Chương 16
Vụ Bắt Cóc Tưởng Giới Thạch

Ngay cả những người Trung hoa thân Nhật cũng phải kinh hoàng trước sự bao vây của Nhật Bản. Khi họ áp lực đòi Tưởng Giới Thạch phải có thái độ rõ rệt với Nhật Bản thì họ chỉ muốn làm dịu bớt sự căng thẳng, chứ không muốn có một sự đụng độ vũ trang với Nhật Bản. Năm 1935 vì chưa sẵn sàng một cuộc chiến tranh toàn diện với Nhật, Tưởng phải đề nghị ký một hiệp ước thân hữu với Nhật, nhượng lại tất cả quyền lợi thương mại và tô giới của các nước Âu Châu cho Nhật. Đây là một sự nhượng bộ lớn lao mà nhiều người Trung hoa yêu nước cực lực phản đối. Bộ ngoại giao Nhật Bản vội đồng ý chấp nhận ngay, nhưng lúc đó phe quân phiệt Nhật đang thắng thế và đang muốn chinh phục Trung hoa, nên bác bỏ đề nghị của Tưởng.
Đến đó thì Tưởng biết rằng Nhật Bản sắp sửa khai chiến. Ngay từ năm 1931, một cố vấn của Tưởng đã báo động rằng Nhật Bản sẽ chiếm Mãn châu nhiều tháng trước khi sự việc này thực sự xảy ra. Lần này, Tưởng cũng không ngạc nhiên trước thái độ hung hăng của phe quân phiệt Nhật. Tưởng không thiếu vũ khí. Khổng Tường Hy đã sang tận Đức mua về một số lượng vũ khí rất lớn của hãng Krupp. Trung hoa cũng là khách hàng mua vũ khí và phi cơ quan trọng nhất của Hoa Kỳ.
Đúng như người ta dự đoán trước, quân Nhật tấn công và chiếm Thái Nguyên và yêu cầu quân đội Quốc dân đảng rút lui khỏi tỉnh Hà Bắc. Khi quân Quốc dân đảng chịu rút lui thì Nhật Bản lập tức xáp nhập các tỉnh Hà Bắc, Sơn Đông, Sơn Tây, và Sáp Cáp Nhĩ thành một khu tự trị dưới sự kiểm soát của quân Nhật. Quân Nhật làm chủ tất cả vùng đông bắc Trung hoa cho tới tận bên ngoài thành phố Bắc Kinh.
Trong khi đó Mao Trạch Đông và hồng quân Trung hoa trốn khỏi căn cứ sô viết Giang Tây đã đến được Diên An sau cuộc Vạn Lý Trường Chinh. Lực lượng cộng sản vô cùng suy yếu sau một cuộc đào tẩu gian nan kéo dài cả năm trời. Phe cộng sản lúc này rất cần thời gian để bồi dưỡng sức mạnh và phát triển. Mao rất sợ Tưởng Giới Thạch mở cuộc tấn công ngay, nên phải lôi phe quốc gia chống Nhật hợp tác, như một sự che chở trước sức mạnh của Tưởng. Người Trung hoa ái quốc đặt mục tiêu chống quân xâm lăng Nhật lên trên tất cả. Mao Trạch Đông lợi dụng được lợi điểm đó từ người quốc gia, và biến họ thành đồng minh nhất thời trong lúc lực lượng cộng sản còn quá yếu. Các sinh viên kính phục những người dám chống Nhật, và coi họ là anh hùng. Ngày 9-12-1935, hàng chục ngàn sinh viên tại Bắc Kinh biểu tình đả đảo Nhật Bản. Cuộc biểu tình được toàn quốc chú ý, và bà Khánh Linh cũng từ bỏ cuộc sống ẩn dật tại Thượng Hải, và dấn thân chiến đấu, thành lập Phong Trào Liên Minh Cứu Quốc.
