P4 - Chương 2

Sau đại hội đảng bộ tỉnh, vòng hai Hiếu trúng thường vụ tỉnh uỷ được bố trí về làm bí thư huyện uỷ, huyện “điểm”. Vốn là người năng động nhạy bén lại được tham quan 27 ngày ở nước bạn, anh đã hình thành sẵn một huyện làm ăn lớn ở trong đầu như mô hình của bạn. Một liên hiệp công nông sản xuất theo chu trình khép kín quy mô toàn huyện. Với 19 vạn dân trong 45 ngàn héc ta đất tự nhiên và một cơ sở vật chất kiệt quệ anh chắc sẽ gặp khó khăn lớn lắm. Phải có mấy trăm xe vận tải cơ giới trong khi toàn huyện chỉ toàn xe bò. Phải có dăm bảy nhà máy sản xuất thành hàng hoá những sản phẩm làm ra trong khi không có một đồng vốn, một công nhân. Rồi phải có cả máy bay đi phun thuốc trừ sâu trong khi thường xuyên có hai vạn dân phải đi cứu đói từ bốn đến sáu tháng trong một năm. Số còn lại thì quá nửa bữa đói, bừa no. Phải có hàng triệu ki lô oát/giờ điện với hàng chục tỉ tiền vốn trong khi không có nhà nào có đủ năng lực (hoặc không bao giờ nghĩ đến) mua dầu thắp đèn ngoài tem phiếu. Phải có hàng trăm ki lô mét đường nhựa (chưa kể phải có sân bay và đường băng), trong khi mới chỉ có dăm cây số đường trải sỏi. Phải có... phải có khoản nào cũng hàng tỉ, hàng trăm tỉ. Trước mắt phải có 21 tỉ rưỡi để xây dựng bệnh viện đa khoa, làm nhà văn hoá, xây thêm trường cấp ba, hệ thống thuỷ nông cấp thoát nước, vài chục trạm tưới tiêu, xây dựng trạm biến thế và lưới điện, hàng chục con đường cấp phối liên thôn, liên xã trong khi vốn nhà nước tỉnh cấp 0,22 tỷ bằng 220 triệu và huyện chắt chiu từ hàng chục năm nay được 80 triệu tổng cộng bằng 0,3 tỷ. Nhưng không sao, kinh nghiệm ở xã và những năm ở chiến trường cho anh một kết luận: chỉ cần nhiệt tình là có tất. Có những việc tày trời hàng trăm năm không ai làm được nhưng có nhiệt tình làm, có tinh thần thì chỉ làm trong một vài năm, thậm chí chỉ vài ba tháng. Khi đã có nhiệt tình lớn, quyết tâm cao, ta làm kế hạch báo cáo lên trên. Tỉnh đã quyết tâm xây dựng huyện thành mô hình kiểu mẫu làm ăn lớn, bằng giá nào cũng phải tập trung mọi cố gắng để làm cho kì được.
Một ý định đã có sẵn trong đầu lại tin vào khả năng giao dịch đầy thuyết phục của mình, chỉ sau ba tháng về huyện anh đã huy động được toàn bộ 6000 người ăn lương nhà nước ở tất cả ngành giới của huyện và các nhà máy, xí nghiệp, các trường học thuộc trung ương và tỉnh đóng trên địa bàn huyện tham gia công cuộc cải tạo, phát triển nền kinh tế lớn của huyện. Toàn bộ công việc được chia thành hai khối lớn. Khối một: gồm tất cả những nhà tri thức, các cán bộ kĩ thuật và chuyên môn tập trung nằm bò ra ở hội trường huyện uỷ, uỷ ban để tính toán thiết kế các sơ đồ quy hoạch cho một viễn cảnh 5 đến 10 năm tới.
