Kinh Dịch từ non hai chục năm trước, được 15 cuốn. Tôi đọc lại hết, ghi chép mất bốn tháng, rồi viết mất sáu tháng nữa, được khoảng 500 trang. Chủ trương của tôi khác hẳn các học giả của mình gần đây. Tôi chỉ nhắm mục đích hướng dẫn những bạn trẻ muốn tìm hiểu triết lý trong Kinh Dịch, nghĩa là vũ trụ quan, nhất là nhân sinh quan, cách xử thế, tu thân, trị quốc trong Kinh Dịch, mà tôi gọi là đạo Dịch, đạo của bậc chính nhân quân tử ngày xưa. Vì vậy tôi bỏ hết phần bói toán huyền bí, nhất là phần tướng số và rán trình bày một cách có hệ thống, sáng sủa tư tưởng của cổ nhân. Tôi đã xét về: . Nguồn gốc Kinh Dịch (bỏ những thuyết huyền bí đi), sự tạo thành của 8 quẻ đơn, 64 quẻ trùng. . Nội dung phần kinh. . Nội dung phần truyện. Tôi giảng kỹ các thuật ngữ và quy tắc cần nhớ: ý nghĩa các hào, thế nào là trung, chính, tương quan giữa các hào, hào làm chủ, v.v… Theo tôi, vũ trụ quan trong Kinh Dịch tổng hợp thuyết âm dương có từ đời Ân (hay trước nữa) và đạo Lão; còn nhân sinh quan tổng hợp đạo Lão và đạo Khổng. Trước sau vẫn là đạo Khổng (kính đó làm kinh của đạo Nho), nhưng Dịch học phái đã biết dùng đạo Lão mà sửa đạo Khổng cho bớt hữu vi đi, trọng khiêm nhu hơn; trọng phụ nữ hơn (quẻ Khôn và quẻ Gia nhân chẳng hạn), Khổng không nói đến phụ nữ, có thì chỉ chê là “nan hoá” thôi; trọng sự ẩn dật hơn (quẻ Tiệm). Tôi có thể bảo vì vậy Dịch là tổng hợp được minh triết của dân tộc Trung Hoa thời Chiến Quốc. Triết lý trong Dịch thực tế: Việc đời không bao giờ hết được, xong việc rồi (Ký tế) thì phải bắt đầu lại (sau Ký tế tới Vị tế); lạc quan: tuy biết rằng không bao giờ diệt được hết ác, được tiểu nhân; thiện ác, quân tử, tiểu nhân thay nhau lên lên xuống xuống, nhưng Dịch vẫn khuyến thiện, vẫn thiên vị với quân tử, chỉ cho quân tử cách đợi thời, cách hành động ra sao; Dịch lại rất thực tiễn: 64 quẻ đều xét những việc thường ngày, từ việc ăn uống, cưới xin, kiện cáo, xuất quân, dạy con tới những việc trị dân, làm cách mạng, tu thân, tiến lui… những cách giữ thân khi gặp nguy khốn, khi ở đậu đất khách; mà như vậy chỉ dùng có hai vạch liền và đứt thay đổi lẫn nhau, chồng chất lên nhau. Tôi nhấn mạnh vào nhân sinh quan đó trong phần Giới thiệu và cả trong phần dịch 64 quẻ. Leibniz, một triết gia Đức ở thế kỷ XVII tìm ra được rằng 64 quẻ trong đồ phương vị của Phục Hi hợp với phép Nhị tiến (numération binaire) của ông, tài tình thật. Nhưng tương truyền Thiệu Ung, một triết gia đời Tống ở thế kỷ XI đã vẽ đồ đó, vậy thì ông đã tìm ra phép Nhị tiến sáu thế kỷ trước Leibniz chăng? Đáng phục hơn hết các nhà trong Dịch học phái đời Chiến Quốc đã “tán” thoán từ và hào từ trong Kinh Dịch một cách rất lô-gic, biến một sách bói thành một bộ triết lý gom hết cả các tinh hoa của cổ nhân. Họ có óc tưởng tượng mạnh thật. Càng suy nghĩ tôi càng thấy Dịch là một kỳ thư[19]. Bộ đó viết xong, một bạn trẻ, coi tôi như thầy học, bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng, giảng viên Đại học Y khoa Sài Gòn xin phép tôi đánh máy sáu bản, tặng tôi một bản, còn thì tặng các bạn thân đã giúp công giúp của trong việc đánh máy. Cậu xin mười năm nữa khi nào có dịp xuất bản thì cậu sẽ lo cho[20]. - Trong những năm 1977-1979 tôi còn: + Lựa những bài báo tôi bàn về thời sự, gom vào một tập, nhan đề là Mười câu chuyện thời sự. + Lựa những bài tuỳ bút, tựa, những đoạn đắc ý trong các tác phẩm của tôi, gom vào một tập, nhan đề Để tôi đọc lại. Sau cùng năm nay (1980) tôi viết bộ Hồi kí[21]. Tổng cộng tới nay có 20 bản thảo chưa in, khoảng 6.000 trang.°
KẾT VỀ TRIẾT HỌC CHÍNH TRỊ THỜI TIÊN TẦN Vậy là tôi thực hiện xong dự định: viết về tất cả các triết gia quan trọng thời Tiên Tần, thời rực rỡ nhất của triết học Trung Quốc, dài trên 3-4 thế kỷ. Nó rực rỡ nhất vì ngôn luận được tự do nhất; hơn nữa những kẻ sĩ được vua chúa kính trọng nhất.Từ gần cuối đời Xuân Thu đến hết đời Chiến Quốc, Trung Hoa loạn lạc liên miên, các nước chư hầu thôn tính lẫn nhau, từ mấy trăm rút xuống còn mấy chục. Kẻ sĩ nào ưu thời mẫn thế cũng tìm một đường lối cứu loạn cho dân. Vua chư hầu nào cũng muốn nước mình được mạnh lên để chống với nước lớn hoặc để chiếm nước nhỏ, cho nên tiếp đón long trọng các kẻ sĩ đó, lắng nghe mọi chính sách họ đề nghị. Do đó có hiện tượng không hề thấy ở thời nào khác, tại một dân tộc nào khác, hiện tượng mà người đời Hán gọi là “bách gia tranh minh” (trăm nhà đua tiếng). Ở Tề có một thời kẻ sĩ bốn phương tụ lại ở chật cả khu phía tây kinh đô Lâm Tri, ngựa xe nườm nượp ở các nẻo đường, kẻ sĩ nào cũng được vua Tề cung cấp lương thực; khi đi, còn được tặng một số vàng nữa.Không kể các nhà ngày nay ta gọi là chuyên môn như kinh tế gia, nông gia, binh gia… chỉ xét riêng các triết gia về chính trị, chúng ta có thể sắp làm ba phái: - Phái hữu vi – Khổng, Mặc[22] – Chủ trương đức trị[23], sửa đổi chế độ cũ, can thiệp vào đời sống của dân vừa phải thôi, lo cho dân đủ ăn, đủ mặc, khuyên can vua, dạy dân lễ nghĩa để giữ trật tự trong nước.- Phái vô vi chủ trương can thiệp rất ít (Lão Tử) hoặc không can thiệp chút gì (Trang Tử, Liệt Tử) vào đời sống của dân, để dân sống theo bản năng, trở về tính chất phác thời nguyên thuỷ, như vậy xã hội hết loạn. Có thể kể thêm trong phái này Dương Tử và các ẩn sĩ không dự một chút gì vào việc đời.