ạch Lan đứng dậy bàng hoàng, nàng đứng trơ giữa căn nhà trống trơn chỉ có toàn là rác và cọng lá mía, hai tay đặt trước ngực. Sau khi nhìn tên côn đồ cầm súng đi ra và nghe tràng súng liên thanh, nàng tuy chưa nhìn ra nhưng cũng biết rằng tên côn đồ đã chết.
Vân nhìn thấy Bạch Lan ngay. Qua dáng đứng thẳng tắp của nàng, chàng hiểu rằng giây phút này nặng nề với nàng đến là chừng nào. Chàng đi tới và dừng lại cách nàng vài bước.
Bằng một giọng cố làm ra vẻ thản nhiên, chàng nói:
- Chào cô Bạch Lan. Tôi là Vân, thám tử, người được ông Tạ Phong mướn đi tìm cô về. Tôi sẽ đưa cô về với ông nhà lúc nào cô muốn. Bây giờ bọn côn đồ đã hoàn toàn bị tiêu diệt rồi. Cô có cần gì xin cho chúng tôi biết, tôi sẽ làm toại ý cô ngay.
Chàng thấy nàng có vẻ vui hơn được một chút. Sự căng thẳng của thần kinh và thân thể nàng dãn dần ra.
Chàng cố ý giữ cho giữa chàng và nàng có một khoảng cách đáng kể. Sau những ngày đêm phải sống gần Phúc chó chắc chắn là nàng phải sợ hãi, kinh tởm đàn ông, bất cứ là người đàn ông nào. Chàng nhìn nàng và thấy nàng như một con thú, xinh, mềm yếu, một con thú dễ sợ hãi và có thể hoảng loạn vì bất cứ một thái độ, một cử chỉ đột ngột nào.
Chàng nhẹ nhàng nó tiếp:
- Thưa cô Bạch Lan, theo tôi, việc hay nhất bây giờ là cô cho phép tôi được đưa cô về tạm nghỉ ở một khách sạn vắng vẻ nào đó ở Cấp hoặc ở Đà Lạt...
Chợt nhớ ra Đà Lạt là nơi Bạch Lan bị bắt cóc, cuộc kinh dị kéo dài từ ba tháng nay trong đời nàng đã bắt đầu vào một đêm ở Đà Lạt. Cái địa danh ở Đà Lạt có thể gợi cho nàng một cái gì rùng rợn, kinh sợ, chàng vội tiếp:
- Theo tôi, cô nên ra Cấp nghỉ vài ngày thì tốt hơn. Chúng tôi sẽ giữ thật cẩn thận để không một ai tới đó làm phiền cô, nhất là những ông phóng viên nhà báo. Cô ở đó nghỉ vài ngày cho tâm thần an định hẳn, rồi tôi sẽ đưa cô về Sàigòn hoặc ông Tạ Phong sẽ tới đó đón cô. Tùy cô muốn sao cũng được. Ông Tạ Phong có cho tôi đưa cô đi nghỉ ngơi ít ngày. Nếu cô bằng lòng, tôi xin đưa cô lên xe đi ra Cấp ngay bây giờ. Cô nghĩ sao?
Nàng nhìn chảng đăm đăm vài giây rồi gật đầu:
- Ông tính vậy cũng được.
- Chúng tôi có mời bác sĩ đến tận đây. Bác sĩ đang chờ bên ngoài. Xin cô cho bác sĩ được coi qua sức khỏe của cô?
Nàng co rúm người lại và có phản ứng mạnh ngay:
- Tôi không muốn gặp bác sĩ - Nàng nói với ánh mắt sợ hãi - Tôi có đau ốm gì đâu mà phải gặp bác sĩ? Tôi không muốn gặp ai hết.
Vân giơ một bàn tay lên:
- Không sao. Cô không muốn gặp bác sĩ thì thôi. Không ai có thể ép buộc cô phải làm những việc gì cô không muốn làm. Chúng tôi hoàn toàn làm theo ý cô.
Nửa phút đồng hồ sau, chàng tiếp:
- Có xe chờ sẵn, mời cô theo tôi... Chúng ta đi thẳng ra Cấp...