Trên hệ thống sơ đồ của huyện hiện tại được thống kê rất đầy đủ các số liệu toàn bộ cuộc sống xã hội trên tất cả mọi lĩnh vực. Có lẽ quán triệt ý định của bí thư phải làm nổi bật lên viễn cảnh tương lai, hay thực chất nó là thế, mà những con số so sánh về mọi mặt nó chỉ bằng hoặc kém hơn hồi chết đói năm 1945. Chẳng hạn một lao động chính làm quần quật hai sương một nắng từ sáng sớm đến tối nhọ mặt người bình quân giá trị ngày công chỉ mua được bốn phần 10 que kem, nghĩa là đi cày bừa, cuốc đất ròng rã hai ngày rưỡi trời mới được một que kem. Được cái, nông dân không mấy ăn kem và bằng cách nào đó nhiều người vẫn sống đàng hoàng với sập gụ, tủ chè, xe đạp, ra đi ô, xây nhà, xây sân nên không mấy ai xúc động về những con số “đói khổ”. Ngay cả những người quần đụp, nón mê, quanh năm không đủ khoai và dong riềng để ăn, cũng không thấy khổ sở lắm, không cần để ý đến giá trị ngày công, cũng không thấy cần thiết phải thay đổi làm gì. Còn những sơ đồ tương lai, sau khi đã xây dựng thành công thì hấp dẫn tệ. Dù người mù chỉ nghe nói, người điếc chỉ biết xem, đều biết chỗ nào là nhà máy chế biến thức ăn gia súc, nhà máy đay, nhà máy dệt, nhà máy làm chuối hộp, nhà máy làm tinh dầu (Hiện nay chưa có cơ sở nào từng lấy hồi, kinh giới, tía tô nhưng rồi sẽ phân công cho các xã tổ chức làm), nhà máy xay sát, nhà máy đóng hộp thịt lợn, thịt gà, thịt vịt thịt ngỗng xuất khẩu. Ở vùng này về độ tháng tám, tháng chín hàng năm có hàng triệu con cò bay về làm tổ đẻ trứng. Có thể ta bắt cò làm thịt đóng hộp xuất khẩu, là sản phẩm đặc biệt của huyện này mà cả thế giới chưa chắc đâu đã có. Nếu ăn khách ta xây dựng thêm nhà máy chuyên sản xuất thịt cò xuất khẩu theo một dây chuyền hiện đại từ A đến Z, nghĩa là từ khâu nhử cò về đây bằng âm thanh và ánh sáng, rồi nuôi, rồi bắt, rồi làm thịt đóng hộp đều bằng máy móc hiện đại điều khiển tự động. Các nhà máy xây lên để làm việc, chứ không phải để báo cáo thành tích nên nhà máy nào cũng phải có tí khói bay lên. Những con đường xe nối đuôi nhau cũng phải thể hiện “ngựa xe như nước”. Máy bay trực thăng đang phun thuốc trừ sâu ở cánh đồng nào? Ca nô tàu thuỷ bốc dỡ hàng ở những đâu? Chỗ nào là những bể nước khổng lồ phân phối nước cho những hệ thống tưới tiêu ngầm. Những tấm thảm màu xanh tương lai hi vọng cứ là cò bay gãy cả cành.
