I. Ngày sáu tháng bảy năm Đinh hợi, ở Tô Châu có tuyết lớn, trăm họ hoảng sợ cùng tới cầu đảo ở miếu thờ thần. Thần chợt mượn lời người nói "Những kẻ xưng là Lão gia hiện nay đều thêm một chữ Đại ở trước, hạng thần nhỏ nhoi như ta không đáng được chữ Đại ấy”. Mọi người run sợ, cùng gọi thần là Đại Lão gia, tuyết lập tức ngừng rơi. Từ đó mà xem thì thần cũng thích nịnh, huống gì kẻ sang cả ăn trên ngồi trốc. Dị Sử thị nói: Phong tục đổi thay, người dưới thì nịnh mà người trên thì kiêu, như trong khoảng bốn mươi mấy năm đầu niên hiệu Khang Hy (1662-1722) gọi là xưng hô không nệ cổ, rất đáng buồn cười. Cử nhân xưng là Gia, thì bắt đầu từ năm thứ 20 (1681), Tiến sĩ xưng là Lão gia, thì bắt đầu từ năm thứ 30 (1691), các quan ở Ty Viện xưng là Đại Lão gia, thì bắt đầu từ năm thứ 25 (1686). Trước đây quan tỉnh ra mắt đại thần, bất quá cũng chỉ xưng là Lão đại nhân mà thôi, nay thì cách xưng hô ấy đã bỏ lâu rồi. Cho dù là người quân tử thì gặp cảnh ngộ nịnh hót cũng phải làm theo lối nịnh hót, đâu dám xưng hô khác đi. Như vợ những người làm quan được gọi là Thái thái thì cũng chỉ mới vài năm nay thôi, chứ trước kia chỉ có mẹ của các quan mới được. Bắt đầu có lối xưng hô này, cứ vợ là được gọi như thế, chỉ có trong bọn lại rông càn là gọi bừa thôi, chứ ngoài ra chưa thấy. Thời Đường vua muốn gia phong cho Trương Duyệt làm Đại Học sĩ, Duyệt từ chối tâu rằng “Xưa nay chức Học sĩ không có chữ Đại, thần không dám nhận", chữ Đại ngày nay ai cho là lớn? Buổi đầu là do bọn tiểu nhân nịnh hót, rồi vì kẻ sang cả vui thích cứ nghiễm nhiên nhận lấy, nên thiên hạ cứ đua nhau mà gọi thôi. Trộm nghĩ vài năm nữa, kẻ xưng Gia sẽ trở thành Lão gia, kẻ xưng Lão gia sẽ trở thành Đại Lão gia, thì không biết bậc Đại Lão gia sẽ được tôn xưng thế nào cho cao hơn, thật là không biết ra sao nữa! II. Ngày ba tháng sáu năm Đinh hợi, ở phủ Quy Đức tỉnh Hà Nam có tuyết lớn ngập hơn một thước, lúa má chết sạch. Tiếc cho dân ở đó còn chưa biết cách nịnh hót thần, xót xa thay! 364. Hà Tiên (Hà Tiên) Công tử Vương Thụy Đình ở huyện Trường Sơn (tỉnh Sơn Đông) biết cầu tiên, thường được một vị tự xưng là Hà tiên, đệ tử của tiên ông Lữ Động Tân, có người nói là con hạc của Lữ tổ cưỡi. Mỗi lần giáng lâm, đều cùng mọi người luận văn làm thơ. Thái sử Lý Chất Quân thờ làm thầy, được chỉ vẽ cho về văn bài rõ ràng cặn kẽ. Thái sử cầu khẩn được Hà tiên nhiều khi tới ở cùng, nên văn sĩ nhiều người tới nương dựa. Nhưng tiên đoán việc cho người phần nhiều đều bàn lý lẽ chứ ít khi nói rủi may. Năm Tân mùi, Chu Văn Tông ra khảo thí ở Tế Nam, thi xong mọi người tới xin đoán về chuyện đỗ hay trượt, cao hay thấp. Hà tiên đòi xem bài làm của từng người, phẩm bình cả tháng. Trong bọn có người chơi thân với Lý Biện ở huyện Lan Lăng (tỉnh Sơn