Năm 1995, sau một chuỗi dài những buổi chụp ảnh và biểu diễn thời trang, tôi trốn đến Trinidad để nghỉ ngơi. Đang là Carnival (lễ hội hoá trang), ai cũng mặc quần áo hoá trang, nhảy múa và thích thú, miệt mài hưởng thụ niềm vui sống. Tôi ở nhà một gia đình tôi quen, tôi vừa ở được vài ngày thì một người đàn ông đến gõ cửa. Chủ của gia đình, một phụ nữ đứng tuổi chúng tôi gọi là dì Monica ra cửa trả lời. Lúc đó đã muộn, bên ngoài trời rất nóng, nhưng trong phòng chúng tôi ngồi mát mẻ. Người đàn ông đứng bên cửa in bóng lờ mờ trong ánh mặt trời, tôi không thể nhìn rõ nhưng nghe ông ta nói đang tìm một người tên là Waris. Lúc đó dì Monica gọi:- Waris, cháu có điện thoại.- Điện thoại ư? Ở đâu ạ?- Cháu đi cùng với người này. Ông ta sẽ đưa cháu đến đấy.Tôi đi theo về nhà ông ta. Ông ta là hàng xóm của dì Monica, ở cách đó vài nhà và là người duy nhất trong vùng có điện thoại. Chúng tôi đi qua phòng khách đến sảnh lớn, ông ta chỉ cho tôi ống nghe rời khỏi giá.- Hello?Đấy là người đại diện của tôi ở London.- Chào Waris, xin lỗi đã làm phiền cô, nhưng đài BBC vừa liên hệ với chúng tôi. Họ muốn gặp cô ngay. Họ muốn trao đổi với cô về việc làm một phim tài liệu.- Phim tài liệu gì vậy?- Về một người đang là siêu mẫu, cô ấy từ đâu đến, cảm thấy cuộc sống mới ra sao.- Đấy không phải là chuyện đáng kể, tôi định nói là, ơn trời, họ không thể tìm ra cái gì thú vị hơn sao?- Đằng nào thì cô cũng phải nói chuyện với họ. Tôi sẽ trả lời cho họ biết, bao giờ thì cô gọi điện?- Này, tôi không muốn trò chuyện với bất cứ ai.- Nhưng họ nhất thiết muốn nói chuyện với cô ngay bây giờ.- Anh cứ nói bất cứ câu gì. Bảo họ là tôi sẽ nói chuyện khi nào tôi trở về London. Rời đây tôi phải bay về New York, rồi mới bay đến London. Tôi sẽ gọi cho họ khi nào tôi tới nơi.- Thôi được, thế vậy, tôi sẽ nói với họ.Nhưng ngày hôm sau, trong lúc tôi ra ngoài thành phố ăn uống thì người ấy lại đến nhà dì Monica lần nữa, nói lại có điện gọi Waris. Tôi phớt lờ tin này. Ngày hôm sau nữa lại một cú gọi nữa. Lần này tôi trở lại nhà ông ta vì rõ ràng là họ sắp làm ông ta kiệt sức vì cứ phải chạy đi tìm tôi. Tất nhiên lại là đại diện của tôi.- Tôi đây, có việc gì vậy?- Chào Waris, lại chuyện BBC, họ cần nói chuyện khẩn với cô, ngày mai vào giờ này họ sẽ gọi cho cô.- Tôi đang nghỉ kia mà? Tôi không muốn nói chuyện với ai hết. Tôi đã trốn tất cả mọi thứ, xin hãy để tôi yên và đừng bắt tội người đàn ông tội nghiệp này nữa.- Người chỉ muốn hỏi cô vài câu thôi.Tôi thở dài- Trời ơi. Thôi được. Bảo họ ngày mai gọi cho tôi vào số này vậy.Ngày hôm sau tôi nói chuyện với đạo diễn Gerry Pomery đang làm phim cho BBC. Ông ta hỏi vài câu về đời tôi.Tôi đáp cộc lốc:- Thứ nhất, tôi không muốn nói chuyện bây giờ. Tôi đang nghỉ ở đây. Ông có biết không? Chúng ta không thể nói chuyện vào lúc khác được sao?- Tôi xin lỗi, nhưng chúng tôi phải quyết định ngay và tôi cần một số thông tin.Thế là đứng trong hành lang nhà một người lạ ở Trinidad, tôi kể chuyện đời tôi cho một người lạ khác ở London.- Tuyệt lắm. Waris. Chúng tôi sẽ gặp cô sau.Hai ngày sau người đàn ông ấy lại đến nhà dì Monica.- Có điện thoại tìm cô Waris.Tôi nhún vai với ông ta, lắc đầu và theo ông ta xuống phố. Đó là Gerry ở BBC.- Vâng cô Waris. Chúng tôi muốn làm một bộ phim tài liệu về cuộc đời cô. Sẽ là một phim dài nửa tiếng cho chương trình "Ngày biến đổi đời tôi".Trong khoảng thời gian giữa cú điện thoại đầu tiên của người đại diện đến cú điện thoại thứ hai của BBC, tôi đã nghĩ đến việc làm bộ phim tài liệu này.- Ông nghe đây, Gerry. Tôi sẽ bàn với ông. Tôi sẽ làm phim này với người của ông, nếu ông đưa tôi trở lại Somalia và giúp tôi tìm được mẹ tôi.