Đã bắt đầu vào thời vụ, nhưng tuyết vẫn chưa tan. Tôi rất mê tuyết. Lần đầu tiên trong đời tôi nhìn thấy tuyết là ở Trùng Khánh. Hôm đó, vú nuôi mặc quần áo cho tôi xong, tôi rời khỏi giường vén rèm cửa sổ và lập tức bị loá mắt bởi màu trắng như bạc. Dưới chân núi, hôm qua còn là cái thôn trúc mọc lơ thơ với những ngôi nhà xấu xí, nay đẹp như trong mơ. Cả cái thế giới tinh khiết ấy đã khơi dậy trong tôi tình cảm dịu dàng, trong khoảnh khắc đó, tâm hồn và thiên nhiên hoà làm một. Tâm hồn trong trắng cảm thụ một thiên nhiên trong sạch, khiến tôi tự nhiên ứa nước mắt, trong lòng nảy sinh niềm kính cẩn trang nghiêm và khó diễn đạt bằng lời đối với thiên nhiên. Có thể nói, tuyết đã làm cho tôi trưởng thành quá sớm, sau đó tôi trở thành nhà thơ, và sau đó... Tuyết trên cao nguyên hoàng thổ đẹp đến mê mẩn. So với tuyết ở phương Nam, nó cao quý hơn, thư thái hơn, rộng lớn hơn và hùng tráng hơn. Tuyết phương Nam làm cho người ta cảm thấy mùa đông đã ở trước mặt, còn tuyết phương Bắc gợi cho con người nghĩ tới mùa xuân. Tuyết mới đúng là hoa xuân thật sự của cao nguyên hoàng thổ. Hôm nay tôi xúc phân lên xe ngựa, nghĩa là vận chuyển chỗ phân đã đập tơi hôm nọ ra đồng. Cánh đồng mênh mông, tuyết gần như phủ kín những gì thừa trên mặt đất. Bờ ruộng, con kênh, bờ mương, những cành cây trụi lá…tất cả những gì có góc cạnh đều trở nên trơn tru nhẵn nhụi, mịn màng chẳng khác lông tơ của con thiên nga, tưởng như tuyết ấm chứ không phải tuyết lạnh, khiến tôi cứ muốn áp má lên. Tôi không đi theo xe của Hỉ. Xà ích của tôi là một ông già. Ông im lặng đến kỳ cục, chậm chạp đến kì cục. Xe Hỉ mỗi ngày chở năm chuyến, ông chỉ chở có hai, mà ngựa của ông lại khoẻ hơn. Đồ ngốc! Roi vụt trâu khoẻ! Ta cứ tà tà thôi… - liếc nhìn Hỉ đang vênh váo cho xe vượt lên, ông lẩm bẩm, tay che cái mũi đỏ tía vì lạnh. Cả ngày ông chỉ nói có một câu ấy, như tự nhủ, và cũng như giải thích cho tôi. "Roi vụt trâu khoẻ" có nghĩa là người nào chịu khó, làm không tiếc sức thì thường bị đối xử chẳng ra gì, bị phê bình oan. Âu cũng là một thứ triết lý về cuộc đời! Cũng hay, xe của tôi đi chậm, khiến tôi có thì giờ suy ngẫm. ngồi trên xe, tôi lắc lư nhè nhẹ như trong mơ. Tuyết đã làm tôi nhớ tới Andersen, Pushkin, Lermontov… Tôi ngờ đâu Từ những đám mây chì Em rơi xuống! Em là hoa lê – bóng dáng của mùa xuân Rắc xuống trần bởi bàn tay ngà ngọc! Ôi, hãy cho tôi một cánh, một cánh thôi Để tươi mát lòng tôi! Em đã cứu Trương Vĩnh Lân, em đã cứu Khi em chìa tay ra Tôi ngờ đâu Em sinh ra từ bản nghèo hẻo lánh! Đôi mắt em Quyến rũ long lanhiểu Rạng rỡ thấy người con gái phương Nam Ôi