Đông), Lý vốn là kẻ sĩ ham học nghĩ xa, mọi người đều mong mỏi nên đưa văn bài của Lý ra nhờ tiên xem giúp. Tiên chú rằng "Hạng nhất", lát sau lại viết “Mới rồi là bình văn của Lý, song cứ theo văn chương thì thấy vận số rất xấu, phải bị roi vọt. Lạ thật, văn chương với số mệnh lại không phù hợp, chẳng lẽ Văn Tông không bàn văn chương à? Các ông chờ ở đây để ta đi xem thử một lúc". Giây lát lại viết “Ta vừa tới dinh quan Đốc học, thấy Văn Tông công việc bề bộn, đang lo nghĩ chuyện khác chứ không phải về văn chương, mọi việc đều giao phó cho đám mạc khách. Khách có sáu bảy người, toàn là hạng bỏ tiền gạo ra mua chức Giám sinh, kiếp trước đều không có khí cốt, quá nửa là kẻ chết đói giữa đường, hồn ma vất vưởng xin ăn khắp nơi thôi. Ở trong ngục tối tám trăm năm thì sức mắt suy giảm, cũng như người ở lâu trong hang chợt bước ra ngoài thì trời đất đều như đổi màu, không thấy rõ gì cả. Trong bọn có một hai người như thế đấy, duyệt quyển chấm văn e không hiểu đúng được đâu”. Mọi người hỏi cách cứu vãn, tiên viết "Cách ấy rất rõ, ai cũng hiểu rồi còn hỏi làm gì?". Mọi người hiểu ý đem chuyện kể cho Lý. Lý sợ đem văn bài tới dâng Thái sử Tôn Tử Vị, lại nói lời tiên. Thái sử khen văn, lại khuyên đừng tin nhảm. Lý thấy Thái sử là người chủ trì văn giáo trong nước, lấy làm phấn chấn không nghĩ tới lời tiên đoán nữa. Đến ngày ra bảng, Lý được xếp hạng tư. Thái sử hoảng sợ, đòi văn bài của Lý xem lại, cũng không hề phạm quy, bèn nói "Đốc học là quan tỉnh, vốn có văn danh, chắc không tới nỗi mù mờ như thế, đây chắc là do bọn mạc khách mê muội không biết chữ nghĩa mà thôi". Lúc ấy mọi người càng phục Hà tiên, cùng thắp hương vái tạ. Tiên giáng viết rằng "Lý sinh đừng chịu khuất phục một lúc để chịu xấu hổ, cứ chép quyển thi truyền rộng ra, sang năm thế nào cũng đỗ cao". Lý theo lời dạy, lâu sau trong dinh Đốc học cũng biết, bèn treo bảng đặc biệt an ủi. Năm sau quả nhiên Lý đỗ đầu. 365. Quan Huyện Lộ Thành (Lộ Lệnh) Tống Quốc Anh người huyện Đông Bình (tỉnh Sơn Đông) từ chức Giáo thụ được thăng làm Tri huyện Lộ Thành (tỉnh Sơn Tây), tham bạo bất nhân, thúc thuế càng dữ tợn. Những kẻ thiếu thuế bị đánh chết ngổn ngang dưới sân công đường. Từ Bạch Sơn ở làng ta ghé qua đó thấy tàn nhẫn quá, nói mỉa rằng "Làm cha mẹ của dân mà oai vệ tới thế kia à?". Tống nghênh ngang tỏ vẻ đắc ý đáp "Vâng ạ, không dám, quan chức tuy nhỏ, làm việc mới trăm ngày nhưng cũng đánh chết được năm mươi tám tên rồi". Nửa năm sau, vừa ngồi vào án xem việc, chợt trợn mắt đứng dậy, tay chân khua khoắng rối rít như chống cự người khác, kêu lên "Tội ta đáng chết! Tội ta đáng chết!". Mọi người đỡ vào nhà trong, được một giờ thì chết. Than ôi! May mà còn có âm ty kiêm nhiếp cả chính sự trên dương thế, thứ nếu không thì càng cướp đoạt