Dịch giả: Mạc Đỗ
3 - 4

     hừng mười tám tháng về trước, bác sĩ Dohmler có trao đổi thư từ khá rời rạc với một ông người Mỹ lịch sự ở tại Lausanne, ông Devereux-Warren, thuộc gia đình Warren ở Chicago. Hai bên có hẹn gặp nhau rồi một hôm ông Warren tới bịnh viện với cô con gái tên là Nicole, mười sáu tuổi. Rõ ràng trông cô gái không được khỏe mạnh, người nữ điều dưỡng cùng đến với cô gái đưa cô ta ra vườn dạo chơi trong khi ông Warren nói chuyện với ông bác sĩ.
Warren là một người đàn ông có một vẻ đẹp đáng chú ý, trạc tuổi chừng bốn mươi, về mọi phương diện đó là một mẩu người Mỹ đẹp, cao lớn, vai rộng, người vững chắc, “Một người đàn ông rất bảnh bao” như lời bác sĩ Dohmler nói lại với Franz. Cặp mắt lớn màu xám của ông ta như phản ánh đầy mặt trời, vì ông ta đã bỏ ra nhiều thì giờ bơi thuyền trên hồ Genève, và ông ta có cái vẻ đặc biệt của một số người đã từng hưởng thụ hết những gì tốt đẹp nhất trên đời. Cuộc nói chuyện bằng tiếng Đức, vì Warren đã từng du học tại Gottingen. Coi bộ ông ta nóng nảy và rất xúc động về cuộc điều đình đó.
- Bác sĩ Dohmler, con gái tôi đầu óc bị lộn xộn. Tôi đã mời cho con gái tôi rất nhiều y sĩ chuyên môn và nữ điều dưỡng, con gái tôi đã qua nhiều thời gian điều trị, nhưng bây giờ tôi thấy trầm trọng hơn, tôi có được giới thiệu nên tới nói chuyên với bác sĩ.
Dohmler đáp:
- Tốt lắm. Nếu ông muốn chúng ta hãy bắt đầu từ chỗ bắt đầu, xin ông kể lại cho tôi nghe hết đầu đuôi.
- Không có chỗ bắt đầu. Nghĩa là trong gia đình, cả hai bên nội ngoại, theo như tôi biết không hề có một trường hợp có bịnh điên. Má của Nicole mất khi cháu mười ba tuổi. Tôi đã trở thành vừa là cha vừa là mẹ của cháu.
Khi nói vậy, Warren có vẻ cảm thương lắm. Bác sĩ Dohmler thấy ông ta rưng rưng nước mắt. Dohmler cũng nhận thấy hơi thở của ông ta có mùi whisky.
- Hồi còn nhỏ, con gái tôi dễ thương lắm; hết thảy mọi người đều mê nó, nghĩa là hết thảy những ai có dịp gặp nó. Nicole tươi tắn như con họa mi, suốt ngày vui đùa. Nó thích đọc sách, vẽ, nhảy múa và chơi dương cầm, món gì nó cũng ưa hết. Vợ tôi thường nói Nicole là đứa duy nhứt trong các con của chúng tôi không bao giờ khóc đêm. Tôi còn một cháu gái nữa lớn hơn Nicole, với một cháu trai đã chết. Nhưng Nicole... Nicole đúng là Nicole.
Ông Warren ngưng nói. Bác sĩ Dohmler nói đỡ:
- Tóm lại, đó là một đứa trẻ tuyệt đối bình thường, tươi tắn, vui vẻ?
- Đúng thế.
Bác sĩ Dohmler chờ ông khách nói tiếp, ông Warren lắc đầu, thở dài đưa mắt liếc nhanh về phía ông bác sĩ, rồi cúi nhìn xuống đất.
- Cách đây chừng tám tháng, hay sáu tháng, hay có thể mười tháng... Tôi thử tính, nhưng tôi không sao nhớ rõ đúng lúc Nicole bắt đầu trở nên lạ lùng, làm những chuyện điên dại. Chị của Nicole là người đầu tiên nói cho tôi nghe về những vụ đó. Vì đối với tôi Nicole cũng vẫn như cũ (ông Warren vội vã nói thêm như vậy, như sợ có ai trách móc về chuyện đó) vẫn là một cô gái nhỏ ngoan ngoãn. Việc đầu tiên là do nơi một người hầu.
Bác sĩ Dohmler nói:
- Thế hả?
Câu nói của ông ta kèm theo một cái gật đầu, như thể Sherlock Holmes. Ông đang đợi sự xuất hiện của một người hầu và đúng vào lúc đó.
- Vâng, tôi có nuôi một người hầu từ lâu năm, một người Thụy Sĩ.
Ông Warren ngước mắt lên đón nhận sự đồng ý có màu sắc ái quốc của ông bác sĩ.
- Con tôi tự nhiên nảy ra một ý nghĩ kỳ lạ gì đó về người hầu ấy. Con tôi có cảm tưởng như người ấy muốn đưa tình với nó. Lẽ dĩ nhiên khi đó tôi tin lời con tôi và đuổi người đó đi, nhưng bây giờ tôi mới biết là hoàn toàn do tưởng tượng.
- Cô gái có nói rằng người kia làm những gì không?
- Đó là điều thứ nhất. Các bác sĩ đều không sao khiến cho cháu nói rõ sự kiện đích xác. Cháu chỉ ngó các bác sĩ như thể mấy ông đó phải biết người kia đã làm gì. Nhưng chắc chắn là cháu có ý muốn cho biết là người kia đã làm một cử chỉ gì tục tĩu. Cháu không để cho mọi người phải hồ nghi gì về chuyện đó cả.
- Tôi thấy.
- Đã đành, tôi có đọc trong sách thấy có những phụ nữ khổ sở vì cô đơn và cứ tưởng tượng rằng có một người đàn ông trốn dưới gậm giường, vân vân... Nhưng tại sao Nicole lại có những ý tưởng như vậy? Con tôi có thể có ở chung quanh nó bao nhiêu cậu trai cũng được. Chúng tôi ở Lake Forest, đó là một nơi nghỉ mùa hè gần Chicago, tại đó gia đình chúng tôi có nột biệt thự, suốt ngày con tôi ở ngoài trời, đánh gôn hay tennít với bọn con trai. Trong số đó có mấy cậu rất mê nó nữa.
Trong khi ông Warren nói chuyện với người đàn ông già lão và cằn cỗi là ông bác sĩ Dohmler, một phần tâm trí của ông bác sĩ hướng về Chicago. Ngày xưa, thời tuổi trẻ, ông ta đáng lẽ đã đi Chicago với tư cách sinh viên có học bổng tại một đại học, không chừng ông ta đã trở nên giàu có ở Mỹ và đã là chủ nhân ông của dưỡng đường này chứ không chỉ là một cổ đông nhỏ trong cơ sở bịnh viện này. Nhưng khi cậu thanh niên tưởng tượng số vốn kiến thức ít ỏi của mình phải dàn trải khắp những vùng mênh mông của lãnh thổ Hoa Kỳ, trên hết thảy những cánh đồng lúa, trên toàn thể vùng “prairie” vô tận, y đã quyết định bỏ không đi Mỹ nữa. Nhưng vào hồi bấy giờ cậu thanh niên có đọc nhiều sách vở liên quan tới Chicago và chế độ phong kiến của những đại gia, những Armour, Palmer, Field, Crane, Warren, Swift, McCormick, và nhiều đại gia khác nữa. Và từ đó, rất nhiều bịnh nhân tới khám bịnh tại dưỡng đường này đều từ đẳng cấp những đại gia ở Chicago và New York.
Warren nói tiếp:
- Bịnh trạng của con gái tôi trầm trọng hơn. Cháu bị một cơn... Những gì nó nói ra ngày một mất hết lý trí. Chị của cháu có ghi lại một số những câu nói đó.
Ông Warren đưa một tờ giấy gấp đi gấp lại nhiều lần cho ông bác sĩ.
- Bao giờ cũng liên quan tới những người đàn ông sắp đánh nó, những người quen biết, hay những người ở ngoài phố... bất kỳ ai.
Ông Warren kể lại sự buồn lo, những cơn hốt hoảng, những thử thách ác độc mà những gia đình phải trải qua trong trường hợp tương tự. Ông ta cũng kể lại những cố gắng vô hiệu tại Mỹ để chữa trị cho cô gái, rồi hy vọng ông ta đặt vào một vụ thay đổi cách sống, thay đổi khung cảnh, đến độ mặc dù có vụ tiềm thủy đĩnh phong tỏa ông ta vẫn đưa con gái tới Thụy Sĩ...
Ông Warren không giấu kiêu hãnh khi nói rõ:
- Trên một chiến hạm Hoa Kỳ. Tôi đã có thể, với chút may mắn, yêu cầu giúp đỡ như vậy. (Và ông ta mỉm cười, nói thêm như để biện bạch) Vấn đề tiền bạc không có đâu, thưa bác sĩ.