tôi nhớ và tôi nhớ mãi Dấu tay em đáng giá ngàn vàng! Xe vấp phải mô đất, không qua được. Ông già kiên quyết dừng lại. Ông ngồi như bụt mọc trên càng xe, tay vẫn che mũi. Tôi rất biết thái độ như vậy là thế nào. Ở nông trường lao cải, họ gọi nó là "đồ chó chết". "Đồ" cũng tự như "phái", nhưng khác với "phái" trong chính trị hay học thuật. Người nào có thái độ a thì dù có uy hiếp, dụ dỗ, thuyết phục, động viên hay phê bình hay giáo dục đều vô hiệu, đành để mặc. Mặc kệ ông lão. Tôi đang nghĩ vì sao tôi dùng cái từ "quyến rũ" khi nói về cô. Lẽ ra tôi phải dùng những từ như "đồng trinh", "cao cả", "thần thánh", "nhân từ" mới đúng. Khi bụng đã no, tôi phát hiện ra rằng, có cái gì đó đang khuấy động trong tim tôi. trái tim của tôi như một mạng nhện còn vương những giọt nước sau cơn mưa, rung rinh nhè nhẹ. Bất giác tôi đỏ mặt. Cô đang cùng đám phụ nữ đảo phân ở trước chuồng ngựa. Chỗ phân đã đảo xong lem luốc cả bãi tuyết trắng, trông rất bẩn mắt, nhưng lại để cho lãnh đạo thấy rõ, hôm nay họ làm giỏi. Buổi chiều, đội trưởng Tạ thấy xe tôi về, vui vẻ hô to: Nghỉ thôi! Cũng như mọi ngày, các công nhân lẻ tẻ ai về nhà nấy. Cô chùi lưỡi xẻng, cố ý đợi tôi bên cạnh đống phân. Nghỉ một lát rồi đến nhà tôi nhé! Sao? Có chuyện gì phải không? – tôi nhảy từ trên xe xuống, ngượng ngùng hỏi. Sa…o? – cô cười, nhại tiếng của tôi một cách thích thú – Sa..o, sa..o bếp của anh lại khó cháy. Ăn xong cái mô mô lấy từ nhà bếp về, tôi đến nhà cô. Hiện giờ, mấy người trong tổ tôi ai cũng có việc riêng, họ không quản được tôi, cũng không chú ý đến tôi nữa. bộ mặt của tôi như thế này và vào thời điểm này, không ai gắn nó với hoa hồng. Tuy vậy, trên đường đi tôi vẫn thấy hơi lo. Khi tôi nhẹ nhàng đến bên cửa sổ Qua tấm rèm xanh mỏng Tôi nhìn thấy em, dáng vẻ yêu kiều Với chiếc khăn voan mềm mại! Không hiểu sao trong đầu tôi chợt nhớ lại lời dạo đầu của vở kịch thơ nào đó. Tất nhiên, cửa sổ nhà cô không có rèm xanh mỏng. Cũng như nhà ở của các công nhân khác, cửa sổ được ghép từ những mảnh kính vỡ. tôi đoán là khi xây dựng cơ bản, nông trường có mua kính thanh lý với giá rẻ. Đồng thời, cô cũng không có khăn voan, dù rằng cô dịu dàng không kém Macaley hoặc Tachiana. Cô ngồi ngay ngắn ở đầu giường vá quần áo lót dưới ngọn đèn làm bằng vỏ chai thuốc. Bé Xá đã ngủ say, đắp một cái chăn nhỏ đã phai màu. Bếp sao lại khó cháy? – tôi đẩy cửa bước vào, hỏi. nhưng hình như tôi cũng hiểu, không phải là bếp khó cháy. Sa..o! – cô cười, kéo dài giọng nhại tôi – Sa..o bây giờ anh mới đến? – nói xong cô cười khanh khách vì giọng của chính mình. Ánh đèn lấp loáng hàm răng đều