Ông ta đồng ý, nghĩ chuyến trở về Somalia của tôi sẽ là phần kết rất hay cho câu chuyện. Gerry bảo tôi gọi điện cho ông ta ngay khi tôi trở về London, sau đó chúng tôi sẽ cùng vạch ra kế hoạch cho toàn bộ dự án này.Trở về cùng BBC sẽ là cơ hội về nhà đầu tiên kể từ ngày tôi rời Mogadishu, vì vô số những rắc rối về chuyện hộ chiếu, vì những cuộc chiến tranh giữa các bộ tộc ở Somalia, và tôi không biết gia đình tôi hiện ở đâu. Dù tôi có khả năng bay đến Mogadishu, vẫn chưa chắc đã gọi được cho mẹ tôi và nhắn bà đến gặp tôi ở sân bay. Kể từ lúc BBC đưa tôi đi, tôi chẳng còn nghĩ đến việc gì hơn nữa. Tôi gặp Gerry và Colm, trợ lý của ông rất nhiều lần để thảo luận kế hoạch và dựng câu chuyện về đời tôi thật tỉ mỉ trau chuốt.Chúng tôi bắt đầu quay ngay ở London. Tôi trở lại những nơi cũ của tôi, bắt đầu từ nhà chú Mohammed, cư xá của Đại sứ Somalia, mà BBC được phép vào. Họ quay trường All Souls Church, nơi tôi được Malcolm Fairchild phát hiện. Sau đó họ quay cảnh phỏng vấn ông, hỏi vì sao ông chú ý đến việc chụp ảnh một cô hầu không quen biết. Đoàn làm phim quay cảnh tôi trong một buổi chụp với Terence Donovan. Họ phỏng vấn Sarah Doukas, người bạn tốt của tôi và là giám đốc Sorm, một hãng người mẫu ở London.Việc tiến hành toàn bộ dự án này càng ráo riết khi BBC quyết định bám sát tôi khi tôi được mời dẫn chương trình cho Soul Train, một chương trình truyền hình giới thiệu những bản nhạc hay nhất của người da đen. Trước kia tôi chưa bao giờ làm một dự án như thế và hoàn toàn kiệt sức vì căng thẳng. Thêm vào đó, khi chúng tôi đến Los Angeles, tôi bị cảm lạnh dữ dội và chỉ có thể trò chuyện. Suốt thời gian đi từ London đến Los Angeles, vừa xì mũi vừa đọc kịch bản, chuẩn bị sẵn sàng cho buổi diễn, vừa ngồi trong xe limousine đoàn làm phim BBc là những cái bóng không rời, quay phim tôi. Sự điên rồ ấy tăng gấp bội lúc tôi đến trường quay và đoàn làm phim quay chương trình Souls Train đang quay tôi. Nếu như có một tình tiết tôi không muốn lưu giữ cho bộ phim tài liệu, chính là đoạn này. Chắc tôi là người dẫn chương trình tồi nhất của Soul Train, nhưng Don Cornelius và nhóm sản xuất rất kiên nhẫn với tôi. Chúng tôi bắt đầu từ mười giờ sáng và làm việc cho đến chín giờ đêm. Tôi nghĩ đây là ngày dài nhất từ trước tới nay. Việc đọc vẫn là một tai hoạ và là điều khó cho tôi, y như hồi đóng James Bond. Dù kỹ năng của tôi đã hoàn thiện nhiều, tôi vẫn rất vất vả khi đọc to lên. Cô đọc những thiếp giới thiệu trước hai đoàn làm phim, hàng chục vũ công và nhiều ca sĩ nổi tiếng thế giới, trong lúc những ngọn đèn chiếu vào mắt chói loà là một thách thức lớn hơn tôi tưởng. Họ gào lên:- Cảnh hai mươi sáu…cắt!- Cảnh bảy mươi sáu…cắt!Nhạc bắt đầu chơi, các vũ công bắt đầu nhảy múa, mọi người bắt đầu quay, tôi vụng về đọc dòng chữ:- Cảnh chín mươi sáu… cắt!Các vũ công đứng chết lặng, cánh tay buông thõng xuống bên sườn và nhìn tôi chằm chằm như muốn nói "Cái mụ ngu ngốc kia là ai vậy? Chúa ơi, không biết họ tìm được mụ ở đâu ra? Chúng tôi chỉ muốn về nhà!"Nhiệm vụ dẫn chương trình của tôi gồm đọc lời chào mừng Donna Summer, đó là một vinh dự lớn cho tôi vì bà là một trong những ca sĩ được yêu thích nhất của mọi thời đại. "Thưa các quý ông quý bà, xin tất cả một tràng pháo tay chào mừng ngôi sao của chương trình. Donna Summer!"- CẮT!- SAO THẾ?- Cô quên đọc danh hiệu của bà ấy. Đọc trên tấm các giới thiệu, Waris.- Ôiii! Mẹ khỉ! Anh phải giơ cái tấm cạc chết tiệt kia lên, nhặt được chưa? Tôi không thể nhìn thấy cái gì cả. Đừng có để xuống. Giơ thẳng lên, những ngọn đèn này cứ chiếu vào mắt tôi. Tôi không thể nhìn thấy gì hết.Don Cornelius dẫn tôi ra một góc và nói:- Cô hít một hơi thật sâu vào. Hãy cho tôi biết cô cảm thấy ra sao nào.Tôi giải thích cho ông rằng dòng chữ này không thuận tiện cho tôi, cách đọc của tôi không thông đồng bén giọt.