háng Giêng - một tháng trời căng thẳng, sắp hết. Hai tuần cuối cùng trời trở nên ấm áp, dễ chịu, với những đợt lạnh nhè nhẹ, không có gió - trời này đi trượt băng thì thật tuyệt vời. Cũng có nhiều ngày trời nắng, và ở ngoài thành phố - tuyết chất đống. Những người đi trượt tuyết vui mừng: “Thôi thế là mùa đông thực sự đã đến rồi!”. Còn Vadim thì không chú ý gì đến tuyết, với lại trượt tuyết cả. Mọi sinh viên đều gầy đi trong thời gian thi cử. Riêng Vadim lại thay đổi đến nổi giáo sư Kretsetov đã có lần băn khoăn hỏi anh: - Thế nào anh bạn thân mến, sức khỏe thế nào - yên ổn chứ? Có đau đầu không đấy? Không chứ? Không sao chứ? - Vâng, thưa thầy Ivan Antonovich! - Vadim mỉm cười đáp. - Mọi việc đều thuận lợi cả ạ! Vadim cũng không chuyển đến ở trong khu tập thể sinh viên, nhưng suốt ngày ở đó và chỉ đến tối mới về nhà ngủ. Bây giờ anh chuẩn bị thi kiểm tra tất cả các môn cùng với các bạn, chứ không có cách nào khác nữa. Vadim được điểm” bốn” về môn kinh tế - chính trị học, các bài kiểm tra cũng đạt yêu cầu. Đến ngày hai mươi hai kỳ thi khó nhất trong đời anh đã chấm dứt. Nhưng Vadim đã không có được cái cảm giác nhẹ nhõm thanh thản thường thấy. Có lẽ, anh còn cảm thấy trong lòng đau khổ hơn, nặng nề hơn, vì một công việc lôi cuốn anh đã kết thúc, dù nó chỉ giải thoát anh khỏi những nỗi lo lắng trong một khoảng thời gian nào đó, Và cả những ngày nghỉ sắp tới cũng không làm cho anh vui thích. Trái lại, Vadim buồn bã nghĩ tới những ngày đó: tất cả các bạn sẽ chia tay nhau đi các ngả, khu tập thể sẽ vắng teo. Các bạn của Vadim, đặc biệt là Lagodenko và Aliosa Remescov, cứ khăng khăng thuyết phục anh chuyển đến ở với họ. Vadim đã từ chối khiến họ bực bội, băn khoăn: - Tại sao cậu lại bướng đến như vậy? Cậu thích cái gì? Cậu không thích cái bếp của chúng tớ hả? Hay có lẽ cái chậu rửa mặt xấu quá? Vadim lúng túng, ngượng nghịu bào chữa: - Các cậu hiểu cho, mình thường xuyên phải gọi dây nói đến bệnh viện. Ở chỗ các cậu thì không có cái đó… không có điện thoại… - Lại cái của ấy! - Lagodenko bực tức nhại lại. - Cậu khéo tìm nguyên nhân nhỉ! Chạy đến “cái đó” chỉ mất có hai phút, cả ở “Cửa hàng thực phẩm” lẫn ở góc phố đều có điện thoại tự động. Chỉ có cái tính giả tạo, ngượng ngùng vớ vẩn hay tính tự ái vặt nào đó của cậu thôi. Có quỷ biết là cái gì. Vadim không biết giải thích cho bạn thế nào về nguyên nhân mình không chuyển chỗ ở. Tất nhiên vấn đề không phải là điện thoại. Vadim cho rằng mình vào ở tập thể, sẽ bị xa mẹ, và như thế vô hình trung là một sự phản bội. Tất nhiên sống giữa bạn bè sẽ làm cho anh vui hơn, ít nghĩ đến mẹ hơn. Nhưng làm sao mà thanh thản được, khi mẹ ốm yếu như vậy?. Đúng thế, về buổi chiều, và vào lúc khuya khoắt, thật khó mà ở lại một mình trong căn phòng trống trải, triền miên với những suy nghĩ của mình. Nhưng dầu sao anh cũng lại cần có những suy nghĩ nặng nề đơn độc ấy. Có lẽ anh tin tưởng một cách ngây thơ và mơ hồ rằng anh càng chịu đựng nhiều khó khăn bao nhiêu, thì càng làm cho mẹ anh