rong suốt mấy tuần trời cứ lúc mưa lúc tạnh lúc tạnh lúc mưa nên Bruno và Shmuel không gặp nhau được thường xuyên như hai đứa muốn. Khi hai đứa gặp được nhau Bruno thấy mình bắt đầu lo cho bạn vì dường như Shmuel ngày một gầy thêm và gương mặt nó ngày càng xám ngoét đi. Thỉnh thoảng cậu mang thêm bánh mì pho mát theo để đưa cho Shmuel, thỉnh thoảng cậu thậm chí còn cố xoay xở giấu một miếng bánh sô cô la và túi quần, nhưng quãng đường cuốc bộ từ nhà đến điểm khá xa nên thỉnh thoảng Bruno vẫn thấy đói giữa chừng và nhận ra rằng cắn một miếng bánh sẽ dẫn đến cắn một miếng khác, và miếng cắn sau đến lượt nó lại dẫn tới một miếng cắn nữa, để rồi khi đến nơi chỉ còn lại độ một miếng be bé mà cậu biết sẽ thật không phải khi đưa cho Shmuel bởi như thế chỉ tổ trêu ngươi cơn đói của bạn chứ chẳng thể làm nó thỏa mãn. Chẳng bao lâu nữa sẽ tới sinh nhật cha, và mặc dù cha nói không muốn làm rùm beng, mẹ vẫn tổ chức một bữa tiệc cho tất cả các sĩ quan tại Ao Tuýt và việc sửa soạn bữa tiệc ấy đã tạo ra cả một cuộc đại rùm beng. Mỗi lần mẹ ngồi xuống lại thêm kế hoạch bữa tiệc, trung úy Kotler lại có mặt bên cạnh để trợ giúp, và hai người dường như đã lập ra nhiều danh sách hơn cần thiết rất rất nhiều lần. Bruno quyết định lập một danh sách của riêng mình. Một danh sách về tất cả các lý do tại sao cậu không thích trung úy Kotler. Có một sự thật là anh ta không bao giờ mỉm cười và lúc nào cũng trông như đang cố gắng tìm một ai đó để trút giận. Trong những lần hiếm hoi nói chuyện với Bruno, anh ta cứ gọi cậu là “bé con”, điều này thật hết sức khó chịu bởi vì, như mẹ cậu chỉ ra, anh ta cũng đã trổ mã hết đâu. Đó là còn chưa kể anh ta lúc nào cũng ở trong phòng khách đùa qua đùa lại với mẹ cậu, và bà cười trước mấy câu đùa của anh ta còn nhiều hơn cười vì những câu đùa của cha cậu. Một lần khi đang quan sát khu trại từ cửa sổ phòng mình, Bruno thấy một con chó tiến về phía hàng rào sủa ầm lên, và khi trung úy Kotler nghe thấy tiếng sủa anh ta liền rầm rập bước tới chỗ con chó và bắn chết nó. Rồi còn mấy lời tầm phào mà Gretel thốt ra mỗi khi anh ta ở quanh nữa chứ. Và Bruno vẫn chưa quên bữa tối với ông Pavel, người phục vụ mà vốn thực ra là bác sĩ, cùng chuyện trung úy trẻ đã nổi giận đến thế nào. Chưa hết, mỗi khi cha cậu được triệu về Berlin trong một chuyến công tác qua đêm, viên trung úy cứ ở miết trong nhà như thể anh ta có nhiệm vụ giám sát: anh ta vẫn ở đó khi Bruno đi ngủ và trở lại lúc sáng sớm khi cậu còn chưa dậy. Còn rất nhiều lý do vì sao Bruno không thích trung úy Kotler nữa, nhưng đây là những chuyện đầu tiên xuất hiện trong