Quầng sáng của chiếc đèn bàn chỉ rọi rõ chồng hồ sơ, chiếc ghế bành gần đó và tấm thảm trên sàn cùng đôi chân duỗi dài của viên thiếu úy. Còn khuôn mặt của anh ta lẫn của thiếu tá Vưđ-ma và toàn bộ căn phòng đều chìm nghỉm trong khoảng tranh tối tranh sáng. Ghéc-xơn báo cáo lại, nói đúng hơn là thuật lại những diễn biến tại Da-lê-xy-e mà anh vừa rời khỏi cách đây chưa đến vài tiếng đồng hồ: - Chúng tôi cho xe vượt lên trước họ ở quãng gần ga, rồi tăng tốc độ. Khi chiếc ô tô kia xuất hiện, tôi liền hạ lệnh quay ngang xe ra ngáng đường. Hai đứa kia không hề chống cự mảy may, nhưng An-ca lại tháo chạy. Phản ứng của cô ả thật đường đột: xe chưa kịp dừng hẳn cô ấy đã nhào ra, lủi vội vào rừng. Trời tối như mực nên đừng hòng nói chuyện truy nã. Tôi phái Den-tếch đuổi theo. Chắc cô ta núp bừa trong một lùm cây nào đó, cạnh chỗ xe đỗ, chờ cho chúng tôi bỏ đi mới lăn ra. - Chuyện, một đấu thủ chạy đua có hạng mà lại – Vưđ-ma lầu bầu – Chạy trốn bọn cướp nhé, rồi cả anh chàng Xar-na nữa. Bây giờ đến lượt chúng mình. - Đây là lần thứ hai ả vuột khỏi tay chúng mình đấy nhé – Ghéc-xơn thêm, không hề giấu giếm thái độ châm chọc. - Lần này thì chỉ một mình cậu thôi – Vưđ-ma chữa lại ngay, vì nhận ra thâm ý trong câu nói của viên thiếu úy. - Nhưng lần này tôi đâu chịu về không với hai bàn tay trắng. - Thôi được rồi, để xem thử mẻ lưới của anh ra sao nào? Anh đang giữ giấy tờ của cả hai đấy chứ? Ghéc-xơn chìa cho thiếu tá giấy chứng minh của hai kẻ bị bắt. Nhìn qua một lượt, anh ra lệnh giải cô ả kia vào trước, sau khi bật thêm ngọn đèn trên trần nhà. - Cô là Rê-na-ta Vil-xka-y-a? – Vưđ-ma hỏi to khi người cảnh sát dẫn nữ phạm nhân vào. Trước mặt anh lúc này là một cô ả trạc ba mươi tuổi, tóc uốn rất công phu, mặc chiếc áo chẽn cắt rất khéo. - Vâng, thưa thiếu tá – cô gái đáp. Qua câu trả lời cũng đủ biết cô này không lạ gì những sao và gạch trên cổ áo của người hỏi cung, vì lần này thiếu tá lại vận cảnh phục hẳn hoi. - Ngày sinh tháng đẻ, quê quán và những chi tiết khác, tôi sẽ tìm hiểu sau. Điều đầu tiên tôi đang cần biết lúc này chỉ vẻn vẹn là: trước đây chắc cô đã từng can án hình sự đúng chứ? Tôi khuyên cô nên thành thật bởi vì chỉ sáng mai thôi là tôi đã có thể thẩm tra được đủ mọi thứ cô sắp khai. - Đúng đấy ạ, đã can án một lần… - Vì tội gì? - Tội mở nhà chứa… Bị một năm án treo do chưa can án lần nào trước đó… - Lần này chắc cô phải chịu tù ngồi rồi đây. Cô đâm đầu vào chuyện này để làm gì mới được hả? Họ hứa trả bao