Dịch giả: Phạm Cao Tùng
Phần III - Chương 4
NHỮNG ÁP DỤNG CỦA TÂM LÝ HỌC


TÂM LÝ HỌC VÀ VĂN CHƯƠNG

Chúng ta có thể chia các nhà văn làm hai hạng: những nhà văn có thiên tư và những nhà văn có tài năng. Xin miễn bàn đến hạng văn sĩ tin rằng họ vừa có thiên tư, vừa có tài năng.
Song phân biệt như thế nào cũng chưa mấy rõ rệt, vì có vẻ giả tạo. Làm sao phân biệt ranh giới của thiên tư, của tài năng? Trong lịch sử văn học chúng ta đặng thấy lắm nhà văn viết thật nhiều song chẳng viết nên văn phẩm nào có giá trị, nhưng rồi do sự ngẫu nhiên nào đó, họ lại “đẻ” ra một tác phẩm tuyệt tác. Người ta nói lúc ấy họ gặp hứng hoặc đặng nàng thơ hậu đãi.
Chúng ta hãy thử dùng tâm lý học để xét về vấn đề này.
 
Những nhà văn làm việc theo phương pháp và những nhà văn làm việc theo trực giác:
Khi chúng ta nghiên cứu về phương pháp làm việc của các nhà văn, chúng ta nhận thấy họ chỉ có hai lề lối làm việc: có người làm việc theo phương pháp, có người làm việc theo “hứng”, theo trực giác.
Ở những người làm việc theo phương pháp, sự cấu tạo văn phẩm của họ nảy nở, phát triển cách điều hòa, từ lúc cái ý tiên khởi vừa chớm nở trong óc đến khi họ thảo nên bố cục tổng quát trên mặt giấy. Có thể nói: họ làm việc chung quanh một ý chánh rồi họ phân chia nó ra từng phần, từng đoạn để tạo ra cái khung cảnh mà họ sẽ theo đó để viết, để hoàn thành tác phẩm. Họ không bỏ qua một chi tiết nào, họ bắt đầu viết ở chỗ phải khởi đầu và họ chấm dấu “hết” ở chỗ phải chấm dứt. Vì thế mỗi ngày họ có thể sản xuất ra đều đều đúng cái số trang mà họ đã định viết.
Từ lúc cái ý chánh của cốt truyện đã phát hiện trong trí óc, họ có thể tiên đoán trong thời hạn bao lâu họ sẽ viết xong quyển truyện ấy. Những chu kỳ tinh thần của họ luôn luôn đầy đủ và tiếp diễn rất mạch lạc. Vì thế những tác phẩm của họ thường đặng xây dựng cách chắc chắn, nhưng hình như thiếu một cái gì lôi cuốn, cái thần, nó đánh dấu một thiên tài.
Xét về tâm lý học, những nhà văn làm việc theo phương pháp là thuộc hạng đầu có kỷ hà, tâm trí điều hòa, kém cảm xúc nhưng hoạt động bền bỉ. Buffon, Boileau thuộc hạng nhà văn này (Xét về các nhà văn Việt Nam có thể kể: Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Văn Tố, Đào Duy Anh vào hạng này). Thiên tư của  họ nếu có, chẳng qua đó là một sự kiên nhẫn dài…
Hạng sau thường gồm có những bậc thiên tài, chúng ta nhận thấy đó là những người có tâm thần bất định phụ họa với tính đa cảm xúc. Người có tính bất định sẽ thâu thập nhiều cảm giác lúc họ trải qua giai đoạn suy nhược, càng đa cảm xúc họ càng thâu thập đặng nhiều cảm giác. Chính trong thời gian này, cái ý tổng quát của tác phẩm đã phát sinh trong óc họ, nó nảy nở một cách ngẫu nhiên, vô chừng, trong một phút mơ mộng, một buổi đi dạo, do một sự việc xảy ra, một biến cố, tuy thế nó vẫn chưa thành hình, chưa đặng vững chãi. Do những chu kỳ tâm lý, nhà văn sẽ mơ tưởng về ý đó, những chu kỳ này giúp họ moi móc trong ký ức, gợi ra những truy tưởng, sau rốt họ sẽ phán đoán, có khi óc phán đoán lại xen vào. Lúc bấy giờ nhà văn cũng chưa có ý niệm cụ thể sẽ như thế nào, nó sẽ dài hay ngắn, họ cũng chưa biết.