đầu cậu. Vào một buổi chiều trước bữa tiệc sinh nhật, Bruno ở trong phòng riêng để cửa mở thì nghe thấy trung úy Kotler tới nhà và cất tiếng nói với ai đó, mặc dù cậu không nghe ai đáp lại. mấy phút sau, khi đi xuống cầu thang, cậu nghe mẹ mình đang đưa ra chỉ dẫn về những việc cần hoàn thành và trung úy Kotler nói, “Xin đừng lo, thằng bé này biết phải làm ai vừa lòng chứ,” rồi cười phá lên một cách khả ố. Bruno đi về phía phòng khách mang theo cuốn Đảo giấu vàng vừa được cha tặng, định bụng ra đó ngồi đọc độ một hai tiếng đồng hồ, nhưng khi đang đi qua hành lang thì đụng phải trung úy Kotler. Anh ta vừa rời khỏi bếp. “Chào bé con,” tay lính nói, giọng điệu như mọi khi. “Xin chào,” Bruno nói, chau mày. “Cậu định làm gì vậy?” Bruno nhìn anh ta chằm chằm và bắt đầu nghĩ ra thêm bảy lý do nữa để không ưa anh ta. “Tôi đang định vào kia đọc sách,” cậu trả lời, chỉ về phía phòng khách. Chẳng nói chẳng rằng Kotler giật cuốn sách ra khỏi hai tay Bruno và bắt đầu giở. “Đảo giấu vàng,” anh ta đọc. “Viết về cái gì vậy?” “À, có một hòn đảo,” Bruno nói chậm rãi để chắc chắn rằng tay lính có thể theo kịp. “Và trên đó có vàng.” “Tôi đã đoán được chuyện đó rồi,” Kotler nói, nhìn cậu như thể anh ta sẽ làm ối thứ với cậu nếu cậu là con anh ta chứ không phải là con của Ngài Chỉ huy. “Kể cho tôi điều gì đó tôi không biết ấy.” “Có một tên cướp biển trong truyện,” Bruno nói. “Tên là Long John Silver. Và một cậu bé tên là Jim Hawkins. “Một cậu bé người Anh à?” Kotler hỏi. “Phải,” Bruno đáp. “Hừ,” Kotler càu nhàu. Bruno chăm chăm nhìn anh ta, tự hỏi bao lâu nữa anh ta mới chịu đưa trả cuốn sách cho cậu. anh ta chẳng có vẻ gì đặc biệt hứng thú với cuốn sách, nhưng khi Bruno với tay lấy thì anh ta giật đi. “Xin lỗi,” anh ta nói và chìa ra lần nữa, rồi khi Bruno với tay ra lần thứ hai thì anh ta lại giật đi. “Ôi, tôi vô cùng xin lỗi,” anh ta lặp lại rồi lại tiếp tục chìa ra lần nữa, và lần này Bruno giật nó khỏi tay anh ta nhanh hơn anh ta kịp giật lại. “Cậu nhanh gớm nhỉ,” trung úy Kotler lầm bầm qua kẽ răng. Bruno cố gắng đi vượt qua anh ta, nhưng vì lý do nào đó hôm nay trung úy Kotler có vẻ muốn nói chuyện với cậu. “Ta đã sẵn sàng cho bữa tiệc rồi chứ?” anh ta hỏi. “À, tôi thì rồi,” Bruno nói, dạo này cậu hay giành nhiều thời gian với Gretel nên đã phát triển sở thích giễu cợt. “Còn anh thì tôi làm sao mà biết.” “Sẽ có rất nhiều người tới đây,” trung úy Kotler nói, hít thật mạnh và nhìn quanh như thể đây là nhà của anh ta chứ không phải nhà Bruno. “Chúng ta sẽ thết đãi thật chu đáo phải không nào?” “À, tôi sẽ thết đãi chu đáo,” Bruno nói. “Còn