Chương 9

Dịch giả: NGUYỄN VĂN QUANG
Chương 15
GẶP GỠ

    
áng hôm sau, Môn là một trong những người sẵn sàng đầu tiên. Như người ta khuyên, anh mặc một bộ quần áo đen giản dị, theo một áo cũ, một áo dài thắt ngang lưng, ống tay phồng ở vai, một gi-lê chéo go, một quần loe, loe đến mức trùm kín đôi giày xinh xắn, và một cái mũ thành cao.
Khi anh xuống, sân còn vắng. Đi vài bước, anh bỗng cảm thấy bồi hồi như đang ngày xuân. Quả thật, đây là buổi sáng ấm áp nhất của ngày đông năm ấy. Trời nắng như vào đầu tháng tư. Gió tan và cỏ ướt long lanh như giát ngọc. Chim nhỏ hót líu ríu đó đây trên cành, và thỉnh thoảng gió ấm hiu hiu mơn man trên mặt chàng trai đang đi dạo.
Anh làm như các khách mời thức dậy trước chủ. Anh đi ra sân, từng phút từng giây mong, có ai đó kêu lên đằng sau, một cách thân ái và vui vẻ:
- Đây rồi, a, Ôguyxtanh?
Nhưng anh cứ dạo bước mãi, chỉ có một mình, qua sân vườn. Đằng kia, trong ngôi nhà chính, chưa co gì động tĩnh, ở cửa sổ cũng như ở ngọn tháp. Tuy thế, người ta đã mở hai cánh cửa cái ra vào bằng gỗ tròn xoay ở phía trên. Trong một cửa sổ trên cao, đã nhấp nháy những chùm tia nắng đầu tiên như trong mùa hè.
Lần đầu tiên, Môn ngước nhìn thấy giữa ban ngày phần bên trong của lâu đài. Vết tích của một bức tường phân cách khu vườn xơ xác với những khoảng sân vừa đổ cát và san phẳng chưa bao lâu. Cuối khu nhà phụ mà anh từng trú ngụ, là chuồng gia súc xây lộn xộn một cách tức cười. Vì vậy, ở đó có vô số ngóc ngách mọc đầy nho hoang và các loại cây dại nhỏ. Gần khắp xung quanh lâu đài là những rừng thông nhấp nhô như sóng che khuất nó trước cả một vùng bằng phẳng lân cận trừ phía đông, nơi có thể thoáng thấy những quả đồi xanh lam phủ đá hộc và cả cây thông.
Trong vườn, Môn đứng cúi một lát bên trên hàng rào gỗ lung lay quây lấy cái ao nuôi cá. Gần bờ vẫn còn một chút băng chưa tan, mỏng manh và gợn lăn tăn như bọt. Anh thấy mình trong nước, như nghiêng xuống bầu trời, trong bộ trang phục sinh viên lãng mạn. Và anh tưởng như nhìn thấy một thằng Môn khác, không phải cữu học sinh lỉnh mất trong một chiếc xe ngựa nông dân có mui, mà là một nhân vật tuấn tú và lãng mạn, trung tâm của một cuốn sách hay quý giá…
Anh đi vội về ngôi chính vì đã đói bụng. Ở gian lớn mà anh đã ăn tối qua, một chị nông dân đã thay bộ đồ ăn. Môn vừa ngồi xuống trước một trong những chiếc chén xếp thẳng hàng trên khăn bàn, chị liền rót cà phê cho anh và bảo:
- Thưa ông, ông là người thứ nhất.
Anh không muốn trả lời, vì sợ đột nhiên bị phát giác là người lạ. Anh chỉ hỏi mấy giờ thì chuyến tàu đi chơi sáng sớm như đã thông báo sẽ khởi hành.
- Không trước nửa giờ nữa, thưa ông. Chưa ai xuống ạ.
Anh tiếp tục lang thang xung quanh tòa lâu đài với những cánh không đều nhau như một nhà thờ để tìm nơi tàu cập bến. Khi vòng quanh cánh phía nam, anh chợt nhìn thấy lau mọc lít lấp, tạo thành như một bức tường sừng sững đến nơi vô tận. Từ phía ấy, nước các ao đầm dâng đến đây làm ướt các chân tường gạch. Trước nhiều cửa ra vào, có những ban công nhỏ bằng gỗ vươn ra bên trên sóng nước vỗ oàm oạp.
