Dịch giả: Nguyễn Hữu Lương
Hồi 167
HOÀ ƯỚC BẮC KINH

Gặp bao nỗi vất vả gian nan Tây thái hậu lặn lội mãi mới tới Thái Nguyên. Tuần phủ Cam Túc là Sầm Xuân Huyên đem quân Cần vương theo tới kịp. Bọn đại thần khác như Vương Văn Thiều, Triệu Thư Kiều cũng lục tục kéo đến.
Lúc này Tây thái hậu tâm thần hơi yên, lệ nhỏ ròng ròng trên đôi má hóp lại vì phong trần, run run nói với Sầm Xuân Huyên:
- Bình sinh, thực ta chưa từng gặp phải cảnh khốn khổ này bao giờ. Đấy, khanh cứ xem, xưa kia bao kẻ lúc nào cung một chung, hai chung, thế mà khi hoạn nạn thấy được mấy ai? Khanh không nề nao khổ, hoạn nạn theo chân, mai yên ổn về kinh, ta quyết không quên.
Nói đoạn Tây thái hậu giơ tay vỗ mạnh vào lưng Sầm Xuân Huyên khóc rống lên, Huyên thấy tình cảnh quá bi thương, vội tìm lời an ủi:
- Thái hậu nên bảo trọng mình vàng, chớ có bi thương quá độ Sự an ninh trên đường bộ, đã có tiểu thần lo liệu, quyết chẳng có điều gì xảy ra, xin thái hậu yên lòng.
Tây thái hậu nghe xong câu nói, nuốt lệ gật đầu, truyền chỉ tạm trú lại Thái Nguyên. Song thái hậu đã bị một phen hoảng sợ, do đó, phủ đài tỉnh Sơn Tây liền tiến cử Huyện thăng Diệp Thừa Tự tới nơi để chần trị cho bà. Tự hốt một thang thuốc "hoà vi thư can", uống vào bà thấy có đỡ một đôi phần.
Tin tức từ Bắc Kinh cho hay tình hình chiến sự vô cùng hiểm nguy. Tây thái hậu lòng càng thêm lo lắng muôn phần. Bà tức tốc truyền lệnh xa giá tây tiến.
Việc ra đi này, đối với vua Quang Tự thực chẳng được ngài đồng ý. Vì đã không tán thành buổi đầu nên khi thấy Tây thái hậu còn muốn giá hạnh Tràng An thì cực lực phản đối. Thế là hai mẹ con đâm ra cãi nhau. Cuộc cãi vã om xòm xảy ra đến mấy lần. Nhưng Tây thái hậu vốn người vừa cương quyết vừa ngang bướng, nào có chịu nghe ai. Quang Tự hoàng đế chống chẳng lại đành phải riu ríu đi theo.
Khi xa giá đến Tràng An, Tây thái hậu liền hạ chiếu tự bắt tội mình. Cũng chính lúc này, tại kinh thành Bắc Kinh, Vinh Lộc đã nghĩ đến việc viết chiếu thư, triệu Lý Hồng Chương tiến kinh mở cuộc nghị hoà.
Trong bàn hội nghị, viên đầu lãnh của Đức quốc do tám nước đề cử, đưa ra những điều khoản vô cùng khắc nghiệt.
Lúc đầu, mọi người tưởng như không thể nào hoà hội được. Mãi về sau, phải nhờ đến cái óc thông minh của Lý Hồng Chương mới có thể tìm ra được một con đường khéo léo để giải quyết.
Con đường tốt đẹp đó chẳng qua chỉ là một người đẹp tên gọi Sai Kim Hoa. Nàng Sai Kim Hoa vốn là một danh kỹ, lại còn là cục cưng của Hồng Dung. Khi Hồng Dung được lệnh đi sứ qua nước Đức, có chơi thân với viên thượng uý pháo binh Đức tên là Ngoã Đức Tây. Sai Kim Hoa cũng thân với viên thượng uý này lắm. Theo tập quán của Tây phương, thì chuyện nam nữ giao thiệp vốn rất tự nhiên, cho nên mối quan hệ giữa Hoa và Ngoã càng có chỗ thân mật, dẫn tới say mê nhau, nhất là Ngoã lại có tính hiếu sắc, đặc biệt là cái sắc của làn da mịn màng, thân hình thon thả của người con gái Đông phương.
Đến lúc về nước, Hồng Dung quay ra ốm nặng, sau một thời gian liệt giường đâm ra bất lực; khiến Sai Kim Hoa tuổi xuân còn hơ hớ chẳng biết trông cậy vào đâu.
Khi liên quân tám nước bức bách cửa bể Đại Cô ở Thiên Tân, quân Đức lấy danh nghĩa là báo thù cho viên công sứ Khắc Lâm Đức, tuyên chiến với Trung Hoa. Ấy cũng vì chỗ đó nên các nước chầu rìa khác đã suy tôn Đức lên làm minh chủ, rồi viên tướng Đức Ngoã Đức Tây mới vọt ngay lên chức thống soái liên quân.
