Dịch giả: Mạc Đỗ
Phần thứ hai - 1- 2

     ùa xuân 1917, khi bác sĩ Richard Diver lần đầu tiên tới Zurich, y hai mươi sáu tuổi: đương độ đối với một người đàn ông, đương độ nhất đối với một người chưa lập gia đình. Ngay trong thời chiến, đó cũng là lứa tuổi tuyệt hảo đối với Dick, đã trở thành một người đáng quý lắm, một thứ “đầu tư” quá quan trọng để không dùng làm thịt cung cấp cho đại bác được. Những năm sau đó, Dick có cảm tưởng không phải vì vô tâm mà y đã thoát được, nhưng chẳng bao giờ Dick đào sâu hơn vấn đề để tìm hiểu. Bề gì thì năm 1917 y cũng bất cần vụ đó và chống chế bằng cách nói rằng chiến tranh không liên quan đến mình. Chỉ thị mà cấp trên ban cho là tiếp tục học tại Zurich và thi lấy bằng cấp, đúng như ý định của Dick.
Thụy Sĩ khác nào một hải đảo bị những làn sóng chiến tranh vỗ bờ, một mặt là những trận sấm sét ở Gorizia, những con mưa lũ dọc theo sông Somme và sông Aisne ở mặt khác. Thêm một lần người ta gặp tại các tổng Thụy Sĩ nhiều người ngoại quốc tới lo manh mối những mưu toan hơn là để chữa bịnh. Nhưng thật ra cũng chỉ là đoán chừng thấy như thế. Những người đàn ông thầm thì trong các quán cà-phê ở Berne và Genève rất có thể chỉ là những nhà buôn hột soàn hay những chuyên viên đi chào hàng. Tuy nhiên, người ta cũng phải trông thấy những đoàn xe lửa chở đầy những thương binh, những người mù, những người lính chỉ còn một chân, những thân mình sắp chết, gặp nhau giữa những mặt hồ chói ngời ánh sáng ở Neuchatel và Constance.
Trong các quán lave, trên những tủ kính có dán những tấm bích chương màu sắc rất đẹp mô tả những người Thụy Sĩ chiến đấu bảo vệ biên giới hồi 1914. Những người đàn ông già và trẻ, với nét hăng say dũng mãnh từ trên những ngọn núi đang canh chừng những người Pháp và Đức tưởng tượng. Mục đích là trấn an con tim Thụy Sĩ bằng cách cho thấy đã chia sẻ sự vinh quang của thời đại. Nhưng cuộc giết hại càng kéo dài những bích chương đó biến dạng, thế rồi không quốc gia nào ngạc nhiên cho bằng được nước Cộng hòa anh em này, khi Hoa Kỳ loay hoay mãi rồi cũng nhảy vào vòng chiến...
Vào lúc đó bác sĩ Diver đã được ngó thấy tận nơi những thứ chung quanh cuộc chiến. Y xin được một học bổng Rhodes để học tại Oxford năm 1914. Sau đó y trở về Hoa Kỳ để theo học năm chót tại Đại học John Hopkins và đoạt được bằng cấp. Năm 1916 y kiếm được cách đi Vienne, bị thúc đẩy bởi ý nghĩ nếu y không mau mau nhà đại danh Freue sẽ bị chết do một trái bom nào. Thành phố Vienne buồn chán đến chết được, nhưng Dick cũng kiếm cách có được đủ than và dầu lửa để có thể trong căn phòng của y tại đường Damenstiff, ngồi viết những bài tiểu luận sau đó y hủy đi hết, rồi viết lại, và đó là căn bản cho cuốn sách xuất bản tại Zurich năm 1920.
Hầu hết chúng ta trong đời đều có một thời kỳ tích thú, hăng hái, đó là thời kỳ này của Dick. Trước hết, Dick biết rằng mình có duyên, rằng những tình cảm mà y cho đi hay gây nên được nếu so với những con người bình thường cũng là điều khá đặc biệt. Trong năm cuối cùng ở New Haven, có người đã gán cho hỗn danh “Dick nhiều may mắn”. Hỗn danh đó Dick giữ mãi trong đầu. “Thằng Dick nhiều may mắn! Đồ láo!” Dick cứ tự nhủ thầm như vậy trong khi bước quanh căn phòng đang có những cục than hồng cháy dở. “Mới khá lắm, con ạ!”
