ỳ thi mùa đông diễn ra bình thường. Tháng Giêng cứ lặng lẽ ngắn dần, dường như cả tháng chỉ có sáu ngày và đều là những ngày thi cử cả. Vadim chỉ còn phải thi có môn cuối cùng và là một môn học khó nhất - môn kinh tế - chính trị học. Còn hai môn phải kiểm tra nữa, nhưng là những môn không có gì đáng ngại. Đúng, ngày mười bốn tháng Giêng là ngày thử thách kinh khủng cuối cùng! Nếu thoát được, anh có thể thở phào nhẹ nhõm. Anh tự học một mình và chỉ đến trường để nghe phụ đạo. Như vậy anh thấy thoải mái hơn và học có kết quả hơn. Vả lại trong những ngày này sức khỏe của bà Vera Fadeevna ngày càng xấu đi. Không thể nào để mẹ ở nhà một mình. Bà ở trong tình trạng khó thở, nhiệt độ tăng đột ngột và các bác sĩ đã phải nói đến chuyện đưa đi bệnh viện. Lắng nghe những câu chuyện trao đổi của các bác sĩ ở ngoài hành lang và nhất là những lời giải thích rườm rà, khó hiểu của bác sĩ Gorn, Vadim cố tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh, giải thích quá trình tiến triển của bệnh và cách chữa, cũng như phương thức tác động đến nó. Sự bất lực của bản thân, nỗi buồn vì không có cách gì giúp mẹ ngoài việc chạy đến hiệu thuốc và gọi dây nói cho bác sĩ đã làm cho anh thất vọng. Anh quyết định tìm hiểu tất cả những điều có thể tìm hiểu được về bệnh viêm phổi theo các lời chi dẫn của từ điển bách khoa. Trong một chiếc tủ đứng ở ngoài hành lang có mấy tập không trọn bộ của một bộ từ điền cũ. Một hôm, đêm đã khuya tưởng rằng mẹ đã ngủ say, Vadim đi ra ngoài hành lang tìm kiếm những cuốn sách đầy bụi không ai ngó ngàng tới cả. Bỗng có tiếng bà Vera Fadeevna hỏi: - Con tìm gì thế, Vadim? - Con, con… tìm từ điển. Im lặng một lát, bà nói bằng một giọng yếu ớt và bình tĩnh: - Từ điển quá cổ rồi con ạ. Khoa học bây giờ đã tiến xa rồi… Thật không có gì có thể giấu nổi mẹ! Vadim kiếm được một cuốn sách tra cứu nội khoa và đọc ở trong đó tất cả những gì có liên quan tới viêm phổi, sưng phổi và những bệnh phổi khác. Có hai bệnh viêm phổi làm anh đặc biệt chú ý - bệnh viêm phổi có mủ và tràn dịch màng phổi. Bệnh tràn dịch màng phổi thường để chữa, nhưng bệnh có mù ở phổi là một bệnh “nan y”, cuối cùng sẽ dẫn đến cái chết. Vadim cảm thấy bệnh của mẹ mình có những triệu chứng giống triệu chứng của bệnh viêm màng phổi có mủ. Sau đó anh đọc thấy trong sách viết rằng trường hợp khám bệnh nhân bị tràn dịch màng phổi sẽ nghe thấy “tiếng rít khí quản William ở phía dưới xương đòn (tiếng rít sẽ to hơn, khi miệng mở ra) và” tiếng lạo xạo ở thanh quản”. Nhưng dù sao anh cũng thấy yên tâm chút ít, bởi vì anh nhận thấy những ngày gần đây mẹ nói nhỏ hơn và đôi khi bỗng nhiên bị mất giọng, nghe đứt quãng và the thé khác thường. Rõ ràng đó là “tiếng lạo xạo ở thanh quản” và như vậy mẹ anh đã mắc phải bệnh tràn dịch màng phổi. Nhưng nói chung, vẫn như trước, anh không biết gì hơn và càng đọc sách anh càng thấy mình bế tắc, càng có thêm những nỗi lo âu mới, càng thêm nghi ngờ nhiều hơn. Thay cho các tài liệu về môn kinh tế - chính