nhiêu nếu cô dụ được El-mer ra khỏi nhà? - Làm gì có chuyện dụ dỗ ạ. Tôi chẳng hiểu ông thiếu tá định nói gì. Tôi chỉ giúp cô ta thế thôi. Vì lẽ ấy mà chúng tôi lại bị cư xử như là phạm nhân sao? - Chà, cô không hiểu gì thật chứ? Thế yêu cầu cô kể rõ xem: do đâu mà cô lại tỏ ra từ tâm vậy? Ai nhờ cô thế? - Một người quen – Vil-xka-y-a trả lời, vẻ lúng túng. - Cô nên nhớ kỹ cho: khai báo gian dối cũng bị truy tố về trách nhiệm hình sự đấy nhé – Vưđ-ma đọc ngay điều khoản tương ứng trong bộ luật hình sự - Bây giờ xin cô đừng quanh co nữa, cô khai rõ đi: ai nhờ nào? Cô ả cắn chặt môi một lúc rồi đành khai thật: - Ông Dem-ba… ông ta giữ áo khoác ngoài tiệm Bri-xtôn… - Thế, ông ấy cần gì? - Đầu đuôi là thế này ạ - Vil-xka-y-a hiểu ngay tình thế tuyệt vọng của ả nên chẳng dám giấu giếm nữa – Hôm qua, tôi cùng Dư-ga, người yêu của tôi đấy ạ, tạt vào Bri-xtôn gọi là để giải trí chốc lát thôi. Vừa thấy tôi, ông cụ đã gọi ngay vào nhà trong bảo: “Ơ kìa, cô Rê-na-ta đấy à. May quá, cô đến thật đ1ung lúc, tôi đang định tìm thì cô… Cô biết cô El-mer chứ gì, An-ca Trắng ấy mà?”. Tôi bảo ngay là biết, đã được thấy mặt cô ấy vài lần. Thế là ông Dem-ba tiếp luôn: “Khéo con bé đến nguy mất. Có mấy đứa khả nghi đang muốn bắt cóc nó. Chứ bỡn à? Cô phải gặp An-ca, báo cho nó biết ngay để còn đề phòng. Gọi taxi mà đi. Cô ấy đang về Da-lê-xy-a chơi. Cứ cầm tạm hai nghìn mà chi dùng. Cho con bé nó nghỉ tạm ở đằng cô vài bữa nhé, bao giờ yên ổn, tôi sẽ liệu”. Tôi liền nói thế này: “Được thôi bác Dem-ba ạ. Để cháu thử xem. Dư-ga của cháu có sẵn xe ngoài kia, cháu đi ngay đấy. Nhưng bác Dem-ba này, tự dưng sao bác lại bận tâm về cô ấy thế?”. Thay cho câu trả lời, ông ta chỉ giúp cho tôi hai xấp tiền rồi vui vẻ bảo: “Đấy không phải là chuyện của cô, thọc mũi vào mà làm gì. Cầm lấy tiền rồi cứ theo lời dặn mà làm. Những chuyện khác đã có người lo rồi. Tôi còn lạ gì, thói đời vẫn thế đấy. Ngay như tôi đây, tôi cũng mù tịt. Nhưng bạn bè đã nhờ thì cứ giúp, cần quái gì. Kể cũng tội nghiệp cho con bé An-ca thật”. Rồi bác ta dặn dò kỹ lưỡng tôi phải tìm cô ấy ở đâu, phải nói năng ra sao để cô ấy đừng nghi ngờ… Đầu đuôi chỉ có vậy đấy ạ. Tôi đã kể đúng sự thật trăm phần trăm… Vưđ-ma chăm chú nghe Vil-xka-y-a kể và khi cô ta vừa dứt lời, anh đã chìa biên bản ra đề nghị ký tên vào. Tiếp đó, anh cho mời tên Dư-ga. Một thanh niên trẻ trung, mày râu nhẵn nhụi, mặt mũi chẳng có gì đặc sắc, một chiếc sơ mi rất mốt, cổ thắt một chiếc cà vạt chim cò