“Những tài liệu của Pháp cho thấy Souetre
là tên của một cựu đại uý quân đội Pháp từng trốn thoát khỏi một trại giam năm 1961” - HỒ SƠ CSCI – 3/776.742 CỦA CIA Việc các cơ quan tình báo của chính phủ tuyển mộ những tay tội phạm hay thành viên tội phạm có tổ chức để làm một số công tác gì đó, nhất là những công tác không được phê chuẩn (nghĩa là không được chính quyền chính thức bảo trợ) mà cơ quan tình báo đó không thể trực tiếp can dự, cũng không phải là phương pháp hoạt động khác thường gì. Chúng tôi cũng đã nói tới trường hợp CIA sử dụng phương pháp này, thí dụ như trả tiền mặt cho giang hồ Marseille gốc đảo Corse để phá vỡ hàng rào của những công nhân bãi công ở các bến tàu(153) [(McCoy)]. Ta cũng quá biết chuyện các đầu mối liên lạc của CIA cũng từng chiêu mộ những tay Mafia Mỹ như John Roselli, Santos Trafficante, Jr., và Sam Giancana để tổ chức ít nhất là một âm mưu ám sát Fidel Castro(154) [(Roberts)]. Hơn nữa, tài liệu cũng chứng tỏ rằng CIA đã dung túng cho, và thậm chí còn liên kết với, những hoạt động của những tổ chức chống Liên Xô tại Afghanistan chuyên bán thuốc phiện để có tiền dành cho cuộc chiến chống Liên Xô(155) ([McCoy (McCoy cũng nói tới những liên minh của CIA với các tay buôn bạch phiến Lào và giới buôn thuốc phiện người Hoa tại Miến Điện)]. Nhưng xét về SDECE, việc họ liên kết với dân giang hồ bản xứ và dân buôn bán bạch phiến đã đạt được mục tiêu một cách gần như hoàn hảo. Dùng bọn anh chị thâm nhập vào OAS hoá ra là một thủ pháp khôn ngoan. Nhưng phải chăng do tình cờ mà Michael Mertz và Jean Souetre lại ở cùng trại giam OAS năm 1961? Chúng tôi không nghĩ thế. Chúng tôi tin rằng hai người này đã gặp nhau, rằng họ đã biết nhau. Và lý do khiến chúng tôi tin như thế không dựa trên võ đoán. Nhân vật Jean Souetre thực đã thừa nhận điều này với một phóng viên Pháp tên là Jacques Chambaz năm 1983, và với Monique Lajournade (một trong những nhân viên nghiên cứu của O’Leary, đồng tác giả cuốn sách này) vào ngày 9.6.1999(156) [(Hurt; Chambaz, Jacques, “French Terrorist Accused of Murdering Kennedy”, Le Quotidien de Paris, 1.1.1984 (Đây là cuộc phỏng vấn Souetre duy nhất lục tìm được suốt nhiều năm. Tuy nhiên, cuộc phỏng vấn Souetre của chính chúng tôi ngày 9.6.1999 là cuộc phỏng vấn gần đây nhất và bao quát nhất tính cho đến nay)]. Souetre, như chúng ta biết qua hồ sơ CSCI – 3/776.742 của CIA, đã trốn thoát khỏi trại giam đó. Nhưhg chúng ta cũng biết rằng Souetre, sau khi trốn thoát, vẫn là một sĩ quan cao cấp của OAS. Hắn được tin cậy trong công tác tình báo của OAS đến độ được chọn là người tiếp xúc với CIA để xin giúp đỡ cho các hoạt động chống DeGaulle. Souetre được nêu tên như một thành viên tham gia một âm mưu ám sát DeGaulle trước đó. Trong khuôn khổ OAS, Souetre là một nhân vật quan trọng. Nhưng khi đã biết rằng Souetre và Mertz đã biết nhau (và nhất là khi biết rằng Mertz đã góp phần phá tan OAS bằng cách xâm nhập vào nội bộ) thì có vô lý không khi cho rằng Souetre cũng là một trong