ầu tháng Giêng bất chợt một đợt giá buốt tràn tới. Suốt tuần bầu trời Moskva xanh nhợt không mây, giống như một màn khói băng lan toả. Đường phố sạch sẽ, khô ráo, tưởng chừng như nếu lấy tay che mắt và chỉ nhìn lên đỉnh các mái nhà và bầu trời thì trong thành phố không phải là mùa đông mà là mùa hè: bầu trời màu xanh không một gợn mây, mái ngói đỏ tươi đang reo vui, cháy rực dưới ánh mặt trời. Nhưng nếu nhìn xuống thì lập tức thấy mùa đông trùm ngay lấy, một mùa đông rét ngọt kỳ lạ, giá buốt thấu tận xương, đến nổi không thể tin rằng trên trái đất này lại có những ngày ấm nóng, cây cỏ đua tươi và mọi người bơi lội trên sông. Khách qua đường đi như chạy trên vỉa hè, khăn cổ kéo lên tận mũi, người nào cũng chỉ mong muốn một điều là chạy thật nhanh về nhà hoặc nhảy vội xuống xe điện ngầm. Ô-tô điện và tàu điện với những cửa sổ trắng toát xù lên vì sương tuyết phủ đi mò mẫm như những người mù. Những ô cửa rộng của các ga xe điện ngầm thở hắt ra một làn khí ấm như một đám mây hơi. Buổi chiều, khi đám mây này bị dãy bóng đèn ở hai bên hành lang chiếu vào, thì cái sân ga ngầm dưới đất hình như vừa cháy sáng lên, vừa thở ra những luồng khói đặc. Hai mươi tám độ dưới không. Nhưng vẫn như cũ, mặc dù có băng giá, cuộc sống ở thành phố to rộng này vẫn sôi sục và không lặng đi lấy một phút. Những làn sóng người vẫn đi lại không ngớt trên hè phố. Các đồng chí công an mặt đỏ gay, vừa có vẻ trịnh trọng và dũng cảm đứng giữa dòng xe cuồn cuộn ồn ào, vừa nghiêm khắc thổi còi và nhã nhặn bắt phạt. Vào một trong những ngày có mặt trời và giá buốt như thế, Vadim đã phải đến trường thi môn đầu tiên. Đây là một môn khó - môn văn học Nga do giáo sư Kodensky hỏi thi. Bác lao công Lipatyt, một ông cụ to cao, mặt khắc khổ, mặc chiếc áo bông, đội chiếc mũ bằng da cừu non cong queo đang ngồi đọc báo ở đằng sau tấm cửa chắc phòng treo quần áo khoác. Sau khi nhìn Vadim đang dùng những ngón tay tê cóng bất lực cởi những cúc áo trên chiếc áo bành tô mùa thu có chiếc cổ áo đính lông thú của mình, Lipatyt chế nhạo nói: - Đây mà là áo à? Mà lại mặc vào ngày hôm nay? - Đừng nói nữa, bác Lipatyt! Điều cốt yếu là dù sao thì cháu cũng có áo lông mà mặc… - Cuối cùng, Vadim cũng cởi được cúc và treo chiếc bành tô lên mắc. - Nhà khí tượng nhầm rồi. Chính hôm nay họ bảo thời tiết ấm hơn cơ mà! Bác Lipatyt cầm lấy chiếc áo bành tô giũ mạnh với một cử chỉ khinh bỉ, rồi nói bằng một giọng càu nhàu: - Nhầm à! Tôi nói cho anh biết là trước đây mọi việc đều đơn giản. Vì thế người ta không nhẩm. Bây giờ, tôi cho anh một tỉ dụ như là đợt giá lạnh vào dịp lễ Giáng Sinh chẳng hạn, sau đó là đợt vào dịp người ta làm phép rửa tội, còn gọi là lễ rẩy nước thánh, rồi đến đợt vào dịp lễ dâng hương thánh Afanaxi, đợt vào dịp lễ trùng nghị, rồi còn bao nhiêu đợt vào dịp lễ khác nữa ấy chứ. Còn bây giờ, đài phát thanh không gọi là giá lạnh mà gọi là một bộ phận không khí lạnh tràn vào… Bộ phận gì cơ chứ, chẳng qua là vì giá lạnh quá mà không nói được