Luôn luôn người ta thấy dấu vết cái giai đoạn ám ảnh này trong thời kỳ khơi nguyên của những tác phẩm có giá trị. Giai đoạn này có thể dài hoặc ngắn. Sau đó đến giai đoạn khích động, bao nhiêu truy tưởng, bao nhiêu cảm giác thâu thập trong giai đoạn trước sẽ tuôn trào ra như một dòng suối, không bao giờ cạn, đẩy mạnh ngọn bút của nhà văn chạy một mạch trên trang giấy. Tác phẩm đã thành hình, nó bật ra như một khối đá tảng và đôi khi mang dấu tuyệt mỹ, nó thành một tuyệt phẩm.
Những bậc thiên tài chính hiệu trong tất cả các ngành mỹ thuật đều là những người có tâm thần bất định lại đa cảm xúc. J.J. Rousseau, Molière, Beethoven, Baudelaire, Musset là những thí dụ sáng tỏ.
Sở dĩ nhiều văn nghệ sĩ hay tự tử hoặc đắm mình vào những cõi thiên đàng giả tạo, hút xách, chè chén, vì như đã nói trên, bản chất họ vốn đa cảm lại thêm tính bất định.
Gặp lúc tinh thần xuống dốc, đôi khi nhà văn phải nhờ đến những chất ma túy (như thuốc phiện) nó kích thích họ rất mạnh trong nhất thời, làm cho họ ngờ rằng “nàng tiên nâu” đã mang đến cho họ nhiều “từ” giúp họ sáng tác dễ dàng. (Theo ông Thomas de Quincey, tác giả quyển “Hồi ký của một người nghiện thuốc phiện” (Les Confessions d’un mangeur d’opium) thì chất ma túy không nảy sanh ra “tứ”, nó chỉ giúp chúng ta nhớ lại những ký ức gần phai mờ. Và đây, ý kiến của ông V. Descreux, người bình luận tác phẩm của ông Quincey:
“Có thể nào nhà văn dùng thuốc phiện hoặc những chất ma túy tương tự để giúp cho tinh thần thêm sáng suốt chăng? Có thể trả lời: Có. Nếu nhà văn dùng nó để tạo nên những điều kiện thuận tiện cho công việc trước tác, để làm dịu bớt những nỗi đau đớn về thể chất hoặc tinh thần nó là trở ngại chính trong công việc trước tác. Chúng tôi sẽ trả lời: Không. Nếu nhà văn định dùng nó để sáng tạo, hoặc chỉ để nhận xét. Trong vở kịch Hamlet, Shakespeare nói: Trong thực tế có lắm điều mà với tất cả cái triết lý của anh, anh cũng không dám mơ tưởng đến”.
Như chúng ta thấy, chất ma túy chỉ có thể làm dịu bớt trong nhất thời cái trạng thái lo âu, nhưng nó không thể cung cấp cho nhà văn những tài liệu mới mẻ nào). Nhưng rồi không mấy chốc, họ sẽ phải hứng lấy những hậu quả tai hại, khốc liệt của sự đầu độc này. Xem lại tiểu sử của Verlaine, Oscar Wilde, Jarry, Musset Edgard Poe, (nhất là ở E. Poe, chúng ta thấy rõ chứng tâm thần bất định). (Ở nước ta, nhiều nhà văn thuộc thời tiền chiến đều nghiện ngập: Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Bính, Lan Khai…).