- Vậy cô muốn làm thế nào? Tiến lên chứ. Tiếp tục đi nào.Họ bình tĩnh và kiên nhẫn đến lạ lùng. Don và toàn đoàn để tôi tiếp tục và làm nháo nhào mọi thứ, rồi họ giúp tôi điều chỉnh lại lần nữa. Đoạn tốt nhất của toàn bộ chương trình là làm việc với họ và Donna Summer. Bà đã tặng tôi một CD có chữ ký tặng những bài hát tuyệt nhất của bà.Sau đó BBC và tôi đến New York. Họ theo tôi ra hiện trường, nơi tôi phải chụp ảnh dưới trời mưa, đi ngược xuôi trên các đường phố Manhattan, mặc áo choàng đen và áo mưa, tay cầm ô. Một đêm khác, người quay phim ngồi lặng lẽ trong góc nhà quay cảnh tôi nấu ăn cùng một nhóm bạn bè trong căn hộ ở khu Harlem. Chúng tôi vui vẻ, thoải mái đến nỗi quên bẵng có anh ta ở đấy.Giai đoạn tiếp theo yêu cầu tôi và cả đoàn gặp nhau ở London và bay đến châu Phi, nơi tôi sẽ đoàn tụ với gia đình, lần đầu tiên kể từ ngày tôi chạy trốn. Trong lúc chúng tôi dang quay ở London, Los Angeles và New York, nhân viên của BBc ở châu Phi bắt đầu sốt sắng tìm kiếm mẹ tôi. Muốn xác định vị trí của gia đình tôi, chúng tôi phải lùng trên các bản đồ, và tôi cố chỉ cho họ những vùng chúng tôi tôi di chuyển. Tiếp đó, tôi phải xem lại tên các bộ lạc và thị tộc của gia đình tôi, những thứ rằng dễ nhầm lẫn nhất là với người phương Tây. BBC đã tìm kiếm suốt ba tháng ròng mà không có kết quả.Theo kế hoạch, tôi sẽ ở lại New York làm việc cho đến khi BBC tìm được mẹ tôi, sau đó tôi sẽ bay đến London và tất cả chúng tôi sẽ bay về châu Phi quay đoạn kết câu chuyện. Ngay sau khi BBC bắt đầu tìm kiếm mẹ tôi, một hôm Gerry gọi cho tôi và nói:- Chúng tôi đã tìm được mẹ cô.- Ôi, tuyệt quá!- Đúng thế, chúng tôi nghĩ là đã tìm ra mẹ côTôi nói:- Sao các anh lại nói "các anh nghĩ"?- Ok, chúng tôi đã tìm được một người phụ nữ và hỏi có phải con gái bà tên là Waris không. Bà ấy nói đúng, bà có một người con gái là Waris. Đúng, Waris đang ở London, nhưng có vẻ như bà ấy rất mơ hồ về các chi tiết, nên người của chúng tôi ở Somalia không chắc liệu bà ta có phải là mẹ của một Waris khác không.Sau khi hỏi han kỹ thêm, BBC loại bỏ người đàn bà này, nhưng cuộc tìm kiếm chỉ bắt đầu. Bỗng nhiên có hàng đống phụ nữ đang sống ở sa mạc tuyên bố là mẹ tôi, tất thảy đều có con gái tên là Waris sống ở London, vậy mà lạ lùng thay, riêng tôi chưa bao giờ gặp được người nào có tên như tôi.Tôi giải thích việc này:- Những người ở nơi đó đều nghèo khổ, họ không còn hy vọng gì. Họ tưởng nếu nói "Đúng, chúng tôi là gia đình cô ấy" các anh sẽ đến ngôi làng nhỏ bé của họ quay phim và họ có thể được tiền, được đồ ăn. Những bà này giả vờ là mẹ tôi, và hy vọng sẽ kiếm chác được chút ít. Tôi không biết vì sao họ lại nghĩ thế, nhưng họ cứ liều.Thật không may, tôi không có bức ảnh nào của mẹ tôi, nhưng Gerry nảy ra một ý khác:- Chúng tôi cần biết một số điều bí mật, chỉ mẹ cô biết về cô thôi.- Mẹ tôi thường gọi tôi bằng biệt hiệu Avdohol, có nghĩa là Miệng xinh.- Liệu bà có nhớ không?- Chắc chắn là có.Từ đó trở đi, Avdohol trở thành một mật mã. Mỗi lần BBC phỏng vấn, những người đàn bà này đều trả lời trôi chảy vài câu hỏi, sau đó họ đều trượt vì cái biệt hiệu này. Tạm biệt nhé. Cuối cùng một hôm họ gọi tôi và nói:- Chúng tôi nghĩ là đã tìm được bà. Người này không nhớ biệt hiệu nhưng bảo là có con gái tên là Waris làm việc cho đại sứ ở London.Tôi mong hôm sau có chuyến bay rời New York. Khi tôi đến London, BBC cần thêm vài ngày để chuẩn bị. Chúng tôi sẽ bay đến Addis Ababa ở Ethiopia, rồi thuê một máy bay nhỏ đến biên giới Ethiopia-Somalia. Chuyến đi sẽ rất nguy hiểm. chúng tôi không thể đến Somalia vì đang có chiến tranh, nên gia đình tôi phải đến biên giới để gặp tôi. Nơi chúng tôi hạ cánh là giữa sa mạc, không có đường băng, chỉ có đá và bụi cây.Trong lúc BBc sửa soạn cho chuyến đi, tôi lưu lại ở một khách sạn ở London. Nigel đến thăm tôi. Tôi cô giữ giới hạn thân tình với anh vì hoàn cảnh bấp bênh của tôi. Lần này, tôi trả tiền cầm nhà của anh ở Wales, vì anh không có việc làm và cứ nhất định không chịu tìm việc. Tôi đã tìm cho anh việc làm ở một số người tôi quen, nhưng sau ba tuần họ đều thải anh và bảo anh đừng quanh quẩn nữa. Ngay từ lúc đầu, khi Nigel biết tin về bộ phim tài liệu này, anh đã quấy rầy tôi, đòi di châu Phi cùng với tôi.- Tôi muốn đi. Tôi muốn biết chắc là em an toàn.Tôi nói:- Không, anh không đi được. Tôi sẽ giải thích với mẹ tôi anh là thế nào? Anh là ai mới được chứ?- Kìa, tôi là chồng cô!