Trong khi khối một thiết kế quy hoạch, vẽ sơ đồ thì khối hai gồm tất cả các cơ quan thuộc hệ thống tuyên huấn, thông tin văn hoá, các đoàn thể và sinh viên học sinh, công nhân sưu tầm tài liệu tổ chức học tập cổ động bằng mọi hình thức ở tất cả mọi chỗ, mọi nơi. Tổ chức viết bài cho toà soạn “Bay lên” và Đài phát thanh “huyện ta”. Làm sao cả bề nổi bề chìm, bề rộng, bề sâu đều “đồng thời” tạo nên một khí thế mới, cổ vũ toàn dân một lòng tin tưởng tự hào hăng hái quyết tâm, phấn khởi phơi phới, tiến lên chiếm lĩnh đỉnh cao khoa học kĩ thuật biến huyện nhà từ một nơi nghèo nàn lạc hậu thành tươi đẹp ấm no, giàu mạnh toàn diện, tiêu biểu cho sức mạnh sáng tạo nhất tỉnh nhà (chắc chắn là nhất cả toàn quốc nhưng bà con ta vốn khiêm tốn hay cứ nói thế cái đã), 38 chiếc loa miệng như những cái chảo lớn được ty thông tin “tăng cường” mắc cho 36 xã và thị trấn. Đài truyền thanh “huyện ta” cách đây bốn năm khi có nhân viên vừa lên máy nói: “Đây là đài truyền hình huyện ta” thì từ những chiếc loa phát đi trong toàn huyện có tiếng ồm ồm của người đàn ông: “Không luộc lên, thiu bố nó rồi”. Từ đây người ta gọi đài truyền thanh “huyện ta” là đài “thiu bố nó rồi” mở từ sáng sớm đến hết giờ đài Hà Nội. Bài viết về những gương dũng cảm, tận tuỵ, sáng tạo mày mò ở các nơi rồi nghị quyết, chỉ thị, lời kêu gọi của huyện uỷ, uỷ ban các ngành, các giới cứ là hừng hực. Có lẽ từ ngày cải cách đến giờ mới lại có sự chỉ đạo tập trung thống nhất từng ngày, từng giờ một cách rầm rộ đến thế.
Ông già mù quơ cây gậy ra phía trước để chuẩn bị một bước chân sẽ bước lên. Rồi lại lẩy bẩy cây gậy lò dò trong khi hai khoé môi cứ nhếch lên như cười rồi nhanh chóng mím lại nghiêm trang, đưa bàn chân run run đặt vào chỗ cây gậy vừa nhấc lên tiến về phía trước. Những bà còng mỏi chân ngồi xuống, tí nữa bị hàng “quân” xô bẹp. Những đứa trẻ cõng em mũi thò lò chen chúc xô đẩy, chửi bới om sòm chí choé... Đoàn quân từ cụ già đến trẻ con “ra trận” hăm hở vào một buổi sáng chủ nhật. Ai cũng có trong tay một thứ gì đó như là xẻng, cuốc, dao thuổng, rổ, sọt, đứng thành hàng, xã nọ nối xã kia ngang dọc, nghìn nghịt người đứng dưới 1850 mét vải được huyện chia đều cho các xã làm băng cờ, khẩu hiệu đỏ thắm rợp trời!
Chả còn mấy chốc nữa giây phút trang nghiêm sẽ đến. Nghĩa là khi “tình bằng có cái trống cơm” phát ra từ cái loa câm bặt, tiếng trống cà rùng, tiếng hô khẩu hiệu của trẻ con dừng lại. Rồi tiếng ọ ẹ phát ra... Vài giây sau mới thấy tiếng hô nghiêm kéo dài và rất to. Sau chào cờ là ông Hiếu bí thư “kính thưa” ngay. Phải năm, sáu lần “kính thưa” chạy rào rào trên ngọn cây, vị tổng chỉ huy Lưu Minh Hiếu mới đọc mệnh lệnh ra quân:
- Toàn huyện là một công trường, toàn huyện là một mặt trận. Chiến trường của chiến sĩ hôm nay là mảnh đất quê hương thân yêu mình đang sống. Kẻ thù của chúng ta hôm nay là nghèo nàn lạc hậu, là thiên tai hạn hán, là úng lụt gió bão, là thiếu nhiệt tình cách mạng, thiếu ý chí tiến công. Tôi kêu gọi toàn đảng, toàn dân huyện nhà hãy dũng cảm, tấn công vào kẻ thù nghèo nàn lạc hậu, tấn công vào gió, bão, tấn công vào nắng, vào mưa bắt chúng phải khuất phục, bắt chúng phải đầu hàng để chúng ta chiếm lĩnh đỉnh cao chói lọi trên mặt trận ấm no hạnh phúc. Đồng bào và đồng chí có quyết tâm không?