Khi cơn khủng hoảng tinh thần ấy trở nên quyết liệt, nó có thể đưa nhà văn đến chỗ tự sát. Họ sẽ mất hết tin tưởng, ngờ vực tất cả, ngờ vực cả cái thiên tư, cái văn nghiệp của mình, họ thấy chỉ còn có cách là ẩn trú trong cõi chết, trường hợp của văn sĩ Gérard de Nerval. (Giáo sư Achille Delmas nhận thấy tinh thần bất định là nguyên nhân của 90% vụ tự sát. Định mệnh của người tự sát là do một khí chất tâm lý bất thường “Không phải ai muốn tự sát mà được” (Psycho, logie pathologique du suicide) Alcan X.B Pariss 1932).
 
Việc cấu tạo một quyển tiểu thuyết:
Việc cấu tạo một tác phẩm thuộc loại tưởng tượng như tiểu thuyết, đòi hỏi nhà văn nhiều đức tính. Không bàn về lối hành văn hoặc về cốt truyện, ngay cái truyện mà nhà viết tiểu thuyết kể lại có hấp dẫn độc giả hay chăng một phần lớn là ở điểm nhà văn ấy có biết diễn tả những phản ứng của các nhân vật trong truyện đúng với tâm lý chăng. Nếu chúng tôi không lầm, một tiểu thuyết gia nổi tiếng, ông Paul Bourget có nói đại để: “Một quyển tiểu thuyết khó thể làm say mê độc giả nếu trong đó không có một phần nào “có thể tin được”.
Trước khi viết truyện nhà văn đã gán cho mỗi nhân vật trong truyện một cá tính nhất định. Những chủ đề của bài toán đã đặng nêu ra trước. Những phản ứng của các nhân vật đứng trước những hoàn cảnh mà truyện đã nêu ra, không còn tùy thuộc vào người viết tiểu thuyết nữa. Những nhân vật ấy phải hành động đúng theo cá tính mà nhà viết tiểu thuyết đã gán cho họ.
Quyển truyện sẽ kém phần hấp dẫn nếu cá tính của các nhân vật trong truyện lờ mờ, không đặng rõ rệt. Độc giả sẽ thấy ngay đó là những hình nộm mà tác giả giựt dây chứ không phải những con người có thật, những nhân vật “sống” và người đọc sẽ trách tác giả đặt sai vấn đề. (Về điểm này chúng ta phải phục những tác giả đã soạn ra các pho truyện tàu như Tam Quốc, Đông Chu, Thủy Hử. Các nhân vật trong truyện ấy phần nhiều là những “nhân vật đặt trưng”, không ai có thể lầm lẫn một Quan Công, một Tào Tháo, một Lưu Bị. Có nhà phê bình nhận xét: Đặc biệt nhất là truyện Thủy Hử, trong đó có hằng mấy chục nhân vật chính song mỗi nhân vật lại đều có những cá tính đặc biệt không ai giống ai cả). Mặt khác, nếu những nhân vật đã đặng tác giả tạo ra có những tính năng riêng biệt, song những nhân vật ấy lại hành động không đúng với cá tính của họ thì chúng ta sẽ ngạc nhiên một cách khó chịu. (Khái Hưng là một nhà tiểu thuyết có tiếng là sành tâm lý, nhưng khi đọc truyện “Trống Mái” của ông, chúng ta không khỏi bất mãn về thái độ và cử chỉ rất khó hiểu của hai nhận vật chính trong truyện: Hiền và Vọi. Hiền một cô gái trưởng giả, có học, thuộc hạng tân thời, say mê anh Vọi, một anh chàng đánh cá, chỉ vì anh ta có một thân hình đẹp như pho tượng. Đọc qua truyện ấy, chúng ta có cảm tưởng là họa chăng truyện ấy chỉ có thể xảy ra bên kia trời Âu chứ không thể xảy ra bên đất Việt Nam vì nó quá cách biệt tâm lý phụ nữ Việt Nam. Tuy thế đây chỉ là tiểu thuyết và chúng ta cũng còn có thể châm chế cho óc tưởng tượng quá mức của tác giả. Nhưng khi xét đến những hành động và thái độ của Hiền và Vọi thì chúng ta không sao còn hiểu nổi. Ai đời một cô gái mê trai mà không biết giấu diếm tình cảm của mình lại còn phô bày cho tất cả mọi người biết, chẳng những thế, cô gái “thông minh” ấy lại còn mời người yêu rất “ngốc tử” của mình đến dự buổi tiệc trà mà đông đủ các bạn lịch lãm và học thức của mình. Có phải cô ta muốn “chế giễu” anh Vọi chăng? Không, cô ta yêu say đắm anh chàng ta. Đã “yêu say đắm” thì có ai lại nỡ đem người mình yêu ra làm “trò cười” cho thiên hạ, tại sao tác giả lại gán cho cô những cử chỉ vừa khích mạn vừa vô lý ấy?). Ở trường hợp này tác giả đặt đúng vấn đề song lại giải sai.
