Ngày 1 tháng 8 năm 1991 Cảm nghĩ sau khi đọc quyển “80 năm thời cận đại” Nghe nói, trong những năm cuối cùng của triều đại Mãn Thanh, trên một tờ báo của Singapor có vẽ một bức tranh biếm hoạ: bên ngoài một ngôi nhà tranh cũ nát, lơ thơ mấy cây cằn cỗi, xiêu vẹo, ngoài trời mưa rất to, trong nhà nước dội tứ tung. Bên dưới bức tranh có ghi hai chữ “Trung Quốc”. Lúc bấy giờ tôi chẳng hiểu gì, Trung Quốc tại sao lại như vậy? Cho đến tận sau khi tôi đọc cuốn “80 năm thời cận đại”, tôi mới hiểu ra rằng, Trung Quốc trong suốt 80 năm thời cận đại là thưòi kỳ thối nát nhất của xã hội phong kiến. Nó cũng giống như ngôi nhà tranh dột nát kia. Thời đó, trình độ văn hoá, tư tưởng của người Trung Hoa vô cùng lạc hậu. Bọn thống trị phong kiến vẫn tôn Mạnh Tử và Khổng Tử là những bậc thánh nhân. Những người có chữ nghĩa trong thiên hạ vẫn khư khư ôm những quyển sách cũ nát của Khổng Tử và Mạnh Tử - những vĩ nhân đã sống cách đây hơn 2000 năm, và tư tưởng của họ vẫn dừng lại ở thời kỳ hơn 1000 năm về trước, có chăng chỉ có một chút phát triển không đáng kể. Lúc bấy giờ, người Trung Quốc cũng chẳng hiểu biết gì về thế giới. Họ vẽ bản đồ Trung Quốc theo sự tưởng tượng chủ quan của mình. Họ cho rằng các nước trên thế giới như Anh, Nga… cũng chỉ nhỏ bé như nước Cao Ly (Triều Tiên) mà thôi. Trên tấm bản đồ, Trung Quốc được vẽ ở chính giữa, vẽ rất to, bốn xung quanh là những hòn đảo nhỏ li ti. Đó là những nước Anh, Nga… Có một câu chuyện rất nực cười: Vào những năm niên hiệu Đạo Quang, có một lái buôn người Bồ Đào Nha đến Trung Quốc, khi đi qua hải quan, để nói rõ rằng mình đến đây từ đất nước Bồ Đào Nha, người đó bèn lấy ra một tấm bản đồ thế giới được vẽ theo tiêu chuẩn quốc tế, đưa cho viên quan trấn ải xem. Thế nhưng viên quan này xem không hiểu, bèn dẫn người lái buôn đến phủ. Người Bồ Đào Nha đã cố nhẫn nại chỉ vào tấm bản đồ thuyết minh tỉ mỉ cho các quan trong phủ nghe, nhưng các quan trong phủ vừa trông vào tấm bản đồ đã nổ giận đùng đùng, lớn tiếng quát tháo: “Đây là cái khỉ gì vậy, hãy xem bản đồ của nhà Đại Thanh chúng ta đây!” Nói rồi, họ bèn lấy ra tấm bản đồ Đại Thanh tôi vừa kể. Người Bồ Đào Nha kia trông thấy, thật là dở khóc dở cười! Vì tư tưởng văn hoá của Trung Quốc quá lạc hậu, cho nên khoa học kỹ thuật cũng chẳng sao tiến bộ được. Trong khi các nước đã có đầy những tàu hoả, tàu thuỷ, súng máy, pháo to… thì Trung Quốc vẫn đang dừng ở thời kỳ sử dụng giáo, mác, xe ngựa và thuyền gỗ… Do khoa học kỹ thuật lạc hậu, nên nền quốc phòng của Trung Quốc cũng lạc hậu theo. Quân đội Mãn Thanh chỉ có thể đi trấn áp các cuộc khởi nghĩa nông dân, nếu phải đánh nhau với quân đội nước ngoài thì thật là bi thảm. Một thân vương của triều đình Tăng Cách Lâm Tẩm, trong những năm niên hiệu Đạo Quang, đã có lần đem theo hơn 3.000 kỵ binh thiện chiến nhất của triều đình đi giao chiến với quân Anh. Kết quả bị súng to pháo lớn của đối phương đánh cho tan tác tơi bời. Chỉ còn có 7 người, 7 ngựa theo Tăng Cách Lâm Tẩm chạy tháo thân về tới kinh thành. Tất cả những cái đó đều nói lên rằng, Trung Quốc lạc hậu so với các nước khác. Tình trạng lạc hậu đó là do chế độ chuyên chế của xã hội phong kiến Trung Quốc. Đặc trưng của chế độ chuyên chế là ai nắm được hoàng quyền thì cả đất nước sẽ là tài sản riêng của mình, người ấy muốn sao phải vậy. CHỈ SỢ LÀM ẾCH NGỒI ĐÁY GIẾNG, ĐI TÌM CƠ HỘI CẠNH TRANH CAO Được sự chỉ bảo của cha mẹ, Đình Nhi tiến bộ rất nhanh, cuối học kỳ I lớp 4 này chắc chắn sẽ đứng đầu lớp. Chính lúc ấy, cái “lớp 4 vô kỷ luật” của cháu lại ngày càng quậy phá hơn. Vào đầu năm học, nhà trường đã điều một cô giáo dạy văn rất có năng lực về làm chủ nhiệm lớp 4 này. Đến đầu học kỳ II, nhà trường lại bố trí cô thêm chức trưởng phòng hành chính. Các phụ huynh học sinh đều cho như vậy là nhà trường đã bỏ lửng lớp này. Chúng tôi rất hiểu, do trình độ chung đều thấp, sự “đứng đầu lớp” của Đình Nhi có lẽ chỉ tương đương với các cháu đứng thứ 20 của các trường trọng điểm. Muốn kích thích Đình Nhi có được tiến bộ lớn hơn nữa, cần phải đặt Đình Nhi trong một môi trường có sự cạnh tranh ở trình độ cao hơn. Thế là chúng tôi bắt đầu phải nghĩ đến việc bỏ tiền ra chạy chuyển trường cho cháu. Dù cho là không gặp được thầy giỏi hơn, nhưng ít nhất cũng phải chọn cho cháu một trường gần nhà, mỗi ngày sẽ tiết kiệm được hai giờ đi lại, dành cho cháu tự rèn luyện. Như vậy, cũng đã có lợi cho cháu khá nhiều. Rất may, vào một ngày cuối tuần, Ương Ương lại đến nhà tôi chơi. Tôi hỏi thăm cháu tình hình học tập, cháu vui vẻ và tự hào nói với tôi: cô giáo chủ nhiệm, Liệu Lệ Quỳnh, là một chủ nhiệm rất giỏi. Lớp cháu được công nhận là “Tập thể ưu tú”, lớp cháu có hai bạn vừa chuyển trường đi… Ương Ương rất thích nhân cơ hội này Lưu Diệc Đình chuyển đến học cùng lớp với cháu. Trương Hân Vũ vẫn có thói quen “gặp cơ hội tốt không bao giờ bỏ lỡ”. Thế là anh bảo tôi phải lập tức đến nhà Ương Ương để tìm hiểu thêm. Cha mẹ Ương Ương ca ngợi cô chủ nhiệm hết lời. Trương Hân Vũ sau khi nghe tôi kể lại, lập tức quyết định: phải tìm ngay và gặp cô giáo Liệu. Được sự giúp đỡ rất tận tình của cha mẹ cháu Ương Ương, của cô chủ nhiệm Liệu Lệ Quỳnh và cô giáo Lưu Huệ Anh, Trường tiểu học Sở Thương Nghiệp chỉ thu của chúng tôi chút ít tiền lệ phí chuyển trường có tính chất tượng trưng. Và thế là ngay tuần sau Đình Nhi đã được theo học lớp cô giáo Liệu. Việc chuyển trường lần này có ý nghĩa quan trọng về mặt tâm lý của Đình Nhi, kết quả kiểm tra lần đầu ở lớp mới, Đình Nhi được xếp thứ 17 trong cả lớp. Kết quả đó đã minh chứng cho lời nói của ba mẹ trước đây là đúng: học giỏi số 1 ở “lớp vô kỷ luật” cũng chỉ là “ếch ngồi