tăm tắp, một chiếc răng hàm dưới hơi khểnh không làm giảm vẻ duyên dáng, trái lại, nó giống như các liếc ngang của Mona Lisa, trở thành một đặc điểm trong cái đẹp của cô. Tiếng cười làm bé Xá giật mình khiến cô ngừng bặt, nhảy xuống giường, lấy trong chảo bát đậu nấu với rau cải và hai cái bánh mì trắng. tôi mỉm cười ngượng ngùng gãi gãi sau gáy, khẽ hỏi: Lương thực bây giờ khó khăn, tôi cứ ăn mãi của cô sao được? Để dành cho bé Xá. Sa..o? – cô bật cười. Trước mặt cô, tôi vô tìn lại dùng cái từ "sao". Quả thật đối với cô, tôi hình như là nhân vật khó hiểu. Anh đừng dài dòng làm gì. Anh hãy cất bụng vào trong dạ ấy. chẳng phải người ta vẫn bảo tôi mở "quán ăn Mỹ"đấy sao? Cô cho một cách rất tự nhiên, tình thương của cô khiến tôi không cảm thấy khó chịu, nó mang những nét tinh nghịch của trẻ thơ và sự quan tâm của phái nữ. tôi cũng không hỏi cô, lương thực do đâu mà có. Thời buổi này mà hỏi câu ấy, có khác gì căn vặn người ta? Còn ở đâu nữa, phải tự hiểu lấy. Mọi nhà đều như vậy, chỉ mấy anh công nhân độc thân là không có điều kiện. Cánh độc thân ăn bếp ăn tập thể không nồi niêu xoong chảo, không mắm muối dưa cà, không…, có chăng chỉ có cặp mắt mở thao láo! Ăn xong, chúng tôi nói chuyện phiếm. Cô nói, cô từ Thanh Hải đến, chỉ có một mình người anh, hiện đang là thợ đúc của một xưởng nông cụ huyện, lấy vợ người địa phương. Cô không hợp với chị dâu, nên đến đây làm công nhân đã được ba năm. Nhưng rõ ràng là cô không thích nói những chuyện trên, mà say sưa nhớ lại hồi niên thiếu bằng những Lời lẽ sôi nổi. Cô nói rằng tất cả phụ nữ trong gia đình đều biết thêu, ngay cả gót bít tất cũng được thêu hoa. Đợi khi lĩnh lương, cô sẽ mua một đôi rồi thêu hoa tặng tôi. Tôi bảo không nên như thế, vì thêu hoa dưới gót để cho ai xem? Cô ngắm tôi từ đầu đến chân, không nói gì nữa. Tôi ngờ rằng cô đang đánh giá xem trên người tôi cần thứ gì. Sau đó cô lại nói chuyện về mẹ cô. mẹ cô hồi trẻ nổi tiếng về hát dân ca. Tất nhiên, cô không biết dùng từ dân ca, mà dùng từ "trại mẫu đơn", ai đã từng qua Hà Châu dự hội "Thái tử Sơn Hoa" thì sẽ biết từ này. Thủ thỉ hồi lâu, rồi cô bỗng hát khe khẽ: Trong vườn xanh xanh phỉ thái Để cho rau mãi mãi màu xanh Anh là con mương, em là nước Xin đừng xa cách Để nước em mãi mãi trong anh! Thế nào? – hát xong cô hỏi tôi, trong mắt lấp lánh niềm vui. Tôi đã ăn xong, yên lặng ngồi nghe. Tiếng hát du dương, căn buồng tĩnh mịch và ấm cúng, tiếng ngáy nhè nhẹ của bé Xá, ánh đèn dầu vàng dịu, niềm khoan khoái sau bữa ăn..tất cả như đưa tôi vào mộng. cảm thấy mình nhẹ tênh. Trước mắt tôi, thế giới hiện thực mờ nhạt đi, biến