Dân chúng từng xã đứng lên “trận địa” của xã mình, không trông thấy người nói tại cuộc mít tinh ở thị trấn nhưng do được phổ biến tập dượt trước cho nên xã nào cũng gào lên rất to ba lần “quyết tâm” đáp lại câu hỏi ở những cái loa treo trên ngọn cây. Chiến dịch ra quân đầu tiên này là mở những con đường liên thông, liên xã ngang dọc trong toàn huyện. Tổng cộng các đường liên xã làm cho ô tô đi là 85 ki lô mét và hàng trăm ki lô mét đường liên thôn cũng phải đắp đủ năm mét rưỡi trên mặt để ô tô đi. Trung bình mỗi xã phải làm năm ki lô mét. Rồi sẽ rải đá và rải nhựa. Cạnh đường là mương dẫn nước, mai kia sẽ đặt hệ thống cống ngầm, sẽ có cột điện cao thế, tức là điện khí hoá hoàn toàn. Tất cả bảy con đường liên xã đều phải thẳng như kẻ chỉ. Công trình hiện đại, làm ăn lớn không thể manh mún. Tất cả đền chùa miếu mạo, nhà cửa chợ búa và vân vân. Ở đâu chạm vào đường đi đã được vẽ và thông qua ở hội trường huyện đều phải phá dỡ, di chuyển. Ai chống lại, dân quân và công an bắt giải lên huyện và cứ phá dỡ để “giải phóng” mặt bằng. Theo thống kê chưa đầy đủ, đến 18 giờ ngày hôm qua đã có 912 trên tổng số 1327 nóc nhà đã phá dỡ di chuyển. 14 trong số 15 đình chùa cũng đã phá xong. Theo báo cáo của các cơ quan có trách nhiệm tại buổi tổng duyệt lúc 23 giờ 7 phút ngày hôm qua thì tất cả đều hăng hái phấn khởi, chỉ có 17 trường hợp ngoan cố không đi, có tên lăn ra nền nhà kêu gào. Lực lượng bảo vệ đã kiên quyết cưỡng bức, thậm chí có trường hợp phải vác họ đi hoặc trói lại đưa về huyện. Số hộ còn lại trước khí thế tiến công của chúng ta ngày mai sẽ phải giải quyết gọn 100 phần trăm. Nghe chủ tịch huyện, phó tổng chỉ huy thứ nhất trực tiếp làm trưởng ban giải phóng mặt bằng báo cáo. Hiếu nghĩ bụng “Nói phét. 100 phần trăm dân chúng mếu máo. Quá nửa số phải dỡ nhà nằm lăn kềnh ra kêu gào than khóc, có chỗ nó còn chửi và đánh lại, dân quân phải bắt hàng trăm người giam ở nhà truyền thống!” Phải lên tỉnh họp thường vụ, nhưng anh vẫn biết hết. Anh đã lường trước mọi chuyện nên toàn bộ lệnh phá nhà, bắt người và những phức tạp khác toàn quyền chủ tịch huyện với tư cách chính quyền quyết định. Nếu khó quá thì xin ý kiến tập thể thường vụ do phó bí thư trực chủ trì. Nói tóm lại. Anh sẽ thúc rất mạnh cho họ làm. Tất cả mọi ý định táo bạo của anh cũng đều có tập thể thường vụ thậm chí cả toàn ban huyện uỷ thông qua và chịu trách nhiệm. Bí thư nói:
- Sẽ vô cùng gian khổ, vô cùng phức tạp như tất cả mọi cuộc cách mạng lớn đều phải có sự hi sinh lớn. Khó khăn càng lớn, vất vả càng nhiều thì ý nghĩa thắng lợi càng sâu sắc lớn lao. Có thể nói việc giải phóng mặt bằng của chúng ta đã cơ bản hoàn thành với khí thế phấn khởi vui mừng và nguyện vọng thiết tha của toàn dân bao đời còn chìm ngập, đến nay chúng ta đã khơi dậy cho nó bùng lên tạo thành sức mạnh ghê gớm. Chỉ qua những ngày chuẩn bị chúng ta đã thấy cái sức mạnh ấy nó ghê gớm như thế nào. Tôi tin là buổi ra quân ngày mai nhất định sẽ bắt đầu một thời kì mới.
