Mặc dầu loài chim có đôi cánh để bay nhưng không phải vừa nở ra chim đã có thể baỵ Những bài học vỡ lòng trước khi có cơ hội làm quen với trời mây chắc chắn khiến những cánh chim bị tổn thương không ít, ấy là chưa kể đến những cánh chim chưa kịp bay bổng đã bị chú mèo hay con chồn hoang dại nào đó xơi tái. Phỏng nơi thực tại ai đã có thể đếm được bao nhiêu cánh chim chưa một lần có cơ hội lướt gió? Ai biết được bao nhiêu người sớm tỏ lộ tài năng báo hiệu một tương lai rực rỡ đã chẳng bao giờ được đếm xỉa tới? Phỏng hoa hồng nào không có gai, và thuốc nào chẳng đắng mà có thể đã tật? Nếu đem thực tại có thể nhận biết so sánh với cuộc đời một người, biết bao dữ kiện nghịch lý đôi khi được gọi phận số chẳng ngờ xảy đến, do mang tính chất huyền nhiệm nào đó, trở thành phương tiện trui luyện và cũng là cơ hội giúp con người thăng tiến hầu đạt tới sự thức ngô... Phần còn lại tùy thuộc ý thức và cõi lòng mở rộng cá nhân... thường được gọi là quyền tự do nơi mỗi người. Tuy nhiên, kinh nghiệm sống cho thấy, chết là chuyện phải đến không đáng sợ nhưng sợ chết đã gây nên biết bao nỗi thống khổ cho kiếp làm người. Hơn nữa, thực tại cuộc đời chứng minh, ngay thẳng sẽ luôn luôn bị chống đối; tôn quí không thể nào tránh khỏi những điều tiếng chê bai; đã làm bất cứ chuyện gì thì tất nhiên phải có thiếu sót, giỏi sẽ bị mưu lật bởi cản trở sự phát triển cái hèn của kẻ khác; dở lẽ thường sẽ bị khinh khi, và có danh không thoát khỏi bị lạm dụng bởi những kẻ chẳng ra gì muốn chứng tỏ cho mọi người thấy sự khôn ngoan xó bếp... Người thức ngộ cũng vậy, không thể nào tránh thoát những bài học nghịch lý cuộc đời đến với mình bởi cái vui thích của người trí làm người ngu thấy bực mình thì điều nên đối với người thức ngộ sẽ khiến kẻ còn đang u mê theo lẽ luân lý tuyệt đối cho là ngu si hoặc lý luận rởm. Ngược lại, chân lý của kẻ còn đang lệ thuộc trong vòng luẩn quẩn thế tục khiến người thức ngộ đau lòng, mà có miệng dẫu muốn nói ra cũng chẳng nói được gì, có chăng chỉ trở nên cớ cho kẻ khác vấp phạm đồng thời lại mang thêm mối tổn thương tâm tưởng. Thực tại này không lạ gì vì cho dù quyển sách có thể coi là một cái gương soi thì một con khỉ nhìn vào dĩ nhiên không thể có hình ảnh của một bậc thánh hiện lên! Hơn nữa, không ai có thể dạy bảo hoặc truyền lại cho ai sự thức ngộ bởi mỗi người phải tự mình tìm lấy. Người khác ăn mình không thể no được thì cảm nghiệm cũng thế, không mong gì ai giúp mình. Thực ra, một người khi đã thức ngộ lại vô phương diễn tả hay truyền bá cho kẻ khác. Phỏng đây cũng có thể là lý do Phúc Âm viết khó hiểu vì cần điều kiện cảm nghiệm? Không suy tư, không đặt vấn đề làm sao có thể nhận thức sự khôn ngoan và áp dụng trong cuộc đời và vì thế sẽ thấy Phúc Âm không có gì mới lạ ngoài những bài học luân lý lỗi thời, cổ hủ không thể áp dụng được bất cứ trường hợp nào nơi thực tế quá ư phức tạp, mà càng nhận thức Phúc Âm, càng thấy sống động, thì lại càng gặp nhiều bất trắc với những quan điểm luân lý một chiều chết ngắc thế tục. Như vậy nào lạ gì, thực trạng của người thức ngộ đối với cuộc đời đâu khác chi vai trò giám đốc nhà thương điên! Hơn nữa, người đã điên nào ai muốn tỉnh, do đó, giám đốc thì được chấp thuận nhưng dám làm chỉ càng thêm tội vạ! Có tội phải vạ đã đành, không tội mang vạ lại là thành quả của sự liều lĩnh dại dột và nghịch thường đến độ dốt nát nếu nhìn theo con mắt thế tục nhưng đã được căn dặn trước... đối với những ai muốn theo thầy cho hợp câu, "Này Ta sai các ngươi đi như chiên vào giữa sói." Cảm nghiệm này chỉ có thể đến được với những ai ít nhất đã một lần thấy lòng sôi động vì lời Kinh Thánh bởi, "Lời Ta lại không bốc cháy như lửa sao? như búa đập đá tảng?" (Jer. 23:29). Hơn nữa, xưa nay đâu ai lạ chi chuyện thường tình "làm phúc phải tội;" những ý hướng tốt lành được đem ra thực hiện giữa một xã hội nhiễu nhương đầy thành kiến, dưới ảnh hưởng quá sâu đậm