thành lời… Vì thế mà cứ rối beng cả lên. - Thôi, bỏ cái lối công kích khoa học ấy đi, bác Lipatyt ạ! - Vadim vừa nói vừa mỉm cười. - Bọn cháu có ai đã thi rồi nhỉ? Bác có biết không, bác Lipatyt? Đã có ai về rồi đấy hả bác? - Làm sao mà biết được? Họ có báo cáo với tôi đâu… Một anh có chiếc răng vàng hình như thi rồi thi phải. Hắn chạy ra cứ như ngựa vía. Sau đó là một anh cụt chân… Vadim đoán: “Có chiếc răng vàng là Lesik, cụt chân là Levtsuc”. Một không khí đầy căng thẳng, lo âu, thường thấy trong lúc thi cử khó khăn, đang bao phủ khắp cái hành lang mênh mông. Mọi thủ tục đang diễn ra tại giảng đường của lớp năm thứ Năm. Một số sinh viên tựa lưng vào thành tường, một số khác vừa đi đi lại lại ngoài hành lang (họ không tài nào ngồi yên một chỗ được) vừa vội vàng giơ sổ tay, bài soạn tóm tắt, hoặc những cuốn sách dày cộp. Một đám sinh viên tụ tập bên cạnh cửa ra vào vừa thì thầm tranh luận, vừa đọc một cuốn sách gì đó. Vadim chợt hỏi: - Ai thoát rồi? Levtsuc, Remescov và Velikanova đã thi xong. - Các cậu ấy được mấy điểm? Levtsuc và Velikanova được điểm “năm”, còn Remescov được “bốn”. - Các cậu ấy bắt phải câu gì? Câu hỏi cho Levtsuc là Gersen và cuốn “Nỗi khổ vì có trí tuệ”, Lesik - thơ ca trữ tình của Puskyn và Kontsov, Velikanova - Belinsky nói về Puskyn và tác phẩm “Ai có lỗi?”. - Ngoài giáo sư Kodensky, còn ai hỏi thi nữa không? Còn giáo sư Xidov Kretsetov, đại diện của Bộ và quận ủy. - Có hỏi câu hỏi phụ không? - Có. Trước kỳ thi bao giờ Vadim cũng trải qua một cảm xúc kích động đến mức say mê của người chiến sĩ. Anh không thể như những người khác đến phút chót còn cố đọc một cái gì đó, viết một ý gì đó vào bản tóm tắt, ghi nhớ một cách lo lắng, hỏi han người này người kia. Anh chỉ có mỗi một ước muốn là nhanh chóng cắt đứt sự chờ đợi căng thẳng này, nhanh chóng được ngồi một mình với tờ phiếu hỏi thi, với giáo sư, với trí nhớ của mình. Liuxia Voronkova, lúc thì dán mắt, lúc thì ghé tai vào khe cửa, thì thầm thông báo: - Lena Medovskaya đang trả lời… Bỗng nhiên nó im lặng… không, lại nói rồi… - Nó bắt phải câu gì thể, cậu có nghe thấy không? - Liuxia, cậu ra chỗ khác đi. Đừng làm ồn, - Spartar nói một cách bực bội. Anh ta rảo bước khắp hành lang, hai tay chắp sau lưng, cau mày nhìn xuống sân. Đến một chỗ khuất anh ta dừng lại, lấy khăn mặt lau tay. Spartar, chưa bao giờ bị điểm dưới “năm” trong các kỳ thi. Andrei Syryk ngồi ở một góc hành lang trên một cái ghế dài, vừa cắn cắn một cái gì đó vừa đọc báo. Anh ta đi thi rất thanh thản - không mang theo bản tóm tắt, không mang sách giáo khoa - và luôn luôn ở trạng thái hoàn toàn bình tĩnh, hình như không phải là đi thi, mà là đến dự một buổi lên lớp bình thường. Sergei vẫn chưa đến: cậu ta thích là một trong những người cuối cùng bước vào phòng thi. Sau Lena là đến lượt Galia Mamonova, rồi Nina, rồi Andrei, Spartar, tiếp theo là hai nữ sinh viên nữa, sau đó mới đến lượt Vadim. Thứ tự độc đáo này được thực hiện rất nghiêm ngặt. Galia