Đầu năm 1917, khi bắt đầu khó khăn lắm mới kiếm được than đốt Dick đã đốt để sưởi ấm gần một trăm cuốn tập và sách học y đã thu thập được. Nhưng, khi liệng từng cuốn sách vô đống lửa, trong thâm tâm Dick vui vẻ tin tưởng rằng ở trong óc của mình đã chứa đựng những gì là căn bản của cuốn sách và có thể, năm năm sau, tóm tắt lại được nếu sách đáng làm như vậy. Vụ đó xảy ra vào những giờ thật đặc biệt: Dick làm vậy, trên vai khoác một tấm mền, với cái vẻ bình thản ngang nhiên của người trí thức, so với mọi thứ khác ở đời, giống hệt như sự bình an thiên giới, nhưng cũng vẫn phải có lúc chấm dứt, nhưng sẽ được kể lại dưới đây.
Sở dĩ còn kéo dài được thêm trong một thời gian là do thân thể lực sĩ có tập luyện của y. Dick ở chung với Elkins, đệ nhị tham vụ tại Tòa đại sứ. Hai chàng thường có hai người bạn rất dễ thương tới thăm, đó là điều rất tốt, nhưng không quá đáng; về phương diện Tòa đại sứ cũng không thấy quá đáng. Va chạm hằng ngày với Elkins đã khiến cho Dick có hoài nghi đôi chút về giá trị của những quá trình tâm trí cá nhân của mình. Dù sao cũng không quá khác biệt đối với Elkins, thứ Elkins có thể đọc một lượt tên những tay đã giữ chân tiếp ứng trong những đội football của đại học New Haven suốt từ ba chục năm qua.
Còn Lucky Dick không thể nhớ như vậy được; như vậy tức là y đã kém nguyên vẹn hơn người bạn chung nhà tức là đã già đi chút ít. Nếu đời sống không đem lại cho y một sự bù đắp nào, muốn kéo lại chỉ còn trông chờ nơi một căn bịnh, hay một trái tim tan nát, hay một mặc cảm tự ti, dù sao chăng nữa, y tự nhủ như vậy, tốt nhất là tái thiết lại cái phần kém của mình đến độ đạt kết quả tốt hơn những gì đã có sẵn khi mới sinh ra.
Rồi lối suy luận như vậy Dick thấy có vẻ “Mỹ và chỉ đúng bề ngoài”. Tiêu chuẩn của Dick về lối nói nhiều mà chẳng có ý tưởng gì là bảo rằng như vậy Mỹ quá... Tuy nhiên Dick biết mình không còn nguyên vẹn, cũng như không được đầy đủ. Bà tiên Blackstick đã chẳng nói trong “Bông Hồng và cuộc Vòng” của Thackeray: “Con ơi, điều tốt đẹp nhất mà ta có thể ban cho con, đó là đôi chút khổ”.
Sau những giờ theo học tại Đại học, Dick thường tranh luận với một nhà trí thức trẻ tuổi người Rumany, người này vẫn trấn an Dick: “Không có bằng chứng nào cho rằng Goethe đã từng có những ‘tương khắc’ hiểu theo ý nghĩa hiện đại của từ đó, hoặc một người như Young chẳng hạn. Anh không phải là một triết gia lãng mạn, anh là một nhà bác học. Trí nhớ, sức lực, cá tính, nhất là hiểu biết đó là căn bản. Chính sự xét đoán về bản thân ta khiến cho ta gặp nhiều khó khăn hơn hết. Tôi biết có một người làm việc trong vòng hai năm chuyên nghiên cứu bộ óc của con trút, với ý nghĩ sớm muộn y sẽ hiểu biết hơn mọi người khác về hoạt động của bộ óc con vật. Tôi thảo luận với y và cho rằng y không thật sự mở rộng phạm vi kiến thức con người; việc y làm có vẻ độc đoán quá. Quả như vậy, khi đệ trình kết quả nghiên cưu cho tờ báo lớn về y học, y bị từ chối. Ở đó người ta mới chấp nhận bản luận án của một người nào khác về cùng một đề tài”.
Dick tới Zurich với rất nhiều nhiệt tình nhưng cũng rất nhiều huyễn tượng về năng lực và sức khỏe của mình, về lòng tốt của mọi người, những huyễn tượng của cả một dân tộc, những huyễn tượng gây nên bởi những dối trá của các bà mẹ vào thời kỳ anh hùng khai phá, trấn an con nít với lòng tin sai lầm không hề có chó sói ở phía bên kia căn lều của người tiên phong khẩn hoang.