- Phái cực hữu vi – Pháp gia – ngược lại, can thiệp triệt để vào đời sống của dân, không dạy dân lễ nghĩa, chỉ dạy họ cái đạo phục tòng, bắt họ cày ruộng, đi lính để nước giàu và mạnh. Phái này rất ghét nhân, nghĩa, chỉ dùng pháp luật tàn khốc (pháp trị của Thương Ưởng); thế (quyền thế) của vua (Thận Đáo) và các thuật xảo trá (Thân Bất Hại) để sai khiến bách quan, nắm chặt dân như bọn nhà độc tài ngày nay. Phái hữu vi đức trị, ôn hoà, hoàn toàn thất bại. Hồi đầu xã hội còn loạn ít mà Khổng Tử cũng không được ông vua nào tin dùng lâu cả, mặc dầu tới đâu ông cũng được tôn trọng. Đạo nhân của ông – cũng như đạo kiêm ái của Mặc - cao quá; chủ trương người trên phải chính đáng, làm gương cho kẻ dưới không ông vua nào theo. Đời sau xã hội loạn hơn, Mạnh Tử phải hạ lý tưởng xuống, không nói nhân mà nói nghĩa, cũng chẳng ai nghe; cuối thời Chiến Quốc, Tuân Tử lại hạ xuống một bực nữa, không nói nghĩa mà đề cao lễ[24], nhưng ngay học trò ông là Lý Tư, Hàn Phi cũng không theo mà chỉ dùng pháp, thấp hơn lễ nữa.Phái vô vi thì càng về sau càng chán nản, lánh đời tới phủ nhận cả quốc gia (Trang tử), rốt cuộc người ta tìm cách tu tiên (đạo gia), lên núi ở.Còn phải cực hữu vi, phái pháp trị, thì xã hội càng loạn càng được trọng dụng. Các vua chúa, nhất là vua Tần tin họ và nhờ chính sách độc tài của họ mà Tần mạnh lên, thống nhất được Trung Quốc. Nhưng Tần không giữ nước được lâu, chỉ vài chục năm sau, non sông lại qua tay nhà Hán. Hán biết rằng hết loạn rồi thì không thể chỉ dùng Pháp mà phải dung hoà Khổng và Pháp: một mặt rất tôn quân (thuyết quân xử thần tử, thần bất tử bất trung là của Pháp gia, Hán áp dụng), trị dân bằng hình pháp nghiêm, nhưng một mặt cũng nhận rằng vua phải yêu dân, phải dạy dân lễ nghĩa bằng Tứ thư, Ngũ kinh của Nho gia. Quy tắc dân vi quí, dân vi khinh của Mạnh Tử vẫn được nêu cao mặc dù ít ông vua nào theo được; không theo được nhưng họ vẫn trọng dư luận của giới sĩ phu.Nhờ chính sách dung hoà đó mà về chính trị, Trung Hoa được ổn định trên 2.000 năm: nhà vua mà bất lực, làm bậy thì dân nổi dậy, hạ bệ, đưa người khác lên, chứ chính thể quân chủ vẫn còn; khiến Will Durant trong cuốn Văn minh Trung Hoa phải khen dân tộc Trung Hoa đã tìm được một sự hoà hợp trong đời sống xã hội mà khắp thế giới không dân tộc nào có. Ngay Chu Nguyên Chương, người khai sáng nhà Minh, là ông vua độc tài nhất, bôi bỏ những đoạn trong Mạnh Tử có hại cho uy quyền của mình, mà vẫn phải duy trì Khổng giáo. Khổng Tử đã thất bại trong đời ông nhưng đã thành công lớn trong lao trên suốt 2.000 năm từ khi ông chết. Không một triết gia nào trên thế giới có ảnh hưởng lâu bền và rộng rãi (khắp cả miền Đông Á) như ông. Tuy nhiên ta cũng không nên quên công của Lão Tử. Ông đã cho dân tộc Trung Hoa một sự hoà hợp về lối sống: không hăng hái hữu vi như Khổng Tử mà trọng tự do, thích hoà bình, yêu thanh tĩnh, thiên nhiên. Có thể như Lâm Ngữ Đường nói, nhờ Lão Trang dân tộc Trung Hoa tuy nghèo khổ mà vẫn yêu đời, tinh thần được quân bình không thác loạn như người Âu giàu có gấp 10, gấp 100 lần họ. Thế giới ngày nay cũng loạn như thời Chiến Quốc, cũng có chia hai phe: một phe hữu vi can thiệp vừa phải vào đời sống của dân, một phe cực hữu vi độc tài. Hai phe đó đương tranh giành nhau ảnh hưởng. Chưa biết tương lai ra sao.°