Mạc tư khoa cũng sợ Nhật Bản nên ra lệnh cho đảng cộng sản Trung hoa chấm dứt việc tuyên truyền chống Tưởng Giới Thạch, và phải kết hợp với Quốc dân đảng thành một mặt trận thống nhất. Mao Trạch Đông phản đối lệnh của Nga sô, nhưng chưa đủ mạnh để cưỡng lệnh. Mao đành phải miễn cưỡng tìm cách liên lạc với Tưởng qua thống chế Trương Học Lương. Quân của Trương Học Lương đóng tại vùng biên giới tây bắc, bên cạnh căn cứ của cộng quân.
Trương Học Lương là một sứ quân thông minh, khác hẳn các sứ quân khác là những kẻ vừa độc ác tham lam vừa thiển cận tự tôn. Sau một tuổi trẻ trác táng tại Mãn Châu và Âu Châu, Trương Học Lương nghiện thuốc phiện. Người ta thấy có dấu hiệu những thuốc phiện của Trương Học Lương dùng đã được bào chế để hủy hoại tinh thần viên sứ quân trẻ tuổi. Trùm mật vụ Thái Lý của Tưởng Giới Thạch rất thiện nghệ đầu độc đối thủ của Tưởng bằng thuốc phiện. Sau khi thân phụ là sứ quân Trương Tác Lâm bị quân Nhật ám sát năm 1928, Trương Học Lương đã liên kết với Tưởng Giới Thạch vì lòng ái quốc bồng bột, và cũng muốn trả thù nhà. Nhưng Tưởng Giới Thạch đã ngăn cản không cho Trương Học Lương bảo vệ Mãn châu chống lại quân Nhật, và sau đó Tưởng đổ lỗi cho Trương Học Lương làm mất Mãn Châu. Sau đó Tưởng dùng Trương Học Lương làm vật tế thần mỗi khi quân Nhật chiến thắng. Trương Học Lương đành phải từ bỏ mọi chức vụ và tìm lãng quên trong khói thuốc phiện.
Một cố vấn người Úc hết sức khuyên Trương Học Lương sang chữa trị bệnh nghiện thuốc phiện tại Âu Châu. Năm 1934, từ Âu Châu trở về, Trương Học Lương là một người hoàn toàn khác hẳn trước. Sự yếu đuối ủy mị với thuốc phiện nay được thay thế bằng một tinh thần quốc gia mãnh liệt. Trương Học Lương tin rằng phải cứu nước Trung hoa bằng cách khuyến dụ Tưởng Giới Thạch phải cứng rắn với Nhật Bản. Trương Học Lương đã bàn cãi vấn đề này với Tống Tử Văn, và hai người thấy rằng chỉ có một cuộc đảo chánh mới thay đổi được tình thế.
Đầu năm 1936, Trương Học Lương âm thầm ra lệnh cho quân của mình tại biên giới không được tấn công quân cộng sản. Trương Học Lương tin rằng phần lớn những người đi theo cộng sản là vì Tưởng Giới Thạch và các thế lực ngoại bang đã đưa Trung hoa đến chỗ suy đồi. Trương Học Lương quyết định rằng người Trung hoa sẽ không bắn giết lẫn nhau trong khi quân ngoại xâm đang tàn phá đất nước. Thực ra bất cứ ở đâu, cộng sản Trung hoa cũng lợi dụng những tấm lòng ái quốc chân thành nhưng ngây thơ như Trương Học Lương để chiến thắng, và khi người quốc gia nhận chân được cộng sản thì thường quá trễ rồi.
Tháng 6 năm đó, Trương Học Lương bí mật gặp Chu Ân Lai, và bàn thảo xem hai bên có thể quên được những mối bất đồng, để có thể phát triển được một chiến lược chung không. Lúc đó phe cộng sản còn quá yếu, và rất cần sự liên kết với các lực lượng quốc gia để sinh tồn, và chờ thời gian phục hồi được sức mạnh. Cả Chu Ân Lai và Trương Học Lương đều tin rằng giải pháp duy nhất là thành lập một mặt trận thống nhất. Trương Học Lương rất trọng lời hứa. Ngay lập tức Trương Học Lương ra lệnh mọi hành động quân sự chống lại cộng sản ngưng hẳn, và thiết lập một sự liên lạc giữa hai bộ tham mưu, và văn phòng của Phong Trào Liên Minh Cứu Quốc được tổ chức khắp miền tây bắc Trung hoa.