Nàng lại đăm đăm nhìn chàng vài giây đồng hồ nữa rồi cúi mặt gật đầu, Vân nói:
- Cô cứ đứng yên trong này. Tôi sẽ mang xe tới tận cửa này đón cô, sẽ không có ai lạ trông thấy cô hết. Cô cứ đứng yên đây, đừng sợ gì cả.
Vân bước ra sán. Chàng đi lại chỗ thiếu tá Nghi đứng. Xác chết của tên côn đồ đã được khiêng lên một chiếc Dodge nhà binh, Phúc chó nằm dưới tấm bạt. Ngoài vết máu động trên nền đất cát, cảnh vật nơi này trong buổi sáng nắng vàng quá đẹp này chẳng còn mang qua một dấu vết nào của trận bắn lộn dữ dội vừa qua.
Ông bác sĩ được đưa bằng trực thăng tới xách túi da đứng bên thiếu tá Nghi. Cặp mắt kiếng của ông hướng về cánh cửa căn nhà ván.
Vân nói với Nghi:
- Cô ta yên lành ở trong đó, nhưng vì bị kích thích quá có vẻ cô ta sắp lên cơn khủng hoảng thần kinh. Cô ta không chịu gặp ai hết, kể cả ông bác sĩ. Cô ta bằng lòng đi ra Cấp nghỉ ngơi ít ngày nhưng phải tôi đưa cô đi mới được.
Ông bác sĩ tuy hơi bực nhưng cũng chỉ phản ứng bằng một cái nhún vai:
- Không sao. Ông có thể mang cô ấy đi được. Lúc này mình chẳng nên làm trái ý cô ấy. Tôi đi ra Cấp trước và giữ vi-la Réve d’or, ở vi-la kín đáo hơn là ở khách sạn. Ông chỉ việc đi sau và đưa cô ấy tới đó.
Ông bác sĩ quay lại thiếu tá Nghi:
- Về phần thiếu tá... Chắc tôi khỏi cần phải dặn lại chắc thiếu tá cũng sẽ làm đủ mọi cách để ngăn không cho nhà báo tới quấy rầy cô ấy?
Nghi nghiêm mặt:
- Ông tin tôi đi.. Tôi sẽ giữ bí mật và an ninh cư ngụ của cô ấy kỹ hơn là giữ bí mật và an ninh cho Quốc trưởng Bảo Đại.
Đợi cho ông bác sĩ đi khuất, Vân nói với Nghi:
- Bây giờ, xin anh cho lệnh giải tỏa nơi này. Không còn ai lảng vảng quanh đây hết và cho đưa chiếc xe Chevrolet tới cửa này để tôi đưa cô đi.
- Xong rồi - Nghi đáp - Anh trở lại cạnh nàng đi, xe đến ngay...
Trở lại bên Bạch Lan, Vân thấy nàng ngồi trên một cái thùng gỗ. Chàng cười với nàng cho nàng yên tâm:
- Xe sắp tới... Khi cô ra khỏi nhà này, cô sẽ thấy quanh đây vắng vẻ không có một ai hết... Đây cũng gần Cấp, chỉ ba mươi phút nữa là cô tới Cấp.
Chàng cố ý gợi cho nàng nói chuyện:
- Ông thân cô chờ cô ở nhà nhưng nếu cô muốn gặp ông ngay ông sẽ có thể tới với cô ngay trưa nay...
Bạch Lan bỗng rùng mình:
- Tôi chưa muốn gặp ba tôi - Nàng nó thật nhỏ - Cho tôi sống một mình ít lâu đã...
Một lần nữa, chàng lại làm theo ý nàng:
- Vâng, khi nào cô muốn gặp ông, tôi mới báo cho ông tới.
Chàng ngồi lên một cái thùng gỗ gần chỗ nàng và bằng một giọng nói thản nhiên có âm thanh vui vẻ hơn là quan trọng, chàng nói chuyện cho nàng nghe. Chàng nói liên miên đủ thứ chuyện. Thoạt đầu, nàng có vẻ không chú ý nghe chàng nói, nhưng càng về sau, chàng thấy nàng như thoải mái, dễ chịu hơn, nàng không sợ nữa:
- Chắc cô thắc mắc không biết tôi là ai? - Vân hỏi vậy nhưng chàng biết chắc là nàng không hề tự đặt câu hỏi ấy - Tôi là một nhà thám tử tư. Nghề của tôi ở Việt Nam là một nghề mới... Trước kia, tôi làm báo... Nghề làm báo với nghề thám tử tư có nhiều điểm giống nhau. Người làm báo chuyển sang làm nghề phóng viên rất dễ...
