CHƯƠNG XVIII

Đêm rạng dần. Gió từ ngoài sông dịu dàng cuộn về. Những cây tre đực quấn quýt trong từng bụi níu chặt vào nhau, cọ thân sột soạt như có ai cầm miếng mảnh sành mài vào từng thân cây. Đi dưới luỹ tre làng trong không khí thanh tịnh của buổi rạng ngày, Khứu thấy tâm hồn mình thật thư thái. Đôi quanh gánh trĩu một bên vai, cô nhịp nhàng bước theo đường tới chợ. Có lẽ không làng nào lại nhiều tre, nhiều chuối như làng cô. Cứ xanh mướt, rậm rịt. Đại bác giã không biết bao trận cũng không giết nổi màu xanh của tre của chuối quanh làng Đức Đại. Khứu thấy rất rõ trong màn sương mỏng tang có mùi thơm ngai ngái. Đường làng vẫn mát lạnh cả gan bàn chân và trước mắt bóng đêm đang loãng dần ra. Phía đầu làng, chị Sự đang chờ cô.
Đòn gánh nhịp trên vai kĩu kịt. Dòng suy nghĩ cứ miên man ùa về. Bỗng như có luồng hơi nóng thổi phía sau gáy, Khứu ngẩng đầu nhìn về làng Giỗ. Nơi ấy, cô đã được sinh ra, đã sống những năm tháng đầu tiên của cuộc đời. Nơi ấy, đã từng có mái nhà che mưa nắng, nơi có mẹ có cha. Nhưng giờ đây, phía quầng sáng đang nhạt dần ra ấy là bóng dáng im lìm, chết chóc của cái bốt quái đản. Chính cái bốt đang nhung nhúc những tên tây trắng, tây đen ấy đã khiến bao người dân làng của cô thành ra kẻ tha hương, sống vất vưởng nơi đất khách quê người. Khứu chợt thấy sống mũi cay cay. Không biết giờ này, cha mẹ cô đang làm gì. Và rồi, tuổi thơ vốn nấp kỹ ở một góc nhỏ trong lòng cô bỗng ùa ra. Tất cả dường như vãn còn gói nguyên, tươi rói. Tuổi thơ của cô là những sáng ngủ dậy, lăn mình ra khỏi chiếc chõng tre, xệch xạc quần tơi áo vá đã không nhìn thấy u cô đâu rồi. Khi ấy, bà đang có mặt tại một cái chợ nghèo nào đó quanh vùng với những thừng, những rợ, cày bừa lủng củng xung quanh. Khi ấy, cô vừa đi vừa giụi mắt, khuôn mặt đêm ngủ, có khi nước dãi chảy đùn ra một bên má cũng không thèm rửa, tóc rối bù đã lụi hụi ra đồng. Tuổi thơ của cô chẳng làm được gì nhiều, chỉ chăn trâu cắt cỏ nhưng cũng là những năm tháng  thảnh thơi, an nhàn nhất. Tuổi thơ của cô còn là hình bóng người cha cứ nghiêng dần trên một góc sân lúi húi bên những khúc cây để biến chúng thành cày, thành bừa để ngày mai u cô đi chợ. Còn là bóng dáng người chị lớn mỗi buổi trưa hè nghiêng xuống đường với gánh nước mát trong từ giếng làng về. Người chị chỉ hơn cô gần hai tuổi mà đảm hơn cả người lớn vụng với cái tên Chắt nhớn ghép chặt với Chắt con của cuộc đời cô. Mảnh đất làng Giỗ ấy còn là hiện hữu của khu vườn rộng với những bụi tre, bụi chuối, với những bưởi, doi, ổi mọc chen nhau thành chỗ ẩn nấp lý tưởng của muỗi để chúng vo ve, tấn công chị em cô ngay cả giữa ban ngày… Mảng ký ức tuổi thơ ấy dội về lòng cô trong buổi sớm nay khiến dòng nước mắt chảy tràn qua khuôn mặt để trần không bịt khăn rồi rỉ vào kẽ miệng mặn chát. Khứu biết, tất cả những gì thân yêu với cô sẽ theo cô đi suốt cuộc đời dẫu có là nụ cười hay nước mắt cũng chẳng bao giờ đi hết.  Vậy mà giờ đây, tất cả những gì thân yêu nhất ấy đang rời xa cô. Bọn địch trong bốt đã đuổi dân làng ra khỏi mảnh đất thân yêu của mình để đi tha hương… Và giờ lại đến Đức Đại, nơi chính cô đang sống chúng cũng chẳng để yên. Nhưng chắc chắn chúng sẽ không làm gì nổi, chúng sẽ không thể đuổi những người dân của Đức Đại ra khỏi mảnh đất chôn nhau, cắt rốn của mình. người chồng thương yêu của cô với với những đồng đội, cùng bà con làng xóm của anh sẽ không để chúng thực hiện được điều ấy. 
- Muộn thế – Chị Sự càu nhàu – Nhảo nhanh lên không có muộn chợ thì bán cho ma.
- Đi sớm quá cũng đã làm gì có người. Đâu đâu lính nó cũng càn, cũng lùng, dân thành ra ngại cả đi chợ. Chị em mình thủng thẳng đi, sớm quá, chúng nó nghi bắt lại lôi thôi – Khứu xoay đòn gánh, đổi vai. Gánh hàng chao đi nửa vòng rồi lại nhịp nhàng, kĩu kịt theo nhịp chân bước.
- Kệ cha nó chứ. Càn hay không càn thì mình vẫn phải làm, phải ăn, có hít gió mà sống nổi đâu. Vào chợ, đông người, đám này cũng chả dám làm liều mấy – Chị Sự nhanh chân, tiến lên ngang với Khứu, với tay níu một bên đầu đòn gánh của cô lại – Mấy ngày nay, cô có nghe chuyện các bà, các chị ở Thọ Chương, rồi bên Nam Sách, đòn gánh đánh Tây giữa chợ không? ấy, cứ là phải như thế, chúng nó mới tởm, chứ mình hiền quá, chúng nó bắt nạt…
- Em có nghe rồi. Chị em mình ở đấy giả làm người bán hàng, có du kích trà trộn giả làm người đi chợ yểm hộ, đám lính Tây thì háu gái, thấy mấy cô bán hàng hay hay mắt là sà vào. Thế là chị em phát tín hiệu, buông đũa rán bánh, buông gà, buông vịt vớ lấy đòn gánh, lấy dao róc mía, lấy súng, đập chúng nó tại trận. Lính Tây chạy re kèn. Mình cũng thu được khối súng đấy.  Nhưng đúng thật, chúng nó cũng không dám ngang nhiên vào chợ cướp hàng, hãm hiếp phụ nữ nữa…
- Hay mình ở đây cũng tổ chức thế. Chợ Cuối gần làng mình cũng to cỡ hàng huyện, người đông như nêm, đánh kiểu ấy cũng được đấy. Tối về ta họp ban chấp hành phụ nữ xã bàn xem – Chị Sự nhìn chăm chăm vào mặt Khứu, chờ câu trả lời.
