Dịch giả: Hằng Hà Sa và Bích Ty
XI & XII

    
ddy Thall kết hôn với Isaac Salomon và trở thành công dân Ba Lan để chờ ngày hồi hương.
Lúc mới bị bắt sang Nga, Isaac Salomon là một sinh viên còn trẻ nhiều tình cảm, Salomon cũng như Eddy và hàng ngàn người Ba Lan khác đã được chở đi từ trại tập trung nầy sang trại tập trung khác, nhưng ngày hồi hương vẫn chưa thấy đến. Đám cưới được cử hành trong trại tập trung trong những ngày tháng chờ đợi hồi hương. Thế mà ngày hồi hương không thấy đến, mà điều cặp vợ chồng đó thấy trước tiên lại là một đứa con. Eddy Thall trở nên mẹ một đứa bé tên là Orly, tiếng Do Thái có nghĩa là «Ánh sáng của tôi». Mà thật vậy, trong những ngày tháng chờ đợi, Orly đúng là một thứ ánh sáng cho họ. Vì lúc Orly được bốn tháng, họ cũng vừa được trở về Ba Lan, sau sáu năm trời sống chui rúc trong các hầm mỏ. Cũng như mọi người công dân Ba Lan, Eddy ôm con vào lòng cùng với những giọt nước mắt sung sướng khi đặt chân lên mảnh đất quê hương. 
Tất cả tù nhân lúc trở về xứ đều quên hết những nhọc nhằn đã qua, Eddy cũng thế, nàng tự nhũ là diễm phúc lắm nàng mới được trở thành người dân Ba Lan, bởi lẽ trong lúc những người khác còn ở trong hầm mỏ, nàng lại đặt chân đến Varsovie để sống với cha mẹ chồng con.
Từ bao nhiêu năm nay, đây là đêm đầu tiên mà đôi vợ chồng Salomon được sống trong một căn phòng tuy nhỏ và nghèo nhưng không có kẽm gai bao quanh và lính canh trước cửa. Tuy nhiên, cô của Salomon vẫn còn khuyên nhủ: 
- Hai con đừng nói với ai các con là người Do Thái. Cần phải cẩn thận lắm đấy. Bởi vì mỗi sáng, người ta vẫn còn chứng kiến cảnh người Do Thái bị ám sát chết ở ngoài đường, ở trong sân nhà, khắp nơi ở Ba Lan. 
Trong căn phòng ấm cúng xinh xắn đó, Orly đang ngủ; trên bàn có cây đèn cồn để pha trà, chiếc giường ngủ tuy nhỏ nhưng không phải là chiếc giường của tù nhân, cho nên mặc dù người cô của Salomon vừa pha trà vừa lập đi lập lại: «Các con cần phải cẩn thận lắm mới được», đôi vợ chồng Salomon vẫn cảm thấy thoải mái hơn bao giờ hết.
Salomon thắc mắc: 
- Thế thì người ta chưa loại bỏ hết phát xít sao? Chính phủ ta đang làm gì nhỉ? 
- Ba Lan là một quốc gia khốn khổ. Quốc xã ra đi chỉ để lại đây toàn là những đổ nát. Vài bước lại có một nấm mồ. Đúng là một nghĩa địa mênh mông, mà người Nga lại còn đặt chân đến, và lấy hết những gì còn sót lại, lấy từ những đường xe lửa, những bếp lửa cho đến cả tuổi trẻ đầy nhựa sống của dân Ba Lan.
- Nhưng tại sao chính phủ vẫn dung túng chuyện giết chóc người Do Thái? 
- Ấy, các con phải cần thận lời ăn tiếng nói chứ, nguy hiểm lắm đó. 
Isaac Salomon đứng dậy, không buồn cầm tách trà. Anh biết rằng Ba Lan nghèo nàn, rằng người Nga bóc lột tất cả những gì quốc xã còn để lại, nhưng anh không hiểu nổi tại sao người ta còn giết người Do Thái, bởi ở đây có những bộ trưởng Do Thái, những sĩ quan gốc Do Thái, những uỷ viên chính trị cao cấp cũng gốc Do Thái. Và anh được người cô giải thích ngay: 
- Người Ba Lan đói kém đã từng bị lưu đày sang Nha, đã từng trốn tránh. Bây giờ họ biết là chính quyền Ba Lan do người Nga lập nên đều là người Do Thái, họ ngỡ là dân Do Thái lạm quyền và tàn ác, nhưng đáng lý phải trả thù người Nga, thì họ lại đổ hết tội lên đầu người Do Thái, bởi vì như thế dễ dàng hơn. Cho nên các con phải cẩn thận là tại vì thế, nguy hiểm lắm. 
Isaac Salomon vẫn không tin những điều bà cô giải thích: 
- Cô đã quá sợ lũ phát xít, sợ luôn cả cái bóng chính mình nữa, cho nên cô đã nói quá đáng, ngày mai sẽ biết đâu là sự thật. Con thì tin là lũ phát xít hay lũ mật vụ quốc xã chưa bị thanh toán hết.