trị học, anh đã đọc các sách báo về y học, mà nếu không đọc thì cũng nghĩ về những cuốn sách đó, trong khi ngày thi đang gần tới. Trước ngày thi một hôm, Vadim đã đến trường nghe phụ đạo khá lâu. Chưa bao giờ anh cảm thấy mình chuẩn bị thi cử sơ sài đến như vậy. Trong giờ phụ đạo, các bạn anh đã hỏi giáo sư Krylov những câu hỏi mà Vadim không ngờ tới. Vào lúc khác thì điều đó làm anh rất lo lắng, nhưng lúc này anh chỉ nghĩ một cách mệt mỏi và thờ ơ: “Làm thế nào mà chúng nó lại kịp đọc được tới ngần ấy tài liệu?” Anh chăm chú nghe, nhưng không tài nào hiểu được tới một nửa những điều mà người ta phụ đạo. Tất cả mọi suy nghĩ của anh đã để ở nhà. Anh rầu rĩ lắng nghe toàn bộ lời giảng thêm, rồi sau đó hỏi mượn Nina Fonika bản đề cương chuẩn bị của cô và trở về nhà. Bác hàng xóm mở cửa. - Bác sĩ Fedor Ivanovich cùng với một vị giáo sư nào đó đã đến, - bà thì thào. - Hiện giờ họ đang ở trong phòng tắm, cháu hãy vào đấy đi. Vadim quăng chiếc áo khoác, vội vàng bước vào phòng tắm, lòng dấy lên những lo lắng. Bác sĩ Gorn đang đứng hút thuốc lá ở hành lang trước cửa. Quay lưng về phía Vadim là một người đàn ông cao lớn, tóc bạc, đang cúi xuống rửa tay.”. - Kìa, chào anh! - bác sĩ Gorn vừa nói vừa quay cái thân hình to béo của mình lại như thể khẽ chào anh. Mặt ông trông có vẻ nghiêm nghị, giọng nói không Ồm Ồm, và âm vang như bình thường. Có lẽ ông tỏ ra giữ ý khi có mặt người đồng nghiệp từng trải hơn mình. - Thế nào, thi cử ra sao? - Cảm ơn bác sĩ, cũng bình thường thôi ạ. - Bình thường hả? Đấy là kiểu nói ngày nay… Phải. - Bác sĩ bật ho, rồi đưa mắt nhìn Vadim. - Đây là giáo sư Andreev Sergei Konstantinovich. Chúng tôi vừa mới thăm bệnh bà Vera Fadeevna. Giáo sư Andreev hơi quay mình lại, nhìn Vadim bằng một bên mắt đen lồi, im lặng gật đầu, rồi lại cúi xuống chậu rửa. - Thế này, anh Vadim ạ, - lần đầu tiên bác sĩ Gorn gọi Vadim bằng tên. - tình trạng sức khỏe của bác Vera Fadeevna xấu đi nhiều. Chúng tôi nghi bị viêm phổi trái. Nhưng chụp X-quang lại không thấy ổ bệnh, Trong khi đó ho, nhiệt độ cao, đau ở bên sườn, tràn dịch về ban đêm - tất cả các triệu chứng đỏ đều tăng thêm. Phải chuẩn đoán thế nào đây? điều chắc chắc nhất là bị tràn dịch màng phổi. Anh nhìn gì vậy? Không có gì đáng ngại, bệnh này chắc chắn sẽ chữa khỏi. Chỉ là những chuyện vặt thôi, đến tháng Hai, chắc chắn mẹ anh sẽ đi lại được. Nhưng… - bác sĩ Gorn thở dài, mím cặp môi dày, bực bội, - Nhưng có phải chỉ bị viêm thôi không? Giáo sư Sergei Konstantinovich quan tâm tới một số triệu chứng… Rất khó tin là… nhưng… Vadim, có thể bác Vera Fadeevna bị ung thư phổi. Cần phải đưa vào bệnh viện theo dõi cẩn thận. - Ung thư phổi? - Vadim hỏi lại, mặt tái xanh. - Thế là ung thư phổi? - Phải, phải! Có thể phải mổ. - Bác sĩ Gorn nói nhanh. - Trong thời kỳ đầu tiên phải cắt ngay một phần phổi. Cũng có thể là không phải ung thư, nhưng phải theo dõi thận trọng. Giáo sư Sergei Konstantinovich sẽ đưa bác Vera Fadeevna vào phòng chữa bệnh ở Viện