anh thì tôi làm sao mà biết.” “Một thằng bé con như cậu mà cũng biết nói nhiều câu đấy nhỉ,” trung úy Kotler nói. Bruno nheo mắt và ước gì cậu cao hơn, khỏe hơn và tăng thêm tám tuổi nữa. một quả bóng giận dữ nổ bùm trong cậu khiến cậu ao ước mình có đủ dũng cảm để nói ra hết những điều mình muốn nói. cậu nghĩ bị cha mẹ bảo phải làm việc gì đó là một chuyện – điều đó hoàn toàn hợp lý và thường tình – nhưng bị ai khác bảo phải làm gì thì lại là chuyện vô cùng khác. Cho dù kẻ đó có cái danh xưng hoành tráng như “Trung úy” đi chăng nữa. “Ôi, Kurt, tuyệt quá, cậu vẫn đang ở đây,” mẹ Bruno vừa nói vừa ra khỏi bếp tiến về phía họ. “Giờ thì tôi có chút thời gian rảnh, nếu... Ôi!” bà thốt lên khi để ý thấy Bruno đang đứng đó. “Bruno! Con đang làm gì ở đây vậy?” “Con đang định vào phòng khách đọc sách,” Bruno nói. “Hoặc ít nhất là con đang cố làm thế.” “Ừ, con chạy vào bếp một chốc đi,” bà nói. “Mẹ cần nói riêng với trung úy Kotler vài lời.” Và hai người họ cùng bước vào phòng khách, trung úy Kotler sập cửa ngay trước mặt Bruno. Sôi sục tức giận, Bruno đi vào bếp và chứng kiến điều ngạc nhiên lớn nhất trong đời. ở đó, ngồi bên bàn ăn tại một nơi xa khỏi phía bên kia hàng rào, là Shmuel. Bruno khó lòng tin vào mắt mình. “Shmuel!” cậu kêu lên. “Cậu đang làm gì ở đây vậy?” Shmuel nhìn lên và khuôn mặt đang khiếp sợ của nó bỗng nở ra một nụ cười thật tươi khi thấy người bạn đang đứng kia. “Bruno!” nó thốt lên. “Cậu đang làm gì ở đây vậy?” Bruno nhắc lại, bởi vì mặc dù cậu vẫn chưa thật sự hiểu chuyện gì xảy ra ở phía bên kia hàng rào, song có gì đó ở họ khiến cậu nghĩ họ không nên ở trong nhà cậu. “Anh ta đưa tớ đi,” Shmuel nói. “Anh ta nào?” Bruno hỏi. “Cậu không định bảo trung úy Kotler đấy chứ?” “Đúng thế đấy. Anh ta bảo có việc cho tớ làm ở đây.” Và khi Bruno nhìn xuống cậu thấy 64 chiếc ly thủy tinh nhỏ - loại mẹ cậu thường dùng khi uống rượu sherry thuốc – đang đặt trên bàn bếp, bên cạnh đó là một bát nước xà phòng ấm và rất nhiều khăn lau. “Cậu đang làm cái khỉ gì vậy?” Bruno hỏi. “Họ bảo tớ đánh bóng ly thủy tinh,” Shmuel nói. “Họ nói họ cần ai đó có ngón tay nhỏ xíu.” Như để chứng minh một điều gì đấy – điều mà thực sự Bruno đã biết rõ – nó chìa bàn tay ra và Bruno chẳng thể ngăn mình nghĩ nó thật giống với bàn tay của một bộ khung xương giả mà ông Liszt đã mang đến hôm hai thầy trò học về giải phẫu người. “Thế mà trước đây tớ chưa từng để ý cơ đấy,” cậu nói mà như tự nhủ với chính mình, giọng kinh ngạc không tin nổi. “Chưa từng để ý gì cơ?” Shmuel nói. Để đáp lại, Bruno chìa bàn tay của mình ra sao cho đầu ngón giữa của hai