háng 8-1945, ở Hà Nội các thiếu niên, nhi đồng đua nhau gia nhập các tổ chức mới vừa thành lập. Ai tuổi dưới 13 thì vô Nhi Đồng Cứu Quốc Hội. Trên tuổi đó thì vô Đoàn Thiếu niên Tiền Phong. Từ 18 trở lên thì gia nhập Tự vệ Thành hay Công an Xung phong. Sinh hoạt ở Thủ Đô vào thời kỳ đó rất nhộn nhịp. Đặc biệt là tiếng kèn, tiếng trống ếch, tiếng phèng la của các đoàn Nhi đồng Cứu quốc luôn luôn rộn rã, dù ai ở khu phố nào cũng đều nghe thấy, có khi đinh tai nhức óc vì phải nghe lũ trẻ tập tành như thế suốt ngày.
Riêng tôi thì cũng trở nên một đoàn viên Nhi đồng do anh tôi đưa vào, khi đó anh tôi đã là một Tự vệ Thành và sau này cũng chiến đấu trong hàng ngũ của Trung đoàn Thủ Đô.
Tôi gia nhập đoàn Ngọc Hồ, chi nhánh của Hội Nhi Đồng Cứu Quốc thuộc khu phố Sinh Từ, thủ đô Hà Nội. Y phục của đoàn là quần soọc mầu xanh lam, áo sơ-mi nâu, đầu đội mũ ca-lô cũng mầu nâu trên có viền xanh lá cây để phân biệt với đoàn Thiếu Niên trên mũ có viền mầu vàng.
Phù hiệu của Nhi đồng Cứu quốc là hình một đọt măng với hàng chữ “Măng Mọc Thẳng”, thể hiện sự trong sáng, hồn nhiên của tuổi thơ luôn sẵn sàng vươn thẳng lên cao không bị những hệ lụy của đời thường làm cho xiên vẹo đi.
Còn bài hát chính thức của Nhi Đồng thì cũng chưa có “5 điều bác Hồ dạy”. Nội dung chỉ là:
“Nhanh bước nhanh nhi đồng theo cờ đỏ sao vàng.Kìa lời gió ngàn kìa lời sông núi, kìa lời gió ngàn kìa lời sông núi. Nhắc nhủ em rằng tuy mình đang còn thơ ấu. Nhưng nhất tâm trật tự, vâng lời, vâng lời người trên. Tập tành sao thân hình em được nở nang, Trở nên sau này anh tài hiên ngang. Ơn nước non, em nguyền dám đâu xa rời. Em trọn đời “trung” với Việt Nam.”Sau này, không rõ chính tác giả Phong Nhã hay lệnh truyền từ ai đó mà nội dung bài hát đã bị thay đổi, nhất là 2 câu cuối cùng:
"Ơn nước non, em nguyền dám đâu xa rời. Em trọn đời “trung” với Việt Nam.”,
thì bị đổi thành:
“Em kính yêu, vâng lời nhớ ơn Bác Hồ, yêu hòa bình yêu nước Việt Nam.”Thì ra ở trong cái xã hội này, những chuyện cho dù đã trở thành sự đã rồi, mà vẫn cứ bị đem ra uốn nắn, chỉnh sửa. Như vậy lịch sử cận đại VN bây giờ, nếu có bị méo mó, xuyên tạc đi thì cũng không có gì đáng phải ngạc nhiên. Mọi thứ đều bị đem ra cắt xén, thêm thắt theo nhu cầu!
Mà vấn đề đặt ra là việc sửa lời của bài hát chính thức kể trên đâu có làm cho nó hay hơn, hoặc có ý nghĩa gì hơn. Thật ra nó chỉ là một sự kiện bắt con nít cũng phải góp phần vỗ tay phụ họa trong cả triệu tiếng vỗ tay, hoan hô phụ họa để sùng bái một cá nhân do nhu cầu chính trị hơn là cho mục tiêu giáo dục Nhi đồng.
Như thế thì “Măng chưa kịp mọc lên” đã bị bẻ cong đi rồi, còn nói chi đến chuyện mọc lên thẳng được nữa.
Trong ngành giáo dục, hẳn nhiều người còn nhớ tới lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại lớp học Chính trị dành cho các giáo viên cấp II, cấp III toàn miền Bắc vào năm 1958. Tại đây, ông Hồ đã trình bầy sự quan trọng về nhiệm vụ của những người thầy giáo trong sự nghiệp giáo dục và nhấn mạnh:
“
Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người.”