Mamonova đau khổ đứng tựa bên cạnh cửa ra vào, bẻ các ngón tay kêu răng rắc như mất trí và rên rỉ khe khẽ: - Các cậu ơi, không hiểu sao hôm nay thầy Kodensky lại hắc thế! Mình chẳng thuộc tí gì cả… - Nức nở thế là đủ rồi, - Nina càu nhàu, - Trông cậu mà tớ nẫu cả ruột. - Phải, nẫu cả ruột! Nếu cậu mà biết hết, tất nhiên, cậu sẽ… - Mình biết rằng bao giờ cậu cũng lo sợ, cũng than thở… - Cậu không thấy xấu hổ à! - Galia thì thầm phản đối. - Mình đã nói là mình không thuộc một tí gì cơ mà! Không thuộc một tí nào! Các cậu ơi, nói cho mình nghe “Vực thẳm” mau lên! Mình đọc nó từ lúc còn bé cơ, bây giờ thì quên hết rồi. Ôi, nhanh lên! Một cậu nào đó vội vàng lắp bắp kể lại chuyện “Vực thẳm”. Đột nhiên Lesik miệng ngậm điếu thuốc lá mỉm cười xuất hiện ở hành lang. - A ha, những con người bị hành hạ kia ơi! Chúng ta chịu khổ nạn dưới cánh cửa này phải không? - Và anh ta lớn tiếng ngâm bằng một giọng trầm đục: - Kia là lối cổng chính đấy! Vào những ngày lễ trọng thể, bị ám ảnh bới một thứ bệnh quái quỷ, toàn lớp ta sợ hãi… - Aliosa, câm đi! Nếu cậu thi rồi thì đi ra đi, đừng quấy rầy bọn mình! - Đừng lo lắng qua, Nina ạ, tất cả rồi sẽ đâu vào đó thôi. Thực ra, biết đi đâu bây giờ? - anh ta đứng dừng lại, ngập ngừng nói bằng một giọng lười nhác và vang vang cố ý: - Vào thư viện để đọc báo “Cá sấu” ư?. Mà cũng có thể chuồn đi xem chiếu bóng? Đây là vấn đề… Đúng lúc ấy, cửa xịch mớ và Lena bước ra, mặt đỏ lên vì xúc động, đôi mắt long lanh. Bọn con gái lập tức bu quanh cô. - Thế nào, Lena? Được mấy điểm? Cậu bắt được câu gì thế? - Mình được” ba“… - Lena nghẹn ngào thì thào. Đôi môi cô lắp bắp. Cô cắn môi lại, cúi đầu xuống, rồi vội vàng đi dọc hành lang. - “Ba“ à? - Galia bối rối nói, - Nhưng mà nó bắt phải câu gì? - Phải hỏi xem! Liuxia, đuổi theo nó đi! Liuxia Voronkova chạy vội đến phòng treo áo khoác, nhưng một lúc sau đã trở lại nói rằng Lena đã lấy áo và đi về rồi. Mà có đuổi theo ra phố cũng chẳng làm gì, vì nó đang rất buồn. Từ trong phòng hỏi thi. Kamkova, phụ giáo của thầy Kodensky, bước ra. Chị hỏi bằng một giọng khinh khỉnh: - Có chuyện gì thế? Tại sao không ai vào thi? - Ôi, em sợ quá! Em không dám vào. - Galia giơ hai tay nói. - Nếu Lena mà được “ba”, thì em đến chết mất. Không, em không vào đâu! - Nhưng hội đồng thi đang đợi! có thể bị chậm mất, các anh chị không phải là trẻ con. Vadim lúc đó đang đứng sát bên cửa. Tranh thủ phút bối rối của mọi người, anh nói: - Tôi vào - và anh bước lên phía trước. - Vào đi, - Kamkova đứng tránh sang một bên, nhường chỗ cho anh bước vào phòng thi. Vadim bước vào và cúi chào. Ở giữa phòng, đằng sau một chiếc bàn dài là giáo sư Kodensky đang ngồi. Ông mặc bộ lễ phục màu đen, mặt hồng hào, râu cạo nhẵn, bộ tóc trắng bóng, mềm mại. Đầu ông trông như được tráng bằng một lượt thiếc. Ông trịnh trọng gật đầu chào Vadim và ra hiệu cho anh bắt một trong những phiếu hỏi thi bị gió quạt thổi nằm rải rác trên mặt bàn phủ khăn da màu xanh. Mắc Vinkin đã ngồi trước mặt ban giám khảo và đang chuẩn bị trả lời. Vadim lấy một tờ phiếu thi. - Câu thứ 18, - bất chợt anh đọc to lên và đi đến chỗ một chiếc bàn còn trống. “Ở nước Nga ai sống hạnh phúc”. Tôi hạnh phúc, - Vadim mỉm cười suy nghĩ. Câu hỏi này anh biết rất tường tận. “Vai trò của Gogol trong sự phát triển của chủ nghĩa hiện thực Nga”. Cả câu hỏi này cũng không làm cho anh bối rối. Những giây phút căng thẳng ghê gớm cuối cùng biến mất trong nháy mắt. Bây giờ chỉ còn việc tìm hiểu và giải quyết cho tốt mà thôi… Ngồi bên cạnh giáo sư Kodensky là Ivan Antonovich. Ông vuốt bộ râu hung hung đỏ và hơi cúi đầu xuống nhìn Vadim qua phía trên gọng kính. Vadim thậm chí thấy hình như ông đang đưa cặp mắt màu xanh lơ ranh mãnh ra hiệu cho anh. Rất may là có Kretsetov ồ đây. Ngồi bên trái Kodensky là Xidov đang bận trao đổi điều gì đó với một người đàn ông tóc bạc mắt đeo cặp kính trắng gọng vàng, có lẽ là vị đại diện của Bộ. Vadim biết đồng chí đại diện của quận ủy: đồng chí này thường có mặt trong các kỳ thi. Đồng chí này nói chuyện rì rầm với Kamkova và mỉm cười qua bộ ria mép. Giáo sư Kodensky ra sức nhồi thuốc lá vào tẩu. Còn Mắcthí vẫn cứ lật đi lật lại tờ giấy nháp và đặng hắng liên hồi. Tất cả đều bận bịu với công việc riêng của mình. Vadim vội vàng ghi nhanh trên giấy một số ngày tháng và tên người trong bản trường ca của Nekratsov, những vấn đề còn lại, anh nhầm qua trong đầu. Bây giờ đến Gogol. “Vai trò trong sự phát triển…“ ở đây phải nói tới bản thân khuynh hướng hiện thực, về các chủ đề, các quan điểm, phương pháp nghệ thuật. Quan điểm của Belinsky về vấn đề đó. Và về Gogol. Gogol, Nikolai Vaxilievich… Bỗng nhiên Vadim cảm thấy anh không nhớ một tí gì về Gogol. Thậm chí đến ngày sinh của ông ta anh cũng quên mất. Hình như là năm 1810 thì phải, không, có lẽ 1818… Thôi, cái này để sau, để sau! vấn đề chủ yếu trước đã, “Những linh hồn chết”, “Viên thanh tra“… Còn gì nữa?. “Cái mũi“… Phải, còn “Cái mũi“ nữa, Người ta đã ăn cắp cái mũi của một ông quan như thế nào? Sau đó là “Đám cưới” có phải “Đám cưới” là của Gogol không? Anh thấy hình như trí nhớ của mình tan ra từng mảnh nhỏ giống như một đám mây khổng lồ bị gió xé rách ra từng đám… Chẳng còn lại tí gì cả. Một sự trống rỗng bất chợt. Một sự ngu xuẩn nào đó ập tới - Gogol học ở Neghin. Neghin nổi tiếng về trồng dưa chuột. Dưa chuột Neghin thì có gì là đặc biệt? Gogol mất trí! Ông ta có một cái mũi rất to, Trông ông giống như một người phụ nữ: Tại sao lại có món Gogolmogon nhỉ?. Thôi dừng lại? Vadim cởi cúc áo vét, anh cảm thấy bất chợt bị nghẹt thờ, anh rút trong túi ra một chiếc khăn tay và lau hai bên thái dương lấm tấm mồ hôi. Tất cà công việc đó kéo dài mất nhiều nhất là hai phút. Sau đó bất chọt xuất hiện trong óc ngày tháng đầu tiên: năm 1809. Phải, đó là năm Gogol ra đời, Vadim bắt đầu ghi… “Những buổi hoàng hôn ở trang trại” được ông viết xong vào năm 30, và được in vào năm 31-33. Vadim thở dài nhẹ nhõm. Cái giờ phút lãng quên đã trôi qua. Anh