Dohmler vắn tắt đồng ý:
- Đã đành là không.
Ông bác sĩ tự hỏi tại sao, và về những điểm nào, người đàn ông đó đã nói dối. Hoặc giả, nếu y nghĩ lầm, đâu là sự giả tạo đang tràn đầy không khí căn phòng mạch với sự hiện diện của người đàn ông ăn bận lịch sự, nằm dài trên ghế bành ra vẻ một nhà thể thao. Có một không khí bi kịch ở đâu đó trong ngày tháng hai này ở nội dung câu chuyện con chim non gãy cánh kia. Hết thảy những điều kia cho thấy vụ này có vẻ không có gì đáng kể. Phải có một cái gì không đúng.
Bác sĩ Dohmler dùng Anh ngữ như để gần gũi hơn với Warren nói:
- Bây giờ tôi muốn nói chuyện mấy phút với cô gái.
Sau đó, khi Warren, đã để cô gái ở lại dưỡng đường và lên đường trở về Lausanne và mấy ngày đã trôi qua, bác sĩ Dohmler và Franz ghi bằng Pháp văn trên tấm phiếu của Nicole:
Chẩn bịnh: Schizophrénie. Thời kỳ nặng đang lui bớt. Sợ đàn ông là một triệu chúng của bệnh nhưng không hề do thể chất...
Cần thận trọng trong việc định bệnh.
Sau đó hai người chờ đợi, với một sự chú tâm ngày một tăng thêm, lần viếng thăm thứ hai mà ông Warren đã hứa.
Nhưng mãi không thấy. Sau hai tuần, bác sĩ Dohmler viết thư ông ta. Không được phúc đáp chi hết, ông ta đã làm một việc mà trong kỳ đó là một sự điên rồ. Dohmler điện thoại tới Đại khách sạn tại Vevey. Người hầu của ông Warren cho biết ông ta đang sửa soạn để đi Mỹ. Nhưng người hầu đó, không đước nhắc cho biết số tiền bốn mươi quan Thụy Sĩ về cú điện thoại này sẽ được ghi vào khoản chi tại nhà thương đã cảm thấy thức dậy lương tâm và dòng máu Thụy Sĩ của những vệ binh tại điện Tuileries nên vội mời ông Warren tới nghe máy.
- Tuyệt đối cần thiết ông phải tới. Sức khỏe của con gái ông đòi hỏi như vậy. Tôi không thể gánh lấy trách nhiệm...
- Ô kìa, bác sĩ, sự hiện diện của ông chính là bởi sự cần thiết đó... Tôi có việc phải gấp trở về Mỹ.
Bác sĩ Dohmler chưa hề nói chuyện với ai từ một nơi xa như vậy, nhưng ông ta đưa tối hậu thư một cách cương quyết đến nỗi người Mỹ ở đầu dây bên kia không chịu nổi phải nghe theo.
Nửa giờ sau khi tới bên hồ Zurich lần thứ hai, Warren gục ngã nức nở khóc, hai vai run ên, hai mắt đỏ hơn mặt trời trên hồ Genève, và thả ra hết
trọn vẹn câu chuyện thương tâm. Ông ta giọng khàn khàn nói:
- Chuyện xảy ra... chuyện xảy ra... tôi chẳng hiểu như thế nào... tôi không biết nữa. Sau khi mẹ cháu chết, khi cháu còn nhỏ, cháu vẫn có thói quen sáng nào cũng chui vô giường tôi, đôi khi ngủ tại đó. Tôi, tôi thấy tội nghiệp con nhỏ không có mẹ, những lần nào chúng đi đâu bằng xe hơi hay bằng xe lửa, chúng tôi cũng nắm tay nhau. Cháu hát cho tôi nghe. Chúng tôi nói: “Bây giờ hai cha con chiều nay không thèm để ý tới ai khác. Hai cha con với nhau thôi... Sáng nay con là của cha...”
Một nhịp xúc động giống như tiếng khóc nức nở làm rung động cả người và khiến cho ông ta im bặt.
- Người ngoài cứ cho rằng chúng tôi hợp thành một cặp tuyệt vời hai cha con... Họ thương cảm đến chảy nước mắt. Hai cha con như thể một cặp nhân tình. Rồi... bỗng nhiên chúng tôi trở thành nhân tình... và mười phút sau khi việc đó xảy ra, tôi muốn bắn một phát súng vào đầu... Nhưng tôi chắc rằng tôi trở nên vũ phu tồi tệ nhất đến nỗi tôi không còn can đảm để làm việc đó nữa.