Phe Tưởng Giới Thạch phong thanh biết được sự khác lạ của vùng biên giới tây bắc, nhưng các điệp viên của Thái Lý không biết rõ sự hợp tác của Trương Học Lương và cộng sản như thế nào. Vào đúng lúc Tưởng định tung ra chiến dịch tiêu diệt cộng sản, thì các điệp viên chỉ báo cáo cho Tưởng biết các tư lệnh của vùng tây bắc không thể tin tưởng được nữa. Mối ưu tư tâm phúc của Tưởng là cộng sản, chứ không phải là quân xâm lăng Nhật Bản. Tưởng rất nhạy cảm trong công cuộc chống cộng, và cho rằng việc Nhật Bản chiếm một phần đất Trung hoa chỉ là một sự thua thiệt nhất thời. Tưởng tin rằng trước sau gì người Trung hoa cũng đánh đuổi được quân Nhật. Nhưng hiểm họa cộng sản mới thực là lâu dài và khó chữa. Chính vì thế, Tưởng quyết định bay lên Tây An với mục đích hăm dọa Trương Học Lương phải thi hành lệnh tấn công quân cộng sản.
Khi Tưởng Giới Thạch tới nơi, Trương Học Lương đề nghị nên bãi bỏ chiến dịch diệt cộng, và phải thành lập một mặt trận chung với phe cộng sản để chống kẻ thù chung là quân xâm lăng Nhật Bản. Trương Học Lương nhấn mạnh lúc đó là thời cơ của một cuộc chiến tranh cứu nước chứ không phải là lúc mở một cuộc nội chiến. Tưởng nổi cơn lôi đình và bỏ về tổng hành dinh Quốc dân đảng tại Lạc Dương, cách xa Tây An 300 cây số. Trương Học Lương đi theo để tranh luận thì Tưởng giận dữ mắng nhiếc Trương Học Lương là một người quá ngây thơ.
Ngày 4-12-1936, Tưởng quay trở lại Tây An, và thông báo sẽ tiến hành chiến dịch tiêu diệt cộng sản vào ngày 12-12. Tưởng sẽ bổ nhiệm một tướng tư lệnh mới tại vùng tây bắc, và thuyên chuyển Trương Học Lương về miền nam cùng với quân đội và thuộc hạ của Trương Học Lương. Trương Học Lương và Dương Hổ Thành cố gắng trình bày những lý lẽ xin Tưởng tái xét lại quyết định trên, nhưng Tưởng tức giận bước ra khỏi phòng, và cùng vệ sĩ lái xe tới vùng suối nước nóng tại đồi Ly Sơn, cách Tây An 12 dặm. Suối nước nóng này nổi tiếng từ đồi nhà Đường. Chính tại đây Đường Minh Hoàng thường đứng dưới hàng liễu rủ để ngắm Dương Qúy Phi tắm. Cũng chính tại đây tướng An Lộc Sơn cũng thường tới tắm chung với Dương Qúy Phi, và cũng vì thế An Lộc Sơn phản loạn nhà Đường để chiếm Dương Qúy Phi, người được coi là đẹp nhất đời Đường, và là một trong Tứ Đại Mỹ Nhân của Trung hoa.
Trương Học Lương và Dương Hổ Thành nhận thấy tình trạng nguy hiểm của họ. Nếu họ không làm gì cả thì sẽ mất địa vị hiện tại của họ và khi về miền nam, họ sẽ trở thành những người bất lực. Chính Dương Hổ Thành đã đi tới giải pháp bắt cóc Tưởng Giới Thạch để bắt buộc phe Quốc dân đảng phải nhượng bộ, không tấn công phe cộng sản nữa, và tập trung tất cả sức mạnh chống lại ngoại xâm.