- Không, không phải thế! Hãy quên chuyện đó đi. Rõ chưa? Hãy quên đi.Có điều chắc chắn, anh ta không phải loại người tôi muốn giới thiệu với mẹ tôi. Nhất định không phải là chồng tôi. Ngay từ hồi tôi mới bắt đầu làm việc với BBC, Nigel đã nhất quyết lẽo đẽo bám theo tôi. Rất nhanh chóng, Gerry chán ngấy anh ta. Chúng tôi thường gặp nhau để ăn tối, Gerry gọi điện vào ngày đó và nói:- Tối nay anh ta sẽ không đi cùng cô chứ? Tôi xin cô, Waris, bảo anh ta đừng làm thế nữa đi.Khi tôi trở lại London, Nigel đến khách sạn tôi ở và lại bắt đầu vận động chuyến đi châu Phi với tôi. Lúc tôi từ chối, anh ta đã ăn cắp hộ chiếu của tôi. Lẽ tất nhiên, anh ta biết ít ngày nữa chúng tôi sẽ rời đất nước này. Tôi không làm sao thuyết phục được anh ta trả lại cho tôi. Cuối cùng, một buổi tối, tôi thất vọng đến gặp Gerry và nói:- Gerry, anh sẽ không tin chuyện này mất. Anh ta lấy hộ chiếu của tôi và nhất định không chịu trả.Gerry gục trán xuống bàn tay và nhắm mắt lại:- Ôi Chúa ơi, tôi thực sự ngán cái anh chàng này, Waris, tôi phát ốm vì phải giải quyết với các loại rác rưởi này, tôi… tôi thực sự chán ngấy.Gerry và những người khác ở BBC cố dùng lý lẽ thuyết phục Nigel:- Anh hãy hành động như người lớn, như một người đàn ông đi chứ. Chúng tôi sắp kết thúc dự án này rồi, anh không thể làm thế với chúng tôi. Chúng tôi cần làm xong đoạn kết ở châu Phi, có nghĩa là chúng tôi phải đưa Waris đến đấy. Bây giờ, ơn Chúa, xin anh hãy…Nhưng Nigel chẳng quan tâm, anh ta mang hộ chiếu của tôi về Wales.Tôi phải đến Wales một mình và van nài anh ta. Hết lần này đến lần khác, anh ta từ chối trả lại trừ khi được đi châu Phi cùng với chúng tôi. Tôi kẹt phải một chuyện thật rắc rối, vô hy vọng. Tôi đã cầu nguyện có dịp gặp lại mẹ tôi sau mười lăm năm xa cách. Nếu có Nigel ở đấy, tất cả những điều kinh qua sẽ hỏng bét. Chẳng còn ngờ vực gì nữa, anh ta tin chắc phải được như thế. Nếu tôi không đưa anh ta đi, tôi sẽ không có dịp gặp mẹ, vì tôi không thể đi mà không có hộ chiếu.- Nigel, anh không thể theo chúng tôi và làm mọi người nhức đầu. Anh không thấy đây là cơ hội tôi gặp lại mẹ tôi, lần đầu tiên suốt mười lăm năm trời ư!Anh ta cay cú vì chúng tôi sắp đi châu Phi mà không đếm xỉa gì đến anh ta.- Tôi thề, cô đúng là đồ gian lận khốn kiếp! – anh ta gào lên. Cuối cùng, tôi thuyết phục được anh ta bằng cách hứa một ngày nào đó sẽ đưa anh ta đến châu Phi, chỉ có hai chúng tôi, khi việc này đã xong. Đây là một mánh khóe rẻ tiền, và tôi chẳng hãnh diện gì vì đấy là một lời hứa mà tôi biết sẽ chẳng bao giờ thực hiện. Nhưng với Nigel, thì một người lớn, tử tế và biết điều sẽ chẳng bao giờ thất hứa. Chiếc máy bay hai động cơ hạ cánh ơ/ Galadi, Ethiopia, một làng nhỏ có rất nhiều người Somalia kéo đến để vượt biên, trốn cuộc chiến ở quê nhà. Lúc chúng tôi tiếp lớp đất sa mạc đỏ rải trên đá, chiếc máy bay nảy lên dữ dội. Chắc bạn có thể nhìn thấy bụi kéo dài nhiều dặm, vì cả làng này chạy đến chỗ chúng tôi. Trước kia, họ chưa từng nhìn thấy thứ này bao giờ. Cả đoàn BBC và tôi trèo ra khỏi máy bay, và tôi thử nói tiếng Somali với những người đang bươn bả chạy đến gặp tôi. Tôi cố giao tiếp với họ, vì có một số là người Ethiopia, một số là người Somalia, nhưng họ nói các thổ ngữ khác hẳn nhau. Trong vòng mấy phút, tôi đành chịu.Tôi hít mùi không khí nóng nực, mùi cát, và bỗng nhớ đến thời thơ ấu đã mất của tôi. Từng chi tiết nhỏ bé ùa đến với tôi và tôi bắt đầu chạy. Cả đoàn hét lên:- Waris, cô đi đâu thế?- Đi đi…cứ đến bất cứ nơi nào mọi người phải đến… Tôi sẽ quay lại.Tôi chạy và chạm vào mặt đất, chà xát mặt đất giữa các ngón chân tôi. Tôi sờ vào cây cối. Chúng khô khốc và đầy bụi, nhưng tôi biết là sắp có mưa, lúc đó mọi vật sẽ tưng bừng nở hoa. Tôi hít không khí vào đầy phổi. Nó chứa đầy mùi kỷ niệm tuổi thơ của tôi, những năm tôi sống ngoài trời, những cây sa mạc này, loại cát màu đỏ này chính là quê hương tôi. Ôi Thượng Đế, đây là nơi của tôi. Tôi bật khóc vì niềm vui được trở về nhà. Tôi ngồi dưới một cái cây và ngay lập tức cảm thấy niềm hạnh phúc tràn ngập vì tôi đã trở lại nơi tôi thuộc về nó và thấy buồn sâu sắc vì nỗi nhớ mong da diết. Nhìn xung quanh, tôi ngỡ ngàng vì đã xa cách mọi thứ lâu đến thế. Giống hệt như mở một cánh cửa mà trước ngày hôm nay