Tuy ở các tỉnh đèn điện chưa có, nhưng dầu hoả đã được bán khắp các phố, các chợ, trong những thùng thiết lớn từ Huê-Kỳ chở qua. "Đèn Huê-Kỳ", một loại đèn bằng thuỷ tinh, để thắp với dầu hoả, cũng được bán trong các tiệm buôn Tầu và AnNam từ tỉnh đến thôn qus6. Chỉ nhà nghèo mới tiếp tục thắp đèn dầu phọng, hoặc dầu dừa, mở heo. Tại tỉnh, hai bên đường phố, ban đêm chưa có đèn. Nhưng ở các ngã tư đã có những trụ đèn bằng sắt, đúc và chạm rất đẹp, ở bên Tây đem qua, trên ngọn có một thứ đèn chung quanh lồng kiếng, và thắp bằng hơi acétylène. Người ta thường gọi là đèn hơi đá, hay là đèn carbure. Cứ vào khoảng 7 giờ chiều, có một người lính vác chiếc thang trên vai, tay xách một cái đèn carbure, đi đến từng ngã tư thành phố, nơi có trụ đèn. Anh dựng thang vào trụ, rồi cầm một chiếc đèn leo lên thang. Gần đến ngọn, anh đưa tay lên mở một cửa kiếng, đặt đèn vào trong. Trong đèn đã có sẵn bốn năm cục đá carbure và nước. Anh đánh một que diêm ( loại diêm Hoa-Sen rất thông dụng, do một hãng Pháp sản xuất tại Hàm Rồng - Thanh Hoá ). Anh châm lửa kề miệng vòi của chiếc đèn, tự nhiên lửa phực cháy, do hơi acetylène trong đèn phựt ra. Đèn carbure chiếu một ánh sáng xanh dịu, mát mẻ và soi xa một vùng chu-vi bốn năm thước. Xong rồi, anh lính trèo xuống, vác thang lên vai, tay còn xách năm, sáu chiếc đèn nữa, đi lần lượt đến những trụ đèn khác. Cứ cách bốn năm chục thước, nơi các con đường lớn, mới có một trụ đèn carbure. Tất cả các đường khác đều tối om- Om. Thường thường một chiếc đèn carbure ngoài đường cho cháy lâu được 4 tiếng đồng hồ thôi. Thành thử, chú lính coi về việc thắp đèn phải đi thay carbure mỗi đêm 3 lần, bất kể mưa gió, vào khoảng 7 giờ tối, 11 giờ khuya và 3 giờ sáng. Mỗi lần, anh phải vác cái thang đi và xách theo một thùng đá carbure, và một thùng nước lã. Lương của anh mỗi tháng 2 đồng bạc. Riêng trong vườn Toà Sứ và chung quanh dinh thự Ông Sứ, treo các loại đèn bằng đồng, bóng đèn thắp gọi là đèn tempête giống như loại đèn của thợ mỏ. Các nhà giàu sang, đều thắp đèn dầu hoả. Nhưng thắp rất là hà tiện, vì giá dầu đắt lắm - nó gần như là xa xí phẩm hồi 1910. Trong các gia đình người Pháp cũng thắp đèn dầu hoả. Xe máy ( xe đạp ) chưa có ở các tỉnh. Nhưng xe kéo đã có nhiều hơn trước, hầu hết là xe bánh sắt. Đầu năm 1920, mới bắt đầu xuất hiện vài ba chiếc xe kéo bánh cao sụ Người dùng xe này trước nhất là Quan Tuần-Vũ, rồi đến các "Quan Tây". Chỉ có mỗi một mình quan Công Sứ là có chiếc xe hơi (auto) mà thôi, xe kiểu Delahaye. Xe kéo của Quan Tuần-Vũ do một chú lính kéo, chú mặc áo "kẹp nẹp", đội "nón gù", đi chưn không. Mỗi lần ông Tuần đi đâu, chú lính kéo xe coi bộ cũng hãnh diện, không kém gì Quan, ra vẻ "ta đây là người tay chưn của cụ Lớn". Lê văn Thanh đã sắm được chiếc xe bánh sắt. Kể ra, thầy Ký có dư tiền sắm được chiếc xe bánh cao su, nhưng lúc đầu chàng còn e dè vì ngồi xe bánh cao su, giống như quan Tuần-Vũ, sợ vô lễ với quan Tuần chăng? Nhưng đi làm việc ở Toà Sứ, ngồi trên xe kéo bánh sắt cũng đã được hãnh diện lắm rồi. Chàng vẫn muốn làm cao hơn Trần anh Tuấn, thầy Phán đầu toà mà ngày hai buổi vẫn lóc-cóc đi bộ, mang đôi giầy Hạ xập-xệ cũ mèm. Ngoài xe kéo ra, không còn phương tiện lưu thông hoặc chuyên chở nào khác. Thường dân đi xe kéo bánh sắt, các Quan Lớn đi xe kéo bánh cao su. Tuy nói là thường dân, nhưng