đứa sắp chạm vào nhau. “Bàn tay của bọn mình,” cậu nói. “Chúng khác nhau quá. Nhìn này!” Hai cậu bé cùng nhìn xuống và sự khác biệt thật dễ thấy. mặc dù Bruno đã nhỏ hơn so với tuổi và rõ ràng là không béo, bàn tay của cậu trông rất khỏe mạnh và tràn đầy nhựa sống. các mạch máu không hiện lên qua lớp da, các ngón tay không nhỏ hơn những nhánh cây khô. Ấy thế nhưng bàn tay của Shmuel lại nói lên những điều khác hẳn. “Làm thế nào mà nó thành ra thế này?” Bruno hỏi. “Tớ không biết,” Shmuel nói. “Hồi trước trông nó giống với tay cậu, nhưng tớ không để ý nó đã thay đổi. Giờ đây mọi người ở phía bên kia hàng rào của tớ đều trông giống thế này.” Bruno chau mày. Cậu nghĩ về những người mặc pyjama sọc và tự hỏi điều gì đang xảy ra ở Ao Tuýt và nếu điều đó khiến mọi người trông quá sức ốm yếu như thế thì chẳng phải chính nó là một ý tưởng cực kỳ tồi tệ hay sao. Không muốn nhìn bàn tay của Shmuel thêm nữa, Bruno quay đi, tới mở cửa tủ lạnh, sục tay vào bên trong tìm gì đó để ăn. Có nửa con gà nhồi còn lại từ bữa trưa thế là mắt Bruno lấp lánh vui sướng bởi vì có rất ít thứ trên đời này khiến cậu yêu thích hơn món gà để lạnh nhồi hành và ngải. Cậu lấy trong ngăn kéo ra một con dao rồi cắt cho mình mấy lát dày, phủ lên đó thức nhồi, xong xuôi cậu quay lại chỗ bạn mình. “Tớ rất vui vì cậu ở đây,” cậu nói, nhồm nhoàm một mồm đầy. “Nếu cậu không phải đánh bóng ly thủy tinh, tớ có thể chỉ cho cậu phòng tớ.” “Anh ta bảo tớ không được rời khỏi chiếc ghế này nếu không sẽ gặp rắc rối.” “Tớ không bận tâm tới anh ta,” Bruno nói, cố làm ra vẻ dũng cảm hơn thực tế. “Đây không phải nhà anh ta, đây là nhà tớ, và khi cha tớ đi vắng tớ là người điều hành. Cậu có thể tưởng tượng được anh ta thậm chí chưa từng đọc cuốn Đảo giấu vàng không?” Shmuel trông có vẻ như không thực sự đang nghe; thay vào đó ánh mắt nó đậu lại trên mấy miếng thịt gà phết thức nhồi mà Bruno đang vô tư nhét vào mồm. Sau một lát, Bruno nhận ra thứ Shmuel đang nhìn và lập tức cảm thấy có lỗi. “Tớ xin lỗi, Shmuel,” cậu vội nói. “Lẽ ra tớ nên lấy cả cho cậu ít thịt gà. Cậu đói không?” “Đó là một câu mà cậu không bao giờ phải hỏi tớ,” Shmuel nói, mặc dù trong đời chưa từng gặp Gretel nhưng nó cũng biết chút gì đó về châm biếm. “Đợi nhé, tớ sẽ cắt cho cậu một ít,” Bruno nói, mở tủ lạnh và cắt ba lát dày khác. “Không, nếu anh ta trở lại...” Shmuel nói, vội lắc đầu và thấp thỏm nhìn về phía cửa. “Nếu ai quay lại cơ? Cậu không định nói đến trung úy Kotler đấy chứ?” “Tớ chỉ được rửa ly thôi,” nó nói, tuyệt vọng nhìn xuống bát nước trước mặt rồi lại nhìn miếng thịt gà Bruno đang chìa ra. “Anh