đáy giếng”. Hiểu được điều đó, Đình Nhi sẽ biết được tự cao tự mãn là một thói xấu đáng chê. Sau này, đã nhiều lần, Đình Nhi giành được những thành tích mà những người bình thường sẽ thấy rất kiêu hãnh, nhưng cháu không hề bị tính tự kiêu ấy làm cho mờ mắt. Bởi cháu đã quá quen thuộc với quan niệm: “Coi tất cả những thành tích mình giành được mới chỉ là con số 0”. Chỉ có vậy, mới tự thúc đẩy phải cố gắng vươn lên trong những cuộc cạnh tranh ở mức độ cao hơn. Trường tiểu học Sở Thương nghiệp là trung tâm đào tạo học sinh xuất sắc để tham dự các cuộc thi toán Olympic. Đây là kho báu tri thức mà trước khi chuyển trường, Đình Nhi chưa hề biết đến. Sau khi chuyển trường chúng tôi động viên cháu hãy mau chóng nộp đơn xin nhà trường cho vào học lớp đào tạo đặc biệt này. Các thầy cô giáo đều ngạc nhiên: “Hiếm có học sinh ham học như thế này”. Được cô giáo Liệu giới thiệu, thầy Ngô Xuân Dung chủ nhiệm lớp chuyên toán đặc cách tiếp nhận Đình Nhi, vì lớp này đã đào tạo học sinh giỏi ngay từ lớp 2. Học tập có cường độ có sức hấp dẫn lớn đối với Đình Nhi, việc hướng dẫn cho Đình Nhi về môn vật lý, ba cũng phải vận dụng đến những khả năng sở trường của mình. Chỉ ít lâu sau (cũng giống như Hoa La Canh năm xưa đã đoạt giải “cúp vàng” môn toán thời tiểu học), Đình Nhi lao vào cuộc tranh tài, và kết quả thật bất ngờ: cháu đã đoạt “giải nhất cuộc thi chuyên toán lớp 4”. Lúc bấy giờ tôi còn đang ở bệnh viện Hồ Bắc, chăm sóc mẹ tôi vừa bị mổ khối u trực tràng. Được tin cháu đoạt giải cao, mẹ tôi vui mừng nói: “Đây quả là một liều thuốc đặc hiệu đối với mẹ!” Có thể nói, chuyển trường và được vào lớp chuyên là một bước ngoặt quan trọng trong tiến trình phát triển của Đình Nhi. Mặc dù lúc bấy giờ vẫn chưa thể tiên đoán được mọi sự việc sau này, nhưng theo bản năng tôi đã dự cảm được sự phát triển trí lực của Đình Nhi sẽ có bước đột phá quan trọng. Giải nhất của cuộc thi chuyên toán đã kích thích mạnh mẽ hứng thú học toán của Đình Nhi. Từ đó về sau, ngoài thời gian tất yếu để học văn học ra, Đình Nhi đã dồn phần lớn thời gian cho môn toán với tất cả sự say mê hứng thú. Chúng tôi luôn coi trọng sự cố gắng về mặt này của Đình Nhi. Mặc dù ở trường Đại học, khoa học tự nhiên và khoa học xã hội là những chuyên khoa tách biệt, nhưng ba vẫn luôn nhấn mạnh rằng: những học sinh nào giỏi cả về khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, mới có tiền đồ rộng mở. Huống chi khi thi vào bậc sơ trung, bắt buộc Đình Nhi phải thật giỏi về môn toán, có vậy mới mở được cánh cửa để bước vào các trường trung học trọng điểm. Việc học tập tại các trường chuyên lớp chọn thực sự là một điển hình cạnh tranh ở trình độ cao, nhất là cuộc đào thải nghiệt ngã cuối lớp 5. Phạm vi cạnh tranh đã vượt ra khỏi cấp nhà trường, nó là cuộc đua tranh giữa các học sinh xuất sắc