của dân được nhiều càng nổi tiếng là làm quan mẫn cán, còn hại biết bao nhiêu nữa! Dị Sử thị nói: Nơi ở cũ của Lộ tử° người sống cứng cỏi nên chết cũng làm quỷ hùng. Nay có một viên quan cầm triện ngồi trên ắt có một hai bọn hèn hạ dua nịnh ở dưới. Lúc quan còn thế lực thì ra sức hầu hạ, lấy đó làm tấm bình phong, lúc quan đã thất thế thì cố gắng chạy chọt, xin cho vẫn được giữ chức. Quan không kể là tham hay liêm, cứ tới nhiệm sở nào cũng gặp hai việc ấy. Kẻ cầm quyền còn oai vệ ngồi đó, người chê bai đâu lại dám không theo, cứ thế theo nhau, lâu ngày thành lệ, thật cũng đã bị quỷ thần ở Lộ Thành cười cho lâu rồi. ° Lộ tử: hậu duệ của Hoàng Đế thời cổ, được phong tước tử ở đất Lộ nên gọi là Lộ tử. 366. Mỗ Sinh ở Hà Gian (Hà Gian Sinh) Mỗ sinh ở huyện Hà Gian (tỉnh Hà Bắc), trong ruộng chất rơm rạ thành đống như cái gò, người nhà hàng ngày rút để đun nấu, dần dần thành một cái lổ lớn. Có con hồ tới ở trong đó, thường hiện hình là một ông già tới gặp chủ nhân. Một hôm mời chủ nhân tới uống rượu, mời sinh chui vào trong đống rơm, sinh lấy làm khó khăn, mãi mới chịu chui vào. Vào trong thì thấy nhà cửa hoa lệ, vừa ngồi xuống thì trà rượu thơm ngát dâng lên, chỉ có ánh sáng mờ mờ không biết là ngày hay đêm. Uống rượu xong trở ra thì nhà cửa đều biến mất. Ông già cứ tối đi sáng về, không thể theo vết được. Sinh hỏi, ông ta đáp là bạn bè mời đi uống rượu, sinh xin theo cùng, ông ta không cho, nài nỉ mãi mới ưng thuận. Bèn nắm tay sinh kéo lướt đi như gió, khoảng nấu chín nồi cơm thì tới một nơi thành thị. Vào quán rượu thì thấy khách khứa rất đông, ăn uống cười nói ồn ào. Ông già dắt sinh lên lầu nhìn xuống, muốn ăn uống món nào trong các bàn bên dưới cứ nói, ông già tự xuống bưng lên bày đầy trên bàn mời sinh, mà những người bên dưới không ai biết gì cả. Lát sau sinh thấy chỗ bàn của một người áo đỏ có quít vàng, bảo ông già xuống lấy, ông già nói “Đó là bậc chính nhân, ta không tới gần được”. Sinh nghĩ thầm vậy mà hồ chơi với mình, ắt mình là kẻ gian tà, từ nay về sau phải thay đổi tính nết. Vừa nghĩ tới đó thì thấy không tự chủ được nữa, hoa mắt rơi xuống dưới, khách khứa bên dưới cả sợ, kêu ầm lên là yêu quái. Sinh ngẩng lên nhìn thì bên trên không phải là lầu, mà là xà nhà. Bèn kể hết sự thật, mọi người căn vặn thấy đúng, cho tiền trở về. Sinh hỏi thì ra đó là ở huyện Ngư Đài (tỉnh Sơn Đông), cách Hà Gian cả ngàn dặm. 367. Ông Họ Đỗ (Đỗ Ông) Ông họ Đỗ người huyện Nghi Thủy (tỉnh Sơn Đông), ngẫu nhiên đi chơi chợ ra, ngồi xuống dưới bức tường chờ bạn. Thấy người hơi mỏi mệt, chợt như thiu thiu ngủ, thấy một người cầm công văn bắt đi, tới một dinh thự xưa nay chưa từng biết. Có một người đội mão lóng lánh từ trong đi ra, thì là Trương Mỗ ở Thanh Châu, vốn là bạn cũ. Trương thấy Đỗ hoảng sợ nói “Sao Đỗ đại ca lại tới đây?". Đỗ đáp không biết chuyện gì mà bị bắt. Trương ngờ là lầm, trở vào tra xét, lại dặn “Ông đứng yên đây đừng đi đâu, sợ là lạc đường một phen thì khó cứu đấy”. Rồi đi vào trong hồi lâu không ra, chỉ có người cầm công văn trở ra, tự nhận là bắt lầm, thả Đỗ ra bảo về. Đỗ chào đi ra, trên đường thấy có sáu bảy cô gái dung mạo xinh đẹp, thích quá bèn theo sau. Xuống khỏi đường lớn rẽ vào hẻm nhỏ, đi được mười mấy bước thì nghe Trương gọi lớn phía sau "Đỗ đại ca, ngươi đi đâu đấy?", nhưng vẫn luyến tiếc không dừng lại. Chợt thấy các cô gái bước xuống một cái hang nhỏ, biết đây là nhà họ Vương bán rượu, bất giác thò người vào nhìn quanh, thì thấy mình đang trong chuồng, nằm cùng với một bầy heo con, chợt hiểu là mình đã biến thành heo rồi. Nhưng tai còn nghe tiếng Vương gọi, hoảng sợ, vội lấy đầu húc vào vách, nghe tiếng người nói "Con heo con này điên rồi". Quay ra thấy đã lại là người, vội chạy mau trở lại, thì Trương đang chờ trên đường, trách rằng "Đã dặn là đừng đi đâu, sao anh không nghe? Suýt nữa thì có chuyện không hay rồi?". Rồi nắm tay Đỗ dắt tới cửa chợ mới chào đi. Đỗ chợt tỉnh dậy, thấy mình vẫn còn ngồi dựa vào tường. Tới nhà họ Vương hỏi, quả có một con heo con húc đầu vào tường mà chết. 368. Lâm Thị (Lâm Thị) Thích An Kỳ ở huyện Tế Nam (tỉnh Sơn Đông) vốn là người phóng túng dông dài, thích lui tới chơi bời ở kỹ viện, vợ năn nỉ khuyên can nhiều lần vẫn không nghe. Vợ là Lâm thị, xinh đẹp mà hiền thục, gặp lúc quân Bắc vào cướp bị bắt đi, đêm ngủ lại trên đường, tên lính muốn cưỡng hiếp, Lâm thị giả ưng thuận. Tên lính tháo đao để lên đầu giường, nàng chụp dao cắt cổ tự tử, tên lính vác xác ném ra đồng, hôm sau nhổ trại rút đi. Có người nói là Lâm thị đã chết, Thích đau xót tìm tới, thấy nàng còn khẽ thở, bèn vác về. Qua ngày sau thì cựa mình, dần dần rên rỉ. Thích đỡ lấy cổ, đút ống tre nhỏ nước cho uống, vẫn nuốt xuống được. Thích vỗ về nói “Nếu nàng sống được, ta mà phụ sẽ bị chết chém”. Nửa năm Lâm thị bình phục như cũ, nhưng đầu bị niễng vì cổ có vết sẹo. Thích vẫn không cho là xấu, yêu mến còn hơn xưa, từ đó không bao giờ chơi bời đi ngang về tắt nữa. Lâm thị tự cho là mình xấu, định mua thiếp cho chồng nhưng Thích nhất định không chịu. Được mấy năm, Lâm thị không sinh nở, lại khuyên chồng cưới thêm tỳ thiếp. Thích đáp “Đã thề không phụ nhau, chẳng lẽ quỷ thần không nghe thấy sao? Cho dù không có con nối dõi thì đó cũng là số phận của ta, còn nếu chưa tới nỗi thế, thì chẳng lẽ từ nay đến già nàng không sinh con được à?”