Bác sĩ Dohmler còn nghĩ tới Chicago và người đàn ông lịch sự và dịu dàng, nước da tái xanh, mắt mang kính, đã khảo thí cậu thanh niên ba chục năm về trước, hỏi ông Warren:
- Thế rồi sau đó thì sao?... Chuyện đó có tiếp tục không?
- Ồ, không! Cháu... cháu lập tức đã như lạnh giá hẳn. Cháu chỉ nói: “Thôi, cha đừng buồn, cha đừng buồn nữa... Không có sao đâu, cha đừng buồn nữa”.
- Không có hậu quả chi hết chứ?
- Không.
Ông Warren lại nức nở khóc nữa và hỉ mũi ầm ĩ.
- Ngoại trừ bây giờ, đã xảy ra những hậu quả ghê gớm!
Chuyện kể xong, Dohmler ngả người trên ghế và giọng nói gay gắt, như thể nói với chính mình: “Đồ hung bạo!” Đó là một trong số rất hiếm những phán xét về người khác mà ông bác sĩ đã tự cho phép trong vòng hai chục năm nay. Rồi ông ta nói:
- Tôi khuyên ông nên tới ngủ đêm tại một khách sạn ở Zurich rồi sáng mai đã trở lại gặp tôi.
- Rồi sau thì sao?
Ông bác sĩ đưa tay ra, như lượng định sức nặng của một con heo và đề nghị:
- Chicago!

4

Franz nói:
- Bây giờ chúng ta biết phải nên đối phó như thế nào. Dohmler báo cho Warren biết chúng tôi vui lòng chữa trị cho con gái của ông ta với điều kiện nếu ông ta hứa ở xa cô gái trong thời gian vô hạn định, ít nhất năm năm. Sau khi đã không giữ được, Warren chỉ lưu tâm muốn biết câu chuyện có sẽ bị tiết lộ ở Mỹ hay không.
- Chúng tôi thu xếp một chương trình sống hằng ngày cho cô gái, rồi chúng tôi để cho một thời gian trôi qua đi. Bịnh lý không có gì là ghê gớm. Nhưng anh đã biết, tỷ lệ những vụ chữa khỏi, ngay cả những vụ chữa khỏi mang danh hiệu xã hội, thường rất thấp vào lứa tuổi đó.
Dick đồng ý:
- Những thư đầu coi bộ xấu lắm.
- Rất xấu và thật tiêu biểu. Tôi còn ngần ngại không muốn cho gửi đi bức thư đầu tiên. Sau tôi tự nhủ: cứ để cho Dick thấy chúng ta vẫn tiếp tục làm việc tại đây như vậy hay hơn. Về phần anh trả lời thư của cô gái thật là một cử chỉ đại lượng.
Dick thở dài:
- Một cô gái thật đáng yêu! Trong thư cô gái thường kèm những tấm hình nhỏ của mình. Còn tôi, trong vòng một tháng, tôi tuyệt đối chẳng có việc gì. Hết thảy những gì tôi viết trong thư có thể tóm tắt như sau: hãy chịu khó nghe lời các bác sĩ.
- Thế là đủ; như vậy giúp cho cô gái nghĩ tới một người ở bên ngoài. Ban đầu, và cứ như thế trong một thời gian, cô gái không có ai - ngoại trừ một người chị gái mà cô ta không thân thiết mấy.
- Với lại sự kiện chúng tôi có đọc thư của cô gái giúp cho chúng tôi ở đây. Những bức thư đó như cái thước đo tình trạng của cô gái và những tiến bộ.
- Tôi rất mừng thấy như vậy.
- Bây giờ chắc anh đã biết rõ những gì đã xảy ra? Cô gái có một ý tưởng đồng lõa. Điều đó không có nghĩa chi hết, trừ ra chúng tôi cần định lượng lại sự vững vàng về tinh thần khả năng tự chủ căn bản của con người cô gái. Thứ nhất, có vụ khích động đó; rồi cô gái vô trường học; cô gái nghe bạn bè nói chuyện; khi đó, do sự cần thiết bởi năng khiếu tự vệ, cô gái khai triển ý tưởng có sự đồng lõa nơi mình, rồi từ đó rất dễ dàng ngả sang một thế giới tưởng tượng ở trong đó hết thảy những người đàn ông, hễ ta có cảm tình và tin cậy đối với họ, đều tỏ lộ là những đồ thô bạo.
