Vương Gia sau mấy ngày điều tra, nghiên cứu, hạch hỏi Tiểu Khấu Tử, A Khắc Đan, Thường má rồi đến Tài Phán và Tiểu Nhị của Long Nguyên Lầu. Từ đó kết hợp lại mới làm rõ được thân thế của Bạch Ngân Sương. Nghĩa là... Ít ra ông cũng có được cái cảm giác là đã làm rõ được thân thế của cô gái bấy lâu làm náo động Vương Phủ, Ngân Sương trước đó đã hát rong ở Long Nguyên Lầu, rồi bị Đa Long chọc ghẹo thế nào, Hạo Trinh ra tay cứu giúp ra sao đến ông lão họ Bạch vì muốn bảo vệ con gái mà hy sinh, sau đó Ngân Sương định bán mình chôn cha rồi sự tái xuất hiện của Hạo Trinh. Chuyện mướn nhà ở hẻm Mai Nhị, Hạo Trinh ghé qua tạo nên một tổ ấm nhỏ. Ngân Sương núp dưới danh nghĩa là thân thuộc họ hàng của Tiểu Khấu Tử để được bà Tuyết Như cho vào cung... Tất cả những tình tiết đó phác họa cho Vương Gia thấy, ngoài cái mưu đồ để được vào cung ra, nó hoàn toàn tình cảm, chẳng có một chút âm mưu đen tối nào, mà muốn đạt được nó còn phải trải qua biết bao nhiêu trắc trở, éo le đầy cảm động. Vương Gia là người nhiều kinh nghiệm sống, chuyện thương hải tang điền, trên cõi đời nầy mục kích quá nhiều. Chuyện cấy kết, mưu đồ, chuyện tội ác ở nơi cung cấm ông cũng rõ. Đối với những con người gian xảo, ngậm máu phun người như Đa Long chẳng phải là hiếm. Chuyện được dựng lại một cách tình tiết. Ngoài cái cảm giác “bị qua mặt” ra. Còn thì chuyện của Bạch Ngân Sương rất đáng thương. Con bé lại bị sẩy thaỵ Còn quá trẻ mà lại gánh chịu quá nhiều tai ương, tội thật! Nhưng mà... Nước thì có phép nước, nhà thì có gia quy! Cái hành vi “lường gạt” “qua mặt” đó là một cái tội, không thể không xử phạt. Thế là Tiểu Khấu Tử bị đưa vào tù, phạt roi hai mươi trượng. A Khắc Đan tự nguyện cũng bị quỳ ở phòng luyện võ một ngày một đêm. Bà Tuyết Như thấy hai thân tín của Hạo Trinh bị phạt sợ hãi nắm lấy tay áo Vương Gia nói. - Nếu ông mà định phạt Hạo Trinh và Ngân Sương, thì tôi đây nầy, tôi xin chịu thay cho chúng nó. Ông muốn phạt thế nào tôi nhận cả chỉ xin đừng đụng đến chúng cho tôi. Con Ngân Sương, cuộc đời nó khổ quá nhiều. Nó cũng chẳng thiết sống đâu. Còn Hạo Trinh, nó cũng đâu có sung sướng, nó bị dày dò đến độ, chẳng thấy hạnh phúc! Ông là Vương Gia, lại là cha của nó... Ông đã thấy rõ chúng nó yêu nhau dường nàỏ Tình yêu vô tội! Nếu coi như ông chẳng hề biết chuyện đó, thì ít ra ông cũng phải cảm động vị sự thành tâm của chúng chứ? Vương Gia hừ một tiếng. Thật ra thì lòng ông đã mềm đi nhiều, nhưng vì cái vị thế nghiêm khắc của Vương Gia nên ông cảnh cáo: - Ta chỉ mong là từ đây về sau, trong Vương Phủ nầy không còn chuyện mờ àm nào xảy ra nữa. Nếu có một sự qua mặt nào khác. Thì lúc đó đừng trách ta, đừng hòng cầu xin. Ta sẽ không tha cho đâu? Bà Tuyết Như nghe qua giật mình! “Qua mặt”? Chuyện qua