°
Tưởng Giới Thạch có thói quen dậy sớm, và đứng khoanh tay trước cửa sổ mỗi buổi sáng. Sáng ngày 12-12 tại vùng nghỉ mát đồi Ly Sơn, Tưởng cũng dậy sớm, tháo bộ răng giả đặt lên bàn ngủ cạnh giường và đứng trước cửa sổ một giờ. Nơi cư ngụ của Tưởng được 50 vệ sĩ canh gác, do một sĩ quan nổi tiếng khát máu chỉ huỵ Đúng 5:30 sáng, Tưởng đang đứng im lặng, nhìn ra rặng núi xa, bên ngoài bức tường hoa của vườn sau, thì 4 xe vận tải lớn chở 120 binh sĩ đến trước cổng. Viên tiểu đoàn trưởng ra lệnh mở cổng. Khi người gác cổng từ chối không chịu mở cổng thì binh sĩ bên ngoài nổ súng.
Tưởng Giới Thạch giật mình khi nghe tiếng súng nổ. Tưởng hoảng hốt tưởng là một cuộc phản loạn của binh sĩ cộng sản. Súng nổ mỗi lúc một rát hơn, rồi ba vệ sĩ thân tín chạy vào phòng yêu cầu Tưởng phải trốn. Tưởng vội vàng vùng chạy ra cửa sau, quên cả bộ răng giả trên bàn ngủ. Khi chạy tới cuối vườn, ba vệ sĩ khiêng Tưởng lên và đẩy Tưởng ra bên ngoài bức tường. Tưởng té xuống đất, xương sống bị trẹo và một bên mắt cá chân bị sưng tấy. Vùng đồi phía sau đầy sỏi và gai góc. Tưởng hoảng sợ chạy ngược lên đỉnh đồi, chân đạp cả vào gai góc. Mắt cá chân và xương sống Tưởng mỗi lúc một đau đớn hơn. Trong khi đó cuộc lục soát đi tìm kiếm Tưởng vẫn tiếp tục. Tất cả 50 vệ sĩ của Tưởng bị bắn chết từng người một, khi toán binh sĩ tiến vào lục soát các phòng. Khi biết chắc Tưởng đã bỏ chạy rồi thì toán binh sĩ bắt viên chỉ huy vệ sĩ của Tưởng về Tây An, và đóng đinh hắn lên cổng thành.
Toán quân phản loạn biết chắc Tưởng phải chạy lên đồi, nên tiểu đoàn bao vây ngọn đồi, và dàn thành hàng ngang tiến lên lục soát. Sau hai lần lục soát, toán quân phản loạn vẫn không tìm thấy Tưởng. Họ trở lại căn nhà nghỉ mát của Tưởng và tìm thấy bộ răng giả của Tưởng, cùng với cuốn nhật ký và một số tài liệu. Phải mất bốn giờ nữa, vào khoảng 9 giờ sáng, một tiểu đội phản loạn tình cờ trông thấy Tưởng đang cố nằm nép sát vào một khe núi bên trong. Tưởng lạnh run, mệt nhoài và đau đớn vì những vết thương ở chân và xương sống. Một người lính nhảy xuống, vác Tưởng lên khỏi hang rồi cả bọn khiêng Tưởng xuống đồi. Tưởng được xe hơi chở về Tây An, và được một đội quân nhạc dàn chào. Trương Học Lương tiến ra và dẫn Tưởng vào một căn phòng ngủ, tại đó một bác sĩ đang chờ sẵn để săn sóc vết thương cho Tưởng. Cuộc phản loạn thành công hoàn toàn, và quân sĩ của tướng Dương Hổ Thành ăn mừng chiến thắng này bằng ba ngày cướp bóc dân chúng quanh vùng.