Những dẫn chứng của tâm lý học hiện giờ rất cần thiết cho nhà tiểu thuyết cũng như cho nhà soạn kịch. Đã đẻ ra những nhân vật, tác giả có quyền tạo cho các nhân vật ấy một cá tính nào đó. Nhưng, khi cái phương trình cá tính của các nhân vật ấy đã đặng nêu ra, tác giả không có quyền thêu dệt nữa, tác giả bắt buộc phải làm thế nào để mỗi nhân vật ấy phải hành động, nghĩ suy phù hợp với cá tính của họ.
Trong vở kịch “Sáu nhân vật đi tìm tác giả” (Six personnages en quête d’auteur), Pirandello đã nhận thấy điểm quan trọng ấy. Bên tai tôi còn văng vẳng những lời phản đối hốt hoảng của một trong sáu nhân vật ấy trong lúc tập tuồng, khi hắn thấy ông bầu gánh định sửa đổi vai tuồng của mình.
Những nhân vật trong các vở kịch cũng như trong các tiểu thuyết phải có một cá tính bất di bất dịch. Có như thế nó mới trường tồn. (Nhiều nhân vật tiểu thuyết đã thành nhân vật điển hình: khi nói đến người hà tiện chúng ta nhớ ngay hình ảnh lão Grandet của Balzac, nói đến hạng anh hùng rơm, chúng ta liên tưởng đến chàng Don Quichotte của Cervantès, nói đến gã bợm bãi, chúng ta nhớ đến Sở Khanh và nói đến hạng buôn thịt người là chúng ta thấy ngay hình ảnh mụ Tú Bà của Nguyễn Du). Sự trường tồn của một văn phẩm cắn cứ ở điểm chính này là nó có đúng với tâm lý hay chăng. Một quyển tiểu thuyết viết cách đây ba mươi năm vẫn còn có người thích đọc nếu nó chứa đựng được ít nhiều “thực chất của muôn đời”. Trái lại nó sẽ bị chôn vùi trong lãng quên nếu nó thuộc hạng “tâm lý giả hiệu”, nghĩa là chỉ hợp với thị hiếu thời đại. Khi cái thời ấy đã qua, không còn ai buồn xem tác phẩm ấy nữa. Xét trong văn học sử Pháp, quyển “Asirée” của Hononré là một pho tiểu thuyết rất đặng hoan nghênh ở thế kỷ XVII, nhưng hiện giờ có ai còn can đảm để đọc nó?