 - Mấy nơi đã đánh kiểu ấy, giờ lính chúng nó đề phòng rồi, mà chúng nó cũng chả dám ngông nghênh ở các chợ nữa đâu. Việc của mình bây giờ là chú tâm vào đấu tranh chống dồn dân đuổi làng chị ạ. Mình thắng trận này là cả huyện, cả tỉnh, cả khu Bắc Bộ này thắng đấy. Nên nhất quyết không được để thua, phải đấu với chúng nó đến cùng… Khứu bước chậm lại, gần như lững thững bước một.
- Nhưng xem ra, nó chưa chịu mình đâu. Khổ cho mấy ông lãnh đạo. Chú Lân nhà cô dạo này thế nào rồi?
- Khổ, người quay quắt. Râu ria lởm chởm… Trông mà xót – Giọng Khứu nhỏ dần, chìm vào tiếng chim bắt đầu râm ran trên rặng tre.
Câu hỏi của chị Sự khiến hình ảnh Lân bỗng choán hết tâm trí Khứu. Ngay sáng nay đấy thôi, khi cô cất gánh lên vai đi chợ, Lân cũng chỉ mới vừa về, đặt lưng xuống là chìm ngay vào giấc ngủ mệt nhọc. Nhìn gương mặt chồng hốc hác sau những ngày đêm lăn lộn chỉ đạo dân chống dồn chống đuổi, cô thấy ruột mình như con tằm đang dần rút kiệt tơ. Thương anh vô cùng mà chả biết làm gì được. Cơm cũng bữa đực bữa cái, chẳng được bữa nào ăn cùng cả nhà. Râu ria mọc chờm lên, lởm chởm. Tóc xoà che hết cả vầng trán và những vết nhăn như những đường rãnh cày cứ in hằn trên đuôi mắt của anh. Muốn ghé vai vào gánh đỡ cho chồng nhưng Khứu cũng còn có nhiệm vụ của mình. Công việc của cô bên Ban chấp hành phụ nữ xã cũng nặng nề không kém. Lại còn trực diện đấu tranh. Lại còn thiên chức làm vợ… Nghĩ đến đây, lòng Khứu lại tái tê. Vợ chồng lấy nhau đã mấy năm, cô vẫn chưa thấy dấu hiệu gì khác thường. Mong mỏi mãi đến mệt bã cả người. Hình như ông trời nhiều khi hay chọc ghẹo con người khi điều gì người ta càng khao khát lại càng khó tìm thấy.
°
°
Khứu vừa cất gánh hàng lên vai, ra khỏi nhà, Lân cũng đã thức dậy. Anh nhỏm dậy, bước ra ngoài. Bà giáo cũng đã đi chợ. Những hàng cây còn sót lại sau những trận đại bác đứng im lìm. Những vì sao lấp lánh buổi tối bây giờ không biết biến đi đâu hết. Ngoài đồng đang vào vụ đông, những thân ngô còi cọc tím màu huyết dụ giờ mới hoàn hồn bắt đầu tìm lại màu xanh. Khoai cũng bắt đầu bén vồng, lan trên mặt luống xám bạc. Mấy con châu chấu lạc đàn, đang đạp tanh tách trên mái rạ. Rồi gió sớm nhè nhẹ thổi. Lân cởi khuy ngực cái áo nâu để hứng gió sớm thổi vào. Chân trời đằng đông hôm nay không ửng hồng rực rỡ như mọi ngày. trời chuyển màu u ám. Cơ đận này có khi trời lại đổ mưa. Tính khí ông giời mấy ai đoán biết được. Lân chầm chậm quay vào. Ba phát súng hiệu tắc…bọp, tắc…bọp, tắc…bọp từ đồn Phương Điếm bắn lên làm rách toạc một buổi sáng yên tĩnh. Đàn chim sẻ đang ríu rít trên cây xoan đầu ngõ im bặt. Tăng … xình! Tăng… xình! Tăng … xình! Đại bác từ đồn Phương Điếm lại bắt đầu nhằm Đức Đại nã xuống.
“Không thể để đồn Phương Điếm cứ ngang nhiên bắn đại bác vào làng, đốt phá nhà cửa, bắn giết dân lành vô tội mãi. Phải tìm cách đấu tranh mạnh hơn với chúng. Việc những tên sếp bốt, cai đồn trốn biệt khi dân cáng những người chết sang đồn đấu tranh chứng tỏ một điều: dù có ác ôn đến mấy, đứng trước những mạng người chết không lí do ấy, chúng vẫn chùn bước” – Những ý nghĩ ấy như dòng chảy ùa đến với Lân từ khi tiếng đại bác đầu tiên của địch toang toác bổ xuống làng.  Mặt đất lại rung chuyển. Ngoài đồng, những người dân vẫn cắm cúi vào công việc đồng áng của mình.
°
°
Lân tập họp tổ đảng Đức Đại cùng những vị cốt cán trong ban tranh đấu, họp gấp tại nhà cụ Đẩu. Bóng đèn hạt đậu lập loè như ánh sáng của đàn đom đóm nhấp nháy dưới ao bèo tây. Anh mạnh dạn trình bày hết những suy nghĩ của  mình:
- Các ông các bác và các đồng chí thấy đấy, dù gì thì việc mình đưa những người thiệt mạng trong những trận đại bác của địch sang đồn cũng khiến chúng hoang mang. ít ra, việc làm ấy cũng đánh vào tâm lí của những tên lính đánh thuê, những binh lính người Việt khiến chúng chùn bước khi bị đẩy vào những cuộc càn quét. Nhân cơ hội này, tôi rất muốn đẩy cuộc đấu tranh của chúng ta tới nấc cao hơn. Chúng ta không thể lừng chừng. Nếu chúng ta chùn bước, chắc chắc địch sẽ lợi dụng cơ hội lấn tới... Tôi muốn lấy ý kiến thống nhất của tất cả các đồng chí đảng viên trong tổ đảng, của thành viên trong ban tranh đấu trước khi quyết định chính thức kế hoạch này để báo cáo về chi uỷ.
- Thì hẳn là thế! Đánh rắn ai lại đánh giữa khúc bao giờ - Cụ Đẩu đứng lên. Chòm râu bạc của cụ phất phơ, rung rung theo nhịp nói - Nếu chúng ta không đánh dập đầu được nó, nó sẽ quay cổ lại, mổ chết ta...
- Tôi muốn biết ý kiến của các đồng chí đảng viên trong tổ đảng - Lân nhìn suốt một lượt những người đang dự họp, mắt anh toát lên ánh nhìn khẩn thiết như gọi mời...
- Chúng tôi nhất trí - Ông Bạ đứng dậy - Trước khi đến với cuộc họp này, chúng tôi đã suy nghĩ rất nhiều - Cuộc đấu tranh này chúng ta đều biết, không phải cuộc đấu tranh của riêng Đức Đại mà là cuộc đấu tranh dại diện cho một tỉnh, một khu vực, rộng hơn là một dân tộc với một chế độ chính sách cực kỳ tàn bạo và nham hiểm của quân thù. Chính vì vậy, tất cả đảng viên trong tổ đảng chúng tôi đã xác địh rất rõ điều này. Chúng tôi luôn sát cánh bên ban tranh đấu của nhân dân đã được thành lập...