trong toàn khu vực. Đình Nhi tuy chỉ là một học sinh “giữa đường nhập cuộc” so với các bạn bè trong lớp chuyên, học chậm mất 2 năm 6 tháng, nhưng về môn toán, trong các cuộc thi toán toàn quốc tổ chức vào học kỳ II năm lớp 6, Đình Nhi đã đoạt giải nhì toàn thành phố Thành Đô và đoạt giải ba toàn tỉnh Tứ Xuyên. Một lần nữa lại chứng minh cho câu nói “khổ luyện, tất sẽ thành tài”. Công sức của Đình Nhi với môn toán trường chuyên, đã được đền đáp. Từ đó, cháu học tiến bộ rất nhanh, thắng hầu hết các đối thủ trong kỳ thi vào sơ trung, đi thẳng vào trường trung học trọng điểm, ngay trong khi học trung học điểm số các môn học đều được xếp loại ưu. Hiện nay, tại Đại học Harvard, tuy môn Anh văn vẫn chưa bằng các bạn người Mỹ, nhưng kết quả học tập các môn khoa học xã hội và khoa học tự nhiên vẫn vững vàng đứng ở loại giỏi. HỌC TẬP ÔNG BA KIM - CHỮA VĂN TỈ MỈ VÀ THẬN TRỌNG Cũng giống như toán học, văn học cũng cần có một sự tích tụ lâu dài, nhưng cũng có những kỹ năng có thể đạt được thông qua việc luyện tập chuyên biệt. Để nâng cao hiệu quả, ba yêu cầu Đình Nhi phải triệt để sử dụng biện pháp làm văn miệng. Như vậy, với thời gian làm một bài văn viết, cháu có thể làm được gần chục bài văn miệng. Những bài luyện tập: viết đề cương, tìm chủ đề, miêu tả chi tiết, miêu tả toàn cảnh… Đình Nhi chủ yếu dùng phương thức làm văn miệng, trong suốt cả 3 năm bậc sơ trung. Trước khi Đình Nhi chuyển trường, tôi đã cho cháu ghi tên tham dự các cuộc “thi tập làm văn cấp tiểu học, cúp Ba Kim”. Tôi dẫn cháu đi thăm “Viện bảo tàng Ba Kim” để cháu tham quan và tìm đề tài để viết. Tuy sau này do chuyển trường cháu đã không ghi tên đăng ký lại nữa, đã mất tư cách dự thi, nhưng những gì tôi chuẩn bị cho cháu trước đây, vẫn có tác dụng bất ngờ: những nét bút chữa văn tỉ mỉ và thận trọng trên những trang bản thảo của Ba Kim đã khiến Đình Nhi xua tan được ý nghĩ: rất ghét rà soát và chữa lại những bài văn đã làm. Một trong những bài văn chuẩn bị gửi đi dự thi của Đình Nhi là bài “Bức thư gửi ông Ba Kim” viết về quá trình chuyển biến tư tưởng của mình. Ông Ba Kim vô cùng kính yêu! Thưa ông! Cháu tên là Lưu Diệc Đình, học lớp 4B trường tiểu học… thành phố Thành Đô. Qua bức thư ông gửi cho các bạn nhỏ ở quê, cháu được biết ông đang ốm nặng, không biết ông đã đỡ chưa? Là một đồng hương bé bỏng, một độc giả nhỏ tuổi của ông, cháu mong ông khoẻ mạnh để sớm trở về nhìn quê hương ngày một đổi mới! Hôm nay, viết gửi ông lá thư này, cháu muốn nói với ông một điều “bí mật”. Cháu có một khuyết điểm là rất ghét chữa các bài tập làm văn. Thế mà mẹ cháu lại cứ bắt cháu phải soát lại nhiều lần và sửa chữa, thật chán chết đi được! Có một lần nháp văn, cháu dứt khoát không chịu viết cách dòng, để mẹ cháu hết c đẹp đẽ kia sao?” Cô giáo Lý đã phê bên cạnh bài nhật ký này một câu: “Tự