Sau chừng mười lăm phút nói chuyện một mình như thế, Vân thấy rằng thời gian đó có thể đã đủ để ông bác sĩ thu xếp xong cái vi-la ở Vũng Tàu, chàng nhìn ra ngoài và thấy thiếu tá Nghi đã cho mang chiếc xe Chevrolet đen bảnh nhất của cảnh sát ở đây tới đậu ở trước sân nhà. Chung quanh sân, vắng tanh không còn một bóng dáng cảnh sát viên nào hết.
- Bây giờ, chúng mình đi được rồi - Chàng vui vẻ nói với nàng - Cô đừng ngại gì cả. Bên ngoài không còn ai hết. Cô đã sẵn sàng đi, được chưa?
Một lần nữa, chàng lại thấy trong mắt nàng có ánh lo sợ. Chàng đứng lên, đi ra mở lớn cánh cửa. Chiếc xe hơi sáng choang giữa vừng nắng vàng bên ngoài. Nắng vàng tô vàng trên cảnh vật. Gió mát thổi lồng lộng. Vườn mía xào xạc nghe vui tai hơn là buồn và những lá mía uốn sóng như một biển lá trước làn gió thổi.
Chàng nhìn quanh và không thấy một bóng người:
- Mời cô đi....
Chàng vào xe trước và mở rộng cửa xe chờ nàng.
Chừng năm giây đồng hồ sau, Bạch Lan hiện trên ngưỡng cửa. Nàng như chói mắt vì ánh nắng nên phải dừng lại đó và vịn tay vào thành cửa. Chàng tránh không nhìn nàng. Rồi nàng lảo đảo đi vào xe. Cánh cửa xe được nàng đóng mạnh lại.
Vân cho xe chạy chậm trên con đường đất đỏ. Bây giờ chưa phải là mùa mưa cho nên con đường sạch trơn, chỉ bốc lên một đám bụi sau xe. Sáng sớm nay, chắc là khi thấy có quân đội và cảnh sát tới đây đông, biết là có đánh nhau, dân quê đã tránh vùng này. Cảnh vật quanh khu vườn mía hoàn toàn vắng.
Bạch Lan ngồi thẳng người trên ghế, hai mắt mở rộng nhìn ra trước xe. Nàng không hé môi nửa tiếng.
*
Hơn một tiếng đồng hồ sau, Vân đưa Bạch Lan tới Cấp. Cảnh phố xá đông vui với người qua lại tấp nập và không ai chú ý đến ai ở đây làm cho Bạch Lan tỏ ra vui hơn và tin tưởng hơn. Đã từ lâu rồi, nàng chưa được đi chơi như thế này trong phố đông vui.
Vân cho xe tới vi-la đã hẹn trước với ông bác sĩ. Vi-la có lầu, có vườn cây rộng bao la và nhìn ra biển. Những ô cửa sổ ra vào đều mở rộng chờ đón, nhưng vi-la vắng tanh không thấy bóng người nào.
Vân dừng xe ở vườn trước, chàng dặn nàng:
- Cô ngồi yên đây. Tôi trở lại ngay.
Chàng ra khỏi xe và đi rảo ra lối cửa sau vi-la. Ông bác sĩ đứng chờ chàng ở đó.
- Phòng ngủ của cô ấy ở trên lầu - Ông bác sĩ nói nhỏ với Vân - Tôi đã biểu cô y tá mang vào đó một ít y phục để cô ấy thay đổi tạm trong khi chợ đợi mang đồ của cổ từ Saigon ra. Cô ấy sao?
Vân nhún vai:
- Không chịu nói gì cả. Coi bộ nàng bị chấn động thần kinh. Tuy nhiên, tôi thấy là nàng có vẻ chịu sự có mặt của tôi. Ông cứ để tôi lo cho nàng. Nếu có gì khác, tôi sẽ báo để ông biết ngay, ông nên lánh đi để tôi đưa cổ lên lầu.