ta không để ý đâu,” Bruno nói, bối rối không hiểu sao Shmuel có vẻ lo lắng đến vậy. “Chỉ là đồ ăn thôi mà.” “Tớ không thể,” Shmuel lắc đầu nói, trông như thể sắp phát khóc. “Anh ta sẽ quay lại, tớ biết rõ thế mà,” nó nói tiếp, câu chữ vội vã líu cả vào nhau. “Lẽ ra tớ đã phải ăn ngay khi cậu đưa cho tớ, giờ thì quá muộn rồi, nếu tớ cầm lấy anh ta sẽ đi vào và...” “Shmuel! Này!” Bruno nói, bước lại đặt lên tay cậu bạn miếng thịt gà. “Cứ ăn đi. Vẫn còn rất nhiều cho bữa lót dạ của nhà tớ - cậu không phải lo về chuyện đó.” Chú bé nhìn chằm chằm một thoáng vào chỗ thức ăn trên tay mình, rồi ngước lên nhìn Bruno với đôi mắt mở to đầy biết ơn nhưng sợ hãi. Nó liếc về hướng cửa một lần nữa và rồi như đã quyết định xong, bởi vì nó đã tống tất ba miếng thịt vào miệng một lúc và nhai nuốt trong 20 giây tròn. “Ôi, cậu không phải ăn nhanh thế đâu,” Bruno nói. “Cậu sẽ làm mình mệt mất.” “Tớ chẳng bận tâm,” Shmuel nói, nở một nụ cười nhợt nhạt. “Cảm ơn cậu,Bruno.” Bruno cũng mỉm cười, cậu đang định mời Shmuel thêm thức ăn nữa thì ngay lúc đó trung úy Kotler xuất hiện trở lại trong bếp, anh ta dừng lại khi thấy hai cậu bé đang nói chuyện với nhau. Bruno nhìn anh ta chằm chằm, cảm thấy không khí trở nên nặng nề, cảm nhận được đôi vai Shmuel chùng xuống khi nó với tay lấy chiếc ly khác rồi bắt đầu đánh bóng. Phớt lờ Bruno, trung úy Kotler đi ngang qua cậu tới chỗ Shmuel và giận dữ nhìn nó. “Mày đang làm gì vậy?” anh ta quát. “Chẳng phải ta đã bảo mày đánh bóng chỗ ly này hay sao?” Shmuel cuống quýt gật đầu và bắt đầu khẽ run lên khi nó lấy một chiếc khăn khác nhúng vào nước. “Ai bảo mày là mày được phép nói chuyện trong nhà này hả?” Kotler tiếp tục. “Mày dám trái lời tao à?” “Không, thưa ông,” Shmuel lí nhí. “Tôi xin lỗi, thưa ông.” Nó ngước lên nhìn trung úy Kotler, anh ta cau mày. Hơi vươn người ra trước và nghiêng nghiêng đầu dò xét gương mặt chú bé. “Mày vừa ăn à?” anh ta hỏi với giọng thật thấp, như thể anh ta không tin nổi vào mắt mình. Shmuel lắc đầu. “Mày chắc chắn vừa ăn,” trung úy Kotler khăng khăng. “Mày ăn trộm gì từ tủ lạnh kia phải không?” Shmuel mở miệng ra rồi lại khép vào. Rồi nó lại mở ra cố tìm từ ngữ, nhưng chẳng được gì. Nó nhìn về phía Bruno, ánh mắt cầu khẩn giúp đỡ. “Trả lời tao đi!” trung úy Kotler hét lên. “Mày ăn trộm gì từ tủ lạnh kia phải không?” “Không, thưa ngài. Cậu ấy đưa cho tôi,” Shmuel nói, nước mắt ầng ậng khi nó len lén liếc sang Bruno. “Cậu ấy là bạn của tôi,” nó nói thêm. “Cái gì của mày?” trung úy Kotler nói, nhìn về phía Bruno với vẻ bối rối. anh ta ngập ngừng. “Mày có ý gì khi nói cậu ấy là bạn