những người bị Mertz lừa? Nếu cả hai ở trong cùng trại giam vào cùng một quãng thời gian – điều này rất có thể – thì cũng không khó gì khi tưởng tượng ra Mertz đã thu được thông tin về một âm mưu mới nhằm ám sát DeGaulle ở đâu ra: chính là từ Mertz, một trong những tay có dính líu tới lần ám sát hụt trước đó. Và cho dù chuyện không phải như thế, thì Mertz và Souetre vẫn ở hai phía đối địch – họ là kẻ thù của nhau. Souetre chiến đấu để phục hồi chủ nghĩa đế quốc Pháp và kết liễu chính phủ DeGaulle. Mertz chiến đấu vì sự sống còn của chính phủ vì nó bảo đảm tài sản và quyền lực cho ông ta, cũng như quyền lực của hoạt động buôn lậu bạch phiến của Marseille. Sau khi ghi nhớ điều này, ta hãy trở lui lại một chút. Một số tài liệu đáng tin cậy quanh vụ ám sát JFK đã nối Jean Souetre với một dãy mẫu tự sau: QI/WIN. Rõ ràng đây là một mã danh gì đó của CIA (ta có thể nghĩ nó như một mật danh, tuy gọi là mật danh thì không đúng thuật ngữ)(157) [(Final Repot of the Assassination Records Review Board (Báo cáo chung quyết của Tiểu ban tái thẩm hồ sơ về vụ ám sát), ch.5, tháng 9.1998)]. Đôi khi những mã danh này không liên quan tới một cá nhân đơn lẻ mà tới một điệp vụ gì đó. Nói cách khác, có thể nhiều người dùng chung một mã danh, hoặc đôi khi mã danh chẳng liên quan tới một cá nhân nào, mà tới một chiến dịch của CIA. Thí dụ, mã danh MH/CHAOS vào thập niên 1960 không phải là một cá nhân mà là một chiến dịch liên quan đến những người phản chiến (158) [(Becket)]. Một thí dụ khác, mã danh ZR/RIFLE không dùng cho một nhân viên cấp chỉ huy của CIA mà là một chương trình tuyển mộ những con người hoặc tội phạm nước ngoài có thể sử dụng cho những vụ ám sát chính trị ở nước ngoài(159) [(Duffy)]. (Chính là chương trình trong đó CIA hợp đồng thuê trùm mafia Florida là Santos Trafficante tìm tay bắn tỉa để giết Castro)(160) [(Roberts)]. Ngược lại, và thường thấy hơn, mã danh theo kiểu này cũng được dùng cho một cá nhân, hoặc là cấp chỉ huy trong CIA, hoặc điệp viên, cơ sở hay kẻ tình nghi (GP/FLOOR chẳng hạn được CIA dùng để chỉ Lee Harvey Oswald trong cuộc điều tra sau vụ ám sát)(161) [(Final Repot of the Assassination Records Review Board, ch.5, tháng 9.1998)]. Và trong lĩnh vực nghiên cứu về vụ ám sát Kennedy, mã danh trên – QI/WIN – xuất hiện với một tần số gợi tò mò. Một số chuyên gia về JFK tin rằng Jean Rene Souetre và QI/WIN là một người. Và những chuyên gia này khẳng định rằng QI/WIN là một người nước ngoài có liên lạc với dân giang hồ Mỹ và có dính líu vào chương trình hoạt động của CIA(162) [(Duffy)]. Hãy khảo sát chuyện này một lát. Chúng ta đã biết rằng Souetre ít nhất cũng là một tay ám sát tiềm năng (qua mối liên hệ của hắn với âm mưu ám sát DeGaulle của OAS, đó là chưa nói tới việc OAS từng chủ động ám sát nhiều người chống đối hoạt động của họ); chắc chắn quá trình huấn luyện chiến đấu trong quân đội, kinh nghiệm trận mạc ở Algeria, và những kinh nghiệm trong hoạt động khủng bố với OAS, có thể bày ra những kỹ năng mà CIA tìm kiếm ở những ứng viên cho chương trình ZR/RIFLE. Ngoài ra, chúng ta biết rằng Souetre có liên lạc trực tiếp với các nhân viên CIA ở Lisbon, khi hắn ta yêu cầu CIA ủng hộ OAS chống DeGaulle. Ba dữ kiện nêu trên có thể tạo ra nền tảng vững chắc cho việc suy đoán Souetre là QI/WIN. Tuy nhiên, chúng tôi không nghĩ thế. Những tài liệu nói về việc Souetre tiếp xúc với CIA để xin giúp đỡ cũng ghi nhận rằng các đại diện CIA đã từ chối Souetre. Họ đã cự tuyệt thẳng thừng. Và điều này hợp lý vì, như hồ sơ CSCI-3/776.742 hàm ý, CIA chẳng có lý do gì để ủng hộ bất kỳ hoạt động nào chống DeGaulle và chính phủ của ông ta. Trong chừng mực liên quan tới Mỹ, DeGaulle và chính phủ Pháp là đồng minh quý giá và đáng tin cậy. Mỹ chẳng có lý do gì để ủng hộ một nhóm khủng bố cánh hữu lật đổ DeGaulle nhằm giữ chặt Algeria dưới chế độ thuộc địa Pháp, nhất là khi chính John Kennedy là người thúc giục DeGaulle trả độc lập trọn vẹn cho Algeria và triệt thoái mọi ảnh hưởng của Pháp ở xứ sở này. Phải, nên nếu đó không phải Souetre, thì có lẽ đó là Mertz, người có cái tên thường bị lẫn lộn với tên của Souetre. Dù sao, Mertz cũng có những liên hệ rõ rệt với Mafia Mỹ vốn là khách hàng ma tuý tốt nhất của ông ta. Và tuy không thể chứng minh được rằng chính Mertz đã có liên lạc trực tiếp nào đó với CIA, nhưng chúng ta cũng biết rằng những ông trùm bên trên ông ta – anh em Guerini, những kẻ kiểm soát toàn tập đoàn bạch phiến Marseille – cũng có quan hệ khi CIA tuyển mộ họ để giải tán những cuộc bãi công của công nhân bến tàu tại Marseille năm 1947 và năm 1950. Thực vậy, điều này được coi như một “quan hệ” với CIA, nhưng chúng ta đang nói về điều đã xảy ra hơn 30 năm trước so với thời điểm 1963, và lúc đó CIA đã rời khỏi Marseille từ lâu. Đến lúc này, được SDECE bảo vệ kỹ lưỡng, có thể có lý do gì khiến băng Guerini tái lập lại những liên hệ với CIA, nhất là khi ông chủ của CIA – chính phủ Mỹ – lại là một trong những chính quyền phê phán gay gắt nhất về thị trường bạch phiến Marseille? Sau cùng, chính phủ Mỹ thời Kennedy là một kẻ thù cay đắng đối với tập đoàn Marseille, vì tập đoàn này đang chuyển bạch phiến sang cho Mafia Mỹ, mà chính phủ Kennedy đang ra sức chống lại bọn này. Do đó chúng tôi không tin QI/WIN là Mertz. Sự thực, chẳng có gì đủ thuyết phục để ủng hộ ý niệm rằng mã danh QI/WIN của CIA là có liên quan tới Mertz hoặc Souetre. Chúng tôi có thể sai, nhưng chúng tôi không thể hiểu rốt ráo chuyện này. Khởi đầu phần tham chiếu có vẻ xuất phát từ một điều tưởng như không liên quan nhưng vẫn rất thú vị. Nó dính đến một kẻ lôi thôi có tên là Thomas Eli Davis III, người cùng với Jack Ruby buôn lậu vũ khí vào Cuba(163) [(Benson)]. Davis cũng bị nghi từng là một đầu mối của CIA(164) [(Roberts, Craig và John Armstrong, JFK: The Dead Witnesses (Consolidated Press International, 1995)]. Ly kỳ hơn, Davis đã bị tù ở Tangier, và bị nhà cầm quyền Morocco câu lưu vì sở hữu một lá thư trong đó có nói tới Lee Harvey Oswald và vụ ám sát JFK (Vụ này chưa tới một tháng sau khi JFK chết). Trong tác phẩm Conspiracy (“Aâm mưu”) của Anthony Summers, chúng ta biết được phần lớn về giai đoạn rối rắm này. Các hồ sơ FBI xác định Davis là một tay cướp ngân hàng có quan hệ với CIA và có biết Jack Ruby. Davis hoá ra lại là một trong những kẻ đã bị chết một cách mờ ám sau khi người ta thấy hắn có thể có thông tin về vụ ám sát Kennedy. (Hắn bị điện giật trong khi đang cắt dây điện. Hay thật). Nhưng mối liên hệ của Davis với mã danh QI/WIN có nguồn gốc từ hồi hắn bị tù lần đầu ở Tangier. Davis được thả nhờ sự vận động của một nhân viên CIA được biết dưới mã danh QI/WIN. Năm 1975, Uỷ ban tình báo thượng viện xác nhận rằng QI/WIN thực sự là một thành viên CIA có những quan hệ với bọn tội phạm và được CIA tuyển mộ đâu đó tại châu Aâu(165) [(Summers)]. Cái này là chút bằng chứng quý báu cho thấy rằng QI/WIN có thể là Souetre hoặc Mertz. Peter Dale Scott, trong cuốn Deep Politics and the Death of JFK (“Nền chính trị ngầm và cái chết của JFK”) đưa ra luận điểm rất hay rằng QI/WIN có thể là một điệp viên có liên quan đến chương trình ZR/RIFLE có tên là Charles Siragusa(166) [(Scott, Peter Dale, Deep Politics and The Death of JFK (University of California Press, 1993)]. . Nhưng vì nhiều hàm ý đã xuất hiện trong giả thuyết về vụ ám sát JFK cho rằng Souetre và QI/WIN là cùng một người, nên chúng tôi cảm thấy nên đề cập tới giả thuyết đó ở đâu và trình bày những nghi ngờ của chúng tôi. Chúng tôi không quan tâm lắm đến lai lịch đích thực của mã danh bí hiểm này của CIA; điều chúng tôi quan tâm là mối liên quan trực tiếp của Souetre và/hoặc Mertz đối với chuyện đã xảy ra ở Dallas ngày 22.11.1963. Chúng tôi đã trưng dẫn hầu như mọi điều đã được chính thức thừa nhận về Jean Rene Souetre, nên bây giờ chúng tôi tập trung hơn vào nhân vật Mertz – cái tên được nêu trong 632-796 như một tên giả của Souetre. Cần có những điều gì khác về Michael Victor Mertz để ráp xong các mẫu trong bức hình của ông ta? Sự kiện ông ta biết Souetre – và là một kẻ thù của Souetre – là cực kỳ quan trọng và chúng ta sẽ bàn kỹ hơn về chuyện này sau. Nhưng xin nhớ, chính Mertz đã đích thân xâm nhập vào trại giam và moi được các chi tiết về âm mưu ám sát DeGaulle kế đó, và việc làm của ông ta đã đem lại cho SDECE những thông tin cần thiết để phá tan âm mưu này. Thông tin này không những cứu mạng DeGaulle mà còn góp phần lớn hơn bất cứ gì khác vào việc làm sụp đổ OAS. Không như những vụ mưu sát trước đó, kế hoạch lần này – ở Pont-sur-Seine – được báo chí tường thuật chi tiết, và khi dân chúng biết chuyện này, họ thật sự kinh hoàng. Chút thiện cảm của họ dành cho sự nghiệp của OAS, nếu có, cũng trôi theo dòng nước cống. Sự ủng hộ của công chúng bây giờ hướng về DeGaulle và nền Đệ ngũ Cộng hoà, và OAS từng một thời hùng mạnh bây giờ hoàn toàn sụp đổ. Từ đó về sau, SDECE rất được DeGaulle ưu đãi. Nhưng chuyện này còn để lại một vấn đề nhỏ. Khi SDECE đã đạt được mục tiêu vô hiệu hoá OAS, họ thấy mình mắc