Ý CHÍ NỖ LỰC KẾT KHỐI · Ý Thức Maphilindo · Hình Thức Kết Khối Hiện Đại · Nghĩ về hình ảnh kết hợp ngày mai Người Malay vùng Đông Nam Á hải đảo là một trong những nhóm dân Bách Việt đã từ Hoa Lục thiên di xuống Đông Nam Á sớm nhất (Malay đợt 1 và Malay đợt 2). Qua bao nhiêu thăng trầm biến đổi của lịch sử, những cái tên như Srivijaya, Majapahit vẫn luôn luôn là âm hưởng của một dĩ vãng vàng son ám ảnh tâm hồn người Malay và nung nấu một ý chí kết hợp bất diệt. Ý chí ấy đã kết tụ thành một ý thức — ý thức Maphilindo. Mặc dù hình thức Maphilindo đã không thành vì ảnh hưởng các cường lực bên ngoài, nhưng ý thức Maphilindo vẫn còn và vẫn sẽ là bó đuốc lý tưởng soi đường cho nỗ lực kết hợp. Lý tưởng ấy vượt lên trên óc bè phái, lòng vụ lợi và nhất là mưu toan đẩy toàn vùng vào tròng nô lệ đế quốc này hay đế quốc khác. Vì vậy, nói đến ý thức Maphilindo là nói đến lý tưởng kết hợp Đông Nam Á, chẳng riêng hải đảo mà còn bao trùm cả lục địa, trên căn bản "tình anh em ruột thịt". Kiểm điểm lại ý chí và nỗ lực kết khối trước kia là một cách tự rút tỉa lấy những bài học cho mọi công trình trong tương lai. Từ Dự Tưởng Đơn Phương Ý chí kê’t hợp đã được ghi nhận ngay từ thế kỷ 19, trong khi toàn thể khu vực còn đang đắm chìm trong vùng tăm tối của nền đô hộ Tây Phương. José Rizal và Apolinario Malini, những nhà cải cách Phi-líp-pin, đã từng nhắm tới việc hình thành một tổ hợp dân tộc Malay gồm Kalimantan (Bornéo), Nam Dương thuộc Hòa, bán đảo Mã Lai và Phi-líp-Pin. Trong thập niên 30 thế kỷ này, khẩu hiệu "phục hoạt Malay" đã được tổ chức Thanh Phi của sinh viên Phi-líp-pin nêu lên làm biểu thức tranh đấu. Manuel Quézon, tổng thống nước Phi tự trị dưới quyền bảo hộ của Mỹ từ 1935 đến 1941, lại đề cập đến một liên bang rộng lớn hơn bao gồm không những khu vực hải đảo mà còn tất cả các quốc gia lục địa của Đông Nam Á. Theo ông, một liên bang như vậy sẽ tự túc tự cường được về mặt kinh tế, sẽ ổn cố về mặt chính trị và có thể đứng vững trước mọi áp lực quốc tế. Tại Indonesia, lãnh tụ Cộng sản Tan Malaka không quan tâm đến vấn đề chủng tộc như các lãnh tụ Phi, mà chỉ nghĩ đến một liên bang rộng lớn theo chủ nghĩa xã hội gồm cả Đông Nam Á lẫn Úc Châu mà ông gọi là "Aslia". Trên khu vực lục địa, tiếng gọi liên kết được cất lên đầu tiên ở Thái. Vào năm 1939, năm mở màn thế chiến 2, Phibun Songkhram cùng nhóm cầm quyền đã bỏ quốc hiệu Xiêm cũ, đổi thành Mường Thái (có nghĩa là Xứ Thái, tiếng Anh: Thailand) và tung ra chủ trương giải phóng các quốc gia gốc Thái tại Đông Nam Á lục địa, nhằm tạo lập một nước (hoặc liên bang) Đại Thái hùng mạnh. Người ta ngờ rằng chủ trương này đã chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa Đại Đông Á được tổ chức ở Đông Kinh vào tháng 11-1943, đại biểu Đông Nam Á có tổng thống José P. Laurel của Phi, thủ tướng Ba Maw của Miến và hoàng thân Wan Waithayakon của Thái. Ở Việt Nam, ngay trong những năm cuối của thế chiến 2, nhà cách mạng trẻ tuổi Thái Dịch Lý Đông A cũng đã hình dung ra một liên bang bao gồm toàn thể các nước Đông Nam Á mà ông gọi là Liên Bang Đại Nam Hải. Ông luôn luôn nhấn mạnh đến nhu cầu liên kết Đông Nam Á và mơ tưởng tới một cuộc bung vỡ của toàn thể các dân tộc trong vùng hầu giải quyết những bế tắc thời đại mà tranh đoạt lấy quyền làm chủ của tự mình[1]. Điều đáng tiếc là Lý Đông A đã bị Cộng Sản Việt sát hại ít lâu sau thế chiến và chủ trương kết khối Đông Nam Á của ông cũng bị chìm trong quên lãng. Nói chung, trong thời kỳ đầu, ta thấy giới trí thức Phi-líp-pin đã đi tiên phong trên đường học hỏi Tây Phương, nên những người làm chính trị có tầm nhìn xa hơn, thấu đáo phần nào thế tương quan giữa các quốc gia và các khối quốc gia trong sinh hoạt quốc tế. Do đó, ý chí kết khối tiên khởi này nở ra ở đất này, mặc dù được thúc đẩy bởi động lực "lãnh đạo khu vực" với một chút vốn liếng văn minh Tây phương dở dở dang dang của Phi. Những người lãnh đạo Thái thì rõ ràng có chủ đích thiển cận hơn với dự tính mượn tay Nhật đánh đổ chế độ thực dân Anh Pháp, nhất là Pháp ở mạn đông, để nếu thắng lớn thì ăn cả lục địa (Đông Nam Á), thắng nhỏ thì cũng bành trướng được sang Lào và Kampuchea một phần lãnh thổ. Đúng như Lý Đông A đã nhận định: "Đại Thái chủ nghĩa tức là Đại Việt chủ nghĩa đẻ non và đồng hóa vào trận doanh cực quyền. Thái chỉ là phụ thuộc của Nhật. Nhật thắng thì đưa Thái lên trình độ cắt của ta đôi chút đất …"[2]. Tuy nhiên Lý Đông A lại tin là khi Nhật bại, Nhật (và Thái) sẽ thành người bạn bí mật cho cuộc phục hoạt và phục hưng Việt [3]. Sự thật, dù trong thế chiến với sách lược phát triển sức mạnh vũ trang theo chiều cao của bọn quân Phiệt, hay trong hậu chiến với sách lược phát triển sức mạnh kinh tế theo chiều rộng của bọn tài phiệt, Nhật bản chưa hề có ý định từ bỏ ý đồ đế quốc đối với khu vực Đông Nam Á chúng ta. Qua Vận Động Tiếp Nối Thế chiến II vừa chấm dứt, ý kiến về việc liên kết các nước Đông Nam Á lại được đề ra bởi một lãnh tụ Việt Nam khác, ông Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh, nguyên là Ủy Viên Đông Phương Bộ, phụ trách Đông Nam Á Vụ của Cộng Sản Đệ Tam Quốc Tế, dĩ nhiên cũng luôn luôn mơ tưởng đến việc "giải phóng" vùng đất trách nhiệm của mình. Vì vậy, cách mạng tháng 8 vừa thành công, họ Hồ liền đánh điện cho Sukarno, lãnh tụ Indonesia, kêu gọi cùng tuyên cáo tiêu đích đấu tranh chung (chống thực dân) và tạo dựng nền tảng cho những nỗ lực giữa các nước Đông Nam Á sau này. Sukarno lúc ấy đã không chia sẻ điều họ Hồ mong mỏi, nhưng sau này đã có lần nghĩ đến một cái trục chẳng những liên kết 3 thủ đô Đông Nam Á là Djakarta, Phnom Penh và Hà nội mà còn chạy dài lên miền bắc tới tân Bắc Kinh và Bình Nhưỡng! Còn họ Hồ thì đã trót dấn thân vào hai cuộc chiến tranh liên tiếp cho đến mãn đời, nên mưu tính của ông cũng chỉ giới hạn trong khu vực Đông dương, xa nhất là tới một phần lãnh thổ Thái, với các tổ chức Cộng sản chịu ảnh hưởng của