NHÌN LẠI QUÃNG ĐƯỜNG ĐÃ QUA Do nhiều sự ngẫu nhiên kỳ dị mà tôi bước vào ngành cổ học Trung Hoa. Hồi nhỏ, cha tôi do truyền thống gia đình mà dạy vỡ lòng chữa Hán cho tôi được một năm rưỡi rồi cho tôi theo tân học. Khoảng mười năm sau, khi tôi vào trung học rồi, mẹ tôi cho tôi học thêm chữ Hán với bác Hai tôi trong hai vụ hè, cũng là do trọng truyền thống nhà Nho; muốn cho con cái đọc được gia phả bên nội, bên ngoại. Lúc đó số chữ Hán của tôi được độ hai ngàn chữ, chưa dùng được. May thay, ở trường Công chánh ra, tôi phải ở không trong năm tháng và để qua ngày, tôi tự học thêm chữ Hán, vừa đọc được bộ Tam Quốc chí thì được bổ vào trong°
NHÂN SINH QUAN CỦA TÔI Rải rác trong các tác phẩm tôi thường đưa ra những suy tư, ý kiến của tôi về nhiều vấn đề, dưới đây tôi lựa và gom lại một số thuộc về nhân sinh quan. 1. Đời sống tự nó vô ý nghĩa, trừ ý nghĩa truyền chủng, nhưng mình phải cho nó một ý nghĩa. Từ hồi ăn lông ở lỗ đến nay, nhân loại đã tiến về rất nhiều phương diện. Chúng ta được hưởng công lao, di sản của biết bao thế hệ, thì phải duy trì di sản đó và cải thiện nó tuỳ theo khả năng mỗi người. 2. Chúng ta làm điều phải vì tin nó là điều phải, chứ không phải vì ý muốn của Thượng đế hay một thần linh nào, cũng không phải vì mong chết rồi được lên Niết Bàn hay Thiên Đàng. 3. Quan niệm thiện ác thay đổi tuỳ thời, tuỳ nơi. Cái gì ích lợi cho một xã hội vào một thời nào đó thì được xã hội đó cho là thiện. Cũng cái đó qua thời khác không còn ích lợi nữa, mà hoá ra có hại thì bị coi là ác. Ví dụ đạo tòng phu, tòng tử của phụ nữ có lợi cho gia đình, xã hội thời nông nghiệp, tới thời kỹ nghệ, không còn lợi cho gia đình, xã hội nữa nên mất giá trị. Khi sản xuất được ít, đức tiết kiệm được đề cao; ngày nay ở Âu Mỹ, sản xuất vật dụng thừa thãi quá, nên sự phung phí gần thành một bổn phận đối với xã hội. Tuy nhiên vẫn có một số giá trị vĩnh cửu, từ hồi loài người bắt đầu văn minh, dân tộc nào cũng trọng, như đức nhân, khoan hồng, công bằng, sự tự do, tự chủ… 4. Đạo nào cũng phải hợp tình, hợp lý (bất viễn nhân) thì mới gọi là Đạo được. Tôi không tin rằng hết thảy loài người chỉ thấy đời toàn là khổ thôi; cũng không tin rằng hết thẩy loài người thích sống tập thể, không có của riêng.5. Đạo Khổng thực tế nhất, hợp tình hợp lý nhất, đầy đủ nhất, xét cả về việc tu thân, tề gia, trị quốc. Vậy mà tới nay lý tưởng của ông, nhân loại vẫn chưa theo được. Về tu thân, ba đức nhân, trí, dũng luyện được đủ tình cảm, trí tuệ và nghị lực của con người. 