dễ chịu bấy nhiêu. Những suy nghĩ kỳ lạ tràn vào đầu óc anh, nhưng anh lại không thể thổ lộ với bạn bè, không thể giải thích được cho họ về những ý nghĩ đó… Có nhiều đêm anh thức tới sáng. Nằm trên giường, hai tay đặt dưới gáy anh đã nghĩ đến bao nhiêu là chuyện linh tinh. Có biết bao chuyện để mà nhớ, để mà nghĩ trong những đêm khuya ấy! Anh thường nhớ tới cha, vào những năm rất xa xưa, lúc anh còn thơ ngây bé bỏng… Anh đã cùng cha thả những cái diều lớn hình hộp. Hồi ấy anh đang ở nhà nghỉ vào mùa hè, trên một cánh đồng cỏ lớn, oi ả, nơi toả ra mùi thơm của hoa cúc dại và cỏ ba lá, nơi có rất nhiều bướm đẹp, các chú châu chấu vỗ cánh kêu lách tách. Cha anh rất thạo dán diều và thả điều, còn Vadim thì vẽ trên những con diều ấy những khuôn mặt ngộ nghĩnh khác nhau. Khi cha anh ở nhà nghỉ, rất nhiều học trò của ông thường đến thăm, đó là những thanh niên, học sinh các lớp lớn, có cả những người đã trưởng thành. Ông cùng với họ chơi gorodki - cha rất thích chơi gorodki và thường hạ nhiều địch thủ… Còn khi mẹ được nghỉ phép, thường là vào tháng Tám - thì cả ba người đi chơi thuyền từ rất sớm ở một nơi rất xa, suốt ngày. Buổi sáng, trên dòng sông mát lạnh và yên tĩnh, chỉ có những người câu cá đơn độc, đội những chiếc mũ nhàu nát, ngồi bên cạnh những chiếc cần câu của mình, ngước nhìn chiếc thuyền với những cặp mắt ác cảm… Ngày ấm dần, trở nên nóng bức, trên bầu trời xuất hiện những đám mây nhỏ, trắng đục, nhẹ trôi, trên bờ ngày càng đông người, còn trên mặt sông đầy những thuyền. Cha ghé thuyền vào một đồi cát nào đó, và cả ba người cùng xuống tắm và sưởi nắng khá lâu, cùng đi tìm trên cát nóng những vỏ sò rất đẹp và “những ngón tay quý” và, nếu không có ai xung quanh, thì cha biểu diễn trên cát những trò nhào lộn buồn cười, trồng cây chuối và có thể đi bằng hai tay xuống nước. Chuyện đó xảy ra đã lâu, lâu lắm rồi. Từ khi còn bé. Hiện nay ai đang sống ở cái nhà nghỉ mát có dẫy hiên với những cửa kính nhiều màu đó? Ai đang tắm ở đồi cát? Phải, có lẽ không còn đồi cát đó nữa vì người ta đã đào kênh Moskva - Volga. Nước sông dâng lên và tất nhiên cái đồi cát ấy sẽ chìm mất… Và kìa cha đang nhìn anh chăm chú và nghiêm nghị, hơi buồn và khẽ nói: “Hãy chăm sóc mẹ con!” Điều đó cũng đã xảy ra lâu lắm rồi, cũng vào lúc còn bé, vào cuối một ngày tháng bảy oi ả và đầy bụi. Nhưng làm thế nào chăm sóc được mẹ? Anh có thể làm gì để chăm sóc mẹ, một con người thân yêu, để giữ lại cái thời thơ ấu đang trôi qua, giữ lại người cha và những kỷ niệm về ông?… Và Vadim lại nhìn thấy mẹ, nhìn thấy gương mặt già nua, có đôi mắt sáng, gương mặt thân yêu với những nếp nhăn hằn sâu. Kìa anh đang đứng trước cửa trong chiếc áo ca-pốt bộ đội, chân đi đôi ủng bóng lộn vừa được đánh bóng buổi sáng ở ngoài ga, đầu đội mũ ca-lô, một tay xách va-li, tay kia gõ cửa cốc cốc. Và anh nghe thấy giọng nói bình tĩnh của mẹ, một giọng nói làm trái tim anh thắt lại như ngừng đập. “Hãy đợi một lát, tôi ra đây…” Mẹ - một người đàn bà nhỏ bé, tóc bạc, mặc chiếc