của quan niệm luân lý một chiều, chắc chắn phải đối diện với muôn ngàn chống đối bởi chính sự chân thật tốt lành theo Phúc Âm trở thành mối đe dọa làm lay động những lương tâm ngủ yên đã bao lâu naỵ Sự kiện tâm linh có thể ví với ánh sáng, chẳng đem lại ích lợi chi cho người mù, mà e rằng kẻ mù lòa bất chợt có thể nhìn thấy coi chừng lại bị đau đớn vì nổ mắt. Qua những lần chia sẻ thủ bản với những thành viên đã có chút tuổi trời của hội đạo binh, cha Hoàng đã bị coi như mối đe dọa có thể dẫn họ lầm đường lạc lối. - Xưa nay chúng ta đã được dạy dỗ tin vào Chúa, tin vào Đức Kitô nhưng không ai để ý đến tin là thế nào, có đức tin là có điều gì... mà thường chúng ta chỉ cho rằng tin vào Chúa là nghĩ có Chúa thực sự hiện hữu; tin vào Đức Kitô có nghĩa chúng ta nghĩ và chấp nhận sự thật đã xảy ra và đó là Đức Kitô đã có thời gian sống nơi quả địa cầu này, Ngài rao giảng Tin Mừng, đã chết và đã sống lại. Qúi ông bà thử đặt vấn đề, nếu mình không cho rằng Thiên Chúa hiện hữu, chẳng lẽ vì mình không tin mà Ngài biến mất và như thế cả vũ trụ này cũng tiêu ma theo sao? Phỏng như thế có phải nói tin có Thiên Chúa hiện hữu vì mình sợ bị tiêu tan cuộc sống này! Nghĩ rằng có Thiên Chúa hiện hữu hay không hoặc có Đức Kitô thật sự đã sống nơi địa cầu hai ngàn năm trước hay không chẳng có gì thay đổi, chẳng có gì lạ xảy ra... Như vậy, nói rằng tin hoặc không tin vào Chúa, vào Đức Kitô thì cũng thế thôi; do đó đức tin phải là sự gì khác với ý niệm chúng ta đã quen chấp nhận xưa nay... - Thưa cha, nếu cha nói tin hay không cũng thế thì theo đạo làm gì? Giáo hội dạy rằng Đức Kitô xuống thế chuộc tội cho mọi người; ai tin thì được cứu rỗi; ai không tin sẽ bị luận phạt trong ngày sau hết... mà bây giờ cha nói vậy thì chẳng lẽ bao lâu nay Giáo Hội đã dạy dỗ sai lầm?... Mà quyền hành của Giáo Hội là do Đức Kitô ban cho thánh Phêrô và các giáo hoàng kế vị rồi truyền cho các giám mục, các linh mục... Con xin lỗi cha, lần đầu tiên trong cuộc đời hơn bẩy mươi năm theo đạo con nghe thấy cha nói thế là một... Cha Hoàng cảm thấy sững sờ! Mình nói một đàng họ hiểu sang một nẻo. Mình muốn đặt vấn đề để họ suy nghĩ đưa đến nhận thức; họ khư khư bám vào lý luận Giáo Hội dạy. Khốn khổ! Nếu đã có Chúa chuộc tội thì cần gì phải ăn năn đánh tội? Nếu ăn năn đánh tội mà đạt tới sự cứu độ thì đâu cần đặt vấn đề ơn cứu độ. Ngay đức tin là gì mà không biết thì còn nói gì đến tin... Cách nào để giúp họ, dẫn họ tới nhận định về lòng tin theo Phúc Âm? Cha Hoàng thầm tính toán... - Ông nói đúng về nguồn gốc căn bản của Giáo Hội là Đức Kitộ Vấn đề tôi đặt ra là Đức Kitô đến rao giảng những gì; Ngài là đường, là sự thật, và là sự sống; vậy con đường Ngài chỉ là con đường nào? Sự thật Ngài nói ra sao? Và sự sống thế nào? Chúng ta tin nơi Đức Kitô thì tin thế nào bởi trong Phúc Âm Ngài đã nói, "Không phải mọi kẻ nói với Ta: 'Lạy Chúa, lạy Chúá là sẽ vào được Nước Trời, nhưng là kẻ thi hành ý Cha Ta, Đấng ngự trên trời" (Mt. 7:21). Vậy Nước Trời là gì? Ý Chúa là gì để chúng ta thi hành? Nơi Luca cũng có câu: "Tại sao các ngươi kêu với Ta: Lạy Chúa, lạy Chúa, mà điều Ta nói, các ngươi lại không làm?" (Lc. 6:46). Tôi khuyến khích quí ông bà nên đọc Phúc Âm để trả lời những câu hỏi này cho chính mình... - Thưa cha, con nghĩ, Giáo Hội thay quyền Chúa Kitô để giảng dạy thì cứ tuân theo là đủ. Chúng con học hành ít làm sao có thể hiểu Phúc Âm nói gì!... Nếu nói rằng nên đọc để tìm hiểu thì chả lẽ chúng con không tin những điều Hội Thánh dạy... Chịu thua, chịu thua, cha Hoàng thầm nghĩ. Có nói chi cũng không đem lại lợi ích gì... Họ đã hài hòa với lối sống nô lệ, bảo sao nghe vậy, thì ân huệ tự do có được ban cho chỉ trở nên những ngón đòn phản chủ. Xưa nay họ đã quen ăn cơm mớm nên bộ răng chẳng có cơ hội phát triển làm sao thưởng thức được bữa tiệc thịnh soạn với những món cao lương mỹ vị cần có thời gian nhâm nhi tiêu khiển. Họ giống