- Ban tranh đấu đại diện cho nhân dân Đức Đại sẽ đấu tranh không khoan nhượng với quân thù... Đề nghị đồng chí Lân xây dựng kế hoạch cụ thể, chúng ta phải làm ngay, không để địch có thời gian chuẩn bị đối phó với ta...
- Kế hoạch tôi đã xây dựng rất cụ thể - Lân điềm tĩnh – Hôm nay nó lại bắn, nếu ta không làm ngay, nhất định chúng sẽ tiếp tục. Vì vậy, ngay ngày mai, ban tranh đấu của Đức Đại sẽ lên tận dinh tỉnh trưởng, mang đơn kiến nghị của dân làng mình lên. Việc đấu tranh lần này, chúng ta tập trung vào tố cáo tội ác của quân địch tại đồn Phương Điếm khi chúng đã cho quân nã đại bác vào làng gây chết người. Mạng người không thể đùa. Tập trung vào tố cáo tội ác này, nhất định chúng ta sẽ giành được phần thắng, khiến quân địch phải chùn bước...
- Thằng cháu Lân phân tích rất trúng. Mình không đấu tranh dải mành mành với chúng nó làm gì cho tốn hơi, mà cần xác định mục đích chính. Mục đích chúng ta đi lần này là kêu với tỉnh trưởng để chống không cho quân địch bắn đại bác vào làng. Nếu chúng không bắn đại bác, dân không chết một cách vô tội, chúng ta sẽ củng cố được niềm tin của dân trong cuộc đấu tranh này, khắc phục được tư tưởng hoang mang lo sợ của dân trước việc địch khủng bố trắng. Tôi nhất trí với phương án này... - Cụ Bùi Quang Đẩu nhấn mạnh - Vấn đề bây giờ là chúng ta cần cố công thảo một lá đơn - Tôi có nhời thế này, nhà Lân cứ thảo nội dung, tôi sẽ phiên sang tiếng Pháp một bản, cần thiết chúng ta vào thẳng cả dinh tổng đốc.
- Đề nghị các đồng chí đảng viên nữ, nhất là đồng chí Khứu, đồng chí Sự, Họp, Yển, là thành viên ban chấp hành phụ nữ xã lo chuẩn bị điều kiện cơm nước để ngày mai ban Tranh đấu lên tỉnh. Chúng ta cũng nên soát lại danh sách những người ngày mai sẽ đi... Theo tôi chúng ta nên đi khoảng ba chục người là hợp tình hợp lý nhất...
°
°
Cuộc họp kết thúc. Lân đang lúi húi khoác cái áo nâu lên vai thì ông Lung bước tới.
- Về thôi chứ! Muộn quá rồi còn gì…
- Ông chờ cháu tí. Cháu về đây ông ạ - Lân xoay người về phía cụ Đẩu. ông cụ gật gật đầu. Cái bóng ông chao đi, chao lại trên vách tường.
- Lân này… Tao có việc này mà khó nghĩ quá. Chả biết tính toán ra làm sao nữa… Ông Lung đi sát vào Lân, giọng thì thầm.
- Có chuyện gì thế? Lân xoay người, chân vẫn đều đều bước – Chuyện chung hay chuyện riêng?
- Thì vừa riêng vừa chung… Ông Lung vẫn băn khoăn – Mày còn nhớ thằng Tí không?
- Nhớ chứ! Nó đang trong đội du kích xã chỗ ông Tuyển còn gì?
- Thì thế mới là chuyện nửa riêng nửa chung. Nó đang muốn cưới vợ. Vợ nó người bên Cốc kia kìa. Lúc nó báo cáo với đội, tao thấy cứ kho khó thế nào. Bom đạn mù giời thế này, lòng dạ đâu mà cưới với xin. Nhưng nó cũng sắp đi bộ đội Tây Sơn rồi. Nếu không cưới vợ cho nó, nếu có thế nào, kể cũng mệt, nhà đấy lại độc đinh, có mỗi mình nó.
- Ối giời, tưởng chuyện gì, chuyện ấy thì băn khoăn gì. Cưới! Cưới ngay chứ lờ vờ gì nữa – Lân vỗ mạnh tay vào vai ông Lung - Thì vợ chồng nhà cháu đấy, ngày cưới cũng mù mịt đạn pháo, chả đúng hôm nó càn suốt từ làng Chằm Tó sang làng Anh, làng Chuối… cơ mà. Thôi thì, bánh chưng, bánh chiếc ôm tất cả ra ruộng… Ông quên à? Thế mà có sao đâu. Việc nào cứ việc ấy địch nó mới sợ mình mà mình mới thắng được nó. Ông cứ để cho đoàn thanh niên chúng nó đứng ra tổ chức. Cần thì đội du kích xúm một tay vào.
- Được. Anh đã nói thế thì tao về thống nhất với bọn thanh niên, du kích. Nhà thằng Tí cũng chả còn ai. Bu nó thì chết trong nạn đói. Thầy nó cũng chết hôm Tây càn làng mấy năm trước rồi. Số thằng này cũng vất. Mà mày đã nói thế thì… Cưới thì cưới chứ sợ chó gì cha con thằng nào. Đồn bốt gì cũng là cứt chó tất. Ông Lung ôm vai Lân, cười khà khà. Tiếng cười của người biết mình đang ung dung đứng trên đầu địch.
°
°
Mưa tạnh dần. Đoạn đường lên dinh tỉnh trưởng ngắn dần lại. Bước chân của những người trong đoàn đấu tranh vẫn đều đều đếm trên mặt đường. Mồ hôi rịn ra lấm tấm rồi bắt đầu đọng thành giọt, trườn dần theo cổ, vai, lưng, eo mỗi người. Dinh tỉnh trưởng đây rồi. Nhưng hai cánh cổng khép im ỉm. Chỉ thấy mấy tên lính gác bồng súng đứng như trời trồng giữa cái nắng nhợt nhạt. Chúng cản không cho đoàn ngườivào dinh. Không vào được, bà con kéo nhau ngồi đợi phía ngoài.
Mặt trời lên cao dần. Ánh nắng bắt đầu gay gắt. Đi từ khi trời còn tờ mờ đất, giờ đã thấy bóng đổ gần tròn dưới chân vẫn không thấy bóng dáng viên tỉnh trưởng xuất hiện. Hàng ngày, giờ này, tên tài xế đã lái xe đưa hắn ra ngoài từ lâu. Hay hắn đánh hơi thấy sự xuất hiện của toán người đang đợi hắn ở phía ngoài. Bà giáo  tiến lại gần cụ Đẩu, băn khoăn:
- Sao mãi không thấy hắn đâu, bác nhỉ? Hay hắn lại trốn biệt rồi?
- Trốn sao được. Khi mình đến đây tới giờ, chưa thấy nó thò mặt ra. Nó cũng chẳng thể cứ ở lì trong dinh được mãi. Đám lính không cho mình vào thì mình cứ ngồi lại ngoài này. Nhất định nó phải bò ra khỏi hang. Cô xem cơm nước thế nào, giục bà con lấy ăn đi. Có thực mới vực được đạo.