không vội vàng viết ra tất cả những sự kiện phong phú và sôi động đang trở về trong ký ức của anh. Chưa bao giờ ở anh có những chuyện như vậy cả. Thực ra anh đã bị xúc động trước cuộc gặp gỡ với giáo sư Kodensky. Mười phút sau anh ngồi trước mặt ban giám khảo. Đối với câu hỏi thứ nhất Vadim trả lời rất nhanh và dễ đàng. Anh thích Nekratsov, anh đã thuộc lòng nhiều bài thơ của ông Giáo sư Xidov chăm chú nghe anh, còn Kretsetov luôn luôn gật đầu khích lệ. Chỉ có mỗi một mình giáo sư Kodensky là hình như không theo dõi câu trả lời, mà đang bận bịu với cái tẩu thuốc của mình. Lúc thì ông lau tẩu, lúc thì ông nhét thuốc, thận trọng dùng một ngón tay to bè, cong cong, ấn thuốc lá vào và sau khi rít một hơi dài, ông ngửa đầu ra phía sau nhả một làn khói thơm lên trần. Vừa trả lời, Vadim vừa nhìn vào cái cổ khô khẳng chẳng chịt gân xanh, phía trên đa hơi hơi đỏ và phía dưới, ở chỗ hõm giữa hai đầu xương quai xanh lại trắng như da ngỗng. Bất chợt giáo sư Kodensky ngắt lời Vadim: - Câu thứ nhất anh trả lời được. Sang câu thứ hai đi! Vadim chưa nói được một phần mười những điều anh biết về Nekratsov. Bỏ dở câu một, anh im lặng lật tờ giấy ghi nháp của mình. - Câu hai của anh là gì? - Kodensky hỏi. - Ý nghĩa của Gogol trong sự phát triển của chủ nghĩa hiện thực thế giới. - Thế nào, hãy nói lại đi? - Ý nghĩa… tức là… của chủ nghĩa hiện thực Nga. - Nói đi. Giáo sư Kodensky nghe câu này một cách chăm chú hơn cả, thậm chí ông nhô hẳn người về phía trước, đôi mắt tinh tường theo dõi Vadim. Bỗng nhiên ông cầm dốc ngược chiếc tàu và ngồi thẳng hẳn lưng lên: - Dừng lại đã. Anh nói rằng công lao của Gogol là ở chỗ ông đã đưa vào nền văn học của thế giới hình ảnh “con người nhỏ bé”. Tôi hiểu ý anh như thế có đúng không? - Đúng ạ. - Chính ở điểm đó chứ? Anh nhấn mạnh điểm đó chứ gì? - Không chỉ có thế, mà còn ở mức độ lớn hơn. - Anh quá khen đấy, anh Belov thân mến ạ, nhưng Nikolai Vaxilievich không cần đền những lời khen tặng của anh mà vẫn hoàn toàn vĩ đại. Vadim bị lúng túng một giây, nhưng sau đó đã trả lời một cách bình tĩnh: - Em cho rằng đó là công lao của nền văn học Nga. Và người đóng vai trò chủ yếu là Gogol. - Anh cho là như thế hả? Thế thì anh hãy chứng minh đi! Nói đi! - Giáo sư Kodensky khoát tay tạo thành một cử chỉ khoáng đạt hình như trải rộng ra trước mắt Vadim một cánh đồng tự do, bao la. Sau khi ngừng một giây, ông nói với vẻ phấn khích và hơi cao giọng: - Văn học Nga vô cùng vĩ đại và không cần phải có người chống đỡ cho nó. Nhưng trước khi có viên thơ lại đáng thương Akaki Akakievich, thì đã có người giáo viên đáng thương Xenpre. Anxenmer đáng thương của Hoffmann và những nhân vật của Stern rồi. - Thưa giáo sư, chúng ta đang nói về chủ nghĩa hiện thực cơ mà! - Thế còn Dicken? - Dicken xuất hiện sau. - Sau ai? - Sau Puskyn. Boris Matveyevich, - bỗng nhiên Kretsetov nói. - Sau cả Semion Vyrin, sau cả viên đại úy Mironov và chàng chuẩn úy Grinov. - Thế à… vấn đề không phải về Puskyn, - giáo