Sau khi lãnh bằng cấp, Dick được cử tới Bar-surAube với tư cách chuyên viên về bịnh óc.
Công việc tại Pháp, nặng về hành chánh hơn về y học, khiến cho Dick chán ngán, nhưng ngược lại y có dư thì giờ để viết xong một cuốn biên khảo ngắn và thu thập tài liệu cho một cuốn sách khác. Mùa xuân 1919, Dick được giải ngũ và trở về Zurich.
Những đoạn trên đây có mùi tự truyện, nhưng người đọc không thỏa mãn trong sự muốn biết nhân vật chính, như Grant trong ngôi hàng ở Gaiena, sắp được đưa đẩy vào một định mạng lớn. Với lại, không gì thất vọng bằng ngó một tấm hình thanh niên mảnh khảnh, kiêu căng, với con mắt cú vọ, khi đang có chuyện với một người đã ở vào tuổi trưởng thành. Nhưng chúng ta cứ yên tâm. Thời gian đã đến với Dick Diver.

2

Ngày tháng Tư đó ẩm ướt, từng đợt mây chạy dài vắt ngang bên trên Albishorn, trong khi mưa để lại những vũng nước tù. Zurich không phải là không giống một số những thành phố bên Mỹ. Tới nơi từ hai ngày nay, Dick cảm thấy thiếu thốn một cái gì; y thiếu cảm tưởng, nhận thấy trên những con đường ở Pháp, là ngoài xa kia không có gì hết... tại Zurich, có rất nhiều thứ khác ở ngoài Zurich. Những mái nhà dẫn con mắt nhìn tới những cánh đồng cỏ trên cao, nơi chuông đeo cổ những chị bò cái rung rinh, rồi, ở cao hơn nữa, có những ngọn núi... thành ra đời sống tưởng như một cuộc lên thẳng tới một vùng trời như hình in trên bưu thiếp. Những xứ vùng núi Alpes, xứ sở của đồ chơi và những đoàn xe leo núi những vòng ngựa gỗ và những hộp đựng âm nhạc, không cho ta cảm tưởng như ở Pháp thấy “đúng là ở đó” với những giàn nho Pháp trồng cẩn thận dưới đất, ngay bên chân ta.
Một lần ở Salzbourg, Dick có cảm thấy sự hiện diện như thế in đè lên, của một thế kỷ âm nhạc, mua được hay mượn được. Một hôm, trong một phòng nghiên cứu của Đại học Zurich, khi đang khéo léo giải phẫu một bộ óc, Dick có những cảm tưởng của một người chế tạo những đồ chơi tỉ mỉ, chứ không phải là một thứ bão lốc có hai chân hai năm về trước qua lại trong những tòa nhà cổ màu đỏ của Đại học John Hopkms, không để cho pho tượng vĩ đại đảng Ki tô ngạo nghễ đón những người mới tới nơi tiền đình làm cho phải bối rối.
Tuy nhiên, Dick đã quyết định ở lại thêm hai năm ở Zurich, vì Dick không coi thường giá trị công việc chế tạo đồ chơi, tức là phải có sự chính xác và nhẫn nại vô bờ bến.
Ngày hôm đó Dick đi thăm Franz Gregorovious tại dưỡng đường Dohmler bên bờ hồ Zürich, Franz, chuyên viên về phân tâm học thường trú tại bịnh viện, người gốc gác ở tổng Vaud, lớn hơn Dick chừng mấy tuổi, đợi đón ở bến xe điện. Trông Franz có vẻ như một thứ Cagliostro u sầu và rực rỡ, trái ngược hắn với đôi mắt của một vị Thánh Franz là người thứ ba trong giòng họ Gregorovious. Ông nội của Franz là thầy học đã đào luyện ra Krapaeliri, vào thời kỳ mà khoa phân tâm học mới ló dạng, về phần Franz có một cá tính vừa kêu căng, nhiệt tình và đua đòi. Franz tự coi như một nhà thôi miên từ trong trứng mà ra. Nếu thiên tài nguyên thủy của giòng họ đã trở nên trí trệ đôi chút, ít nhất Franz cũng sẽ trở nên một nhà điều dưỡng có tài.
Dọc đường Franz hỏi:
- Anh hãy nói cho tôi nghe những kinh nghiệm về chiến trận. Chiến tranh có thay đổi anh, như những người khác không? Anh vẫn giữ nguyên vẻ mặt một người Mỹ đần độn và không thể giả được, tuy rằng tôi biết anh không đần độn, Dick ạ!