Hiện giờ, nếu xem lại những tác phẩm của thời kỳ lãng mạn đã từng làm rơi lụy bao nhiêu thanh niên nam nữ trong thời ấy, chúng ta bắt phì cười. Vì sao? Chỉ vì các nhân vật do những tác giả của thời ấy tạo ra không đúng với những mẫu người có thực mà chỉ là những mẫu người thích hợp với thị hiếu của thời đó, hoặc do óc tưởng tượng của các tác giả ấy đẻ ra. Họ tra cho các nhân vật ấy một “bộ cánh tâm lý” hợp với “thời trang” của thế kỷ thứ XIX thật, nhưng hiện giờ, khi thấy một người ăn mặc theo thời ấy, chúng ta sẽ tưởng chúng như họ ăn mặc theo lối trá hình. (Xét trong văn học Việt Nam hiện giờ có ai còn tìm xem quyển “Tố Tâm” của Hoàng Ngọc Phách không? Không phải vì nó xưa, quyển “Kiều” của Nguyễn Du còn xưa hơn, song người ta vẫn đọc và vẫn thưởng thức “Kiều” nhưng không ai đọc “Tố Tâm” nữa chỉ vì các nhân vật trong truyện ấy không sát thực với tâm lý. Nhiều tiểu thuyết của Lê Văn Trương cũng ở trường hợp ấy. Có một thời tiểu thuyết của Lê Văn Trương đã đặng độc giả hoan nghênh, nhưng hiện giờ ít ai xem. Thời ấy thanh niên hoan nghênh Lê Văn Trương vì ông đề cao “triết lý sức mạnh”, nêu ra những “người hùng” rất hợp thời, bởi sau mấy mươi năm bị đô hộ, bị áp bức, tự nhiên con người ta phải thích cái gì “hùng”, “mạnh”. Rất tiếc là những nhân vật ông tạo ra có vẻ gò ép, những “người hùng miễn cưỡng” của ông có vẻ những hình nộm hơn là những người thực nên số mệnh của chúng cũng mong manh).
 
Tâm lý học và những tác phẩm cổ điển:
Chúng ta phải chịu rằng những định luật của tâm lý học hiện đại là đúng khi chúng ta nhận thấy:  tất cả các nhân vật trong những tác phẩm đặng người ta cho là “cổ điển” đều có những cá tính rõ rệt.
Xem như những tác phẩm của Stendhal, lúc ông sanh tiền, tức là vào thời kỳ lãng mạn, không ai thích xem nhưng hiện giờ người ta lại hoan nghênh. (Bạn đọc lưu ý: Thời điểm xuất bản sách này là 1956 – ldlvinhquang). Người đồng thời không hiểu ông, chỉ vì ở thời lãng mạn ấy Stendhal lại có can đảm đưa ra một Julien Sorel, nhân vật chính trong tiểu thuyết “Le Rouge et le Noir”, một mẫu người rất “thực” nhưng không hợp với phong trào lãng mạn thời bấy giờ.
Chúng ta có thể phân tách cá tính của Julien Sorel: một người  nhiều hoạt động, nhiều tham muốn. Óc hợp đoàn cũng quá mạnh gần như đến mức khoác lác. Nhưng bởi kém lòng nhân nên hắn phải giết người để thỏa mãn cao vọng của mình.
Xét ngay trong truyện “Kiều” ngoài phần văn chương trác tuyệt mà ở đây chúng tôi xin miễn bàn, chúng ta còn thấy cái tài của Nguyễn Du ở điểm: chỉ trong một tập truyện ông đã tạo ra bao nhiêu nhân vật điển hình vì mỗi nhân vật đều có một cá tính riêng biệt, những nhân vật ấy lại có những suy nghĩ và hành động hợp với cá tính của họ, tức là rất đúng với tâm lý, rất sát với “thực” do đó mà các nhân vật ấy sống mãi với thời gian.
Một nàng Kiều đa cảm lại đa tình (giàu lòng nhân, rất nhiều cảm xúc tính) nhưng ít nghĩ suy hoặc chỉ nghĩ suy bằng quả tim (kém có phán đoán) lại quá suy nhược (thiếu hoạt động tính) nên cam sống một cuộc đời thụ động phó mặc cho định mệnh:
“Phận sao đành vậy cũng vầy
Cầm như chẳng đổ những ngày còn xanh”
Tính lại bất định gặp lúc tinh thần xuống dốc dám đắm mình xuống sông Tiền Đường.