như những người chỉ biết nghe mấy thầy bói đi coi voi về kể rồi lặp lại lý thuyết mơ hồ voi như thế này, như thế kia nhiều khi trái nghịch đến độ không thể chấp nhận được... Năm thầy bói rao giảng sẽ có năm chúa voi; mười thầy bói rao giảng sẽ có mười chúa voi... Lời Phúc Âm sờ sờ ra đó mà có thầy bói mù nào có thể rờ được vì Kinh Thánh không in chữ nổi... Cha Hoàng lựa lời nói cho qua, nghe chừng đâu đây vang vọng, "Vì lòng dân này đã ra chai lại, chúng đã nặng tai nghe, chúng đã nhắm mắt lại... " (Mt. 13:15). Nhân một lần giảng cấm phòng vào cuối tuần chuẩn bị cho mùa chay nơi cộng đồng bạn, cha Hoàng đưa lên thao thức về sự nhận biết đức tin theo Phúc Âm. Một cụ già giơ tay vào thời điểm trả lời những câu thắc mắc, - Thưa cha, theo như cha nói thì không ai có được đức tin giống như Phúc Âm đề cập tới vì đến ngay cả đức giáo hoàng cũng không thể nào thực hiện được như vậy. Xin cha cho biết cha nghĩ thế nào về hiện trạng này? - Tôi không nghĩ gì hết bởi tôi chỉ đưa lên nhận xét theo những câu nói nơi Phúc Âm. Đây là thực trạng đã kéo dài hai ngàn năm chứ không phải mới xảy ra. Vấn đề được đặt ra là chúng ta cần có thái độ thế nào; chúng ta cần thực hiện những gì để đạt tới lòng tin như Đức Kitô rao giảng?... - Thưa cha, như vậy là hơn sáu mươi năm theo đạo con đã chẳng có đức tin như lời cha nói... vì đến ngay giáo hoàng mà chưa thực hiện được những sự lạ lùng như Đức Kitô thì kể như chưa có đức tin... Chả lẽ hơn sáu mươi năm theo đạo của con uổng công?... - Thực ra chẳng phải riêng ông cảm thấy như thế mà chính tôi cũng đành ngửa mặt lên trời tuyên xưng như vậy. Lời Phúc Âm còn đó, trải qua bao thế kỷ... lòng tin vẫn luôn là một thách đố cho mọi người chúng ta... - Thưa cha, nếu cha không có đức tin thì tại sao cha đi tu làm linh mục... Một người khác bất chợt chen vào lên tiếng... Và thế là có tin đồn loan truyền đến cả những cộng đồng Việt nơi thành phố lân cận... Cha Hoàng nói đức giáo hoàng không có đức tin... Ăn năn thì sự đã rồi... Có miệng nhưng không phương cách nào bào chữa, ngài chỉ biết âm thầm chịu đựng. Lời mình nói một đàng, họ bẻ quặt, bẻ quẹo sang một nẻo có thể vì lý do chạy trốn sự e sợ đang đày ải tâm não, hoặc lấp liếm mối bất an tâm khảm, và cũng có thể dùng những lời giảng dạy từ những người có vị thế quyền bính che lấp cõi lòng sôi động mong có được nỗi an tâm giả tạo. Chúa muốn gì? Đức Kitô muốn gì? Tại sao người ta có thể tạo dựng những điều trái nghịch với sự kiện xảy rả Hoặc họ hiểu lầm, cố ý hiểu lầm hay không dám đối diện sự thật nên kiếm lý lẽ bào chữa? Thế nên, lòng nhiệt thành, ý hướng tốt lành chưa chắc đã giúp ích cho người khác mà có thể lại trở nên sự phiền hà cho chính mình. Mình cần đặt vấn đề thế nào, cha Hoàng tự hỏi. Tại sao khi nêu lên lòng tin theo Phúc Âm người ta cứ mượn cớ dựa trên ngôn từ "Giáo Hội dạy," bao nhiêu năm theo đạo,... chẳng những thế lại so sánh thực tại rỗng không của họ với sự nhận định riêng tư về người khác? Phỏng tại mình đã không biết cách lựa lời dẫn dắt, hoặc khuyến khích họ tự gây ý thức hướng dẫn sự tìm hiểu? Nhưng tại sao phải khuyến khích nếu họ đã không muốn? Làm sao có thể dùng lối nói luân lý hoặc tâm lý xã hội một chiều diễn tả sự khôn ngoan nơi Phúc Âm vì lối nhìn này xưa nay được áp dụng diễn giải Phúc Âm đã tạo nên muôn ngàn bế tắc không phương giải quyết để rồi cuối cùng phải o ép gán cho Thiên Chúa những đặc tính do chính sản phẩm thiếu sót được tạo nên từ đầu óc nặng nề thị dục; Chúa thưởng kẻ lành, phạt kẻ dữ; cầu nguyện xin Chúa ban cho gia đình êm ấm! Sống vô ý thức thì ấm sắt cũng bể chứ nói gì đến êm!... Phỏng đặt vấn đề khuyến dụ đã tự chất chứa sự nghi ngờ nên cần được người khác xác nhận bởi còn e ngại sai lầm hay thiếu sót? Cha Hoàng đặt câu hỏi mong có nhận định xác thực những dữ kiện đã xảy ra hầu tìm phương cách thích ứng. Không thể được, ngài thầm nghĩ, không thể nào diễn giải cảm