Nói về Dương Diên Đức đột phá ra khỏi trùng vây, sau lưng tiếng reo không dứt, ngoái nhìn thấy quân Phiên đang thừa cơ đuổi đến. Diên Đức chạy đến bên rừng, tự nghĩ: "Hôm đó tại Ngũ Đài Sơn, Trí Thông thiền sư đưa cho ta một cái hộp nhỏ, dặn rằng nếu gặp nạn thì mở ra, hôm nay sao không xem còn đợi khi nào?" Liền từ trong mình lấy mở ra, thì ra trong đó có một con dao cạo, nửa tờ hộ điệp. Diên Đức hiểu ý, liền bẻ gãy cán búa, giấu lưỡi búa vào người, cởi bỏ chiến bào, mũ trụ, treo ở trên cây, cắt ngắn tóc, đứng dậy hướng về Ngũ Đài Sơn mà đi. Ờ đây nói về quân Phiên xông phía Đông, đánh phía Tây, đánh giết cho đến hoàng hôn mới biết vua Tống từ cửa Đông mà đi, đã đi được hơn 200 dặm đường rồi. Bọn Hàn Diên Thọ vô cùng tức tối tiếc rẻ, đành thu quân về U Châu, tâu với Tiêu hậu: "Tống đế dùng kế trá hàng trốn ra cửa Đông, nay chỉ giết được ba tên Tống tướng, và bắt sống một tướng, thu toàn thắng mà về”. Tiêu thái hậu vui mừng nói: "Nếu thắng được Dương gia tướng soái, thì người Tống đã mất hồn rồi, ta từ từ mà đánh cũng chưa muộn". Nên lệnh cởi trói cho tướng bị bắt, hỏi rằng: "Ngươi là tướng Tống triều, nay làm chức gì? Diên Lăng ưỡn ngực đứng thẳng, quát to rằng: "Nay lỡ bị mi bắt, hôm nay duy chết mà thôi, hà tất hỏi nhiều?" Hậu nổi giận nói: "Hiếm gặp người như mi để giết vậy!" liền hạ lệnh quân hiệu giải ra, Diên Lăng mặt không biến sắc, nói rằng: "Đã là đại trượng phu thì ai sợ chết, muốn giết thì xin cứ khai đao, đâu cần phải giận như vậy?" nói xong, khẳng khái chờ chết. Tiêu hậu thấy lời nói đình đạc, hình dáng phong nhã, trong lòng rất bất nhẫn, liền nói với tưởng Tiêu Thiên Tả rằng: "Ta muốn thả người này, đem gả Quỳnh Nga công chúa cho để chiêu làm phò mã, ý khanh thấy như thế nào?”. Thiên Tả nói. "Chiêu hàng là một việc làm thịnh đức, sao lại không thể". Hậu nói: "Chỉ e hắn không nghe theo". Thiên Tả nói: "Nếu lấy lòng thành đãi hắn, làm gì mà không chịu hàng". Hậu liền lệnh Tiêu Thiên Tả truyền chỉ cho Diên Lăng biết. Diên Lăng trầm ngâm hồi lâu, tự xét rằng: "Ta vốn bị bắt, cho dù có chết cũng không ích gì. Chi bằng cứ ưng thuận, lưu lại nước khác hoặc biết động tĩnh ở đây, rồi tính việc báo thù, đó chẳng phải là cơ hội”, liền nói: "Nếu nương nương xá tội cho tôi không chết, thì thật là may mắn? Sao lại còn dám trèo cao?" Thiên Tả nói: “Chúa ta thấy ông là người có nghi biểu, nên mới có đề nghị này, sao lại từ chối?" Cho đến khi Diên Lăng ưng thuận mới tâu lại. Hậu liền sai cởi trói, hỏi họ tên. Diên Lăng tự nghĩ họ Dương vốn là điều mà người Liêu e sợ, nên giấu tên và mạo tấu rằng: "Thần họ Mộc, tên Dịch, nay đang làm chức Đại Châu Giáo luyện sứ". Hậu mừng rỡ, liền chọn ngày tốt, chuẩn bị y quan để Mộc Dịch thành thân, chuyện không có gì đáng nói. Nói đến Thái Tông đã về Biện Kinh, văn võ triều kiến xong. Thái Tông tuyên Dương Nghiệp vào điện để úy lạo và nói: "Trẫm thoát được nạn này, đều do công của tha con khanh cả, nay không biết tin tức của Uyên Bình như thế nào?”