mày?” anh ta hỏi. “Cậu có biết thằng bé này không, Bruno?” Miệng Bruno cứ hà ra và cậu cố nhớ cách sử dụng miệng mình khi muốn nói từ “phải”. Cậu chưa bao giờ thấy ai trông khiếp sợ như Shmuel lúc đó thế nên cậu muốn nói sự thật để khiến mọi thứ tốt lên, nhưng rồi cậu nhận ra rằng mình không thể; bởi vì cậu cũng đang thấy khiếp sợ như Shmuel vậy. “Cậu có biết thằng bé này không, Bruno?” Kotler nhắc lại bằng giọng to hơn. “Cậu vừa nói chuyện với bọn tù đấy à?” “Tôi... khi tôi đi vào thì thấy cậu ấy đã ở đây,” Bruno nói. “Cậu ấy đang rửa ly.” “Tôi không hỏi cậu chuyện đó,” Kotler gằn giọng. “Trước đây cậu đã thấy nó chưa? Cậu đã bao giờ nói chuyện với nó chưa? Tại sao nó lại bảo cậu là bạn nó?” Bruno ước gì mình có thể bỏ chạy. Cậu ghét trung úy Kotler, nhưng lúc này anh ta đang tiến về phía cậu và tất cả những gì cậu có thể nghĩ tới là cái buổi chiều cậu trông thấy anh ta bắn con chó và buổi tối khi ông Pavel làm anh ta tức giận tới nỗi anh ta... “Nói tôi nghe, Bruno!” Kotler hét, mặt anh ta đỏ bừng lên. “Tôi sẽ không hỏi cậu lần thứ ba đâu đấy.” “Tôi chưa bao giờ nói chuyện với cậu ấy cả,” Bruno buột ra. “Cả đời tôi chưa bao giờ thấy cậu ấy trước đây, tôi không biết cậu ấy.” Trung úy Kotler gật đầu tỏ vẻ thỏa mãn với câu trả lời. Hết sức chậm rãi, anh ta quay đầu lại nhìn Shmuel, lúc này nó không còn khóc nữa, chỉ nhìn chằm chằm xuống sàn nhà, trông như thể nó đang cố thuyết phục linh hồn mình đừng trú ngụ trong tấm thân còm cõi của nó nữa mà hãy lặng lẽ chuồn êm rồi lướt ra cửa và bay vút lên trên trời cao, lướt qua mấy trời cho tới khi hồn đã ở xa tít mù khơi. “Làm cho xong việc đánh bóng tất tật chỗ ly này đi,” lần này trung úy Kotler nói bằng giọng rất thấp, thấp tới nỗi Bruno hầu như không thể nghe thấy. Cứ như thể nỗi tức giận của anh ta đã chuyển hóa thành một thứ gì đó khác. Không hẳn là một thứ đối lập, mà thứ gì đấy vô cùng đáng sợ và không ai mong đợi. “Rồi tao sẽ tới lượm mày đưa trở lại khu trại, nơi chúng ta sẽ bàn bạc xem điều gì sẽ xảy ra với những thằng ăn cắp. hiểu rồi chứ, nhỉ?” Shmuel gật đầu rồi lấy một chiếc khăn khác lên và bắt đầu đánh bóng một ly khác, Bruno quan sát những ngón tay nó run rẩy và biết rằng nó đang sợ đánh vỡ ly. Trái tim cậu chùng xuống, nhưng dù muốn đến đâu cậu cũng không thể nào rời mắt. “Đi nào, bé con,” trung úy Kotler nói, giờ đã đi tới chỗ Bruno và quàng một cánh tay chẳng chút thân thiện lên vai cậu. “Cậu ra phòng khách đọc sách đi và để mặc thằng nhóc này… hoàn thành công việc của nó. Anh ta sử dụng đúng cái từ đã dùng với ông Pavel khi sai ông đi tìm lốp. Bruno gật đầu