Còn lại Hồng và tôi. Sống dai là ý chí tiến thân của Hồng, sống dai là tinh thần thụ động của tôi. Hai đứa sẽ tiếp tục dị ứng nhau thù nhau chống phá nhau mà còn mãi khi những thằng khác qua đi. Ông Thân thuộc về dĩ vãng, bạn đọc và tôi nỡ lòng nào để ông run rẩy lạc loài chống gậy vào một tương lai xa lạ? Thằng Tân cực đoan mà ẻo lả, cả tâm hồn và cơ thể đều không đủ sức khỏe cho thời đại mới của chúng ta. Nó phải đi thật xa, sang tận thế giới bên kia luyện sức đề kháng rồi trở lại là vừa. Thằng Đủ quá khổng lồ, cả miền Nam đất rộng người thưa cũng không dung nổi. Thời của nó rồi sẽ tới, nhưng trước khi cập vào bến đợi thì con tàu lớn hãy làm những mảnh ván trôi chờ ngoài khơi. Và Đoài, lẽ ra hắn có thể sống sót, có thể thọ chẳng kém Hồng và tôi, mọi chế độ mọi thời đều dùng tốt anh cán bộ thoát li, gã trưởng phòng nhà quê, tay lái buôn, thằng cha phong kiến cuối mùa, đứa thừa sai của đạo đức rởm đó. Chẳng ai khác ngoài hắn có thể giết hắn. Cú tự sát trên gác Sến là một tai nạn trượt phanh. Chiến tranh ái tình đã chấm dứt. Hồng sang Nhật. Lại một người Nghệ Tĩnh đi Đông du, cuối thế kỉ đúng hẹn với đầu thế kỉ. Có thể y sẽ trở về lập Việt Nam Quang Phục Hội Đệ Nhị. Có thể y sẽ trở về đại diện Toyota cấp kinh phí cho Trung tâm khoa học nhân văn. Đều là cho một nước Việt thạo tiếng Anh, chưa quên tiếng Pháp, nhưng máu đỏ da vàng. Nước Việt của thế kỉ hăm mốt. Cũng chỉ còn lại gia đình Hồng và gia đình tôi ở khu cầu thang. Vợ Hồng đã hỏa hồng căn hộ của Đoài cho Bội Lan và căn hộ của ông Thân cho Bội Hoàn. Bà Mùi lên chùa. Vợ Đoài lại về quê. Khoảnh utopia toen hoẻn này, chúng tôi thằng còn sống và thằng đã chết để lại cho hai người đàn bà và bốn đứa con gái, là một hiện trường thuần giống cái, như bao giờ cũng vậy sau chiến tranh. Tôi thôi làm nghiên cứu viên, đi Trung Quốc phiên dịch cho công ty bánh kẹo của vợ. Vợ tôi khích lệ rằng anh không việc gì phải sợ, cứ chi hồ giả dã, chỗ nào bí thì dùng thêm tay chân. Tử ngữ trộn vào sinh ngữ là thường, là đủ để lên đường Bắc phạt. Còn Sến? Ở chỗ nhà tắm bên cạnh nước Mĩ bây giờ là một chiếc shop, bạn đọc có thể dễ đoán bán gì. Có lần từ Tàu về thăm nhà, tôi lại đến ngồi hàng nước đối diện. Một Marie Sến bây giờ đã thành rất nhiều Marie Sến, ra vào không ngớt ở đó, chẳng Sến nào là Sến tôi yêu. Chia xa rồi tôi mới nhớ em, như nhớ một thời thơ thiếu nhỏ. Em về trắng đầy cong khung nhớ. Mưa mấy mùa, mây mấy độ thu. Bây giờ nàng ở đâu cho Đoài làm thằng hầu, ấy ở đâu cho Thân làm người thày, ả ở đâu cho Hồng làm người hùng, elle ở đâu cho Tân làm trẻ hờn, bây bi ở đâu cho Đủ làm vệ sĩ, và em, Marie Sến, em ở đâu cho tôi làm bạn hề?