nghiên cứu của mình… - Bao giờ ạ? - Ngay bây giờ, ô-tô sắp tới rồi. Vadim bước vào buồng. Bà Vera Fadeevna đang nằm quay mặt vào tường. Bà quay đầu lại, không ngẩng lên, lặng lẽ nhìn con. - Mọi việc ở trường bình thường chứ con? - bà hồi khẽ. - Tốt cả mẹ ạ. Như mọi khi. - Mẹ thấy hình như con có điều gì… Giờ phụ đạo thế nào? - Tốt mẹ ạ. - Sao lâu thế… - Vâng, bao giờ trước khi thi cũng vậy. Mẹ thấy trong người thế nào? - Anh cố nói to và dõng dạc, hai tay vung vẩy. Sau khi ngồi xuống chiếc ghế cạnh giường mẹ, anh vội vàng lật lật các bản đề cương một cách không mục đích. - Bệnh tình mẹ xấu đi nhiều, con ạ. - bà Vera nói và mờ mắt. - Con đã biết người ta định đưa mẹ đi bệnh viện chưa? - Con biết rồi. Vào đó mẹ sẽ khá hơn. - Mà cũng tiện cho con nữa… Con sẽ bình tĩnh mà thi cử. - Cái gì chứ thi thì con nhất định đạt. - Nhưng con phải đạt tốt hơn… - Chỉ là chuyện vặt thôi mẹ ạ! - anh nói. - Con chỉ còn phải thi có một môn nữa thôi. Kiểm tra thì rất dễ. Chúng con đã nói như thế này với các giáo sư: “Chúng em được coi là người nhà cả ấy mà”. Đúng như thế đấy… Khi nào con kiểm tra xong môn cuối cùng, mẹ cũng sẽ khỏi bệnh. Đấy, mẹ xem! Mẹ có biết là đền kỳ nghi đông chúng ta sẽ làm gì không? - Làm gì, con? - Con với mẹ sẽ đi nghỉ mát mà. Nghỉ hai tuần… Bà Vera Fadeevna hơi gật đầu và nhếch miệng mỉm cười. Đôi mắt của bà nhìn Vadim một cách nghiêm khắc và buồn bã không chớp. - Mẹ nhớ, Vadim ạ… - bà nói và lại nhắm mắt. - Khi con còn bé và ốm đau… mà con thường ốm yếu luôn… mẹ đã ngồi bên cạnh giường con kể cho con nghe toàn những chuyện vớ vẩn. Con lắng nghe, tin tưởng… và yên lòng… Việc đỏ xảy ra đã bao lâu rồi! Bây giờ mọi việc đều đảo ngược lại… Cái đó xảy ra lặng lẽ và nhanh chóng, đó là… cuộc sống… - bà hình như thiếp đi, và lẩm bẩm trong cơn mê. Bỗng nhiên đôi bàn tay mảnh khảnh, xương xẩu của bà nắm chặt lấy tay Vadim trong nháy mắt. - Và bây giờ mẹ nghe con, mẹ cũng tin… con ạ! Nhất định mẹ sẽ qua khỏi… “Khối u xuất phát từ các mô của phế quản, chứ ít khi từ cái gì khác đó, - Vadim chán nản nhớ lại. - Bệnh cứ thế tiến triển và cuối cùng dẫn tới cái chết. Nhất định sẽ dẫn tới… cái chết…”. Anh bỗng thấy ngạt thở, rồi đột ngột thở mạnh, nhưng vẫn mím chặt môi. Anh nhíu chặt đôi mắt. Thấy dễ chịu… Anh đứng dậy và hỏi: - Mẹ mang áo choàng đen đi chứ? - Phải, con lấy áo ở trong tủ. Anh gỡ chiếc áo khoác đen treo trên mắc ở trong tủ và đặt xuống một chiếc ghế ở cạnh cửa ra vào. Nửa giờ sau, anh đã ngồi trên chiếc xe của bệnh viện, trong ca-bin của người lái xe. Bác sĩ Gorn ngồi đằng sau và nói chuyện với mẹ anh suốt dọc đường. Giọng nói của ông âm vang và đượm vẻ an ủi. Viện chống lao nằm ở một dãy phố cổ kính, ít tiếng ồn, đằng sau đường vòng Công viên. Ô-tô rẽ vào một chiếc sân và dừng lại trước cái cổng có treo một tấm biển mờ mờ: “Phòng tiếp nhận bệnh nhân. Những người hộ lý đưa bà Vera Fadeevna qua chiếc cổng đó, bác sĩ Gorn đi theo sau, còn Vadim chạy vào văn phòng làm thủ tục. Mươi phút sau, anh quay