tôi không dám mở, và tìm thấy một phần bản tôi đã lãng quên. Lúc trở lại ngôi làng, mọi người tụ tập quanh tôi và bắt tay tôi:- Chào cô em gái.Lúc đó chúng tôi mới phát hiện ra chẳng có thứ mà chúng tôi mong, không có người đàn bà nhận là mẹ tôi, và chẳng ai biết tìm gia đình tôi ở đâu. Các nhân viên của BBC rất chán nản, họ không có tiền trong ngân sách để trở lại lần thứ hai. Gerry nói:- Ôi không, không có đoạn này sẽ không có phần cuối. Mà không có phần cuối sẽ không có câu chuyện thực cho toàn bộ cuốn phim. Thế là phí phạm mọi thứ. Chúng ta sẽ làm gì đây?Chúng tôi lùng sục khắp làng, hỏi mọi người liệu có nghe tin gì về gia đình tôi không. Tất cả đều lo lắng giúp đỡ, và tin về nhiệm vụ của chúng tôi lan đi nhanh chóng. Cuối ngày hôm ấy, một ông già đến chỗ tôi và hỏi:- Cô có nhớ tôi không?- Không ạ.- Vậy ư, tôi là Ismail đây. Tôi cùng bộ lạc với cha cô. Tôi là bạn rất gần gũi của ông ấy.Lúc đó tôi nhớ ra ông và cảm thấy xấu hổ vì không nhận ra ông, nhưng tôi đã không gặp ông từ hồi còn bé tí.- Tôi nghĩ là tôi biết gia đình cô đang ở đâu. Tôi cho là chúng tôi tìm ra mẹ cô, nhưng tôi cần tiền mua khí đốt.Lúc ấy tôi nghĩ, ô, không, làm sao có thể tin ông ta? Biết bao nhiêu người đã chơi trò lừa gạt chúng ta rồi? Nếu cho ông già này tiền, ông ta sẽ bỏ đi ngay và chắc chúng tôi chẳng bao giờ nhìn thấy ông ta lần nữa. Ông ta nói tiếp:- Tôi có chiếc xe tải này, nhưng nó không còn nhiều…Ismail chỉ một cái xe tải nhỏ, loại bạn chẳng nhìn thấy ở bất cứ nơi đâu ngoài châu Phi hoặc ở bãi đồng nát tại Mỹ. Kính chắn gió ở bên khách ngồi đã vỡ tan, bên chỗ lái xe cũng thế. Có nghĩa là cát và gió trong sa mạc sẽ tha hồ đập vào mặt lúc ông ta lái. Các bánh xe cong oằn, sứt mẻ vì lái qua các hòn đá. Thân xe như bị một cái búa tạ đập chí chết. Tôi lắc đầu:- Ông đợi một phút, để tôi nói với những người kia đã.Tôi đi tìm Gerry và nói:- Người ở đàng kia cho là ông ấy biết gia đình tôi đang ở đâu. Nhưng ông ấy bảo cần tiền mua xăng đưa chúng ta đi tìm họ.- Được, vậy sao chúng lại phải tin ông ta nhỉ?- Anh nói đúng. Nhưng chúng ta phải nắm lấy dịp này. Chúng ta không còn sự chọn lựa nào khác.Họ đồng ý và đưa cho ông ta ít tiền. Ông ta nhảy lên xe và lái đi ngay, cuốn theo một đám mây bụi. Tôi thấy Gerry nhìn trừng trừng theo ông ta, trên mặt lộ rõ vẻ thất vọng như muốn nói "Thế là lại mất toi thêm í tiền".Tôi vỗ vào lưng ông và nói:- Đừng lo. Chúng ta sắp tìm thấy mẹ tôi, tôi hứa với anh. Đến ngày thứ ba.Lời tiên tri của tôi phần nào làm cả đoàn nhẹ nhõm. Chúng tôi có tám ngày ở đây trước khi máy bay trở lại đón. Và đúng thế thật. Chúng tôi không thể nói với phi công:- Chúng tôi chưa xong việc, hãy đợi chúng tôi thêm một tuần nữa.Chúng tôi đã đặt vé từ Addis Ababa về London, chúng tôi phải đi và thế là chấm dứt mọi sự, dù có gặp mẹ tôi hoặc không.Tôi có thời gian để lang thang với dân làng trong các túp lều của họ, san sẻ đồ ăn của họ nhưng những anh chàng người Anh thì không thế. Họ tìm được một toà nhà có nhiều cửa sổ vỡ để ngủ, và cuộn trong những chiếc túi ngủ. Họ mang theo ít sách và đèn pin, nhưng ban đêm không ngủ nổi vì muỗi đốt họ phát điên. Cả đoàn BBC sống bằng đậu hạt đóng hộp và than vãn là phát ốm vì món ăn đó, và chẳng có gì mà ăn.Một buổi chiều, một người Somali quyết định thết họ một bữa và đem đến một con dê non xinh xắn. Mấy anh chàng xúm vào cưng nựng nó. Sau đó, ông ta mang con dê đã lột da đến và hãnh diện giơ ra:- Bữa tối của các vị đây.Mấy anh chàng choáng váng, nhưng không nói gì. Tôi mượn nồi và gây một đống lửa, rồi ninh thịt dê với gạo. Lúc người Somali đã đi khuất, họ nói:- Cô tưởng là chúng tôi sẽ ăn món ấy sao?- Tất nhiên rồi, mà tại sao lại không kia chứ?- Ô, quên đi, Waris.- Vậy sao các anh không nói gì? – Họ cắt nghĩa rằng họ cảm thấy nói rằng là khiếm nhã, vì người đàn ông đó đã tỏ ra lịch thiệp, nhưng sau khi đã cưng chiều con dê nhỏ ấy, họ không thể ăn thịt nó. Họ không bao giờ đả động đến việc này lần nữa.Hạn ba ngày để tìm mẹ tôi đã qua mà chẳng thấy tăm hơi bà. Mỗi ngày trôi qua Gerry càng thêm lo lắng. Tôi cố đoan chắc với họ rằng mẹ tôi sắp tới, nhưng họ nghĩ tôi thật lố bịch. Tôi nói:- Tôi hứa với các anh chiều mai mẹ tôi sẽ đến đây lúc sáu giờ.Tôi không hiểu vì sao tôi lại tin như thế, nhưng ý nghĩ ấy cứ đến với tôi và tôi nói với họ.Gerry và cả đoàn bắt đầu trêu chọc tôi vì lời tiên tri cuối cùng này.