ông. Tại Miến Điện, ngay từ khi còn đang dành nỗ lực cho công cuộc vận động độc lập quốc gia, lãnh tụ Aung San cũng đã nghĩ đến nhu cầu kết hợp Đông Nam Á. Năm 1947, ông nhận định rằng “Trong khi Ấn Độ đã trở nên một thực thể và Trung Hoa một thực thể khác, Đông Nam Á cũng phải tự hợp thành một thực thể riêng biệt”[4]. Trong một dịp khác, ông cũng vạch rõ nhu cầu kết khối Đông Nam Á không những nhằm đương đầu với các cường lực Mỹ, Âu, Liên Sô mà còn đương đầu với ba nước lớn Á Châu: Tàu, Nhật, Ấn. Tháng 4 năm 1947, nhà cầm quyền Miến lại đề ra một hình thức kết hợp cụ thể được gọi là Liên Hiệp Kinh Tế Đông Nam Á (Southeast Asian Economic Union) gồm tất cả các nước Đông Nam Á, trừ Phi-líp-pin [5]. Đề nghị chưa có đáp ứng thì ba tháng sau, tháng 7 năm 1947, Aung San bị bọn phản động trong nước ám hại. Trở lại với xứ Thái, những vận động kết khối vẫn được đẩy mạnh sau thế chiến, nhất là vào năm 1947. Ngày 1 tháng 7 năm 1947, thủ tướng Thamrong Nawasawat thông báo là một tổ chức Liên Đông Nam Á sẽ thành hình và sẽ quy tụ tất cả các nước trong vùng. Ban đầu mới tạm ra mắt với tập hợp bốn nước Thái, Việt, Lào, Kampuchea qua sự thỏa thuận giữa Thái và Pháp (!). Tuy nhiên, Bangkok và Paris đã phải bỏ ngay ý định này sau đó vì chính giới Thái phản đối Thamrong liên kết với thế lực thực dân. Cũng tại Bangkok, tháng 9 năm 1947, một tổ chức thiên cộng của một số người đã được thành lập mệnh danh là Liên Minh Đông Nam Á (Southeast Asian League). Tổ chức này quy tụ được nhiều nhận vật nổi tiếng, trong đó có cựu thủ tướng Pridi Banomyong, người cầm đầu tả phái Thái, hoàng thân Souphanouvong, lãnh tụ Cộng Sản Lào, và một số cán bộ đầu não của Đảng Cộng Sản Đông Dương trong nhóm Việt kiều ở Thái. Tiêu đích gần của Liên Minh là mua súng ống đạn dược cung cấp cho phe kháng chiến Đông Dương, lúc ấy đang chống Pháp. Liên minh mới thành lập chưa kịp bắt tay tiến hành công việc thì bị giải tán khi chính tình hình Thái thay đổi bởi cuộc đảo chính ngày 8 tháng 11 năm 1947 do quân đội gây nên. Phibun Songkhram, người chủ trương Đại Thái trước kia, nay vừa nắm quyền thủ tướng lại (tháng 4 năm 1948) là bèn nghĩ ngay đến công cuộc tổ hợp Đông Nam Á. Ông đã mời Miến, Phi và Ấn cử đại biểu tới Bangkok vào tháng 10 năm 1949 để họp bàn về chính trị và kinh tế Đông Nam Á, nhưng hội nghị đã không thành vì chính sách đối ngoại khác biệt của các chính quyền đã gây sự thiếu thông cảm lẫn nhau. Đến Những Xướng Xuất Có Đáp Ứng Sang thập niên 1950, diễn biến đầu tiên đáng ghi nhận là hội nghị Baguio do Phi triệu tập vào tháng 5 năm 1950. Hội nghị chỉ quy tụ được ba nước Đông Nam Á là Phi-líp-pin, Indonesia và Thái (bốn nước còn lại là Ấn, Pakistan, Tích Lan và Úc) và đã kết thúc với sự thất bại của Phi trong mưu đồ hướng các nước vào con đường chống Cộng thân Tây phương. Phần lớn các quốc gia tham dự đã chối bỏ dự tính của Phi và nhất là điều mà họ gọi là sự lên mặt "dẫn dắt" của Phi. Tới tháng 4 năm 