Phần 5: Nhiệm vụ mới - chỉnh đốn một số công tác ở hải ngoại (1948-1949)
P5 - Chương 4

IV. Giải quyết một số vấn đề trên đường đi Bắc Kinh
Đi từ Thái-lan qua Trung Quốc, thông thường là đi tàu biển từ Băng-cốc sang Hương Cảng, rồi đi xe hỏa vào nội địa Trung Quốc. Nhưng lúc này Trung Quốc mới giải phóng, vùng Hoa Nam chưa thật yên ổn, mà Hương Cảng lại là địa bàn thống trị của Anh, đi qua đó có thể xảy ra những chuyện không hay. Chúng tôi quyết định đi đường qua Miến Điện, Ấn Độ, rồi đến Tiệp và Liên Xô là những nước có cảm tình với cách mạng Việt Nam. Hơn nữa, ở Tiệp còn có một số cán bộ Việt Nam phụ trách công tác Công đoàn và công tác sinh viên ở đó, cũng cần phải đi qua tìm hiểu cụ thể thì việc chỉ đạo mới sát được. Cách tính toán như vậy cơ bản là đúng, nhưng thực tế trên đường đi thì không giản đơn.
Trước khi ra đi, chúng tôi có đánh điện cho đồng chí Lê Đức Chỉnh, đại biểu thường trú của Công đoàn Việt Nam ở Tiệp, đồng thời điện cho đồng chí Lu-y Xây-giăng, Chủ tịch Công đoàn thế giới từ Pháp qua Tiệp biết rõ tôi là Trưởng đoàn, một người nữa là thư ký Đoàn đại biểu Công đoàn Việt Nam, và nhờ đồng chí làm thủ tục nhập cảnh Tiệp, Liên Xô và Trung Quốc.
Chúng tôi rời Băng-cốc sớm qua Răng-gun để chờ tin trả lời của anh em ở Tiệp về việc nhờ đồng chí Lu-y Xây-giăng xin chứng nhận quá cảnh. Trong thời gian chờ đợi, tôi mở những buổi nói chuyện chung với anh em ta ở Răng-gun. Nội dung nói chuyện cũng như tinh thần đã nói với anh em ở Thái-lan. Chờ độ hai mươi ngày thì được điện trả lời từ Pra-ha [1]: “Visa prêt Bombay”, nghĩa là việc chứng nhận nhập cảnh đã sẵn sàng ở Bom-bay [2].
Chúng tôi lập tức lên đường đi Bom-bay, đến Lãnh sự quán Tiệp ở đó, hỏi về việc chứng thực nhập cảnh, thì Lãnh sự quán trả lời rằng, chúng tôi không được Chính phủ chỉ thị gì hết về việc này. Thế là chúng tôi phải đưa cho ông Lãnh sự Tiệp 50 rúp-pi [3] để nhờ ông đánh điện về hỏi. Không lâu, chúng tôi nhận được chứng nhận của Tiệp cho nhập cảnh. Nhưng liên hệ với các hãng máy bay, chúng tôi được biết rằng, muốn đi Tiệp, chẳng những phải có chứng nhận nhập cảnh của Tiệp, mà còn phải có chứng nhận quá cảnh của những nước mà máy bay phải bay qua nữa thì hãng máy bay mới bán vé. Thế là chúng tôi phải đến Lãnh sự quán Ý, Lãnh sự quán Thụy Sĩ, Lãnh sự quán I-rắc để xin chứng nhận. Họ đều trả lời là không có quan hệ ngoại giao với Việt Nam, nên không thể cho chứng nhận. Chúng tôi nghĩ tình hình như thế này, nếu cứ ở Bom-bay mãi cũng không giải quyết vấn đề, chi bằng đi qua Pa-ki-xtan, may ra có thể xin được chứng nhận của các nước đi qua chăng, bằng không thì lúc gặp khó khăn có thể nhờ ông Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, hoặc ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ giúp, vì hai ông này có cảm tình rất tốt với Việt Nam và đã thật sự giúp một số cán bộ Việt Nam trong một số trường hợp hoạt động cho cách mạng.