Trương Học Lương đánh điện ra lệnh cho một lữ đoàn của mình phải chiếm phi trường Lạc Dương, nằm cách Tây An 300 cây số. Trương Học Lương sợ rằng nếu không chiếm được Lạc Dương thì Quốc dân đảng sẽ sử dụng phi trường đó để oanh tạc Tây An. Viên lữ đoàn trưởng phản đối lệnh của Trương Học Lương, và đưa bức điện tín cho viên tư lệnh Quốc dân đảng. Phi trường Lạc Dương liền được canh phòng cẩn mật, và Nam Kinh được thông báo những gì đang xảy ra tại Tây An. Quân Quốc dân đảng lập tức chiếm giữ Đông Quận, kiểm soát đèo chiến lược nằm giữa Sơn Tây và Thiểm Tây. Nhưng quân phản loạn cũng chiếm được Lan Châu, thủ đô tỉnh Cam Túc, bảo vệ được hậu phương của phe phản loạn. Trương Học Lương công bố một điện tín có chữ ký của các lãnh tụ phản loạn, yêu cầu chính phủ Nam Kinh thì hành những yêu sách sau đây: chấm dứt nội chiến, phóng thích tù chính trị, cho phép tự do biểu tình ái quốc, cho phép các cuộc tụ họp chính trị, phải thi hành tức khắc chúc thư của Tôn Dật Tiên, và triệu tập Đại Hội Cứu Quốc ngay.
Từ lúc bị bắt, Tưởng Giới Thạch hoàn toàn khủng hoảng. Tưởng từ chối không chịu ăn, không chịu ra khỏi giường. Trương Học Lương đề nghị chuyển Tưởng tới một nơi cư ngụ sang trọng hơn, nhưng Tưởng im lặng không trả lời. Mãi tới ngày 14-12, một cố vấn người Úc đến Tây An để dàn xếp, Tưởng mới chịu chuyển sang một tư gia. Trong khi đó thì phe thân Nhật trong chính phủ Nam Kinh do bộ trưởng quốc phòng cầm đầu, phái quân đội chính phủ tiến tới bao vây Tây An, dự định dùng bộ binh, pháo binh và không quân tấn công Tây An, lấy cớ để giải thoát Tưởng, nhưng thực ra là để diệt Tưởng để lên thay Tưởng.
Tại Thượng Hải, Tống Mỹ Linh ngất xỉu khi nghe tin chồng bị bắt cóc. Khổng Tường Hy vội nắm chức quyền thủ tướng, nhưng người ta không biết lập trường của ông ta ngả về phe nào. Phe anh chị của Bố già Đỗ Đại Nhĩ thì ủng hộ bộ trưởng quốc phòng Hà Ứng Khâm, đòi hỏi biểu dương lực lượng tiến về Tây An. Giới anh chị cũng muốn loại bỏ Tưởng để dễ kiểm soát quyền hành. Nhưng Tống Mỹ Linh đã mau lẹ tới Nam Kinh để ngăn cản bộ trưởng quốc phòng mở cuộc tấn công vào Tây An. Mỹ Linh nói với bộ trưởng quốc phòng:
"Tôi kêu gọi các ông, không phải với tư cách một người đàn bà lo lắng cho sự an nguy của chồng, nhưng với tư cách một người công dân có một thái độ thực tế, để có được một giải pháp ít tốn kém nhất cho một vấn đề quốc gia trọng đại. Nhưng những gì quý vị đề nghị thi hành ngày hôm nay sẽ thực sự gây ra nguy hiểm cho Tưởng thống chế. Vì trong tâm hồn quần chúng cũng như trong tâm hồn tôi, sự an nguy của Tưởng thống chế không thể tách ra khỏi sự đoàn kết và sự tồn tại của quốc gia này vào giai đoạn trọng đại nhất của lịch sử, thì không nên bỏ lỡ bất cứ một cơ hội có thể tìm được sự giải cứu Tưởng thống chế bằng phương tiện hoà bình."