nợ quá nặng đối với Mertz và những tay giang hồ tham gia chiến dịch này. Giới tội phạm Marseille đã cứu SDECE ra khỏi thế bí… Bây giờ đã đến lúc phải trả lễ. Trong khi đi làm công tác mật cho SDECE, Mertz đã bỏ ngang chuyện buôn bán bạch phiến với Mafia Mỹ thông qua những đầu mối ở Montreal và New York City. Nhưng để trả món nợ đó, SDECE thuyết phục Bộ Nội vụ Pháp lo mọi chi phí để chuyển Mertz và vợ sang Canada nơi ông ta có thể tái lập lại đường dây bạch phiến vào New York City với Mafia Mỹ. Trong vòng một tháng, Mertz đã giàu có trở lại, và đến tháng 1.1962, các đầu mối của ông ta đã được củng cố lại, và ông ta trở về Pháp để điều hành đường dây bạch phiến này ở phía châu Aâu cho tập đoàn ma tuý của anh em Guerini. Công việc phát đạt trở lại. Đến lúc này, Mertz đã có những tài khoản khổng lồ trong ngân hàng Thụy Sĩ để gửi những khoản lợi nhuận kếch xù. Hãy nhớ rằng, trên danh nghĩa ông ta vẫn sống bằng lương hưu của một đại uý, vậy mà Mertz, năm 1969, đã sở hữu một khu đất săn bắn hơn một ngàn mẫu thuộc loại tốt, một sân bay riêng, nhiều căn hộ đắt tiền ở Paris và Metz, những điền trang ở quê nhà Moselle, nhà nghỉ ở Corsica, biệt thự riêng gần Paris và máy bay riêng. Mertz là một chục lần triệu phú, và ta có thể thấy SDECE trả công phục vụ cho ông ta như thế nào. Họ cho phép ông ta duy trì chuyện buôn bán ma tuý, cũng như cho phép tất cả những tay giang hồ khác từng tham gia chống OAS. Họ giúp đỡ bằng cách tiếp tục bao che các lò chế biến bạch phiến ở Marseille và giữ cho đường dây phân phối toàn cầu không bị bất kỳ cơ quan công quyền nào cản trở. Làm khác đi là có nguy cơ gặp tai hoạ lớn không thể tưởng tượng được. Nếu bộ phận khác nào đó trong chính phủ – độc lập với SDECE – khởi sự tấn công vào đường dây ma tuý Marseille và bắt giữ những thành viên trong đó, những tay buôn ma tuý nổi giận lên sẽ bắt đầu khai ra SDECE đã chiêu mộ giới tội phạm cho những chiến dịch của chính phủ như thế nào (một số chiến dịch cũng dính đến chuyện ám sát và tra tấn người Pháp). Chuyện này sẽ huỷ diệt không những uy tín của SDECE đối với cộng đồng các cơ quan tình báo quốc tế mà còn bôi đen lên toàn cấu trúc và bộ mặt của chính phủ Pháp. Không thể để chuyện này xảy ra được, và đó là lý do tại sao SDECE đã cố hết sức mình để bảo vệ quyền lợi của nghành bạch phiến Marseille. (Cũng có thể cho rằng một phần lợi nhuận từ ma tuý cũng rơi vào tay một số quan chức SDECE để trả ơn họ cộng tác). Trong khi đó, về phía Mỹ, Cục ma túy liên bang (tiền thân của DEA ngày nay) bắt đầu bắt giữ được nhiều tay chuyển hàng của Mertz, và một số tên trong đó đã thừa nhận rằng Mertz là tay điều hành đường dây. Sau đó, Cục ma tuý liên bang lập tức kiến nigh phản đối với giới chức Pháp rằng Michael Mertz đã cầm đầu một mạng lưới đã buôn lậu hơn ¼ tấn bạch phiến mỗi năm vào đất Mỹ(167) [(Tư liệu về những dàn xếp trực tiếp của SDECE cho Mertz sau những nhiệm vụ trong OAS đã được hoàn tất; tư liệu về các tài khoản trong ngân hàng Thụy Sĩ của Mertz và