Câu nói đó tính ra đến nay đã được hơn nửa thế kỷ. Thành quả giáo dục của Nhà Nước VN cũng đã đủ chín mùi để nhìn xem nó đâm hoa, kết trái ra sao.
Dẫu lạc quan cách nào thì nhiều người cũng đã phải công nhận rằng con người ngày nay đã biến dạng so với con người đã được đào luyện trong truyền thống suốt mấy nghìn năm lịch sử.
Con tố cha, vợ tố chồng trong Cải Cách Ruộng đất chẳng phải là một chân dung Việt Nam đã bị bạo lực và giáo dục tuyên truyền CS làm cho méo nát đi sao?
Trong một xã hội có biết bao nhiêu tài năng bị vùi giập. Con người thì bị dìm xuống mức tận cùng, chỉ biết đấu tranh với bất cứ đối tượng nào để có thể sinh tồn. Thực tế cho thấy người ta đã đấu tranh với cả những đối tượng trong gia đình như ông bà, cha mẹ, anh chị em ruột thịt, rồi qua đến bạn bè, bà con chòm xóm cùng các cá nhân ngoài xã hội. Khi con người đã chỉ nhìn nhau gầm gừ thì sự nghi kỵ, dòm ngó, bóp méo, thổi phồng thậm chí cả bịa đặt, xuyên tạc, tố cáo để tâng công…đều thấy hiển lộ trong đời sống thường trực hàng ngày. Như thế thì xã hội cũng bị biến dạng theo con người.
Chính những người từ Hà Nội đi vào Nam sau năm 75 cũng thú nhận rằng mình đã phải triền miên sống trong một xã hội u mê, rị mọ, “ăn mắm mút giòi” (chữ nghĩa mà người miền Nam chưa bao giờ nghe nói đến)
Nhưng thành quả giáo dục của nhà trường XHCN không chỉ có thế!
Khi nền kinh tế trong nước được Đảng và nhà Nước đổi qua nền Kinh tế thị trường theo định hướng Xã hội Chủ nghĩa thì nó lại làm biến dạng con người đi theo một hướng khác.
Ôi, có bao giờ người phụ nữ Việt Nam phải xếp hàng cho đám đàn ông nước ngoài xăm xoi từng chỗ trên thân thể của mình để hòng được chúng tuyển chọn làm vợ như người ta đã thấy xẩy ra trong suốt những thập niên vừa qua. Đảng đâu rồi? Nhà nước đâu rồi? Quốc Hội đâu rồi? Các bà các cô trong Hội Liên Hiệp Phụ Nữ VN (LHPNVN) đi đâu hết rồi?
Không, họ vẫn còn cả đó, và vẫn cất lên những lời dối trá.
Như bà Chủ tịch Hội Liên Hiệp Phụ Nữ VN (LHPNVN) Nguyễn Thị Thanh Hòa, ngày 31-10-2011 khi tiếp đoàn đại biểu nước Cộng hòa Venezuela qua thăm Việt Nam, đã nói với bà Mercedes Ponce Delgado, phu nhân Chủ tịch Quốc hội Venezuela rằng:
“
Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, vai trò và vị thế của phụ nữ Việt Nam trong xã hội ngày càng được nâng cao”.
Nâng cao cái nỗi gì khi mà cả đám phụ nữ VN ngồi chầu chực như một đám người vô cảm để mong tới lúc được gọi vào cho một lũ đàn ông nước ngoài sờ mó, tuyển chọn.
Họ đã nghĩ gì trong những giờ phút chờ đợi như thế?
Tôi không tin rằng họ làm những chuyện đau lòng như thế chỉ vì lòng ham muốn vật chất của mình. Trên vai họ vào lúc đó là gánh nặng gia đình, là sự học của con cái, là những món nợ chồng chất đè lên cả gia đình sau một thời gian dài vật lộn với đòi sống khó khăn, và bao trùm lên hết cả chính là cái guồng máy cường hào ác bá thời mới bây giờ đã vắt kiệt thành quả lao động của họ để khiến họ đành phải nhắm mắt đưa chân, thôi thì hy sinh thân mình mà cứu lấy người thân thích, ruột thịt.
Cho nên cái đáng nguyền rủa chính là cái xã hội bất nhân bây giờ đã xô đẩy người phụ nữ vào những con đường đau thương như thế.
