uân cu li cu leo ấy! Nói làm gì!”Câu nói ấy, ngài thường nghe ở cửa miệng những người sang trọng - như ngài với tôi chẳng hạn - nói ra. Ngài với tôi, chúng ta cùng nghe rõ mà chúng ta cùng như không nghe thấy gì, vì đối với những quân cu li, một câu nói ấy, có ai cho là quá.Nghĩa là ngài với tôi, ta cùng khinh bỉ họ, khinh bỉ những thằng, mình ngồi cho chúng nó kéo,những thằng nó cắm đầu cắm cổ kéo mình để kiếm mỗi cuốc lấy hào bạc hay năm ba xu.Ngài cũng nghĩ như tôi, tôi cũng nghĩ như ông X., ông X. cũng nghĩ như ông T.Trái lại, có một hạng người họ chẳng nghĩ như chúng ta.- Hạng người ấy?- Cu li xe kéo.Chắc ngài đã sắp ghé ngay vào tai tôi mà bảo:- Một người ngồi cho một người khác kéo, người kéo, họ cho thế là trái với nhân đạo chứ gì?Không, tôi hãy xin vứt những lý thuyết về nhân đạo đi. Đây tôi chỉ nói cái nhân cách của người ngồi xe, cái chân tướng của những người được ngồi cho người khác kéo.Trong con mắt bọn cu li xe kéo, những người khách ngồi xe là những người thế nào?Đây, ngài hãy nghe anh Tư, ông thầy học của tôi, một hôm đã giảng cho tôi nghe trong bữa rượu:- “... Đừng nghĩ người ta bỏ đồng tiền ra bảo mình kéo thì mình chỉ cứ việc cắm đầu cắm cố cố chạy cho mau. Cái chân chạy đã đành rồi, nhưng còn cái đầu. Cái đầu nó cũng phải nghĩ như cái mắt nhìn đường, cái tai nghe còi ô tô báo.‘‘Có biết như thế mới trông thấy đời người ta cũng có nhiều kẻ giả danh, giả hiệu trong những bộ mã tốt đẹp, trong những bộ cánh bảnh bao.‘‘Tôi kể lại bác nghe, hôm ấy, tôi còn nhớ rõ về một buổi chiều, chiều mùa nực cũng như hôm nay, tôi kéo hai người lên từ Hàng Đào, không mà cả.‘‘Họ từ trên một chiếc xe khác bước xuống, vẫy xe tôi lại, truyền bảo một cách ra dáng quá: ‘Đưa đây tao ba hào, xe!’ Thấy hai người quần áo cũng sang trọng: sa tây, kính trắng, giày dôn, lít-so, tôi cũng yên trí, dốc ngược vạt áo, móc trong lỗ nẹp áo, lấy ba đồng hào con đưa ra. Tôi hỏi họ đi đâu thì họ bảo đi xe giờ, mà đi nhiều, lại định giá cho mỗi giờ hai hào rưỡi.‘‘Cầm tiền của tôi, một người giao cả cho người xe trước, còn đứng chờ ngay đấy. Tôi thuận, cả hai người cùng lên xe, ngồi.‘‘Hết phố này qua phổ khác, chạy chán lại gác-đê, gác-đê chán lại chạy, vần vật đến nỗi mảnh áo đã ướt đẫm như người đem dúng vào chậu mồ hôi; tôi tuy nhọc nhưng cũng cố dò xem tình ý ra sao, cứ vừa nghe, vừa chạy.‘‘Có lẽ bấy giờ họ cho tôi như một con vật hay một người Mọi nên cứ tự do nói chán lại cười. Những câu của họ, nghe sượng cả tai. Đến bọn cu li bát-tê cũng có người không nỡ mở miệng ra mà nói’’‘‘ Tôi nghe mãi, nghe mãi, mà bấy giờ đã gần một giờ sáng rồi. Thì ra họ đi xoay mà không đào đâu được ra tiền trả xe, cứ phải loanh quanh suốt tối.’’‘‘Tôi chột dạ, phải đánh bạo, hỏi. Trước, họ còn nói ngọt, sau đâm bẳn, họ định cà khịa cả với tôi.’’Bác nghe, họ mở miệng ra nói được câu này: ‘‘Chúng ông bây giờ hết cả tiền, mày muốn lấy, phải kéo suốt cho đến sáng mai. Bằng lòng không? Chúng ông xuống!’’