6. Nên trọng dư luận nhưng không nên nhắm mắt theo dư luận. Biết đắc nhân tâm, nhưng cũng có lúc phải tỏ nỗi bất bình của mình mà không sợ thất nhân tâm. 7. Mỗi người đã phải đóng một vai trò trong xã hội thì tôi lựa vai thư sinh. Sống trong một gia đình êm ấm giữa sách và hoa, được lòng quý mến, tin cậy của một số bạn và độc giả, tôi cho là sướng hơn làm một chính khách được hàng vạn người hoan hô, mà có phần giúp ích cho xã hội được nhiều hơn bọn chính khách nữa. Nhưng làm nhà văn thì phải độc lập, không nhận chức tước gì của chính quyền. 8. Ghi được một vẻ đẹp của thiên nhiên, của tâm hồn, và tả được một nỗi khổ của con người khiến cho đời sau cảm động, bấy nhiêu cũng đủ mang danh nghệ sĩ rồi. 9. Văn thơ phải tự nhiên, cảm động, có tư tưởng thì mới hay. Ở Trung Hoa thơ Lý Bạch, văn Tô Đông Pha hay nhất. Ở nước ta, thơ Nguyễn Du tự nhiên, bình dị mà bài nào cũng có giọng buồn man mác. 10. Tôi khuyên con cháu đừng làm chính trị, nhưng nếu làm thì luôn luôn phải đứng về phía nhân dân mà đối lập với chính quyền, vì chính quyền nào cũng đàn áp dân chúng. Tất cả các chính thể dân chủ hiện nay đều giả dối hết. 11. Một xã hội văn minh thì nhà cầm quyền không đàn áp đối lập; cùng lắm chỉ có thể ngăn cản họ đừng gây rối thôi, tuyệt nhiên không được tra tấn họ. Phải tuyệt đối tôn trọng chính kiến của mọi người. 12. Một xã hội mà nghề cầm bút, nghề luật sư không phải là nghề tự do, thì không thể gọi là một xã hội tự do được. 13. Khi nghèo thì phải tận lực chiến đấu với cảnh nghèo vì phải đủ ăn mới giữ được sự độc lập và tư cách của mình. Nhưng khi đã đủ ăn rồi thì đừng nên làm giàu, phải để thì giờ làm những việc hữu ích mà không vì danh vì lợi. Giá trị của ta ở chỗ làm được nhiều điều như vậy hay không. 14. Chỉ nên hưởng cái phần xứng đáng với tài đức của mình thôi. Nếu tài đức tầm thường mà được phú quý, hoặc được nhiều người ngưỡng mộ thì thế nào cũng sẽ mang hoạ vào thân. 15. Hôn nhân bao giờ cũng là một sự may rủi. Dù sáng suốt và chịu tốn công thì cũng không chắc gì kiếm được người hoàn toàn hợp ý mình; phải sống chung năm ba năm mới biết được rõ được tính tình của nhau. Từ xưa tới nay tôi chỉ mới thấy cuộc hôn nhân của ông bà Curie là đẹp nhất, thành công nhất cho cá nhân ông bà lẫn cho xã hội. Hiện nay ở Mỹ có phong trào kết hôn thử, tôi cho rằng chưa chắc đã có lợi cho cá nhân mà còn có thể gây nhiều xáo trộn trong xã hội. 16. Có những hoa hữu sắc vô hương mà ai cũng quý như hoa hải đường, hoa đào; nhưng người đàn bà chỉ có sắc đẹp thôi, mà không được một nét gì thì là hạng người tầm thường. Chơi hoa tôi thích nhất loại cây cao; có bóng mát, dễ trồng và có hương quanh năm như ngọc lan, hoàng lan. Ở đâu tôi cũng trồng hai loại đó. 17. Rất ít khi con người rút được kinh nghiệm của người trước. Ai cũng phải tự rút kinh nghiệm của mình rồi mới khôn, vì vậy mà thường vấp té. Nhưng phải như vậy thì loài người mới tiến