Lý Hồng Chương vì chuyện nghị hoà cấp bách, đành phải uỷ thác nhiều việc cho Sai Kim Hoa, nhất là việc đến tỷ tê, ỷ ôi để tán tỉnh, khuyên giải viên tướng Đức dại gái này.
Ngoã Đức Tây lâu ngày nay mới gặp lại người tình thuở nọ, biết bao sung sướng. Thế là chỉ qua một đêm viên tướng Đức thay đổi ngay thái độ: hôm qua gay cấn bao nhiêu thì hôm nay lại dễ dãi bấy nhiêu, chẳng những thế, Ngoã ta còn quay lại tích cực giúp đỡ Trung Quốc. Kết quả: cảnh binh đao chấm dứt, ngai vàng nha Thanh còn nguyên vẹn. Nhưng Lý Hồng Chương thi ngay sau đó lâm bệnh và… từ giã cõi đời.
Tây thái hậu được tin Lý Hồng Chương chết, lấy làm xót thương lắm, lập tức hạ lệnh ban thưởng cho tang quyến một vạn đồng bạc để làm ma chay. Ngoài ra, bà còn sai Dịch Khuông thay mặt triều đình đi điếu để an ủi anh hồn của người tôi trung liệt. Sau hết, còn thưởng tứ cái tên thuỵ là Văn Trung.
Xin nhắc lại nơi đây những điều ước trong cuộc nghị hoà giữa Lý Hồng Chương và bát quốc liên quân. Hoà ước có mười hai điều cả thảy. Tuy nói rằng hoà ước đã ký nhưng còn bao nhiêu thủ tục đâu đã xong. Tây thái hậu liền phái Vương Văn Thiều đến thay thế Lý Hồng Chương, để kết toán cho kỳ xong một phen đại hoạ.
Biến cố lịch sử tưởng có mòi làm tan tành cả sự nghiệp của bao đời tổ tiên Thanh triều dày công xây dựng lên, may thay đã trôi qua dù còn có người coi đó như một cơn ác mộng.
Ngồi buồn, Tây thái hậu lúc đó mới kiểm điểm lại mọi việc, nhất là cái việc đã chính tay mình gây ra. Bà thấy rõ ràng là một việc nhục quốc táng quyền, mình chỉ còn biết trách mình mà thôi. Bất giác, hai hàng lệ từ từ lăn trên đôi gò má bà lúc này đã xám đen đi vì phong trần, cũng có khi vì thiếu thuốc phiện trong những ngày vất vả vừa qua.
Lại nói Quang Tự từ khi bị cầm tù tại Doanh đài, trong lòng căm tức khôn nguôi, không có lúc nào phát tiết ra hết được Rồi đến khi liên quân tám nước kéo đại binh bức bách Bắc Kinh, thái hậu hoảng hốt bỏ chạy, Quang Tự hoàng đế được tin này, liền mặc triều phục chinh tề định đến sứ quán ngoại quốc. Tây thái hậu sợ quá, vội bảo nhà vua:
- Ngươi đi lúc này có khác chi nhảy vào miệng cọp không?
Quang Tự hoàng đế thản nhiên nói:
- Bọn họ vốn người nước văn minh, đối với các bậc vua chúa của các nước láng giềng họ quyết chẳng gia hại đâu mà ngại. Con đi chuyến này, nếu có bàn đến việc nghị hoà thì thế nào cũng thành công.
Tây thái hậu vội vàng ngăn trở:
- Ừ thì ngươi đi, nhưng lúc này đâu có phải là lúc đi! Lúc này mà ngươi đến sứ quán, thử hỏi có phải ngươi đến để nộp mạng, nhận tội không? Còn nếu nói tới để nghị hoà, thì thực chẳng có một lý do chi hết! Tại sao ngươi lại mạo hiểm vô ích như vậy?
Quang Tự hoàng đế không nghe, cương quyết ra đi. Tây thái hậu thấy vậy không còn cách nào hơn, chỉ đành đổ cho nhà vua quá hoảng hốt, thần kinh thác loạn, sai bọn nội giám dìu ngài lên xe, cưỡng bức lên đường chạy loạn. Về sau, khi đến Thái Nguyên, Tây thái hậu hạ lệnh tây tiến qua Tràng An, Quang Tự hoàng đế không chịu, lại một phen đấu khẩu kịch liệt. Giờ phút gay cấn này, Tây thái hậu lại chỉ còn cách đổ diệt cho ngài lên cơn điên, bức ngài đi theo. Trong khi xa giá tây hành, có ai biết được một ông vua còn trẻ vốn sẵn bầu máu nóng đành chịu khoanh tay trước sự cưỡng bách của một bà già tai quái, chỉ còn biết rỏ lệ ròng ròng để cho nguôi đôi phần uất hận?