Chẳng có việc gì làm, chàng trai dạo tiếp hồi lâu trên bờ nước đầy cát như đường kẻ cho tàu thuyền cập vào. Anh tò mò quan sát những cửa ra vào cao rộng với những ô kính phủ bụi mở vào những căn phòng tiêu điều hay hoang phế, những bãi chất xe cút kít, dụng cụ hoen gỉ, lọ hoa vỡ. Đang mải mê như vậy, chợt anh nghe từ đầu kia các khu nhà vọng lại tiếng chân lạo xạo trên cát.
Ấy là hai phụ nữ, một còng lưng rất già, một trẻ măng tóc hoe, cao thon, với bộ trang phục duyên dáng, thoạt nhìn tỏ ra khác thường đối với Môn cao ngồng sau tất cả những trò giả trang đêm qua.
Hai người dừng lại một lát ngắm phong cảnh, trong lúc Môn tự nhủ với sự kinh ngạc về sau anh mới thấy là lố bịch:
“Đây chắc chắn là một cô gái mà thiên hạ cho là lập dị - có lẽ một nữ nghệ sĩ được triệu đến cho cuộc lễ”.
Hai phụ nữ đi qua sát Môn và anh đứng im nhìn cô gái. Về sau thường thường, khi thiếp đi sau bao cố gắng tuyệt vọng mong nhớ lại khuôn mặt xinh đẹp đã bị xóa mờ, anh mơ thấy từng đoàn cô gái giống như cô gái hôm nay. Cô thì giống ở cái mũ, cô giống ở dáng đi hơi cúi, cô khác giống ở cái nhìn trong sáng tuyệt vời, cô nữa giống ở thân hình thon thả, cô nữa cũng có đôi mắt xanh. Nhưng mãi mãi chẳng có cô nào là cô gái cao thon.
Môn kịp nhận thấy dưới bộ tóc dày vàng hoe một bộ mặt hơi ngắn, nhưng các đường nét được vẽ ra với sự tinh tế gần nhu đau khổ. Vì loáng cái cô đã lên phía trước, anh ngắm phục sức của cô và nhận thấy đó là cách phục sức khéo léo giản dị nhất…
Bối rối, anh tự hỏi có nên đi theo không, thì cô gái buộc lòng phải quay về phía anh và nói với bà lão:
- Chắc tàu đến ngay giờ chứ ạ?...
Và Môn đi theo liền. Bà lão, run rẩy, cứ như gẫy gập theo mỗi bước chân, cười nói thao thao bất tuyệt. Cô gái chỉ đáp lại nhỏ nhẹ, khi hai người đi xuống bến tàu, thậm chí cô còn có cái nhìn ngây thơ và trịnh trọng như muốn nói:
- Ông là ai? Ông làm gì nơi này? Tôi không quen ông. Thế nhưng, hình như tôi có biết.
Khách mời bây giờ đã tản mác dưới các gốc cây, chờ đợi. Ba chiếc du thuyền cặp mạn, sẵn sáng đón các du khách. Từng người một đi qua trước hai người phụ nữ tỏ ra là bà chủ lâu đài và cô con gái. Các chàng trai chào hai người vô cùng kính cẩn. các cô gái thì ngiêng mình. Ôi, buổi sáng tuyệt kỳ! Niềm vui thú kỳ diệu! Dù có mặt trời hiện rõ trên kia, trời đông vẫn lạnh. Các bà các cô quấn quanh cổ những chiếc khăn bằng lông chim như những con trăn vốn là mốt lúc bấy giờ.
Bà lão dừng lại trên bờ, bà không hiểu sao, Môn xuống, cùng một du thuyền với tiểu thư con bà. Anh tì cùi tay lên cây cầu, một tay giữ chiếc mũ chực bay đi theo gió lộng. Anh có thể thoải mái ngắm cô thiếu nữ ngồi trong mui. Cô cũng nhìn anh. Cô đáp lời các du khách, mỉm cười, rồi vừa hơi cắn môi vừa dịu dàng đặt đôi mắt xanh lên anh.
Hai bờ sông yên ả lạ thường. Con thuyền êm trôi trong tiếng máy và tiếng sóng đều đều nhỏ nhẹ. Tưởng như sắp cặp thuyền vào một khu vươn nông thôn nào đó. Thiếu nữ sẽ bước lên, giương chiếc ô trắng che mình và đi dạo. Cho đến chiều, sẽ nghe chim cu gáy hoài bốn bên như than thở… Nhưng đột nhiên, một cơn gió lạnh ào ạt thổi về, nhắc du khách của ngày hội kỳ lạ này rằng bây giờ đang là tháng 12.
Thuyền ghé vao trước một rừng thông. Trên bến, du ngoạn phải chen chúc nhau, chờ cho người lái thuyền mở khóa ba-ri-e… Sau đó, Môn đã vô cùng xúc động nhớ lại phút giây, trong đó, bên bờ ao, anh đã có ngay bên mình khuôn mặt từ đó biến đi của thiếu nữ. Anh đã được ngắm nhìn khuôn mặt trông nghiêng vô cùng trong trắng của cô, bằng cả hai mắt của mình, cho đến luc nước mắt sắp trào ra. Anh cũng nhớ nhìn thấy, như một bí mật ngọt ngào, rằng cô đã gởi lại một chút phấn trên má anh.
Trên bờ, mọi việc diễn ra như trong một giấc mơ. Trong khi trẻ con chạy vù đi với những tiếng kêu la hoan hỉ, du khách kết thành nhóm và tản ra trong rừng. Môn dấn vào một lối đi có cây ở hai bên, ở đó tiểu thư đang đi phía trước, cách anh mươi bước. Anh đến sát bên cô, chưa kịp nghĩ ngợi gì:
- bạn rất đẹp! – anh thốt ra giản dị.
Cô rảo bước, và không trả lời, đi sang hướng khác. Các du khách đi dạo trên các đường lớn, ai muốn đi đâu, làm gì là tùy. Chàng trai hết sức ân hận về cái mà anh gọi là sự ngu dốt, thô bỉ và dại dột của mình. Anh lang thang vô định, tin rằng không bao giờ còn gặp được người con gái kiều diễm. Vừa hay, anh thấy cô đang ngược về phía anh, dù muốn dù không cũng phải đi sát anh trên con đường hẹp.  Cô đưa hai bàn tay trần vuốt thẳng nếp gấp trên cái măng-tô dài. Cô có đôi giày đen hở chân rất rộng. Da ở mắt cá mịn màng đến nỗi như gợn lên theo từng bước đi và Môn sợ nó sắp rách đến nơi.
Lần này, chàng trai chào cô và nói rất khẽ:
- Bạn tha lỗi cho tôi chứ ạ?
- Tôi tha thứ cho anh – cô nói nghiêm khắc – Nhưng tôi phải đến với các em nhỏ vì chúng là chủ hội hôm nay. Vĩnh biệt!
Ôguyxtanh xin cô nán lại lát nữa. Anh nói ngượng nghịu, nhưng giọng đầy xúc động và bối rối, khiến cô chậm bước lại và lắng nghe.
- Thậm chí tôi chưa biết anh là ai – cuối cùng cô nói.
Tiếng nào cô thốt ra cũng đều đều như nhau, nhưng tiêng sau nghe vẫn dịu dàng hơn tiêng trước… Sau đó, cô lấy lại vẻ mặt bất động, làn môi hơi cắn, và đôi mắt xanh nhìn thẳng phía chân trời…
- Tôi cũng chưa biết tên bạn – Môn đáp.
Bây giờ hai người theo một con đường trụi cây và trông xa xa các du khách đang chen chúc quanh một ngôi nhà đơn độc giữa cánh đồng.
- Đấy là “nhà Phrăng” – cô gái nói – Tôi phải đi đây…
Cô do dự mỉm cười nhìn anh một lát, rồi thưa:
- tên tôi ấy à?... Tôi là cô Yvon de Gale…
Rồi cô rảo bước.
  Cho đến bây giờ “nhà Phrăng” không có người ở. Nhưng khi Môn đến, nó đầy người cho đến gian làm kho tầng trên. Vả chăng, anh không còn rảnh rổi để xem xét nơi mình vừa đến: khách đang hối hả dùng bữa ăn lạnh đem theo trên thuyền, rất không hợp mùa, nhưng chắc chắn là do lũ trẻ đã quyết định. Ăn xong, mọi người đi ra. Vừa thấy tiểu thư Gale trên ngưỡng cửa, Môn sáp lại ngay, và đáp lại điều mà cô cho mình biết lúc nãy.
