Về cái tên Marie Sến “Sến” là tên người thì hiếm xuất hiện ở miền Bắc Việt Nam, mà thường thấy hơn ở miền Nam. Có người cho “sến” quan hệ với “sen” (trong “con sen”), và “xén” (trong “cô hàng xén”), đều chỉ cô gái bình dân hoặc hạ lưu. Chữ “xén” hẳn liên quan với “vụn”, “cắt”, ít nhiều cho thấy những mặt “hàng xén”, hàng “đoạn”, nhưng chữ “sen” chỉ người hầu gái nguồn gốc thế nào thì không biết. Cả hai chữ này đều phổ biến ở miền Bắc, vì sao không kéo theo “sến” như ở miền Nam? “Sến” còn là tên một loại cây, được liệt vào hạng gỗ quý, có ở các tỉnh thượng du miền Bắc, nhưng dường như không liên quan đến (1). “Sến” trong “nhạc sến” dùng để chỉ thứ nhạc cụ mùi mẫn, đa cảm. Từ này xuất hiện ở miền Bắc sau bảy lăm, vận vào một loại nhạc nhất định của miền Nam trước bảy lăm, sau ghép rộng rãi vào những loại nhạc, hoặc loại “gu” nghệ thuật bình dân, rẻ tiền, xi rô của/cho đám đông. Như vậy, xem ra cũng chính là thứ nhạc/ nghệ thuật được các “cô hàng xén” và “con sen” ưa chuộng. Tùy sự liên tưởng mà từ đó “sến” có thể gợi thêm những ấn tượng khác: cải lương, đồng bóng, đua đòi, hạ lưu, hời hợt, làm dáng, rởm... Còn bản thân nguồn gốc của “sến” trong “nhạc sến” như thế nào thì chưa sáng tỏ. Có nhà nghiên cứu âm nhạc Việt Nam cho rằng ở miền Nam, vào thời nhạc tài tử, có thể có một loại nhạc cụ là “đàn sến”. Từ nhạc tài tử đến những khái niệm như “vọng cổ”, “cải lương”, “nhạc mùi” là một đoạn không xa. Nhưng vì sao chính là cái đàn “sến” ấy, nếu quả là có, chứ không phải thứ nhạc cụ khác được lưu danh trong một khái niệm? “Marie” hẳn là tên Pháp, có người cho là gợi một cô thôn nữ, nhưng thích “tỉnh thành”, thích „điệu“. Còn Marie Sến, có người cho là âm Việt của Maria Schell, nữ minh tinh chuyên đóng phim vai nữ xuất thân bình dân trong những phim tình cảm mùi mẫn éo le. Phỏng đoán, ấn tượng, và liên tưởng do cái tên “Sến”, “Marie Sến” gây ra thật nhiều. Sự không chắc chắn về nguồn gốc, sự mơ hồ trong chi tiết, nhưng tương đối nhất quán trong ấn tượng về cái tên/khái niệm này là những kích thích quan trọng cho cuốn tiểu thuyết. Tôi đã tìm cách dựng lên một “Marie Sến” từ chỗ không biết chính xác gì về “Marie Sến”. Như vậy, cuốn tiểu thuyết này là một phỏng đoán nữa về một cái tên, một khái niệm. Nếu được bạn đọc vui lòng cung cấp thêm những phỏng đoán khác, tôi xin đa tạ. Chú thích Chương 2: thi minimom: kì thi cơ sở bắt buộc (trên đại học), gồm triết học, chính trị, lịch sử Đảng, và lĩnh vực chuyên môn, để sau đó được phép làm luận án phó tiến sĩ. Chương 3: Em là ai…sắt hay bông: phỏng thơ Tố Hữu. Chương 8: không văn hoa mà cũng không chất phác: chữ của Phan Huy Chú mô tả Hải Dương trong Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí, Dư Địa Chí. Chương 9: “không có kiêu,…công danh tất phải thành”: trích “Trách ma nghèo” của Ngô Thì Sĩ; ngực em bày chật: thơ Hoàng Hưng Chương 10: trong đôi guốc tôi chú ý nhất cái chật chật của đôi quai: thơ Đặng Đình Hưng; tiếng rơi rất mỏng: thơ Trần Đăng Khoa Chương 11: phải đạo: chữ của nhà phê bình văn học Hoàng Ngọc Hiến; một chiếc va li đi về bến lạ: phỏng thơ Đặng Đình Hưng (nguyên văn: những chiếc va li cứ về bến lạ) Đoạn kết: Chia xa rồi…: thơ Lê Đạt