- Cơm nước thì đủ cả bác ạ. Vợ Lân cùng với mấy cô trong ban chấp hành phụ nữ xã, thôn đã lo sẵn cơm nắm, muối vừng đây rồi.
- Thế thì cô giục bà con ăn đi. Muốn thắng nó, mình phải chiến đấu dài lâu kia đấy...
Mặt trời đã tròn bóng. Bóng đã thấp thô ẩn núp ngay dưới chân mỗi người. Không khí bắt đầu như rang lên. Mấy cụ bà tìm những bóng cây, ngồi, mặt vẫn bình thản chờ đợi. Tiếng gió thì thào khe khẽ, len qua bóng phi lao trong sân dinh, vọng ra ngoài vi vút như những điệu nhạc buồn khiến người ta dễ chìm dần vào giấc ngủ. Bà giáo Thuận đang ngồi cúi đầu trên hai đầu gối, bỗng choàng dậy. Có tiếng xe ì ì vọng từ sân dinh ra. Bà lay vai bà khán Chai, bà Tuần Ngột:
- Dậy, dậy đi! Xe tỉnh trưởng ra đấy.
Đoàn người đứng bật cả dậy. Họ chỉnh lại khăn áo chỉnh tề. Cụ Đẩu đưa tay nắn lại nếp khăn xếp trên đầu, đĩnh đạc bước ra, trên tay là lá đơn kêu cứu của người dân Đức Đại.
Quả thật không nhầm. Tiếng xe ì ì vọng ra đúng là xe của viên tỉnh trưởng. Thấy đoàn người rồng rắn đứng chắn ngang cổng, hắn lệnh cho viên thư ký đẩy cửa xe bước ra:
- Có chuyện gì vậy? Viên thư ký cất giọng hách dịch.
- Chúng tôi xin dâng đơn lên ngài tỉnh trưởng... Cụ Đẩu trịnh trọng.
- Có việc gì, các người cứ trình, tôi sẽ bẩm lại ngài.
- Không, xin phép ông, cho chúng tôi được gặp đích danh ngài tỉnh trưởng... Cụ đưa mắt về phía sau. Hơn ba chục con người đã vây kín xe viên tỉnh trưởng tự lúc nào. Họ đứng trật tự, không kêu thét, la hét. Không thuyết phục được cụ Đẩu đưa đơn cho mình, viên thư ký quay vào xe. Không biết hắn bẩm với tên tỉnh trưởng những gì, chỉ thấy tỉnh trưởng đẩy cửa bước ra. Hai bên là hai tên lính ôm súng bảo vệ, mặt hằm hằm, giận dữ:
- Có chuyện gì thế? Dân ở đâu thế này?
- Bẩm ngài tỉnh trưởng, dân chúng tôi ở thôn Đức Đại, xã Nghĩa Hưng, huyện Gia Lộc. Chúng tôi lên đây dâng đơn lên ngài để kêu cầu một việc...
- Có việc gì vậy? Tại sao lại dám ngang nhiên chặn xe tỉnh trưởng ngay  tại cổng dinh thế này?
- Vì mấy chú lính không cho chúng tôi vào gặp, nên dân chúng tôi mới mạo muội đón ngài ở ngoài đường ngoài chợ thế này. Biết ngài bấn bận, chúng tôi xin hỏi ngài vài điều thôi: Chúng tôi muốn biết vì sao ngài lại ra lệnh cho đồn Phương Điếm bắn đại bác vào làng giết chết dân lành vô tội? Cụ Đẩu đứng đối diện với tên tỉnh trưởng. Giọng cụ chậm rãi, nửa như chất vấn, nửa như tâm sự. Viên tỉnh trưởng đứng yên, hắn nhìn Đẩu chằm chằm. Chắc hắn không ngờ, cái ông già cục mịch đang đứng trước mặt hắn lại có dáng vẻ ung dung lạ thường đến thế - Ngài là tỉnh trưởng, là người đại diện cao nhất cho người dân ở tỉnh này, chúng tôi không tin chính ngài lại ra lệnh cho đồn Phương Điếm làm việc dã man ấy nên chúng tôi tới để hỏi ngài cho rõ ngọn nguồn, rất mong nhận được câu giả nhời của ngài để chúng tôi về nói lại cho dân biết...
- Tại sao khi chúng tôi đi tản cư, quốc gia đã chiêu dụ dân quay về cố hương để nhận được sự bảo bọc của quốc gia. Dân Đức Đại chúng tôi nghe chiểu dụ ấy mới quay về quê cũ, cui cút làm ăn, lập tề hẳn hoi, cơn cớ gì, ngài tỉnh trưởng lại cho đồn bắn đại bác vào làng để giết hại dân lành? - bà giáo Thuận bước lên. Bà nói chỉ đủ nghe nên viên tỉnh trưởng khẽ nghiêng người. hắn hết nhìn cụ già tóc bạc như cước vừa nói lại nhìn người đàn bà nhỏ bé yếu ớt vừa cất lời cật vấn...
- Quốc gia dụ chúng tôi trở về, quốc gia không bảo vệ lại còn bắn giết thế thì còn ai dám về theo quốc gia nữa... Bà tuần Ngột rẽ vòng vây người tiến vào, nhướng người, nói tõm một câu như đá ném ao bèo nhưng lại rất trúng ý mọi người khiến những người đang đứng đó nhao nhao hưởng ứng.
- Nhất nhất hôm nay, ông tỉnh trưởng nên giả nhời việc này cho dân tôi rõ, chúng tôi không làm loạn, không chống đối lại quốc gia, duyên cớ gì đồn bắn giết dân làng tôi? Không có nhẽ đây lại là lệnh của tỉnh trưởng để đồn Phương Điếm làm càn thế sao?
Hết người này tới người khác trong đoàn người kể tội của đồn Phương Điếm gây ra cho dân làng. Cái chết của những người dân bị đại bác giết chết cũng được họ mô tả tỉ mỉ khiến gương mặt viên tỉnh trưởng đỏ dần lên. Mồ hôi vã lấm tấm trên trán hắn.
Biết không thể chối từ, cũng không thể rút lui khỏi vòng người đang như chiếc dây thừng khổng lồ thít chặt chiếc xe như con rắn quấn con cua trước khi nhấm nháp, viên tỉnh trưởng nhã nhặn:
- Tôi không ra lệnh gì cho đồn Phương Điếm bắn đại bác vào Đức Đại. Nhất định tôi sẽ về tận nơi xem xét việc này. Bà con cứ về, đơn bà con đưa cho viên thư ký, tôi sẽ dò việc này thật rõ nguồn cơn.
Gặp được viên tỉnh trưởng, đưa được đơn, bà con kéo nhau về. Chuyện râm ran suốt từ dinh tỉnh trưởng đến đầu làng khiến đoạn đường dần ngắn lại. Nắng thu dần, thu dần. Mặt trời ngả dần xuống chân luỹ tre. Bóng người đổ dài, bóng nọ níu vào bóng kia thật khó tách bạch. Nắng nhập nhoà nhảy nhót quanh khối người vừa trở về từ chỗ mà hàng ngày họ vẫn nghĩ là hang hùm miệng rắn ấy.
Vừa tới đầu làng, dân làng đã đổ ra. Họ mong ngóng tin tức của đoàn đấu tranh từ lúc mở ngày, giờ mới thấy trở về. lân bật ra. Anh đến bên cụ Đẩu, Lân chưa kịp cất lời, cụ Đẩu đã vỗ vai anh, cười khà khà:
- Bố anh! Đúng là tính toán như thần. Những việc anh dự liệu hôm qua, hôm nay y sì phóc. Chúng tôi cũng làm đúng những gì anh đã dặn. Nó nhận đơn rồi, nhất định nó sẽ về xem xét đấy...
- Được bước nào mừng bước ấy ông ạ. Nhưng mình cũng vẫn phải đề phòng, khi nào nó về tận nơi, lúc mà thằng Phương Điếm không dám bắn dại bác vào làng mình nữa mới chắc ăn, ông ạ.
°
°
Đang lúi húi buộc lại tấm dại che nắng trước thềm hè, Lân giật bắn người khi Tằm hớt hải chạy về, hổn hển nói trong tiếng thở gấp:
- Xe..e...e thằng tỉnh trưởng về... Anh Lân! Xe..., nó về...
- Nó ở đâu? Lân nắm vai Tằm hỏi dồn
- Ngoài đầu làng, trên đường 17. Bọn em chăn trâu... thấy nó về từ trên đường chỗ trước khúc cong nhưng chạy bộ về không kịp...
- Sang gọi ông Đẩu với mấy ông bà trong ban tranh đấu, mau lên.
Lân đẩy Tằm rồi vội vàng chạy ra ngõ. Chỉ một thoáng, dân Đức Đại kéo ra rất đông. Người trong làng chạy ra, người ngoài đồng nhảo về, người ngoài phố kéo đến. Dòng người chen chúc chật như nêm cối. Chiếc xe của viên tỉnh trưởng lọt thỏm như con bọ hung bị vây bởi đám lá xanh ngút, rậm rịt. Chưa hết, người ta còn kéo nhau ra, thành dãy dài ken dầy cả một quãng đường suốt từ làng Đức Đại vượt qua cả đầu phố Giỗ. Tiếng hô mỗi lúc một vang:
- Không được bắn đại bác vào làng giết hại dân lành!
- Đề nghị bà con trật tự để ngài tỉnh trưởng nói chuyện - Viên thư ký cầm chiếc loa tay, chõ về bốn phía, gào lên. Tằm lại nhễ nhại mồ hôi, chạy về thông báo tình hình với Lân. Phương châm của mình chủ yếu vẫn là đấu tranh chinh trị. Nếu bà con găng quá, nó sẽ có lý: dân dữ dằn thế, thảo nào đồn chả phải cho bắn đại bác, ô bi vào dẹp. Vậy nhất định phải đấu tranh đúng theo kế hoạch đã chuẩn bị trước đó. Lân dặn Tằm. Cô bé gật gật đầu liên hồi rồi lại ngôi nghể chạy ra chỗ đấu tranh. Lúc này, đoàn người đã đông nghịt. Tằm len vào chỗ mấy ông, mấy cụ trong ban tranh đấu.
- Anh Lân bảo, nhắc bà con trật tự để nghe xem nó nói gì. Cứ để yên cho nó nói, còn mình cần nói gì đã có các thành viên trong Ban tranh đấu. Đừng la hét, kẻo nó lại kiếm cớ mình làm loạn, nó khủng bố thì gay đấy.
Những đảng viên trong tổ Đảng toả ra. Trật tự được lập lại. Bà con không còn la hét nữa nhưng không khí căm hờn vẫn ngùn ngụt bốc cao.
Tên tỉnh trưởng khệnh khạng bước ra. Hắn đeo kính gọng đồng vàng choé. Cái gọng đồng gặp nắng, thi thoảng loé lên như ánh chớp khan trước mỗi trận mưa rào. Hắn cất tiếng hiểu dụ dân chúng, giảng giải về các chính sách quốc gia. Nhưng cuối cùng điều người dân Đức Đại đang cần nghe nhất thì hắn lại nói hết sức qua loa:
- Bà con chú ý. Về việc dồn dân, rời làng, lập khu tập trung, chính phủ quốc gia cũng đã xem xét rất kỹ. Vùng này Việt Minh hoạt động mạnh trên đường cái quan nên là khu vực rất nguy hiểm. Chính từ mối nguy hiểm ấy, nên chính phủ quốc gia thấy để nhân dân sống cạnh đường cái là không an toàn. Vì lo cho tính mạng của nhân dân, và để đảm bảo an ninh cho dân, chính phủ quyết định phải đưa dân chúng về một nơi mới, sống tập trung cho an toàn hơn. Việc dồn dân chỉ là mong muốn an toàn cho dân, mong dân thông cảm và thực hiện đúng chính sách quốc gia.
Đã chuẩn bị từ trước, cụ Đẩu khăn xếp, áo the chỉnh tề bước lên trước khối người đang rùng rùng chuyển động quanh tên tỉnh trưởng. Cụ hướng về phía bà con rồi quay nhìn thẳng vào viên tỉnh trưởng:
- Thưa ngài tỉnh trưởng, thưa bà con! Cụ cất lời, chậm rãi - Mong ngài tỉnh trưởng soi sét, chúng tôi dân ngu khu đen, thấp cổ bé họng, nghe những điều ngài vừa hiểu dụ thì mười phần cũng thấu được phần nào, nhưng cũng xin thưa lại với ngài tỉnh trưởng thế này... Xưa nay, dân chúng tôi chỉ biết cắm cúi làm ăn, thời nào cũng vậy, không có ý trái lệnh chính phủ quốc gia. Từ khi chính phủ lập tề, dựng bốt, dân chúng tôi vẫn vậy. Chúng tôi không dám chứa Việt Minh, cũng chưa nhìn thấy ai là Việt Minh bao giờ nên không biết họ làm những gì, chỉ thấy chính lính của quốc gia đến càn quét, bắt bớ dân làng đốt dỡ nhà dân, hãm hiếp đàn bà con gái. Đồn còn cho lính bắn pháo giết chết dân. Chúng tôi xin với quốc gia, hãy đừng làm những điều gây thiệt hại đau thương cho dân chúng... Đói ăn, rách mặc, dân chúng tôi đã khốn khổ lắm rồi, chỉ muốn yên ổn làm mà ăn thôi.
 - Đúng đấy! Chả thấy Việt Minh Việc miếc đâu, chỉ thấy lính quốc gia làm càn thôi... Cướp, phá, bắn giết… ăn quịt… Đủ trò. Làm gì có Việt Minh nào, chỉ có lính bốt, lính đồn của chính phủ quốc gia làm khổ dân thôi.