áo len đan màu xanh đã cũ - mở cửa ra, và bất chợt đứng sững lại, kêu lên sợ hãi và yếu ớt: “Vadim đấy ư, con?” Sau đó mẹ im lặng ngã vào cánh tay anh vừa đưa ra, mặt áp vào chiếc áo khoác bộ đội đầy bụi. Niềm hạnh phúc xa xưa, trôi qua tự bao giờ đó cũng đã diễn ra từ lâu. Bây giờ làm sao mà nhớ được hai mẹ con đã làm gì, đã nói những gì sau cuộc gặp gỡ trên thang gác ấy. Ngày hôm ấy trong phòng nhộn nhịp biết bao! Tối hôm ấy nhiều người tới thăm: có cả những người bạn cũ, cả những người nào đó anh hoàn toàn không quen biết… Thế mà bây giờ anh chỉ có một mình. Các bạn anh đã đi ngủ. Có lẽ trước khi đi ngủ họ nhớ tới anh - trách cứ anh, thương anh. Bạn anh là những con người tốt. Nhưng dù sao… chỉ có bạn bè thôi thì cũng không đủ. Bà Vera Fadeevna nằm bệnh viện đã hai tuần, ở phòng chuẩn đoán, nhưng các bác sĩ vẫn chưa thể xác định được bệnh tình. Những cuộc thử nghiệm liên tục, những lần chụp quang tuyến X. các cuộc hội chẩn kéo dài liên miên. Bà Vera cảm thấy sức khỏe mình sút đi, người ngày càng gầy hơn, những cơn ho đến kiệt sức hành hạ bà và nhiệt độ lên xuống thất thường. Suốt thời gian đó Vadim chỉ gặp mẹ có hai lần, nhưng hàng ngày anh vẫn tới bệnh viện, đọc những bức thư của mẹ, do một chị hộ lý của bệnh viện mang từ phòng bệnh ra. Thư rất ngắn, viết nguệch ngoạc, vội vàng trên một mẩu giấy con, hình như do bàn tay của người khác viết hộ, thậm chí mẹ không viết hết tới chữ cuối cùng: “Con thân yêu… Mẹ vẫn như thế. Mẹ cảm thấy… Con thì thế nào? Lúc nào mẹ cũng nghĩ đến con…”. Ngày nào Vadim cũng gửi cho mẹ những hàng chữ ngắn ngủi. Một vài lần, trong những ngày không được phép vào, anh tìm cách lẻn vào bệnh viện, nhưng đã bị ngăn lại, anh đề nghị, van nài, bực tức, kêu toáng lên, lúc đó các chị hộ lý phải mời bác sĩ trưởng - một ông già bé nhỏ, khó tính, với bộ mặt gầy hồng hào tới. Ông cụ bất chợt lao đến bên Vadim, hét lên giận dữ, với một giọng the thé: “Tôi cả… â… ấm anh vào thăm, nếu anh còn làm ầm lên như thế! Nhớ lấy! dứt khoát cấm! Chị Maria Ivanna, chị Daria Ivanna, tôi cảnh cáo các chị!“ Sau đó, ông đi như chạy, chiếc áo blu hắt ra một làn gió ở hành lang, còn Maria Ivanna và Daria Ivanna trong nháy mắt biến thành những người vừa câm vừa điếc, nói chuyện với họ thật là vô nghĩa. Một hôm ở sân trong bệnh viện, Vadim gặp Valia. Anh nhìn thấy cô từ đằng xa. Cô đang đi ngược về phía anh, đầu đội một chiếc mũ nhỏ bằng len màu tối, bận một chiếc áo đen dài, phía dưới lộ ra một khoảng áo blu trắng. Cô đi rất nhanh, lưng hơi gập xuống, trông dáng rất bận rộn, Vadim quả quyết rằng Valia sẽ không nhận ra anh vì cặp mắt cận thị của cô và do đó anh cũng không muốn gọi cô. Anh không quen thân người con gái này, chỉ có mấy lần gặp cô ta ở nhà Sergei, nhưng không thường xuyên. Nhưng Valia nhận ra anh và vui vẻ gọi anh: - Vadim!. Anh làm gì ở đây thế? Vadim trả lời. - Mẹ anh nằm bệnh viện này đã hai tuần rồi à? - Valia ngạc nhiên hỏi. - Sao cho đến nay anh không tranh thủ tìm em! - Tôi nghĩ rằng cô biết