Mỏng phận chiều hôm vượt cửa rừng Khủng khiếp thâm sâu hoá khôn cùng Sói điên sùi mép, tươi hơn hớn Cọp xảo ẩn nanh, điếu lạnh lùng Lạc bước vong thân ma ác động Lầm đường đoạn kiếp quỷ độc cung Thiên duyên sinh lộ, linh viên xuất Cải phúc nhân gian, nhật ánh hồng. Thiên Nam, Dương Thạch nhìn Minh Nguyệt, Tiểu Nhi và Dương Vân nhìn nhau, thêm Du Nhược, hiểu mình vừa bỏ lại sau lưng một đêm giông tố tơi bời cùng bóng tối khiếp đảm chỉ chực nuốt chửng con người. Rồi mặt trời cũng lên, ánh nắng hồng ấm áp xua tan tăm tối âm u, thúc giục đôi chân tiếp bước. Lên ngựa chuyển hướng, hết ba dặm đường, Du Nhược được thả xuống nhà ông lang Lâm nhân đức. Trút bỏ bùn đất bên nguồn nước mát, đoàn người sảng khoái lên đường. Du Nhược gượng dậy, đau đáu cái nhìn, mải miết ghi theo bước chân ân nhân khuất xa. Tiểu Nhi tự nhiên mình một ngựa, khoái trá để gió phả vào mặt, luồn vào tai, vào tóc, nghêu ngao bản hùng ca “Tráng sĩ lên đường”. Thiên Nam giật ngựa lên ngăn cản vì lý do tránh sự chú ý không cần thiết. Tiểu Nhi mất hứng thôi hát, thầm nghĩ ông già này dẫu có sống lâu mấy thì cũng chẳng sung sướng được. Họ vượt quãng đường dài mới nghỉ chân chốc lát tại làng Rái. Từ đây đến vùng kiểm soát của Việt Nghĩa Đoàn không còn xa nữa. Họ kín đáo dừng ở mé làng, ăn cái bánh, uống miếng nước rồi nhanh chóng ra đi. Nhưng đất trời xui rủi, nửa còn lại của đội 14 và gần đủ đội viên đội 13 Ngân Vệ cũng qua làng Rái trong cuộc tìm kiếm hành tung hai đội trưởng. Chúng dễ dàng nhận ra cha con họ Võ. - Chúng giữ song kiếm ưng bằng. E đội trưởng và các anh em khác lành ít dữ nhiều mất. Một tên rút phăng kiếm ra thì một tên cơ mưu hơn đưa tay cản: - Chớ có làm liều. Giờ chưa biết ta địch thế nào, chẳng dại đánh nhau với chúng. Ngoài Võ Thiên Nam, mấy tên còn lại cũng có vẻ khó đối phó. Tốt nhất nên dùng mưu. - Ông có mẹo gì hay không? Một đội viên đội 13 hỏi. - Theo ý tôi, chúng chắc đi về Dương Xá, tất qua đường hẻm Hãm Long. Ta nên theo đường tắt đến trước, rồi làm thế này… thế này… Cả bọn gật gù khen phải rồi lên ngựa. Dĩ nhiên, các bạn của chúng ta không hay biết về kế hoạch của kẻ thù vì họ còn bận rạp mình trên yên ngựa, ngắm đồng lúa, ruộng rau, dòng sông êm trôi, bầu trời xanh biếc. Có cảm giác đường đất rút đi vùn vụt và đích đến hiện ngay trong tầm mắt. Thiên Nam nói khi đang vượt qua một cánh rừng thưa: - Tình hình khá ổn, ta sẽ tới địa phận của Nghĩa Đoàn nơi sau nửa canh giờ nữa. - Nếu bọn địch quên không lập phòng tuyến. Tiểu Nhi mỉa - Trước cũng có. Nhưng bị chính tay Lê Khắc Chinh triệt bỏ sau khi vô phương chống đỡ những đợt công kích tái hồi của quân Nghĩa Đoàn. Thay vào đó, hắn tìm cách cắt lìa gan ruột ái Châu nhằm làm tiêu vong thân thể kháng chiến của dân Việt ta. - Nắm vừng tình thế quá nhỉ? Tiểu Nhi cạnh khoé. - Chẳng qua là tin từ Dương thủ lĩnh. Thiên Nam chẳng vừa. Tiểu Nhi không cãi thêm, giục ngựa chạy lên trước. Con đường lắc lẻo xuyên qua núi, phẳng phiu nhưng hẹp, hai ngựa đi đủ chật. Sườn núi thoải, vươn lên trùng điệp từ những hàng cây thân thẳng dáng cao, gió lá rì rào, những rặng cây lèo xoè, lúp xúp đến những mảng lưng giơ xương đá trắc trở. Tất cả đến lại đi theo lòng tin mải miết. Cái miệng ham hoạt động của Tiểu Nhi bắt đầu ngứa ngáy. Chàng quay đầu, hỏi với ra sau: - Con đường hẻm này tên là gì? - Hãm Long. - Khó nghe quá. Tiểu Nhi trở cương, ra dấu ghìm ngựa, nói: - Đường hẹp lại bí. Nếu có phục kích thì cả bọn chết ráo. Thiên Nam quan sát xung quanh rồi tỏ ý đồng tình: - Sao cậu không nói sớm. - Giờ tôi mới nghĩ ra. Nhưng trót