Chúng ta hiện đang có một chính quyền bù nhìn thân Sô Viết, nhưng ít nhất đó cũng không phải là một chính quyền phát xít. 
Orly khóc đêm. Cả hai vợ chồng nhìn kỹ con, nhìn kỹ đôi má hồng hào, nghe tim đứa bé đập nhanh hơn thường lệ. Salomon bảo vợ:
- Orly mới có bốn tháng, dĩ nhiên là nó phải mệt và sốt sau một chuyến đi xa. Nhưng chắc là nó không bị ốm đau. Để anh đi kiếm cái cặp thủy xem sao. 
Eddy ôm con vào lòng, nựng con bằng mấy tiếng Lỗ Ma Ni, gọi nó là «Luminitza» nguồn ánh sáng của mẹ. Nhưng Orly vẫn khóc. Isaac kiếm không có nhiệt kế, nhưng vẫn hớn hở:
- Có bác sĩ ở trong căn nhà nầy rồi, ở từng thứ sáu. Chúng mình đem con lên khám thử xem. Rồi em sẽ thấy là con không sao đâu, nó chỉ bị mệt chút đỉnh thôi. 
Hai vợ chồng ẵm con lên từng lầu thứ sáu, một người trẻ tuổi mở cửa, mời họ vào nhà. 
- Tôi là bác sĩ đây, mời hai ông bà vào, và xin hai ông bà bỏ qua cho sự nghèo nàn của tôi.
Căn phòng không có đến cả một chiếc giường. Mền chiếu, sách vở, thuốc men để lên sàn nhà. Viên y sĩ vẫn ái ngại: 
- Xin lỗi đã không có ghế ngồi cho hai ông bà. 
Nói xong hắn nhìn cả ba người từ Salomon, Eddy đến đứa bé để đoán xem ai là bệnh nhân. Xong hắn lại xin lỗi một lần nữa. 
- Rất tiếc là trong nhà không có ghế ngồi. Nhưng ông bà hiểu cho không phải lỗi tại tôi, chính phủ đã lấy hết nhà cửa, đồ đạc, phòng mạch, sách vở của tôi ngay từ lúc tôi ở tù về. Tôi bị tống ra đường hai giờ sau đó.
Noi xong, hắn bắt đầu khám bệnh cho đứa bé, bắt mạch, đo nhiệt độ rất kỹ lưỡng. 
- Tôi không có thuốc cho em bé nhưng không sao, ngày mai cháu sẽ khỏi, không có gì nặng lắm đâu: 
Sau khi giao đứa bé lại cho Eddy, viên y sĩ giải thích tiếp hoàn cảnh của hắn: 
- Sau khi quân Đức trả tự do cho tôi, người ta bảo tôi: người Đức đã giết hết tất cả những ai chống lại Phát xít, chỉ có những cộng tác viên với họ mới còn sống sót.  
Tay hắn run lẩy bẩy:
- Nghĩa là còn sống cũng là một tội trạng, và vì tôi đã trở về sau bốn năm tù tội, người ta đã lấy hết nhà cửa, phòng mạch, sách vở của tôi, lấy sạch. Chính phủ Ba Lan do người Do Thái thân Sô Viết cầm quyền cho rằng tất cả người Ba Lan không bị quốc xã giết đều là những người phát xít cần phải loại trừ. Tôi ở trong trường hợp đó. Lý luận của người Do Thái giản dị như thế. Nhưng chúng tôi sau khi đã thanh toán lũ phát xít, bây giờ chúng tôi cần đoàn kết lại để thanh toán nốt tụi Do Thái và Bôn Sô Vít. 
Viên y sĩ lau mồ hồi trán, có thể hắn đang bị bệnh tật và hận thù dày vò:
- Tôi bị lao phổi vào thời kỳ chót, nhưng tôi không thể nào chết đi nếu chính tay tôi chưa giết được ít nhất là một trong những tên Do Thái sát nhân thân Sô Viết ở trên phần đất Ba Lan nầy. Tôi muốn chính tay tôi giết chúng... 
Orly khóc ré lên. Viên y sĩ lại muốn ẵm lấy nó: 
- Tôi cũng muốn có một đứa con, vì nó chính là nguồn sống cho bất cứ người đàn ông nào. À cháu tên là gì ông bà nhỉ? 
- Orly. Eddy trả lời.
Trong lúc đó, viên y sĩ vừa nhìn Eddy vừa nhìn Isaac Salomon vừa khen ngợi: 
- Orly, trời cái tên đẹp quá. 
Nói xong, tay hắn không còn run rẩy nữa. Hắn đã chắc chắn rồi. Giọng nói lai Nga của Eddy, dáng điệu của Isaac Salomon, cái tên Orly, đủ để chứng minh cho hắn rằng họ là người Do Thái. Biết chắc thế, hắn ung dung rút thuốc vào ống tiêm và từ từ chích thuốc cho đứa bé. Xong, hắn bảo: 
- Từ đây cho đến mai, mọi sự yên ổn. Ông bà có thể trở lại đây ngày mai, nhưng tôi nghĩ là vô ích. 