Trong khi đó, Khổng Tường Hy lên đài phát thanh tuyên bố, "Chúng ta rất quan tâm tìm cách cứu Tưởng thống chế. Tuy nhiên thái độ của chúng ta là không nên để sự an nguy của một cá nhân can dự vào quốc sách." Khổng Tường Hy có thể đứng hẳn vào phe Bố già Đỗ Đại Nhĩ, hay lời tuyên bố này nhằm mục đích không cho đối phương khai thác được sự bắt cóc Tưởng. Nhưng dù lý do nào đúng thì Tưởng Giới Thạch cũng rất hoảng sợ. Tưởng sai một cộng sự viên thân tín nhất bay về Nam Kinh với mệnh lệnh cấm tấn công vào Tây An. Tuy nhiên mười một sư đoàn Quốc dân đảng đang bao vây Tây An, và tất cả phi cơ của Quốc dân đảng đều tập trung tại Lạc Dương, sẵn sàng đợi lệnh tấn công.
Tại Tây An, Tưởng bướng bỉnh bác bỏ tất cả 8 yêu sách của phe phản loạn. Dương Hổ Thành và các tướng phản loạn khác đòi bắn chết Tưởng Giới Thạch, nhưng Trương Học Lương cố gắng ngăn cản họ. Tại tổng hành dinh cộng sản, cách Tây An 300 cây số, Mao Trạch Đông rất hồ hởi nghe tin Tưởng bị bắt cóc. Mao tuyên bố trước các cán bộ, "Kể từ ngày 12-4-1927, Tưởng Giới Thạch nợ chúng ta một món nợ máu cao hơn núi. Đây chính là lúc phải thanh toán món nợ máu này. Phải đưa Tưởng Giới Thạch về Bảo An và giao cho tòa án nhân dân xét xử."
Chu Ân Lai thì chờ lệnh của Mạc tư khoa để về Tây An đại diên phe cộng sản. Mạc tư khoa ra lệnh cho cộng đảng Trung hoa phải hòa giải với phe Quốc dân đảng, và phải bảo vệ sinh mạng cho Tưởng Giới Thạch. Chu Ân Lai phải đạt được sự hòa giải với Quốc dân đảng. Stalin nhấn mạnh phải thả Tưởng Giới Thạch thì mới mong thành lập được mặt trận thống nhất chống Nhật, vì mối lo hàng đầu của Nga sô là quân phiệt Nhật Bản sẽ tấn công Nga sộ Các phe phái tại Trung hoa phải đoàn kết với nhau và cầm chân quân phiệt Nhật tại Trung hoa. Nếu Trung hoa thất bại, không ngăn cản được quân Nhật tại Trung hoa thì quân Nhật sẽ tiến tới biên giới Nga sộ Mao Trạch Đông rất căm phẫn chịu thua lệnh của Stalin và mất cơ hội giết Tưởng Giới Thạch để trả thù. Về phía Nhật Bản thì rất bình tĩnh và thỏa mãn, vì cả thế giới được chứng kiến sự bất lực của người Trung hoa.
Việc bắt cóc Tưởng Giới Thạch có lẽ là âm mưu của Tống Tử Văn. Tống Tử Văn bất mãn thái độ quá mềm yếu của Tưởng đối với Nhật Bản, và cũng để trả thù cái bạt tai trước kia. Khi việc giải thoát cho Tưởng có vẻ bế tắc, thì Tống Tử Văn đứng ra giải quyết. Bộ trưởng quốc phòng Quốc dân đảng thông báo cho đại sứ Nhật biết chiến dịch trừng phạt Tây An sẽ tiến hành như đã định trước, và tức giận yêu cầu Tống Tử Văn không được xen vào công việc của chính phủ. Tống Tử Văn xác nhận có quyền can thiệp vào việc nước, và không cần phải tuân lệnh bộ trưởng quốc phòng, vì ông là một công dân chứ không phải là một người lính. Tống Mỹ Linh vội làm dịu bộ trưởng quốc phòng Hà Ứng Khâm bằng cách đồng ý không đi Tây An theo Tống Tử Văn.