Bà con phía dưới túa lên. Lại ầm ào như cái chợ vỡ. Hàng nghìn tiếng ỉ ôi, than khóc như những làn roi quất vào mặt tên tỉnh trưởng. Ngôn ngữ người dân thật khó chống đỡ. Lời qua tiếng lại, những người trong Ban tranh đấu tới tấp đưa đơn cho tên tỉnh trưởng, dúi cả vào tay đám lính đang đứng bảo vệ xung quanh. Bà già, trẻ con kêu khóc ầm ĩ. Những vành tang trắng bỗng mọc lên trên đầu người dân nhanh như nấm mọc sau trận mưa rào. Hàng tiếng đồng hồ sau, tên tỉnh trưởng nói vã mồ hôi mà vẫn không sao làm cho cái lò lửa của người dân đang hừng hực cháy trước mặt hắn nguội bớt đi. Hắn nhìn quanh. Dòng người dân thít chặt lại. Tiếng khóc, tiếng gào thống thiết ai oán. Đám lính bảo vệ lên đạn rôm rốp. chúng liều thân lập thành một hàng rào bao lấy tên tỉnh trưởng để bảo vệ. Tên tỉnh trưởng không thể thoái thác. Hắn buộc phải nhận đơn của dân đưa lên. Sợ nán lại lâu sẽ gặp chuyện chẳng lành, hắn nắm hai bàn tay vào nhau, giơ lên ngang đầu, giọng hổn hển cáo lỗi bà con rồi chui tọt vào trong xe như con chuột chui vào hang tối.
Thấy đã đạt được mục đích, Lân kéo mấy đảng viên trong tổ đảng. Các anh trà trộn vào đám người đang kêu khóc inh ỏi phía dưới. Phía trên kia, những tên lính giơ súng, gạt, đẩy cho vòng người rộng dần ra lấy chỗ cho xe tên tỉnh trưởng nổ máy. Chiếc xe như con bọ hung nhích dần, nhích dần, cuối cùng cũng thoát ra được khỏi biển người, phóng vù lên con đường hướng về phía Hải Dương. Có lẽ trong cuộc đời hắn, chắc chắn viên tỉnh trưởng này sẽ không bao giờ dại dột đi thị sát tình hình như lần về Đức Đại này nữa.
°
°
Nhận định tình hình của cuộc đấu tranh sẽ đến hồi phức tạp, Lân hội ý nhanh tổ đảng Đức Đại. Anh quyết định báo cáo tình hình và xin ý kiến chỉ đạo của chi uỷ Nghĩa Hưng. Bí thư chi bộ Nghĩa Hưng Đỗ Văn Xô lập tức cho triệu tập cuộc họp khẩn cấp để rút kinh nghiệm.
- Tôi rất muốn các đồng chí trình phân tích thật kỹ tình hình hiện nay - Bí thư chi bộ Đỗ Văn Xô bắt đầu cuộc họp - Để chuẩn bị cho những công việc trong thời gian sắp tới, chúng ta không thể bàng quan trước những gì chúng ta vừa chứng kiến. Tổ đảng Đức đại phải nắm thật chắc tình hình này. bây giờ, đồng chí Lân, tổ trưởng tổ đảng, người trực tiếp chỉ đạo cuộc đấu tranh này cho ý kiến.
- Tôi hiểu tình hình hiện nay và chính vì vậy tôi mới báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của chi uỷ. Trong những ngày vừa qua, chúng tôi đã trực tiếp chỉ đạo bà con, đặc biệt là các thành viên trong ban tranh đấu đấu tranh công khai, trực diện với địch. Việc chúng ta gặp viên tỉnh trưởng đấu tranh khiến bốt Giỗ không bắn đại bác vào làng và đích danh viên tỉnh trưởng phải xuống đây gặp bà con đã là một thắng lợi. Nhưng đây cũng chỉ là thắng lợi bước đầu, tổ đảng Đức Đại chúng tôi hiểu rất rõ điều đó. Cũng từ buổi nói chuyện của tên tỉnh trưởng với dân, chúng ta đều biết không dễ gì bọn địch từ bỏ ý đổ dồn dân đuổi làng. Chắc chắn, bằng cách này hay cách khác, chúng sẽ phải thực hiện tới cùng…
- Điều ấy thì hiển nhiên rồi – Ông Tỳ cắt ngang lời Lân… Nó định dồn làng mình để thành mô hình dồn tiếp những làng khác, làng mình bị nó lấy ra làm mẫu thì làm gì có chuyện nó dễ dàng bỏ qua…
- Mình kiện thì cứ kiện thôi, chứ nghe giọng thằng tỉnh trưởng thì mình hiểu cả, nó không bỏ qua chuyện này đâu… Anh Bạ thủng thẳng – Việc nó không bắn đại bác và thằng tỉnh trưởng xuống đây hiểu dụ dân cũng chỉ là bước lùi tạm thời của nó thôi. Nó đang chơi trò mèo vờn chuột mà lại…
- Tất nhiên là như thế – Lân tiếp tục. Ánh mắt anh rực sáng – Chính vì vậy mà chúng tôi đều hiểu thắng lợi vừa qua chỉ la những thắng lợi bước đầu, nhất định ta không thể chủ quan được. Tôi muốn xin ý kiến chỉ đạo của chi uỷ để họp ban tranh đấu bàn các biện pháp đấu tranh tiếp.
- Đồng chí được giao nhiệm vụ chỉ đạo trực tiếp, đồng chí cứ nêu hết ý kiến của mình về việc này – Bí thư chi bộ Đỗ Văn Xô lên tiếng.
- Tôi xin nhấn mạnh, tổ đảng Đức Đại sẽ chỉ đạo bà con đấu tranh tới cùng. Trước khi tiến hành các bước tiếp theo, tôi đề nghị, tất cả hầm hố vẫn phải nguỵ trang thật kỹ để đảm bảo bí mật. Các tổ đấu tranh ở các xóm phải luôn luôn sẵn sàng đề phòng, có tín hiệu là có mặt để trực tiếp đấu tranh. Đội thiếu niên quân báo phải tăng cường cảnh giới, thấy địch xuất hiện là phải báo cho tổ đảng nhanh nhất. Mỗi phần việc này đều đã được phân công trực tiếp cho từng đồng chí đảng viên, nên phần việc của ai người nấy phải thực hiện nghiêm túc và có báo cáo thật chi tiết. Nếu có thể được, đề nghị tổ du kích thôn sát cánh cùng bà con trong việc chống càn trong thời gian sắp tới… Gì thì gì, có tiếng súng, tiếng mìn của anh em du kích, quân địch cũng phải chợn chân hơn.
- Chi uỷ nhất trí với những gì đồng chí Lân vừa nêu – Bí thư chi bộ Đỗ Văn Xô gật gù, bàn tay ông miết xuống mặt chiếc phản gỗ kèn kẹt - Chúng ta cần nắm thật chắc rằng: Xét về mặt vị trí chiến lược thì Đức Đại là một vị trí quan trọng với cả hai bên ta và địch, vì nằm giữa hai con đường huyết mạch, muốn ngược lên phía Bắc hay xuôi về phía Nam đều phải qua nơi này. Hơn nữa, đây lại là quê hương của rất nhiều lãnh đạo lớn của phong trào Việt Minh. Cán bộ Việt Minh cũng thường qua lại con đường này toả về các nơi lãnh đạo phong trào. Nếu địch thực hiện được kế hoạch đồn dân đuổi làng Đức Đại thì coi như việc bình định đồng bằng Bắc bộ của chúng sẽ thực hiện được. Do vậy, như các đồng chí đã nói rất đúng, đây là nơi thí điểm, vì vậy chắc chắn chúng muốn làm cho bằng được. Về phía chúng ta, những kết quả các đồng chí đạt được trong thời gian qua là không nhỏ. Chúng ta cần phát huy những kết quả đó để tiếp tục chỉ đạo nhân dân đấu tranh phá tan ý đồ bình định của địch. Nhất định chúng ta sẽ gặp rất nhiều khó khăn ở phía trước, thậm chí một trong số chúng ta ngồi đây sẽ có người phải hy sinh. Nhưng kiểu gì, chúng ta cũng không thể địch thực hiện được âm mưu của mình. 