con sẽ có được một sự lựa chọn đúng đắn!” Đình Nhi đã không phụ lòng tin của cô giáo, cháu đã chủ động làm lành với Phan Điền Điền. Cuối cùng bằng sự chân thành cởi mở, Đình Nhi lại được Phàn Điền Điền tin yêu thân thiết. Quá trình thay đổi cách đối xử trong quan hệ bạn bè vừa rồi, đã làm cho Đình Nhi kiên nhẫn hơn, càng độ lượng hơn. Điều đáng quý là, sự “tự nghiêm khắc với mình ấy” không phải vì có sự thúc ép của cha mẹ, mà chính từ nội tâm cháu đã biết “cần độ lượng với người”. KỲ NGHỈ ĐÔNG, BAY XUỐNG PHƯƠNG NAM ĐẾN VÙNG ĐẶC KHU, THAM QUAN DU NGOẠN Vào kỳ nghỉ đông năm thứ nhất của Đình Nhi, một người bạn của chúng tôi ở Quảng Châu tên là Lý Quốc Kiều, tha thiết mời gia đình tôi về nhà anh ăn tết. Hai vợ chồng chúng tôi bàn bạc có nên đi hay không. Ba nói: hiện thời phạm vi cuộc sống của ĐìnhNhi khá bó hẹp, nhân chuyến đi này có thể mở mang được sự hiểu biết cho con, có thể tích luỹ cho con một chút ít về vốn sống. Thế là Đình Nhi, một cháu gái 1 tuổi, với nhiệm vụ “tham quan và tích luỹ vốn sống” đã được đi du lịch 10 ngày ở cả ba đặc khu kinh tế nổi tiếng phương Nam: Quảng Châu, Thẩm Quyến và Chu Hải. Trong chuyến đi này, những trang nhật ký của cháu đã dày thêm với biết bao kỷ niệm đầy ý nghĩa. Chú Lý là một thương gia rất thành công trong sự nghiệp, người thay chú tiếp đón chúng tôi tại Thẩm Quyến là chú Trần, cũng là một con người giàu có và thành đạt. Chuyến bay về phương Nam này quả là một chuyến “chơi sang”. Trước một nếp sống xa hoa mà nhiều người hằng mơ ước ấy, Đình Nhi đã tỏ ra rất thích thú, nhưng cũng đầy lý trí. Trong những trang nhật ký của một cháu gái chưa đầy 13 tuổi lúc bấy giờ, có một cái nhìn bình tĩnh khácch quan, có phê phán. So với thời đã xuống nông thôn năm cháu lên 10 tuổi, có thể thấy Đình Nhi từ “một cô bé hay hỏi” đã trở thành “một cô bé có nhiều tư duy”. Qua cách suy nghĩ và nhận xét của Đình Nhi, cũng có thể thấy được trong tâm hồn của cháu hoà tan khá nhuần nhuyễn những quan niệm giá trị mà ba mẹ và nhà trường đã bồi dưỡng bấy lâu nay. Lần đầu đi máy bay 10 giờ 30 phút sáng hôm đó, tôi cùng ba mẹ đến sân bay. Sau khi vội vã làm thủ tục, chúng tôi đi vào hành lang kiểm tra an toàn. Đến đây mẹ con tôi phải chia tay ba (vì ba có việc bận, không đi Quảng Châu được). Tôi đặt va-li vào băng dây chuyền của máy kiểm tra an toàn hành lý, lại vội vã chạy sang cửa kiểm tra an toàn hành khách để nhận hành lý. Bỗng nghe thấy những tiếng còi “tút, tút, tút” vang lên trong máy, nhân viên kiểm tra giữ tôi lại. Họ dùng máy dò kim loại dò đi dò lại khắp người tôi. Tôi lo quá, rõ ràng mình không hề có một thứ hung khí nào ở trong người, mà tại sao lại không đi qua được cửa kiểm tra an toàn. Máy dò kim loại bỗng dừng lại ở chỗ túi quần tôi, tiếng “tút, tút, tút” vẫn đều đều không ngớt. Ôi, thì ra cái dây chìa khoá. Phát hiện ra, tôi như trút bỏ được gánh nặng trên vai, vội vã chạy đi nhận hành lý. Sau đó tôi kéo mẹ chạy vào phòng chờ. Chạy đến cửa rồi mới chợt nhớ ra là quên chưa chào tạm biệt ba. Tôi vội vàng quay đầu lại, nhìn kỹ mà chẳng thấy bóng dáng ba đâu. Có lẽ chờ lâu quá, ba đã thất vọng bỏ đi rồi. “Sorry, father!”