- Anh nên thuyết phục cổ cho tôi gặp. Vì tôi cần đến gần cổ để săn sóc cổ. Càng sớm, càng tốt.
- Ông yên trí. Tôi sẽ cố gắng.
Vân chạy trở lại xe.
Bạch Lan vẫn ngồi trong xe, y như lúc chàng ra khỏi xe. Nàng đang cúi mặt nhìn hai bàn tay nàng. Khi chàng tới gần, nàng ngước nhìn.
- Tất cả đều sẵn sàng - Chàng vui vẻ nói - không có ai làm rộn cô hết...
Chàng mở cửa cho nàng bước xuống xe và họ cùng đi vào nhà.
Chàng nhường bước để nàng lên cầu thang trước.
Khi tới cửa phòng, đột nhiên nàng ngừng lại:
- Tôi nghe nhiều tiếng súng nổ - Nàng đột ngột hỏi - Hắn bị bắn chết rồi, phải không?
Bị hỏi bắt ngờ, Vân ấp úng:
- Vâng. Hắn chết rồi. Cô đừng nghĩ gì tới hắn nữa. Vụ có đã kết thúc hoàn toàn...
Nàng im lặng cúi đầu bước vào phòng, Vân vào theo. Chàng đứng lại ở gần cửa và nhìn khắp phòng. Chỉ trong một thời gian ngắn chưa đầy nửa giờ, ông bác sĩ đã sửa soạn căn phòng này thật hoàn mỹ. Có cả hoa tươi cắm trong bình, có cam, táo, nho, nước ngọt để sẵn trong tủ lạnh. Những cánh cửa sổ mở rộng nhìn ra biển xanh và để cho nắng vàng lùa vào phòng. Căn phòng có gió biển nên mát mẻ và dễ chịu.
Bạch Lan đi tới đứng trước bình hoa hồng. Nàng giơ tay nâng nhẹ những đóa hoa còn nguyên phần nhụy.
Vân kéo cánh cửa sau lưng, chàng khẽ nói:
- Bác sĩ Hảo muốn được gặp cô. Cô nên để cho ông ấy được gặp, cho ông yên lòng. Vì ông có nhiệm vụ phải săn sóc sức khỏe cho cô...
Nàng từ từ quay nhìn chàng. Và chàng hơi mừng khi thấy ánh mắt nàng không còn ý sợ hãi như lúc họ mới gặp nhau nữa:
- Tôi chưa muốn gặp ai lúc này - Nàng nói - Ông ấy chẳng thể giúp ích gì được cho tôi.
Vân thấy rằng nàng vẫn còn e ngại phải gặp người lạ và chàng vẫn chưa nên nài ép nàng. Chàng lấy giọng thản nhiên:
- Nếu tôi là cô... tôi sẽ làm từng này việc... Trước hết, tôi di tắm một chậu nước nóng, ngâm mình trong bồn cho thật thỏa thích, rồi thay y phục mới.. - Chàng đi tới mở cánh cửa tủ - Có một ít quần áo đã được mang tới đây để cô tạm thay. Y phục của cô đã được cấp tốc mang từ Sàigòn ra chắc là chỉ tối nay là tới... Rồi tôi nằm nghỉ, uống vài ly nước cam tươi cho tỉnh người... Tôi để mặc cho thân xác tôi sống và hưởng thụ, tôi chẳng phải còn lo gì hết. Mọi vấn đề đều đã được giải quyết xong. Cô nên đi tắm đi. Tôi ở lại ngoài này ngăn không để ai vô làm phiền cô. Cô đồng ý chứ?
Bạch Lan nhìn kỹ chàng thám tử.
Lần đầu tiên, đôi mắt nàng có ánh sáng tò mò:
- Bộ với bất cứ ai, lạ hay quen, ông cũng cư xử như vậy sao?
Chàng mỉm cười:
- Thực sự thì tôi rất ít khi được nói như tôi vừa nói với một cô gái đẹp như cô.
Như hài lòng vì câu trả lời của chàng, nàng bước vào phòng tắm. Nàng khóa cửa phòng tắm lại.