- Có bao giờ cô gái nói tới ngay các vụ ghê gớm đó không?
- Không. Và, bởi lẽ đó, khi cô gái bắt đầu trở nên bình thường, vào khoảng tháng Mười, chúng tôi đã để cho tự thích nghi lấy với đời sống. Đằng này cô gái còn trẻ quá chúng tôi sợ sẽ trở nên cứng rắn, sẽ dầy vò mình do sự méo mó về con người của mình. Khi đó bác sĩ Dohmler đã nói thẳng với cô gái: “Bây giờ cô có một bổn phận đối với chính cô. Bấy nhiêu chuyện không có nghĩa là đã hết. Cuộc đời của cô bây giờ mới bắt đầu”, vân vân. Cô gái rất thông minh. Nhận thấy thế Dohmler đã cho đọc ít trang của Freud, ít thôi, và cô gái thấy thích thú lắm. Sau cùng có gái đã trở nên một thứ cục cưng của mọi người tại đây. Nhưng cũng biết dè dặt...
Franz lưỡng lự.
- Chúng tôi tự hỏi không hiểu trong những thư gần đây viết cho anh và tự tay đem gửi tại Zurich, cô gái có hé lộ điều gì soi sáng được hiện trạng tinh thần của cô ta và những ý định tương lai.
Dick suy nghĩ:
- Có và không. Nếu anh muốn, tôi sẽ đem những thư đó lại đây. Cô gái xem ra đầy hy vọng, ham sống một cách bình thường và cũng lãng mạn lắm nữa. Đôi khi cô gái nói tới “dĩ vãng” có vẻ như những người đã ở tù ra. Nhưng không thể biết những người đó có nghĩ tới tội ác, hay tới thời gian bị cầm tù, hay tới tất cả. Dù sao, tôi cũng chỉ là một thứ người nộm trong cuộc đời cô gái.
- Ồ, tôi hiểu rõ hoàn cảnh của anh lắm, lẽ dĩ nhiên, một lần nữa tôi bày tỏ với anh trọn vẹn sự biết ơn của chúng tôi. Chính vì vậy mà tôi muốn gặp anh trước khi gặp lại cô gái.
Dick cười.
- Anh nghĩ rằng cô gái sẽ vồ lấy tôi?
- Không, không, không phải thế. Nhưng tôi muốn yêu cầu anh tiến tới hết sức nhẹ nhàng. Dick ạ, anh là một thứ người rất đáng yêu đối với phụ nữ.
- Nếu vậy cầu trời phù hộ cho tôi! Được, tôi sẽ rất dịu dàng và khó chịu. Mỗi lần tới gặp cô gái tôi sẽ ăn tỏi, tôi sẽ để râu cằm như cái chổi chà..
Franz cho lời nói diễu là thật, nói:
- Thôi đi, đừng có vụ tỏi. Anh không định làm hỏng hết mọi chuyện về sau này chứ? Nhưng tôi chắc chắn anh nói đùa chơi...
-... Tôi có thể hơi thọt chân một chút. Với lại ở những nơi tôi sống đâu có bồn tắm thật sự.
- Anh hay diễu quá!
Franz có vẻ thoải mái, hay tỏ lộ điệu bộ của một người cảm thấy thoải mái.
- Bây giờ anh hãy nói cho tôi nghe về anh, về những dự định của anh đi.
- Franz ạ, tôi chỉ có một dự định, đó là trở nên một chuyên viên về bịnh tâm trí, có tài, nếu có thể là người nổi danh nhất xưa nay chưa từng có.
Franz cười thành thật, nhưng nhận thấy lần này Dick không nói đùa nữa. Franz nói:
- Thế mới đúng, rất Mỹ nữa. Đối với chúng tôi thì khó hơn.
Franz đứng dậy, đi ra chỗ cửa sổ mở sát tận đất:
- Từ đây tôi trông thấy Zurich. Đây kia là tháp chuông của nhà thờ Gross Munster. Ông nội tôi được chôn tại đó dưới hầm mộ. Phía bên kia cầu là mộ của một ông cố, Lavater, không chịu chôn trong một giáo đường. Gần đó là pho tượng một ông cố khác, Heinrich Pestalozzi. Và tượng của bác sĩ Alfred Escher. Và ở trên hết lẽ dĩ nhiên còn có Zwingli. Tôi không ngớt đụng đầu với một thứ vạn thân miếu toàn những vĩ nhân.