mặt lớn nhất hiện nay là “Ngân Sương! Thân thế của Ngân Sương!” Mà bà biết sớm muộn gì rồi Vương Gia cũng sẽ rõ. Bà Tuyết Như đã tìm hiểu được lý lịch của Ngân Sương. Lợi dụng lúc Vương Gia bận chuyện trong phủ. Hạo Trinh đi vắng. Bà lấy cớ là ghé qua thăm Ngân Sương. Những cuộc ghé thăm nầy thường xảy ra lúc Ngân Sương ngủ. Và bà đã len lén lấy chiếc trâm “Hoa Mai” ra so với vết sẹo trên vai của Ngân Sương. Hai mẫu dáng hoàn toàn hòa hợp nhau và Bà Tuyết Như với Tần má má đã trao nhau cái nhìn qua màn lệ. Mọi chuyện đã quá rõ ràng rồi. Sau đó, khi Ngân Sương tỉnh lại. Bà còn lựa lời truy hỏi. - Nầy con, con ở bên ta đã bấy lâu nay, vậy mà ta chưa hề biết cha mẹ con là ai? Hãy nói cho ta biết tên họ người, làm gì, ở đâu? Nhà con có mấy chị em? Có còn thân nhân nào ở chốn kinh thành nầy không? Kể cho ta biết đi nào? - Dạ không? Con là con duy nhất chẳng có anh chị em gì cả. Mẹ con mãi đến năm bốn mươi tuổi mới sinh ra con. - Vậy à? - Cho con tên là Bạch Thắng Linh, là một thầy đàn, ông ấy đàn hồ cầm rất điêu luyện. Mẹ con thì cũng tài giỏi hơn người, biết đánh trống, ca hát, lại soạn nhạc nữa. Gia đình con nhành nghề ca hát ở kinh đô nầy đã lâu. Và con cũng được sinh ra ở kinh đô nầy. Bà Tuyết Như gật gù: - À! Thế con sinh ra vào ngày nào vậy? Ngân Sương nhìn lên bà Tuyết Như: - Dạ, con sinh ngày hai, tháng mười năm Mậu Dần. Chuyện nầy con có kể lại với anh Hạo Trinh. Anh ấy bảo là chúng con sinh cùng năm cùng tháng, cùng ngày nữa. thật kỳ lạ! Bà Tuyết Như bây giờ tin tưởng trăm phần đã xác định được thân thế của Ngân sương. Lòng đau như thắt, bà hỏi thêm một câu. - Thế lúc đó, gia đình con sống ở khu vực nào trong thành phố Bắc Kinh nầy? - Lúc còn nhỏ, gia đình con sống ở vùng ngoại ô. Ở một nơi heo hút có tên là Hạnh Hoa Khê. Hạnh Hoa Khê? Con suối Hạnh Hoa? Hai mươi mốt năm về trước chính ở nơi nầy, đứa con gái mới chào đời của bà đã được thả trôi theo suối. Và rồi... Thì ra vợ chồng lão họ Bạch đã nhặt được đem về nuôi... Thế nầy thì.... Không có gì phải hỏi nữa. Chẳng có gì để mà hoài nghi nữa... Bà Tuyết Như chăm chú nhìn Ngân Sương, rồi ôm chầm lấy con gái vào lòng xiết mạnh. Bà nghẹn nghào nói. - Nghe nầy, con ơi! Cuộc đời khổ ải của con đã qua rồi. Kể từ hôm nay nếu trời à có nổi sấm sét thế nào thì ta cũng hứa với con. Mọi thứ sẽ có ta chống đỡ. Sau hôm ấy. Bà Tuyết Như cùng với Tần má má đã lặng lẽ đến Nghĩa trang Hương Sơn, thắp một nén hương trên mộ Bạch Thắng Linh. Bà thành tâm lạy ba lạy với lời cầu khẩn. - Bạch sư phụ Bạch sư mẫu, xin hai người ở chốn linh thiêng chứng giám cho ba lạy nầy. Đây là những cái lậy cảm ơn người đã có công nuôi dưỡng con gái tôi, yêu quý nó, dạy dỗ nó nên người. Hiện nay thì tôi thấy không thể không tin chuyện nhân quả tuần hoàn được vì vậy mong rằng ở kiếp sau, chúng ta có duyên sẽ gặp lại nhau, tôi nguyện làm thân trâu ngựa, để đáp lại cái ân ở kiếp nầy của hai vị.