Vân đi tới đứng bên cửa sổ, nhìn ra biển. Trên bãi cát tràn đầy nắng vàng có vài cặp nhân tình, vợ chồng, đang tắm và ngồi uống nước. Sóng biển xanh dâng đầy gợi cho chàng ý muốn trầm mình trong làn nước mát rượi ấy, chàng nghiệm thấy một điều: ra tới bãi biền, người ta - dù đàn ông hay đàn bà - bất cứ ở vào số tuổi nào, nghĩa là bất kể già hay trẻ, đều thấy mình trẻ lại và cùng muốn đùa rỡn, chạy nhảy, la hét...
Bây giờ thì trước cửa vi-la này vẫn còn vắng tanh, nhưng chàng tin chắc rằng chỉ tới sáng mai là ở đó sẽ đầy người: các phóng viên nhà báo là những người săn tin giỏi nhất trên đời, họ sẽ biết là cô Bạch Lan, ái nữ nhà tỷ phú Tạ Phong, người bị bọn cướp bắt cóc đi ba tháng nay, đã trở về và tạm ngụ ở Cấp. Họ sẽ đổ xô ra đây săn tin. Họ sẽ thi nhau viết thật nhiều về người bị bắt cóc, những chuyện họ viết ra thực cũng có mà bịa đặt, thêm thắt cũng nhiều. Nghề của họ là thế. Họ không thể nào bỏ qua được một đề tài “ăn khách” như vụ này. Người làm báo chỉ chú ý đến những chuyện gì mà người đọc báo chú ý hoặc có thể chú ý. Những chuyện không “ăn khách” họ không đăng. Muốn đăng phải mất tiền quảng cáo. Nhưng vụ nào “ăn khách” như vụ Bạch Lan thì không ai có thể cấm họ tìm biết, bịa đặt. Thiếu tá Nghi có hứa là sẽ làm đủ mọi cách để ngăn không cho nhà báo tới quấy rầy Bạch Lan, nhưng khả năng của cảnh sát cũng chỉ có giới hạn, cảnh sát không thể ngăn cấm hay xô đuổi nhà báo. Vì vậy, chàng biết chắc rằng sớm muộn gì người thiếu nữ đang sợ gặp người lạ kia cũng phải khổ sở nhiều vì người lạ.
Hai mươi phút sau, Bạch Lan ra khỏi phòng tắm. Bây giờ nàng đã thay y phục, nàng bận bộ áo đầm vải hoa do cô y tá của bác sĩ Hảo cho mượn và Vân thấy nàng thật đẹp trong bộ áo rẻ tiền ấy.
Và chàng cũng thấy rằng chưa bao giờ chàng được gần một thiếu nữ nào đẹp đến như nàng. Ngọc Ánh cũng đẹp nhưng cái đẹp của Bạch Lan là một cái đẹp khác.
- Bây giờ chắc cô đã thấy dễ chịu hơn lúc nãy nhiều rồi? - Chàng hỏi.
Đúng lúc chàng hỏi câu đó, chàng thoáng thấy dưới đường, trước cửa vi-la, có một chiếc xe hơi nhà dừng lại. Trên xe có vài chàng thanh niên cầm máy ảnh ào ào nhảy xuống. Chàng nghĩ thầm: “Phóng viên nhà báo tới rồi. Nhanh thật. Họ đánh hơi thật giỏi...” Người cảnh sát gác cửa vi-la lập tức bước ra chặn họ lại. Đám phóng viên đòi vào vi-la... một cuộc cãi vả xảy ra...
Tâm trí Vân bị chia ra vì cuộc cãi vả co kéo, xô đẩy đang diễn ra bên dưới và sự có mặt của người thiếu nữ bạc tỷ bên cạnh chàng.
Giọng nói của Bạch Lan có âm thanh thoải mái hơn khi nàng đáp:
- Ông nói đúng. Tôi đỡ nhiều rồi...
Và nàng đi đến cửa sổ trước khi chàng kịp ngăn nàng lại.
Đám phóng viên đứng bên dưới có người nhìn lên thấy nàng. Lập tức có tiếng la:
- Cổ kia... ở trên lầu đó...
- Chúng tôi là nhà báo... Phải cho chúng tôi vô lấy tin chớ... Ai là người chỉ huy cảnh sát ở đây...?