Anh biết rằng nông dân được chi ba ngày công cho buổi “ra quân”, học sinh được cộng điểm đạo đức, cán bộ được 5 đồng ăn trưa, công nhân ở xí nghiệp trung ương được bồi dưỡng “ca ba”, và rất nhiều biện pháp hành chính, nếu cần phải dùng cả lệnh cưỡng bức thì người chạy đi đâu mà không đông đảo, khí thế. Ngừng lại, nhìn mọi người rồi anh tiếp. – Nhất định chúng ta sẽ đóng một dấu son đỏ chót vào lịch sử xây dựng của huyện nhà. Lịch sử đã chọn chúng ta, giao phó cho chúng ta nhiệm vụ trọng đại, chúng ta kiên quyết làm người lính tiên phong trên mặt trận mới tiến công vào...
Sáng hôm sau, mít tinh nửa giờ xong, chủ tịch huyện, trưởng công an, viện trưởng viện kiểm sát, chánh án toà án có công an, dân quân, bộ đội “hộ tống” chia nhau trên các loại xe to nhỏ, súng ống tua tủa ra lệnh, bắt người đập phá để giải phóng nốt mặt bằng. Bí thư huyện uỷ một mình đạp xe đạp tránh những nơi đó, ông xắn quần, mặc áo “ba lỗ” bốc bùn ở chỗ các cơ quan tỉnh, trung ương và huyện. Sau rồi cứ để nguyên người ngợm lem luốc như thế đến vác đất đắp đường ở một vài xã “to mồm” và bốc phét nhất như Bái Trung, Phù Hoa. Ở đâu, bí thư cũng giữ nguyên nụ cười thường trực và nắm tay, ôm chầm lấy những thanh niên, phụ lão đào mai, bốc đất mò. Còn những người ở xa quá anh giơ hai tay của mình nắm thật chặt vào nhau như là một tay thì của anh, tay kia là của hàng trăm hàng nghìn bà con khiến ai cũng có cảm giác bí thư đang nắm lấy tay mình. Có chỗ anh còn lội xuống nước, ngập đến ngang người để thấy hết khó khăn của những người lao động vất vả. Bao nhiêu máy ghi âm, máy ảnh, máy quay phim và các phóng viên lăm lăm sổ tay mở sẵn xô nhau quây lấy quay, chụp và phỏng vấn và anh rất tươi cười trả lời tất cả mọi câu hỏi một cách thông minh và hóm.
- Rất là ấn tượng. Báo cáo anh, ấn tượng lắm ạ – Chánh văn phòng huyện uỷ đi cùng với trưởng phòng thông tin văn hoá đến bên nói. Bí thư đột ngột hỏi lại:
- Cái gì?
- Báo cáo anh, chỗ nào bà con cũng rất cảm động về sự sâu sát, ân tình của bí thư. Ấn tượng về buổi sáng nay rất mạnh và sâu sắc.
Biết thừa anh ta nịnh, bí thư vẫn tủm tỉm cười hỏi lại:
- Họ nói thế nào?
- Họ bảo không những bí thư có tầm nhìn xa rộng, có lí luận sâu sắc, còn có tác phong miệng nói, tay làm, hoà mình với quần chúng. Đúng là ấn tượng ghê lắm.
- Thời buổi này mà lí luận suông, chỉ tay năm ngón thì chỉ được những báo cáo rất dài và phong phú nhiều mặt.
- Báo cáo bí thư, hai mươi năm công tác ở văn phòng huyện uỷ tôi cũng đã có kinh nghiệm về chuyện này. Cho đến hôm nay thực sự không thể nghi ngờ quần chúng lại tự nguyện lao vào cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật một cách phấn khởi, hào hùng hơn cả đi hội.