to bản, thong thả đi vào. Chiếc quần tây nếp là thẳng tắp và đôi giày cao cổ bằng da hươu càng khiến cho vẻ công tử bột của hắn thêm nổi bật. Thiếu tá hỏi qua loa mấy câu thuộc phần thủ tục rồi đi ngay vào đề: - Nếu tôi không nhầm thì trước đây ít lâu chính tôi đã từng được làm quen với anh rồi. Đúng thế chứ anh Dư-ga Kap-pa? - Tôi chỉ nhớ mang máng thôi ạ - Dư-ga đáp bằng một giọng không mấy tự tin. - Lẽ nào lại thế được nhỉ? Cách đây một năm, tôi có dịp được nói chuyện cùng anh eồi kia mà. Câu chuyện dạo đó đâu như là về các thứ giấy tờ liên quan đến việc đổi đô la thì phải? - Có lẽ thế thưa ông thiếu tá. Tôi có bị dính vào vụ đó nhưng riêng tôi, tôi đã tự chứng minh được là mình vô tội ạ. - Phải nói là anh đã không ngoan tránh trở được thì đúng hơn. Nhưng lần này xem chừng anh khó thoát đấy… - Sao lại có chuyện ấy nhỉ, tôi chưa hiểi gì cả. – Dư-ga rướn cao hai hàng lông mày rậm, ngạc nhiên một cách hết sức thật lòng – Tôi phải tránh né cái gì đây mới được ạ? - Tránh cái vụ phạm tội mới này: âm mưu bắt cóc cô An-ca El-mer/ - Bắt cóc à? – giọng nói của Dư-ga Káp-pa càng lộ vẻ ngạc nhiên – Tôi muốn bắt cóc cô ta sao? Do đâu mà ông dám quy tội tôi như thế? Cô ta tự nguyện ra đi với chúng tôi kia mà. Cô ta muốn thoát thân thì có. Giá biết được tại sao ông lại gán cho tôi cái trọng tội ấy thì cũng hay đấy. - Bình tĩnh đã nào. Anh khoan hẵng bình luận vội – Vưđ-ma ngăn hắn ta lại – Đầu tiên, anh cứ kể cho chúng tôi nghe về chuyến đi Da-le-xy-e đã, kỹ kỹ vào đấy. - Ồ, rất đơn giản. Chúng tôi ghé vào Bri-xtôn. Bác giữ áo khoác gọi riêng Re-na-ta ra nhỏ to gì đó với nhau một l1uc lâu. Tôi không biết hai người nói gì. Chả gì tôi cũng là người có giáo dục, lẽ nào lại đi nghe trộm. Lát sau, cô ấy ra bảo tôi phải đi Da-lê-xy-e ngay vì người quen của cô ấy đang bị mấy đứa khả nghi âm mưu bắt cóc. Rê-na-ta dúi vào tay tôi một xấp tiền: “Đây, tiếp xăng dầu, cầm lấy”. Tôi chẳng tin gì bao nhiêu câu chuyện cổ tích ấy của cô ta. Nhưng tự dưng được năm trăm bạc – những năm trăm kia ạ - đã thế thì a-lê hấp, lên đường. Đến nơi, Rê-na-ta chạy vội vào tìm cô bạn ấy, còn tôi thì ngồi ngoài xe chờ. Lát sau, cô ấy ra bảo tôi: cô bạn kia sắp ra. Quả nhiên, cô kia chạy vội tới và lên xe. Những gì sau đó chắc ông bíêt cả rồi. Ông thấy đấy, làm gì có chuyện bắt cóc khi cô ấy tự nguyện lên xe chúng tôi? - Thế trước đây anh chưa biết cô El-mer à? - Chưa bao giờ. - Thôi, ký vào biên bản đi – Vưđ-ma đề nghị hắn ta rồi quay sang cô thư ký, anh