Nhà báo không có quyền bỏ tù ai nhưng họ có đặc quyền viết bài đăng báo, chỉ trích, chế riễu và những ông Cò cảnh sát cao cấp nhất cũng phải nể nang họ...
Bạch Lan cũng đã trông thấy cảnh co kéo bên dưới, nàng cũng nghe thấy những lời thiên hạ nói về nàng. Nàng vội vàng lùi lại. Khuôn mặt có đôi gò má vừa mới ửng hồng đôi chút của nàng lại xanh rờn như tầu lá. Nàng ngồi phịch xuống ghế và đưa hai bàn tay lên che mặt.
Vân khổ sờ tìm lời trấn an nàng:
- Cô đừng sợ. Họ không lên được tới đây đâu. Hai nữa, họ sẽ chẳng viết gì bậy hay nặng nề về cô đâu. Cô được cảm tình của họ nhiều lắm. Tại vì trong thời gian vừa qua, cô không có dịp đọc báo nên cô không biết đấy thôi. Họ sẽ không viết gì làm cô buồn đâu. Cô tin tôi đi. Cô ăn chút gì cho ấm nhé?
Nàng khổ sở lắc đầu:
- Không!
Vân cũng bối rối. Chàng chẳng biết phải nói gì hơn để làm cho nàng vui bây giờ. Đột nhiên, chàng nghe giọng nói thê thảm như tuyệt vọng của nàng:
- Rồi đây tôi sẽ ra sao?
- Cô đừng lo tới việc ấy bây giờ vội - Chàng dịu dàng nói - Rồi cô sẽ thấy là mọi việc tự nó sẽ dàn xếp chẳng có gì đáng lo nghĩ hết. Người đời rất mau quên. Trong vài ngày, tất cả mọi người sẽ chỉ nói với nhau về chuyện cô nhưng rồi họ quên đi ngay. Chỉ tới tuần sau là chẳng còn ai nhớ tới cô nữa. Lúc ấy, cô có muốn cho báo chí họ nhắc đến cô họ cũng từ chối.. Ngay cả chính cô nữa... Rồi cô cũng sẽ quên những ngày vừa qua trong đời cô... Mai sau mỗi khi hồi tưởng lại, có khi cô còn thấy buồn cười nữa là khác...
Chàng nói để cho có chuyện nói, vì chàng thấy rằng lúc này chàng cần nói huyên thuyên. Nói gì cũng được, miễn là nói rằng cuộc đời nàng sẽ không thê thảm như nàng tưởng:
- Cô còn trẻ. Cô có đủ những điều kiện để sung sướng...
Nhưng chính Vân, chàng cũng không tin ở những lời chàng nói.
Và chàng biết chắc rằng người thiếu nữ này cũng không tin.
Nàng rùng mình:
- Ông nói rẳng... “hắn” đã chết... nhưng không phải đâu. “Hắn” vẫn còn sống. Bây giờ, “hắn” sống ở trong tôi...
Nàng làm một cử chỉ tuyệt vọng và bất lực:
- Tôi không biết ba tôi sẽ quyết định sao. Lúc đầu, tôi vẫn nghĩ rằng chuyện này không thể nào xảy đến với tôi được... nhưng chuyện đã xảy ra rồi. Bây giờ, tôi không còn biết phải làm sao nữa... Rồi tôi sẽ ra sao đây?
Vân cảm thấy trong người có mồ hôi lạnh toát ra. Người thiếu nữ này chán đời, nàng không muốn sống... Đây là một khó khăn mới mà chàng không hề ngờ, không hề nghĩ cách đối phó hoặc giải quyết. Chàng hoàn toàn bất lực với sự khó khăn này.
Thật ra, việc Bạch Lan chán đời hay yêu đời với Vân không phải là việc quan hệ. Chàng chỉ được nhờ đi tìm nàng về với ông thân của nàng, chàng đã tìm được nàng, đã đưa được nàng an lành về tới đây, công việc và bổn phận của chàng đã sắp hoàn thành, nhưng vì lòng nhân đạo, vì cảm tình với người thiếu nữ đẹp như hoa sớm này, chàng không thể dửng dưng trước nỗi tuyệt vọng của nàng, chàng khổ tâm như khi chàng làm điều gì lỗi. Chàng thấy chàng cũng có trách nhiệm trước nỗi tuyệt vọng của người thiếu nữ này: Vì chàng đã không cứu nàng mau chóng khỏi sào huyệt địa ngục của bọn ác ôn cho nên sức chịu đựng của nàng đã kiệt...