1955, Indonesia đã đứng ra triệu tập Hội nghị Á Phi tại Bandung nhằm thành lập lực lượng thứ ba, trung lập giữa hai khối Nga, Mỹ. Hội nghị không đạt được thành quả cụ thể nào, nhưng ít ra cũng đã tạo tin tưởng cho toàn thể các nước Á Phi về vai trò mới của mình trong cộng đồng thế giới và tạo quyết tâm gột bỏ ảnh hưởng thực dân cũ cũng như chống lại sự tiêm nhập của ảnh hưởng thực dân mới. Bandung đã quy tụ được tất cả các nước Đông Nam Á [6] và đã là sự việc khởi đầu cho một chuỗi hoạt động phối hợp sau của các nước Á Phi [7]. Mặc dầu hai hội nghị trên không phải là hội nghị riêng của các quốc gia Đông Nam Á, nhưng ảnh hưởng đối với vùng này thật là rõ rệt: Baguio-1950 đã là một trong những diễn biến đưa đến Tổ Chức Liên Phòng Đông Nam Á (SEATO) của Mỹ; trong khi Bandung-1955 đã là một trong những diễn biến đưa đến phong trào chống Tổ Chức Liên Phòng của chính các nước trong vùng (Miến Điện, Indonesia, Kampuchea). Sau khi thâu hồi độc lập (1957), thủ tướng Liên bang Mã Lai Tengku Abdul Rahman đã viếng Phi-líp-pin (tháng 1 năm 1959) và đã cùng tổng thống Garcia loan báo sẽ thành lập Liên Minh Kinh Tế Và Hữu Nghị Đông Nam Á (SEAFET). Hai nhà lãnh đạo này cũng nói rõ là sẽ mời cả Indonesia tham dự: nhưng ngay khi biết tin, phát ngôn viên chính quyền Indonesia đã trả lời dứt khoát là Indonesia chỉ nói chuyện trên căn bản hai nước, hoặc trên căn bản Á Phi theo tinh thần Bandung, và từ khước đề cập đến vấn đề chống cộng hay vấn đề liên kết với Tây phương. Dù sao, Liên Minh Kinh Tế Và Hữu Nghị ĐNA vẫn còn âm hưởng trong vùng và âm hưởng ấy đã được đáp ứng với cuộc gặp gỡ Phi-Mã-Thái để thành lập Hiệp Hội Đông Nam Á (ASA) ở Bangkok ngày 31 tháng 7 năm 1961. Để tránh thành kiến bất lợi, ba nước hội viên sáng lập Hiệp Hội ĐNA đã phải nhấn mạnh đến các mục tiêu tích cực của tổ chức, đặc biệt là về địa hạt kinh tế, hầu làm nhẹ bớt mục tiêu chống Cộng tiềm ẩn ở trong. Hiệp hội ĐNA lấy khối Bắc Âu làm mẫu kết hợp. Thành quả sơ khởi của Hiệp hội là việc giản dị hóa những thủ tục di nhập giữa ba nước và tạo dựng những tiện nghi liên lạc (hàng không, đường sắt, viễn thoại). Nhưng công trình Hiệp hội ĐNA cũng chỉ được đến đó rồi lại đình trệ vì mâu thuẫn địa phương nẩy sinh ra giữa Mã Lai và Phi-líp-pin trong việc thành lập Liên Bang Mã Lai Á. Maphilindo Trở lại ý thức kết hợp dân tộc Malay, năm 1961, Subandrio, ngoại trưởng Indonesia đã nói trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc “Thực sự giữa những người gốc Malay có một ước mong thành khẩn kết tụ với nhau và dồn mọi nỗ lực quốc gia và một mục tiêu chung về chính trị, kinh tế cũng như văn hóa … Chính thủ tướng Liên Bang Mã Lai, Tengku Abdul Rahman cũng đã hăng hái tán thưởng ý niệm này”. Quả vậy, dân Malay trong Liên Bang Mã Lai đã trông vào sự hình thành tổ hợp Đông Nam Á hải đảo như một lối thoát ra khỏi cuộc xâm lăng thầm lặng của tập thể người Tàu trên đất Mã. Năm 1959 khi viếng Manila, Rahman đã thiết