. Lâm thị bèn thác cớ có bệnh, để Thích ngủ một mình, sai tỳ nữ là Hải Đường tới ngủ dưới giường, lâu sau ngầm hỏi, ngườì tỳ nữ đáp không có chuyện gì. Lâm không tin, đến đêm bảo người tỳ nữ đừng đi, rồi tới nằm vào chỗ ấy. Giây lát, nghe trên giường có tiếng ngáy, rón rén trở dậy, leo lên giường mò mẫm. Thích tỉnh giấc hỏi ai, Lâm thị nói khẽ "Ta là Hải Đường mà". Thích đẩy ra nói "Ta đã có lời thề rồi nên không dám thay đổi, chứ như năm trước thì cần gì cô phải tự tới đây?". Lâm thị bèn xuống giường đi ra. Thích từ đó cứ ngủ một mình, Lâm thị sai người tỳ nữ giả làm mình mò vào, Thích nghe vợ xưa nay không bao giờ tự tìm tới với chồng, ngờ vực sờ lên cổ không thấy vết sẹo, biết là người tỳ nữ, lại đuổi đi, người tỳ nữ thẹn lui ra. Đến sáng, Thích đem chuyện kể lại, bảo Lâm thị mau gả chồng cho người tỳ nữ, Lâm thị cười nói "Chàng không cần cố chấp như vậy, nếu nó lấy được một người chồng như chàng thì cũng may lắm". Thích nói "Nếu phụ lời thề thì quỷ thần phạt ngay, lại còn mong có con nối dõi được à?". Hôm sau Lâm thị cười nói với Thích rằng "Phàm nhà nông thì có gặt được gì hay không không biết, chỉ biết là đến mùa thì phải cày cấy gieo trồng, đêm nay là tới kỳ cày cuốc rồi đấy?”. Thích hiểu ý cười. Đêm tới, Lâm thị tắt đèn, bảo người tỳ nữ vào nằm ở giường mình. Thích vào còn đùa nói "Người cày tới rồi đây!". Xong rồi, người tỳ nữ giả trở dậy đi rửa ráy, để Lâm thị vào nằm. Từ đó cứ thế làm mà Thích vẫn không biết. Không bao lâu người tỳ nữ có mang, Lâm thị cứ sai nghỉ ngơi, không cho qua lại làm việc trước mặt Thích. Rồi giả hỏi rằng "Thiếp khuyên lấy tỳ thiếp, mà chàng không nghe, nếu mai đây cho giả mạo thiếp lừa chàng, đến khi có mang thì làm sao?". Thích đáp "Giữ con bán mẹ", Lâm thị im lặng. Không bao lâu, người tỳ nữ sinh được một con trai, Lâm thị ngầm thuê vú nuôi, bế về nuôi ở nhà mẹ. Được bốn năm năm, lại sinh thêm một trai một gái. Con trai lớn tên Trường Sinh, được bảy tuổi, theo học ở nhà ông ngoại°. Lâm thị cứ nửa tháng một lần nói thác về thăm cha mẹ để chăm sóc. Người tỳ nữ càng lớn tuổi, Thích vẫn giục gả chồng đi, Lâm thị cứ ậm ừ. Người tỳ nữ hàng ngày nhớ thương con, Lâm thị theo ý, làm như gả bán, đưa về nhà mẹ, nói với Thích rằng "Chàng cứ nói thiếp không chịu gả Hải Đường, nay mẹ thiếp có con trai nuôi, nên cho cưới nó”. ° ông ngoại: tức cha Lâm thị, vì ngày xưa con vợ lẽ cũng phải coi vợ lớn của cha hơn mẹ ruột. Lại vài năm sau, con trai con gái đều lớn. Sắp tới ngày sinh nhật của Thích, Lâm thị chuẩn bị yến tiệc để mời bạn bè khách khứa, Thích than rằng “Năm tháng qua mau, chợt đã nửa đời rồi, may mà còn khỏe mạnh, trong nhà cũng không tới nỗi đói rét, chỉ thiếu một đứa con trai dưới gối mà thôi". Lâm thị nói “Chàng cứ cố chấp không nghe lời thiếp, bây giờ còn oán hờn ai? Có điều muốn có con trai thì hai đứa cũng chẳng khó, huống chi là một?". Thích cười nói "Nếu nói không khó, thì ngày mai xin mừng cho hai đứa con trai". Lâm thị nói dễ mà. Sáng dậy sớm, sai đem kiệu về nhà