ôi muốn viết về một bà già người Hoa, mù chữ, nghèo đến mức phải đi nhặt rau cải sâu, thúi ở chợ cầu Muối về ăn, thuộc diện phải cứu đói thường xuyên, nhưng không hề tham lam, dù một miếng củi rơi, và bà cũng dạy con cháu sống theo đạo nghĩa như thế. Ấy vậy mà con người ấy, ngày 25/11/1997, đã bị trục xuất ra khỏi căn nhà mà bà đã tự tay dựng lên, đã ở đó tròn 25 năm - và có đã thứ giấy tờ chứng minh.Người bị thi hành án được nhân dân thương mến25/11/1997, Đội Thi hành án quận Bình Thạnh đã tiến hành việc cưỡng chế, trục xuất bà Đỗ Khoan ra khỏi căn nhà số 223/10A (mặt tiền) đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 26, quận Bình Thạnh - căn nhà mà gia đình bà đã cư ngụ 25 năm nay. Cứu thương, cứu hỏa đến đầy đủ nhưng không có việc làm, không có những hành vi manh động, chỉ có tiếng kêu khóc vang trời. Bà con cư ngụ chung quanh xúm lại đông đảo, người cho tiền, người an ủi bà già, anh công an khu vực đi tới đi lui, đại diện ủy ban phường và tổ trưởng tổ dân phố không ký tên vào biên bản cưỡng chế. Một người làm cho đội thi hành án nói trong mười năm làm công việc này, anh chưa từng thấy gia đình bị cưỡng chế nào mà lại được dân chung quanh thương mến như vậy.Ngược dòng thời gian, trở lại tháng 6/1994, TAND quận Bình Thạnh mở phiên tòa xét xử sơ thẩm về dân sự vụ kiện đòi nhà giữa nguyên đơn là bà Huỳnh Xây Muội và bị đơn là bà Đỗ Khoan. Theo bà Muội, căn nhà nói trên là do bà mua đất và tự cất vào năm 1971 (lúc đó bà 24 tuổi). Năm 1973, bà Muội cho gia đình người chú là ông Huỳnh Kiên và vợ là bà Đỗ Khoan ở nhờ. Theo bà Khoan, số tiền mua đất là phần thừa kế của chồng bà được vợ chồng người anh (ông Huỳnh Hội và bà Lưu Liên - cha mẹ của bà Muội) giữ hộ. Hội đồng xét xử, gồm một thẩm phán và hai hội thẩm nhân dân, sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án và thẩm tra chứng cứ, đã tuyên buộc bà Khoan và sáu người con phải trả nhà cho bà Muội, bà Muội phải bồi hoàn chi phí sửa nhà gần sáu triệu đồng và thỏa thuận giúp bà Khoan 5 lượng vàng để tìm nơi ở mới.Bà Đỗ Khoan kháng cáo. Ngày 15/5/1995,TAND Thành phố Hồ Chí Minh xử phúc thẩm, Hội đồng xét xử lần này gồm có ba thẩm phán, cũng Sau khi nghiên cứu hồ sơ và thẩm tra chứng cứ, đã xử y án sơ thẩm.Chứng cứ chính để tòa án cả hai câp cho rằng căn nhà 223/10A XVNT là của bà Muội là hai tờ giấy viết tay. Một là tờ sang nền nhà, đề ngày 15/4/1971 do bà Muội đứng tên. Tờ giấy thứ hai là tờ giấy xác nhận ở nhờ, do bà Đỗ Khoan ký ngày 15/2/1993, trong đó, ghi nội dung bà Khoan chỉ là người ở nhờ, và đồng ý trả căn nhà nói trên lại cho bà Muội. Đây là một tờ giấy mà chúng tôi đã đi tham khảo ý kiến của nhiều chuyên viên ở tòa tối cao đều cho rằng nó không có giá trị về mặt pháp lý, nếu như không có những bằng chứng khác kèm theo. Chưa kể là theo lời bà Khoan, sở dĩ bà đánh chữ thập (vì bà mù chữ) vào tờ giấy là vì cháu bà là Huỳnh Diêu (anh của bà Huỳnh Xây Muội) nói rằng đó là đơn xin hợp thức