tha kêu gọi người Phi hãy liên kết chặt chẽ với những người “anh em gốc Malay.” Ông ta cũng đã nói tới “sự phục hoạt của nòi giống Malay sau thời kỳ phân hóa vì Tây phương thống trị” nhằm đưa đến “công cuộc xây đắp mối liên kết chặt chẽ hơn giữa nhân dân gốc Malay trong toàn vùng” [8]. Cũng trong năm, Eduardo L. Martelino, một nhà văn Phi đã xuất bản một cuốn sách nhan đề Someday Malaysia nhằm cổ võ việc thành lập một Liên bang gồm có Indonesia, Phi-líp-pin và Mã Lai. Tháng 7 năm 1962, nhân vụ rắc rối vì tranh chấp Bắc Bornéo giữa các nước trong vùng, Tổng thống Phi Macapagal đã kêu gọi nhân dân gốc Malay hãy lấy tình ruột thịt xóa bỏ hận thù đang khơi lên do ý tưởng bành trướng quốc gia nhỏ hep. Ông cho rằng “đó là việc chính nhân dân Malay chúng ta phải tự làm lấy” và đề nghị “một hình thức Liên bang Đại Mã Lai, khởi đầu bằng sự kết hợp bán đảo Mã Lai, Phi-líp-pin, Tân-gia-ba, Sarawak, Brunei và Bắc Bornéo”. Tổ hợp đầu tiên này sẽ để cửa ngỏ cho Indonesia tự do bước vào khi thấy thuận tiện. Vẫn theo ông, “với hình thức đó, vùng ĐNA hải đảo sẽ trở thành một liên bang thống nhất có một nền chính trị, kinh tế, văn hóa cũng như địa lý rất hoàn hảo.” Từ khi Mã và Anh thỏa thuận kế hoạch xúc tiến việc thành lập Liên Bang Mã Lai Á, tranh chấp giữa Indonesia và Mã Lai càng ngày càng trở nên gay cấn hơn, nhất là sau cuộc vũ trang nổi dậy của Đảng Ra’kyat ở Brunei vào tháng 12 năm 1962. Trong mấy tháng đầu năm 1963, những va chạm liên tiếp giữa hai nước đã tưởng sẽ trở thành vết rạn nứt vô phương hàn gắn, nhưng nhờ những nỗ lực vận động hòa giải bên trong, Sukarno và Rahman đã nhận gặp nhau ở Đông Kinh trong hai ngày 31 tháng 5 và ngày 1 tháng 6 năm 1963. Cuộc gặp gỡ đã mở đầu cho những lần thương nghị sau đó. Từ ngày mồng 7 đến ngày 11 tháng 6 năm 1963, các ngoại trưởng Phi (Pelaez), Indonesia (Subandrio) và Mã Lai (Razak) đã họp ở Manila. Hội nghị này đã đưa ra thỏa ước Manila, tuy nội dung chưa minh định rõ rệt một đường hướng cụ thể nào, nhưng đã thấy có sự đồng ý thu xếp mọi chuyện trong vùng một cách hòa bình và trong tình anh em ruột thịt. Hội nghị này đã mở đầu cho bước gặp gỡ quyết định của Sukarno, Macapagal và Rahman từ ngày 30 tháng 7 đến ngày 5 tháng 8 năm 1963 cũng tại Manila. Ngay ngày đầu ba nhà lãnh đạo đã ký thỏa ước do các ngoại trưởng hoàn thành từ tháng sáu. Sau đó, hội nghị cũng đã đưa ra hai văn kiện: Bản Tuyên Cáo Manila và Thông Cáo Chung. Trong Thông Cáo Chung, ba nước đã khẳng định rằng: các xứ Malay có căn cứ quân sự tạm thời của ngoại quốc phải bảo đảm là các căn cứ này sẽ không được dùng làm nơi xuất phát khuynh đảo trực tiếp hay gián tiếp nền độc lập của quốc gia Malay khác. Thông cáo cũng nhấn mạnh “Hòa bình và an ninh trong vùng nằm trước hết trong tay chính phủ và nhân dân các nước. Ba chính phủ phải tham khảo ý kiến lẫn nhau một cách chặt chẽ về những vấn đề này”. Tuyên cáo Manila đã mô tả ba nước Malay anh em đều sát cánh trong