‘‘Thế mình mới thật chết. Hai giờ sáng đã phải trả xe rồi. Thuế cả thảy mất năm hào hai. Từ chiều đến chập tối, kéo được bốn hào, thì các ông ấy đã mượn trước mất ba rồi, còn có một. Không kéo nữa cũng không được! Tiền đâu mà trả thuế cho cai xe, đừng nói đến chuyện ăn uống. Thế là phải cắn răng kéo luôn cho đến sáng, bụng tính nhẩm nếu họ thương tình trả cho hơi chẽ thì sáng về, mình cứ tính giờ trả cho cai xe thêm.’’‘‘Từ lúc ấy, tôi cứ bước một ngoài đường; họ ngồi trên cũng không thúc chạy như lúc chiều, vì họ có định đi đến chỗ chó nào mà thúc!’’‘‘Hôm ấy, tôi ra ngõ gặp gái thật! Đi mãi mỏi chân, kéo lên góc ở đường Cổ Ngư, buồn ngủ rũ ra mà không dám nhắm mắt. Càng ngồi hai mi mắt nó càng như bị người cầm díp lôi xuống. Sợ chợt ngủ đi, các bố ấy chuồn mất, tôi lại phải đứng dậy kéo xe đi cho tỉnh, ngảnh trông lại thì hai thằng đã vẹo cổ đi mà ngủ, một thằng luồn trong cánh tay cái khăn xếp, chừng sợ người ta ăn cắp mất; một thằng thì quắp vào chân cái can phải gió, vứt đi, chó nó cũng chẳng thèm!‘‘Có lúc lộn tiết, muốn tùng bê mẹ nó xe cho hai thằng ngã chổng kềnh; ừ, mà tức thật, mệt lử cò bợ đếch được nằm, mà từ trưa, nào đã được một khỉ gió gì vào bụng”.... Sao không kéo phăng chúng nó ra Cẩm?- Ra Cẩm để lại chịu thêm mấy cái đá đít! Chúng nó ăn mặc sang trọng như thế, ông Cẩm nào bảo chúng nó xử quỵt. Người ta cho mình là vu vạ. Cò mấy Cẩm? Chao!... Thế đến sáng hôm sau, họ làm thế nào?- Sáng hôm sau!... Mới bảnh mắt, các bố đã bảo kéo về ngõ Sầm Công, gác-đê trước cửa tiệm thuốc phiện của một thằng Khách già, rồi anh áo sa đập cửa vào, lúc ra chỉ còn thấy trần có cái áo dài trắng.... Nó cằm áo cho người Khách?- “Nào biết được! Mà không cầm thì còn nạy đâu ra tiền. Thế mà nó còn màu mỡ riêu cua với mình. Ra cửa, nó cũng vờ vờ rút ví móc tiền... Nghĩ nó giả được ít nhất cũng hơn một đồng. Đêm vừa vặn mười hào con. Thế là từ sáu giờ chiều đến sáu giờ sáng, chúng nó trả cho có bảy hào bạc.‘‘Tôi toan làm rầm lên, thằng kia mới chịu nói thật. Nó dốc ví, nói không còn hào nào hết, bảo mình hãy đành cầm tạm vậy, hôm nào gặp, nó sẽ cho thêm.‘‘Biết làm thế nào? Thôi cũng đành vuốt mồ hôi trán mà cầm. Năm hào hai thuế, ba hào phụ trả thêm, tất cả chạy đi tám hào hai, thế mà về nộp cho cai xe, còn bị nó chửi như tát nước vào mặt.‘‘Về nhà trọ. Thấy giở buổi, anh em xúm vào hỏi, mình toan giấu, nhưng chưa nói thật thì đã thấy nhao nhao những tiếng:‘‘Thằng Tư gặp phải vố xe xoay hẳn!‘‘Đêm qua mày làm xe măng ca phải không?‘‘Bấy giờ mình mới nói rõ những vố như thế, trong đám anh em cu li, đã nhiều người bị trước mình. Xe xoay nghĩa là: xe chạy xoay quanh để xoay tiền. Xe măng ca nghĩa là: xe kéo những thằng chết đường. Những thằng nằm ngủ sóng sượt trên xe suốt đêm ngoài đường thì có khác gì thằng chết”.Tôi nghĩ, lại buồn cười thầm chuyện trước.Tôi có một ông bạn xưa nay vẫn tự xưng là lãng mạn, thường trong túi không có một đồng kẽm, mà gặp xe là nhảy tràn lên.Có lúc đáng phải đi bộ một hào xe, sau vì chạy tiền lung tung mà rồi phải trả đến hàng đồng.Cái xe kéo ông ta chạy nhông để xoay tiền, ông ta vẫn gọi đùa là: xe kinh tế!- Lại một hôm nữa...