sư Kodensky lầu bầu một cách bực bội. - Thôi được! - ông ngẩng đầu lên. - Revenons à nos moutons! “Những đoạn chọn lọc trích trong thư từ trao đổi với bạn bè“ được viết vào năm nào? Vadim trả lời. Sau đó Kodensky dồn dập đưa ra những câu tủ của ông: ở đâu? khi nào? trong cuốn tạp chí nào? tên đầy đủ của tờ tạp chí? tên người biên tập? ai phụ trách mục phê bình trên tạp chí vào năm đó? Ngay chính Vadim cũng ngạc nhiên không hiểu sao mình lại trả lời được. Mà lại trả lời nhanh và nói chung là đúng nữa. Do đâu mà anh biết được tất cả những điều đó. Không, điều đơn giản là Kodensky đã không gặp may: ông hỏi đúng vào những điểm mà Vadim ngẫu nhiên biết được. Có lẽ bằng câu hỏi tiếp sau giáo sư Kodensky sẽ bẻ gãy anh… Rõ là giáo sư Kodensky đã nghĩ như vậy và vẫn kiên trì tiếp tục quật vào Vadim những câu hỏi về “tài liệu thực tế” với một sự sôi nổi và phấn khích ngày một tăng. Bỗng Ivan Antonovich lắc lư người, thở dài ầm ĩ gật gật đầu: - Hỏi thế chưa đủ sao. Boris Matveyevich? Ngoài kia còn hai mươi sinh viên nữa… - Thế nào? - giáo sư Kodensky hỏi lại, hình như bừng tỉnh. - Không, có lẽ… Phải, phải… Chỉ còn một câu hỏi cuối cùng thôi: Gogol coi tác phẩm “Đám cưới” của mình thuộc thể loại gì? Vadim nói - hài kịch, nhưng hình như không phải hài kịch mà là “một sự biến hai hồi hoàn toàn bịa”. - Đấy, thấy chưa! - giáo sư Kodensky kêu lên, ngả người vào thành ghế. - Anh nắm tài liệu thực tế không hoàn toàn chính xác đâu. Tôi cho anh điểm 5, vì anh là một sinh viên có suy nghĩ, nhưng anh phải chú ý một điều là không bao giờ được bắt tay giải quyết những vấn đề phức tạp, nếu không nắm được những kiến thức tối thiểu. Bao giờ cũng cần phải bắt đầu từ A. B, c, rồi cứ thế lần lượt tiếp theo. Thôi, anh cầm lấy, - giáo sư đưa sổ điểm cho anh. Vadim im lặng nhận lấy quyến sổ, cúi chào, rồi bước ra. Chưa ra khỏi cửa anh đã chạm trán với Galia Mamonova, mặt tái xanh, mắt mở to đang bước vào. Một bạn nào đó nói với theo sau cô: “Chúc may mắn”. Galia ngập ngừng đi vào, miệng lẩm bẩm như mất hồn: “Quỷ tha…” Vừa bước ra khỏi phòng thi, lập tức Vadim bị một đám sinh viên đang đứng tụ tập ở cửa bu lại. - Thế nào, Vadim? Mấy điểm? - Năm, năm… - anh vừa đi vừa nói với giọng mệt nhọc. Anh muốn nhanh chóng mặc áo và đi ra ngoài phố. Thậm chí anh cũng không nhận ra Sergei đang ngồi trên một cái ghế dài ở cuối hành lang và đang tán gẫu với cô nữ thư ký xinh đẹp của khoa là Liuxenka. “Mình đúng và mình cảm thấy có đầy đủ sức mạnh để chứng minh chân lý của mình. Tại sao mình lại không viết như vậy ở trên giấy?” - Vadim vừa suy nghĩ vừa bước rất nhanh trên mặt đất đóng băng, gồ ghề của đại lộ. Anh vừa đi vừa nhìn xuống chân và giẫm như máy lên những vũng nước bị một lớp băng phủ lên kêu xào xạo- ”Trên thế giới này có cái gì cao hơn được chủ nghĩa hiện thực ở Nga không? Ai lớn hơn Tolstoy! Nước Nga có biết bao nhiêu tên tuổi vĩ đại! Puskyn. Gogol, Lermontov, Turgenev. Gonsarov, Tolstoy, Sedrin, Tsekhov… chủ nghĩa hiện thực Nga đã nuôi dưỡng Gorky, nhà văn mà trước đây cũng như hiện nay không một nước nào có người sánh nổi… Còn giáo sư Kodensky, một người giáo điều văn học, nói chung đã hiểu gì về Gogol? Ông ta chỉ biết thích thú nhắm tít đôi mắt và trích dẫn những câu văn còn đọng lại trong ký ức từ cái thời còn là học sinh trung học của mình: “vì người Nga nào lại chẳng thích phóng nhanh?