Tôi có nhìn thấy gì đâu trong chiến tranh. Đọc thư tôi tưởng anh đã hiểu như vậy.
- Không quan hệ lắm. Chúng tôi có nhiều trường hợp bị “shelll shock” trong khi mãi tận xa nghe thấy tiếng động của một trận không chiến. Chúng tôi còn có cả những trường hợp chỉ do đọc báo.
- Tôi có cảm tưởng đó toàn là những chuyện nói đùa mà chơi.
- Có thể, Dick ạ, nhưng chúng tôi ở đây là một bịnh viện dành cho những người giầu có. Ở đây chứng tôi không nói tới chuyện đùa. Thật tình, Dick ạ, anh tới đây để gặp tôi hay để gặp cô gái đó?
Hai người cùng liếc mắt ngó nhau. Franz mỉm cười có vẻ bí mật lắm.
Bằng giọng nói trầm trầm cố hữu, Franz tiếp:
- Lẽ dĩ nhiên tôi có đọc những bức thư đầu. Khi bắt đâu xảy ra có thay đổi, tôi vì tế nhị đã không tiếp tục mở thư ra nữa. Quả tình đã trở thành trường hợp của anh.
Dick hỏi:
- Thế cô ta có khá không?
- Hoàn toàn khá. Chính tôi được cử phụ trách trông nom cho cô ta, cũng như hầu hết những bịnh nhân người Anh và người Mỹ khác. Họ gọi tôi là bác sĩ Gregory.
Dick nói:
- Về phần cô gái đó, tôi cần phải giải thích với anh. Tôi mới gặp cô ta có một lần, đó là một sự kiện rõ rệt, hôm tôi tới đây chào từ biệt anh trước khi đi Pháp. Bữa đó lần đầu tiên tôi bận quân phuc, tôi có cảm tưởng như đi dự một buổi hội có hóa trang. Tôi chào đến cả những chú lính quèn.
- Tại sao hôm nay anh không bận quân phục như vậy?
- Ô hay, tôi được giải ngũ đã ba tuần nay. Đó, tôi tình cờ gặp cô gái đó. Khi chia tay với anh, tôi đi về phía căn nhà trông ra hồ, để kiếm chiếc xe đạp tôi để tại đó.
- Phải rồi, đó là khu “Rặng ba hương”.
- Đêm đó thật tuyệt vời, nếu anh còn nhớ, với ánh trăng sáng trên núi.
- Núi Krenzegg.
- Tôi chạy theo một cô y tá đang cùng đi với một cô gái. Tôi đâu có biết đó là một bịnh nhân. Tôi hỏi thăm cô y tá về giờ xe điện chạy, chúng tôi cùng đi một quãng. Cô gái quả thật là một người xinh đẹp chưa tưng thấy.
- Bây giờ cô ta vẫn vậy.
- Cô gái chưa bao giờ trông thấy bộ quân phục Mỹ: chúng tôi nói chuyện với nhau, tôi cũng chẳng quan tâm tới điều đó. Ngoại trừ Franz ạ, tôi chưa có một cái vỏ dầy như anh. Khi tôi trông thấy một cái vỏ trứng tuyệt vời như vậy, tôi không thể không lấy làm buồn lòng về những gì chứa đựng bên trong đó. Đó, tuyệt đối tất cả chỉ có vậy. Cho tới khi tôi bắt đầu nhận được những lá thư.
Franz có vẻ kịch, đáp:
- Còn cô gái, không có gì xảy đến tốt đẹp hơn cho cô ta nữa. Một sự chuyển dịch thuộc loại bất ngờ nhất. Đó là lý do khiến tôi phải đi đón anh, trong khi tôi rất bận. Tôi muốn anh tới văn phòng tôi, để chúng ta nói chuyện với nhau dài lâu trước khi anh gặp lại cô gái. Với lại tôi đã cử cô ta đi Zurich có công chuyện rồi. Tôi cho cô ta đi riêng, không có y tá kèm, cùng với một bịnh nhân không vững vàng như cô ta. (Franz nói với một giọng tràn đầy sốt sắng). Tôi hết sức kiêu hãnh về trường hợp đó, một trường hợp mà tình cờ, và nhờ có sự giúp đỡ của anh, tôi đã chữa trị thành công.