công cuộc “chiến đấu chống lại chủ nghĩa thực dân và đế quốc”. Nhưng quan trọng hơn hết, tuyên cáo nhấn mạnh Hội nghị cấp cao ba nước là “những bước đầu tiến tới thành lập Liên bang Maphilindo”, một Liên bang qui tụ các dân tộc Malay ở ĐNA hải đảo, bộ tộc đông đảo và quan trọng nhất còn sót lại của đại tộc Bách Việt. Tiếng vọng Manila đã được tiếp nhận một cách say sưa, đầy tin tưởng trong quảng đại quần chúng Malay. Đâu đâu người ta cũng nói đến Maphilindo, đến nỗi đối với nhiều người, Maphilindo đã gần như trở thành một thực thể. Một nhà văn Phi đã hãnh diện kể lại: Khi qua Liên bang Mã Lai Á và Cộng hòa Indonesia, có người hỏi ông ta là dân xứ nào, ông ta đã không ngần ngại trả lời “Tôi là công dân Liên Bang Maphilindo” [9]. Nhưng còn các nhà lãnh đạo ba nước? Ngay sau hội nghị thượng đỉnh, trong khi hào quang của thắng lợi chung Maphilindo còn chưa tắt trên đỉnh cao thì ba nhân vật cầm đầu đã lặng lẽ rẽ về ba ngả đường khác biệt. Mã Lai tiếp tục tiến hành việc thành lập Liên Bang Mã Lai Á (chính thức thành hình ngày 16 tháng 9 năm 1963) và kết khối chặt chẽ hơn với quan thầy Anh. Hai thế lực ở Mã, bọn chính trị gia của giai cấp phong kiến Mã và bọn con buôn Trung Hoa, đều có khuynh hướng xa rời Djakarta, nên dần dần Mã Lai Á đã tự làm nguội ngọn lửa Maphilindo trong quần chúng Mã. Phi, với ảnh huởng Mỹ còn chĩu nặng, đã vội quên đi “nguyên động lực anh em Malay ruột thịt” mà tự khoác cho sự thành hình Maphilindo một ý nghĩa chống Cộng thân Mỹ. Chính trị gia Phi đã cho rằng chính Trung Cộng là nguyên động lực thúc đẩy ba xứ Malay xích lại gần nhau tìm sự hỗ tương, cộng tác và thống nhất. Báo chí Phi cũng nhận định “Dân tộc Malay đã tìm được một mẫu số chung để thống nhất — đó là mối đe dọa của Trung Cộng” [10]. Ngay cả tổng thống Macapagal cũng đã có lần cho rằng: “Bắc Kinh là mối đe doa lâu dài của thế giới Malay”, và rằng “Indonesia với tiềm lực lớn lao sẽ đóng vai trò lãnh đạo thế giới này chống lại sự bành trướng và phiêu lưu của Hoa Lục”. Với Sukarno, việc lãnh đạo thế giới Malay là điều được coi như đương nhiên. Sau Hội Nghị Manila, Djakarta đã tự gán cho mình trách nhiệm an ninh toàn vùng và quả quyết thế giới Malay đang nằm trong vòng ảnh hưởng của mình. Sukarno nói “Indonesia công nhận có quyền và trách nhiệm bảo vệ nền an ninh và hòa bình trong vùng với các lân quốc là Phi và Mã”. Tiến xa hơn nữa, Tham Mưu Trưởng Quân Đội Indonesia còn cho rằng Indonesia trách nhiệm nền an ninh và sự thăng bằng toàn thể ĐNA qua khuôn khổ Maphilindo. Tóm lại, lãnh đạo khối Malay thì có, nhưng lãnh đạo để chống lại Trung Cộng như điều mong ước của Phi thì chắc chắn là không. Đối tượng đấu tranh của Indonesia lúc ấy chính là và chỉ là Đế Quốc Tư Bản, cụ thể là Mỹ và Anh. Trong nội bộ, đảng Cộng sản Indonesia ngày càng mạnh, ảnh hưởng nặng nề tới chính sách đối ngoại của Sukarno và đã là một trong những nguyên nhân thúc đẩy Indonesia châm ngòi chiến tranh với Mã. Nếu