Mà cũng không thể không nhắc tới bà Chủ tịch LHPNVN với nhân cách chắc cũng đã bị biến dạng. Bởi một con người mà nếu nhân cách không bị biến dạng chắc chắn sẽ không thể muối mặt nói lên những lời như trên. Nó không những đã vừa phỉ nhổ lên chính nhân cách của mình mà còn giẫm đạp lên trên những thân xác tủi nhục của nhiều phụ nữ VN xấu số trong thời đại vẫn còn Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ như hiện nay.
*
Lùi lại cái thời điểm nhiễu nhương của những ngày miền Nam vừa đổi chủ, ở sân trường vào lúc học trò xếp hàng chào cờ trước khi vô lớp, người ta đã thấy lác đác có bóng dáng của những chiếc khăn quàng đỏ do các em học sinh từ miền Bắc mang vào. Học sinh cũ của miền Nam chưa có được ngay cái “vinh dự” ấy. Chúng còn phải thi đua, còn phải phấn đấu, còn phải cật lực tham gia những kế hoạch nhỏ như đi lượm giấy vụn, lượm bao nylon, thu gom bao giấy dầu đựng xi-măng…v..v..cùng là học tập đủ thứ rồi mới được linh đình làm nghi thức đeo khăn. Cái khăn quàng đỏ phút chốc trở thành mục tiêu hàng đầu mà trẻ thơ mong muốn đạt được.
Mà để có điều kiện đeo khăn, chúng chỉ cần chăm chỉ ngoan ngoãn học hành, lễ phép với thầy cô, hiếu đễ với ông bà, cha mẹ, anh chị em thì cũng được đi. Nhưng chuyện không chỉ đơn giản như thế.
Sau này, khi vào lớp học, mấy đứa đeo khăn quàng đỏ cứ chăm chăm rình mò thầy cô lắm khi lộ liễu đến mức khiến cho thầy cô thấy nhột nhạt. Rồi bắt đầu xuất hiện những vụ thầy cô bị chúng tố cáo với Chi Đội, Chi Đoàn trong trường. Nào thầy-cô vô lớp trễ bao nhiêu phút, nào trong giờ giảng thầy-cô đi ra ngoài mấy lần, nào trong khi bài giảng thầy-cô hay nói tới chuyện ngày xưa thế này, ngày xưa thế kia..v..v…
Nhắc lại những điều này, tôi không hề trách cứ những học sinh đã từng làm công việc tố cáo ấy. Chúng chỉ là những mái đầu xanh hồn nhiên, trong sáng. Nghe người lớn xúi giục gì thì làm theo nấy, nhất lại là sự xúi giục đánh trúng vào tâm lý tuổi thơ là thường hay thích làm những chuyện động trời mang tính cách anh hùng nghĩa khí.
Kẻ gây tội ác hủy hoại đầu óc tuổi thơ chính là những bóng ma chập chờn đứng ở phía sau hậu trường sân khấu. Không ai có thể nêu được đích danh tên tuổi của chúng, nhưng dấu vết của chúng thì ai cũng thấy được. Đó là những Nghị Quyết, những Văn Bản, những Quy chế, những Công văn, Chỉ thị được phân phối cho các Ban, Ngành tùy theo từng kế hoạch ba năm, năm năm hay theo diễn tiến của tình hình chính trị, xã hội bên ngoài.
Nội dung những thứ đó đã mang một sức trấn áp vô song, nó bắt con người đầu thì gục xuống, miệng thí câm nín đi, và tâm địa thì cứ mỗi ngày một thêm hèn hạ, nhút nhát. Tất cả đã góp phần làm suy đồi đạo đức xã hội, đã khiến con người trở nên vô lương tâm, vô cảm, sẵn sàng giẫm đạp lên nỗi đau của người khác mà không có chút lòng dạ nào thấy băn khoăn, áy náy. Thật là mỉa mai khi nghĩ tới ba chữ “Quân, Sư, Phụ” ngày xưa, ông Thầy chỉ sau ông Vua và còn để trước cả người Cha sinh ra mình, chứ có đâu mà Thầy giáo bây giờ nem nép chỉ lo học trò rình mò, báo cáo về cuộc sống riêng tư của mình.
Thành quả 50 năm trồng người mà đã đến thế thì cái tai hại của 100 năm sau sẽ còn đưa đất nước đi về đâu?