nghiệm vì muốn chia sẻ, người nghe cần được chuẩn bị, cần có được một số điều kiện ý thức cũng như kiến thức và điểm đặc biệt nhất phải là lòng thực sự khao khát được thể hiện bằng sự chân thành tìm hiểu... Người ta có muốn tìm hiểu chi đâu mà chỉ bám víu vào những câu nói "được dạy dỗ thế này, tin thế kia, phải theo luật này, giữ điều kia... " Hình như tâm tưởng con người được nhất loạt đồng hóa để trở nên thùng rác vô tri tiện bề đổ vào đó những kiến thức như kết quả suy luận của một số nhà chuyên môn dễ bề thống trị tư tưởng. Những tiên tri rờ voi dùng cột nhà, cái trống, quạt mo, diễn tả nhận thức suy luận của mình đã có thể đoan chắc lời họ nói đối với một số kẻ muốn có sự bám víu dễ mường tượng hầu được nếm hương vị an bình giả tưởng thay thế nỗi bứt rứt do sự hối thúc của khát vọng tâm linh. Không có phương cách nào khuyến dụ những chiếc máy thâu băng tự tạo tiếng nói riêng của nó; chẳng hy vọng gì dạy dỗ những con khỉ trở thành nhạc sĩ; nếu cây chua đã không sinh được trái ngọt thì dẫu lấy đường làm phân bón, trái nó vẫn chua... Nghĩ đến đây cha Hoàng nhớ lại thời còn ở nhà trường ngài đã có lần lãnh một chiếc mỏ lết to tổ bố cũng chỉ vì dám viết những suy nghĩ, nhận thức cá nhân thay vì tìm tòi ghi chép lại những suy luận giáo điều nơi một bài viết cuối khóa học... Khi những bánh xe răng cưa đang vận chuyển hòa hợp nơi một hệ thống máy móc, bất cứ gì lọt vô đều bị nghiền nát... Có lẽ Thánh Thần phải đợi cho đến khi nào những răng cưa của bộ máy giáo điều bị mòn hết mới hy vọng có cơ hội đổi mới... hoặc muốn nhìn thấy bầu trời vô tận chỉ còn cách bước ra khỏi cửa, nếu không, phải phá huỷ tan tành mái nhà che lấp trên đầu... Càng đắm mình nơi tâm tưởng, cha Hoàng càng cảm nhận câu: "Hãy biết thương xót như Cha các ngươi là Đấng thương xót." Thương xót, thương xót, lời Kinh Thánh đẩy kẻ cảm nghiệm vào những con đường cùng. Làm sao có thể nhẫn nại đối diện với xót thương trong khi thực trạng sôi bỏng đang hoành hành thúc dục: "Người đã dụ dỗ tôi, lạy Yavê, và tôi đã để mình bị dụ. Người đã uy hiếp tôi và đã thắng: suốt ngày tôi đã nên trò cười, cả lũ chúng nhạo báng tôi... Tôi những tự nhủ: tôi sẽ không nghĩ đến nữa, tôi sẽ không nói nhân danh Người nữa! Nhưng nơi lòng tôi như lửa bừng bừng, bị dồn ép trong xương cốt tôi. Tôi hết sức nén lại, nhưng không tài nào nén được... " (Jer. 20: 7-9). Không thế mà Đức Kitô đã phải tiên báo: "Hãy coi chừng người đời; họ sẽ nộp các ngươi cho công nghi... Vì Ta, các ngươi sẽ bị điệu đến trước quan quyền và vua chúa... " (Mt. 10:17-18). Càng đối diện với những lẩm cẩm phiền hà xảy đến nơi thực tại dân Chúa bao nhiêu, cha Hoàng càng cảm thấy mối đau lòng dâng cao bấy nhiêu! Tại sao đã bao nhiêu năm lời Phúc Âm vẫn bị che lấp, quyền lực lòng tin hãy còn chưa được nhận diện? Lý do gì Nước Thiên Chúa vẫn chỉ được coi như chốn ước mơ hầu tránh thoát đối diện với thực tại lắm phiền hà thế tục? Nguyên nhân nào khiến Tin Mừng Đức Kitô đem đến không mảy may tỏ lộ mà có chăng tất cả Phúc Âm đều bị nhận định dưới quan điểm luân lý, tâm lý xã hội? Phỏng mục đích của Phúc Âm chỉ để xoa dịu phần nào thống khổ nhân sinh?... Dẫu cho xoa dịu cách mấy thì nỗi thống khổ con người vẫn còn đó thế nên chỉ có thể nói Tin Mừng đã và đang được mơ tưởng loan báo từ bao lâu nay! Làm sao có thể mở miệng nói với người đang bị con bệnh hoành hành đồng thời lại bị dằn vặt nơi tâm tưởng vì mọi người thân cố tình bỏ rơi khi cần sự giúp đỡ... - Thưa cha, con không biết Chúa muốn cho con thế nào, hay con đã phạm những tội lỗi gì để đến nỗi bây giờ phải chịu đau đớn như thế này. Mẹ con già yếu không ai trông nom; mấy người em thì ai cũng trốn tránh... Cha Hoàng đứng như trời trồng nghe người đàn bà vừa sụt sùi khóc vừa kể lể. Thỉnh thoảng bà ta lại nhăn mặt vì cử động lau nước mắt vô tình ảnh hưởng đến vết mổ xương sống mới được ít tuần lễ không đem lại triệu chứng biến