Khi Tưởng Giới Thạch thấy Tống Tử Văn đưa cho một lá thư của Mỹ Linh, trong đó chỉ vắn tắt vài dòng chữ, "Nếu trong vòng ba ngày Tống Tử Văn không trở về Nam Kinh thì em sẽ tới Tây An để sống và chết cùng với mình", thì Tưởng thống chế nổi tiếng tàn ác của Quốc dân đảng xúc động quá đến nỗi òa lên khóc nức nở. Tống Tử Văn bảo Trương Học Lương đi ra ngoài để ông nói chuyện riêng với Tưởng.
Tưởng cho Tống Tử Văn biết quân phản loạn thay đổi thái độ với ông sau khi đọc hết cuốn nhật ký của ông. Trong nhật ký, Tưởng viết sẽ tận lực đánh đuổi quân ngoại xâm Nhật Bản, sau khi diệt xong cộng sản. Tưởng cho Tống Tử Văn biết mối nguy hiểm chính không phải là ở nhóm phản loạn, mà là phe thân Nhật trong chính phủ Nam Kinh, đang muốn tấn công tiêu diệt Tây An và giết cả Tưởng một thể.
Đêm đó Tống Tử Văn và Trương Học Lương cùng đến bàn luận với Tưởng Giới Thạch. Tống Tử Văn cho biết phải giải quyết vấn đề gấp rút. Chính phủ Nam Kinh chỉ cho hưu chiến ba ngày. Sau đó cuộc tấn công dữ dội sẽ bắt đầu. Cuối cùng sau 24 giờ thảo luận, Tưởng đành nhượng bộ, chấp nhận toàn bộ 8 yêu sách của phe phản loạn. Tống Tử Văn vội trở về Nam Kinh và đưa Mỹ Linh cùng với trùm mật vụ Thái Lý lên Tây An. Mỹ Linh đem theo cả người đầu bếp. Mỹ Linh có thói quen không bao giờ đi xa mà không mang theo đầu bếp, không phải vì bà kén ăn, mà vì sợ bị đầu độc. Chính trường Trung hoa vào những năm 1930 đầy rẫy những vụ đầu độc đối thủ chính trị.
Khi Mỹ Linh bước xuống phi cơ, Trương Học Lương trịnh trọng cúi gập người xuống chào Mỹ Linh. Trướng kia Trương Học Lương cũng là một trong những người muốn lấy Mỹ Linh làm vợ. Bây giờ Trương Học Lương lại là người bắt cóc chồng Mỹ Linh. Họ Trương đưa Mỹ Linh tới gặp Tưởng ngaỵ Vật đầu tiên Mỹ Linh đưa cho Tưởng là một bộ răng giả. Ngày hôm sau, Tưởng ngồi tiếp các sứ quân đến chào. Người lo lắng nhất là Dương Hổ Thành và các tướng tư lệnh trong vùng, những người trực tiếp chỉ huy vụ bắt cóc. Chu Ân Lai khuyên Dương Hổ Thành nhận một món tiền thật lớn của Tống Tử Văn và đem gia đình trốn sang sống tại Âu Châu.
Chu Ân Lai tới và thương thảo với Tưởng Giới Thạch liên tiếp hai ngày. Chu Ân Lai vẫn gọi Tưởng là "Chỉ huy trưởng" như lúc còn làm việc dưới quyền Tưởng tại trường võ bị Hoàng Phố. Về sau Tưởng khen Chu Ân Lai là một người cộng sản biết điều nhất. Tống Mỹ Linh cũng rất phấn khởi khi nghe Chu Ân Lai nói, "Trong hiện tình của đất nước, không ai ngoài Tưởng thống chế có thể lãnh đạo quốc giạ" Mỹ Linh cũng đề nghị với Chu Ân Lai, "Tất cả những vấn đề nội bộ của Trung hoa nên giải quyết bằng phương tiện chính trị chứ không nên dùng vũ lực. Chúng ta cùng là người Trung hoa cả mà."
