Thay Morrie mà tôi biết, thầy Morrie mà nhiều người khác biết, có lẽ đã không trở thành người như chúng tôi biết, nếu ông không từng nhiều năm làm việc tại một bệnh viện tâm thần nằm ngay ngoài rìa Washington D.C., một nơi có tên là Chestnut Lodge (Quán trọ Hạt Dẻ) - cái tên thơ mộng khiến nhiều người ngộ nhận. Đó là một trong những nơi dừng chân đầu tiên của thầy sau quãng thời gian miệt mài lấy bằng cử nhân và bằng tiến sĩ ở Đại học Chicago. Từ chối làm nghề thuốc, luật sư, thương mại, thầy quyết định làm nghiên cứu để có thể cống hiến mà không khai thác ai. Nghiễm nhiên, thầy có quyền quan sát và thu thập các hành vi của những bệnh nhân tâm thần. Ngày nay, công việc quái gở ấy đã trở nên bình thường, nhưng vào thập niên 1950, nó quả là một công việc mới mẻ, và thầy là một trong những bậc tiền bối khai phá nó. Thầy nhìn tận mắt những cảnh tượng: người thì la hét tối ngày, người lại khóc sướt mướt suốt đêm, kẻ thì xé rách hết quần áo, kẻ lại nhất quyết không chịu ăn - phải cưỡng chế, và tiêm thức ăn vào tĩnh mạch. Có một nữ bệnh nhân tuổi trung niên cứ hay vụt chạy ra khỏi phòng, nằm dài úp mặt xuống sàn nhà, mặc cho y bác sĩ lấn bấn xung quanh. Thầy Morrie nhìn bà một cách kinh hãi. Thầy ghi chú (nhiệm vụ của thầy mà). Mỗi ngày bà đều hành động như nhau: buổi sáng ra đi, nằm sóng soài cho tới tối, không nói với ai, không đếm xỉa tới ai. Thầy buồn quá đỗi. Thầy ngồi xuống bên bà, thậm chí nằm dài bên cạnh, cố bứt bà ra khỏi nỗi sầu thảm. Cuối cùng, thầy thuyết phục được bà ngồi dậy, quay trở về phòng. Thầy nghiệm ra điều bà khát khao nhất cũng chính là điều mọi người ham muốn: ai đó biết rằng bà đang nằm trên sàn. Năm năm ở Chestnut Lodge, dù không ai đòi hỏi, thầy Morrie vẫn kết bạn với vài người bệnh. Một bà đã tếu táo với thầy: "Tôi may mắn làm sao khi ở đây, vì chồng tôi dư đủ tiền để trả chi phí. Anh có thể tưởng tượng tôi sẽ thê thảm cỡ nào nếu như tôi phải sống trong những bệnh viện nhớp nháp rẻ tiền?" Một phụ nữ khác, chuyên nhổ nước bọt vào người tới lui, nhưng lại gọi thầy Morrie là bạn. Họ trò chuyện hàng ngày, các bác sĩ cho rằng cần có ai đó canh chừng bà ta. Thế rồi một ngày kia, bà vùng bỏ trốn, thầy được yêu cầu đi bắt bà ta lại. Người ta đuổi theo bà sát nút. Quay lại trông thấy thầy, bà ta hét lên thất thanh: "Ông cũng là một tên trong bọn họ". "Một trong những người nào?" "Bọn cai ngục. Chúng coi giữ tôi suốt". Thầy Morrie nhận xét, các bệnh nhân tại đây hầu hết đều bị quên lãng, và bị chối bỏ. Họ cảm thấy như không tồn tại. Họ thiếu vắng lòng thương cảm - thứ mà các nhân viên không cho họ. Nhiều người thuộc các gia đình giàu có, nhưng của cải không mang lại cho họ hạnh phúc hay sự mãn nguyện. Đó là bài học thầy không bao giờ quên.Tôi từng chọc ghẹo thầy rằng thầy bị sa lầy trong những năm 1960. Thầy từ tốn bảo quãng thời gian đó chẳng tệ gì hơn thời điểm chúng ta đang sống hiện nay. Sau khi rời công tác trong lĩnh vực nghiên cứu sức khỏe tâm thần, thầy chuyển tới Đại học Brandeis. Thập niên 1960 vừa hé mà sân trường đã biến thành một xã hội thu nhỏ: ma tuý, tình dục, phân biệt chủng tộc, phản đối chiến tranh Việt Nam. Abbie Hoffman, rồi Jerry Rubin, rồi Angela Davis lần lượt vào trường. Sinh viên của thầy Morrie thuộc đủ mọi màu da. Đó chỉ là một phần của bức tranh. Thay vì chỉ dạy học. Ở đây người ta còn phải giải quyết các vấn đề xã hội. Chẳng hạn như phong trào chống chiến tranh - một cuộc chiến cay đắng. Khi biết rằng sinh viên nào không đạt được điểm trung bình sẽ bị bắt quân dịch, các giáo sư đã nhất quyết không chấm điểm