cũng chỉ có hạng thường dân khá giả, nhà giàu hoặc các thầy Thông, thầy Ký, mới có tiền đi xe kéo bánh sắt. Còn hầu hết nhân dân đại chúng đều đi bộ. Họ đi bộ từ làng này sang làng khác, từ huyện này sang huyện kia, từ tỉnh này sang tỉnh nọ. Họ leo đèo vượt núi, lội bến băng sông, đầu đội nón lá, chưn đi không, dưới trời nắng chang-chang, hoặc trong đêm khuya mờ-mịt. Mỗi kỳ nghỉ hè, người ta thấy những đám thanh thiếu niên học sinh trọ học ở tỉnh trở về quê nhà cách xa hàng 40,50 cây số. Vài ba ngày sau buổi học cuối cùng, thường là những đêm rằm, trăng sáng vằng-vặc, các em rủ nhau từng đám độ 5, 10 trò từ chín mười đến mười hai, mười ba tuổi quê quán cùng một huyện hay một phủ. Chúng hẹn gặp nhau tại một nhà trọ nào đó, sau khi cơm nước no-nê, và khởi hành lúc thành phố bắt đầu "đỏ đèn". Mỗi trò xách một va ly áo quần sách vở. Muốn tiện lợi, đỡ mỏi tay xách, vài ba trò rủ nhau mượn một đòn gánh khá dài, cột chung "va ly" thành một chùm đeo lủng lẳng ở giữa, và vài trò thay phiên nhau khiêng trên vai, đi từng chặng đường. Dưới ánh trăng xanh, trên đường cái quan dài thăm thẳm, hai bên là đồng ruộng mênh-mông nhái kêu ột-ệch, các em thiếu niên vừa đùa nghịch, chuyện trò cười rỡn để quên bớt nỗi đường xa vạn dặm. Đường quan-lộ vắng tanh vắng teo, không một bóng người lai vãng. Đêm đã gần khuya, các em đi hơn mười cây số, đã mệt mỏi, tiếng cười tiếng nói thưa lần, và bắt đầu hoang mang sợ sệt... Tất cả đều lặng lẽ, âm thầm... Một vài trò mang quốc, cũng sợ cả tiếng quốc, nên xách quốc trên tay. Theo lời các bậc cha mẹ đã từng căn dặn trước, mỗi trò đều có đem theo trong mình một con dao bằng sắt, hoặc cầm một nhánh dâu ( loại dâu cho tầm ăn ), để tự vệ trong lúc đi ngang qua nhiều nơi có "ma". Những khu rừng rậm, những khóm cây, những gò hoang có nhiều mồ mả, những cầu cống... đã nổi tiếng là có nhiều "ma quái", "yêu tinh". Cha mẹ thường dặn các trò:"Hễ gặp ma hiện hình ra, thì con lấy "roi dâu" quất nó, nó sẽ chạy mất! Không, thì con đái ra quần, lấy nước đái lau trên mặt, thì Ma, Yêu, không dám hớp hồn con... Con có dao bằng sắt, Ma không dám tới gần con... ". Đó là những phương pháp trừ ma rất thông dụng mà em bé học trò nào cũng biết, và cũng phòng thủ sẵn sàng trong khi đi học xa, hoặc đi về nghỉ hè, và toàn là đi bộ. Thời kỳ ấy, "ma quỷ" nhiều lắm. Ở khắp các nẻo đường, các gốc cây, các nghĩa địa, các bến sông, các am miếu, ở ngay trong tỉnh thành đều có vô số những chổ có ma. Nhưng sự thực, nghe đồn đải về ma thì nhiều, mà chưa ai gặp một con ma, hay trông thấy một con ma lần nào. Các em học sinh đi bộ suốt đêm như thế, cho nên lúc "gà gáy sáng", hoặc hừng đông thì vừa đến huyện, rồi chia tay ai về nhà nấy. Có kẻ còn đi năm, bảy cây số nữa. Học trò nhà nước từ khoảng 1910 đến 1920, là con cháu các ông Hương, ông Xã, một số ít nhà giàu, và các quan ở Phủ Huyện và ở tỉnh. Thanh niên nhà nghèo hầu hết đều lo làm ruộng, hoặc các nghề thợ thuyền, chài lưới. Ngay ở trường làng, học hành không tốn kém chi cả, cũng thường chỉ là con các nhà khá giả mới cập vở đến trường học ABC. Con nhà giàu và con cháu các ông Tú, ông Cử, ông Nghè, còn trung thành với đạo lý Khổng-Mạnh, vẫn chưa theo phong trào Tây-học. Phần đông ở nhà hưỡng thú "điền viên": đá gà, uống rượu, đi bẫy chim, câu cá, đánh cờ... Một số xoay sang học nghề thuốc Bắc và xem số Tử Vi.