chuyển khá hơn. Tuần trước tới thăm, bà ta cho biết những công lao, tiền của giúp cho người em trai đã trở thành mối khổ tâm đổ ngược lên đầu khi những chuyện bất hòa xảy đến cũng chỉ vì nghi kỵ và lòng tham của mấy em lúc người mẹ quyết định bán nhà... Con người thời nào không thế, muốn giữ được lòng yêu thương tốt lành hãy nên sống xa nhau bởi chẳng lạ gì, "Năng mưa thời tốt lúa đường, năng đi năng lại coi thường nhau rạ" Những đứa con ở xa, giỏi lắm một năm vài lần gọi điện thoại thăm hỏi, vài ba câu chuyện nói cho qua, vài lời thân thiết từ phương xa ngàn dặm nào ai không dễ dàng tỏ lộ bởi những chuyện lẩm cẩm lỉnh kỉnh thuận mình nhưng gai người xảy ra thường ngày kẻ ở phương xa đâu phải chịu đựng, ấy là chưa nói đến chuyện gọi điện thoại "collect" thăm mẹ và tán hươu tán vượn hằng giờ, quên bẵng hoặc chủ đích quên vì mình không phải trả tiền, đôi khi còn tỏ ý ghen tị vì nghĩ rằng tiền của mẹ đổ hết vào túi người chị. Mấy em chia nhau tứ tán tiềm mẹ bán nhà vì người chị cả mua nhà đã từ lâu nên nhường hết cho các em còn đang túng thiếu phải đi ở thuệ Nhưng đến lúc chị chẳng may bị đau, chính mình còn không tự lo thì nói chi đến giúp mẹ, thế là đứa này xúi, đứa kia đẩy mẹ vào nhà dưỡng lão với đầy đủ lý do nguy hại cho mẹ nếu ở nhà mình. Mấy viên gạch tráng men khu làm bếp quá trơn trượt lỡ mẹ già rồi đi không vững té thì khổ... để khi nào thay nền nhựa mẹ về nhà em tiện hơn... và đã gần ba năm gạch tráng men vẫn sờ sờ ra đấy. Đứa ở Florida cả hai vợ chồng đi làm không ai ở nhà chăm sóc cho mẹ, lỡ có chuyện gì lấy ai kêu xe cấp cứu... - Bây giờ bà cụ đang ở đâu? - Mẹ con đang ở nơi viện dưỡng lão "Samaritan House," chỉ có một mình không ai giúp đỡ những khi cần thiết. Mấy lần con gọi điện thoại mẹ con có vẻ buồn lắm... rồi còn nghe đứa em bảo mọi chuyện đều lỗi tại con... - Bà cụ tên gì? - Natalie Hesse... Mẹ con năm nay tám mươi mốt tuổi, hơi lẩm cẩm và đi lại phải dùng gậy chống đỡ... Cha Hoàng đâu lạ gì Samaritan House vì ngài thường ghé qua hàng tuần thăm những người già Công Giáo, có y tá, có người làm việc thường trực và thêm một số người đã có tuổi khỏe mạnh tình nguyện giúp những công việc vặt thường nhật. Ngài gặp bà cụ mấy lần, thấy cụ có vẻ an vui với nếp sống mới, mỗi người một phòng, dẫu có nhà ăn chung mà mỗi phòng vẫn có bếp riêng để tiện việc nấu nướng những món hợp khẩu nếu thích... - Bà cụ mới vô đó được năm tuần rồi phải không... - Sao cha biết? - Tôi ghé đó hàng tuần và vẫn thường gặp bà cụ. Coi bộ cụ thích nghi ở đó lắm mà... - Nhưng con sợ mẹ con buồn... Chẳng biết chừng nào con mới có thể đón mẹ con về... Hơn nữa, hôm qua đi bệnh viện, bác sĩ chụp hình nói xương nơi vết mổ vẫn chưa có gì biến chuyển nên phải thay thuốc khác... Bác sĩ còn bảo con sẽ phải nằm liệt giường ít nhất sáu tháng cho xương có thời gian mọc thêm, nhưng nếu không gì biến chuyển thì chẳng hiểu đến bao giờ vì đã có những người sau khi mổ trở nên bất toại... Bà ta lại sụt sùi, lại lau nước mắt, và lại nhăn mặt bởi cử điệu tác động tạo cơn đau... Một thân một mình lo cho bốn đứa nhỏ, con phải đi làm hai việc, nào dám bám víu hay nương tựa vào ai, thế mà giờ đây mẹ con nghe chúng nó đổ hết lỗi lên đầu con... Tiền bạc có chút đỉnh, đứa này vay mượn, đứa kia nhờ vả đứng tên mua nhà, mua tàu, rồi làm ăn thất bại để đến giờ liên hệ cả đến tiền trả nhà thương của con... Tại sao con phải chịu những điều tiếng này... Mấy đứa em con đã không biết lo lắng gì cho mẹ, chẳng nghĩ chi tới tình ruột thịt, chỉ biết lạm dụng lại còn nói lên điều ong tiếng ve làm cho con khốn khổ... - Có phải họ cố tình bày chuyện để khỏi phải lo cho bà cụ cũng như xí xóa món nợ không muốn trả... - Con cũng nghĩ vậy nhưng có đặt vấn đề gì đâu, mà sao cứ đứa này xúi mẹ con một câu, đứa khác một câu làm mẹ con buồn con... Cha xem, khi mẹ con ở đây, con đi làm hai việc, chúng nó đến, bao nhiêu đồ ăn thức uống mua dự trữ cho cả tuần lễ, mới chỉ một buổi tối đã bị tàn phá tiêu tan. Nấu món này không thích, chúng bỏ, lôi đồ khác ra ăn một cách phí phạm không nghĩ gì đến lý do tại sao có thực phẩm trong tủ lạnh. Ăn xong còn bày ra đấy coi như đã có mẹ con dọn dẹp... Mười giờ tối đi làm về, nhà con giống như một bãi rác hoang, chỗ này ly nước bỏ dở, chỗ kia bánh mì văng vãi, bàn ăn ngập ngụa đồ thừa và đĩa, dao dơ bẩn... Con ăn vội vài miếng lấy sức vì mệt quá rồi lại dọn dẹp mãi tới nửa đêm mới bước lên giường. Sáng tinh mơ hôm sau con đã phải chạy vội ra tiệm mua bánh mì, thịt nguội, và trứng về chiên cho mấy cháu ăn và mang đi học... Hình như tất cả những sự chịu đựng và lòng tốt con đã làm trở thành sự khốn khó cho con bây giờ... - Bà nói đúng, chúng ta chỉ bị khốn khổ vì những điều tốt lành mình thực hiện bởi điều chẳng ra gì nào ai biết đấy là đâu, còn những điều tốt lành, ý muốn hướng thượng, đem ra thực hiện, tốt lành cho người này lại trở nên phiền hà cho kẻ khác. Nhất là thời buổi lấy tiền của làm tiêu chuẩn, bất cứ trường hợp nào đụng đến tiền bạc, con người dễ bị mù quáng lương tâm... Miễn sao cho có tiền nên người ta đã không từ chối một hành động tai hại nào để có được tiền... Tôi nghĩ, có thể bà cụ khi còn ở với bà, mấy người em tưởng tiền già của bà cụ được nhiều lắm. Nên từ bây giờ, vì bà cụ Ở nhà dưỡng lão chắc không ai làm phiền bà nữa đâu; hơn nữa, bệnh hoạn như thế này ai cũng sợ bị nhờ vả do đó họ tránh mặt là chuyện dĩ nhiên... - Nhưng con có bao giờ nghĩ đến nhờ đứa nào giúp chi đâu mà chỉ có chúng nhờ con từ xưa tới nay... - Đó là điều tốt lành bà đã thực hiện; tuy nhiên, có thể sự tốt lành ấy đã trở thành cơ hội cho họ lạm dụng. Tốt hay xấu tùy thuộc sự xử dụng của con người; thế nên, cũng cùng một sự kiện mà đối với người này thì thánh thiện, người khác độc ác. Bà thấy rõ, khi còn nhờ vả được, thái độ đối xử của họ đối với bà coi bộ tử tế, nhưng cũng con người đó giờ trở thành vô ơn vì e sợ bị phiền lụy. Bởi vậy, tôi nhận thấy nếu bà cứ để tâm nơi những sự phiền hà ấy thì xương bị mổ rất khó có thể chữa lành... do tâm trí, ý định của bà còn đang vướng bận nơi những chuyện chẳng ra gì chỉ làm bà thêm bực mình. Hiện giờ bà cụ đã có nơi ăn chốn ở dễ chịu và có người chăm sóc đầy đủ theo như tôi được biết vì nhà hưu dưỡng rất gần nhà thờ tôi làm việc. Những người em của bà không ghé qua hoặc không gọi điện thoại thăm hỏi có thể là điều tốt để bà có thời gian yên tĩnh nghỉ ngơi cho tâm trí thảnh thơi. Họ không hỏi thăm mình khỏi phải nghĩ tới ơn huệ, mà còn tránh được những điều bực mình có khi vì lời nói vô tình... Nếu bà nghĩ tới họ nhiều quá thì chính bà tạo sự phiền não cho bà mà thôi. - Làm sao mà không nghĩ đến họ được... - Tôi xin ngắt lời bà. Bà có nhớ cách đây hơn hai năm có hai trận động đất kinh khủng ở California và Nhật Bản không? - Con nhớ, có một lần con đang ở sở và mọi người đều xôn xao. - Vậy hai trận động đất ấy có ảnh hưởng gì tới bà không? Có làm bà phiền não mất ăn mất ngủ chi không? - Không, chỉ thấy kinh khủng quá! - Bà thấy không, những trận động đất phá hủy bao nhiêu công trình, tổn ải bạc tỉ và làm chết khá nhiều người nhưng không ảnh hưởng chi tới bà chỉ vì bà không cho phép sự kinh khủng ấy ảnh hưởng tới mình. Đàng này, chỉ vài lời nói khiến bà buồn bực làm nguy hại cả tới vết mổ... - Cha không nói con không để ý. Đúng vậy, con đã để những lời nói của mấy người em và mẹ con làm phiền đến buồn bực... Nhưng con phải làm sao bây giờ. - Cầu nguyện và xin Chúa chúc lành cho họ, ban cho họ có cuộc sống an vui để khỏi làm phiền mình... Nhưng điều quan trọng nhất là bà phải chữa lành chính mình. - Chữa làm sao con đâu biết! - Có phải bây giờ bà cảm thấy rất khó chịu vì không thể làm được những gì bà muốn, nhất là không lo được cho chính mình. - Vâng, con nản dễ sợ vì nằm yên một chỗ không quen khó chịu lắm. - Đây là thời gian để bà nghỉ ngơi... Cả đời làm