Maphilindo đã làm nhiều người hy vọng lúc đầu thì cũng lại làm cho nhiều người thất vọng sau đó. Năm 1964, Kampuchea đã tỏ ra rất quan tâm đến đề nghị mở rộng Maphilindo của Phi (với dự tưởng sẽ hạn chế bớt được sự khống chế của Indonesia) và Sihanouk đã hứa sẽ xin gia nhập khi Maphilindo chính thức thành lập. Song, Maphilindo chẳng bao giờ được chính thức thành lập cả! [còn tiếp] Ghi Chú: [1] Mục Quốc Thể, phần Điển Cương, Cơ Năng Hiến Pháp (1943) có ghi “Đại Việt thành lập Đại Nam Hải Liên Bang Thống Nhất” (Lý Đông A, Duy Nhân Cương Thường, Gió Đáy, Sài Gòn, 1970, trang 96). Cương lĩnh II về Dân Tộc Căn Bản Lập Trường, Chu Tri Lục 3 – Cương Lĩnh Cách Mạng Việt (1943) có ghi “Có một điểm cần đặc biệt và thân thiết chú ý là lập trường 50 trở đi phải là một lập trường chung của các dân tộc nhỏ yếu Đại Nam Hải …”, “Sự đấu tranh cho nền độc lập phải từ một nơi mà toả ra bốn bể, phải liên kết thành một khối Đại Nam Hải, phải đẩy sức gốc các dân tộc nổi dậy lên một cuộc bùng nổ giành lại sống còn về với ta” (Lý Đông A, Chi Tri Lục, Gió Đáy, Sài gòn, 1969, trang 70 và 71). Trong chương Thời Đại, Tập Xuân Thu (1943), Lý Đông A đã viết “Nguyên lý của dòng máu một dân tộc có thể lấy cái nguyên lý của thuỷ lực học (science hydraulique) mà chứng minh. Làn gió đáy sẽ thổi dạt dào các luồng sóng đáy, sức nước nguồn từ mối vỡ bờ sẽ bằng tất cả các sức mạnh của các bế tắc thời đại với lượng nước bị ứ tắc mà vỡ lở ra trong một phạm vi quy định bởi sức lực, quy tắc và tinh thần nội tại. Một cuộc bùng nổ 1793 và Napoléon thức (éruption napoléonienne) sẽ đặt đổ một văn minh Vạn Thắng mới của nòi Việt từ muôn năm. Các lần vỡ bờ từ Đinh, Trần, Lê, Nguyễn Huệ sẽ tái diễn trên một nền tảng to rộng và cao độ hơn bằng cả một sức lực lịch sử và nhân chủng tích góp, theo lý tắc Totem Rồng Tiên của Bách Việt vạn năm trước mà giải quyết vấn đề Đông Nam Á, tức là Đại Nam Hải Á Úc Châu, một cách thoả đáng”, (Lý Đông A, Huyết Hoa, Gió Đáy, Sài gòn, 1969, trang 74, 75). [2] Và Lý Đông A, Chu Tri Lục 3 – Cương Lĩnh Cách Mạng Việt (1943) in trong Chu Tri Lục, Gió Đáy, 1969, trang 67 và 68. [3] Xem chú thích trên. [link=http://vnthuquan.net/diendan/http://damau.org/archives/7475#_ednref4][4] Dick Wilson, Asia Awakes: A Continent In Transition, The New American Library, New York, 1971, trang 280. [5] Army Vandenbosch và R. Butwell, The Changing Face of Southeast Asia, University of Kentucky Press, Lexington, 1966, trang 341. [/link] [6] Trừ Mã Lai chỉ có quan sát viên, vì chưa độc lập nên không đủ tư cách dự họp chính thức. Riêng Việt Nam có hai phái đoàn khác nhau: Bắc và Nam. [7] Xin đọc Bandoung Et Le Réveil Des Peuples Colonisés của Odette Guitard, do Presses Universitaires De France xuất bản năm 1961. [8] Antara (Phi-Líp-Pin) số ra ngày 21 tháng 1 năm 1959. [9] Philippines Free Press (Phi-Líp-Pin), ngày 29 tháng 2 năm 1964. [10] Philippines Free Press (Phi-Líp-Pin) ngày 22 tháng 6 năm 1963.