Có người tiếc cho trường hợp này, ví thử Tây thái hậu để Quang Tự hoàng đế lai kinh, kịp thời chống đỡ, thì đâu đến nỗi bị ngoại nhân dày xéo tơi bời, nhục quốc, táng quyền.
Lại cũng có người cho rằng Đức Tông hèn kém hôn muội, cho nên mới để đất nước và nhân dân bị bao cảnh tang thương.
Nhưng lại cũng có kẻ cho đó là nhà Thanh đã đến hồi mạt vận không thể cưỡng lại lòng trời.
Vì bị bức bách như vậy cho nên từ sau khi xa giá Tây An trở về, Quang Tự hoàng đế thường u uất trong lòng, chẳng có lúc nào vui. Lời ăn tiếng nói, có nhiều khi phẫn kích, giận tức, khiến Tây thái hậu không thể nào lượng thứ được. Do đó, Tây thái hậu có dụng ý đổ cho nhà vua bị bệnh thần kinh và tìm mọi cách làm cho quần thần tin tưởng ở chuyện đó.
Một hôm, nhân có cô con gái lớn của Khánh vương tên là Nguyên Đại Nải Nải thường đến hầu hạ bên cạnh hoàng đế, thái hậu bèn ngầm bảo Quang Tự hoàng đế lấy hộp trang sức của nàng đem giấu đi. Ông vua ngây thơ này không hiểu dụng ý của Tây thái hậu cứ thực thà làm theo. Kịp đến khi Nguyên Đại Nải Nải tắm rửa xong, tìm không thấy cái hộp, nhìn quanh thấy hoàng đế giấu vào nơi nọ, liền hỏi để lấy lại Quang Tự hoàng đế không đưa lại mà còn nói:
- Đâu được! Cái hộp này, chính Thái hậu cho đấy. Làm sao lại dám trao cho kẻ khác được?
Nguyên Đại Nải Nải nghe nói vậy, đành thôi, nhưng khi yết kiến thái hậu, nàng bèn đem chuyện cái hộp ra nói, Tây thái hậu cười bảo:
- Đường đường là một vị hoàng đế mà đi ăn cắp cái hộp của người ta. Thế mà bảo hắn không điên thì là gì?
Sau khi câu chuyện này xảy ra, trong âm mưu hãm hại của thái hậu, tin đồn Quang Tự hoàng đế mắc bệnh điên loạn truyền đi càng ngày càng xa, và đã có nhiều người tin theo.
Mặc dù cũng không ít người vẫn biết, nhà vua bất quá chỉ vì rắp tâm hãm hại của Thái hậu mà chịu điều tiếng ấy.
Lại nói đến chuyện hoà đàm với hoà ước mười hai điều khoản. Trong đó có một điều ước: trừng phạt hết tất cả những tên đầu sỏ gây hoạ. Thế là Tây thái hậu phải đem thực hành ngay khi chưa hồi loan. Do đó, bà hạ chiếu từ Tây An: đem Tải Lan, Dục Hiền ra chính pháp. Đoan vương thì bắt đi lính thú mãi Tân Cương, Cương Nghị được tin này đã tự tử ngay khi còn trên đường đi Tây An. Ngoài ra, quá nửa bọn triều thần có dính dấp tới Nghĩa hoà đoàn đều bị cách chức.
Mọi việc giải quyết xong xuôi cả, lúc đó Tây thái hậu mới chuẩn bị hồi loan.
Hạ tuần tháng bảy năm Tân Sửu, Tây thái hậu sai quần thần đi quan sát các hành cung bên đông lộ cũng như những con đường xa giá đi ngang qua để sửa soạn hồi cung. Mặt khác, bà truyền dụ xuống các quan lại địa phương, phàm những nơi xa giá đi ngang, khỏi phải cung đốn, đón rước trọng thể, trái lại cần phải kiệm ước đến mức tối đa. Điều khuyến dụ lạ lùng này bất quá chỉ tại khi phong trần thái hậu đã cảm thấy nỗi cực khổ của dân, và đã có lòng thương xót.
Hôm hồi loan, tất cả những đường phố của thành Tây An đều được sơn quét màu vàng. Hai bên phố sá đều chăng đèn kết hoa, trông hết sức náo nhiệt. Tình hình lúc này nếu đem so sánh với tình cảnh thuở nọ thì quả một trời một vực.
Tây thái hậu lại truyền dụ cho kéo hết những bức màn che xe loan lên cao, để cho dân chúng tha hồ chiêm ngưỡng dung nhan của bà.