được. 18. Cơ hồ như không thể thay đổi được bản tính con người: người nóng nảy thì tới già vẫn nóng nảy, người nhu nhược thì tới già vẫn nhu nhược. Nhưng giáo dục vẫn có ích lợi. Không nên cho trẻ sung sướng quá. Phải tập cho chúng quy củ, kỷ luật, biết tự chủ và hiểu rằng ở đời có những việc mình không thích làm nhưng vẫn phải làm, và làm thì phải làm ngay, làm đàng hoàng, làm cho xong. 19. Thay đổi bản tính loài như Mặc tử, như Karl Max muốn còn là chuyện xa vời hơn nữa. Thế giới đại đồng còn là mô tip không tưởng. Thế giới còn những nước nhược tiểu có nhiều tài nguyên thì còn bọn thực dân, họ chỉ thay đổi chính sách thôi. Thực dân nào cũng như nhau. Khi họ khai thác hết trên mặt đất, trong lòng đất thì họ khai thác biển, dưới biển. Họ còn sống lâu. Tuy nhiên, cũng phải nhận rằng sự bóc lột trong một nước tân tiến thời này đã giảm nhiều, thì sau này sự bóc lột các dân tộc nhược tiểu cũng sẽ giảm đi dần dần. 20. Xã hội bao giờ cũng có kẻ tốt và kẻ xấu. Như Kinh Dịch nói lúc thì âm (xấu) thắng lúc thì dương (tốt) thắng; mà việc đời khi giải quyết xong thì lại sinh ra việc khác liền, sau quẻ Ký tế (đã xong) tiếp ngay đến quẻ Vị tế (chưa xong). Mình cứ làm hết sức mình thôi, còn thì để lại các thế hệ sau. 21. Hồi trẻ, quan niệm của tôi về hạnh phúc là tự do, độc lập, làm một công việc hữu ích mà mình thích, gia đình êm ấm, con cái học được, phong lưu một chút chứ đừng giàu. Nhưng hồi 50 tuổi tôi thấy bấy nhiêu chưa đủ, cần thêm điều kiện này nữa: sống trong một xã hội lành mạnh, ổn định và tương đối thịnh vượng.°
VỀ VƯỜN Ngày 10 tháng chạp Kỷ Mùi (4-2-80) nhằm tiết Lập xuân, non 5 năm sau ngày Giải phóng, làm xong một số bổn phận công dân ở Sài Gòn, bán hết hơn hai vạn cuốn sách đã đăng ký – không một loại nào bị cấm – thu xếp xong việc nhà, vợ chồng tôi giao nhà ở Kỳ Đồng cho một người cháu bên vợ tôi trông nom, rồi chở một tí đồ đạc, sách vở về ngôi nhà 26 đường Gia Long (nay là 92 đường 26 tháng 3) ở thị xã Long Xuyên, để sống những năm còn lại, viết hồi ký và sắp xếp lại thư từ, giấy má. Về đây tôi có ít bạn, ít sách báo để đọc, nhưng nhà tôi được gần con cháu họ hàng, học trò cũ. Ngôi nhà đó là tài sản duy nhất của nhà tôi sau 37 năm dạy học, cất từ 1934 theo kiến trúc cổ; sau chúng tôi cất thêm một căn nhỏ (50 thước vuông) theo kiến trúc mới ở bên cạnh, làm chỗ riêng cho chúng tôi nghỉ ngơi. Nhà không tĩnh bằng nhà ở Kỳ Đồng vì ở trên đại lộ nhiều xe cộ qua lại, nhưng có vườn trồng được nhiều cây trái: mân, xoài, vú sữa, dừa, khế, lựu, chuối… Ở ngoài đường nhìn vào, phía trước cổng rào, bên mặt lối đi là một gốc hoàng lan đối diện với một bụi trúc ở bên trái, cả hai bên đều đặt nhiều phiến đá làm ghế ngồi. Sau cổng vào, bên trái có một gốc hoàng lan nữa, hương thơm ngào ngạt y như căn nhà ở Kỳ Đồng, rồi