. Tôi bất giác thở dài hối hận, rồi bước nhanh vào phòng đợi. Do sương mù dày đặc, lần đầu tiên đi máy bay tôi đã được chứng kiến cảnh ùn tắc của 19 chuyến bay. Từ lúc 6 giờ sáng, sương mù máy bay không cất cánh được. Qua lớp sương mù vẫn nhìn thấy rất nhiều máy bay đang đậu trên đường băng. Trong phòng chờ chật ních những người. Đến tận 11 giờ 30 phút, loa phóng thanh mới bắt đầu thông báo cho hành khách lần lượt lên từng chuyến bay. Rất may, khi đến lượt chúng tôi, chuyến bay vẫn đúng giờ. Chiếc máy bay mà chúng tôi bay là chiếc Boeing 75T. Tôi ngồi ở số ghế 21 hàng F, ở phiá trước cánh phải máy bay, lại sát ngay cửa sổ. Tôi thắt dây an toàn, hiếu kỳ nhìn ngược nhìn xuôi. Một lát sau, máy bay bắt đầu nổ máy, rồi lướt nhẹ trên đường băng. Bỗng nhiên, một sức mạnh vô hình nào đó ép mạnh tôi vào thành ghế sau lưng, thì ra máy bay đã rời khỏi đường băng bay vào không trung. Máy bay lắc lư xuyên qua những tầng mây bao phủ trên bầu trời lòng chảo. Lúc ấy tôi có cảm giác mình như một “Tề thiên đại thánh” đang đằng vân giá vũ bay vào chín tầng mây. Vượt qua lớp mây mù, máy bay đã lên đến độ cao 10 ki-lô-mét, đường bay bỗng êm hẳn. Phía dưới sâu thăm thẳm, cảnh vật thì biến hoá lạ kỳ, có lúc giống như biển, mênh mang phẳng lặng, có lúc giống như núi, trùng điệp nhấp nhô, cũng có lúc giống như trên Bắc cực, trắng toát một màu…Những cảnh đẹp hoành tráng kỳ ảo, thật không có bút nào tả xiết. Tôi say sưa ngắm nhìn những quang cảnh kỳ thú đó qua cửa sổ máy bay, cho đến khi ánh nắng mặt trời rọi chiếu làm chói mắt, tôi vội kéo tấm màn che cửa sổ máy bay, đang định nghỉ ngơi chốc lát… “Hãy xem kìa, Phật quang!” Người ngồi phía trước tôi bỗng kêu lên vẻ mừng rỡ. Tôi vội kéo tấm màn che nắng, nhìn ra bên ngoài chỉ thấy ngay phần sau máy bay có một vầng hào quang bảy màu, hình như đang bám chặt lấy máy bay cùng bay trong không trung. Tôi vội quay sang bảo mẹ xem, mẹ nhìn một lát, vui vẻ nói: “Thôi con cứ xem đi!” Tôi ngồi ghì sát mắt vào cửa kính máy bay, nhìn vầng hào quang đó đang nhạt dần, cho đến lúc hoàn toàn mất hút. Tôi sung sướng thở một hơi nhẹ, xoay người ôm ghì lấy vai mẹ, nhìn vào mắt mẹ, cười nũng nịu, lòng tràn ngập tình yêu thương và sự cảm kích… Dạo chơi trong vườn động vật hoang dã Hôm nay đến Thẩm Quyến, một người bạn của chú Lý mời mẹ con tôi cùng gia đình chú đi chơi vườn thú. Tôi nói nhỏ với mẹ: “Ở Thành Đô chả có vườn thú rồi hay sao? Con không muốn đi đâu, xem cái khác hay hơn”. Mẹ nói: “Biết làm sao hả con! Mẹ cũng không muốn đi, nhưng phải chiều lòng cô chú ấy chứ”. Đến vườn thú, thấy trước cổng có ghi một dòng chữ lớn màu đỏ tươi: “Vườn động vật hoang dã”. Tôi nghĩ bụng: hoang dã cái cóc gì, nhốt chặt trong lồng sắt, cũng gọi là hoang dã? Hừ! Tôi chen vào, đám đông đang mua vé vào cửa, thấy trên tấm bảng ghi rõ ràng mấy chữ: “Mỗi vé giá: 70 nhân dân tệ”. Tôi giật mình: “Gì mà đắt thế, 70 đồng một vé!” Vội vàng đi hỏi mẹ. Mẹ nói: “Mức sống của nhân dân đặc khu cao hơn nhiều so với nội địa!” Theo dòng người, chúng tôi đi vào vườn thú, theo hướng dẫn, chúng tôi đi xe hơi. Mẹ nói: “Ồ, mẹ hiểu ra rồi, đây là vườn thú động vật hoang dã, nhốt người chứ không nhốt thú đây mà!” Nghe mẹ nói, tôi lập tức liên tưởng đến vườn động vật hoang dã Kennedy nổi tiếng mà tôi đã đọc trong sách báo. Ai ngờ nước mình cũng có vườn động vật hoang. Kiểu ấy ta đây chỉ được xem qua màn ảnh nhỏ. Tôi bắt đầu thấy hứng thú. Ô tô bắt đầu nổ máy, nhìn qua cửa sổ ô tô, tôi nhìn thấy những chú công xinh đẹp kéo chiếc đuôi dài sặc sỡ đang ung dung đi dạo trên những thảm cỏ xanh. Trên sườn núi những cô nai rừng óng ả đang rượt đuổi nhau đùa nghịch. Có những con chim rất to màu lông đỏ như lửa đang đứng một chân lim dim ngủ. Trời bỗng đổ mưa, mưa rắc hạt trên mặt hồ trong vắt, tạo thành những vòng tròn sóng nước, những chú thiên nga trắng thanh cao thong thả bơi trên mặt hồ. Tôi bất chợt nghĩ đến câu thơ của nhà thơ đời Đường, Lạc Tân Vương: “Lông trắng trên nước biếc, chân đỏ khua sóng xanh…” Vừa ngắm nghía, tôi vừa nghĩ đến những động vật trong vườn thú Thành Đô, nghĩ đến những đôi mắt luôn ngơ ngác như vô hồn của chúng. Tôi tuy chưa được nhìn thật rõ đôi mắt của những loài động vật ở đây, nhưng có thể tưởng tượng được, đôi mắt chúng sáng trong đầy sinh khí. Chúng tôi đi vào khu thú dữ. Những con sư tử cao đang cố ý phô những “bộ áo giáp” vàng óng ánh, sải những bước chân hùng dũng trông thật là oai vệ. Ô tô đi vào khu nuôi hổ, vừa đến nơi đã gặp ngay một con hổ chắn đường, nó trừng mắt nhìn, rồi bỗng lao thẳng về phía xe chúng tôi, cả xe hoảng hồn. Biết không làm gì được, con hổ đó lẳng lặng lùi sang vệ đường, trừng mắt nhìn một lần nữa rồi bỏ đi. Ra khỏi vườn thú dữ, mẹ bất giác thốt lên: “Người Thẩm Quyến quả là… đã không làm thì thôi, đã làm phải làm cho ra trò. Tư duy mới, đầu óc mới, đúng vậy!” Về đến khu vườn có thể đi bộ được, trời bỗng đổ mưa to. Vì không đem theo áo mưa nên không đi xem tiếp được, đành phải tạm biệt khu vườn thú hoang dã này với một sự tiếc nuối khôn nguôi. Đến Tiểu Mai Sa dạo chơi trên bãi biển Mồng ba Tết, chú Trần và chú Lý lái xe dẫn chúng tôi đến Tiểu Mai Sa ngắm biển. Tuy vẫn còn trong những ngày nghỉ Tết, nhưng suốt dọc đường đã có khá nhiều đội xây dựng đã bắt đầu đào núi. Những người lao động này có khác gì “Ngu công dời núi” ngày