Sau khi Tống Tử Văn trao tiền cho phe phản loạn thì Tưởng Giới Thạch được tự do tới phi trường Lạc Dương để trở về Nam Kinh. Tưởng đem theo cả thống chế Trương Học Lương về Nam Kinh để trị tội. Mấy tháng sau đó, phe Quốc dân đảng coi việc giải thoát được cho Tưởng là một chiến thắng lớn. Tuần báo Time của Mỹ bầu Tưởng và Mỹ Linh là cặp vợ chồng số một của năm 1938, và đăng hình hai người lên bìa báo.
Hành động theo Tưởng Giới Thạch trở về Nam Kinh của Trương Học Lương được nhiều người coi là thiếu suy nghĩ. Đáng lẽ Trương Học Lương phải ở lại vùng tây bắc, và phải tránh xa Tưởng. Tuy nhiên sau này Mao Trạch Đông cho biết đó là điều kiện của Tưởng khi chấp nhận 8 yêu sách của phe phản loạn. Tưởng cần phải bắt Trương Học Lương về Nam Kinh để rửa tiếng xấu bị bắt cóc. Chính Trương Học Lương vì lòng ái quốc và đại cuộc, đã lên tiếng nhiều lần trước quần chúng, chấp nhận mọi lỗi lầm trong vụ Tây An. Trương Học Lương thoạt đầu tạm trú trong nhà Tống Tử Văn, và được nhiều người cho là đã có công lớn đối với tổ quốc, vì chính Trương Học Lương đã tạo ra Mặt trận Thống nhất để chống lại Nhật Bản. Tuy nhiên Tưởng Giới Thạch không bao giờ tha thứ cho viên thống chế trẻ tuổi và ái quốc này vì tội đã làm nhục ông, và làm hỏng kế hoạch tiêu diệt cộng sản của ông. Việc bắt cóc tại Tây An đã ám ảnh tâm trí Tưởng Giới Thạch trong nhiều năm sau đó, và đó là khởi đầu cho chiến thắng của cộng sản. Điều đáng sợ cho Tưởng là Trương Học Lương được quần chúng kính nể và là người có nhiều đức tính để trở thành một nhà lãnh đạo tối cao, thay thế Tưởng, trong khi Tưởng là một người có quá nhiều vết nhơ trước mắt quần chúng. Vì thế Trương Học Lương không thể sống tự do được. Tưởng ra lệnh quản thúc Trương Học Lương tại gia và giao cho trùm mật vụ Thái Lý canh giữ.
Các cố gắng của bạn bè Trương Học Lương, trong đó có cả Tống Tử Văn, can thiệp xin Tưởng trả tự do cho Trương Học Lương đều thất bại. Trong lúc đó mật vụ canh giữ Trương Học Lương được lệnh bắt Trương Học Lương phải hút thuốc phiện. Trong suốt thời gian bị cầm tù, Trương Học Lương chăm chú nghiên cứu lịch sử của đời nhà Minh. Người đồng mưu với Trương Học Lương bắt cóc Tưởng Giới Thạch là tướng Dương Hổ Thành cũng bị Tưởng bắt được khi ông này ở Âu Châu lén trở về Trung hoa thăm nhà. Dương Hổ Thành không được biệt đãi như Trương Học Lương, mà bị trùm mật vụ Thái Lý hành hạ suốt mười một năm trước khi bị giết chết. Vợ của Dương Hổ Thành tuyệt thực phản kháng đòi trả tự do cho chồng. Tưởng Giới Thạch để mặc cho vợ Dương Hổ Thành nhịn đói mà chết.
Nhiều năm sau, bà Tống Khánh Linh nói về việc bắt cóc Tưởng Giới Thạch như sau, "Việc làm của Trương Học Lương rất đúng. Nếu tôi ở địa vị của Trương Học Lương, tôi cũng sẽ làm như vậy. Điều khác duy nhất là tôi sẽ không thả Tưởng Giới Thạch."