lụng vất vả quên cả thân mình... nên bà đã không nhận ra phải yêu thương mình trước hết. Sự kiện xảy đến để bắt bà phải nghỉ... Hơn nữa, muốn cho vết mổ mau lành, bà cần biết dùng đức tin để chữa nó lành. Tất cả các phương thuốc và sự nghỉ ngơi chỉ có mục đích giúp cơ thể điều hòa bình thường để tự nó chữa lành những vết thương vì quyền lực chữa lành là quyền lực của sự hiện hữu chứ không phải ở thuốc men... - Con cầu nguyện mà có thấy gì đâu... - Bà có biết đức tin là gì và cầu nguyện là gì không? - Thì con tin là có Chúa giúp... - Bà có bao giờ đọc Kinh Thánh không? - Có, con hay đọc vào cuối tuần và đi nhà thờ đâu có bỏ bao giờ. - Bà có nhớ trong Phúc Âm có những câu: "Đức tin con cứu con; đức tin con chữa con; đức tin con là ơn cứu độ của con" không? - Con biết, có những câu đó. - Quyền lực khiến con tim của bà hoạt động liên tục, lá phổi thở ngay cả khi ngủ, là quyền lực của Chúa ở nơi bà. Đây cũng được gọi là quyền lực của sự hiện hữu. Chính quyền lực Thiên Chúa đang làm việc nơi cuộc sống của bà từng giây từng phút ngay cả nơi ý nghĩ, ý định. Như vậy, quyền lực của ý định, ước muốn con người được gọi là lòng tin và đó là lý do tại sao Phúc Âm viết lòng tin con chữa con, cứu con. Thế nên, bà muốn mau khỏi, hãy ra lệnh cho xương sống của bà mau lành thì nó sẽ mau lành. Không cần biết lý do lành để làm gì, bà phải bảo nó lành thì nó sẽ lành... Đây là phương pháp dùng lòng tin chữa bệnh... vì Phúc Âm có nói: "Quả thật, Ta bảo các ngươi, kẻ nào bảo núi này: Xê đi mà nhào xuống biển mà trong lòng không nghi ngại, nhưng tin rằng điều mình nói sẽ xảy ra, thì nó sẽ thấy thành sự. Bởi thế, Ta bảo các ngươi, mọi điều các ngươi cầu nguyện kêu xin, các ngươi hãy tin là đã được, và các ngươi sẽ thấy thành sự" (Mc. 11:23-24). Vấn đề chỉ là bà có thực sự nghĩ rằng điều bà muốn xảy đến hay không mà thôi. Đó cũng là lý do tôi nói bà hãy ra lệnh cho nó lành thì nó sẽ mau lành... - Đau bệnh như con thì ai không muốn lành, nhưng mà còn tùy ý Chúa chứ... - Điều đó tùy bà, và tùy thuộc đức tin của bà... Tôi chỉ thấy Phúc Âm nói sao thì lặp lại làm vậy... Đức tin của con dân Chúa như thế đấy, cha Hoàng ngậm ngùi thầm nghĩ mà lòng sôi sục, hèn chi Đức Kitô đã phải than lên: "Ôi! Thế hệ cứng tin và tà vạy! Cho đến bao giờ nữa, Ta sẽ ở với các ngươi, và phải chịu đựng các ngươi?" Mục đích của Ngài đến trần gian để rao giảng Tin Mừng, sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng, mà con dân Ngài chỉ được nghe giảng về tội, về ngày phán xét, về luân lý, về hỏa ngục... Đã bao nhiêu năm rộng tháng dài câu Thánh Vịnh "Này trong tà ác tôi đã sinh ra, và đã là tội lỗi khi mới là thai bụng mẹ" (Tv. 51:7) gây nên những trọng tội làm khốn khổ dân Ngài? Đã bao nhiêu người tin rằng tội lỗi tác thành nên sự hiện hữu xác thân, chấp nhận cuộc sống khem khổ, hằng ngày lấy dây thừng thắt nút quật vào mình bắn cả máu ra để đền tội... Người ta đã muốn trở nên thánh do đó biến thành dã thú với chính họ cũng chỉ vì quan niệm tội lỗi tạo dựng nên con người. Hai mươi thế kỷ gần qua, lời Kinh Thánh vẫn như hét vào tai: "Thiên Chúa tạo dựng người theo hình ảnh mình" (Kn. 1:27) mà người ta cứ gầm thét "trong tà ác tôi đã sinh rạ" Tội lỗi, nhận định lầm lạc của con người, làm sao có quyền lực tạo dựng sự hiện hữu, và nếu được sinh ra trong tà ác thì đâu phải trách nhiệm của mình. Phỏng nói rằng trong tà ác tôi được sinh ra thì tà ác có thể là cội nguồn của sự hiện hữu... Như thế có lẽ phải nói chính điều mình cho rằng được sinh ra trong tội là nguồn gốc mọi sự tội! Cội nguồn mọi sự hiện hữu được gọi là Thiên Chúa, Thượng Đế... và đó là quyền lực thánh thiện. Sự hiện hữu của con người chỉ được phát sinh từ sự thánh thiện này và như vậy mới có thể trở nên toàn thiện giống Thiên Chúa. Đức Kitô nói sao về người mù từ thuở mới sinh khi các môn đồ hỏi ngài do tội ai, "Chẳng phải tội nó hay cha mẹ nó phạm, song để nơi