chui vào đây rồi, cần đề phòng hơn thôi chứ tai mắt chúng dẫu có tinh thông thì. Chàng chưa nói dứt câu thì trên đỉnh núi vang lên những tiếng động lớn. Ngẩng lên nhìn, ai nấy tá hỏa tam tinh bởi có ba bốn tảng đá đang ầm ầm lăn xuống. “Chạy” Tiểu Nhi la toáng, ba con ngựa bay băng về phía trước. Ngựa của Dương Thạch chạy cuối cùng nhưng đôi mắt ưa để ý của chàng nhận ra cạm bẫy đang lơ lửng. Chàng hét: - Nhảy lên, anh hai!!! Tai Tiểu Nhi nghe rõ mồn một, chưa hiểu đầu cua tai ra sao, thúc ngựa nhảy. Nhưng không kịp. Một sợi dây quái ác quấn chặt chân khiến cả người lẫn ngựa ngã nhào. Cha con Thiên Nam chạy liền kề phải chịu chung số phận, dẫu có nhẹ hơn. Chỉ hai chàng họ Dương không dính. Kể cũng buồn cười, cái loại bẫy dây này mới chiều tối hôm qua, chính anh em Tiểu Nhi vừa có dịp giăng. Đúng là gậy ông đập lưng ông. Tiểu Nhi thâm tím mặt mày, lồm cồm bò dậy liền ăn một đòn tê điếng vào bắp chân, gục luôn. Hai tên đội viên đội 13 kề kiếm vào cổ cha con họ Võ. Tên đa mưu xuất hiện cùng ba bốn tên nữa, ra lệnh cho Dương Thạch, Dương Vân hạ vũ khí. Ngân Vệ hoàn toàn làm chủ tình hình. Chúng hỏi Thiên Nam về Cẩm Miêu và Hắc Nguyệt. Ông đáp chúng chết hết rồi. Chúng dọa cắt tai Minh Nguyệt nếu Thiên Nam không nói rõ ra đồng thời hú gọi đồng bọn trên núi. Tiểu Nhi thấy kẻ đánh mình là 1 gã 1 to béo. Trong khi đó, lưỡi kiếm kề nơi cổ người đẹp khiến Dương Thạch chưa biết hành động ra sao. Rồi có tiếng vó ngựa vang nơi sườn núi và một gã Ngân Vệ tế đến. Đồng bọn hỏi hắn là đám còn lại đâu, hắn cứ lẳng lặng không đáp. Gã đa mưu cảnh giác bảo gã mới đến dừng bước thì hắn lại thúc ngựa nhanh hơn, chốc đã đến bên cha con Võ Thiên Nam. Đố là 1 gã thanh niên dáng người vừa phải, khuôn mặt đẹp và lạnh, da trắng, mắt sắc, lông mày đen mảnh. Không chờ đám Ngân Vệ kịp hiểu, hắn đâm trúng ngay cổ họng tên đang khống chế Võ Minh Nguyệt. Tên này ngã ngửa lập tức hồn về chín suối. Tiếp đó hắn chém đứt phăng bàn tay cầm kiếm của tên thứ hai, cứu thoát cha con họ Võ bằng hai động tác bắn máu nhưng sắc mặt chẳng hề biến đổi. Tiểu Nhi gầm như con gấu bị thương, lao cả người vào đối thủ to béo, giáng liền mấy quả thôi sơn. Bị đòn bất ngờ, gã to béo buông rơi cây gậy. Chàng vồ ngay lấy. Cùng lúc, Dương Vân vơ thanh bằng kiếm, Dương Thạch sử dụng con dao rừng, Võ Thiên Nam múa đôi tay không và trận kịch chiến nổ ra.. Cuối cùng phần thua cũng thuộc về bên ít hơn. Nhờ mấy con ngựa buộc bên đường và nhờ đối thủ mải giữ đạo nhân nên ba tên Ngân Vệ sống sót, trong đó có gã to béo, chạy ngược lên núi, đến chỗ mấy gã đồng bọn bị chết ngựa, đang tìm cách hạ sơn. Dương Thạch tha thiết lén nhìn Minh Nguyệt, mừng vì nàng chưa hề hấn gì. Người lạ mặt nắm cương ngựa, bình thản. - Đa tạ sự giúp đỡ của anh! Võ Thiên Nam cảm tạ Anh ta lạnh nhạt gật đầu, nhìn Dương Vân rồi phóng mất. - Đồ kiêu căng! Tiểu Nhi nói với Dương Vân. Em quen hắn à? - Không. Chẳng rõ tại sao anh ta lại nhìn kiểu thế. - Có gì khó hiểu đâu, chắc hẳn hắn ta có đứa em gái xấu xí, nên muốn kiếm một gã tốt mã như cậu làm rể. Tiểu Nhi cười. - Đi thôi muộn rồi. Thiên Nam nói. Họ nhẹ nhàng rời đường hẻm Hãm Long, khoảng hơn dặm thì gặp bến đò Rẽ, mốc tiền giới của Việt Nghĩa Đoàn. Sang sông, đám người mới đến thật ngạc nhiên nhìn thấy nhà cửa dựng chen lấn, làng mạc kề nhau san sát, người đông đúc đi lại như mắc cửi. Họ tiếp tục đoạn cuối của cuộc hành trình, lòng tấm tắc khen sự sung túc của cuộc sống nơi đây với những cánh đồng cò bay thẳng cánh, những thảm cây cối xanh rì, con người niềm nở vui tươi. Ngược