- Cái gì? Thế hử? Sao cô biết? Ôi trời ơi, Waris biết! Cô ấy tiên đóan được mọi sự. Cô ấy biết! Giống như cô ấy đoán trời mưa ấy! – họ cười vang và tôi nói với họ trời sắp mưa vì tôi có thể ngửi thấy mùi mưa.- Vậy trời mưa chưa nào? – tôi hỏi.- Thì mưa rồi, Waris. Chẳng qua cô gặp may thôi.- Chẳng có gì là gặp may hết. Tôi hiểu hiện tượng khí tượng, tôi biết nơi này mà. Chúng tôi sống được ở nơi đây là nhờ bản năng, các bạn của tôi ạ - họ liếc nhau – thôi được. Không tin tôi nữa vậy. Rồi các anh sẽ thấy, lúc sáu giờ.Hôm sau, tôi đang ngồi nói chuyện với một bà già thì Gerry nhắc còn mười phút nữa là sáu giờ và mỉm cười.- Cô sẽ không tin nổi đâu!- Cái gì?- Mẹ cô…Tôi nghĩ rằng mẹ cô đang ở đây – tôi đứng dậy và mỉm cười – Nhưng chúng tôi không chắc lắm. Người đàn ông ấy đang về, dẫn theo một phụ nữ. Ông ấy bảo đấy là mẹ cô. Cô thử đến ngó qua một cái xem sao.Tin ấy lan nhanh như ngọn lửa khắp làng, sự việc nho nhỏ của chúng tôi nhất định trở thành một việc lớn nhất ở đây vì đức Allah biết rõ nó kéo dài bao lâu. Mọi người đều muốn biết, đây có phải là mẹ của Waris hay chỉ là một kẻ mạo danh nữa? Lúc này trời sắp tối, một đám đông tụ tập quanh chúng tôi. Gerry dẫn tôi xuống một lối giữa các dãy nhà. Đằng trước là người đàn ông có cái xe tải nhỏ thủng một lỗ ở kính và một phụ nữ đang trèo ra khỏi ghế. Tôi không thể nhìn rõ mặt bà, nhưng nhìn cách quấn khăn choàng của bà tôi có thể nói ngay rằng đấy chính là mẹ tôi. Tôi chạy đến và vồ lấy bà:- Ôi, mẹ!Bà nói:- Mẹ đi bao nhiêu dặm bằng cái xe kinh khủng này, lạy đức Allah, thật là một chuyến đi khủng khiếp! chúng ta đã đi suốt hai ngày đêm ròng rã!Tôi quay sang Gerry và cười:- Đây là mẹ tôi! Tôi nói với Gerry là họ phải cho mẹ con tôi vài ngày riêng với nhau, và ông đã ân cần đồng ý. Nói chuyện với mẹ tôi thật khó khăn, tôi phát hiện ra tiếng Somali của tôi rất kém. Điều gay go hơn là mẹ con tôi thực sự thành người lạ. Ban đầu, chúng tôi chỉ nói đến những việc vặt vãnh hàng ngày. Nhưng tôi rất vui vì thấy mẹ tôi đã vượt qua sự ngăn cách, tôi sung sướng ngồi sát cạnh bà. Mẹ tôi và Ismail đã đi một lèo hai ngày hai đêm liền, và tôi có thể thấy bà mệt lử. Bà già hơn tuổi đến mười lăm năm, kết quả của cuộc sống cực nhọc không ngừng trên sa mạc.Cha tôi không đi cùng bà. Lúc xe đến, ông đang đi kiếm nước. Mẹ tôi bảo cha tôi cũng rất già. Ông thường ra ngoài dõi theo những đám mây cầu mưa, nên rất cần có kính vì thị lực của ông kém lắm. Lúc mẹ tôi ra đi, cha tôi đã đi được tám ngày rồi và bà mong ông không bị lạc. Tôi nhớ cha tôi biết chừng nào, và hiểu rằng chắc chắn ông già đi nhiều. Khi tôi bỏ nhà, ông có khả năng tìm ra chúng tôi dù gia đình di chuyển lúc vắng ông, ngay cả trong đêm tối trời nhất, không trăng sao.Em trai Ali của tôi cùng một trong những anh em họ ngẫu nhiên đến chơi đúng lúc Ismail đến, nên đi cùng với mẹ tôi. Tuy nhiên Ali không còn là cậu em bé bỏng ngày trước nữa. Nó cao vượt tôi và rất khoái chí vì điều đó. Tôi cứ ôm Ali làm nó kêu lên:- Bỏ em ra! Em không còn là trẻ con nữa. Em sắp lấy vợ rồi.- Lấy vợ! Em bao nhiêu tuổi hả?- Em không biết. Đủ lớn để lấy vợ.- Thôi được, chị không cần. Em vẫn là thằng em bé bỏng của chị. Lại đây… - tôi nắm lấy nó và xoa đầu.Em họ của tôi cười phá lên. Tôi bảo nó:- Chị hay đét đít em lắm! – tôi thường trông cậu ta lúc nó còn bé tí, mỗi khi gia đình nó đến thăm chúng tôi.- Thế ạ? Bây giờ chị thử đét xem! – nó bắt đầu kéo giật tôi và nhảy thành vòng tròn.- Ôi thôi, đừng! - tôi kêu lên – Đừng thử nữa! Chị đánh em bây giờ. – em họ tôi cũng sắp lấy vợ - nếu em muốn làm thế trong ngày cưới, đừng có phá quấy chị.Ban đêm, mẹ tôi ngủ trong lều của một gia đình ở Galadi cho chúng tôi ở nhờ. Tôi ngủ ngoài trời với Ali như những ngày xưa. Lúc chúng tôi nằm đó trong màn đêm, tôi cảm thấy thật thanh thản và hạnh phúc. Chị em tôi chăm chú ngắm các vì sao và nói chuyện khe khẽ trong đêm tối.