nó, công việc Thiên Chúa được hiện tỏ" (Gioan 9:3). Như vậy, chúng tôi theo Chúa hay theo tổ chức tôn giáo? Chúng tôi muốn được hiểu lời rao giảng của Đức Kitô hay chỉ kiếm cách bám lấy bè phái? Tội lỗi của người trần mắt thịt này sao có thể lớn lao hơn tội nguyên tổ mà ông bà nguyên tổ cũng chỉ được phạt bằng cách bị quăng xuống mặt trái đất này làm người hữu hình, sinh con đẻ cái là chúng tôi... Chúng tôi hô hào, chúng tôi tuyên xưng Đức Kitô chết cho con người, chết vì tội lỗi con người nhưng chúng tôi không chấp nhận những gì Ngài rao giảng... không cần biết Phúc Âm nói gì, không chấp nhận vì lời của Ngài nghịch ý chúng tôi, lời của Ngài không hợp với lề lối chúng tôi đặt ra, không đem lại cho chúng tôi oai vọng, dẫu chúng tôi vẫn tuyên xưng tin vào Ngài... và thay vì máy thâu băng, chúng tôi tuyên xưng bằng mồm... cho giống với những kẻ khác... Nếu chúng tôi thực sự nhận ra mình là dân Pharisiêu... Cha Hoàng chợt tỉnh, người đàn bà bệnh hoạn vẫn tiếp tục nói, ngài tỉnh vì ý nghĩ mình là dân Pharisiêu... Nhà thờ rộng lớn nhưng bên trong thật vắng lặng ngược hẳn với khung cảnh cành lá xào xạc, cát bay, sóng vỗ, bên ngoài do những làn gió biển lồng lộng thổi vào đất liền phảng phất đem theo mùi nước mặn. Những làn gió vô hình về khuya áng chừng muốn dùng cơ hội mọi người đã yên giấc phô bày quyền lực từ khoảng mênh mông nơi đại dương tạo thành chuyển động âm thầm đàn áp kỳ công cả thể của con người. Ngôi thánh đường mang vẻ ngậm ngùi dường như cố thu mình cho hòa nhập với khung cảnh bao la của trời mây, sóng nước, đang vần vũ dưới ánh trăng lung linh mờ ảo. Thật nhỏ, nếu so với dáng dấp của ngôi thánh đường về đêm, cha Hoàng ngồi thinh lặng như bức tượng gỗ nơi đầu một dãy ghế dài, mắt khép hờ, cố định thần đàn áp cơn bão nội tâm. Ngài ngồi đó đã hơn một tiếng đồng hồ, thỉnh thoảng lại cố nén tiếng thở dài... Có lẽ, cơn bão bên trong con người nhỏ bé ấy mang sức mạnh gấp bao nhiêu lần những làn gió biển tràn vào từ khoảng xa thẳm đại dương... Vâng, ngài đang phải làm trọng tài cho trận chiến giữa hai đối thủ, lòng nhiệt thành được hun đúc bởi quyền lực lòng tin từ Phúc Âm, và thực tại nhận thức đức tin mập mờ nơi dân Chúa được khởi đầu bởi ý nghĩ mình là dân Pharisiêu khi thăm người bệnh ban chiều... Lời Phúc Âm dội về từ tâm tưởng khiến ngài không rét mà run: "Khốn cho các ngươi, luật sĩ, các ngươi cất đi chìa khóa mở đàng hiểu biết! Chính các ngươi đã không vào, mà những kẻ muốn vào, các ngươi lại ngăn cản" (Lc. 11:52). Tại sao luật sĩ có thể cất đi chìa khóa mở đàng hiểu biết?... Vì họ có quyền, có địa vị hướng dẫn. Cất đi là thế nào? Điều gì có thể che lấp hiểu biết?... Luật sĩ, Pharisiêu, có truyền thống lâu đời; họ có luật lệ phong tỏa và ngăn cấm cũng như đe dọa những người theo Do Thái Giáo. Họ giảng dạy theo khuôn mẫu đã được định sẵn... Mình thì sao? Đã bao nhiêu kiếp người câu nói "Ngoài Giáo Hội không có ơn cứu độ" thống trị tâm não dân Chúa? Điều đúng của Galiléo phải những bao nhiêu năm mới được chấp nhận? Tại sao phải chờ đợi lâu như thế?... Phỏng vì e ngại những thành phần đa số lắm thế lực chống đối, lên án, nên đành ngậm miệng cho qua bởi nếu nói không giống những người khác sẽ bị tước mất vị thế họ đã ban chỏ Phỏng những câu nói bên ngoài có quyền lực đàn áp khiến con người trở thành hèn nhát không dám xử dụng hồng ân hiện hữu được thể hiện bằng lý trí và cảm nghiệm? Phỏng đã không ai dám nghiệm xét mọi sự? Phỏng con người cố bám víu vào những cặn bã đã được thải ra vì sợ mình không là gì nên hùa theo cho trở thành cái gì? Tại sao những điều luật ở sách Nhị Luật có giá trị liên thành với dân Do Thái ngày xưa mà nay không được chấp nhận? Những kiến thức cả trăm năm trước, đã đi vào quá khứ, đã chết, phỏng không cần được nghiệm xét lại? Đức Kitô có ý gì khi nói, "Kẻ vừa tra tay cầm cày vừa ngó lui sau là người bất kham đối với Nước Thiên Chúa" (Lc. 9:61-62)?