° 
°
Ba ngày sau! Một đại đội lính Âu Phi và lính Nguỵ người dân tộc Thái lùa theo dân phu từ các nơi khác đến quây càn làng Đức Đại. Ngay từ sáng sớm, những tiếng tăng… xình, tăng … xình đã dập xuống Đức Đại như giã gạo. Địch  đã cho bắn đại bác dọn đường rồi xua dân phu các nơi trèo lên dỡ những nhà dân nằm sát ven đường. Nắm được tình hình địch sẽ càn, ngay từ đêm trước, Lân đã cùng với nhóm địch vận vào tận trong đồn nguỵ làm công tác binh vận với đám dân phu, đặc biệt là những người dân phu bị đưa đến từ những xã lân cận. Anh em đã được nhắc nhở triệt để lãn công không được dỡ nhà dân. Chính vì làm tốt công tác binh vận nên khi đám cai ra lệnh, đám dân phu chỉ trèo lên cho lấy lệ. Chỉ cần dân túm nhẹ vào chân là họ giả vờ lăn xuống. Cứ thế, phu trèo lên mái nhà, dân xúm lại kéo xuống. Phu tụm lại, vờ giằng co với chủ nhà rồi lại lảng đi, ngồi thanh minh cãi vã với tụi lính.
Ngay từ khi quân địch còn cách đầu làng vài trăm thước, Lân đã nắm được thông tin cụ thể về số lính, số vũ khí chúng mang theo và lượng dân phu địch dồn theo để dỡ nhà dân. Anh nhẩm tính trong đầu rất nhanh. Khứu đã ra hoà vào những người trong ban tranh đấu. Trong nhà chỉ còn mẹ anh – bà giáo. Mẹ anh sẽ vừa là người liên lạc, vừa là người canh hầm, bảo vệ cho anh. Căn hầm anh sử dụng vẫn là căn hầm bí mật cũ của nhà, cái hầm đã gắn bó, che trở cho anh trong bao ngày gian khó nhất. Hầm rộng đủ cho ba người ngồi
Mặc cho quân địch lùng sục, căn hầm của anh vẫn hết sức an toàn. Không chỉ che chở cho anh, nó còn là nơi tiến hành các cuộc họp bí mật, là nơi che giấu những đồng chí cán bộ lãnh đạo quan trọng của phong trào khi họ về công tác tại Đức đại và cả Nghĩa Hưng. Căn hầm của Lân không an toàn sao được khi nó được bảo vệ bởi chính tấm lòng người mẹ đã sinh  và nuôi dưỡng anh.
- Cộc, cộc, cộc! Nghe thấy tiếng gõ nhẹ đúng tín hiệu trên nắp. Một lát sau, nắp hầm mở ra, Lân nhô đầu lên. Tằm cúi đầu xuống, nói nhẹ như người thì thầm:
- Bọn Tây không dám trèo lên dỡ nhà, chúng nó chỉ lùa dân phu thôi. Phu thì chỉ trèo lấy lệ, khẽ động là lại lăn xuống rồi quay ra cãi nhau với lính om sòm. Bây giờ thì phải làm gì tiếp…
- Bảo bà con cứ tiếp tục giằng co. Nhất định không để chúng dỡ nhà một cách dễ dàng. Nếu bọn lính trèo lên, dân phải tập trung lại, lôi cổ chúng nó xuống…
Ngoài kia, dân đấu tranh với địch bằng nhiều hình thức. Người kêu khóc ầm ĩ, các bà già cứ xông vào ôm chặt lấy những người phu không cho họ trèo lên mái nhà. Nhìn tức mắt, mấy tên lính Âu Phi nhao lên. Tên nào leo lên mái liền bị bà con tập trung lại, túm chân lôi xuống. Chùng chình mãi, giằng co tới tận trưa, nhiều mái rạ bị dỡ dở dang nhưng chúng vẫn chẳng dọn gọn được nhà nào. Thằng cai đồn nghiến răng:
- Mẹ chúng mày. Lũ ăn hại. Chỉ có mấy cái nhà rách mà chúng mày cũng không dỡ được là cớ làm sao. Buộc dây vào, kéo đổ xuống cho ông. Không cho dỡ thì chúng ông kéo sụp hết, xem chúng mày có tự khắc phải dỡ đi không nào?
Hắn vung vẩy khẩu súng ngắn trong tay. Đám lính theo lệnh hắn, xúm lại kéo đổ mấy ngôi nhà xem chừng lụp sụp nhất. Mặt trời gần đứng bóng, chúng phải dẫn dân phu uể oải tạ rút quân về. Một vài người người phu còn quay đầu lại, nháy mắt ra chiều đắc ý với những người dân vừa giằng co với họ.
Đêm ập xuống. Mưa. Những hạt mưa li ti như mưa tro trùm xuống, thoảng nhẹ như tiếng thì thầm than thở. Những hạt mưa đọng lại trên các rặng cây, tán lá. Nhiều hạt lọt qua lá cây rơi vào cổ Lân nhột nhạt. Mưa nhỏ chỉ khiến không khí nồng nực của những trận giằng co của người dân với địch ban ngày dịu lại. Lân đang cùng các đồng chí trong chi uỷ và các đoàn thể đi thăm hỏi, động viên từng tổ đấu tranh, tới những gia đình bị nạn, khắc phục những hậu quả do quân địch gây ra. Anh hít thật sâu bầu không khí vừa lẫn vị ngọt đắng của lá cây, vừa lẫn vị khét lẹt của thuốc súng. Phía sau anh, Khứu cũng đang chầm chậm bước. Lân bỗng thấy lòng thư thái lạ thường. Bao căng thẳng trước cuộc đấu tranh một mất một còn với địch bỗng như loãng ra, tan đi trong bầu không khí thăm thẳm của làng quê lúc về đêm. Và hạnh phúc hơn khi trong cuộc đấu tranh này, bên những người đồng đội, anh còn có những người gắn bó cả đời với cuộc đời anh, đó là mẹ anh, vợ anh, em gái anh. Họ sẽ sát cánh cùng anh trong suốt cuộc chiến đấu này.