Ngay cái lúc xa giá chưa xuất thành, người ta đã thấy một toán lính có nhiệm vụ dẹp đường, tay cầm roi mây đi khắp các phố để càn quét bố ráp trước. Rồi sau đó, mới đến một toán ngựa đi tiền đạo, cứ một cặp rồi lại đến một cặp đi song song với nhau. Tiếp đến là bọn nội giám khăn vàng áo vàng và bọn quan lại mặc áo hoàng mã quải. Sau nữa là đám nội giám cưỡi ngựa. Bọn nội giám đi bộ, tay đều cầm cái lư hương, khói hương bốc lên nghi ngút. Trên đường đi, tứ bề vắng lặng, chim chóc bặt tăm. Những người tuỳ giá hai bên tả hữu, quá nửa là bọn vương công đại thần mặc xiêm vàng bằng lụa. Sau bọn này, có quân cấm vệ. Hết cấm vệ, thì đó là Quang Tự hoàng đế, với đoàn xe chở hoàng hậu, phi tần. Phía sau, trong cái kiệu vàng, đặt ngồi chú Đại A Kha, và rất nhiều thân vương theo hộ giá.
Xe loan của Tây thái hậu cần đến những ba mươi sáu người khiêng, tất cả đều mặc áo đoàn long quái tử, đi đứng hết sức chình tề nghiêm mật.
Đấy là tất cả những hành trang nghi vệ hôm hồi loan của Tây thái hậu. Quang cảnh thật vô cùng oai nghiêm. Ấy thế mà không ngờ giữa cái đám quân cảnh vệ hàng hàng lớp lớp đi đều ấy, một tên đại hán mình trần trùng trục xông ra, giơ cao hai cánh tay sắt nổi bắp cuồn cuộn của y lên, phóng thăng cặp giò bự như hai cái cột nhà lại trước xe loan của Tây thái hậu…

Truyện Thanh Cung Mười Ba Triều Tập 1 - Hồi 1 Hồi 2 Hồi 3 Hồi 4 Hồi 5 Hồi 6 Hồi 7 Hồi 8 Hồi 9 Hồi 10 Hồi 11 Hồi 12 Hồi 13 Hồi 14 Hồi 15 Hồi 16 Hồi 17 Hồi 18 Hồi 19 Hồi 20 Hồi 21 Hồi 22 Hồi 23 Hồi 24 Hồi 25 Hồi 26 Hồi 27 Hồi 28 Hồi 29 Hồi 30 Hồi 31 Hồi 32 Hồi 33 Hồi 34 Hồi 35 Hồi 36 Hồi 37 Hồi 38 Hồi 39 Hồi 40 Hồi 41 Hồi 42 Hồi 43 Hồi 44 Hồi 45 Hồi 46 Hồi 47 Hồi 48 Hồi 49 Hồi 50 Hồi 51 Hồi 52 Hồi 53 Hồi 54 Hồi 55 & 56 Hồi 57 Hồi 58 Hồi 59 Hồi 60 Hồi 61 Hồi 62 Hồi 63 Hồi 64 Hồi 65 Hồi 66 Hồi 67 Hồi 68 Hồi 69 Hồi 70 Hồi 71 Hồi 72 Hồi 73 Hồi 74 Hồi 75 Hồi 76 Hồi 77 Hồi 78 Hồi 79 Hồi 80 Hồi 81 Hồi 82 Hồi 83 Hồi 84 Hồi 85 Hồi 86 Hồi 87 Hồi 88 Hồi 89 Hồi 90 Hồi 91 Hồi 92 Tập II - Hồi 93 Hồi 94 Hồi 95 Hồi 96 Hồi 97 Hồi 98 Hồi 99 Hồi 100 Hồi 101 Hồi 102 Hồi 103 Hồi 104 Hồi 105 Hồi 106 Hồi 107 Hồi 108 Hồi 109 Hồi 110 Hồi 111 Hồi 112 Hồi 113 Hồi 114 Hồi 115 Hồi 116 Hồi 117 Hồi 118 Hồi 119 Hồi 120 Hồi 121 Hồi 122 Hồi 123 Hồi 124 Hồi 125 Hồi 126 Hồi 127 Hồi 128 Hồi 129 Hồi 130 Hồi 131 Hồi 132 Hồi 133 Hồi 134 Hồi 135 Hồi 136 Hồi 137 Hồi 138 Hồi 139 Hồi 140 Hồi 141 Hồi 142 Hồi 143 Hồi 144 Hồi 145 Hồi 146 Hồi 147 Hồi 148 Hồi 149 Hồi 150 Hồi 151 Hồi 152 Hồi 153 Hồi 154 Hồi 155 Hồi 156 Hồi 157 Hồi 158 Hồi 159 Hồi 160 Hồi 161 Hồi 162 Hồi 163 Hồi 164 Hồi 165 Hồi 166 Hồi 167 Hồi 168 Hồi 169 Hồi 170 Hồi 171 Hồi 172