lại dân làng đã quen với cảnh người tứ xứ đổ về dưới cờ Việt Nghĩa, nên nhìn năm người trên lưng ngựa dắt kiếm, gậy bằng con mắt bình thường. Buổi chiều buông là lúc họ đến cửa ngõ Dương Xá. Một bức tường thành đúng nghĩa mọc lên vững chãi trên mảnh đất rìa làng mênh mông. Đôi cánh cổng gỗ lim đen bóng của quê hương Triệu nữ tướng rộng mở. Đứng dưới đất dễ dàng nhìn thấy những chiếc chòi canh dựng đều đặn theo đỉnh tường thành. Một trạm kiểm soát nhân thân được đặt ngay trước cổng, với số lượng tương đối quản quân được điều hành bởi một người đứng đầu hoà nhã có cái cằm cương nghị. Hôm nay đẹp ngày nên cũng có nhiều nhóm người đứng ngoài cổng, đợi đến lượt đăng nhập Nghĩa Đoàn. Đã thấy anh chàng lạnh lùng ban nãy. - Họ tên Phan Anh, hăm sáu tuổi, người Phong Châu. Biết võ nghệ, cưỡi ngựa, sử kiếm thành thạo, muốn gia nhập đội tiên phong. - Xong. Đích thân người chỉ huy nói. Anh cầm lấy thẻ bài, vào trong sẽ có người chỉ dẫn. Xin mời người tiếp theo. Phan Anh lạnh lùng cất bước, nhường chỗ cho mấy chàng thanh niên có dáng vẻ dễ mến. - Chúng tôi là người Giao Châu, lần lượt là... - Kiểm tra sơ sài quá anh a? C ô gái nhỏ tóc thắt hai bím, nói bằng giọng Hoan Châu với chàng trai đứng bên cạnh. - Những người đến đây đều Đã qua xem xét cả. Tại trạm, người ta cốt chỉ lấy danh tính thôi. Ông anh giải thích. - Đến lượt hai anh chị này, cậu quản quân trẻ măng gọi. Đôi trai gái Hoan Châu cúi đầu chào người chỉ huy, ông này lập tức đáp lễ. Chàng trai nói với chất giọng đượm tự tin: - Anh em họ Hoàng ở Hoan Châu. Tôi tên Hải Bình xin vào đội tiên phong còn em gái tôi là Hải Đăng mong muốn được chiến đấu dưới quyền Từ Tâm nữ tướng. - Anh có phải là người dùng tay không bẻ gãy sừng con trâu dữ trán trắng ở Tương Tế? - Vâng, chính là tôi. - Hãy cầm lấy thẻ bài của hai anh em. Cho mời người tiếp theo. Tiểu Nhi tay giữ hai em, miệng nói với Thiên Nam: - Người ta gọi đấy, cha con ông lên trước đi. Thiên Nam đường hoàng bước tới bàn đăng ký. Người chỉ huy thoạt nhìn đã biết chẳng phải dạng tầm thường bèn chủ động nói trước: - Xin được đón tiếp. Theo thông lệ, mời hai vị báo danh tính, quê quán và nguyện vọng. - Tôi tên là Võ Thiên Nam, con gái là Minh Nguyệt, quê ở Hồng Châu.. Thiên Nam mới nói đến đấy thì người chỉ huy kêu “ủa” một tiếng, những người có mặt đều đưa ánh mắt nhìn mặt hai cha con. Biết mình hơi thất lễ, người chỉ huy vội nói: - Xin thứ lỗi. Nhưng cho tôi hỏi một câu, có phải là Võ tướng quân, thủ lĩnh khởi nghĩa Hồng Châu đấy không? - Phải. Thiên Nam đáp pha chút ngậm ngùi. Không khí xôn xao hẳn lên, ai nấy đều bất ngờ lẫn vui mừng biết Võ Thiên Nam cũng tham gia Việt Nghĩa Đoàn. Không cần phải gợi lại cảm giác phấn khởi, hào hứng từ khi Võ tướng quân dựng cờ khởi nghĩa đến những thắng lợi oanh liệt, cảm giác hồi hộp dõi theo tin tức của cuộc chiến tại Thanh Yên trấn, tiếp là cảm giác hụt hẫng, đau đớn khi Thanh Yên thất thủ, lo lắng cho số phận của vị tướng tài hoa, cũng đủ thấy sự trân trọng và cảm mến người anh hùng đang đứng trước mặt. Người chỉ huy hồ hởi: - Tốt quá. Dương chủ soái cùng toàn thể anh em đợi tướng quân đã lâu. Tướng quân hãy nhận lấy cặp lệnh bài. Tôi sẽ cho người dẫn ông đến chỗ ở của tướng lĩnh. Thiên Nam thực sự xúc động. Thua trận, ông đành đến đây để tìm một chỗ dung thân, may mắn nhất chỉ mong được tiếp nhận. Ngờ đâu họ đối xử với ông bằng thái độ tôn trọng chân thành đến vậy. Bây giờ ông mới hiểu sao Việt Nghĩa Đoàn hay cá nhân Dương Đình Nghệ được dân nước Nam yêu mến, kỳ vọng đến thế và hàng ngũ thống trị phương Bắc