lại phòng tiếp nhận. Bác sĩ trực nhật, một người phụ nữ to béo, tóc đen, đeo kính kẹp mũi và có bộ ria nhỏ ở phía môi trên, nói với anh bằng một giọng nam trầm nghiêm nghị: - Bệnh nhân Bê-lova đang tắm. Không được phép vào thăm, cả những người lạ cũng không được ở đây. - Nhưng tôi chưa tạm biệt bà ấy! Tôi là con bà ấy mà! - Con hả? - người phụ nữ hỏi, suy nghĩ một lát. - thế thì hãy đợi đấy khi nào bệnh nhân tắm xong thì vào tạm biệt. Nhưng phải đứng xa nhau. Đi ra ngồi ở phía kia. Vadim bước vào một căn phòng dài, trống trải và ngồi xuống một chiếc ghế dài. Trong túi áo khoác của anh có một cái gì đó phồng lên, anh rút ra - đó là đề cương chuẩn bị môn kinh tế - chính trị học. Sau khi ngồi thoải mái, anh giở đáp án, liếc qua câu đầu: “Giá trị hàng hoá của vải lanh thô được biểu hiện ở vật thể hàng hoá lễ phục…“ Đâu đó ở phía sau có tiếng nhạc của một chiếc radio phát ra. Anh lắng nghe. Rồi đó bất chợt anh thấy buồn ngủ và hình như là anh ngủ thật. Phải, anh đang ngủ, anh mơ thấy mình không có nhà cửa. Không có chỗ ăn ngủ, anh phải sống trên một cánh đồng tối tăm, hoang vắng, nơi không thể thở hít nổi - ở đó cũng bốc lên cái mùi bệnh viện khó chịu như Thế này… Bà Vera Fadeevna bước ra, mình mặc chiếc áo choàng trắng và chân đi đôi dép mềm. Một bà cụ già, toàn thân trắng toát, với đôi chân nhỏ, gầy gò như những que diêm bọc trong đôi bít-tất màu đen, đang đỡ tay bà dẫn đi. - Mẹ, con chào mẹ! - Vadim vừa nói vừa bước gần tới mẹ, rồi dừng lại. - Chúc mẹ chóng khỏi! Bà Vera Fadeevna vừa mỉm cười vừa đáp lại một câu gì đó, rồi xua tay. Bà trở nên gầy guộc, bé nhỏ tới mức không nhận ra được trong bộ áo khoác rộng thùng thình và chiếc khăn buộc đầu trắng toát này. Đã vào xa rồi, bà còn ngoái lại, dặn với: - Con nhớ đưa tiền chanh cho cô Fenia. - Vâng! - anh thốt lên mau mắn và gật gật đầu. Toàn bộ cửa sổ toà nhà bệnh viện rực sáng và chiếu ra thành những dải vàng in trên mặt tuyết đầy vết chân người ở ngoài sân. Vadim không tìm thấy ngay cửa ra và cứ lạc mãi khắp các sân của bệnh viện, sân này nối liền với sân kia. Ở một góc sân, anh nhìn thấy một bức tượng hình người tối đen, cao lớn. “Tượng ai đó?” Vadim thoáng nghĩ một cách mệt mỏi như người mê ngủ, rồi bước lại gần. Anh đã được biết bệ mặt cau có, có cái trán rộng của nhà văn Dostoevsky. A, đúng rồi! Chính Dostoevsky ra đời và sống trong một căn phòng của bệnh viện này. Một chổ nào đó ở đây có đặt Nhà bảo tàng Dostoevsky. Bệnh viện, phòng tiếp nhận bệnh nhân, tượng đài kỷ niệm một nhà văn Nga ốm yếu… tất cả những điều đó giống như một giấc mơ. Nhưng chỉ giống thế thôi. Không có một giấc mơ nào hết. Bây giờ là buổi tối mùa đông ngày mười hai tháng Giêng. Đến ngày mười bốn anh phải thi môn kinh tế - chính trị học. Một chồng vở dày trĩu nặng trong túi anh, anh cảm thấy điều đó qua cánh tay của mình. Hai tay lạnh cóng, anh phải đút sâu mãi vào đôi túi áo khoác… Không, đây không phải là giấc mơ. Bồi vì ngủ và mơ - đó là hạnh phúc! Có lẽ nhiều người bây