rồi, - Vadim đáp. - Lẽ nào Sergei chưa nói gì với cô? Valia lắc đầu: - Không… Đã lâu em không gặp anh ấy. - Cậu ấy đã hứa là báo cho cô biết. Vì cô có thể giúp được một điều gì đó, khuyên nhủ chẳng hạn… Tôi nghĩ rằng cô không còn làm việc ở đây nữa… - Em không biết gì cả, - Valia lại lắc đầu trả lời, chăm chú nhìn thẳng vào đôi mắt của Vadim. - Anh chẳng nên tin vào anh ấy làm gì, mà nên tự mình tìm em thì hơn. Nhưng thôi… Em có thể giúp được gì?. Bác sĩ Andreev nói thế nào? Vadim thuật lại cụ thể cho cô nghe những điều mà bác sĩ Andreev và các bác sĩ khác trao đổi, cố nhớ lại những câu và những chữ khó hiểu trong những câu chuyện của họ, đại loại như câu “Dịch rỉ của màng phổi phát triển”. Sau khi chăm chú nghe, Valia giải thích cho anh rằng có lẽ các bác sĩ sợ mẹ anh mắc bệnh lao, nhưng không tìm ra bệnh đó, cho nên bây giờ phải mổ. Cô an ủi Vadim: - Anh đừng lo, Vadim ạ! Andreev là một bác sĩ tuyệt vời, ông ấy mổ rất giỏi… - Nhưng đấy là bệnh ung thư. Ung thư phổi. - Vadim buồn bã nói, ngước nhìn Valia. - Tôi đọc thấy trong sách tra cứu… - Ở trong đó nói gì? - Sách ghi, bệnh đó bao giờ cũng dẫn tới cái chết, - Vadim nói ra một cách khó nhọc. - Bao giờ cũng dẫn tới letalis? Hoàn toàn không phải như vậy! - Valia sôi nổi nói. - Nói chung không nhất thiết là như vậy! Tất nhiên bệnh này rất nặng, rất nguy hiểm, nhưng ở bệnh viện chúng em, đã chữa khỏi một số trường hợp. Có thể đó là một cuốn sách tra cứu đã quá cổ? Ai là tác giả cuốn sách nhỉ? - Tôi không biết. Có lẽ cuốn sách không phải là cũ lắm thì phải. Valia thở dài, nắm lấy tay Vadim, nói một cách dịu dàng, bình tĩnh. - Vadim ạ, anh đừng lo, anh phải hy vọng là mọi việc sẽ tốt đẹp. Em hứa là sẽ đến thăm bác. Bác vẫn còn ở phòng chẩn đoán hả? Được rồi, em sẽ giới thiệu anh với các bác sĩ. Em sẽ tìm cách giúp anh thường xuyên gặp bác. Em sẽ đứng ra lo liệu. Còn anh, không được mất tinh thần, phải vững vàng. Được chứ? - Đồng ý, Valia ạ… - Vadim lắp bắp và giọng nói anh run lên vì một tình cảm biết ơn và tin tưởng mãnh liệt chợt đến đối với người con gái mà trước đây anh hoàn toàn không quen biết, và chỉ vừa đây thôi, anh mới thật sự được làm quen. Hai người chia tay nhau như những người bạn thân thiết. Kỳ nghỉ đông đã bắt đầu, nhưng cũng không mang tới cho Vadim một niềm vui đặc biệt nào. Các bạn đi mỗi người một nơi: nhóm đoàn viên thanh niên cộng sản đông nhất đứng đầu ở Spartar đã tham gia chuyến trượt tuyết tuyên truyền ở tỉnh Moskva. Cả giáo sư Krylov - một người say mê trượt tuyết từ núi cao - cũng quyết định cùng với anh chị em sinh viên lên đường. Sergei. Galia Mamonova. Marina và Lena đã đi đến nhà nghỉ. Andrei rẽ vào nhà Vadim mấy lần. Anh mời Vadim đến nhà mình chơi: “Cậu đến nhà mình thở hít một ít không khí của rừng, của tuyết. Đối với cậu, điều ấy rất cần thiết. Trông cậu bây giờ phờ phạc như con quỷ đói ấy! Đến mình hai ngày thôi. Được chứ? Không, anh không thể rời bỏ Moskva được, dù là chì hai ngày thôi. Sáng sáng Vadim vào bệnh viện, còn buổi chiều