tha thiết dẹp bỏ đến thế. - Xin tự giới thiệu tôi là Mai Đức Hoà, người chỉ huy nói, tôi cùng một tướng nữa phụ trách quản quân của Nghĩa Đoàn. - ồ! Tôi đã được nghe chuyện ông dùng kỳ binh cản bước Lê Khắc Chinh tại Trường Châu, giúp Dương chủ soái về xứ an toàn. - Tôi rất hân hạnh khi ông nhớ đến việc làm nho nhỏ đó. Anh quản quân để ria mép, liếc mắt Minh Nguyệt rồi nhanh nhẹn dẫn đường. - Còn mấy người bạn của tôi nữa. Thiên Nam sực nhớ. - Khỏi cần. Mời ngài đi trước cho. Tiểu Nhi xua tay. Dương Thạch tuy rất muốn chạy theo Minh Nguyệt nhưng mặc cho anh hai sắp xếp. Tiểu Nhi giục chàng và Dương Vân bước lên, nói oang oang: - Tôi tên là Nguyễn Tiểu Nhi cùng cậu em tên Dương Vân cùng là người Giao Châu. Còn cậu em này tên Dương Thạch là người Hải Châu. Chúng tôi cưỡi ngựa, bắn cung, đánh quyên mỗi thứ biết một tí. Xin cho vào đội tiên phong. Mai Đức Hoà giở sổ xem xét rồi hỏi: - Ba người là anh em kết nghĩa với Ngô phó soái? Tiểu Nhi gật đầu: - Nhưng chúng tôi muốn dùng khả năng của chính mình chứ không hề có ý định dựa thế ai. - Rất có khí phách, người chỉ huy bật lời khen. Nghĩa Đoàn của chúng ta có mục tiêu duy nhất là đuổi giặc ngoại xâm dựa trên tập hợp sức mạnh của riêng từng cá nhân nên sẽ không có chuyện dựa quyền dựa thế. Nhưng vì đã có quá nhiều người gia nhập nên đội tiên phong sẽ không nhận thêm nữa. Thay vào đó, tôi sẽ ghi tên ba anh em vào Tổng đội trung quân. - Vô lý đùng đùng. Lẽ nào cứ nhận bừa cho hết số lượng. Kiểu gì cũng phải thi tuyển chứ. Người chỉ huy nhẹ nhàng trả lời: - Đương nhiên chúng tôi có sự cân nhắc. Nhưng xin nhấn mạnh với mọi người rằng các Tổng đội đều có tầm quan trọng như nhau. Chẳng thể nói phiến diện là tiên phong thì quan trọng hơn trung quân hay hậu cần trong cuộc chiến gian khổ sắp tới. Dương chủ soái và các vị chỉ huy khác ngày đêm nghiền ngẫm từ buổi đầu nếm mật nằm gai, cố sắp xếp thật hợp lý nhằm phát huy tối đa sức mạnh của Nghĩa Đoàn và tránh thương vong nhiều nhất có thể cho anh em. Vì thế, tôi mong mọi người vui vẻ nhận vai trò được giao. Nghe thấy có lý, Tiểu Nhi phân trần: - Kể ra thì chúng tôi đã tình nguyện gia nhập Nghĩa Đoàn, được xếp vào chỗ nào cũng tốt cả. Có điều, anh em tôi trước nay vẫn mơ ước được xông pha trận đầu giết giặc. Mà thôi, cho chúng tôi xin mấy tấm lệnh bài. …………… Kết thúc quãng đường vất vả để bắt đầu cho những thử thách mới. Dương Vân cảm giác thật nhẹ nhõm khi bước qua cổng làng Ràng. ấn tượng đầu tiên là con đường dài hút mắt với hai bên đường dựng tinh kỳ nhan nhản theo trận thế nào đó. Tiếp đến là những ụ đất đắp lô nhô mà theo ý chàng là lớp phòng thủ thứ hai sau tường thành khi quân giặc tấn công, sau lưng là bãi trống cỏ mọc um, lùm xùm cụm nhà mái rạ cũ, với ô cửa sổ như con mắt lớn mở trừng trừng đe dọa. Liền kề là con hào rộng với những triền đất phục vụ cánh cung nỏ. Rồi đến doanh trại phòng vệ, được bao bọc bởi những bức tường gạch nung và đội ngũ chiến binh trải bao tôi luyện. Thêm vài bước chân, Dương Vân ngạc nhiên khi thấy, phải gọi là cánh đồng cam trĩu quả. Tiểu Nhi kêu khát nước, còn Dương Thạch tủm tỉm cười, nghĩ đến vài chuyện thú vị. Họ đi ngang thao trường, giờ này đã lác đác có đơn vị đã kết thúc buổi huấn luyện, binh lính ngồi nghỉ trên bãi cỏ. Đội nữ binh tập ngay gần đường, thấy ba chàng liền nhấm nháy rồi cất giọng chèo bẻo: Trông kia cứ tưởng người xaTĐến đây lại ngỡ như là đã thân. Dứt lời, cả đội cười rộ, ánh mắt trêu chọc quét qua quét lại nơi các chàng. Con gái nơi đây quả là bạo dạn, Dương Vân đỏ mặt, hơi ngượng và chỉ muốn