giờ đang nằm mơ… Vadim bước ra một phố rộng, sáng sủa. Thẳng trước mặt anh là chiếc đèn hiệu màu hồng nhấp nháy. Những chiếc ô-tô điện chở đầy khách và ánh sáng vượt qua. Nhiều người từ trong cửa hiệu đi ra, rồi vội vã xếp hàng bên một quầy bán báo đặt ở góc phố. Người phụ nữ bán báo vừa phân phát những tờ báo, vừa nói bằng một giọng đều đều: - “Tin điện” đây… “Buổi chiều” đây… “Buổi chiều “…” Tin điện “… Đôi tay của bà ta cứ thoăn thoắt như một nhà ảo thuật làm xiếc. Vadim đứng vào hàng, nhưng chỉ được vài phút anh lại bước ra. Đi khoảng mươi bước, anh mới nhớ ra là chưa mua báo, nhưng vẫn cứ tiếp tục đi khỏi quầy báo… Bỗng nhiên, có ai đó đằng sau gọi giật anh lại: - Vadim! Vadim Petrvich! đồng chí Belov! - Một giọng phụ nữ, vui vẻ. Anh quay đầu lại. Bà Irina Vichtorovna đang chạy đuổi theo và vẫy gọi từ đằng xa. - Cứ như là tàu hoả ấy! Bác đuổi theo, đuổi theo mãi không kịp… Cháu đi đâu thế? - Cháu vừa mới ở bệnh viện ra. - Thế à? Mẹ cháu thế nào? - bà sợ hãi hỏi, bộ mặt lập tức biến đổi. - Người ta vừa mới đưa mẹ cháu đến đây, - Vadim vừa nói vừa nhìn người phụ nữ một cách xa lạ. - Họ nghi là bị ung thư phổi.: - Trời ơi! - Irina Vichtorovna lẩm bẩm, đưa vội hai tay áp vào ngực. - Thế thì phải mổ à? - Có lẽ thế, cháu không rõ. - Thế bây giờ cháu đi đâu? - Đi đâu ạ? - anh suy nghĩ, lấy tay vuốt trán. - Cháu cũng chẳng biết đi đâu nữa… - Thể thì đến chỗ bác đi! Nào! Anh suy nghĩ và đồng ý. Căn phòng trống trải ở nhà làm cho anh sợ hãi. Tốt hơn là đến nhà Sergei, còn hơn là suốt buổi tối ngồi một mình ở căn phòng trống trải. Tại sao anh lại đã cãi nhau với Sergei? Phải, câu chuyện ấy đã xảy ra. Nhưng bây giờ tất cả những điều đó đều xa vời và không cần thiết tí nào! - Cháu cần phải học, - Vadim nói. - Đến mười bốn cháu phải thi rồi… Hình như Sergei đã quên cuộc cãi nhau ngày trước. Anh vui vẻ đón Vadim, và sau khi biết câu chuyện xảy ra, anh trở nên rầu rĩ và quan tâm hỏi mãi về bệnh tình, về những điều chẩn đoán của các bác sĩ, về bệnh viện và tất cả những chuyện khác. Nói chung anh đã biểu hiện lòng thông cảm chân thành khiến cho những con người đang phải chịu một nỗi đau thương lớn bao giờ cũng phải tin tưởng. - Hãy ngủ lại ở nhà mình. - Sergei đề nghị. - Cậu đi đâu bây giờ? - Nhất định như vậy rồi! - bà Irina Vichtorovna hoạ theo. - Hãy ở lại đây, cháu ạ. Chúng ta cùng ăn tối, rồi sẽ học. Các con có nhớ không, lúc còn bé, các con vẫn thường học cùng với nhau đấy. Ồ! Nhân tiện mà nói thế! Mẹ cháu đã được đưa vào bệnh viện đúng chổ Valia đang làm. Con biết không, Sergei? - Nhưng Valia lại ở khoa giải phẫu bệnh lý. - Không sao, ở đấy nó là người nhà mình. Phải báo cho nó theo dõi bác ấy. Ngày mai mẹ sẽ gọi điện cho nó. - Không cần! - Sergei cau mày nói và buột miệng: - Tự con sẽ gọi điện cho cô ấy… Mẹ không phải… - Được, nhớ là nhất thiết phải gọi cho nó, Sergei ạ. Sau bữa cơm tối, Sergei nói rằng anh phải đi một lúc có việc, rồi sẽ về ngay. Bốn mươi phút thôi, không hơn. Vadim cứ ngồi học một