Valia lại từ bệnh viện gọi dây nói cho anh. Một hôm Andrei nói với Vadim: - Này, Vadim, việc nhà có gì phải làm không? Giặt quần áo chẳng hạn? Để mình bảo em gái mình, nó chỉ làm chớp mắt là xong thôi. - Cái gì, cái gì? - Vadim nhăn nhó. - Đừng có vẽ chuyện rắc rối! Mình sẽ làm lấy được hết. Thế mà cũng đòi! - Nhưng có chuyện gì đặc biệt đấy? - Andrei ngạc nhiên. - Cậu chẳng đang một mình hí hoáy là gì đấy. - Thứ nhất, mình không hí hoáy. Mình chỉ giặt thôi, và làm mọi việc không kém gì cô em gái của cậu. Thứ hai, cô bé, cậu hiểu không, chỉ trông thấy mình có năm phút, thực ra cũng coi như chưa biết nhau, thế mà cậu cũng nghĩ ra những việc ấy được! - Vadim giận dữ nhún vai. - Này. Andrei, thỉnh thoảng cậu lại làm cho mình sửng sốt lên đấy! - Thế ra… - Andrei thở phào nói bằng một giọng bình tĩnh. - Không, anh bạn ạ, chính cậu làm mình sửng sốt thì có. Cậu không phải là con người đơn giản đâu, Vadim ạ. Ở cậu có một cái gì đó… một cá tính kiểu cách, khách sáo theo lối trí thức. - Ừ, cứ cho là thế đi! Thế cũng được chứ sao! - Không, không thể như vậy được. Tất nhiên, theo lời kể của mình Olga biết rất rõ về cậu và về bệnh tình của bác Vera Fadeevna. Nó đã càu nhàu với mình khi mình quên không đến thăm cậu, hoặc không gọi dây nói cho cậu. Mình cũng không phải là con người quá ư đơn giản, mình cũng hay băn khoăn chuyện này chuyện kia, còn Olga là một con bé giản dị, tốt bụng. Với những người giản dị mình cũng phải giản dị. Nói chung, cần phải giản dị hơn, trong sáng hơn. - Đúng. Andrei ạ! Tất cả đều đúng, - Vadim gật đầu và mỉm cười. - Nhưng dù sao mình cũng vẫn tự giặt lấy quần áo. Trước khi lên đường đi trượt tuyết, một buổi chiều Lagodenko và một lúc sau là Andrei đã rẽ vào thăm Vadim. Vừa hôm qua cả ba đều đã nhận được học bổng, cho nên Lagodenko đề nghị đến “Cửa hàng thực phẩm” mua hai chai rượu, một món đồ nhắm giản dị kiểu sinh viên để ngồi tán gẫu trong cái “hội mấy thằng”. Cả bọn đồng ý và mười phút sau, trên bàn đã xuất hiên hai chai khai vị (Lagodenko kiên quyết không uống vodka, vì sáng mai anh phải dậy sớm ra ga) và trong căn phòng liền bốc lên mùi pho-mát mằn mặn, mùi bắp cái chua, còn Vadim thì lúi húi ở dưới bếp, bên cạnh cái bếp dầu, rán trứng theo cách của nhà hợp lý hoá Arkadi Lvorich. Hôm nay Vadim đặc biệt rất vui, vì các bạn đã đến với anh. Buổi sáng, anh từ bệnh viện trở về với tâm trạng lo lắng, sợ hãi: bác sĩ trưởng bảo rằng, chắc chắn bà Vera Fadeevna đã mắc bệnh ung thư phổi và đến tuần sau sẽ phải mổ. - Tiếc quá, mình không được ở Moskva đến tuần sau! Thế là không gặp may, cậu hiểu không? - Lagodenko nói với một giọng quả quyết chân thành, làm như nếu anh có mặt ở Moskva sẽ có thể gây nên một tác động nào đó đến quá trình mổ xẻ. - Phải bằng mọi cách tìm được bác sĩ giỏi nhất để mổ cho bác. Còn cậu, Vadim ạ, cậu chỉ là một thằng đù đờ, rồi sẽ không giải quyết được việc gì đâu. Khỉ quá, mình lại phải đi… - Petr, sẽ có một bác sĩ giỏi nhất, như cậu nói, mổ cho mẹ mình, - Vadim trả lời. - Đó