Ngày đầu tiên bọn địch từ bốt Giỗ xua quân đi dồn dân đuổi làng đã không thực hiện được kế hoạch của chúng. Không những thế, bọn địch trong bốt Giỗ còn tức nổ máu mắt khi những ngôi nhà bị chúng dỡ nham nhở và cả những ngôi nhà vốn rất lụp sụp bị chúng kéo đổ hôm trước chỉ đến hôm sau đã được dựng lên và lợp lại đàng hoàng hơn. Những ngôi nhà ấy được dựng lên từ tấm lòng đùm bọc của nhân dân các thôn trong xã và các “xã tề” lân cận được sự chỉ đạo của huyện uỷ đã gánh tre, gánh rạ đến giúp dân Đức Đại dựng lại nhà. Nhân dân Nghĩa Hưng còn mang thóc gạo đến giúp đỡ bà con. Chính những việc làm nghĩa cử ấy đã cổ vũ mạnh mẽ cho tinh thần đấu tranh của nhân dân Đức Đại.
°
°
Chắc chắn chúng sẽ không ngừng lại! Đầu Lân văng vẳng ý nghĩ ấy. Phải có thêm biện pháp đấu tranh gì đó khiến quân địch phải chùn bước. Nhân dân vẫn đấu tranh bằng chính trị, đấu tranh trực diện với địch. Nhưng phải để cho địch biết, nếu cố tình bắt dân dồn đi, rời nhà, chúng sẽ phải trả giá. Nghĩ đến đấy, Lân bật dậy. Anh rẽ màn đêm, tìm đến chỗ căn hầm bí mật của Tuyển.
- Có chuyện gì mà mày lần mò đêm hôm thế? Nó mà biết được, bọp cho phát thì thôi…
- Cháu định thế này. Nhất định chúng nó sẽ tập trung càn vào làng mình. Chỉ để bà con kêu khóc, đấu tranh giằng co với nó không có lực lắm. Chú thử tính xem, có thể cho du kích nổ vài phát thị uy chúng nó, chia sẻ với bà con được không?
- Nổ à? Nổ cũng được, để tao xem lại xem đạn dược thế nào… Mình có phải đám thừa đạn đâu... Nhưng mày nói cũng phải, cứ để bà con chỉ gào thét kêu khóc xuông cũng không ổn lắm… Thôi được. Ngày mai tao sẽ cho anh em nổ… Giờ thì mày về tranh thủ mà chợp mắt một lúc đi. Râu ria lởm chởm hết cả lên như chổi sể kia kìa, trông khiếp khiếp quá… 
°
°
 
Sớm đầu tháng chín. Một buổi sớm chưa có sương mù. Bầu trời dẫu có bị kéo xuống thấp hơn ngày thường nhưng phía chân trời đằng đông vẫn rực rỡ một quầng mây rất sáng. Những cơn gió chớm heo may thổi nhè nhẹ qua cánh đồng rộng. Chỗ những chiếc lều tạm của người dân làng Giỗ dựng giữa đồng, một làn khói tím biếc đang uyển chuyển bay lên, vừa như nhẩn nha, vừa như vội vã.
Tiếng súng thô bạo xé toang buổi sáng yên tĩnh và nên thơ ấy. Một đoàn lính Nguỵ và lính Âu Phi xuất phát từ bốt Giỗ mở trận càn vào Đức Đại. Thằng đội Gầy và tên xếp Triệu hung hăng đứng ngay cầu đá, vung vẩy súng ngắn, chỉ huy đám địch:
- Đi đi. Cứ xăm thật kỹ vào. Hầm bí mật của bọn Việt Minh đào ở những vị trí quan trọng, nguỵ trang thường giống như những cây rơm. Lỗ thông hơi thường trổ ra bờ ao, xa đường cái. Cửa hầm thường nguỵ trang kỹ, gõ kêu cộc cộc, dùng thuốn xăm xuống, đất sẽ sụt nhẹ, đi đi, lũ ăn hại. Cứ tóm được vài thằng đầu sỏ là bố bảo dân làng này dám cứng đầu chống lại chính phủ… Trận này phải làm thật mạnh tay. Nhà nào không dỡ được thì đốt, đốt sạch cho tao… Hôm nay, cho chúng mày xả láng… ha ha ha.
Tràng cười man rợ của hai tên chỉ huy vang lên. Đáp lại tiếng cười ấy là những tràng cười khả ố và man rợ của đám lính. Những quầng lửa bắt đầu bùng lên. Bọn lính đã châm lửa đốt nhà. Rừng rực cháy. Tre nứa nổ lốp đốp. Chúng dồn dân tụ lại, túm lấy các chị, lôi ra ngoài giở trò hãm hiếp. Dân chúng xúm lại. Các tổ đấu tranh huy động dân chúng tới kêu khóc ầm ĩ. Các cụ già, em nhỏ lao vào, túm đám lính đang đè ngửa chị em lôi dậy. Nhìn thấy hai chị phụ nữ đang bị hai tên lính Âu Phi lôi ra đám đất rộng, bà Khê đã lao vào, lấy đầu húc trúng bụng một tên, đẩy tên kia ngã kềnh ra đất, gỡ cho hai chị chạy thoát. Phía cuối làng, các bà, các chị bôi bẩn đầy người, ruồi bay xung quanh từng đàn vo ve, mặt mũi lem luốc cứ túm chặt những tên lính đang nhăm nhăm cầm mồi lửa đốt nhà. Mùi hôi từ những thân hình tiều tuỵ ấy khiến đám lính nhăn mặt, lảng đi chỗ khác. Bà Tham già, răng rụng hết miệng móm mém, túm chặt một tên lính nguỵ, khóc thảm thiết. Cái miệng trống hoác, trơ lợi đỏ hỏn cứ phều phào:
- Xin các ông đừng đốt nhà tôi, tội nghiệp lắm. Chúng tôi già rồi… Các ông ai cũng có nhà có cửa, có cha mẹ già, vợ dại con thơ. Nếu người khác đến đốt nhà, chém giết cha mẹ, hãm hiếp vợ con mình thì các ông nghĩ gì… Khốn khổ thân tôi thế này… Giời ơi là giời…
Khắp trong làng Đức Đại khói lửa mịt mù. Tiếng kêu thóc thảm thiết, vang đến khắp xung quanh. Mặt trời đỏ ối len lỏi trong đám khói bụi, nhích dần lên phía đỉnh đầu. Thấy khói bụi mù mịt bốc lên từ phía làng, Tuyển dẫn tổ du kích nhích lại gần. Ông bố trí anh em phân bố tại Đống Thiên, Ao Hải, Quán Múc, Đống Đỏ… Những khẩu tiểu liên hướng về phía làng. Tiếng kêu khóc cùng những đụn khói từ phía làng bốc lên cứ như mũi dùi xoáy vào tâm can họ.
- Chuẩn bị! Bắn! Tiếng Tuyển thét to. Hình như bao uất ức căm hờn quân địch, bao xót thương cho những người thân của anh trong ngôi làng đang bốc lửa rừng rực kia gửi vào tiếng thét ấy. Nước mắt căn hận bỗng nhiên rỉ ra từ khuôn mặt góc cạnh của người tổ trưởng du kích ấy.
Tiếng súng nổ từ ngoài vọng vào khiến quân địch hoảng hốt. Chúng sững lại. Trong ánh mắt của quân địch, tiếng súng đó là lời cảnh cáo của Việt Minh. Mặt trời ngả dần về phía tây. Phần sợ bị Việt Minh tấn công, phần cũng đã quá mệt mỏi, quân địch đành lui quân, kết thúc thêm một ngày càn quét không hiệu quả.