Chiếc xe hơi đi dọc theo bờ hồ Zurich trong một vùng đầy những cánh đồng cỏ và những nông trại với những triền đồi thấp, có rải rác những tòa nhà mát bằng cây. Mặt trời trôi ngang trên một đại dương trời xanh biếc, và đột nhiên khung cảnh bày ra một thung lũng tiêu biểu cho kiểu mẫu thung lũng Thụy Sĩ, với những tiếng động và những tiếng thầm thì dễ chịu, với một không khí tràn trề sức khỏe và dinh dưỡng dồi dào.
Cơ sở của bác sĩ Dohmler gồm ba tòa nhà cổ và hai tòa nhà mới, tạo lập giữa một ngọn đồi nhỏ và bơ hồ. Khi mới thành lập, mười năm trước, đây là bệnh viện tối tân thứ nhất dành riêng cho những người bị thác loạn thần kinh. Người không biết không thể nghĩ rằng đó là nơi ẩn náu cho những người tuyệt vọng, tư chất thiếu, những cánh bèo giạt của thế giới này, tuy rằng hai trong số những tòa nhà đó có tường bao quanh với những cây leo phủ kín, bề cao của bờ tường rất đáng nản. Có mấy người đàn ông đang phơi rơm dưới nắng. Đó đây, xe hơi khi chạy vô bãi cỏ đi ngang một lá cờ trắng nhỏ do một nữ y tá vẫy ở bên có một bịnh nhân do cô ta kèm. Sau khi đưa Dick vô văn phòng riêng, Franz xin lỗi và vắng mặt chừng nửa giờ. Ở lại một mình trong phòng, Dick đi bách bộ và cố gắng xây dựng lại cá tính của Franz căn cứ trên đống giấy tờ chất bừa trên mặt bàn, những sách vở của Franz, cùng những sách vở khác do cha và ông nội của Franz viết ra hay của người khác viết về hai bác sĩ đó, và căn cứ theo tình phụ tử Thiệu Sĩ đã khiến Franz treo trên vách bức hình có hơi rượu của ông bố.
Trong phòng có khói. Dick mở hai cánh cửa chớp trên khung cửa sổ thấp, để lọt vô phòng một khối nắng hình nón. Đột nhiên Dick nghĩ tới cô gái bịnh nhân mà y tới thăm hôm nay. Dick đã nhận được của cô gái chừng năm chục bức thư, viết trong khoảng thời gian tám tháng. Trong thư thứ nhất, cô gái hầu như xin lỗi, giải thích rằng được nghe nói ở Mỹ các cô gái viết cho cho những chiến sĩ không quen. Cô gái đã được bác sĩ Gregory cho tên và địa chỉ của Dick, và hy vọng Dick sẽ không thấy trở ngại nếu thỉnh thoảng cô gái viết cho Dick ít hàng cầu chúc may mắn, vân vân...
Cho tới đó rất dễ nhận thấy giọng điệu, đó là thứ giọng điệu thường gặp trong những tập thư dí dỏm và tình cảm của Daddy Long Legs và của Molly Makebelieve, rất nổi tiếng ở MỸ. Nhưng sự giống nhau chỉ đến đó thôi.
Những bức thư có thể chia ra hai loại; loại thứ nhất, cho tới gần lúc đình chiến, có một tính cách bịnh lý rõ rệt, trong khi loại thứ hai, từ đình chiến cho tới bây giờ, phản ánh một tình trạng hoàn toàn bình thường và một thể chát đang độ phát triển. Những thư đó, trong những tháng cuối cùng buồn nản ở Bar-sur-Aube, Dick đã mong đợi rất nhiều. Nhưng, ngay từ khi đọc những lá thư đầu, Dick đã đoán thấy nhiều chi tiết mà Franz không nghi ngờ đến.
Thưa Đại uy,
Tôi thấy ông rất đẹp trai bữa tôi gặp ông trong bộ quân phục. Rồi tôi tự nhủ: “Ta đếch cần!” Bằng tiếng Pháp và tiếng Đức. Ông cũng có cho rằng tôi cũng xinh đẹp, nhưng chuyện đó đã xảy ra với tôi từ trước rồi và tôi đã phải chịu đựng rất lâu. Nếu ông trở lại đây với thái độ tầm thường và đáng kết tội đó, không hề giống chút nào với những gì người ta đã dạy tôi nên gắn cho ý tương một người lịch sự, mong rằng khi đó mong có ông trời sẽ gặp ông. Tuy vậy trông ông có vẻ bình tĩnh hơn những người khác, dịu dàng như là một con mèo lớn. Tôi bỗng trở nên thích...