xưa. Chỉ có điều công cụ làm việc của những “Nhu công” hiện đại này, không còn là cuốc xẻng, thúng mủng nữa mà những chiếc máy khoan hiện đại. Họ kế thừa tinh thần và ý chí “Ngu công” cần cù khoét núi lấy về những xe đầy đá sỏi để xây nên những ngôi nhà cao tầng lộng lẫy. Hãy nhìn xem, quả núi lớn thế kia mà đã bị vẹt đi một nửa. Đi thêm một đoạn nữa, trước mắt hiện ra cả một công trường xây dựng. Chú Trần nói: “Đây là công trường xây dựng cầu cảng Diêm Điền. Chỉ ít lâu sau nơi đây sẽ trở thành hải cảng lớn nhất nước ta”. Những chiếc cần cẩu màu quýt chín, những chiếc máy đóng cọc bê tông màu xanh lục, những chiếc máy lăn đường màu vàng chanh… tất cả đều đang ầm ầm nổ máy. Những cô chú công nhân xây dựng mồ hôi nhễ nhại, tất bật cần cù. Xe vừa đến bãi biển Tiểu Mai Sa, gió biển lồng lộng. Tôi vươn vai hít một hơi dài căng lồng ngực, khoan khoái thưởng thức làn gió trong lành và hương vị mặn mà của biển. Những hơi thở đều đều của thần gió đã làm cho cả mặt biển mênh mông, bóng loáng và trong xanh kia cuộn lên muôn ngàn lớp sóng, làm cho biển cả dưới lớp sương mù bàng bạc càng thêm lên những tảng đá nhấp nhô ven bờ. “Người Thẩm Quyến quả là rất biết ăn chơi!” Bất giác tôi thốt lên. “Đi, chúng ta đi chơi trò đạp sóng!” Chú Trần nói với chúng tôi. Tôi tháo giày, chân trần lội xuống vùng nước nông ven biển. Lúc thì sục chân xuống lớp cát mịn màng, mát rượi, lúc thì lò cò chạy nhảy lung tung, có lúc nhón chân chạy theo những làn sóng biển xô bờ. Chú Trần xắn quần lội ra xa chăm chú chụp ảnh. Một làn sóng lớn bỗng ập đến, váy tôi ướt sũng và hai ống quần chú Trần cũng vậy, cả hai chú cháu nhìn nhau cười ha hả. Một cô đi cùng đoàn chúng tôi, cứ chạy đi chạy lại trên bãi biển, để lại từng vết chân in trên cát, chỉ loáng sau, sóng biển lại xoá nhoà tất cả, cô lại tiếp tục làm lại, vừa chạy vừa cười cùng với tiếng sóng ì oạp vỗ bờ. Chú Trần đứng bên tôi, nói: “Đến mùa hè, người đến đây tắm biển mới đông, những nhà nghỉ và các thôn xóm quanh đây thường chật ních người. Người Thẩm Quyến có câu: Làm hết sức, chơi hết mình”. Tôi nghĩ, chính vì người ta biết “làm hết sức” cho nên họ mới có đủ điều kiện để “chơi hết mình”. Có loại sách giáo khoa nào giáo dục lòng yêu nước đối với trẻ con có hiệu quả hơn thực tiễn xây dựng và sáng tạo vô cùng phong phú và sinh động của nhân dân Trung Quốc. Chính nhờ sự quan sát tập trung, sâu sắc và tỉ mỉ như vậy, khiến cho khái niệm về Tổ quốc vốn rất trừu tượng đã ngày càng cụ thể và sinh động hơn trong trái tim Đình Nhi, làm chi tình yêu Tổ quốc của Đình Nhi ngày càng tha thiết. Sau những ngày nghỉ Tết vui vẻ ấy, cô Lý đã đọc cho cả lớp nghe những trang nhật ký mà Đình Nhi đã ghi chép được trong chuyến đi xa vừa rồi. Bên cạnh những dòng nhật ký đó, cô Lý phê: “Rất có ý nghĩa, chuyến đi vừa rồi thật không vô ích!”