gì hết. Chính quyền dọa nếu thế thì tất cả đều bị đánh rớt. Thầy Morrie có một giải pháp: cho tất cả sinh viên đều được điểm "A". Và thầy giữ lời! Ngay khi thập niên 1960 khuấy động giảng đường, nó cũng xách động các giáo sư trong khoa của thầy. Họ mặc quần Jeans và đi xăng đan lên lớp - nơi họ coi là lẽ sống của mình. Họ chọn cách diễn thuyết, vận dụng các học thuyết. Họ gửi sinh viên đến Deep South tham dự chương trình đòi quyền công dân, vào nội ô thành phố để thâm nhập thực tế. Họ hòa mình vào các cuộc tuần hành phản kháng ở Washington. Thầy Morrie đi xe buýt cùng học trò. Một lần ngồi trên xe, thầy khoái chí trông thấy một nhóm phụ nữ mặc váy xòe, cổ đeo xâu chuỗi, tiến đến trước hàng lính gác một cách thánh thiện, và đặt những chùm hoa ngay các nòng súng. Rồi họ trở về ngồi trên bãi cỏ, tay nắm tay, cố gắng thức tỉnh Lầu Năm Góc. "Họ không thành công", sau đó thầy nhớ lại, "nhưng đó thật là một nỗ lực lớn lao". Có lần, một nhóm sinh viên da đen chiếm Ford Hall trong khu Đại học Brandeis và treo một băng rôn đề "TRUỜNG ĐẠI HỌC MALCOLM X” to tướng vòng quanh tòa nhà. Ford Hall có nhiều phòng thí nghiệm hóa học, cho nên một số nhà chức trách nghi ngại họ chế tạo bom dưới tầng hầm. Thầy Morrie biết tỏ tường hơn - tới tận cốt lõi sự việc. Chẳng qua là loài người muốn quan trọng hóa vấn đề ấy mà! Cuộc cầm cự kéo dài vài tuần. Không ai biết nó sẽ kéo dài bao lâu nếu như không có thầy Morrie xuất hiện. Thầy đang đi ngang qua tòa nhà thì một kẻ chống đối nhận ra vị giáo sư yêu quý của mình bèn rối rít gọi và cuống quít ra hiệu cho thầy trèo vào qua đường cửa sổ. Một giờ sau, thầy bò ra bằng lối cũ với một danh sách những yêu sách cho ban giám hiệu. Vụ việc này được truyền bá khắp nơi. Thầy luôn luôn tạo hòa khí. Ở Brandeis, thầy dạy học trò về tâm lý xã hội, những căn bệnh thần kinh, quy trình đội nhóm, và sức khỏe. Ngày nay những điều đó được gọi là hướng nghiệp, hoặc đào sâu hơn là "Sự phát triển cá nhân". Chính vì điều này mà những sinh viên kinh tế, luật ngày nay sẽ coi những đóng góp của thầy là ngây thơ dớ dẩn. Học trò của thầy đã kiếm được bao nhiêu tiền? Họ đã chiến thắng được mấy thương vụ? Một lần nữa, có mấy sinh viên luật, kinh tế thăm lại thầy cũ? Trong khi học trò của thầy Morrie thăm thầy thường xuyên. Trong những tháng cuối đời, hàng trăm người trở về từ New York, Boston, California, Luân Đôn, Thụy Sĩ. Từ những văn phòng nhà máy, đến những chương trình học đường trong nội thành. Người ta viết thư, gọi điện đến. Họ đi hàng trăm dặm để đến thăm thầy, nói chuyện, và mỉm cười với thầy. "Chúng em chưa bao giờ có một người thầy nào khác như thầy cả" - Họ đồng thanh biểu lộ như thế. Kể từ khi được học với thầy Morrie, tôi được hiểu biết thêm về cái chết, về các quan niệm của những nền văn hóa khác nhau, về chặng đường cuối cùng của cuộc đời. Cư dân một bộ lạc ở vùng Cực miền Bắc Mỹ tin rằng vạn vật đều có linh hồn đựng trong một mô hình thu nhỏ của cơ thể đang cầm giữ linh hồn ấy. Một con nai có một con nai nhỏ trong nó, một con người có một phiên bản người trong anh ta. Khi hình hài lớn chết đi, hình hài nhỏ vẫn còn sống tiếp. Nó trôi bềnh bồng và nhập vào sinh vật mới sinh gần đấy. Bằng không, nó sẽ trú ngụ tạm thời ở đâu đó trên trời, trong bụng của một nữ thần vĩ đại, và chờ cho đến khi mặt trăng đưa nó trở về trái đất.Người ta kể rằng, thỉnh thoảng mặt trăng bận di chuyển các linh hồn mới đến nỗi mà nó biến mất khỏi bầu trời. Điều đó giải thích tại sao có những đêm không trăng. Cuối cùng, mặt trăng bao giờ cũng trở lại.Họ tin chắc như thế.