tới một hồ xây nhỏ, trồng sen trắng. Chiều tối, thanh niên nam nữ thường hẹn nhau lại ngồi trên những phiến đá “ở trước ngôi nhà có hương thơm ấy” để tâm sự. Trên bốn chục năm trước, viết bài Hương và sắc, tôi đã ước ao có một khu vườn để đặt tên là Hương viên. Vườn đã có từ lâu, chưa kịp đặt tên thì bọn trẻ đã đặt tên cho rồi: “nhà có hương thơm”. Dưới đây là ba trang cuối chương XXXIII chấm dứt bộ Hồi kí. Mấy ngày mới về tôi sắp đặt đồ đạc, tủ sách và chỗ làm việc. Bà con bên nội tôi (con ông bác tôi), bà con bên nhà tôi, học trò cũ của chúng tôi hay tin, lại thăm. Nơi đây đã thành quê hương tôi. Một tuần lễ sau, ngày 25 tháng chạp, tôi mới qua thăm chợ. So với hồi mới Giải phóng, thành phố đã thay đổi nhiều quá: đường sá bẩn thỉu, rác rưởi, nhiều chỗ hư mà không sửa; ồn ào mà hỗn độn, tới cây cối cũng tiêu điều, nhiều cây bị đốn. Các tiệm buôn lớn đều đóng cửa hết, mà các gánh quà, sạp hàng thì đầy đường, chật một khu từ cầu Hoàng Diệu, cầu Duy Tân qua chợ, xuống tới bến bắc (phà), dài ba bốn trăm thước, rộng cả trăm thước. Không biết bao nhiêu tiểu thương ngồi lề đường, dưới nắng, mỗi người chiếm một khoảng một hai thước vuông để bày hàng. Nhà dài (tức mái chợ thời xưa) rộng hai trăm thước vuông là khu bán vải, mỗi sạp chỉ nửa thước vuông mà chật ních, không len vào được. Bán toàn đồ lậu Thái Lan. Người đi chợ chen chúc nhau. Nóng quá, ngộp quá, tôi không rẽ vào chợ, vòng xuống Cái Sơn. Các cửa hàng mậu dịch vắng teo, các cô bán hàng ngồi không, vẻ ủ rũ, quạu quọ. Các biệt thự của giới điền chủ lớn ở Long Xuyên hồi hai chục năm trước, nay thì hoặc bị sung công, thành cơ quan chính phủ, hoặc cửa đóng then cài, tường nứt, mái rêu, vắng tanh không một bóng người, chủ nhân đã đi nơi khác hết, người thì lên Sài Gòn, người thì qua Pháp. Một vườn trồng cả chục giống hồng quí nay trồng khoai, trồng bắp, tôi bùi ngùi nhớ bài Thương Lương đình ký[26] của Quy Hữu Quang. Hồi tôi mới vô Nam, năm 1935, con đường Cái Sơn này còn thuộc về ngoại ô, ngồi xe đò từ Cần Thơ lên, còn thấy hai bên đường nhiều khu vườn rộng trồng xoài, mận, vú sữa, giữa vườn là một ngôi nhà sàn ba gian hai chái, với những ông già búi tóc, bận đồ đen, những thiếu phụ để tóc bánh lái[27] bận hàng Tân Châu. Ai nấy đều có vẻ ung dung, an cư lạc nghiệp. Nay thì suốt năm sáu trăm thước, san sát nhà nóc tôn, lớp trong lớp ngoài, xe cộ tấp nập, bộ hành chen chân nhau, không còn là con đường dạo mát bên bờ sông nữa. Khỏi cầu Cái Sơn tôi thở nhẹ nhàng, nơi đây còn những mảnh vườn cũ. Một làn gió nhẹ thoảng qua, đem lại một thứ hương gì quen quen, ngọt ngọt. Tôi ngơ ngác nhìn hai bên đường: phải rồi, hương xoài đây, hương đặc biệt của miềnTrích trong bộ Hồi kí viết xong tháng 9-1980
N.H.L
Đọc lại vừa sửa chữa xong tháng 8-1981.
Đọc lại và sửa thêm 1983.