và quay người rời khỏi bếp mà không nhìn lại. dạ dày cậu quặn lên và trong một thoáng cậu nghĩ mình sắp nôn mất. Cậu chưa khi nào cảm thấy xấu hổ như thế trong đời; cậu chưa bao giờ tưởng tượng ra mình có thể cư xử độc ác đến thế. Cậu tự hỏi làm sao một cậu bé vốn tự cho mình là người tốt lại có thể hành xử hèn nhát đến thế với một người bạn. Cậu ngồi trong phòng khách nhiều giờ nhưng không thể tập trung vào cuốn sách mà cũng chẳng dám quay trở lại phòng bếp cho tới tối muộn hôm đó, khi trung úy Kotler quay lại lượm Shmuel đưa nó đi. Sau ngày hôm ấy, ngày nào Bruno cũng trở lại điểm hẹn chỗ hàng rào nơi hai đứa vẫn gặp nhau, nhưng không lần nào có Shmuel ở đó. Sau gần một tuần, cậu đã gần tin chắc rằng điều cậu làm quá tồi tệ đến nỗi sẽ không bao giờ được tha thứ, nhưng đến ngày thứ bảy cậu vô cùng mừng rỡ khi lại thấy Shmuel đang đợi cậu, vẫn ngồi bệt khoanh chân như thường lệ và nhìn chằm chằm khoảng bụi bên dưới. “Shmuel,” cậu thốt lên, chạy nhanh về phía nó và ngồi xuống suýt phát khóc vì nhẹ nhõm và hối hận. “Tớ vô cùng xin lỗi, Shmuel. Tớ không biết tại sao tớ đã làm thế. Nói cậu sẽ tha thứ cho tớ đi.” “Được rồi,” Shmuel nói, giờ mới ngước lên nhìn cậu. Có rất nhiều vết bầm tím trên mặt nó khiến Bruno nhăn mặt, và trong một chốc cậu quên mất chuyện xin lỗi của mình. “Chuyện gì đã xảy ra với cậu thế?” cậu hỏi nhưng không đợi câu trả lời. “Có phải tại xe đạp không? Vì mấy năm trước hồi còn ởBerlin tớ cũng bị như thế. Tớ bị ngã khi đang đạp quá nhanh rồi bị thâm tím suốt mấy tuần liền. Cậu có đau không? “Tớ không còn thấy đau nữa,” Shmuel nói. “Trông có vẻ đau.” “Tớ không còn thấy gì nữa,” Shmuel nói. “Thế à, cho tớ xin lỗi chuyện tuần trước nhé,” Bruno nói. “Tớ cũng ghét tay trung úy Kotler đó. Anh ta nghĩ anh ta là người chỉ đạo nhưng đâu phải thế.” Cậu ngần ngừ một lát, không muốn đi chệch khỏi chuyện chính. Cậu cảm thấy mình nên nói điều ấy thêm một lần cuối một cách thật chân thành. “Tớ rất xin lỗi, Shmuel,” cậu nói rành mạch từng lời. “tớ không tin nổi tớ đã không bảo với anh ta sự thật. Trước đây tớ chưa bào giờ để bạn bè thất vọng như thế. Shmuel ơi, tớ thấy tự xấu hổ với chính mình.” Và khi cậu nói ra những điều đó, Shmuel mỉm cười gật đầu và Bruno biết rằng cậu đã được tha lỗi, rồi sau đó Shmuel làm một việc mà trước đó nó chưa từng làm. Nó nhấc sợi dây cuối cùng của hàng rào lên giống như vẫn làm mỗi khi Bruno đưa thức ăn cho nó, nhưng lần này, nó chìa bàn tay ra và giữ nguyên ở đó, chờ tới khi Bruno cũng làm y như thế, rồi hai cậu bé bắt tay nhau và mỉm cười với nhau. Đó là lần đầu tiên hai đứa chạm vào nhau.