hóa nhà cho bà, bà tin cháu, lại không biết chữ nên mới ký. Mãi đến khi ra tòa, nghe tòa đọc nội dung và nói “Bà đã ký vào đây, giờ còn nói gì nữa?” thì bà mới biết là mình bị lừa.Sau khi tòa xử xong, bà Khoan gặp tổ trưởng tổ dân phố kêu oan ức. Người dân tại đây đã hè nhau đi tìm giấy tờ cho bà. Người lên trắc địa xin lục giấy đăng ký nhà đất, người lên ủy ban quận xin sao lại tờ khai gia đình cũ. Ngoài ra, trời xui đất khiến sao mà bà Khoan tìm được mớ giấy tờ chồng bà nhét dưới mái nhà. Kết quả là bà Khoan có những giấy tờ rất giá trị như tờ khai gia đình chế độ cũ lập năm 1973 có đóng dấu “chủ nhà”, giấy chứng nhận đã kê khai đăng ký nhà ngày 27/1/1978, biên lai thuế thổ trạch mỗi năm hai tờ, từ năm 1979 đến năm 1996... Những người hàng xóm tôt bụng đã chạy đi hỏi khắp nơi, một số luật sư, cán bộ nhân viên tòa án cũng tốt bụng tư vấn miễn phí, giúp bà Khoan làm đơn xin hoãn thi hành án, xin xem xét giám đốc thẩm... Họ đã gởi toàn bộ giấy tờ vừa tìm được, kèm theo biên bản họp tổ dân phố, trong đó hầu hết là những người đã sống ở gần nhà bà Khoan trên 25 năm, đồng xác nhận bà Khoan và chồng là ông Huỳnh Kiên đã tự tay cất căn nhà từ năm 1972 và sinh sống ở đó từ đó đến nay. Họ cũng đã chạy tới phòng tiếp dân gặp bà Đoàn Lê Hương, đại biểu Quốc hội, trưởng ban Dân vận Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Và vị đại biểu này đã có công văn gởi Chủ tịch Quốc hội, kiên nghị ông này can thiệp khẩn cấp đến Viện trưởng VKSND tối cao, Chánh án TAND tối cao để kháng nghị xét xử giám đốc thẩm, nhằm “hạn chế tối đa việc xử oan cho dân”. Đồng thời bà Hương cũng gởi công văn trực tiếp đến Chánh án TAND tối cao và Quận ủy, Ủy ban Nhân dân quận Bình Thạnh, Phòng Thi hành án thành phố, Cục Thi hành án v.v... Bà con tổ dân phố cũng gom góp được bảy, tám trăm ngàn cho bà Khoan để bà làm một chuyến viễn du ra tận Hà Nội kêu oan. Thế rồi ngày 24/6/1997, bà Dương thị Thanh Mai, Phó chánh án TAND tối cao đã có công văn trả lời (cho bà Đoàn Lê Hương) rằng “Sau khi xem xét và kiểm tra chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, TAND tối cao thấy không có căn cứ pháp lý điều chỉnh lại bàn án phúc thẩm...”Những người hàng xóm nghĩa tìnhTối 26/11/1997, khi chúng tôi đến thăm, dưới một tấm ni-lông rách cột vá víu, bà Đỗ Khoan và các con đang ngồi thu lu trên vỉa hè, ngay trước căn nhà trước đây đã từng là của bà, nay đã bị tước đoạt. Lát sau, một đám trẻ con lóc nhóc - vừa đi ăn chực ở nhà những người hàng xóm - chạy về. Mười con người đang sống vật vờ ở vỉa hè. Bên bà Muội có mướn cho bà Khoan một căn nhà nhỏ để bà ở tạm trong thời hạn ba tháng, nhưng bà không chịu dời đi. Không phải bà dám làm reo với chính quyền, chẳng qua như bà nói “Tui qua bển ở, hết ba tháng, tui không có tiền trả tiền nhà, rồi tui cũng ra đường thôi. Thà ở đây gần bà con vui hơn”. Có một đạo lý dạy bà rằng cái nào không phải của mình thì không nhận về mình, vì vậy mà bà đã dại khờ - nói theo cách mắng mỏ của những người hàng xóm - khai trước tòa rằng đất này là của anh chồng mua cho vợ chồng bà, lấy từ tiền thừa kế, dẫn đến việc tòa công nhận “đất của anh chồng” nhưng không công nhận “lấy từ tiền thừa kế”. Tối 27/11/1997, hai tổ dân phố 20-21 lại họp - phiên họp bất thường. 