mình, sau đó sẽ tiếp tục cùng học. Ở đấy có tất cả các sách tra cứu và đề cương, tất cả những thứ cần thiết. Thuận tiện hơn bất kỳ một thư viện nào. Vadim ở lại một mình trong phòng của Sergei. Anh ngồi xuống ghế, rút vở ra và lại đọc đúng câu “Giá trị hàng hoá vải lanh thô được biểu hiện ở vật thể hàng hoá lễ phục…“ Sau đó anh lại không hiểu gì nữa. Anh lại ở trong trạng thái đơn độc với những suy nghĩ về người mẹ, đúng hơn là chỉ riêng ý nghĩ về mẹ đã hoàn toàn xâm chiếm anh, sau khi đã loại trừ tất cả những ý nghĩ còn lại. Nhìn vào đề cương, đôi mắt đờ đẫn lướt trên những dòng chữ nhưng đầu óc anh lại nghĩ tới những điều hoàn toàn khác - đó thật là một công việc vô nghĩa đến kinh khủng. Anh quay ra ngắm nhìn cách trang hoàng bàn học của Sergei. Một chồng giấy viết chi chít với những hình đầu người và nét vẽ ngoáy bên lề. Tấm ảnh một cô gái đẹp không quen biết bên thành lọ mực. Một quyền lịch bóc, có ghi đầy những công việc - Thứ hai, - Vadim đọc, - gọi dây nói cho giáo sư Kodensky… Thứ tư - phụ đạo. Hiệu may. Nhất định phải kiếm được một bộ lông ngựa…” Trên bàn mẹ mình cũng có một cuốn lịch bóc thế này. Dòng chữ ghi cuối cùng để ngày mồng mười tháng Chạp. Dòng chữ cuối cùng… Hình như về việc mua bột để làm bánh Tết. Có tiếng gõ nhẹ vào cửa. - Em vào được không? Chú bé Xasa bước vào và dừng lại ở ngưỡng cửa. - Anh giúp em giải bài toán số học nhé, được không? - chú hỏi một cách bẽn lẽn. - Được quá chứ, - Vadim đáp, - đưa anh xem nào. - Vâng! - Xasa chạy đi và một phút sau quay trở lại với cuốn vở và quyển bài tập toán. Khi Vadim giải bài toán và nhân tiện giảng lại thì Xasa ngồi ở trên ghế như cưỡi ngựa, hai tay chống xuống mép ghế, nhổm lên nhổm xuống liên tục. Đối với tất cả các câu hỏi, chú đều sẵn sàng trả lời: “Vâng, em hiểu”, rồi lại tiếp tục bập bênh, nhổm lên nhổm xuống. - Anh giảng dễ hiểu qua, - chú trả lời khi bài tập đã giải xong. - Còn anh Sergei thì bao giờ cũng mắng em, bảo em là đồ ngốc. Xasa đi rồi, Vadim lại ngồi một mình. Qua bức tường nghe vẳng lại giọng nói nghiêm nghị của bà Irina Vichtorovna: - Xasa, không được quấy rầy anh Vadim! Anh ấy đang bận học. Và giọng nói lanh lảnh của Xasa trả lời: - Nhưng con đã giải tất cả rồi ý. Vadim đi từ góc này đến góc khác của căn phòng, ngắm nhìn những cuốn sách của người khác, những đồ vật của người khác ở trên giá, sau đó ngả mình xuống đi-văng và rồi lại thử đọc bản đề cương ôn tập. Nhưng nằm cũng không làm cho anh thấy thoải mái hơn. Anh đành bỏ cuốn vở xuống và nhắm mắt. Hai giờ trôi qua mà vẫn chưa thấy Sergei trở về. Trong nhà mọi người chắc đã đi ngủ và đài đã tắt. “Đấy chính nó… một cánh đồng tăm tối và hoang vắng…” - Vadim suy nghĩ, lắng nghe khoảng yên lặng tĩnh mịch của căn nhà. Chỉ mươi phút nữa thôi có lẽ anh đến phát điên lên mà chết vì nỗi buồn đó, hoặc rồi anh đến nhảy qua cửa sổ mất… Bất chợt anh trở dậy, nhón chân đi qua hành lang, nhẹ nhàng mặc áo, rồi đi ra phố. Lúc bấy giờ Sergei Palavin đang ở một nơi cách xa căn