“ Thực ra ông ta chả thích thú gì Gogol, mà chỉ thích tiếng nói riêng của mình thôi. Cha mình chẳng đã học thuộc lòng rất nhiều đó sao, nhưng mình nhớ là, bao giờ ông cũng cầm cuốn sách trước mặt - hoàn toàn ông không cần làm cho mọi người phải ngạc nhiên về trí nhớ của mình, chỉ đơn giản một điều là ông thích thú với những cái gì ông đã đọc… Còn cái con người khô héo kia đã muốn quật mình hôm nay như thế đấy! cảm ơn thầy Ivan Antonovich, thầy đã giúp… Điều chủ yếu là ngay bây giờ đây toàn bộ mớ kiến thức của mình, toàn bộ đề cương nghiên cứu phải quẳng xuống bàn, cả Xenpre, lẫn Anxenme. Được, chúng ta sẽ còn tranh luận cho đến cùng! Sau khi thi xong, vào lúc nghỉ đông, mình phải bắt tay luôn vào việc làm đề cương. Trong đó mình sẽ nói hết. Thầy Ivan Antonovich sẽ giúp. Trong Hội khoa học - không phải như trong thi cử, ở đó chúng ta sẽ nói chuyện với nhau đầy đủ, thẳng thắn. Ta sẽ thắng cả “tài liệu thực tế”, ông ấy không thể giết ta bằng những cái “abc” được!”. Vadim rảo bước nhanh hơn, hầu như không biết là mình đi đâu. Anh chỉ cảm thấy càng đi xa và càng suy nghĩ nhiều bao nhiêu, thì cái tình cảm vui sướng và điều khích lệ của sự sáng khoái, của sức mạnh và nguyện vọng muốn làm việc lại càng xâm chiếm anh mãnh liệt bấy nhiêu. Bỗng nhiên anh có ý muốn quay lại trường, muốn gặp lại bạn bè, muốn được trông thấy họ, được nghe giọng nói của họ, được biết họ thi cử ra sao… Lagodenko thi đạt loại “giỏi”. Anh ta gặp Vadim ở ngoài phố trước cửa trường và kể lại rất lâu về chuyện giáo sư Kodensky đã săn anh như mèo săn chuột (bốn mươi phút! Raya bấm đồng hồ đấy), chuyện anh đã trả lời khôn khéo những câu hỏi mưu mẹo nhất như thế nào, và chuyện sau khi thi xong vị đại diện quận ủy đã bắt tay anh, còn thầy Miron Mikhailovich thì nói đùa: “Này Lagodenko, anh đã cử được bao nhiêu tạ văn học cho kỳ thi này?”. Andrei cũng thi đạt loại “giỏi”, và bây giờ, anh vừa ngồi trên bệ cửa sổ vừa kiên nhẫn giải thích một điều gì đó cho mấy cô gái đang chuẩn bị vào thi. Từ trong giảng đường Liuxia Voronkova chạy vội ra, vui vẻ vung vẩy cuốn sổ điểm. - Bốn điểm, bốn điểm rồi! T-ra-la-la… Ôi, mình sung sướng quá! - cô vừa nói, vừa nhảy múa. - Mình chẳng mong gì hơn nữa! Mấy phút sau, nhìn thấy Vadim, cô bỗng nhiên bí mật vẫy tay ra hiệu gọi anh, rồi chạy lại góc xa nhất của hành lang. Vadim theo sau cô. - Vadim này, cần phải ném bài vào phòng thi ngay, Sergei bí lắm rồi, đáng lẽ sau mình là đến lượt cậu ấy vào trả lời, thì cậu ấy lại nhường cho Marina, còn cậu ấy thì cứ ngồi như phỗng đá. Mặt cứ thộn ra, rõ là cậu ta bí quá rồi. Đến khi mình đi ra thì