34 người ký tên vào đơn đồng kiến nghị xem xét lại bản án. Bà Nguyễn Kim Hoàng giáo viên về hưu, tổ trưởng tổ dân phố 20, có việc cần kíp về quê ở Bến Tre, dù già yếu, nhưng đã sắp xếp đi, về trong ngày để kịp dự cuộc họp. Bà nói: “Chúng tôi lên tiếng cho bà Khoan, là làm đúng lương tâm con người”. Bà Lê thị Hoa, tổ trưởng tổ dân phố 39, không thuộc thành phần dự họp, cũng đến ngồi ké bên ngoài. Bà là người đã cho bà Khoan 400.000 đồng, vào cái hôm bà Khoan bị thi hành án. Tuy không cùng tổ dân phố, nhưng bà nói bà rất rành sự việc vì nhà bà ở bên kia đường, và bà đã ở đây từ năm bảy hai. Bà nói: “Phải đi tới đâu để làm chứng cho bà Khoan tôi cũng đi. Tôi ở đây từ năm 1972. Hồi đó ở đây là đất ao, sình lầy. Nhà bà Khoan, nói xin lỗi, là cái chòi vịt, chòi trâu, chớ không được là nhà. Khi Mỹ làm con đường lộ phía trước, bà Khoan và chồng đi ăn cắp từng ky đất về đổ lấp nền. Hồi đó tới giờ, chúng tôi chỉ biết vợ chồng bà Đỗ Khoan, không biết, không nghe nói ai khác là chủ cái nhà này... Ông Đỗ Viết Tính, tổ trưởng tổ dân phố 21, nói: “Bà Khoan ở đây từ năm bảy hai, lúc đó là vùng đất khí ho cò gáy, đường đất đỏ, không điện, không nước. Tổ 15 cũ và tổ 21 bây giờ không ai biết bà Muội là ai, chỉ mới biết mặt bả hôm thi hành án”. Ông Đào Quang Minh, cán bộ hưu trí, ông Phạm văn Nghệ - Ủy viên Hội đồng Nhân dân phường, bà Trương thị Hạnh... đều nói rằng sau ngày giải phóng, Nhà nước đã có chủ trương đất đai là sở hữu toàn dân. Giả sử lô đất có là của bà Muội đi nữa, nhưng qua hai lần đăng ký, bà Muội đều không kê khai, không thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước (thuế) thì coi như đất thuộc Nhà nước quản lý, chứ có đâu khi miếng đất trở thành tài sản có giá trị (ước tính trên 100 lượng vàng) thì bà Muội bỗng được trả lại, trong khi bà Khoan đã ở 25 năm, có đủ giấy tờ, và dù nghèo nhưng chấp hành đầy đủ nghĩa vụ thuế, thì lại bị đuổi ra đường!Lâu lắm rồi tôi không được dự một buổi họp tổ dân phố sôi động như thế. Bà con liên tục tiếp lời nhau. Nhiều người nói những lời bức xúc. Ông Trương văn Mỹ, chạy ba gác máy, bà Nguyễn thị Năm, nội trợ kêu gọi mọi người hãy cùng khiếu nại, kêu oan phụ với bà Khoan. Ông Nghệ thì đề nghị “tập họp toàn bộ giấy tờ gởi ra VKSND tối cao để xem xét lại”. Có thể lời lẽ của các cô, các bác, các anh, chị không được văn hoa, khéo léo. Có thể bà con không có đầy đủ thông tin. Có thể bà con nói có điều thất thố... Song đều có tấm lòng chung là bảo vệ người nghèo khó, dốt nát, là mong muốn tìm một sự công bằng. Là người dưng, lại xa lạ đối với địa phương này, nhưng tôi thấy yêu mến làm sao các cô bác, anh chị ở hai tổ dân phố ấy.