Chú thích.[1] Trong Hồi kí, cụ Nguyễn Hiến Lê cho biết người bạn đó là Phó Đức Vinh. (Goldfish).[2] Đã xuất bản năm 1990 tại Nxb Long An với trên là Chúng tôi tập viết tiếng Việt. (BT).[3] Đã xuất bản năm 1993 tại Nxb Văn hoá – Thông tin (BT).[4] Trong Hồi kí in là: 1950 (Goldfish).[5] Trong Hồi kí ghi là: “non bốn chục năm” (Goldfish)[6] Đã xuất bản năm 1991 tại Nxb Long An (BT).[7] Trong Hồi kí in là: “chương XII”. (Goldfish).[8] Đã xuất bản năm 1990 tại Nxb Hội Nhà Văn. (BT).[9] Đã xuất bản năm 1990, tại Nxb ĐHSP TP.HCM (BT).[10] Trong bộ Trang tử - Nam Hoa kinh gồm hai tập, cụ Nguyễn Duy Cần chỉ dịch 6 thiên trong Nội thiên (bỏ thiên Nhân gian thế), còn Ngoại thiên và Tạp thiên cụ chỉ “trích yếu” mà thôi. Ngoài bộ đó, cụ còn có cuốn Trang tử tinh hoa. [Goldfish].[11] Đã xuất bản năm 1992, tại Nxb Văn hoá-Thông tin (BT).[12] Trong Hồi kí in: “trọng khoa học, lễ (gần như pháp luật, hiến pháp) (Goldfish).[13] Đã xuất bản năm 1993, tại Nxb Văn hoá-Thông tin (BT)[14] Đã xuất bản năm 1993, tại Nxb Văn hoá-Thông tin (BT)[15] Trong Hồi kí in là: 350 trang. (Goldfish).[16] Đã xuất bản năm 1994, tại Nxb Văn hoá-Thông tin (BT).[17] Đã xuất bản năm 1993, tại Nxb Văn hoá-Thông tin (BT).[18] Coi thêm cuốn Travailler deux heures par jour – Adret – Seuil – 1978.[19] Đã xuất bản (tái bản lần thứ 9) năm 1992, tại Nxb Văn hoá-Thông tin (BT).[20] Bác sĩ Hùng, trong bài Kinh Dịch và tinh thần của giếng cho biết: “Tôi xin ông được giữ một bản, tự tay ông đã viết phần chữ Hán trong sách cho tôi”. (Goldfish).[21] Đã tái bản lần thứ ba năm 1992, tại Nxb Văn học. (BT).[22] Thực ra Mặc Tử với chính sách thượng đồng (người dưới phải triệt để theo người trên), tiết dục, phi nhạc, can thiệp khá nhiều vào đời sống của dân, nhưng đạo của ông vẫn gần Khổng hơn gần phái Pháp gia, nên tôi sắp chung với Khổng.[23] Cũng gọi là nhân trị, coi trọng tư cách nhà cầm quyền hơn chính thể, pháp chế.[24] Đúng như chương 38 Đạo đức kinh đã nói: “…nhân mất rồi sau mới tới có nghĩa, nghĩa mất rồi sau mới có lễ…”. Đề cao lễ là chủ trương của Tuân Tử. Vậy thì Đạo đức kinh có thể viết sau khi học thuyết của Tuân ra đời, nghĩa là vào thế kỷ thứ III trước Tây lịch như một học giả đã ngờ chăng?[25] Các tác phẩm trên đã được xuất bản (BT).[26] Thương Lương 滄浪, theo bác Vvn, đọc là Thương Lang. (Goldfish)[27] Phụ nữ bới tóc ở sau đầu rồi, lấy vài lọn tóc quấn thành 3-5 vòng nhỏ ở bên búi tóc. Kiểu tóc này đã mất cũng như kiểu để đuôi gà ở Bắc. Hàng Tân Châu tức lụa Tân Châu, vì Tân Châu chuyên sản xuất hàng hoá đó, nhờ trồng dâu, có trại nuôi tầm và có nhiều cây mặc nưa mà trái dùng để nhuộm rất tốu.[28] Trong Hồi kí in là: bảy gốc. Có người bảo ngày nay không còn gốc nào. (Goldfish).[29] Thồn: ấn, nhét.