nhà của mình. Anh ngồi trong buồng của Lena Medovskaya, đằng sau chiếc bàn viết của cô, lớn tiếng đọc đề cương môn kinh tế - chính trị học. Mặc dù chiếc cửa sổ con đã mở toang, trong buồng rất nóng và anh ngồi đọc không mặc áo vét và không thắt kravat, mà mặc một chiếc gi-lê phanh cúc. Lena chăm chú nghe, chân co lên đi-văng, và ngạc nhiên không hiểu sao Sergei mãi vẫn chưa ra về. Cô hoàn toàn không muốn anh ra về, mà chỉ muốn biết tại sao anh lại ngồi lâu, lại ra sức học cùng với cô và lại lớn tiếng đọc hai giờ liền mà không nghỉ như gậy? Và lại nói đùa suốt, không giống thường ngày tí nào? Cô ngắm nhìn bộ mặt của anh đang cúi xuống cuốn sách, những mớ tóc sáng rậm rạp xoã xuống trán, cái mũi nhỏ hơi gồ và cái miệng đàn ông cương nghị luôn luôn đưa đẩy phát ra những câu nói gì đó mà cô không hiểu, không nghe được và trái tim cô đang xao xuyến hình như vì một cơn nóng ấm chợt tới… Vadim đi đến khu tập thể sinh viên. Anh biết rằng, vào lúc khuya khoắt này, ở đấy mọi người vẫn chưa ngủ, cuộc sống vẫn sôi động, mà trước khi thi còn sôi động hơn nữa. Trong một hành lang hẹp, trước cửa phòng ngoài, nơi đặt bếp ăn tập thể, anh gặp Raya Volkova. Cô mặc chiếc tạp dề mỏng dính, đứng bên cạnh cái bếp đầu, hai tay khoanh trước ngực, bộ mặt đăm chiêu với vẻ bà chủ ngắm nghía chiếc xoong chưa bốc hơi. - Vadim, số phận nào đưa cậu đến đây thế? - cô kêu to ngạc nhiên, vui vẻ. - Thế nào, có chuyện gì vậy? - Mình từ bệnh viện tới đây. Mình đưa mẹ mình vào viện. - Thế bác thế nào? - Mẹ mình phải mổ. Có lẽ bị ung thư phổi. Raya bước đến bên anh, nắm lấy tay anh. - Vì thế cậu đến với chúng mình… Phải không? - cô khẽ hỏi. - Đúng thế, - Vadim nói. - Thế thì tốt quá! Cậu đến “bãi quần ngựa” đi, các bạn đang ngồi học ở đấy. Chúng mình sắp ăn tối rồi. Ở phòng nữ rất sáng sủa và đông đúc. Ở đây có cả Spartar - anh thường học thi cùng với các bạn ở khu tập thể… - Chào người bạn bất hạnh! - Lesik vui vẻ đón Vadim. - Đến ghi tên xin vào nông trang phải không? Muộn rồi, người công dân cả thể ạ! Chúng tôi đã qua hết một lượt tất cả các chương rồi, bây giờ sang vòng hai đây. - Thế cậu đã học hết một lượt chưa? - Marina Gravet hỏi. - chắc cậu học đến lượt thứ ba rồi phải không? - Mình chưa học được lượt nào cả, - Vadim trả lời. - Mình phải đến nhờ các cậu giúp mình. Anh ngồi xuống cái giường không biết của ai kê sát chiếc bàn. - Vadim vừa mới từ bệnh viện đến đấy. - Raya nói. - Mẹ cậu ấy bị bệnh rất nặng! Tất cả mọi người im lặng. Spartar đứng dậy, bước nhanh về phía Vadim. - Thế cuối cùng các bác sĩ kết luận thế nào? Vadim kể lại tất cả từ đầu. Anh không muốn kể lại tí nào, mà chỉ mệt mỏi trả lời các câu hỏi. - Chắc cậu chưa học hành gì cả? - Spartar hỏi. Vadim gật đầu. Im lặng một lúc, Spartar tuyên bố: Thế thì thế này: Andrei, với tư cách là nhà phụ đạo chính của chúng ta, chịu trách nhiệm giúp Vadim. Còn lại chúng mình sẽ tự ôn không cần Andrei. Tối nay và suốt ngày mai các cậu sẽ ngồi học. Tớ cho rằng Vadim sẽ đuổi kịp, trong