cha mẹ, cho các con ăn mặc chỉnh tề đưa hết cả về. Vào nhà, sai đứng xếp hàng gọi cha, cúi đầu chúc thọ, lạy xong đứng dậy, nhìn nhau cười hì hì. Thích kinh ngạc chẳng hiểu gì, Lâm thị nói "Chàng đòi mừng hai con trai, thiếp còn thêm một con gái đấy", rồi mới kể hết đầu đuôi. Thích mừng rỡ hỏi "Sao không nói sớm?", Lâm thị đáp “Nói sớm thì sợ chàng bỏ mẹ chúng. Nay con trai đã lớn, có bỏ mẹ chúng mà được à?". Thích xúc động rơi nước mắt, bèn đón người tỳ nữ về, cùng sống với nhau đến già. Ngày xưa mà có người vợ hiền như Lâm thị, thì đã gọi là thánh rồi. 369. Chuột Lớn (Đại Thử) Trong niên hiệu Vạn Lịch thờỉ Minh (1573-1619) trong cung có con chuột to bằng con mèo, cắn phá rất dữ. Sai tìm những mèo giỏi trong dân gian về để trị, đều bị nó ăn thịt. Gặp lúc nước ngoài tới cống con mèo sư tư, lông trắng như tuyết, bèn thả vào gian phòng có chuột, đóng cửa lại núp bên ngoài xem. Mèo ngồi hồi lâu thì chuột từ trong hang lắc lư bò ra, thấy mèo bèn giận dữ xông tới. Mèo nhảy tránh lên ghế, chuột cũng đuổi theo lên, mèo lại nhảy xuống đất, cứ như thế mãi không biết mấy trăm lần. Mọi người bên ngoài có kẻ nói mèo nhát sợ, cho rằng không sao trừ được chuột. Kế đó chuột đuổi chậm dần, phệ bụng ra thở dốc, ngồi xuống đất tạm nghỉ. Mèo lập tức phóng nhanh xuống, vả vào cổ, cắn vào đầu chuột. Vật lộn một lúc, nghe tiếng mèo vang vang, tiếng chuột khò khè, mọi người mở cửa vào xem, thì đầu chuột rách nát ra rồi. Mới biết trước đó mèo né tránh không phải là nhát sợ, mà là chờ cho chuột mệt mỏi vậy. Nó ra thì vào, nó vào thì ra, khôn ngoan như thế mà thôi. Ôi, kẻ thất phu cậy sức mạnh có khác gì con chuột kia đâu! 370. Cô Hai Hồ (Hồ Đại Cô) Nhà Nhạc U Cửu ở huyện Ích Đô (tỉnh Tứ Xuyên) bị hồ quấy phá, quần áo vật dùng cứ bị ném qua nhà hàng xóm. Nhà có cuộn vải mịn lấy ra định may quần áo, thấy dây buộc vẫn như cũ mà mở ra thì bên ngoài còn nguyên nhưng ở trong nát bét, bị xé vụn ra từng mảnh từng mảnh, đại khái cứ phá phách như thế. Người nhà chịu không nổi chửi rủa ầm lên, Nhạc ngăn lại, nói coi chừng hồ nghe. Hồ ở trên xà nhà lên tiếng "Ta đã nghe thấy rồi”, từ đó lại phá phách tệ hại hơn. Một hôm hai vợ chồng Nhạc ngủ chưa dậy, hồ vào vơ ráo cả quần áo đi. Hai người cứ trần truồng ngồi co ro trên giường nhìn lên trời khấn khứa thảm thiết. Chợt có cô gái từ cửa sổ chui vào ném trả quần áo lên giường, nhìn thấy không cao lớn lắm, mặc quần áo đỏ. Nhạc mặc xong quần áo chắp tay nói "Thượng tiên có lòng giáng lâm, xin đừng quấy phá, hãy làm con nuôi của ta được không?". Hồ đáp "Tuổi ta còn lớn hơn ngươi, sao dám láo lếu tự Tôn như vậy hả?”