Nhân nói đến chuyện phấn đấu để được đeo Khăn Quàng Đỏ ở Sài Gòn sau năm 1975, nhiều người hẳn không quên những công cuộc tuyên truyền vận động sôi nổi, liên tục như “bài trừ văn hóa phản động và đồi trụy”, “tham gia xây dựng nền văn hóa mới”, “vận động bà con rời thành phố đi kinh tế mới”..v..v…
Hầu hết thanh niên, sinh viên, học sinh đã được các chính quyền địa phương như Phường, Khóm hay các đoàn thể như Công đoàn, Đoàn Thanh niên Cộng sản HCM, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc... thúc đẩy tích cực tham gia các cuộc vận động này.
Thành quả thu được theo tài liệu sách báo sau này thì chỉ trong hai năm 1975-1977 đã có khoảng 700.000 người hồi hương lập nghiệp hoặc đi xây dựng vùng kinh tế mới ở các huyện ngoại thành và các tỉnh miền Đông.
Năm 1976, lực lượng Thanh niên Xung phong thành phố được thành lập đã lùa hàng vạn thanh niên trai tráng đủ mọi thành phần từ sinh viên học sinh, công nhân lao động, lính chế độ cũ vào công tác khai hoang các vùng kinh tế mới từ đồng bằng lên cao nguyên.
Năm 1979, khi chiến tranh biên giới Tây Nam bùng nổ, nam nữ Thanh niên Xung phong thành phố cũng đã được gửi ra tuyến lửa lo việc cáng thương tải đạn, mà số lượng bị hy sinh không bao giờ được nêu rõ.
Sở dĩ tôi nêu lại một vài con số kể trên là để nhắc đến công tác tuyên truyền mà Nhà Nước phát động mỗi khi có một đợt công tác hay chiến dịch nào đó sắp được thi hành. Bọn học sinh, nhi đồng sinh hoạt trong các Chi Đội, Chi Đoàn, các trường, lớp..v.v..cũng không đứng ra ngoài công cuộc vận động quy mô đó.
Như trong cuộc Cải tạo Tư sản Thương nghiệp trên quy mô toàn miền Nam vào tháng 3-1978, Sài Gòn đã rúng động về những chuyện công an, cảnh sát ùa tới lục soát, niêm phong, tịch thu, bắt bớ tất cả những nhà buôn gọi là có máu mặt.
Đám trẻ góp phần trong công cuộc này là được rỉ tai dò la xem các cơ sở thương mại, các nhà buôn hàng xóm láng giềng hay trong khu phố có tẩu tán tài sản bằng cách lén lút chở đi vào ban đêm hay không, đặc biệt là ngay với cả người trong nhà, hãy ghi nhớ những chỗ ông bà, cha mẹ, chú bác…cất giấu vàng bạc châu báu để báo cáo lại, “nhằm bảo vệ tài sản của nhà nước XHCN”, đoàn thể trong nhà trường đã dạy dỗ trẻ con như thế!
Vào thời điểm đó, nhiều thành tích của tuổi trẻ được tuyên dương và loan truyền. Đã có nhiều dân Tư sản đào hố sau vườn hay nậy gạch trong nhà lên để cất giấu vàng bạc, như có mẹ già một nhà Tư sản vờ nằm ốm rên trên giường khi công an ập vào, dưới gối bà cụ đã nhét đầy những cây vàng để công an không ngờ tới.
Những thủ đoạn che giấu đó đều bị phát giác mà phần lớn là do sự tố cáo của những Đoàn viên hay Đội viên. Không biết sau này khi nhận được những tấm bằng khen, những đứa trẻ này đã nghĩ gì về hai chữ gia đình? Nhưng dù có nghĩ gì hay không nghĩ thì đấy cũng lại là những bước khởi đầu làm cho những giá trị nhân bản của con người bắt đầu bị băng hoại.
Tuy nhiên có một vụ tố giác của một Đội viên mà sau này dư luận dân Sài Gòn cứ xì xào bàn tán mãi.
Số là có một nhà Tư Sản kia, khi chiến dịch đánh Tư sản được phát động thì trong nhà còn chứa rất nhiều vàng bạc. Bà chủ liền tìm cách tẩu tán tại nhiều nơi trong nhà: như dưới các chậu cây cảnh mỗi chỗ để vài cây vàng, trong xó xỉnh sau vách bếp để một túi có đến vài chục cây nữa, rồi mấy viên gạch được nậy lên ở góc nhà, dưới gậm ghế salon cũng ngụy trang thành chỗ cất giấu.