Một Kim Trọng tượng trưng con người điều hòa, biết suy nghĩ, tâm tính bên trong xứng với cái mã ngoài “vào trong phong nhã ra ngoài hào hoa”, vốn đa tình (giàu lòng nhân) nhưng không quá đa cảm (cảm xúc tính vừa phải), biết nhận định sự việc (nhiều óc phán đoán). Phải là người rất quân tử, có độ lượng biết suy nghĩ mới có thể thốt ra câu:
“Bấy lâu đáy bể mò kim
Là nhiều vàng đá, phải tìm trăng hoa?
Ai ngờ lại họp một nhà
Lọ là chăn gối mới ra sắt cầm”.
Một Từ Hải:
“Giang hồ quen thói vẫy vùng
Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo”.
Tiêu biểu cho hạng người hoạt động, nhiều tham vọng (rất nhiều tham muốn, nhiều hoạt động tính) song dưới cái vỏ khô khan có ẩn núp nhiều tình cảm, khi có người biết đánh vào chỗ yếu cũng biết rung cảm như ai:
“Khen cho con mắt tinh đời
Anh hùng đoán giữa trần ai mới già
Một lời đã biết đến ta
Muôn chung nghìn tứ cũng là có nhau”.
Nhưng kém óc phán đoán, dó đó mới phải chết một cách nông nổi vì tay Hồ Tôn Hiến, bởi nghe lời người yêu về đầu hàng. Cho nên về sau, nàng Kiều đã phải khóc:
“Khóc rằng: trí dũng có thừa
Bởi nghe lời thiếp nên cơ hội này”.
Hiện giờ người ta còn tìm đọc truyện Kiều vì người ta vẫn còn nhận ra những nàng Kiều, những Kim Trọng, Từ Hải hoặc Sở Khanh, Hoạn Thư ngay trong xã hội hiện đại.
Trong số các nhà văn cận đại, có lẽ Khái Hưng là tác giả sở trường về tâm lý nhất, cũng có thể kể thêm Nhất Linh. Tuy nhiên những nhân vật ông đưa ra có giá trị không đồng đều, có những nhân vật thật “sống”, lại có những nhân vật rất “giả tạo”, khi ông cố gò ép để một vài nhân vật ấy thành ra nhân vật lý tưởng. Chẳng hạn trong “Nửa Chừng Xuân”, Mai và Lộc vẫn còn yêu nhau (theo tác giả), nhưng tác giả vẫn không để cho hợp nhau, chỉ vì muốn cho họ có thái độ “cao thượng” nhưng chính đó là chỗ hỏng vì người đọc thấy ngay tính tình giả tạo. Cô Hiền trong “Trống Mái” cũng rất giả tạo hoặc chỉ có óc tưởng tượng của tác giả vì tác giả đã tạo ra cho cô những hành động vô lý, những hành động không “người” chút nào.
Trái lại bà Án Ba trong “Thừa Tự” rất điển hình cho hạng đàn bà tháo vác, keo kiệt (nhiều tham muốn), thương con nhưng thương vì mình chứ không vì hạnh phúc của con (kém lòng nhân và thiếu phán đoán), sống vì dư luận nhiều hơn vì mình (nhiều óc hợp đoàn). Bà định gả Cúc, con riêng của bà cho người con chồng chỉ vì muốn có chút nén hương sau khi chết và để đánh tan tất cả những điều dị nghị của thiên hạ về sự đối đãi của bà với các con chồng.
Và giáo Hạnh, trong tiểu thuyết ngắn “Hạnh”, một thanh niên nhút nhát, mơ mộng cũng rất tiêu biểu cho con người nhút nhát vì suy nhược (rất nhiều cảm xúc tính nhưng kém hoạt động tính).