bước nhanh. Dương Thạch cười trừ cho qua chuyện vì suy nghĩ của chàng đặt cả ở nơi Minh Nguyệt nên chẳng hề quan tâm đến chuyện khác. Duy anh chàng hiếu chiến Tiểu Nhi, phấn chấn từ nãy tới giờ, ngay lập tức đối đáp: Nói thân thì đã đành thân Có lời thăm hỏi cho gần nhau thêm. Một cô khác tiếp lời, nghe giọng đoán là gái Đằng Châu: Gặp chàng em đã muốn theo Xa chàng giây lát, sớm chiều em mong. Tiểu Nhi thích chí: Dẫu cho giông bão ngoài song Đất trời điên đảo, anh vẫn nguyện một lòng bên em. - Thật không anh? Cho em theo anh nhé. C ác cô nhao nhao. Một cô gái có dáng người thon thả, khuôn mặt thanh với hàng lông mi cong, đứng lên nhìn ba anh em bằng ánh mắt thân thiện. - Các anh đối đáp hay quá, chị em đội Hoa Hồng xin tỏ lời thán phục. - Quá khen, quá khen. Tiểu Nhi gật gù. Mà sao đội của các cô có cái tên đẹp đến vậy? Phụ nữ thích được khen, câu nói của chàng béo khiến các cô vui vẻ ra mặt. Họ rầm rĩ rủ các chàng ngồi xuống bãi cỏ để nói chuyện. Tiểu Nhi định đồng ý thì Dương Thạch đã từ chối, nói họ phải vào ra mắt cho người ta sắp xếp chỗ ăn ngủ kẻo muộn. Cô gái ban nãy, nghe chị em gọi là đội trưởng, hỏi họ được chọn vào Tổng đội nào, Dương Vân đáp là trung quân. Cô gái hỏi: - Rốt cuộc bọn anh vào đội nào? Dương Vân trả lời là chưa biết và hỏi cô gái xem có bao nhiêu đội. Các cô rối rít kể ra một loạt những cái tên, ở đây họ không dùng số như Kim Ngân Vệ mà đặt theo nhiều kiểu hình tượng, các linh vật, cây cối hay anh hùng thời xưa. Cô đội trưởng đoán: - Nếu họ không định lập đội mới, chỉ có hai đội Thanh Long và Bạch Hổ còn khuyết chỗ. Được chọn vào hai đội này, chắc hẳn các anh rất giỏi! - Bình thường thôi, Tiểu Nhi ngứa mồm nhảy vào, chẳng qua chúng tôi xin vào tiên phong không được, bị họ đẩy xuống trung quân. Một cô gái có đôi mắt to nói: - Anh trai tôi đội trưởng đội Hoả Bằng nói cửa đội tiên phong khoá rồi. Họ bắt đầu sang nội dung lửa phá thành và cắt chủ lực, tập trận thế từ lâu. Cô gái nói giọng Đằng Châu lên tiếng: - Đợt này có rất nhiều người mới đến như các anh. Kiểu gì chỉ huy chả cho lập thêm. Bên chủ công có thể giữ nguyên chứ bên phụ công chưa thể đủ được. - Cũng phải, một cô gái tóc cắt gọn nói nửa đùa nửa thật, hình như đội Nỏ Thần đang thỉnh cầu Dương chủ soái phá lệ, cho phép nhận thêm một đội viên nữ đấy. - Nghe đâu đấy là nguyện vọng của chàng Bảo Hùng. - Mình cũng tưởng thế, hoá ra là mừng hụt. Người được sang là cậu chứ đâu phải mình. Cô đội trưởng mỉm cười. - Mấy anh thấy, giữa các đội luôn giữ quan hệ mật thiết. Chúng tôi phải tập trung đội rồi. Các anh cứ đi hết đường là đến chỗ ở. Khu nhà trung quân nằm sau khu sinh hoạt chung và dược đường, có cây bàng rụng lá ở đầu hồi. - Ngay sát khu nhà ở của nữ binh, cô gái Đằng Châu nói, rỗi rãi mời các anh sang chơi. Tiểu Nhi, Dương Thạch và Dương Vân chào đội Hoa Hồng, nhìn những ráng đỏ bay phơi phới trên bầu trời, rảo bước đến đại bản doanh Việt Nghĩa Đoàn ở cuối con đường. Xin phác vài nét về cái nơi đang trở thành trái tim của đất Việt này. Trên khoảng đất hình bát giác rộng rãi phẳng phiu lại tươi tốt với con sông nhỏ, cánh rừng xanh và rặng núi điệp trùng mây mờ che phủ; người ta đã dựng lên 1 quần thể kiến trúc hoành tráng và mạch lạc, mang vẻ đẹp của sự hài hoà và tính đa dạng. Đầu tiên là Tổng đội tiên phong. Rẽ tay trái theo con đường nội bộ thẳng băng, đếm chẵn 10 cây xoan là đến nơi ở của những con người chí đầu sóng ngọn gió được định hình thông thoáng mái bè với cột kèo to rầm, các ô cửa lớn, hàng hiên rộng. Đất sân trước được nén chặt bởi những cữ luyện tập ngoài giờ ra thao trường, vòng quanh nhà trồng rặt tre nứa nhằm tiện việc sử dụng. Là nơi ầm ĩ nhất, bốc đồng nhất nhưng cũng đừng ai ngạc nhiên khi thấy những chàng trai hoạt bát, ưa trêu chọc và có phần thô lỗ ngồi ngơ ngẩn ngắm mây bay hay trầm tư hàng giờ nghệch ngoạc trên giấy vài dòng tâm sự thầm kín rồi vội vã xé bỏ hay lén lén lút lút đặt vào một bàn tay mềm mại, trải ra dưới một ánh mắt dịu dàng. Tạm biệt họ để đi hơi xiên vào trung tâm, sau thời gian làm nguội bát nước sôi, tới chỗ đặt đầu não của nghĩa quân. Doanh trại tướng lĩnh, không nằm chính giữa mà chếch về phía bên trái, thực chất là khu nhà hình vòng cung được xây kiên cố bằng gỗ tốt, nhiều sảnh lớn và buồng phòng kín đáo. Trước mặt là mảng sân gạch cùng hàng cây tốt bóng, sau lưng để thoáng, có đào rãnh nước và trồng cây bụi. Ngược với Tổng đội tiên phong, nơi đây luôn giữ vẻ nghiêm trang cần thiết, khiến khách đến thăm lẫn chính chủ nhân có ý thức giữ gìn, lễ nghi trật tự chung. Các vị tướng, có người sinh ra đã ở trong nhà gia thế, còn lại nhiều người, xuất thân từ nông dân, thợ thuyền... mà lên. Bản thân họ, đa phần không muốn tỏ ra kiểu cách, quan lại, ngặt điều làm tướng phải đi kèm làm gương, vui vẻ thì vui vẻ vẫn phải giữ kỷ cương quân đội. Từ họ suy ra vợ con họ, mọi hành sự đều nên cân nhắc nhằm giữ tôn nghiêm. Mọi con đường đều dẫn tới các ông tướng hoặc từ chỗ các ông có đường tỏa đi khắp nơi. Đường nối với Tổng đội tiên phong cũng là đường ra cổng; đường ngang dẫn tới lễ đường, miếng đất vuông chứa được mấy vạn người, có ụ cắm đuốc, có cờ có quạt, có phân chia vị trí cho từng tổng đội, có bục diễn thuyết cho chỉ huy. Đường chéo trực chỉ khu vực được canh gác nghiêm ngặt nhất, hàng rào đá khép kín phòng quân cơ, kho vũ khí và kho lương thực, lính gác chỉ mở cửa cho ai có thẻ bài đặc biệt, dẫu có thẻ bài vũ khí cũng không được vào kho lương, riêng phòng quân cơ chủ soái Dương Đình Nghệ, ba phó soái và bộ đôi quản lý nhân sự của Nghĩa Đoàn được phép cho mở. Tóm lại là 1 nơi vô cùng cẩn mật. Nhánh đường đáng kể sau cùng là đường xuôi giãn đến hồ Bách Kỷ. Đây là công sức toàn thể Nghĩa Đoàn tạo nên từ một hố trũng thiên nhiên, nhờ con sông cung cấp nước, phần dùng làm trại huấn luyện thủy quân, phần khác thuộc quản lý của Tổng đội hậu để nuôi cá. Mặt nước hồ trong veo, gió lăn tăn gợn sóng, bên bờ cây cối tốt um, nên thơ vô cùng. Theo yêu cầu của Tổng đội nữ binh, tại vị trí thơ mộng nhất người ta cho dựng dãy lầu dài tới vài trăm trượng, cột tròn, sàn cứng, mái thanh, đặt tên là lầu Ngoạn Cảnh. Người ta đến đây ngắm trăng sao vào những đêm thanh, ngắm mây nước vào trưa hè vắng. Trót biến ngôi lầu thành điểm hẹn hò ưa thích của thanh niên nên người ta đành hè nhau dựng nốt khu nhà Uyên ương, dành riêng cho các cặp vợ chồng. Bởi cuộc chiến còn dài nên ai nỡ ngăn cản mong muốn ở bên nhau của những trái tim cháy bỏng, duy phải cần nhắc nhở rằng hạnh phúc cá nhân luôn gắn liền với hạnh phúc dân tộc. Mọi người đếu hiểu rõ và khu nhà Uyên ương được cơi nới hàng năm. Vô hình chung, lấn vào trung tâm và nằm đối xứng với doanh trại tướng sĩ qua lễ đường. Bao quanh nó phía trên là dược đường và nhà sinh hoạt tập thể. Dược đường thoáng đãng được chia thành nhiều ô do nhóm thầy lang phụ trách, trong đó ô to nhất dùng làm nơi chứa dược liệu. Nhà sinh hoạt chung nằm giữa um tùm cây cối nhằm giảm bớt tiếng ồn và tăng niềm thích thú do nhiều người đến đây chỉ để la hét cho thoát sự mệt nhọc. Ngoài ra còn có món ca hát, món khoái khẩu của Tiểu Nhi, chỗ chia xẻ quan hệ giữa các tổng đội và chỗ tiến hành nhiều trò chơi dân gian không cần không gian rộng. Thẳng hàng với Uyên ương cư xá dù bị đẩy ra rìa là địa phận của bộ đôi Tổng đội trung quân và nữ binh. Người vẽ kiểu dáng cho cả Đại bản doanh tên là Phan Họa, đội trưởng đội Văn Lang thuộc Tổng đội trung quân. Theo quan niệm của ông, nhà ở góp phần tạo nên tính cách của con người. Quan sát khu nhà ông ở, ta thử đoán tính cách chung của những người nắm trục giữa của cỗ chiến xa. Thoạt nhìn, lòng ta gợn lên cảm giác bình bình với hai dãy nhà song song, bốn đầu hồi vuông chằn chặn. Mái nhà phẳng lỳ, chẳng đâm lên cũng chẳng uốn lượn, giọt gianh được xén gọn, nhìn từ đầu hành lang đến cuối hành lang như nhau, hết cửa chính, lại cửa sổ rồi lại cửa chính mở ra những căn phòng đều ngăn ngắt. Nhưng ngắm kỹ những cái cột vững chãi, cái kèo nghênh ngang được đặt đúng ý đồ, những ô thoáng vừa vặn và bậc lên xuống đan xen, không phá cách như cánh tiên phong hay gò bó như hàng ngũ tướng lính, ta thấy sự mạnh mẽ và sâu lắng, sự rắn rỏi khi ẩn khi hiện sau khuôn mặt ôn hoà và chất phác. Với họ, sự vừa vặn cùng tính ổn định là phẩm chất không thể thiếu. Với những bông hoa vườn bên, nó đáng giá không thua gì sự bay bổng và buông tuồng đội tiên phong mang lại. Thiết nghĩ không cần tả nhiều về ngôi nhà của nữ binh, bởi vì nó là tiêu biểu cho phái nữ tinh tế và xinh đẹp, pha dăm bảy điểm nhấn sắc xảo. Có thêm chỉ là sự tuyệt diệu của bàn chân dạo bước dưới rặng liễu xanh trước nhà hay bên những khóm hoa rực rỡ trong vườn mà thôi. Nghe tiếng cười của họ, chìm trong đôi mắt họ, nắm bàn tay mềm mại của họ, ta sẽ bay đến thiên đường. Hai Tổng đội cuối cùng là hậu quân và hậu cần. Theo phân công thì hậu quân đến sau cùng trong cuộc tấn công và chốt lại cuối cùng, bảo vệ an toàn cho toàn quân, trừ trường hợp người chỉ huy ra lệnh đổi quân tiền thành quân hậu tuỳ tình hình cụ thể. Khi anh muốn xin vào hậu quân, người ta sẽ giảm bớt bài thi kiểm tra sự sắc bén và nhanh nhẹn, bù vào đó là tính kiên định, đi xa hơn với độ lỳ lợm. Sau đó anh sẽ được đào tạo để mở rộng khả năng, hơn là chuyên sâu nhằm tích luỹ đầy đủ chờ cơ hội tăng cường cho trung quân lẫn tiên phong. Nói gì thì nói thì làm hậu quân là thiệt thòi hơn hai đội danh giá kể trên, đến nỗi nhà ở của họ bị đẩy gần ra bờ sông, thiếu cả đất làm vườn tược. Nhưng sân của họ lại rộng gấp đôi, gấp ba các đội khác và được bố trí như một trận địa thực sự. Và điều cốt yếu là nguy cơ tử trận thấp nhất trong toàn quân. Nói về tính hào nhoáng thì còn có một Tổng đội đứng dưới hậu quân. Tổng đội mà chiến trường chính là ở trong bếp, n ên khu bếp của họ to gần bằng khu nhà nữ binh, vũ khí chính là ngọn lửa, n ên họ đánh hỏa công hay hơn hẳn hội tiên phong, nhiệm vụ chính là ổn định lòng quân, n ên họ tinh thần họ mạnh mẽ hơn đám trung quân, và khó khăn lớn nhất là làm cho mọi người hài lòng, nhiên họ toan tính nhiều khi vượt cả chỉ huy. Tóm lại, ở đại bản doanh, họ lo ruộng vườn cấy hái, nuôi trồng. Bắt đầu làm việc trước mọi người cả canh giờ và kết thúc sau vài canh giờ, nên nhà của họ ngoài mặt có đôi phần nhôi nhai hơn tất cả nhưng trong lòng thì rộng rãi, tinh tươm. Quay lại Tổng đội trung quân, tôi có nhắc đến những căn phòng đều ngăn ngắt. Ba nhân vật của chúng ta đang đứng tại một trong số đó. Phòng của người quản lý thư tịch có chiếc bàn to, trên mặt là một cái nghiên lớn mài ngập mực và mấy cuốn sổ dày cộp. Góc nhà kê chiếc giường đơn, chiếc chăn đã được lôi ra để đón mùa rét, và đôi cuốn sách để gối đầu. Cái tủ đứng cạnh tường