Ấy thế mà mọi chỗ mọi nơi kể trên đều bị cậu con trai quý mới có 14 tuổi, rình mò rồi đem ghi chép lại hết để lập bản tường trình như đã được căn dặn trước. Khi công an ập vào, moi ra từng chỗ từng nơi, chỗ nào cũng trúng phong phóc, tổng cộng phát hiện được tới hơn 100 cây vàng khiến cho bà chủ nhà gào to lên mấy tiếng “ Con ơi…con giết mẹ rồi..” rồi quay ra ngất xỉu.
Cái vụ này đã gây chấn động dư luận và được nhiều Chi Đoàn, Chi Đội, Thanh niên các khu phố lấy làm trường hợp điển hình để học tập và noi gương “Dũng sĩ chống Tư sản mại bản”.
Ấy thế rồi bẵng đi một thời gian sau, khi mà dư luận đã nguôi ngoai về việc nguyền rủa thằng con bất hiếu đã đi nghe xúi khôn xúi dại làm hại ngay đến cả gia đình của mình, thì tôi lại được chị Thu, Ban Tiếp liệu Công đoàn, nhân lúc rảnh rỗi, xì ra cho nghe một chuyện động trời:
- Thằng nhỏ đó nó qua mặt cả nước đấy thầy ơi. Mẹ con nhà nó bảo nhau trước rồi. Chỗ nào, cất giấu bao nhiêu cứ đem tố giác ra hết đi. Cán bộ chủ quan, cứ tưởng nắm được hết lưng quần con mẹ tư sản rồi nên không còn tính chuyện khám xét nơi nào khác nữa. Ai có dè đâu, nó giấu trên trần cả lố, còn gấp đôi, gấp ba con số bị mất nữa kìa!
Tôi ngớ người ra:
- Làm sao chị biết được?
Chị cười tủm tỉm:
- Hai nhỏ nhà tôi ăn giầm nằm giề trên Thành Đoàn, chuyện gì mà chúng nó không biết! Chỉ có điều là gia đình con mẹ tư sản cùng với thằng nhỏ trốn đi rồi thì cả đám mới trơ mắt ếch hết cả ra thôi.
- Vậy rồi phải xử trí ra sao?
Chị bật lên cười khanh khách:
- Còn xử với xét gì nữa. Cứ ếm lẹ cho xong. Càng moi ra càng thúi.
Tôi cũng bật cười theo:
- Hèn chi trên bảng thông tin của Chi Đoàn, lâu nay tôi thấy gỡ bỏ cái khẩu hiệu “Học tập theo gương của Đội viên Trần văn Tâm tích cực tham gia công tác Cải tạo Tư sản, Tư Doanh”.
Nhân lúc câu chuyện bắt đầu vui vui, tôi bèn nhìn thẳng vào chị và hỏi:
- Thế còn mấy đứa nhỏ nhà chị. Chúng nó cũng lập được nhiều công chứ?
Chị bỗng đổi giọng sẵng hỏi lại:
- Công gì?
- Thì tham gia công tác Cải tạo ấy….
Mắt chị chợt long lên:
- Nhà tui không có mả đi làm chuyện báo cáo bà con, thầy à. Tôi đã căn dặn tụi nó, vui chơi đua đòi gì thì cứ việc, nhưng chớ có mà theo đuôi tụi nó làm những chuyện tố giác bà con là không xong được với tôi đâu.
Tôi đáp lời ngay như để làm cho cơn giận của chị nguôi đi:
- Nhất trí! Tôi nhất trí với chị. Ở ngoài kia khác…Ở trong này khác! Đâu có khi nào lại đi khuyến khích con nít làm những chuyện bất nhân.
Rồi như chợt nhận ra là mình cũng đang nói năng hớ hênh, tôi mau lẹ kiếm lời thoái thác rồi vội vã tiến ra cửa, chuồn một mạch.
Lòng tự nghĩ: Chính những tấm lòng trong sáng và ngay thẳng đuồn đuột của những người miền Nam như chị Thu thì mới tạo nên điều kiện để cho những đọt măng con cái sau này có thể mọc lên thật thẳng chứ không phải cả một guồng máy giáo dục khổng lồ đang vận chuyển làm nên được chuyện đó!