- Em có nhớ lúc chị em mình treo vợ của bố lên không? – cả hai chúng tôi cười ầm. Lúc đầu Ali bẽn lẽn nhưng về sau nó thổ lộ:- Chị biết không, em nhớ chị lắm, nhưng chị đi lâu quá. Thật lạ lùng là bây giờ chị là đàn bà, còn em đã là đàn ông.Tôi cảm thấy tuyệt vời khi được trở lại với gia đình một lần nữa, được nói, được cười, thảo luận về những chuyện thân quen bằng ngôn ngữ của mình.Tất thảy dân làng hào phóng với chúng tôi không ngờ. Ngày nào họ cũng mời đến ăn trưa, ăn tối ở các nhà khác nhau. Ai cũng muốn tranh chúng tôi, khoe chúng tôi và nghe mọi câu chuyện về những nơi chúng tôi đã đi qua.- Đi nào, mời các vị đến gặp con tôi, gặp bà tôi – và họ kéo chúng tôi đi rồi giới thiệu. Không ai gọi tôi là "siêu mẫu" vì họ không biết gì về nghề này. Tôi là người của họ, một người du mục, và tôi trở về nhà.Mẹ tôi, cầu trời phù hộ cho bà, không hiểu tôi làm gì để sống, và tôi khó lòng giải thích cho bà.- Thế, con nói lại lần nữa xem? Người mẫu nghĩa là gì? Con làm những gì? Nói thật chính xác thì con làm gì?Vào lúc nào đó, có người du lịch qua sa mạc đã đưa cho mẹ tôi xem tờ The Sunday Times của London, có ảnh tôi trên trang bìa. Dân Somali hết sức tự hào, họ hài lòng thấy một phụ nữ Somali trên bìa một tạp chí Anh. Mẹ nhìn và nói:- Đây là Waris! Ôi, con gái tôi! – bà đã mang nó đi khoe khắp làng.Sau đêm đầu tiên, mẹ tôi đã khắc phục được sự bẽn lẽn và nhanh chóng trở nên sôi nổi đủ để sai phái tôi:- Con đừng có nấu ăn như thế, Waris! Xì, thôi đi! Để mẹ chỉ cho. Đừng có nấu ăn trong chỗ ở chứ?Sau đó em trai tôi bắt đầu hỏi tôi nghĩ gì về việc này, việc khác. Tôi trêu nó:- Im đi, Ali. Em ngốc lắm, đúng là dân ngố rừng. Em sống ở đây quá lâu và chẳng biết em đang nói gì nữa.- Thế hả chị? Chị là người nổi tiếng, nên về nhà mới mang cái dáng dấp phương Tây nhảm nhí ấy chứ gì? Hiện giờ ở phương Tây chị biết hết mọi thứ chắc?Chúng tôi tranh cãi nhiều giờ liền. Tôi không muốn làm tổn thương họ, nhưng tôi hình dung nếu tôi không kể cho họ nghe một số việc nhất định, ai biết rồi sẽ ra sao?- Chị không biết hết mọi thứ, nhưng chị đã nhìn thấy và học hỏi được nhiều điều chị không biết hồi ở sa mạc. Và cuộc sống ấy không chỉ toàn bò và lạc đà. Chị có thể kể với em về nhiều thứ khác.- Ví dụ như?- Như việc em đang phá hoại môi trường vì chặt đốn tất thảy cây cối. Em chặt cây nhỏ trước khi chúng kịp lớn, dùng cây non để quấy bãi nhốt lũ súc vật ngốc nghếch này – tôi chỉ vào một con dê gần đó – như thế là không đúng.- Chị định nói gì vậy?- Hiện giờ cả vùng này là sa mạc vì chúng ta đã chặt hết cây cối.- Vùng này là sa mạc vì không có mưa, chị Waris! Trời chỉ mưa ở miền Bắc, và họ tha hồ có nhiều cây!- Chính vì có cây, trời mới mưa đấy. Trời mưa vì ở đấy có rừng! Nếu mỗi ngày em chỉ cắt một cành cây bé tí, thì rừng mới có cơ lớn lên ở đây được.Không biết chúng có tin những ý tưởng kỳ lạ ấy không nhưng có một đề tài mà họ tin rằng tôi không thể cãi lại được.Mẹ tôi khởi đầu"- Sao con không lấy chồng?Đây là một việc không che giấu được của tôi trong những năm này. Ngay từ lúc mới gặp lại, gia đình tôi đã rất quan tâm về việc này. Tôi biết cha tôi có ý định rõ ràng, nhưng ông đưa ra cho tôi một sự lựa chọn kinh khủng, làm theo lời ông, huỷ hoại đời tôi bằng việc lấy một lão già, hoặc chạy trốn và từ bỏ hết thảy mọi thứ tôi quen biết và yêu quý. Tôi đã phải trả giá rất lớn cho sự tự do, và tôi hy vọng không bao giờ ép uổng con tôi, gây nên một quyết định đau đớn như vậy.- Mẹ ơi, sao con cứ phải lấy chồng? Con phải lấy chồng sao? Mẹ không muốn thấy con thành công, khoẻ mạnh, độc lập sao? Con nghĩ là nếu con không lập gia đình chỉ vì con chưa tìm được người đàn ông nào phù hợp. Khi nào tìm thấy, lúc đó sẽ là lúc con kết hôn.