Hội hè cái con khỉ. Bầy ra bao nhiêu trò động viên giáo dục, khích lệ và bỏ ra mấy trăm triệu chi phí mới được như thế. Dân chúng bây giờ khôn như ranh, có ai mơ màng ngây thơ gì nữa mà vui được như hội. Chỉ quen cái thói lựa theo ý thủ trưởng là không ai bằng. Bí thư chỉ lim dim mắt như là lắng nghe và nghĩ chứ ông không nói ra. Nói ra làm gì! Phản đối cậu ta thì phản đối tất và phản đối ngay cả mình. Thời buổi bây giờ thằng nào làm được việc cũng đều biết cách dối mình và dối cấp trên, nói dối dân chúng. Chả cứ gì cấp trên, ngay dân chúng cũng ưa nịnh, thích được tâng bốc, thích làm ít, khen nhiều. Chính sách (đa dương, thiểu bình) của cụ Văn Yến là tuyệt vời. Một lời khen sai còn hơn mười lời chê đúng. Khen thì bao nhiêu cũng ít. Nói hơi sường sượng một tí vẫn thấy thinh thích. Còn chê? Nhất là cấp trên bị chê thì một lời nhẹ như bấc cũng nặng bằng cối đá tảng. Các cối đá tảng ấy không bao giờ cấp trên nuốt vào bụng được nên buộc nó phải lăn đi. Lăn ngay vào đầu thằng chê. Đã định “phấn đấu” mà còn đi chê cấp trên, nhất là cấp trên quyết định sinh mệnh của mình, có là thằng đại ngu. Cho nên, chỉ có các cụ về hưu mới tích cực đấu tranh, phê và tự phê, người đương chức, nhất là người không có nghề gì ngoài nghề “công tác” trong biên chế nhà nước, mấy ai họ dại.
°

*

Cái khí thế tự hào phấn khởi nó đang bừng bừng như lửa cháy, bọn địch đã công khai phá hoại trắng trợn, nếu không “cứng” là phong trào ỉu như bánh đa nước. Mất ngay với chúng chứ chả đùa. Nạc xã đội trưởng, phó tư lệnh chiến dịch trực tiếp điều “quân” và chỉ huy như chức trách của một tham mưu trưởng. Suốt từ đêm qua anh cùng thường vụ đảng uỷ, thường trực uỷ ban, công an, phải họp bàn để bố trí với chúng và củng cố tinh thần cho dân không ai chợp mắt. Sớm ra hô hào, đốc thúc các đơn vị ra quân xong lại phải đạp xe lên huyện tìm Hiếu. Không ai biết anh đến điểm nào nên tìm mãi đến trưa anh đành quay về thì gặp Hiếu cũng đạp xe xuống dốc đê.
Trông mặt mũi Nạc hốc hác, hớt hơ hớt hải và rất nghiêm trọng, Hiếu hỏi:
- Lại chuyện gì xảy ra?
Nạc như dỗi, mặt mũi lầm lầm phải nén sự bực bội đang muốn trào túa ra rồi mới trả lời Hiếu:
- Chính con bé nhà chú, nó làm tôi bẽ mặt. Tí nữa nó phá tan hết phong trào. Nửa đêm qua, cả đảng uỷ, uỷ ban định kéo lên huyện. Tôi phải thuyết phục mãi họ mới chịu chia nhau đi vừa vận động vừa dùng biện pháp cứng rắn thì sáng nay mới “ra quân” được đấy.
- Chính con Huyền?
- Nó làm, nhưng âm mưu là những thằng khác.
- Nó về bao giờ?
- Đi thực tập từ một tuần nay ở tỉnh rồi về huyện. Huyện bận tập trung chiến dịch, phòng giáo dục cho chúng nó nghỉ tạm về nhà mấy ngày.
- Con Huyền liên quan gì đến chiến dịch?