o0o
Thân thế Ngân Sương tuy đã được làm tỏ rõ. Nhưng quả tội cho bà Tuyết Như, biết con mà chẳng dám nhìn. Tần má má nói đúng. Cái chuyện nầy không đơn giản, nó sẽ liên lụy đến cả gia tộc. Nó đưa đến tội khi quân. Và lúc đó chỉ còn có nước chết nếu bị lộ ra ngoài. Vì vậy bà Tuyết Như đành cắn môi, cố niêm kín bí mật trong lòng nghe Vương Gia hăm dọa “không chấp nhận một sự qua mặt khác” làm tim bà nhói đau. Bà sợ hãi. Thế mới biết cái hành động hai mươi năm về trước, bây giờ phải trả giá đắt dường nào. Nếu chuyện trả giá đó mà chỉ một mình bà gánh chịu thì cũng chẳng sao đằng nầy nó liên lụy đến cả Ngân Sương và Hạo Trinh. Mà nếu xảy ra, thì quả là điều ân hận. Tiểu Khấu Tử bị đánh, A Khắc Đan bị phạt, Ngân Sương bị sẩy thai... Hạo Trinh chấp nhận mọi thứ bởi vì như Vương Gia đã nói. - Nước thì phải có phép nước, nhà thì phải có gia quy! Cũng trong buổi chiều hôm ấy. Hạo Trinh đã dẫn theo mấy tay võ sĩ. Xông vào dinh công chúa. Ngoài cửa có tiếng hô: - Phò mã đến! Tưởng Hạo Trinh đến giảng hòa. Công chúa vội dặn Thôi má má đi ngay ra đón. Thật ra thì lúc đó công chúa cũng có một chút mặc cảm, vì cái chuyện tối hôm qua. Công chúa cũng đang muốn làm hòa... Không ngờ Hạo Trinh tiến vào không phải với thái độ hòa nhã, mà lại đằng đằng sát khí. Vừa thấy hai người. Hạo Trinh đã ra lệnh cho võ sĩ. - Đưa ngay mụ Thôi nầy ra ngoài cho ta! Đám thị vệ vừa nghe lệnh, đã xông ngay lên chụp lấy Thôi má má trói ngay lại. Thôi má má biết sắp gặp chuyện chẳng lành, vội sụp xuống nói: - Xin phò mã tha tội cho! Xin phò mã tha tội cho! Một mặt quay lại cầu cứu. - Xin công chúa hãy cứu mạng tôi! Hãy cứu tôi! Công chúa nhanh chóng bước tới chụp áo Hạo Trinh. - Chàng định làm gì vậy? Hãy thả bà ấy ra! Hạo Trinh đẩy công chúa qua một bên, trừng mắt. - Công chúa hãy nghe nầy. Cô đã liên kết với cái tay Đa Long kia tạo ra bao nhiêu sóng gió ở Vương Phủ nầy, lại còn xúi mụ Thôi nầy ra tay đẩy Ngân Sương té lầu, xẩy thai... Cô tưởng cô là công chúa rồi muốn làm gì thì làm ư? Nhưng cô đừng quên rằng cô đã được gả cho tôi, cô đã là vợ tôi! Tôi là chồng thì tôi cũng có quyền xử dụng gia phép để trị cô. Bắt đầu từ hôm nay, cô như bị bỏ vào lãnh cung. Tôi sẽ không còn qua lại với cô nữa. Còn cái mụ Thôi nầy, thì mụ ta phải đền mạng cho đứa con đã mất của tôi. Mụ ta phải được đưa vào tù lãnh phạt! Công chúa thấy thái độ đằng đằng sát khí của Hạo Trinh, vội xuống nước: - Oan cho tôi lắm, phò mã ơi! Tôi không hề liên kết với gì với tay Đa Long. Tự tay hắn dẫn xác đến, tôi cũng không hề xúi dục Thôi má má đẩy Ngân Sương xuống lầu. Đó hoàn toàn là tai nạn... Thấy thị