Dick cũng đứng dậy, đáp:
- Có, tôi thấy, tôi chỉ hơi quá lố. Bây giờ mọi thứ mới chỉ bắt đầu lại. Phần đông những người Mỹ ở Pháp đều háo hức muốn trở về nước. Tôi thì không. Tôi sẽ giữ lương của tôi cho tới hết năm tôi theo đại học. Anh nghĩ sao về vụ đó? Anh đừng nghĩ rằng có một chính phủ biết nhìn xa và nhận ra những vĩ nhân tương lai của mình! Sau đó tôi sẽ về Mỹ một tháng thăm cha tôi. Rồi tôi sẽ quay lại. Người ta có mời tôi nhận một chỗ làm.
- Ở đâu?
- Tại nơi những người cạnh tranh với anh, dưỡng đường Gisler, ở Interlaken.
Franz tuyên bố:
- Anh đừng nhận. Hằng năm quả có một lô thanh niên đảo qua nơi đó. Chính Gisler cũng là một người chồng si suy nhược; vợ của y đứng ra trông nom bịnh viện với người tình của mụ. Những chuyện đó anh giữ riêng, nghe không?
Dick thản nhiên hỏi:
- Còn anh? Chương trình đi Mỹ ngày xưa của anh đâu rồi? Tại sao chúng ta không cùng nhau lập nên một dưỡng đường tối tân hạng nhất ở New York cho những nhà tỷ phú?
- Đó là chuyện sinh viên nói chơi với nhau.
Dick ăn bữa tối với Franz và bà vợ, cùng với con cho nhỏ của hai người, con chó có mùi khét của cao su cháy trong căn nhà riêng rất nhỏ, ở tận cùng vườn cỏ. Dick cảm thấy có chút gì đè nặng, không phải do không khí của căn nhà đơn sơ, cũng không phải do bà Gregorovious, mà Dick ngay từ trước đã có thể hình dung được, nhưng bởi sự đột nhiên thu hẹp chân trời mà bây giờ xem ra Franz đành chấp nhận. Đối với Dick, ranh giới của sự thanh bạch phải được đặt ra cách khác. Trong đó cần phải có phương tiện để đạt mục đích, hoặc để có thể kiên trì theo đuổi danh vọng, nhưng Dick cảm thấy khổ sở quá nếu nghiễm nhiên thu hẹp đời sống của mình cho vừa với bộ áo được thừa hưởng. Thái độ của Franz và vợ ở trong nhà, quanh quẩn trong một không gian hẹp hòi, đã thiếu mất cái đẹp của sự phiêu lưu. Những tháng sau chiến tranh ở Pháp, những vụ thanh toán không bủn xỉn, được thấy với sự huy hoàng Mỹ hỗ trợ, đã thay đổi quan điểm của Dick. Ngoài ra, đàn ông và đàn bà nữa - đã cảm mến Dick và chiều chuộng lắm. Và không chừng có lẽ do trực giác cho biết đối với một con người đứng đắn điều không tốt là quay về một trung tâm nghe ngóng rộng lớn như Thụy Sĩ.
Nhưng Dick cũng biết cách để cho Kathe Gregorovious tin chắc rằng mình có duyên, trong khi chính Dick ngày một không thể chịu nổi không khí nức mùi cải bắp - tuy trong bụng cũng bực mình tại sao có sự ghê sợ hời hợt đó. “Thành ra ta cũng chỉ giống như mọi người hay sao?” Dick thường suy ngẫm như vậy trong những lúc mất ngủ. “Ta có giống như mọi người khác không?” Vật liệu quá tồi tàn đối với một nhà xã hội học, nhưng tuyệt hảo đối với những người ở đời này làm những công việc hiếm có hơn. Sự thật là từ nhiều tháng nay Dick mê mải trong việc sắp xếp, trong việc kiểm điểm tinh thần của tuổi trẻ khi ta quyết định sẽ chết hay không cho những điều mà ta không còn tin tưởng nữa. Trong những giờ trống rỗng ở Zurich, khi tia mắt của Dick có thể ngó qua ánh sáng của ngọn đèn đường vào thẳng trong bếp một nhà lạ, ở trước mặt, Dick tự nhủ đang ao ước được tốt; Dick ao ước được dịu dàng; ao ước được can đảm và khôn ngoan một cách hiểu biết. Nhưng bấy nhiêu thứ đều khó quá. Dick cũng ao ước được yêu, nếu vụ đó có thể gom chung trong chương trình của y.