- Nó tuyên truyền không công cho địch. Tối qua toàn xã “ra quân” thử, chúng đã kéo đến và con Huyền đã nói bô bô ở giữa sân miếu Cuội là làng này không nên lấp đầm ông Cuội. Làm thế thì có khác gì lấp hết những kỉ niệm, những nhu cầu từ tổ tiên ông cha để lại. Bao giờ có nước máy, có nhà tắm sẽ hay. Bây giờ nhân dân cả xã tắm rửa, giặt giũ ở đây sao lại đem “lấp”. Nó lại bảo tại sao lần này nó về quê cứ như vào một trại lính. Toàn xã ai ai mở mồm ra cũng “chiến dịch”, “ra quân”, “trận đánh”, “tiến công”, “xung phong”, “đầu hàng”, nghe cứ rợn cả người. Vùng ta định biến xã hội này thành trại lính. Lúc ấy tôi lại đang trao đổi với bí thư ở trong nhà, anh ấy không biết. Nếu không, tôi đã gô cổ nó, cho người lôi về nhà, còn anh em khác ở đấy ai cũng ngại nó là con chú. Nguy hiểm ở chỗ nó nói, mọi người lại xúm vào nghe. Có người vô ý thức còn hét lên “cô Huyền nói hay quá. Cứ nói nữa đi cho bà con mở mang ra”. Tôi nghĩ là con này quan hệ lăng nhăng bừa bãi có khi bọn địch lợi dụng làm cái loa tuyên truyền không công cho nó mà ta không cảnh giác. Đêm qua tôi đã cho lệnh bắt trói tống giam 5 tên.
- Những đứa nào?
- Một thằng dạy ở trường đại học chỗ con Huyền có họ hàng gì với chi nhánh nhà vợ tổng Bạt và thằng Tịnh em trai nhà Bạt đi bộ đội về làm gì ở trên Hà Nội. Thằng thứ ba là vệ sĩ hay lực sĩ gì đấy. Thấy bảo vẫn hát ở trên đài. Còn hai thằng kia thì một là nhà thơ một thằng là châm cứu lí luận, chúng nó đều ở trong nhà thằng Tịnh.
- Bắt chúng nó về tội gì?
- Phát ngôn rất bừa bãi. Chính chúng nó có vẻ cổ vũ xúi giục con Huyền nói bậy. Ăn chơi trác táng bậy bạ. Gần mười giờ đêm còn hò hát tán tỉnh cười đùa. Thằng nhà thơ lại đọc thơ của tay Nguyễn Du nào đấy làm thơ ca ngợi con gái dám trèo tường đi quan hệ bất chính. Nghe rất uỷ mị sướt mướt có tính chất khêu gợi chuyện nam nữ lăng nhăng. Hành động của chúng không những sặc mùi phản động mà còn phá hoại tinh thần và ý chí của hàng mấy chục nam nữ thanh niên ngồi nghe. Nếu không ngăn chúng lại thì những anh chị em đó sáng nay không thể “ra quân” được. Vừa tháng trước chú phổ biến phải cảnh giác với bọn trí thức trí ngủ gì đấy nên khi nghe nói đám này đích thị là trí thức tôi phải cho người bám sát theo dõi ngay. Bắt quả tang lúc chúng đang hát hỏng thơ ca hò vè phản động.
Hiếu nghe vừa muốn bật cười, vừa xấu hổ vì ông anh lớp ba này. Cả tức giận nữa. Khốn khổ ở chỗ, trình độ như thế đã là loại “át” chủ bài của lớp cán bộ được ra đời (từ sau cải cách và sửa sai của xã này) nên anh ấy đã lên lớp giảng bài cho hàng nghìn lượt người của xã về văn hoá tư tưởng về quân sự chính trị, về chủ trương của ta âm mưu của địch. Chuyện gì cũng biết, chuyện gì cũng bàn, cũng “lên lớp” được. Cuối năm 1970 anh ấy đã từng duyệt sách, duyệt nhạc, duyệt tranh, duyệt thơ văn của các nhà văn nhà báo, nhạc sĩ, hoạ sĩ. Viết, vẽ cho xã một quyển đủ tất cả các loại “truyền thống” để xã đi duyệt và cho in. Cái ông “chủ biên” có tên bằng chữ in hẳn hoi ấy lại đi bắt người đọc thơ của Nguyễn Du tác giả truyện Kiều và đề nghị “chú xem tay Nguyễn Du nó công tác ở đâu nên có công văn của huyện uỷ đề nghị trên xử lí tay này không có nguy hiểm lắm”. Lại khốn khổ ở chỗ không có những người như ông ấy thì mọi việc ở xã này lại không xong.