vệ sắp giải Thôi má má đi, công chúa năn nỉ. - Hãy thả Thôi má má của tôi ra. Bà ấy là vú nuôi mà cũng là người thân thích nhất của tôi ở đây. Hạo Trinh! Anh đã hiểu lầm rồi! Đừng làm vậy! Hạo Trinh lạnh lùng: - Vậy à? Hiểu lầm hay không bây giờ cũng chẳng cần. Chỉ biết là bi kịch đã xảy ra và không có gì cứu vãn được nữa, bà ta phải bị trừng trị! Rồi quay sang đám thị vệ, Hạo Trinh ra lệnh. - Đưa mụ ta đi! Công chúa sợ hãi, vội chạy ra kêu người của mình. - Bọn bây đâu? Bọn bây đâu cả rồi? Thấy đám cận vệ của mình đứng yên, công chúa quay sang đám thị vệ của Hạo Trinh và nói. - Chúng bây muốn đưa Thôi má má đi thì hãy đưa ta đi trước đi! Đám thị vệ của Hạo Trinh tuy làm theo lệnh chủ nhưng nào có dám động đến công chúa. Thế là hai phía ở trong tư thế hoàn toàn khó xử. Tiến thoái lưỡng nan. Bọn thị vệ của Hạo Trinh muốn đưa Thôi má má đi cũng không được vì công chúa áng phía trước. Bên ngoài còn có đám cận vệ của công chúa nữa. Hạo Trinh nghiêm giọng với đám thị vệ của công chúa. - Bọn bây định nổi loạn ở Vương Phủ nầy à? Thấy chúng đứng yên Hạo Trinh quay sang công chúa. - Cô gây chiến như vậy còn chưa đủ sao? Bây giờ muốn máu chảy ở đây nữa, cô mới hài lòng à? - Không phải! Không phải như vậy! Công chúa làm lành khoát tay ra lệnh cho lính mình đứng qua một bên, rồi quay sang Hạo Trinh, dịu giọng. - Coi như chuyện hôm qua là thiếp đã sai, thiếp xin lỗi chàng? Nhưng mà, xin chàng đừng đưa Thôi má má của thiếp đi. Thiếp không muốn điều đó xảy ra lúc nầy. Hạo Trinh nói: - Được! Không đưa đi thì xử ngay tại chỗ! Thị vệ đâu thi hành ngay! Một thị vệ của Hạo Trinh, vội bước ra, lấy giải lụa trắng trong người ra quấn quanh cổ Thôi má má, làm bà nầy kinh hải kêu lên! - Công chúa ơi! Công chúa, hãy cứu mạng tôi! Chỉ kêu được mấy tiếng, giải lụa đã xiết lại làm đôi mắt mụ ta trợn trừng. Công chúa thấy vậy hồn phi phách tán. Vội quỳ xuống trước mặt Hạo Trinh, van xin. - Đừng! Đừng như vậy! Thiếp xin chàng. Thôi má má với thiếp tình sâu nghĩa nặng. Thiếp xem bà ấy như mẹ đẻ. Bây giờ thiếp quỳ xuống đây. Thiếp không còn là công chúa, không dám lấy cái tư cáchh đó nữa. Thiếp xin dập đầu cầu xin chàng tha mạng cho Thôi má má. Chàng hãy thương tình. Thiếp bây giờ là người đàn bà cô đơn, chẳng được chồng thương, chỉ có Thôi má má là chỗ dựa... Thiếp xin chàng hãy tha cho bà ấy. Công chúa lúc quá sợ hãi đã nói liên tục, dập đầu liên tục. Tất cả những người hiện diện lúc đó đều bất ngờ, kể cả tay thị vệ thi hành án. Kịp lúc đó Vương Gia và Tuyết Như phu nhân đến nơi. Vương Gia vừa thấy đã giật mình. - Mi làm gì vậy? Mi dám tự tiện xong vào dinh công chúa lại tự ý xử dụng hình phạt. Mi có biết là mi làm gì không? Mau mau thả người ra! Hạo Trinh quay qua Vương Gia. - Ở trong phủ của chúng