- Ôi dào, mẹ muốn có cháu.Tất cả quyết kéo bè tấn công tôi. Em họ tôi hùa theo:- Chị già quá rồi. Ai mà muốn lấy chị kia chứ? Già quá – nó lắc đầu, tỏ vẻ khiếp hãi bất cứ người nào lấy một phụ nữ hai mươi tám tuổi.Tôi giơ bàn tay lên:- Thế ai muốn lập gia đình nếu bị ép nào? Tại sao các em lại lấy vợ? – tôi chỉ Ali và cậu em họ - Chị cuộc là có người đẩy các em vào chuyện đó.- Không, không đâu – cả hai đồng thanh.- Đấy, thấy chưa, chỉ vì các em là con trai. Nhưng là con gái, chị không được nói một lời. Chị phải lấy người các em bảo lấy, lấy khi nào các em bảo lấy. Như thế là cái việc tởm lợm gì vậy? Ai chịu được như thế?- Thôi im đi, chị Waris! – em trai tôi rên lên.- Em cũng im đi!Chúng tôi được ở hai ngày bên nhau, sau đó Gerry nói phải đến lúc quay phim thôi. Ông đã quay vài cảnh tôi với mẹ tôi. Nhưng trước đây, mẹ tôi chưa nhìn thấy camera lần nào và bà ghét lắm. Bà nói:- Bỏ cái thứ ấy ra khỏi mặt tôi đi. Tôi không muốn có nó – và bà đánh mạnh vào người quay phim – Waris, con bảo anh ta bỏ cái thứ ấy ra khỏi mặt mẹ đi – Tôi nói với bà là mọi việc sẽ ổn cả - Sao anh ta cứ nhìn mẹ? Hoặc là nhìn vào con?- Anh ấy đang nhìn cả hai mẹ con mình.- Vậy bảo anh ta là mẹ không muốn nhìn mặt anh ta nữa. Anh ta có nghe thấy mẹ nói gì không hả?Tôi cố giải thích việc này với bà, nhưng tôi biết là vô ích.- Có, mẹ ạ. Anh ấy nghe thấy hết những lời mẹ nói – Tôi vừa cười vừa nói với mẹ. Người quay phim hỏi tôi cười cái gì – chuyện vớ vẩn ấy mà… - tôi trả lời.Đoàn làm phim mất thêm một ngày nữa quay tôi đi lang thang một mình qua sa mạc. Tôi thấy một cậu bé đang cho lạc đà uống nước bên giếng, và tôi hỏi liệu có thể cho nó uống được không. Tôi kề cái xô lên miệng con vật cho cả đoàn xem. Từ đầu đến cuối những cảnh quay này, tôi khó lòng cầm được nước mắt.Trước hôm chúng tôi ra đi, một phụ nữ trong làng đã nhuộm móng tay tôi bằng lá móng. Tôi giơ bàn tay lên trước ống kính, trông như một cô gái yếu đuối vẫy từng đầu ngón tay. Tôi cảm thấy mình như một bà hoàng. Đây là những nghi thức làm đẹp cổ xưa của dân tôi, bình thường họ chỉ làm cho cô dâu. Đêm hôm ấy, chúng tôi liên hoan, tất cả dân làng đều nhảy múa, vỗ tay và hát. Y hệt như những ngày xa xưa trong trí nhớ của tôi về thời thơ ấu, khi mọi người mừng mưa, một cảm giác thật tự do và vui vẻ.Sáng hôm sau trước khi máy bay tới đón chúng tôi, tôi dậy sớm và ăn sáng cùng mẹ tôi. Tôi hỏi xem bà có thích về sống ở Anh hoặc Mỹ cùng tôi không.- Nhưng mẹ sẽ làm gì ở đấy? – bà hỏi.- Đấy là điều con muốn nói. Con không muốn mẹ phải làm gì hết. Mẹ đã làm việc suốt đời, quá đủ rồi mẹ ạ. Bây giờ đến lúc mẹ phải nghỉ ngơi. Con muốn làm "hư" mẹ đấy.- Không. Mẹ không thể làm như thế. Trước hết, cha con ngày một già. Ông ấy cần mẹ. Mẹ còn sống với ông ấy. Và thứ hai là mẹ phải chăm nom con cái chứ.- Mẹ định nói gì thế, con cái ư? Tất cả chúng đã lớn hết rồi mà!- Ừ, còn con của cha con nữa chứ. Con có nhớ cô gái cha con đã kết hôn ấy, cái cô tên-là-gì-ấy?- Con nhớ-ớ.- Vậy đấy, cô ta đã có năm đứa con. Nhưng cô ấy không chăm bẵm chúng nữa. Mẹ đoán cuộc sống của chúng ta quá khắc nghiệt với cô ấy, hoặc cô ấy không thể chỉ huy nổi cha con. Đằng nào thì cô ấy cũng đã bỏ đi, biến mất tăm rồi.- Mẹ ơi…làm sao mẹ gánh vác nổi. Mẹ đã quá già không thể nuôi con nhỏ được! Ở tuổi mẹ, mẹ không nên làm cái việc vất vả ấy, đuổi theo lũ trẻ.- Thì cha con cũng mỗi ngày một già, và ông cần đến mẹ. Ngoài ra, mẹ không thể ngồi không. Nếu ngồi rỗi, mẹ càng chóng già hơn thôi. Mẹ không thể ngồi yên sau từng ấy năm làm lụng, nó làm mẹ phát điên lên mất. Mẹ phải di chuyển. Không con ạ. Nếu con muốn làm việc gì cho mẹ, con hãy đưa mẹ đến một nơi ở châu Phi, ở Somalia, để mẹ có thể đến mỗi khi mẹ mệt mỏi. Đây là quê hương của mẹ. Đây là tất cả những gì mẹ quen biết.Tôi ôm chặt lấy bà:- Con yêu mẹ, và con sẽ quay về đây gặp mẹ, mẹ đừng quên nhé, con sẽ trở về để tìm mẹ…Bà mỉm cười vẫy tay chào tạm biệt.Lúc đã ở trên máy bay, tôi cảm thấy kiệt sức. Tôi không biết đến bao giờ hoặc tôi có gặp lại mẹ tôi lần nữa được không. Trong lúc tôi nhìn đăm đăm qua cửa kính máy bay mà khóc, ngắm nhìn ngôi làng, rồi sa mạc lướt qua, đoàn làm phim bèn quay cận cảnh tôi.