Hiếu buồn bã nén một hơi thở mệt mỏi bảo:
- Anh đi mời tất cả các anh em thường vụ về đây.
Ông anh họ lại tất bật một cách nghiêm trọng đạp xe đi. Đúng là con người “chỉ đâu đánh đấy”, trung thành tuyệt đối. Hiếu ngồi bệt xuống bệ cỏ. Giá không có người qua lại anh đã ngả người xuống vệ đường cho giãn xương cốt và đỡ căng thẳng, rã rời.
Tất cả mấu chốt để “chữa cháy” những việc đã xảy ra ở xã không khó khăn gì. Làm sao để các “bố” ấy khỏi nhụt chí, “mất khí thế” là được. Nỗi tức giận và giằng xé trồi cộm lên đến tận cổ là chuyện con gái anh. Vừa nghe chuyện nó anh đã muốn lao về nhà túm tóc, tát cho nó tối mặt lại mới hả. Nhưng anh cảm thấy bất lực chính từ mụ vợ anh. Mụ vợ, như một con ma ám ảnh trong tất cả mọi việc. Chuyện con gái anh, mụ ấy yêu cầu hai điều:
Thứ nhất: Pháp luật đã quy định nộp năm đồng một tháng nuôi con khi nó chưa trưởng thành.
Bây giờ nó đã quá mười tám tuổi, nhưng nếu xin tôi vẫn cho cái năm đồng ấy. Không thì thôi. Chín sáu đồng tiền lương của anh cũng không đủ nuôi con anh theo “giá ngoài” đâu, đừng sợ phải nuôi tôi. Nên tôi cứ dứt điểm trừ cho anh ăn tiêu mỗi tháng mười lăm đồng. Ăn cơm tập thể tháng có mười ba đồng, tôi cứ để anh tiêu cả mười lăm. Còn lại phải minh bạch sòng phẳng. Nếu mẹ anh ở đây tôi cũng phải nuôi đàng hoàng. Nếu cụ không thích ở đây, cái tiền vẫn nộp cho con Huyền chuyển sang cho cụ.
Thứ hai: Trước đây anh chửi mắng đánh đập con anh thế nào thì tuỳ. Bây giờ tôi yêu cầu anh không được đánh đập, mắng mỏ nó.
Tưởng vợ thương đứa con riêng của mình, anh phản đối:
- Nó mà hư thì phải dạy bảo giáo dục.
Cô ta hầm hầm bỏ đi. Dăm bảy ngày sau nhân lúc vợ chồng to tiếng, cô ta mới nói toẹt ra:
- Tôi bảo anh đừng đánh mắng con anh là để tôi khỏi mang tiếng dì ghẻ xui bố chửi mắng con chồng. Nhưng tôi cũng để xem thái độ của anh ra sao. Tôi hỏi anh, nếu một kẻ ở ngoài đường nó làm việc gì xấu anh có dám mắng chửi nó không.
- Nhưng nó là con tôi chứ không phải là kẻ qua đường.
- Là con, nhưng nó đủ suy nghĩ để quyết định đời nó, anh không việc gì cứ phải chạy theo lo toan dạy dỗ. Anh còn lo lắng đến con riêng của anh tức là anh không còn thì giờ, tình cảm để “tất cả” cho con như mồm anh vẫn xoen xoét nói với tôi. Anh còn nhớ không?