Một tiểu thuyết gia tiền bối, cụ Hồ Biểu chánh, cũng đã tạo ra nhiều nhân vật rất “sống”, dù chưa nổi bật hẳn để thành nhân vật điển hình. Tiểu thuyết của ông thiên về việc kể chuyện nhiều hơn là tả tình, tức là ít phân tách tâm lý, tuy nhiên phần nhiều các nhân vật ông đã nêu ra đều diễn đúng tính tình của họ qua những hành vi và thái độ. Có lẽ nhờ chất “thực” này mà hiện nay độc giả (nhất là độc giả miền Nam) vẫn thích xem tiểu thuyết của ông.
Nhiều tác phẩm có tính cách nội quan như: hồi ký, tiểu thuyết tự thuật, ký ức v.v… cũng có thể tồn tại với thời gian mặc dầu trong những văn phầm thuộc loại này tác giả thường vô tình hay “gia vị” phần nào, nhưng tựu trung nó cũng phản ảnh đặng một cá tính có thực. Vì lẽ đó những tác phẩm của P. Loti, của bà Colette được nhiều người mến chuộng. Những tác phẩm tác giả tự đem mình ra để phân tách như bộ “Essais” của Montaigne, “Pensées” của Pascal vẫn trường tồn cũng vì lý do nói trên. Trong văn học cận đại Việt Nam, chúng ta thấy có Nguyễn Tuân (Nguyễn Tuân trong thời tiền chiến) là nhà văn phô bày “con người” của mình một cách thành thực trong nhiều tác phẩm của ông. Qua những tác phẩm như “Thiếu Quê Hương”, “Một Chuyến Đi”, “Chiếc Lư Đồng Mắt Cua” người đọc hiểu rõ tâm hồn của tác giả một cách không mấy sai chạy, một tâm hồn ngờ vực nên đâm ra khích bạc, bất mãn hoàn cảnh hiện tại nhưng vì tâm thần suy nhược lại bất định nên chỉ biết đối phó bằng cách trốn đời, thích xê dịch mà ông ta gọi là “phiêu lưu”.
 
Tâm lý học và môn kịch:
Nhà soạn kịch vần phải thấu hiểu tâm lý học hơn nhà tiểu thuyết. Một quyển tiểu thuyết có khuyết kém về tâm lý, đôi khi có thể nhờ câu văn bay bướm hoặc màu sắc của những khung cảnh trong truyện che lấp đi phần nào. Nhiều tác phẩm của Chateaubriand chẳng hạn chỉ nhờ câu văn quyến rũ mà hiện nay còn đặng người tan ham thích, chứ xét về nội dung thực ra không còn đáng cho chúng ta chú ý. (Trừ tác phẩm “Mémoires d’outre-tombe” của ông nó thuộc loại nội quan. Mà thực vậy, hiện giờ trong số những tác phẩm của Chateaubriand chỉ có tác phẩm này là đặng người ta thường nhắc nhở nhất. Trong dịp kỷ niệm bách châu niên Chateaubriand gần đây người ta đã ấn hành lại tác phẩm này). Nhưng trên sân khấu, chúng ta đặng thấy các diễn viên “sống” với vai tuồng của họ. Khi những vai tuồng này không cấu tạo sát với tâm lý, chỗ khuyết điểm ấy sẽ nổ bật lên ngay và dù không sành về kịch người ta cũng dễ nhận thấy.
Chúng ta hường thấy khuyết điểm này trong nhiều phim ảnh hiện nay, lắm cốt truyện phim rất ngây ngô làm sao ấy, bởi những nhân vật trong phim đặng dựng nên một cách giả tạo. Cái lộng lẫy của hình ảnh, sự rực rỡ của cảnh trí không làm cho chúng ta quên rằng các nhân vật hoạt động trên màn bạc là những con người. Ở điểm này chúng ta càng nhận thấy rõ thiên tài của Charlie Chaplin. Có lẽ ông là nhà soạn phim và diễn viên duy nhất có thể sắm tuồng trên một cách đồng hoang mà khán giả sẽ không một ai nhận thấy sự thiếu thốn về bối cảnh.