Eddy yên lòng là Orly sẽ lành bệnh, bà không cần phải trở lại tìm bác sĩ ngày mai nữa. 
Viên y sĩ vừa nhận điếu thuốc của Salomon mời, vừa nhìn kỹ một lần nữa nét mặt của Salomon. Đúng rồi, hắn không thể nào lầm lẫn được, chắc chắn họ là người Do Thái nên hắn bảo: 
- Ngày mai ông bà trả tiền tôi cũng được, vì thế nào ngày mai ông bà cũng sẽ đến kiếm tôi lần nữa. 
Nói xong, hắn mở cửa cho họ ra về.

XII

 
Ban đêm thỉnh thoảng Eddy Thall trở dậy xem Orly ngủ. Hơi thở đứa con vẫn êm đềm và đều đặn. 
- Thì anh đã bảo với em là con không có gì nặng lắm đâu. Isaac Salomon ôm vợ vào lòng, sung sướng. Đây là lần đầu tiên từ năm 1939 mà anh được trở về quê hương và được ngủ trong chính nhà mình, trong chính thành phố mình, với cha mẹ mình. 
Ngày vinh quang đã thực sự trở về với họ. Giấc ngủ yên lành, không sợ hãi đã đến với họ. 
Nhưng lúc thức giấc, Eddy bỗng thấy Isaac đang ôm con vào lòng khóc lóc: 
- Orly đã chết rồi. 
Eddy đã ngất xỉu. Người ta phải chở nàng vào nhà thương. Trong nhà có đủ mọi người, cô của Isaac, người gác dan, hàng xóm, cảnh binh. Isaac cố lập lại lời nói của viên y sĩ và đoán chắc là con chàng đã bị giết chết. 
Viên cảnh sát trưởng gay gắt: 
- Kết án như thế thật là hồ đồ, bởi không thể nào còn có sự dã man đó ở Varsovie nầy nữa. Giả thuyết rằng tên bác sĩ nọ đã chích thuốc cho con ông chết đi không thể nào đặt ra nữa. Với lại còn phải khám nghiệm tử thi xem sao đã. 
Mấy người cảnh binh kia bảo:
- Thôi chúng ta xuống đó thử xem thì biết. 
Họ bắt đầu ghi tên họ Eddy, Isaac và lập biên bản về cái chết của Orly, họ cũng không quên lấy lời khai của tên gác dan và hàng xóm. Họ dìu Isaac bước lên sáu tầng lầu như đêm qua, Isaac đã cùng vợ con lên khám bác sĩ. Cửa phòng không khóa và căn phòng tên bác sĩ đã trống rỗng. Hắn không còn trong nhà nữa. Qua làn nước mắt, Isaac chỉ còn trông thấy bốn bức tường và nền nhà trống trơn.  
- Đúng là căn nhà nầy hôm qua chúng tôi đã đến. 
Cảnh binh hỏi lại: 
- Cũng trống trải như hôm nay sao?
- Không. Có vài vật dụng như sách vở, thuốc men, mền chiếu, đèn... 
Cảnh binh quay qua hỏi tên gác dan: 
- Tại sao hắn trốn đi mà anh không nghe thấy gì cả?
- Có thể lắm chứ, có thể là ông ấy đi qua mà tôi không nghe gì cả. 
- Dù sao, chúng tôi cũng cho đăng hình hắn lên báo chí. Có thể đó là quân khủng bố hay là nhân viên của tình báo quốc xã. Hắn bỏ trốn tức là hắn không yên lòng. Đó cũng là một bằng chứng đầu tiên...
Isaac Salomon hỏi: 
- Eddy đâu rồi. Tôi muốn biết Eddy. Ít nhất Eddy... 
- Ông nên yên tâm là chúng tôi đã lo lắng cho bà đủ cả rồi. 
- Chậm mất rồi. Orly đã chết, nó là nguồn hy vọng độc nhất của chúng tôi. 
- Nhưng bổn phận của công lý là tìm ra kẻ sát nhân và chúng tôi sẽ làm thế. 
- Eddy đâu rồi hở các ông? 
Và lần đầu tiên trong đời chàng khóc. Từ năm 1939, Isaac đã chịu đựng tất cả nhọc nhằn và nhục nhã. Nhưng giờ đây, chàng không còn sức lực nào nữa, chàng năn nỉ: 
- Tôi muốn gặp vợ tôi ngay.
Ba ngày sau, Isaac và Eddy lại dẫn nhau đi về phương Đông, với hai bàn tay trắng và tâm hồn rách nát hơn bao giờ hết. 
Họ phải bỏ Ba Lan mà đi. Tây phương không thể nào trả Orly cho họ cùng những giọt máu mà Eddy đã mất. Tây phương không hàn gắn được vết thương của họ nhưng vẫn cứ để cho họ sống với sự hành hạ do vết thương đó gây ra, sống trong đau khổ nhọc nhằn. Không thể ở lại Ba Lan, họ đành bỏ đi. Tuy nhiên họ không hề đòi hỏi gì hơn nữa.