ta, chuyện tự ý xử dụng hình phạt là chuyện quá thường xảy ra rồi. Đâu phải chỉ mới bây giờ? Đấy những chuyện còn sờ sờ đó? Tiểu Khấu Tử bị đòn, A Khắc Đan bị phạt, Ngân Sương bị thẩm vấn rồi bị người ta mưu sát... Vậy thì những chuyện đó phải giải quyết làm sao? Nếu đã có biệt lệ như vậy, thì thêm hay bớt một lần nữa cũng nào có nghĩa lý gì? Cái mụ Thôi nầy đã gây ra bao nhiêu chuyện động trời. Con thù mụ ta thấu xương... Hôm nay con muốn mụ ta phải đền mạng. Vương Gia trừng mắt. - Hạo Trinh! Không lẽ mi không còn nghe lời của ta ư? Ông bước tới nắm lấy tay Hạo Trinh nghiêm giọng. - Ta biết chuyện Ngân Sương bị áp bức, rồi con bị mất con, những điều đó làm con giận, con bất bình, nhưng mà trên đời nầy có cái gì toàn hảo đâu? Con cũng đừng nên chỉ thấy cái xấu của kẻ khác. Dù gì thì bây giờ mưa đã qua, trời lại sáng rồi cái địa vị của Ngân Sương đã được cả nhà thừa nhận. Chẳng còn ai thắc mắc cũng như hoài nghi về sự trinh bạch của nó. Người ta nói nếu không có chuyện mất của làm sao cứu được người? Con bây giờ cũng còn trẻ, thì lo gì không có con? Năm nay không được làm cha thì sang năm. Chứ nếu bây giờ vì chuyện đó mà con lại giết người có phải là gây thêm oan nghiệt nữa không? Hạo Trinh nhìn cha. Dưới cái ánh mắt nghiêm nghị nhưng đầy cảm thông và những lời phân tích thiệt hơn làm Hạo Trinh mềm lòng phần nào. Chàng quay sang công chúa nói. - Vì có sự can thiệp của cha nên ta tha cho mụ Thôi một lần, nhưng mà phải nhớ. Cái món nợ nầy ta không quên đâu. Ta sẽ ghi sổ để đó. Công chúa nghe rõ chứ? Và cũng chính cha ta vừa rồi xác định. Vị trí của Ngân Sương trong nhà nầy đã được mọi người công nhận. Nếu các người mà còn bịa đặt chuyện nầy chuyện nọ để vu khống ta sẽ không tha cho đâu. Ta cũng nghiêm khắc cảnh cáo nếu công chúa mà quay về cung lần nữa để tố ta với vua cha, thì cứ tự tiện, ta sãn sàng vào hầu. Nhưng coi chừng hậu quả con người ta sinh ra đời sống chết có số giàu sang có số. Ta không sợ đâu! Công chúa quỳ đó cả người run rẩy. Cứu được Thôi má má, công chúa đã quá mừng rồi, dám đòi hỏi gì hơn? Công chúa dập đầu. - Dạ... Thiếp không dám! Không dám làm bậy gì nữa đâu! Hạo Trinh bấy giờ mới khoát tay, đám thị vệ của chàng rút lui. Vương Gia nhìn cảnh đó thở dài, nói với công chúa. - Thôi chuyện cũng chưa có gì xảy ra, thì cũng nên kết thúc đừng gây thêm phiền toái đến tai Hoàng Thượng mà chẳng vui. Rồi Vương Gia, Phước Tấn, Hạo Trinh và đám thị vệ kéo đi hết. Còn lại Công chúa nhào tới cởi giải lụa cho Thôi má má. Đến lúc đó Thôi má má vẫn chưa hoàn hồn. Công chúa cũng vậy. Người lẩm bẩm như kẻ mộng du. - Ta đã sớm biết mà... Ta không cự lại với nó đâu... Làm sao có thể đụng đến nó được? Vì nó nào phải là người? Nó là hồ ly tinh! Hồ ly tinh! Chắc chắn như thế!