thành cầu vòng bảy sắc. Tim tôi như một khối hải miên phập phồng, sau mỗi lần nén lại nở ra như cũ, hăm hở hút lấy sương mai tinh khiết. Cô vẫn hát điệu Hà Niết Hoa, câu trên, nét nhạc cao vút, lặp đi lặp lại cao độ nhảy vọt từ nốt trước sang nốt sau là bốn bậc, hình thành làn điệu rề son la đố rế són, câu dưới từ nốt són cao độ tám đột nhiên xuống thấp, hình thành làn điệu són rề mi la son. Tuy là hát khẽ, nhưng làn điệu cao vút và ngân dài, biểu hiện tính cách trung thực, mạnh mẽ và niềm khát vọng yêu đương của dân tộc cô. Xưa nay chưa có bản nhạc nào, thậm chí cả nhạc giao hưởng, trực tiếp đi vào lòng tôi đến như vậy. Tôi rắn rỏi lên như vừa được tiêm một liềm thuốc bổ. Anh là người hát thơ phải không? Hát một bài cho em nghe đi – cô mỉm cười đề nghị, vẻ háo hức. Y hệt trẻ nhỏ, mình hát một, bạn hát một. Tôi nói, tôi không phải là "hát thơ", mà "làm thơ". Nhưng tôi không làm sao giảng giải cho cô hiểu "thơ" nghĩa là gì trong khái luận văn học. trong quá trình giảng giải, tôi bắt đầu ngờ rằng bản thân tôi cũng không hiểu rõ thế nào là "thơ". Sự sáng tạo của nhân dân một khi được đưa vào tháp ngà của học viện là mất đi cái chân chất của nó, mà muốn trả về chỗ cũ, ngôn gnữ thường là bất lực. Tôi bắt đầu hiểu rằng, nhà thơ, nhà văn nếu chi đến với quần chúng thôi, thì vẫn chưa đủ. Họ phải cùng chung số phận, cùng một tình cảm với quần chúng. Cuối cùng tôi đành phải nói, "thơ" là lời của bài hát. Thơ của tôi viết ra, cô có thể hát, còn tôi thì không biết hát, chỉ biết đọc. Vậy anh đọc cho em nghe đi! – cô bảo và tỏ ra sẵn sàng lắng nghe. Tôi dặng hắng một tiếng, không biết nên đọc bài nào. Đọc gì bây giờ? Tôi chợt nhận ra rằng những tác phẩm mà tôi đã in chỉ nên gọi là hò vè, không có tình cảm, ngâm không hợp. Có bài thì tình cảm sâu lắng thật đấy, tuy rằng viết để quần chúng đọc, nhưng chắc chắn là cô không hiểu. Hơn nữa, tôi không biết ngâm. Nhà thơ,à không biết nghâm thì chỉ là nhà thơ một nửa, thậm chí một nửa cũng chưa đúng. Tôi xấu hổ khi nhận ra rằng xưa kia tôi nông cạn như thế nào. Lát sau tôi chọn một bài dễ hiểu nhất của Lý Bạch: Đầu giường trăng soi sáng Tưởng là màn sương giăng Ngẩng đâù nhìn trăng tỏ Cúi đầu nhớ quê hương. Cô ngồi trên giường như cảm động về bài thơ. Nhưng ngay sau đó cười rúc rích, rồi thì lăn ra giường cười rũ rượi: Ôi chao, đến chết cười! Cái gì là "màn sương giăng", "màn sương giăng"? – cô ngồi dậy, quay mặt về phía tôi, miệng mở to nhại lại cách phát âm của tôi "sư..ơng", "sư..