dặn khẽ - Mời cả cô Vil-xka-y-a vào. Trao lại giấy tờ cho hai đối tượng bị bắt giữ xong, Vưđ-ma dõng dạc tuyên bố: - Trong vòng mười ngày tới, tôi cấm cả anh lẫn chị ra khỏi thành phố đấy. Thôi, cả hai được tự do, anh chị có thể về. Hai người bị bắt vừa ra khỏi phòng, Ghéc-xơn đã đứng bật dậy: - Tôi đi tóm lão Dem-ba đây. Chắc chỉ mười lăm phút nữa là lão sẽ có mặt tại đây. - Cậu cứ như là đã đọc được hết ý nghĩcủa mình rồi đấy, Xtê-phan ạ. Xem chừng, cậu đã sành sỏi với nghề này lắm rồi. Chắc cậu sẽ chạm trán với ả Vil-xka-y-a ở đó. Tôi tin chắc thế nào cô ả cũng đến tâu ngay với lão Dem-ba nọ. PHẦN 31 Ghéc-xơn trở về và báo cáo với thiếu tá: - Dem-ba đang ngồi đợi ngoài kia. Anh đoán đúng. Tôi đã chạm trán với cô ả Vil-xka-y-a ngay trước quầy cà phê tại Bri-xtôn. - Cả gã công tử bột kia nữa, họ cũng đều là những con tốt đen thôi, nhưng dẫu sao vẫn được việc phải không nào? Cho gọi lão Dem-ba vào. Dem-ba là một người tầm thước, đầu vuông, tóc cắt ngắn, mũi củ hành, mặt rỗ chằng rỗ chịt nhưng cặp mắt lươn lại hết sức tinh nhanh. Vưđ-ma mở đầu buổi lấy cung: - Ông biết cô El-mer chứ? Cái cô có biệt hiệu là an Trắng ấy mà… Lão giữ áo khoác gật đầu - Dĩ nhiên là có biết, cô ấy thỉnh thoảng vẫn lui tới tiệm chúng tôi. Nhưng ít lâu nay không thấy lại ạ. - Chắc ông cũng biết ít nhiều gì đó chuyện cô ta rồi chứ? Ông thử kể đi nào. Dem-ba đưa tay vuốt trán, lấm lét nhìn thiếu tá, cặp mắt như nhỏ thêm. Rõ ràng ông ta đang ngẫm nghĩ xem cái gì nên nói, cái gì nên làm thinh vì câu hỏi còn cho phép lão tùy ý lựa chọn. - Tôi chẳng biết gì sất cả. Ông tính, ngồi một xó trong phòng giữ áo choàng thì còn biết được đâu vào với đâu nữa. - Xin báo trước thế này: chúng tôi đã biết được khá nhiều về vụ này rồi. Bởi thế mọi chuyện sẽ hoàn toàn tùy thuộc vào những câu trả lời của ông. Thế nào, ông muốn ngồi lại đây để suy nghĩ kỹ mọi chuyện hay muốn về đi làm? Dem-ba cúi đầu rồi lại đưa tay xoa trán lần nữa. Lát sau, lão thở dài, ngồi thẳng người lên. - Tôi chẳng làm gì nên tội để phải sợ ngồi tù cả. Nhưng thôi được, xin ông cứ tùy ý định liệu. Dẫu sao tôi cũng muốn đừng làm mếch lòng ông thì hơn. - Có thế chứ. Vậy ông đã sai người đến Da-lê-xy-a bắt cô El-mer phải không nào? - Vâng. Chính tôi ạ. - Thế ông định đưa cô ấy đi đâu vậy? - Một người quen của tôi hứa cho ở tạm - Tôi biết. Để rồi sau đó lại chuyển cô ta tới nơi khác chứ gì? Người quen ấy họ tên gì? - Rê-na-ta Vil-xka-y-a. - Nhưng sau khi ở nhà cô này xong, ông tính sẽ đưa tới đâu nữa? Dem-ba nhún vai: - Tôi không biết ạ. Cô El-mer đang bị nguy đến tính mạng, phải đưa cô ấy về ở tạm với Vil-xka-y-a vài hôm chờ cho yên ổn. - Sao lại phải chờ cho yên ổn? Có chuyện gì lôi thôi nào? - Cô ấy xoáy của người ta mấy món gì đó, nhưng món gì thì tôi mù tịt. - Nghĩa là ông phịa ra chuyện tính mạng cô ấy bị đe dọa để đóng vai cha đỡ đầu chứ gì? - Tôi chỉ nhắc lại những gì người ta nói với tôi – Dem-ba lầu bầu trong cổ họng. - Thế ai yêu cầu ông làm việc ấy? – Đến tận lúc này, Vưđ-ma mới tung ra câu hỏi quan trọng nhất. Dem-ba quay mặt sang chỗ khác và nhìn người ghi biên bản một lát, xong mới lại nhìn về phía Vưđ-ma. Lão lắp bắp nói, ra cách muốn nói nhưng chẳng thốt được lời nào. - Tôi muốn lưu ý ông – Vưđ-ma nói một cách rất bình tĩnh – vụ này nghiêm trọng hơn ông tưởng nhiều vì nó có liên quan đến chuyện giết người mà chẳng phải một nhân mạng đâu nhé. Tôi hy vọng ông sẽ không tự hãm hại bản thân mình… Dem-ba liếm môi. Hai gò má lão giật liền mấy cái. - Thú thật là tôi cũng không rõ hiện giờ lão ta mang tên gì… - Dem-ba nói lí nhí qua kẽ răng. - Thế trước kia? - Trước tên là A-lôi-đi Kô-val-xki. Nhưng cái tên này lão chỉ dùng cho đến năm 1949 thôi. Sau đó hình như lão xoay được giấy tờ với tên họ khác. - Hóa ra các ông đã quen biết nhau từ lâu. Ông gặp lão ta ở đâu thế? - Cùng ngồi tù ạ… - Vì tội gì? - Tôi thì tội thụt két, còn lão thì vì ăn cướp có võ trang… Sau đó, mỗi người đi mỗi ngả. Cách đây hai năm, tôi mới gặp lại nhưng không dám hỏi lão hiện ở đâu và đang làm gì. Những câu hỏi kiểu đó thì tốt nhất là đừng có hỏi. Mãn hạn xong, tôi bắt đầu tu tỉnh. Tìm vây cánh của lão để nhập bọn thì tôi không dám vì lão là một tay trộm cướp hết sức nguy hiểm… - Nhưng dẫu sao ông vẫn mới gặp lão ta đấy thôi. Đầu đuôi thế nào mà lại gặp nhau? - Một hôm, ngay từ sáng sớm, lão đã gọi dây nói cho tôi, hỏi có biết cô El-mer không? Tôi hiểu ngay là lão đang cần tìm ai. Lão hẹn tôi tới một quán cà phê. Gặp nhau, lão bảo đang cần tìm cô gái nọ. Và yêu cầu tôi lần mò cho ra địa chỉ cô ấy. Tôi chẳgn biết mô tê gì nhưng lão đã yêu cầu nên không dám chối. Hôm qua, lão lại mới đến tìm tôi, sai tôi đi bắt cô ta. - Thế ông trao địa chỉ cô gái cho lão bằng cách nào? - Lão để lại số điện thoại và dặn gọi Gu-xtáp. - Số mấy thế? Dem-ba rút trong túi ra một cuốn sổ tay nhem nhuốc rồi lật lật, tìm tìm. Đoạn, lão lầu bầu, giọng nghe rất ũ rũ - Kể ra các ông cũng chẳng cần biết số điện thoại mà làm gì cho thêm bận. Cứ gọi đến tiệm ăn Thủ đô ở khu Pra-ha là khắc gặp lão… Lão Dem-ba đi rồi, Vưđ-ma liền nhìn sang phía thiếu úy: - Nhiệm vụ mới nữa đấy, thiếu úy nhé. Chúc anh thành công. - Tôi còn chịu đựng được, anh đừng ngại. Xem chừng đã sắp đến quyết chiến điểm rồi. Từ giờ trở đi, mọi chuyện sẽ diễn biến nhanh khiếp lắm đây. - Tôi e là anh sẽ không kịp dùng thắt lưng da để nịt quần nữa đấy. Ghéc-xơn ngạc nhiên nhìn thiếu tá: - Anh lại muốn bẫy tôi lần nữa sao? - Hình như những người lạc quan ai cũng đều làm thế cả. - Thiếu tá ạ, lúc nào đồng chí cũng làm nguội mất nhiệt huyết của tôi… Chắc phải đi ngủ tí đây, khuya rồi. - Phải đấy. Hôm qua tôi đã bị dựng dậy từ lúc hai giờ sáng. Suốt ngày lại bao nhiêu là công việc. – Vưđ-ma nhìn đồng hồ - Hơn mười hai giờ rồi… Mai, thế nào cũng phải khám xét cái lán gỗ ở Gra-đô-va. Lệnh mời chủ xưởng đến Cục đã gửi đi rồi phải không? - Tôi đã gửi đến cái thứ hai rồi thế mà vẫn chẳng thấy tăm hơi gã chủ xưởng đâu. - Sáng mai, anh phải sang bàn ngay với bẹn viện kiểm sát để họ ký lệnh khám nhà vắng chủ. Chẳng việc gì phải đợi cái thằng cha Lu-chắc kia nữa. Đưa cả tổ theo, và khám thật kỹ, đừng để sót một tí gì. Trạm theo dõi ở đó cũng cho đặt rồi phải không? - Vâng. Cái lán gỗ đã được lệnh theo dõi suốt ngày đêm. - Bọn chúng đã có đủ thì giờ để xóa sạch mọi dấu vết rồi – Vưđ-ma lẩm bẩm – nhưng dẫu sao thì cũng phải khám xét. - Tôi nghĩ: đến mười một giờ là mọi việc chắc xong xuôi rồi. Liệu có trễ quá không? - Không đâu. Sau đó cậu hãy đến ngay Thủ đô. Cố dò cho ra cái tên Gu-xtáp ấy. không rõ gã Gu-xtáp ấy là ai trong số hai đứa kia. - Hai đứa nào? – Ghéc-xơn hỏi lại, người chồm ra đằng trước giữa lúc Vưđ-ma nón thinh, đưa mắt nhìn ra cửa sổ ngắm ánh đèn rực rỡ trong đêm – Anh muốn ám chỉ đến hai đối tượng mà ông gác đêm đã khai ra phải không ạ? - Đúng thế, chớ còn ai vào đấy nữa – Vưđ-ma chậm rãi đáp – trong hai kẻ ấy, ai đã đánh thuốc mê ông ta? Bê-let-xki đã cho vào ngăn cạp lồng súp hay là Gher-man đã cho vào điếu thuốc lá? Ông gác đêm cứ chối đây đẩy, không dám nhận là đã ngủ quên sợ trách nhiệm. Vì tự dưng đã trở thành kẻ tòng phạm vô tình mà. Còn thủ phạm thì hắn iết mười mươi là ông ta sẽ cố lấp liếm đi. Điểm này chắc ngay khi trù liệu cho vụ trộm, tên chủ mưu đã tính đến rồi. - Nghĩa là trong hai đối tượng ấy nhất định phải có một kẻ là thủ phạm chính? – thiếu úy bất giác hạ thấp giọng. - Phải, nếu tôi không bị những thông tin gốc đánh lừa. Vừa lúc đó chuông điện thoại vang lên.