là giáo sư Andreev. - Thế hả? Nếu thế thì. Andrei, trong những ngày này cậu phải chăm sóc Vadim, nói chung phải quan tâm và chu đáo đấy. Tớ thay mặt tập thể ra lệnh cho cậu. Trong khi nói, Lagodenko khéo léo mở nút một chai rượu, trong nháy mắt chia trứng thành ba phần bằng nhau và cắt miếng pho-mát thành những lát dày. - Trong đám chúng ta không có phụ nữ, cái kiểu cách quý phải cũng vứt đi, - anh lẩm bẩm. - Mình chỉ thích những miếng pho-mát dày bằng hai ngón tay thôi, Thế mới thầy hết cái vị độc đáo của nó chứ! Nói chung thì đối với tất cả mọi thứ, mình chỉ thích cái gì cũng nhiều. Ôi, các cậu có biết ở Bulgaria người ta đã thết chúng mình những miếng pho-mát như thế nào không! ở nhà ai cũng thế, cứ cạnh mỗi người là một miếng pho-mát - một cốc rượu, một miếng pho-mát - một cốc rượu… Nào, nâng cốc! Andrei ngay từ hớp rượu đầu tiên đã trở nên lắm lời và có xu hướng triết lý. Ngồi tựa lưng vào thành ghế, đặt hai tay nặng nề của mình lên bàn, anh mỉm cười tư lự và nói: - Bây giờ Vadim thật là mệt mỏi và căng thẳng, phải không? Tất nhiên chúng ta cũng trong một tâm trạng như vậy. Nhưng cái đó sẽ chấm dứt, tất cả sẽ ổn thoả, sẽ là niềm vui… Phải như thế, và sẽ như Thế. Trước mắt chúng ta là một cuộc sống phức tạp. Một cuộc sống lớn lao, phức tạp… muôn vẻ… và cũng sẽ có nhiều khó khăn, cả nỗi bất hạnh lẫn niềm vui sướng, cái này quyện với cái kia. Nhưng cái chủ yếu sẽ là cái gì? Một nhà thơ hiện đại, tuyệt diệu đã viết những dòng thơ như sau, - anh lập tức nín lặng, rồi bất chợt ngâm lên rất to một khổ thơ với một giọng kéo dài và cố tình buồn: Ngoài những phạm trù quan trọng và những tình cảm mãnh liệt. Không kể những cảnh sôi động trong ánh sáng của hàng nghìn ngọn nến. Thì nỗi đau khổ thường ngày không giấu được. Đó là điều duy nhất đáng giá… - Cái gì, cái gì? - Lagodenko nhăn mặt hồi lại. - Điều duy nhất đáng giá là cái gì? - Đoạn sau nói tiếp rằng “Anh sẽ nối lại bài ca trong cõi lòng tan nát, để giúp người sống dậy những lửa vui”. Nỗi buồn và đau khổ làm cho con người trở nên tốt đẹp hơn, làm nãy sinh cảm hứng, lập nên chiến công. Chả thế mà nhân dân đã nói lên cái triết lý ấy giản đơn hơn, nhưng cũng tế nhị hơn: “Trong cái rùi có cái may”. Đấy chính là ở chỗ ấy! Nhưng chả cần phải tán dương “cái rủi” làm gì… Cái điều duy nhất đáng giá ở đây không phải là nỗi đau khổ, mà tớ cho rằng chính là niềm vui. Có phải thế không? - Đúng, tuyệt! - Lagodenko tán đồng và rót cốc rượu thứ hai. - Nhưng, các cậu ạ, không phải là bất kỳ niềm vui nào cũng vậy! Mà phải là cái niềm vui lung linh ở phía trước, nó kêu gọi, chiếu sáng như một ngôi sao dẫn đường. Một niềm vui rất khó đạt tới, nhưng dù sao cũng phải giành lấy cho bằng được! Niềm vui - đó là cái làm cho con người ta tràn đầy sức mạnh và cổ vũ con người ta lập chiến công. - Hình như Makarenko gọi đó là “niềm vui ngày mai”, - Vadim nói. - Chính ý minh cũng muốn nói tới Makarenko! - Andrei vui vẻ hoạ theo - Ông ấy thật là một con người tuyệt diệu, các cậu ạ! Ông ấy đã