"Phạt bọn vô đạo, diệt nước Tần tàn bạo" tuy nghênh đón những năm tháng mới mẻ của triều đại thống nhất nhưng trong đầu mọi người vẫn tồn tại giấc mơ đẹp về "Vương hầu tướng lĩnh, có thể kiếm ra”. Doanh Chính làm được hoàng đế, tại sao ta lại không? Thế là trên vũ đài lịch sử liên tiếp xảy ra các cuộc bạo loạn, bên anh bày tỏ quan điểm tôi lên sân khấu. Một bữa tiệc Hồng Môn, đã diễn ra một vở kịch Tần Hán đuổi hươu vô cùng hùng tráng, sống động làm xao động lòng người Lịch sử không đặc biệt coi trọng những quý tộc đời xưa, cũng không để những đình trưởng nhỏ bé xuất thân từ tầng lớp áo vải, sinh sống ở nông thôn mất đi cơ hội. Lịch sử rất công bằng. Ai có thể thuận theo, đáp ứng được trào lưu, nắm vững xu thế thời đại, được mọi người ủng hộ, người đó sẽ có được thành công cuối cùng của ngai vàng vùng Trung Nguyên. Chi dựa vào cái dũng khí của kẻ không có mưu trí, không nắm bắt được xu hướng phát triển của lịch sử, không được lòng người, lại không hiểu được mưu mô của người khác thì cuối cùng thất bại trắng tay mà thôi, trở thành "anh hùng” tự sát ân hận muôn đời. *
Hạng Vũ sau cuộc chiến ở Cự Lộc nghe nói Lưu Bang đã vào Quan Trung liền lập tức dẫn quân tiến thẳng đến đó. Hôm đó, đoàn quân cắm trại qua đêm ở Hồng Môn. Mưu sĩ Phạm Tăng nói với Hạng Vũ "Bái Công hồi ở quê nhà nghèo khổ, hiếu sắc. Sau khi vào Quan Trung nghe nói ông ta không lấy của cải cũng không gần nữ sắc, trước sau là hai người khác nhau rõ rệt. Đây là sự biểu hiện của người có chí lớn, không thể xem thường ông ta! Bây giờ nếu không trừ khử ông ta, hậu hoạn sau này sẽ khó lường”. Hồng Môn cách nơi Lưu Bang đóng quân không bao xa, lực lượng hai bên lại quá chênh lệch, nếu Hạng Vũ thật sự muốn tấn công thì Lưu Bang sẽ gặp nguy trong một sớm một chiều.
Thật may, Hạng Vũ có một người chú tên là Hạng Bá. Ông ta và mưu sĩ của Lưu Bang là Trương Lương là bạn cũ của nhau. Trương Lương đã từng cứu Hạng Bá. Lúc Hạng Bá được biết Hạng Vũ muốn đánh Lưu Bang đã không khỏi lo lắng cho bạn. Hạng Bá một mình cưỡi ngựa trong đêm rời doanh trại tìm đến Trương Lương khuyên ông ta mau bỏ trốn. Trương Lương lại cấp báo với Lưu Bang. Cùng với sự phân tích của Trương Lương, Lưu Bang lấy danh nghĩa là thông gia với Hạng Bá lôi kéo ông ta, Hạng Bá cuối cùng hứa nói giúp cho.
Quả nhiên, Hạng Bá sau khi trở về liền đứng trước mặt Hạng Vũ nói hộ cho Lưu Bang. Ông ta nói rằng: "Lưu Bang giả như không tiến vào Quan Trung trước, cháu cũng không thể đến đây thuận lợi như vậy. Người ta là công thần, muốn hại công thần đó là hành động bất nghĩa. Hơn nữa, của cải, gái đẹp tất cả người ta đều không lấy, ngay cả việc giáng tội cho Vương Tử Anh ông ta cũng không tự ý xử lý mà đợi cháu đến cùng giải quyết!". Sau đó Hạng Bá lại thay mặt Lưu Bang chào hỏi Hạng Vũ "Lưu Bang ngày mai sẽ đến tạ tội trước mặt cháu, vậy chi bằng cháu thân thiện hữu hảo với ông ta".
Không đợi Hạng Vũ hạ lệnh tấn công, Lưu Bang cùng Trương Lương, Phàn Khoái đến Hồng Môn. Lưu Bang rất cung kính khiêm nhường, thấy Hạng Vũ liền quỳ xuống vái lạy: "Không biết tướng quân vào Quan Trung nên không nghênh đón từ xa, nay đến trước cửa xin tạ tội và tuyên bố chân thành vô tư: "Tôi chỉ là hẹn với ngài tiến vào Quan Trung trước mà thôi". Ngoài "ước pháp tam chương” lập cùng với dân, tất cả vẫn như cũ, mong tướng quân chớ nên nghe lời tiểu nhân, minh xét sự tình".
Hạng Vũ là người thô lỗ, xưa nay vẫn muốn phơi bày tội trạng của Lưu Bang nhưng thấy Lưu Bang nói câu nào cũng có lý, không tiện nói gì, đành phải đứng dậy cầm tay giảng hòa với Lưu Bang và cho bày yến tiệc để khoản đãi. Trong buổi tiệc Phạm Tăng nhiều lần ra hiệu cho Hạng Vũ ra tay nhưng Hạng Vũ không hề có phản ứng. Không biết làm thế nào Phạm Tăng lại xúi giục em họ của Hạng Vũ là Hạng Trang mượn cớ múa kiếm góp vui chờ dịp ra tay. Hạng Bá thấy thế liền múa đôi với Hạng Trang, ngấm ngầm bảo vệ Lưu Bang.