(2)
những cậu trai có vẻ nhút nhát đôi chút như con gái. Ông có phải một người như vậy không? Chắc phải có người như vậy ở đâu đây. Xin ông tha lỗi cho nhưng gì tôi viết, đây là lá thư thứ ba tôi viết cho ông và tôi phải vội gửi đi ngay chớ không sẽ chắng bao giờ gửi đi được nữa. Tôi cũng suy nghĩ nhiều lắm về ánh trăng nữa, chắc là sẽ có lắm người làm chứng mà tôi sẽ tìm thấy nếu người ta cho phép tôi được ra khỏi đây.
(3)
Người ta bảo rằng ông là một bác sĩ. Nhưng nếu đúng ông là một con mèo thì lại khác. Đầu tôi nhức quá chừng, vậy nên ông tha lỗi cho vụ đi chơi tại đó như một người bình thường với con mèo trắng nó giải thích tôi nghĩ. Tôi có thể nói ba thứ tiếng, bốn với tiếng Anh, và tôi tin chắc tôi có thể hữu ích trong công việc thông ngôn nếu ông có thể thu xếp việc đó tại Pháp, tôi tin chắc là tôi có thể coi sóc hết với hết thảy mọi người có chiếc dây lưng như hôm thứ tư. Bây giờ là thứ bảy và nếu ông ở xa, không chừng đã bị giết chết.
(4)
Ông nên trở lại thăm tôi một ngày nào, vì tôi sẽ ở đây mãi trên ngọn đồi màu lục này. Hoặc ít ra người ta để cho tôi được viết thư cho cha tôi mà tôi yêu ghê lắm. Xin ông tha lỗi cho những gì tôi viết đây, hôm nay tôi không phải là tôi nữa; tôi sẽ viết nữa khi nào tôi cảm thấy khỏe hơn. Cheerio...
Nicole Warren
Xin lỗi về tất cả những gì đã viết.

 

Đại úy Diver,
Tôi biết rằng nội quan không phải là một việc tốt trong tình trạng bị kích thích ghê gớm như của tôi hiện thời, nhưng tôi cũng muốn để ông hiểu tôi đang ở trong tình trạng như thế nào. Năm ngoái, nghĩa là hồi tôi ở Chicago, khi tôi bắt đầu bị như vậy, tôi không thể nói với người làm, không thể đi bộ ngoài phố; tôi ngồi đó đợi có ai nói cho tôi điều đó. Đó là bổn phận của người nào đó đã hiểu rõ. Người ta cần phải đưa dẫn những người mù. Nhưng không một ai nói hết cho tôi biết; người ta nói với tôi một nửa và tôi đã bị lúng túng nếu cộng hai với hai. Có một người đàn ông rất dễ thương - đó là một sĩ quan người Pháp, ông ta hiểu. Ông ta có cho tôi một bông hoa và bảo rằng bông hoa nhỏ hơn và kém thành thạo. Chúng tôi bạn với nhau. Sau đó ông ta đem bông hoa đi, tôi trở nên
(2)
bịnh hơn mà chẳng có ai để giải thích cho tôi hết. Người ta có hát cho tôi nghe một bài hát về Jeanne d’Arc, nhưng chắng bảnh chút nào hết, nó làm cho tôi khóc, vì cái đầu của tôi không bịnh. Họ cũng tiếp tục, nói chuyện với tôi về thể thao nữa, nhưng lúc đó tôi chẳng thấy thích mấy. Thế rồi đến bữa tôi đi trên đường Michigan nhiều cây số, rốt cuộc người ta đi theo tôi.
(3)
bằng xe hơi, nhưng tôi không chịu lên xe. Sau cùng người ta bắt tôi đưa lên xe, có những cô y tá. Sau đó tôi bắt đầu hiểu hết bởi vì tôi có thể cảm thấy những gì xảy ra cho những người khác. Thế là ông đã biết tình trạng tôi như thế nào. Nhưng tôi có được ích lợi gì nếu cứ phải ở đây với những ông bác sĩ nói lại hoài về những gì tôi phải vượt qua. Thành ra hôm nay tôi viết thư cho cha tôi để cha tôi tới đón tôi. Tôi rất bằng lòng
(4)
thấy ông chú ý tới việc khám cho mọi người rồi cho họ về. Chắc là thích thú lắm.