Chúng tôi liền đi Ca-ra-si, một thành phố lớn của Pa-ki-xtan. Ở đây chúng tôi được ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ tiếp rất thân mật, ký giấy gia hạn cho ở Ca-ra-si ba tháng, và nói nếu có gặp việc gì khó khăn, thì cứ nói thật, ông ấy sẽ hết sức giúp theo khả năng. Ở đây cũng như ở Bom-bay, chúng tôi vẫn phải qua lại các hãng máy bay để tìm hiểu. Các nhân viên trong Công ty hàng không Pa-ki-xtan biết chúng tôi là người Việt Nam đi dự Hội nghị Công đoàn Á-Úc nên hết sức tìm cách giúp đỡ. Một hôm người phụ trách sân bay báo cho biết rằng có một chiếc máy bay Anh đi Tiệp, khi qua Rôm [4] chỉ dừng ở sân bay một giờ để lấy xăng rồi bay luôn. Như vậy hành khách chỉ phải ngồi đợi ngay ở sân bay mấy chục phút, nên không phải lấy chứng nhận quá cảnh. Các ông nên tranh thủ mua vé đi chuyến máy bay này, tuy tiền vé khá đắt nhưng có thể đến Tiệp ngay trong ngày. Nghe nói chúng tôi rất mừng và mua vé ngay. Thế là ngày hôm sau chúng tôi lên máy bay đi Tiệp. Khi đến Pra-ha thì đã thấy anh Chỉnh đại biểu Công đoàn Việt Nam và anh Hướng đại biểu sinh viên Việt Nam ở Tiệp đứng đón sắn ở chỗ đón khách.

°

Đến Pra-ha, chúng tôi ở một khách sạn hạng vừa, liên hệ với anh Chỉnh và anh Hướng được biết rằng, đồng chí Lu-y Xây-giăng và hai anh cán bộ ta từ Băng-cốc đến đã cùng đi Bắc Kinh rồi, còn chứng thực quá cảnh Liên Xô của chúng tôi thì đã xin ở Sứ quán Liên Xô. Anh Bùi Các đến ngay Sứ quán Liên Xô hỏi về chuyện chứng thực, lúc đầu Sứ quán nói không có, nhưng anh Các nói quả quyết là đồng chí Lu-y Xây-giăng thông báo cho biết là đã xin chứng thực ở đây xong xuôi. Sứ quán Liên Xô nghe nói liền nhận lời sẽ tìm lục, và ba ngày sau thì cho biết là đã tìm được chứng thực của anh Các mà không có chứng thực của tôi. Anh Các nói đã có thì phải có cả hai người, vì anh chỉ là thư ký đoàn, còn một người nữa là đồng chí Hoan mới là Trưởng đoàn. Sứ quán Liên Xô lại nhận lời tìm lục thêm.
Trong khi chờ đợi chứng thực, chúng tôi được anh Chỉnh báo cáo cho biết là Lê Hy bị Liên Xô đuổi qua đây, được Trần Ngọc Danh bảo đảm hiện còn ở Pra-ha. Trần Ngọc Danh là người đã tuyên bố giải tán Phái đoàn nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Pháp, và được Trung ương Đảng Pháp giới thiệu qua Tiệp hình như để lập một cơ quan đại diện Chính phủ ở đây. Đương cục Tiệp đã cho một cái nhà đàng hoàng và có đủ tiện nghi. Vợ anh Danh là Thái Thị Liên hiện đang học trường âm nhạc Tiệp.
Chúng tôi còn hỏi thêm về hoạt động của anh Danh, được biết là anh Danh có hoạt động chống Đảng rất tích cực.
Danh là em ruột của Trần Phú, giác ngộ cách mạng sớm, được giới thiệu đi học ở trường Đông Phương đại học Liên Xô. Anh ta học lý luận nhiều, nhưng tiêu hoá không tốt vì không có thực tế. Anh ta thấy sau Cách mạng Tháng Tám, Đảng không thủ tiêu giai cấp tư sản và địa chủ, không tuyên bố làm cách mạng xã hội chủ nghĩa, mà lại gần gũi với các nước như Ấn Độ, Miến Điện, Pa-ki-xtan và In-đô-nê-xi-a là những nước tư bản, thì anh ta cho là Đảng hữu khuynh. Anh ta đã viết thư cho một số đảng nói đường lối của Hồ Chủ tịch và Trung ương Đảng là không đúng. Trong khi đó, chị Hồ Thị Minh là một nữ thanh niên miền Nam được cử sang Pháp học, đã hỏi vặn rằng, nếu nói Đảng là không đúng thì làm sao mà Đảng lại đưa Cách mạng Tháng Tám đến thành công và vận động toàn dân đứng dậy chống Pháp? Danh không trả lời được câu nào, nhưng cứ phố biển tư tưởng chống Đảng trong đám cán bộ công tác ở Tiệp. Trong số cán bộ bị tuyên truyền đó có anh Chỉnh và anh Hướng là không tin nhưng không đủ lý luận để bác lại. Hai anh này ở Pra-ha, còn các người khác thì đã cùng đồng chí Xây-giăng đến Bắc Kinh để dự Hội nghị Công đoàn Á-Úc.