bị long khoá, cái giá gỗ long lay trên tường vì chất quá nhiều thi thư. Người quản lý ngồi sau bàn, nghiêng khuôn mặt không già không trẻ hơi sát cuốn sổ do trời bắt đầu xâm xẩm mà chưa châm đèn. Ông lắc cổ cho đỡ mỏi, đung đưa đuôi tóc rễ tre màu bạc dù có buộc vẫn xù ra như bó lúa, miệng hèm hèm. Tiểu Nhi tựa lên bậu cửa sổ, tay gõ nhịp ra chiều sốt ruột. Dương Thạch ngồi ghế đối diện với chủ buồng, vẻ mặt thản nhiên, Dương Vân ngồi bên cạnh, ngắm nghía bìa cuốn sổ trên cùng của chồng sổ trước mặt để giết thời gian. Kiểm kê vũ khí trong kho. Nhìn vẻ mặt ra điều đăm chiêu của người quản lý, chàng bỏ thắc mắc xuống gầm bàn còn Tiểu Nhi bắt đầu dùng móng tay cậy bậu cửa. Cuối cùng thì người quản lý cũng xem xong, ông gập sổ lại, phớt lờ việc Tiểu Nhi đang làm, cất giọng quan trọng: - Tôi đã xem xét rất chi là kỹ lưỡng rồi. Hiện giờ chỉ còn Thanh Long và Bạch Hổ là thiếu quân, vừa đủ chỗ cho ba anh. Tiểu Nhi huýt sáo chế diễu, có mỗi thế mà ông già lẩm cẩm mất đến canh giờ. - Thanh Long thiếu 2, Bạch Hổ thiếu 1. ừm, ai là Dương Vân? - Dạ cháu. D ương Vân trả lời. Mắt vẫn không rời cái bìa. - Anh sẽ vào Bạch Hổ, hai anh kia vào Thanh Long. - Khoan đã, Tiểu Nhi nhảy khỏi bậu cửa, không thể xếp chúng tôi chung đội được sao? - Thế nào được. Có đội nào thiếu ba người đâu? - Hai cũng như ba. Thêm một cũng chẳng hại gì đúng không? - Anh này nói lạ, quân số bao nhiêu là do cấp chỉ huy, và tôi quyết định. Chưa đến lượt các anh. Ông già cáu sườn. - Quyền quyết định là của bác nên cháu mới đề nghị như thế. Bác thừa sức giúp cơ mà. Tiểu Nhi cứ khăng khăng. - Tôi làm gì chả được. Nhưng sao phải làm cho các anh? Chiến tranh là trò đùa nhà các anh đấy à? Các anh còn phải trẻ con đâu. Tôi quyết định như thế. Dương Vân vội xoa dịu Tiểu Nhi: - Em tự lo được anh ạ. Chàng nói với người quản lý. Cháu đồng ý. Tiểu Nhi thấy Dương Vân đồng ý thì không buồn cãi thêm nữa, trở về bục cửa sổ ngồi. Người quản lý ghi tên ba chàng, thu lại mấy cái thẻ phát ngoài cổng, đưa ra ba cái khác, khắc hình hổ hoặc rồng. Cậu em út nhìn hai anh với vẻ chững chạc. Tiểu Nhi chậc lưỡi còn Dương Thạch gật đầu khuyến khích. Họ ai về phòng nấy, hẹn nhau lúc nữa xuống nhà ăn. Dương Vân gõ cửa phòng, đích thân đội trưởng ra mở, trong phòng chỉ có một người nữa. Đội trưởng đội Bạch Hổ tên là Lê Đăng Khánh, tuổi mới ba nhăm, người ái Châu, mặt lưỡi cày dáng cao ráo. Chàng đã biết có thêm đội viên mới, nghe Dương Vân tự giới thiệu xong bèn giục cất đồ rồi ra lu rửa mặt. Khi Dương Vân quay lại thì đã có thêm mấy người về. Phòng bài trí đơn giản, kê vừa khít năm giường đôi, một tủ quần áo nhiều ngăn, một bàn viết đặt cạnh cửa sổ. Mọi người niềm nở làm quen với tân đội viên, sau đó kéo nhau đi ăn. Xuống đến nhà ăn, Dương Vân cười với Tiểu Nhi, Dương Thạch, đang đi cùng người đội Thanh Long. Chàng còn nhìn thấy ba chàng trai Giao Châu mà chàng gặp hồi chiều, theo lời mấy người cũ là đội Văn Lang tạm nhận chờ thành lập đội mới. Bữa ăn tối khá vừa miệng, nhà ăn rất đông, ai nấy đều quen việc có thêm thành viên nên chàng cảm thấy khá thoải mái. Hết bữa về phòng, chàng sắp xếp đồ dùng và làm loanh quanh mấy việc thì đội trưởng giục ngủ sớm vì đi đường mệt. Chàng được xếp ngủ cùng một đội viên người Hải Châu tên là Nguyễn Văn Huyên. Chàng này hồi hôm có việc đến khuya mới về. Dương Vân leo lên giường, cả phòng kéo nhau đi chơi hết, chỉ còn mình đội trưởng nằm đọc sách trên giường đối diện. Dương Vân nhắm mắt, lần đầu tiên sau nhiều ngày[font=.vntime], chàng có cảm giác yên ổn. Và cơn buồn ngủ ập đến.