cậu ta lập tức nói thầm với mình. “Cậu hãy tìm Vadim ngay, hãy bảo cậu ấy viết cho mình về Ryleev”. - Về Ryleev ấy à? Không có lẽ… - Đúng mà, chính cậu ta bảo như vậy! Chính tai mình nghe thấy mà! Cậu hãy viết ngay một bản mình sẽ chuyền cho Vera… - Bản gì? Về Ryleev à? - Vadim ngạc nhiên hỏi, - Có lẽ cậu lầm rồi, Sergei không thể bí được. Nó thuộc Ryleev như cháo ấy… - Mình đã nói, đừng cãi! - Liuxia nổi cáu nắm lấy cúc áo của Vadim, vừa nói vừa dằn từng tiếng. - Người ta sắp chết, mà cậu cứ đứng mà lý luận! - Đến lượt Sergei Palavin! - Ai đó đứng ở cạnh cửa ra vào gọi to. - Thế là hết! - Liuxia nói. - Bây giờ thì muộn rồi. Sau khoảng hai mươi phút, Sergei bước ra. Cậu ta trông buồn thiu. Bộ tóc màu sáng bao giờ cũng chải chuốt cẩn thận bây giờ trông rối bù và xoã xượi. - Bốn điểm, - cậu ta nói qua kẽ răng, không dừng lại, cứ thế đi thẳng ra cửa. Vadim đuổi kịp ở đầu cầu thang: - Cậu vớ được câu gì? - Cậu làm bộ không biết hả? - Palavin dừng lại, hẳn học nhìn thẳng vào mắt Vadim. - Voronkova đã nói với cậu cả rồi cơ mà. - Cô ấy nói nhảm nhí gì đó về Ryleev. Mình không tin. - Sao lại không tin? Chính là Ryleev đấy. Không, cậu là một đứa nhát gan! Hay cậu không muốn giúp mình. Mình đã biết trước rằng cậu là một kẻ không bao giờ giúp đỡ bạn trong lúc khó khăn! - Đó mà là giờ phút khó khăn ư? - Vadim hỏi sau khi đã im lặng. - Trước hết chính cậu ngày hôm qua còn nói với mình là cậu không lo gì về Ryleev cả… - Mình nói thế còn ít đấy! - Sergei cắt ngang. - Mình có thể nói khoác, ba hoa một tí - tính mình thế nào cậu đã biết rồi, có phải thế không? Nhưng nếu mình đã đề nghị thì có nghĩa là mình cần thực sự. Mình biết là chưa bao giờ mình sử dụng hình thức quay cóp. Chưa bao giờ! Chỉ có mỗi một lần duy nhất khi mình cần… khi phải giải quyết… Nhưng nói nữa cũng chả làm gì! Đối với mình mọi việc đã rõ cả rồi. Cậu ta vung tay và đi nhanh xuống thang gác, Nhưng mói xuống được mấy bậc, cậu ta lại dừng lại. - Mình biết đó là do ai rồi! - cậu ta nói và lắc đầu, - Đó là kẻ đạo đức giả đeo kính trắng. - Ai đạo đức giả? - Cậu biết ai rồi đó! Hẳn là một con người ti tiện, một kẻ bất tài hay đố kỵ. Một kẻ không ra gì, thể nghĩa là cậu cùng cánh với nó hả? - Sergei cau có xoa tay. - Không ra cái gì cả, cậu phải biết thế! Mình sẽ thi lại. - Cậu nói ai?. Thi lại làm gì? - Vadim ngạc nhiên hỏi không hiểu gì cả. - Sao lại có cái giọng chán đời thế? Điểm 4 còn gì nữa? - Ơ, thế cậu không biết thế là thế nào hả? Cậu không biết là học bổng đặc biệt sẽ không cấp cho sinh viên nào có điểm 4 hả? Vì thế mình sẽ thi lại đấy! Hôm nay mình sẽ thoả thuận với thầy Xidov và sau kỳ thi mình sẽ thi lại đấy. - À, thế à! - Vadim bỗng cau mặt lại. - thì ra vì vậy mà cậu làm ầm lên đấy? Còn mình, lấy danh dự mà nói, mình không biết… Sergei quay ngoắt lại không trả lời, bước vội xuống thang gác. Cậu ta quên không chải tóc, và với bộ mặt cau có giận dữ và bộ tóc bù xù, cậu ta giống như một đứa bé đang hờn giận, trông thật buồn cười.