tài liệu và các sở hữu bất động sản đều dựa trên lương đại uý; và những ngụ ý rằng SDECE từ chối bắt giam Mertz vì tội buôn bán bạch phiến sau nhiều phản đối của Cục ma tuý Mỹ; và những ngụ ý khác cho rằng Mertz đã ngồi tù ở mức tối thiểu cho những trọng tội; The Heroin Trail, tr.113-119 (Ý kiến cho rằng SDECE nhận tiền từ tập đoàn bạch phiến này mà nó bảo vệ không được nêu trong The Heroin Trail nhưng đó là bản kết luận hợp logic của các tác giả sách này)]. Dĩ nhiên, SDECE cũng có một số ảnh hưởng đáng kể đối với các giới chức Pháp này. Thí dụ, chi nhánh Paris của Cục quản lý ma tuý và các thuốc nguy hiểm tại châu Aâu chẳng bao giờ nghe nói tới Michael Mertz(168) [(The Heroin Trail)]. Họ không có khả năng tìm ra bất kỳ thông tin nào về Mertz, một kẻ chắc chắn có hồ sơ quân nhân. Rõ ràng, SDECE đã giấu những hồ sơ này, và thêm những hồ sơ quan trọng hơn thế nữa. Mọi hồ sơ ghi nhận sự tồn tại của Mertz đã biến mất một cách đơn giản và tiện lợi. Tóm lược lại, Cục ma tuý Mỹ khiếu nại về Mertz với giới chức Pháp suốt bốn năm và họ không có hành động gì cả. Trong thời gian đó, Mertz và tập đoàn Marseille (nhất là Cecchini) tiếp tục đưa những lượng bạch phiến lớn sang đất Mỹ(169) [(The Heroin Trail)]. Còn Cục ma tuý Mỹ cứ tiếp tục khiếu nại còn phía Pháp cứ làm như chẳng có chuyện gì. Họ không chịu làm bất cứ gì dính tới Mertz, cho dù cả đống bằng chứng đã được ném xuống bàn của họ. Tại sao? Đơn giản thôi. Nếu SDECE để cho những người như Mertz bị bắt và tống giam vì tội ma tuý thì SDECE, cũng như chính DeGaulle, sẽ gặp nguy cơ rất lớn. Nhưng khi DeGaulle từ chức năm 1969 (ông ta chết một năm sau đó), tổng thống kế nhiệm, George Pompidou, đã tìm cách khống chế SDECE bằng cách bổ nhiệm một giám đốc mới không có quan hệ chính trị gì cả. Nên khã năng bao che cho tập đoàn Marseille của SDECE sút giảm đáng kể, hoặc ít nhất nó cũng suy giảm đến mức SDECE không còn đủ sức giữ cho Mertz và những người như ông ta không bị bắt giữ nữa. Rút cuộc, sau nhiều năm Cục ma tuý kiên trì gây áp lực, Mertz đã bị bắt và xử vì tội buôn bán ma tuý. Công lý sau cùng đã được thực thi… phải vậy không? Mertz lãnh một bản án năm năm – một bản án nhẹ nếu xét tới việc ông ta đã phân phối nhiều tấn (không phải gram, bịch, hay bánh – mà là tấn) bạch phiến tinh chế sang đất Mỹ. Tại hầu hết các nước, kể cả Mỹ, án dành cho buôn bán ma tuý với lượng lớn như vậy sẽ lập tức là tù chung thân không phóng thích trước thời hạn… nhưng Mertz chỉ lãnh án năm năm. Cộng sự đắc lực của Mertz, Achille Cecchini, cũng lãnh một mức án như vậy nhưng không ngồi tù ngày nào vì một bác sĩ “do toà chỉ định” xác định rằng hắn ta quá yếu không thể sống được trong môi trường nhà tù. Quá yếu không đủ sức ngồi tù nhưng vẫn đủ sức lui tới những hộp đêm tại Marseille và tiếp tục đi lại với những trùm ma tuý thời hậu Guerini(170) [(The Heroin Trail)]. Còn Mertz thì sao? Ông ta được phóng thích sau khi ngồi tù tám tháng cho bản án năm năm ấy, và ta có thể dễ dàng hiểu ra tại sao.