. Nhạc lại xin làm chị em gái, hồ ưng thuận, từ đó sai gia nhân gọi là cô Hai hồ. Lúc ấy công tử họ Trương thứ tám ở Nhan Trấn có hồ ở trên lầu, thường chuyện trò với người. Nhạc hỏi có quen biết không, hồ đáp "Đó là chị dâu của ta, sao lại không quen biết?". Nhạc nói "Chị dâu ngươi không quấy phá người, sao ngươi không học theo như thế?". Hồ không nghe, vẫn phá phách như cũ, nhưng không phá ai khác mà chỉ phá con dâu của Nhạc. Giày tất trâm vòng cứ đem vứt ra đường, tới bữa ăn thì cứ thấy trong chén có chuột hoặc cứt đái, người con dâu của Nhạc cứ ném bát chửi con đĩ hồ chứ không khấn khứa cầu xin gì cả. Nhạc khấn "Các cháu trong nhà đều gọi là cô sao ngươi lại cư xử không ra bậc Tôn trưởng như vậy?", hồ nói "Ngươi bảo con trai ngươi bỏ vợ, để ta làm dâu ngươi thì mới ở yên được". Người con dâu chửi "Con đĩ hồ không biết xấu hổ, định giành chồng của người ta à?". Lúc ấy người con dâu đang ngồi trên cái rương quần áo, chợt thấy khói dày đặc từ dưới bốc lên nóng bỏng như lửa, mở ra xem thì quần áo trong rương đều đã cháy hết, còn sót lại một hai cái đều là quần áo của mẹ chồng. Nhạc bảo con bỏ vợ, đứa con không chịu, qua mấy hôm lại thúc giục, đứa con cũng vẫn không chịu. Hồ tức giận lấy đá ném vỡ trán đứa con, máu chảy đầm đìa suýt ngất, Nhạc càng lo sợ. Thời bấy giờ ở Tây Sơn có Lý Thành Hào giỏi bùa chú, Nhạc đem lễ vật tới mời về. Lý lấy bột vàng vẽ lên vải đỏ làm bùa, ba ngày mới xong. Lại lấy kính buộc lên đầu lá bùa, ghép cán vào đem soi khắp nhà, sai đồng nam nhìn theo, bảo thấy gì thì nói ngay. Tới một chỗ, đứa nhỏ nói trên tường như có con chó nằm, Lý chỉ tay vào chỗ ấy vẽ bùa, kế bước ra sân niệm thần chú một lúc, lập tức chó heo trong nhà kéo tới cụp tai vẫy đuôi như chờ nghe lệnh. Lý xua tay bảo đi, chúng lại nhao nhao xếp hàng trở ra. Lý lại niệm thần chú, bầy vịt lập tức kéo tới, Lý lại xua ra. Kế tới bầy gà, Lý chỉ vào một con quát lớn, cả bầy tan đi chỉ riêng con gà ấy nằm lại, xếp cánh kêu lớn “Ta không dám thế nữa!". Lý nói "Có con vật này là vì trong nhà bện hình Tử Cô° đây”. Người nhà đều nói là không có làm. Lý nói “Tử Cô đang còn trong nhà mà". Mọi người cùng nhớ lại, sực nghĩ ra ba năm trước có chơi đùa bện hình Tử Cô, mọi việc quái dị bắt đầu xảy ra từ hôm ấy. °Tử Cô: Nữ thần trong truyền thuyết nhân gian Trung Hoa, ngày xưa đêm rằm tháng giêng người ta thường chơi đùa lấy vải vụn hay rơm cỏ bện hình Tử Cô đưa lên cúng với bánh trái, trà rượu. Tìm kiếm khắp nhà thì thấy hình nộm bằng cỏ vẫn còn trên rường. Lý đem đốt đi rồi lấy một cái vò khấn khứa ba lần, quát lớn ba tiếng, con gà đứng dậy chui vào. Mọi người nghe trong vò có tiếng nói "Họ Nhạc ác lắm, vài năm nữa sẽ gặp lại nhau”. Nhạc xin đốt cái vò, Lý không cho, mang đi. Có người thấy trong nhà Lý có treo mấy mươi cái vò nút miệng trên tường, đều là nhốt hồ bên trong, nói rằng Lý cứ lần lượt thả ra cho chúng quấy phá thiên hạ rồi bắt lấy tiền, như là món hàng lạ vậy.