ơn". Thì ra cô chịu ảnh hưởng cách phát âm của dân tộc Đột Quyết thuộc ngữ hệ antai, khi phát âm Hán "sương" dùng đầu lưỡi đẩy hơi ra, miệng chỉ cần hé mở. Tôi phát âm "sương" miệng mở to, thậm chí hàm dưới cũng chuyển động. Bài này không hay. Anh đọc bài khác đi! Tôi đọc thơ Lý Bạch mà lòng nao nao thương cảm. Lý Bạch còn có thể nhớ quê, tôi thì quê hương cũng không có. Phần quê quán tôi ghi trong lý lịch, chẳng qua là quê tổ, tôi chưa về lần nào. Mẹ tôi ở nhờ nhà người ta ở Bắc Kinh. Tôi nhận ra rằng, nỗi đau của con người ta không phải là "nhớ quê", mà là không có quê để nhớ! Giờ này đây, cảnh lênh đênh không cửa không nhà và tình trạng mất gốc của tôi, thì phải đọc câu thơ Thôi Hiệu "Chiều tà quê cũ nơi nào nhỉ?" hoặc của Hàn Dũ "Mây vờn Tần Lĩnh, nhà nơi nao?" mới hợp. Nhưng nỗi buồn của tôi tan biến vì tiếng cười của cô, khiến tôi cũng bật cười theo. Tôi cảm thấy hình như cô có ý làm như thế. Đó là tình người ở cô, không một "khăn voan" nào che giấu được. Tôi nhìn cô mà lòng cảm kích, chợt nhớ câu thơ của Lý Dục "Ngồi tựa giường ngà tiên giáng thế. Cắn dây tơ đỏ, nhìn chàng cười duyên". Nhưng tôi vội gạt ngay ý tưởng lòng lang dạ sói ấy. Vì là đêm tuyết nên tôi nhớ kại bài thơ của Lư Luân: Trăng mờ nhạn bay cao Một mình đêm vượt rào Toan sai khinh kỵ đuổi Tuyết dầy phủ cung đao. Tôi đang giải thích cho cô từng chữ từng câu, thì Hỉ đẩy tung cửa bước vào. Ánh đèn chập chờn, tôi liếc thấy anh ta giấu một cái bao tải căng phồng vào sau cửa. Vì anh vẫn tỏ ra thù địch ngầm với tôi, nên tôi cũng không thèm chào hỏi, lại tiếp tục giải thích. Cô làm như không biết có Hỉ đến, ngay cả chào một câu cũng không. Hỉ vẫn tư thế thường ngày, hai tay bó gối, ngồi xổm trên nền nhà. Tôi giảng giải xong, anh ta nhổ một bãi nước bọt đánh "phẹt" một cái, nói: Xì! Đuổi với chả đuổi! Người ta định bỏ đi thì mồng thất mới biết! Khinh kỵ là cái thá gì? Đuổi bằng máy bay cũng ăn c. cho nó! Anh thì hiểu gì? – cô quay lại trừng mắt nhìn Hỉ - Anh chỉ biết mỗi chuyện nó rồi thì không đói! Câu nói giểu của Hỉ làm tôi thấm thía. "No rồi thì không đói", cái chân lý ấy tôi phải hai mươi lăm năm mới hiểu được, và đã phải trả giá bằng gần kề cái chết. Hiểu được nó còn khó hơn hiểu "khoa học về thơ" của Aristode. Hề hề.. Hỉ cười nhạt, để lộ hai hàm răng rắn chắc, đầy nước bọt. hiểu được "no rồi thì không đói" cũng không dễ, chỉ sợ có người ngay cả cái lý ấy cũng không hiểu! Tôi kinh ngạc liếc nhìn cô. Câu nói của Hỉ là có ẩn ý, hơn nữa, anh hùng tiếc anh hùng, con người này và tôi có điểm giống nhau, tôi có cảm tình với anh ta theo kiểu "vượn thương vượn". Nhưng Hỉ đã làm cô nổi cáu. Cô quay lại bếp lấy cái chổi, quét lia lịa một thôi một hồi: Đi đi đi! Đi cả đi! Tôi buồn ngủ rồi!