Và trong một thư khác:
Ông có thể đi thi và viết cho tôi một bức thư. Người ta chỉ mới gửi cho tôi mấy đĩa hát trong trường hợp tôi quên bài học, tôi đánh vỡ hết, đến nỗi cô điều dưỡng không muốn nói chuyện với tôi nữa. Những đĩa có bằng tiếng Anh, để cho những cô điều dưỡng không thể hiểu được. Tại Chicago có một ông bác sĩ bảo rằng tôi giả vờ, nhưng điều mà thật tình ông ta muốn nói, đó là tôi có tới năm chị em đồng sinh, điều mà chưa hề bao giờ ông ta thấy. Nhưng hồi đó tôi rất bận để trở thành điên và tôi chẳng quan tâm tới những lời ông ta nói; khi tôi bận trở thành điên tôi không để ý tới những gì người ta nói, không, cho dù tôi là một triệu con gái. Tối hôm đó ông có nói với tôi răng ông sẽ dạy cho tôi
(2)
chơi. Này ông ạ, tôi tin rằng tình yêu là điều duy nhất có thật hay là phải có. Dù sao tôi rất vui lòng thấy ông chịu khó lo tới kỳ thi.
Thân ái.
Nicole Warren
Có những bức thư khác trong đó văng vẳng những nhịp bi ai trong số những lời than vãn phụ đới:
Đại úy Diver thân mến,
Tôi viết cho ông vì tôi chẳng có ai để hướng tới và tôi có cảm tưởng rằng sự ngộ nghĩnh của hoàn cảnh của tôi thật rõ rét đối với một người cũng bịnh tật như tôi, tất càng rõ rệt đối với ông. Những rối loạn thần kinh đã hết và tôi thấy hoàn toàn rã rời và sỉ nhục. Có phải người ta mong muốn như vậy không? Gia đình tôi đã bỏ rơi tôi một cách đáng hổ thẹn; tôi có đòi hỏi họ thương hại hay tội nghiệp tôi cũng vô ích. Tôi đã chán ngán hết, còn cho rằng bịnh của tôi có thể chữa khỏi chỉ khiến cho sức khỏe của tôi hao mòn và mất thì giờ vô ích;
(2)
tôi ở đây như thể một trại nuôi những người điên nửa chừng - như vậy bởi không có ai thấy đáng nói sự thật với tôi về bất kỳ điều gì. Nếu tôi mà biết rõ được từ trước những gì đã xảy ra, như bây giờ tôi mới biết, tôi tin chắc tôi đã giữ vững được, can đảm như tôi vốn thế, nhưng những người có thể giúp tôi lại không muốn soi sáng cho tôi.
(2)
Bây giờ thì tôi đã biết và tôi đã phải trả giá đắt để biết. Họ ngự trị tại đó, với cuộc đời chó má của họ, và tuyên bố rằng tôi phải tin những gì tôi đã tin. Đặc biệt có một; nhưng bây giờ tôi đã biết.
Tôi cảm thấy cô đơn, xa hết thảy các bạn tôi và bà con của tôi ở tận bên kia bờ Đại Tây Dương, trong khi tôi lang thang trong bãi cỏ rong nửa thức nửa ngủ. Nếu ông có thể kiếm cho tôi được một chỗ làm thông ngôn (tôi biết tiếng Đức và tiếng Pháp như người bổn xứ, tiếng Ý cũng khá, và tiếng Tây Ban Nha chút ít), hoặc tại một trạm cứu thương của Hồng Thập Tự, hoặc làm y tá trên một đoàn xe lửa chở thương binh (tuy nếu làm công việc này tôi sẽ phải tập sự trong một thời gian), nếu được như vậy thật là một sự may mắn lớn.
Hoặc một thư khác:
Tại ông không muốn chấp nhận sự giải thích của tôi về căn bịnh của tôi, ít nhất ông cũng phải giải thích những điều mà ông nghĩ; bởi vì ông có một khuôn mặt đẹp như con mèo, chứ không phải cái vẻ kỳ cục dường như đang thời thượng tại đây. Bác sĩ Gregory có cho tôi một tấm hình nhỏ của ông. Trong hình ông không xinh trai bằng trong bộ quân phục, nhưng ông có vẻ trẻ hơn.
Thưa Đại úy.
Nhận được tấm bưu thiếp của ông tôi rất mừng. Tôi rất vui lòng thấy ông lo thải hồi những nữ y tá xấu - Ồ, tôi hiểu bức thư của ông lắm, ông cứ tin chắc như vậy đi. Tuy nhiên khi tôi gặp ông tôi đã không nghĩ ràng ông không phải như thế.