Đây là một tình hình rất nghiêm trọng, tôi thấy cần phải được giải quyết gấp rút. Tôi phải nói chuyện với anh Chỉnh và anh Hướng hai buổi, giúp các anh ấy có đủ nhận thức để chống lại lý thuyết của Danh. Sau đó tôi gặp đồng chí phụ trách Tân Hoa xã ở Pra-ha nói chuyện về tình hình khó khăn trong lúc đi đường, nhờ đồng chí đánh điện về Bắc Kinh báo cáo với Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc biết là có thể tôi không kịp đến dự Hội nghị Công đoàn Á-Úc, đồng thời tôi nói cho đồng chí hiểu tình hình tư tưởng của cán bộ Việt Nam ở Pra-ha, và mượn đồng chí một số tài liệu của Đảng Cộng sản Trung Quốc như những bài nói chuyện trong thời kỳ chống Nhật của đồng chí Mao Trạch Đông, của đồng chí Lục Định Nhất để làm tài liệu tham khảo thuyết phục những lệch lạc của cán bộ Việt Nam đang công tác tại Pra-ha trong lúc đó. Đồng chí rất nhiệt tình giúp đỡ, tìm lục cho kỳ được những tài liệu đó rồi đưa cho tôi.
Sau khi xem xong tài liệu, tôi và anh Các đến chỗ ở của Danh để nói chuyện. Tôi trực tiếp phê bình Danh về việc tuyên bố giải tán cơ quan Phái đoàn là một việc làm sai nguyên tắc. Danh biện hộ rằng, lúc đó Pháp cho người khiêu khích, thậm chí cho bọn côn đồ lái xe để đâm vào xe của Phái đoàn. Tôi nói, cũng có thể như thế, nhưng cơ quan Phái đoàn là của Nhà nước, mà người phụ trách cơ quan là người do Nhà nước bổ nhiệm. Người phụ trách dù nguy hiểm đến mấy cũng không có quyền quyết định giải tán một cơ quan của Nhà nước. Hơn nữa, nếu người phụ trách này thôi việc, thì Nhà nước còn có thể bổ nhiệm người khác đến thay, chứ nếu tuyên bố giải tán Phái đoàn thì Nhà nước muốn bổ nhiệm người khác đến thay cũng được. Nếu nói rằng Pháp muốn gây khó khăn đối với Phái đoàn, mà anh lại tuyên bố giải tán Phái đoàn, thì như vậy là âm mưu của thực dân Pháp đã thực hiện được một cách dễ dãi. Trước sự giải thích đó, Danh đã biết đuối lý nhưng vẫn nói quanh co không chịu nhận sai lầm. Trong dịp này tôi cũng phê bình Lê Hy, nhưng Lê Hy cứ ngồi im không nói gì, không thừa nhận mà cũng không biện hộ. Cuối cùng tôi nói, cả hai anh đều rời nước đã khá lâu, nay nên về nước để báo cáo công tác với Chính phủ và nhận nhiệm vụ mới. Lê Hy vẫn không nói gì. Còn Danh thì nói rằng tôi đang có bệnh, thầy thuốc khuyên không nên đi máy bay và đi tàu. Tôi hiểu ý là Danh vì có sự giới thiệu của Trung ương Đảng Pháp, được Đảng Tiệp đối đãi đặc biệt, nên muốn ở lại Tiệp chứ không muốn về nước.
Vấn đề Trần Ngọc Danh và Lê Hy ở Pra-ha bước đầu chỉ giải quyết được đến đó, còn phải báo cáo với Trung ương mới giải quyết được triệt để [5]. Tuy vậy, đối với hai anh Chỉnh và Hướng thì lại là một thu hoạch lớn. Anh Chỉnh đã nói: Trước kia nghe Trần Ngọc Danh nói, chúng tôi vẫn cho là không đúng, nhưng không đủ lý luận để chống lại. Nay được nghe anh phê bình và giải thích cả về mặt lý luận và mặt thực tiễn, chúng tôi đã nắm chắc vấn đề. Bây giờ thì chúng tôi có đủ sức để chống lại những chủ trương sai trái của Trần Ngọc Danh. Chúng tôi vẫn hết sức tin tưởng chủ trương của Trung ương và của Hồ Chủ tịch là hoàn toàn đúng.
Sau mấy hôm làm việc với các anh Chỉnh, Hướng và phê phán xong Danh, Hy, thì sứ quán Liên Xô ở Pra-ha cũng tìm ra được cả giấy chứng nhận nhập cảnh của anh Các và của tôi. Nhưng thời gian chứng nhận chỉ còn sáu ngày nữa là hết hạn. Chúng tôi phải gấp rút rời Pra-ha đi Mạc Tư Khoa để tranh thủ đến Bắc Kinh càng sớm càng tốt.