. Nghiệp tâu rằng: "Con trưởng của thần tính cương trực bất khuất, nay tất sẽ bị bắt". Chưa nói xong, cận thần tâu rằng: "Dương Uyên Bình do bắn chết tướng soái Phiên là Thiên Khánh vương, nên toàn quân đều đã bị giết" Thái Tông nghe tâu thất kinh than rằng: "Khiến lương tướng rơi vào đất chết, ấy thật là lỗi của quả nhân", nói rồi rơi lệ. Dương Nghiệp nói: "Thần từng thề rằng, sẽ lấy cái chết để báo ơn bệ hạ, nay tuy vài đứa con thần chết trong binh cách, đều là số mạng, bệ hạ không nên buồn phiền". Thái Tông lại an ủi một hồi, rồi khiến Dương Nghiệp lui ra. Hôm sau thiết triều, cùng văn võ thương nghị cách báo công cho cha con Dương Nghiệp. Phan Nhân Mĩ tâu: "Biên giới nhiều việc, Dương Nghiệp phụ tử là tướng trung cẩn, bệ hạ nên phong cho trách nhiệm tướng soái, để hiển kỳ tài năng”. Thái Tông chuẩn tấu, liền phong Dương Nghiệp làm Hùng Châu Phòng ngự sứ, lúc Nghiệp sắp đi vua ra điện gặp dụ rằng: "Chuyến này khanh đi nên vì trẫm chuyên lo việc nơi biên giới, nếu có triệu thì mới đến, không chỉ thì không nên sơ suất rời khỏi". Nghiệp dập đầu thụ mệnh rồi lui ra, về tới Vô nịnh phủ dặn dò Bát Nương, Cửu muội phải chăm sóc mẹ, rồi tự mình dẫn lục lang, thất lang cả ba người đến Hùng Châu, chuyện không có gì đáng nói. Ở đây nói đến bọn Gia Luật Hưu Ca nghe tin quân Tống bại trận ở Phần Dương, nhiều lần sai người về tâu với Tiêu hậu, nên thừa cơ tiến quân để lấy Trung Nguyên. Tiêu hậu do đó cùng quần thần thương nghị kế sách chinh phạt. Hữu thừa tướng Tiêu Thái Lãn tâu rằng: "Thần tuy bất tài, nguyện xuất quân tiến đánh". Tiêu hậu nói: "Khanh đi chuyến này trước tiên tới hỏi lấy ba nơi để ta đóng quân là Kim Minh Trì, Ẩm Mã Tĩnh, Trung Nguyên Tuần. Nếu cho, thì tạm thời lui về; nếu không cho thì ta có cớ để xuất quân vậy". Thái Lãn lãnh chỉ, ngay hôm đó cùng đại tướng Hàn Diên Thọ, Gia Luật Tà Chẩn dẫn hai vạn bộ binh từ Qua Châu xuống phía Nam. Chỉ thấy rằng: Tinh kỳ thiểm thiểm càn khôn ám, Qua kích tầng tầng bạch nhật hôn. (Cờ xí chập chờn tối trời đất, Gươm giáo chập chùng mịt cõi xa). Người ngựa tới Hồ Yến Nguyên hạ trại, tin tức truyền vào Biện Kinh, các quan tâu với Thái Tông. Thái Tông giận nói: "Quân Liêu nhiều lần xâm phạm biên cương. Trẫm phải ngự giá thân chinh, để rửa mối nhục ở phần Dương". Khấu Chuẩn tâu rằng: "Xa giá bệ hạ mới về sao nay lại đi nữa? Chỉ cần sai tướng soái, là đủ để lui chúng rồi". Thái Tông nói: "Ai là người có thể thay trẫm đi?" Chuẩn nói: "Thái sư Phan Nhân Mĩ biết rõ tình hình nơi đó, có thể đảm đương trách nhiệm này”. Thái Tông chuẩn tâu, liền hạ chỉ lệnh phong cho Phan Nhân Mĩ chức Chiêu Thảo sứ, dẫn quân đi chống quân Phiên. Phan Nhân Mĩ được chỉ, quay về tới phủ, không vui. Con là Phan Chương hỏi rằng: "Đại nhân vì sao không vui?" Nhân Mĩ nói: "Chúa thượng có lệnh đi đánh quân Phiên, ta lại không dám từ thánh chỉ, nay đi cũng không sao, chỉ là không có tiên phong, do đó chần chừ chưa quyết:". Chương nói: "Tiên phong ở trước mắt, sao đại nhân không đề cử”. Nhân Mĩ hỏi: "Người mi nói là ai?” Chương nói: "Hùng Châu Dương Nghiệp phụ tử có thể sung làm tiên phong”. Nhân Mĩ mừng rỡ nói: "Mi nếu không nói thì ta cơ hồ quên mất!" hôm sau vừa sáng liền vào triều tâu với Thái Tông rằng: "Chuyến này khuyết chức tiên phong, cần phải tới Hùng Châu triệu hồi cha con Dương Nghiệp tất có thể phá được quân Phiên vậy". Thái Tông chuẩn tấu, sai sứ mang chỉ tới Hùng Châu gặp Dương Nghiệp, tuyên đọc chiếu thư: Trẫm vì quốc vận gian nan, chính là lúc trung thần nghĩa sĩ có thể lập công. Gần đây biên cương báo về, Bắc Phiên ồ ạt kéo quân vào cướp, quân dân kinh nhiễu, nên chiếu mệnh