- Cái tên mà tôi sắp nói với bạn đẹp hơn – anh nói.
- sao? Tên gì? – cô vẫn giữ giọng nghiêm trang.
Nhưng anh chợt kinh hãi vì vừa nói một câu ngu xuẩn nên im bặt.
- Tên tôi là Ôguyxtanh Môn – anh nói tiếp – tôi là sinh viên.
- Ồ, nah đang học? – cô hỏi.
Hai người trò chuyện lát nữa. Họ nói với nhau một cách thong thả, sung sướng, thân mật. Sau đó, thái độ của cô gái thay đổi. Bớt nghiêm khắc và kiêu sa, giờ đây cô cũng tỏ vẻ lo lắng hơn. Dường như cô hốt hoảng trước điều Môn sắp nói và chưa chi đã khiếp sợ. Đứng bên anh, cô run run không sao kìm được, khác nào một con én vừa bị đặt xuống đất đã run rẩy muốn cất cánh bay lên.
 -Để làm gì? Để làm gì cơ? – cô nhỏ nhẹ đáp lại những sự định mà Môn đề nghị.
Nhưng cuối cùng, khi anh dám xin phép một ngày kia trở lại lãnh địa đẹp đẽ này.
- Tôi sẽ chờ anh – cô đáp giản dị.
Họ đã đến chỗ nhìn thấy bến tàu. Cô chợt dừng chân và tư lự nói.
- Chúng ta là hai đứa trẻ. Chúng ta vừa làm một trò điên. Lần này không nên đi cùng thuyền. Vĩnh biệt, đừng theo tôi!
Môn chưng hửng, nhìn cô xa dần. Rồi anh bước tiếp. Và lúc ấy, từ phía xa, vào lúc sắp biến mất trong đám đông du khách, cô ngoái đầu lại, và lần đầu tiên, nhìn anh rất lâu. Phải chăng đây là ấu hiệu vĩnh biệt cuối cùng? Hay để cấm anh đuổi theo? Hay có thể cô muốn nói gì ới anh nữa?...
Khách vừa về đến lâu đài, người ta đã cho tiến hành ngay cuộc đua pônây trên một đồng cỏ, rộng và dốc, sau trang trại. Đây là phần cuối cùng của cuộc lễ. Theo dự kiến, cô dâu chú rể phải về kịp để tham gia và chính Phrăng sẽ điều khiển toàn bộ.
Đành bắt đầu không có anh. Các chàng trai vận trang phục thúc ngựa, các cô gái – trang phục cưỡi, kẻ dắt ra những chú pônây nhanh nhẹn quấn ruy-băng, người đưa tới những bác ngựa già ngoan ngoãn. Giữa tiếng la cười của trẻ thơ, tiếng cá cược và tiếng chuông gióng giả đổ hồi, người ta tưởng như dưới chân mình đang là một bãi đua thu nhỏ như trong truyện cổ, với lớp cỏ xanh rờn xén phẳng.
Môn nhận ra Đanien với mấy cô bé đội mũ lông chim mà anh đã nghe tiếng nói chuyện hôm qua trên lối đi trong rừng… Sau đấy, anh không nhìn thấy gì nữa, vì đau đáu tìm kiếm khắp nơi trong đám đông người xem chiếc mũ cắm hoa hồng duyên dáng và chiếc áo măng-tô màu hạt dẻ. Nhưng tiểu thư Gale không xuất hiện. Anh còn đang tìm cô, thì một hồi chuôn g dài và bao tiếng hò la mừng rỡ laon báo cuộc thi đã chấm dứt. Một cô gái nhỏ cưỡi một con ngựa trắng già đã thắng cuộc. Cô dương dương diễu qua trên lưng ngựa và chùm lông mũ phất phơ trong gió.
Rồi cả bãi lặn đi. Trò chơi đã hết mà Phrăng chưa về. Người ta phân vân một lát, rồi lúng túng bàn bạc với nhau. Cuối cùng, từng tốp một, khách quay lại các nhà, nín lặng và bồn chồn chờ cô dâu chú rể.