Đại úy thân mến.
Một hôm tôi nghĩ tới một điều, hôm sau tôi lại nghĩ tới điều khác. Đó là thật sự tất cả căn bịnh của tôi, ngoại trừ một sự hoài nghi điên cuồng và rất ít chừng mực. Tôi sẽ đón nhận rất vui lòng bất kỳ chuyên viên về bịnh thần kinh nào mà ông giới thiệu. Tãi đây người ta đặt nằm trong bồn tắm rồi bắt hát: “Hãy chơi trong vườn riêng”, như thể tôi có một vườn riêng sau lưng tôi để ra đó chơi, hoặc một chút hy vọng khi ngó lại dĩ vãng hay hướng về tương lai...
(2)
Một lần nữa người ta đã thử tại cửa hàng bán kẹo mút về tôi sắp đánh người đàn ông bằng chiếc quả cân, nhưng người ta đã giữ được tôi.
Tôi sẽ tiếp tục viết cho ông nữa, tôi bất định quá.
Rồi một tháng đi qua không có thư từ chi hết. Rồi từ đó bỗng nhiên có thay đổi.
... Tôi từ từ trở lại đời sống... bây giờ, những bông hoa, những đám mây... Chiến tranh đã chấm dứt, vậy mà tôi chỉ biết sơ qua là có chiến tranh...
Ông đã tốt biết chừng nào! Chắc ông phải là người khôn ngoan lắm và rất nhiều hiểu biết bên sau khuôn mặt mèo trắng của ông, nhưng trong bức hình mà bác sĩ Gregory cho tôi ông không có gương mặt đó.
Hôm nay tôi đi Zurich. Thật là một cảm tưởng kỳ lạ khi trở lại một thành phố...
... Hôm nay chúng tôi đi Berne. Thật là thích thú, với bao nhiêu là đồng hồ.
... Hôm nay tôi đã leo núi khá cao để kiếm bông nhật quang lan và bông mẫu tử thảo.
Sau đó, thư bắt đầu ít đi. Nhưng thư nào Dick cũng phúc đáp. Đây là một:
Tôi muốn có ai yêu tôi như kiểu những người trẻ tuổi yêu nhau cách đây một thế kỷ, trước khi tôi bịnh. Nhưng tôi cho rằng nhiều năm qua đi trước khi tôi có thể nghi tới một việc như vậy.
Nhưng khi thư phúc đáp của Dick chậm tới đã khiến cho Nicole thấy băn khoăn, lo ngại giống như một người đang yêu.
Có lẽ tôi đã làm phiền ông?
Hoặc:
Tôi sợ rằng đã hy vọng nhiều quá.
Hay:
Ban đêm, tôi nghĩ không chừng ông bị đau...
Quả tình Dick có phải nằm vì bị cúm. Khi Dick khỏi, mỏi mệt đã buộc Dick phải hy sinh hết những gì ngoài công việc và thư từ bó buộc phải viết, rồi sau đó kỷ niệm về Nicole che lấp bởi sự hiện diện rất thật sự của một cô điện thoại viên người tiểu bang Wisconsin, tại bộ Tổng tham mưu ở Bar-sur-Aube.
Cô gái có đôi môi đỏ như vẽ trên bích chương, tại câu lạc bộ mọi người đã đặt cho cô ta một hỗn danh khá trắng trợn là The Switchboard, bảng cắm điện.
Franz trở lại văn phòng có vẻ quan trọng và bằng lòng mình lắm. Dick nghĩ rằng Franz sẽ trở nên một người điều trị giỏi, vì những dịp staccato trong giọng nói oang oang của Franz để điểu khiển các cô y tá và bịnh nhân không phải do nơi thần kinh hệ của y, mà do tính tự mãn quá to lớn nhưng vô hại. Những cảm xúc thật sự của y có trật tự lắm và y chỉ giữ riêng cho mình.
Franz nói:
- Nào, Dick ạ, bây giờ chúng ta nói chuyện về cô gái đó. Tất nhiên tôi cần biết anh đã đi tới đâu và tôi cũng cần nói với anh về tôi. Nhưng trước hết chúng ta hãy lo về cô gái đã, vì từ lâu tôi muốn nói với anh chuyện đó.
Franz lục tìm và thấy một tập giấy trong một tấm bìa cứng; nhưng sau hội lần mở từng trang có lẽ y thấy không cần thiẽt nên để trở lại trên bàn. Franz thấy nên nói thì hơn.