- Cô để tôi gọi điện thoại mời ông cụ ra đây với cô ngay? - Chàng bối rối đề nghị... Chỉ có ba cô mới có thể giúp được cô lúc này...
Nàng lại lắc đầu:
- Không! Ba tôi cũng chẳng giúp gì cho tôi được. Tôi phải tự mình, ra khỏi cơn tuyệt vọng này. Ba tôi có biết, ông cũng chỉ thêm buồn mà thôi. Có điều là tôi lại không quen đối phó với những trường hợp bi thảm như thế này... Cuộc đời tôi, từ ngày nào tới giờ, chỉ là một chuỗi dài những vô tư, những vui chơi. Tôi chưa từng bao giờ phải chiến đấu. Tôi chưa biết giá trị đích thực của bất cứ vật gì ở đời. Đây chính là lúc để tôi thử sức tôi... Nhưng tôi không tin là tôi có thể thoát ra nổi...
Nghe giọng nói trầm trầm ấy, Vân càng thấy lo sợ. Khi người ta chán đời mà người ta vẫn thản nhiên, vẫn nói nho nhỏ như thế này, đó là lúc chán đời đến cực độ. Kẻ chán đời la hét, khóc lóc còn có thể khuây khỏa...
- Tôi hèn nhát lắm... Tôi không có sức phấn đấu và tôi cũng chưa biết phấn đấu là gì... - Bạch Lan vẫn nói bằng cái giọng đều đều, thê thảm đó - Có lẽ tôi nên nghe lời ông... Tôi nên gặp ông bác sĩ... Thật ra, phải nói tôi cần gặp ông ta mới đúng... Tôi không muốn nói dối. Vì từ ngày nào tới giờ, tôi chưa bao giờ thấy cần phải nói dối... Tôi cần gặp ông bác sĩ để... xin ông chút thuốc. Tôi bị chúng chích ma túy cho tôi... nên tôi đâm ghiền mất rồi... Tôi chống cự hết nổi nữa...
Vân vội vã:
- Để tôi gọi ổng tới ngay...
Bạch Lan dục chàng:
- Ông đi mau đi... Mau...
Vân mở cửa phòng bước mau ra hành lang nhưng chàng cẩn thận để cánh cửa mở để có thể đi trở vào phòng ngay. Chàng lớn tiếng gọi xuống nhà dưới cho người cảnh sát gác ở đó:
- Nè... Ai dưới đó... Làm ơn chạy đi mời ngay bác sĩ Hảo tới đây cho tôi gấp. Mời ông tới ngay...
Có tiếng cửa đóng sập mạnh sau lưng...
Vân giật mình quay lại...
Cánh cửa phòng đã đóng ập lại...
Chàng vội nắm quả đấm vặn cửa nhưng cánh cửa đã khóa chặt bên trong. Một nỗi kinh hoàng vô lý tới làm chàng mê loạn, chàng đập rầm rầm lên khung gỗ...
Nhưng cánh cửa vẫn đóng chặt. Vân lùi lại vài bước, lấy đà xô tới dùng vai xô mạnh vào cánh cửa... Sức dội lại làm cho chàng văng trở ra...
Hai người cảnh sát từ dưới nhà chạy lên...
Vân la lớn:
- Phá ngay cái cửa này... Mau...
Khi cánh cửa bật tung ra trước sức nặng của hai viên cảnh sát lực lưỡng, Vân nghe thấy một tiếng người kêu lên rất nhỏ...
Tiếng kêu đó nghe như một tiếng rên rỉ.
Tiếp theo đó là tiếng người la dưới vườn cây, tiếng la sợ hãi vang lên qua khung cửa sổ tới chỗ Vân đứng làm cho chàng lạnh người...
Chàng thẫn thờ đi vào căn phòng trống không còn bóng người thiếu nữ...
HẾT