Trước sự bảo vệ của Phàn Khoái, Hạng Vũ không thể ra tay. Lưu Bang lấy cớ đi vệ sinh, thừa dịp rời khỏi Hồng Môn.
Hạng Vũ thấy Lưu Bang rất lâu rồi không quay lại liền hỏi Trương Lương. Trương Lương đoán Lưu Bang đã về đến nơi đóng quân, mới nói với Hạng Vũ: "Bái Công tửu lượng kém, không thể cáo từ trước mặt tướng quân, nhờ tôi tặng cho tướng quân một đôi ngọc bạch, tặng Phạm tướng quân một đôi ngọc đấu”. Lúc Hạng Vũ hỏi vì sao Lưu Bang không cáo từ mà ra về, Trương Lương trả lời rằng: "Tướng quân với Bái Công tình như huynh đệ, có lẽ không đến nỗi hại Bái Công. Chỉ vì thuộc hạ của tướng quân cứ muốn gây khó dễ cho Bái Công, tìm cách hại ông ta. Nếu Bái Công chết người trong thiên hạ sẽ cười chê tướng quân. Bái Công vì nghĩ cho tướng quân nên mới ra đi không nói lời nào”.
Hạng Vũ không có gì để nói, nhưng Phạm Tăng rất tức giận. ông ta rút kiếm chặt vỡ đôi ngọc đấu, hối hận nói: "Người giành được thiên hạ sau này nhất định là Bái Công. Tướng quân với tôi hãy đợi đến ngày bị bắt làm tù binh".
"Hồng Môn đấu tứ", điển cố rất nổi tiếng này nói cho mọi người trong thời điểm khẩn cấp quyết định, nhất định không được bỏ lỡ cơ hội tranh thủ cuối cùng. Chỉ cần không run sợ trước gian nguy, trù hoạch kỹ càng, có thể sẽ xuất hiện cơ hội chuyển biến tiến lên biến nguy thành an. Lúc này việc xấu sẽ trở thành việc tốt.
Trước sau năm 1952, trong mấy kho hàng của công ty điện tử, Nhật Bản còn tồn đọng một số lượng lớn hàng hóa và linh kiện do quạt máy không bán được. Không có biện pháp xử lý, cả công ty như ngồi trên đống lửa vì chuyện này.
Một hôm, có một nhân viên kiến nghị với chủ tịch hội đồng quản trị Separi: "Cuộc sống vật chất của con người càng ngày càng phong phú. Rất nhiều hàng hóa trên thị trường cũng từng bước chuyển từ thực dụng sang mẫu mã đẹp. Xã hội đang thay đổi mà cách nghĩ, cách làm của chúng ta không thay đổi được bao nhiêu. Như thế, sản phẩm của chúng ta mới tiêu thụ chậm. Nếu quả thực vấn đề nằm ở chỗ này chi bằng ta đổi màu sắc của quạt máy thành màu của nước vừa đẹp vừa dịu mắt, mẫu mã cũng phải đẹp hơn một chút. Thế thì không chỉ có thể nâng cao giá trị sản phẩm mà còn làm đẹp cho môi trường".
Chủ tịch hội đồng quản trị nghe xong cảm thấy rất có lý. Quả thực không chỉ có Nhật Bản mà quạt máy của tất cả các nước trên thế giới lúc đó đều là màu đen. Quạt máy màu đen trong ấn tượng của mọi người có vẻ rất thô nặng. Mùa hè thời tiết nóng nực, mọi người thích nhìn thấy màu sắc thanh nhã, trong khi đó màu đen tạo cho mọi người cảm giác ảm đạm phát nóng. Ông ta rất ủng hộ ý kiến của nhân viên này và nói: "Đây có lẽ là một ý kiến hay, sự phân tích của bạn rất có thể là mấu chốt của việc quạt máy tiêu thụ chậm. Có thể thử xem, đây có lẽ là biện pháp khả thi để mở ra con đường tiêu thụ." Ông ta lập tức ra lệnh các bộ phận thiết kế nghiên cứu cải tiến.
Mùa hè năm sau, quạt máy màu xanh nước biển mới mẻ khác thường được đưa ra thị trường. Màu của nó thích hợp với mọi người, mẫu mã đẹp tạo cảm giác trong lành, dịu mát, thoải mái. Sự thay đổi về màu sắc và mẫu mã đã kích thích sức mua của người tiêu dùng. Từ khi quạt máy kiểu mới này được tung ra, trên thị trường liền dấy lên cơn sốt mua hàng. Chỉ trong vòng vài tháng đã bán được mấy chục vạn chiếc.
Công ty Doraty đi đầu trong việc cải tiến màu sắc và mẫu mã quạt máy có tác dụng tạo ra thị hiếu. Các công ty cùng ngành nghề ở trong nước cũng bắt chước theo tới tấp. Từ đó, quạt máy nhiều màu sắc đã thay thế quạt máy màu đen truyền thống. Sau này công ty Doraty còn phát triển thêm về chức năng, sản xuất ra hàng loạt sản phẩm đa chức năng.
Công ty Doraty có thể vươn lên từ trong hoàn cảnh khó khăn, giành được thành công, nguyên nhân cơ bản là do họ chú trọng nghiên cứu sự thay đổi của thị trường tiêu thụ, sáng tạo ra cái mới trên cơ sở tận dụng và cải tạo cái cũ, như thế mới làm cho hàng bán chậm trở thành hàng bán chạy. Có lúc, khó khăn không phải là không có cách giải quyết. Nếu có thể khéo léo tránh được rủi ro, biến nguy thành an việc xấu thành việc tốt thì công sức bỏ ra cuối cùng sẽ không phụ người có lòng.