Phan Nhân Mĩ làm hành doanh Chiêu Thảo sứ để chống cự lại. Duy chỉ có Dương Nghiệp ngươi, là người mà người Liêu ngưỡng mộ, thích hợp để đi chuyến này. Ngày lệnh trẫm đến, hãy mau về chầu, để bàn việc tiến đánh, không được trễ nải lỡ việc. Nay chiếu cho biết. Dương Nghiệp được chỉ, ngay hôm đó dẫn quân lên đường vào Biện Kinh triều kiến Thái Tôn. Thái Tông ban thưởng rất hậu và phong làm chức Hành doanh đô thống tiên phong. Nghiệp thụ mệnh lui ra, hồi phủ vào gặp phu nhân. Ngay lúc phu nhân đang cùng với Thái quận Sài phu nhân ở trong đường ngồi chơi. Dương Lệnh Công làm lễ tương kiến xong, phu nhân hỏi: "Lão tướng quân vì sao hồi triều?" Nghiệp nói: "Bắc Phiên xâm phạm biên cương, chúa thượng có chiếu đến đòi, sai lão tướng làm chức tiên phong, chọn ngày xuất chinh, nên về gặp mặt phu nhân một chút". Phu nhân nói: "Ai làm chủ soái?" Lệnh Công đáp: "Là Phan Nhân Mĩ" Phu nhân đột nhiên không vui nói: "Trước đây ở Hà Đông, người này bị ông làm nhục, nên luôn muốn hại cha con ông, may mà chúa thượng anh minh, hắn chờ thế thi hành mưu kế. Nay hiệu lệnh nắm trong tay hắn, huống chi con lớn năm người đã bị mỗi người một nơi, chỉ còn ông cha con ba người, chuyến đi này khó bảo đảm sẽ không có ý hãm hại. Lệnh Công sao không nghĩ ra?" Nghiệp nói: “Việc này ta vốn biết từ lâu, nhưng nay chúa thượng có mệnh, ai dám trái lại". Thái quận nói: “Để con ngày mai đích thân vào tâu, cầu xin dùng triều thần khác cùng Lệnh Công đi chuyến này. Hắn tất không dám có mưu hại vậy". Phu nhân nói: “Ta sẽ cùng đi với quận chúa". Lệnh Công mừng rỡ, liền bày tiệc rượu cùng uống. Qua một đêm, hôm sau Dương Lệnh Bà cùng Thái quận phu nhân vào triều, cận thần vào tâu báo với Thái Tôn, Thái Tông liền xuống thềm nghênh đón. Vì sao quân vương lại tôn kính Dương Lệnh Bà như vậy? Bởi vì trên tay phu nhân cầm một cây Long đầu quái trượng, trên treo một tấm bài nhỏ, ngự thư tám chữ: "Tuy vô loan giá, như trẫm thân lâm”. Là do Thái Tổ hoàng đế di sắc ban cho, nên vì đó mà phải kính trọng vậy. Thái Tông tiếp lên trước điện, mệnh quan hầu cận ban cho hai người tú ỷ để ngồi, hỏi rằng: "Trẫm chưa có mệnh, Lệnh Bà cùng Thái quận phu nhân vào triều, có kiến nghị gì chăng?" Thái quận đứng lên tâu rằng: "Nghe bệ hạ sai tướng chống quân Phiên, chủ soái là Phan Nhân Mĩ lâu nay cùng Dương tiên phong bất hòa, chuyến này e rằng không có lợi, xin hãy niệm phụ tử ông ta trung cần với nước, bệ hạ nên đối xử tốt vậy”. Thái Tông nói: "Đây là vương sự, người khác e đi không được Thái quận có lương sách nào không?” Thái quận nói: "Bệ hạ nếu sai đi, thì cần phải ở trong đình thần cử ra một người có danh vọng, để cho cùng đi, ắt sẽ khỏi lo vậy”. Thái Tông nói: "Lời đề nghị rất hay" liền hạ chiếu lệnh văn võ chọn ai có thể bảo vệ Dương Nghiệp xuất chinh. Chiếu mệnh vừa xuống, Bát Vương vào tâu: "Thần cử một người, có thể bảo đảm cùng đi". Đế hỏi là ai, Bát Vương nói: "Hành doanh đô tổng quản Hô Diên Tán, người này một lòng trung nghĩa, có thể làm bảo quan”. Vua mừng rỡ nói: "Khanh cử người này thật xứng chức vậy", liền hạ mệnh, kêu Hô Diên Tán bảo Dương Nghiệp cùng xuất sư. Dương Lệnh Bà cùng Thái quận bái biệt vua mà ra. Hôm đó bãi triều, Dương Nghiệp nghe Hô Diên Tán làm bảo quan, vô cùng mừng rỡ, liền quay về Hùng Châu, sắp xếp quân bản bộ lên đường.