các buổi thảo luận chuyên đề cậu ấy chẳng tỏ ra xuất sắc là gì, và thầy Krylov lại quý cậu ấy nữa. Ngày mai, cậu phải học! Nghe không? - anh giơ nắm đấm doạ Vadim. - Còn đến bệnh viện sẽ có người khác trong bọn mình… - Mình sẽ đến, - Nina Fonika nói. - Được. Cô ấy sẽ biết cụ thể mọi chuyện. Vả lại mình muốn nói với cậu, cậu nghe đây… - Spartar thở một hơi dài, rồi bất thình lình vụng về ôm chầm lấy Vadim, lắp bắp: - Vadim… đừng buồn khi chưa cần thiết. Cậu nghe đây, thường có những chuẩn đoán sai lầm… mình thấy hình như là… - và không tìm được lời nào hơn nữa, anh nắm chặt vai Vadim mà lắc. - Hiện nay có những phương pháp chữa bệnh mới. Bằng những tia gì đó, - Mắc nói. - Người ta bảo có kết quả lắm! Andrei đứng dậy. - Đi chứ, Vadim? về phòng bọn mình, ở đó không có ai. - Không được, không được! - Raya nói. - sắp ăn tối rồi. Vadim phải được hâm nóng lên đã chứ, trông kìa, cậu ta chết cóng ra kìa! - Vadim! Đến ở với bọn mình đi, đồng ý không? - Bất chợt Lesik nói. - Trong lúc mẹ cậu còn nằm ở bệnh viện ấy! Việc gì mà cậu còn chần chừ? - Đúng quá rồi! Tất nhiên, dọn đến đây ở đi! - Lagodenko ủng hộ. - Cậu có thể ngủ ở giường mình, còn mình sẽ ngủ chung với Aliosa. - Việc gì phải ngủ chung? Cậu cứ ngủ giường cậu, còn mình sẽ ngủ ở trên mặt hòm. Mình chả ngủ ở trên đó nửa tháng nay là gì. Đúng là một cái giường của vua chúa! - Nhưng không có chăn. - Mình sẽ đưa cho, - Galia Mamonova đáp. - Chúng mình có thừa một cái. - Còn mình sẽ cho gối! - Marina Gravet kêu lên từ trong góc phòng. - Gối thêu đôi thiên nga và có cả chữ “nắng mai hồng” nữa đấy! - Các cậu… mình chưa có ý định… - Thôi đi, thôi đi! Có một mình thì cậu sống làm sao? - Được, để xem xem… Tất cả đã ngồi vào bàn, còn Raya rót chè vào tách. Bánh mì, lạp-xưởng và một miếng bơ đặt trên một tờ báo giữa bàn, rồi tất cả lần lượt dùng một con dao phết bơ vào bánh mì và kẹp vào đó một miếng lạp-xưởng. Thật là ồn ào, thân mật và vui vẻ. Vadim cảm thấy hơi ấm lan vào người anh mỗi khi nhấp một ngụm trà đặc nóng bóng, hơi ấm đó bao phủ người anh như một đám mây. Càng về sau người càng nóng hơn, đầu óc quay cuồng lạ lùng và tự anh không hiểu tại sao lại như vậy - vì chè nóng hay vì những ánh đèn sáng chói, vì những tiếng ồn, vì những bộ mặt quen thuộc hồ hởi, vì những nụ cười và những cái nhìn thân ái. Anh hoa mắt lên, nhưng lại mỉm cười. Một cô gái nào đó đưa cho anh một miếng bánh mì lớn có phết bơ và một khoanh lạp xưởng to và Vadim bất chợt cảm thấy đói ngấu. Mười lăm phút sau Vadim đã ngồi trong buồng của các bạn trai, sau một chiếc bàn con long chân với những vết mực ngang dọc, một chiếc bàn là, những mẫu thuốc đã tắt và cùng với Andrei đọc để cương chuẩn bị: - Giá trị của vải lanh thô được biểu hiện ở vật thể hàng hoá lễ phục, giá trị của một hàng hoá nằm trong giá trị sử dụng của một hàng hoá kháo. - Hiểu không? - Andrei hỏi. - Câu này hả? Hiểu chứ, - Vadim đáp sau một chút suy nghĩ. - bởi vì giá trị của chúng bằng nhau. - Đúng rồi. Đọc tiếp đi.