đoán được biết bao điều đúng đắn, ông đã hiểu sâu sắc biết bao cái bản chất công việc chung của chúng ta - cái thực chất của công tác giáo dục! Các cậu có nhớ ông nói rằng phải giáo dục con người hướng về những con đường của tương lai, nơi niềm vui ngày mai của con người đang vẫy gọi không? Ôi, thật là chí lý… tất nhiên, đó là cái chìa khoá của sự nghiệp giáo dục cộng sản - giáo dục cho con người lòng tin vào niềm vui ngày mai, một niềm tin thật sự, không phải ở tận Thế giới bên kia, mà là một niềm vui trần gian nhất. Và con người được vũ trang bằng lòng tin đó sẽ trở thành vô địch, toàn năng. Vì thế mình đã quyết định viết đề cương về Makarenko cho Hội khoa học sinh viên, Và cho riêng mình. Các bài báo của ông thật là có ích, cần phải đọc đi đọc lại nhiều lần. - Thế các cậu có biết điều gì làm mình lo lắng không? - Vadim vừa nói, vừa mỉm cười - ở một chổ nào đó Makarenko nói rằng một giáo viên giỏi phải biết cách làm chủ sự thể hiện của nét mặt, biết điều khiển tâm trạng của mình, lúc thì giận dữ, lúc thì vui vẻ - tùy từng tình huống. Nói chung, cũng phải gần như một diễn viên nhà hát. Chính vì vậy mình cảm thấy mình không có tài năng đó… Andrei gật đầu tán thành: - Đúng, về khoản ấy mình cũng rất kém. Có lẽ bọn mình phải ghi tên vào đội kịch thôi?. Đấy, Sergei Palavin chả là một kịch sĩ là gì! - Cậu ấy mà là một kịch sĩ? Chỉ là một kẻ đạo đức giả, một kẻ dối trá mà thôi. - Lagodenko giận dữ nói. - Không, Sergei không bao giờ có thể trở thành một nhà giáo được. Cậu ấy có thể trở thành một viện sĩ, một nhà văn được đấy… Nhưng thôi để cho quỷ bắt nó đi! Còn mình, cả điều bộ trên nét mặt, và tất cả những điều bộ khác nữa, chả có gì là khó đối với mình. Lạy Chúa, những thứ đó mình đều có thể làm được. Anh nói một cách khẳng định như đinh đóng cột, khiến Vadim không nhịn được, phá lên cười: - Ôi, thật là một kẻ quá tự tin! Mình thấy phát thèm đấy. - Ra cậu nghĩ thế đấy! - Lagodenko đứng phắt dậy, đi đi lại lại trong phòng. - Các bạn thân yêu của mình, mình cần phải nói cho các cậu biết rằng: chắc chắc là mình đi theo con đường đó vững vàng hơn tất cả các cậu. Đúng như thế! Nhưng tại sao? vấn đề rất đơn giản là chính mình đã được giáo dục, dạy dỗ khác hẳn các cậu. Trước mười hai tuổi, mình đã phải lang thang ở ngoài phố, lớn lên không cha, không mẹ. Sau đó mình rơi vào một trại trẻ mồ côi gần Rostov. Ở đấy bọn mình gặp một ông hiệu trưởng, ông Archom Ilych… Đấy, thật quả là một con người! - Lagodenko thở dài, lắc đầu mơ màng và khẽ nhắc lại thiết tha, sâu lắng: - Thật đúng là một con người, các cậu ạ, có thể nói rằng đấy mới thật là một nhà giáo. Thậm chí đến bây giờ mình cũng sẵn sàng làm mọi việc vì ông. Chỉ cần nghe có người nói xấu ông, là minh có thể nổi xung lên ngay, có thể vứt tất cả mà chạy đến để bảo vệ ông. Phải hy sinh thân mình cũng không tiếc! Bây giờ ông đang ở Krasnovosk, là hiệu trưởng một trường trung học. Đối với tất cả bọn nhóc chúng mình hồi đó, ông thật là đáng quý và sẽ mãi mãi sống trong lòng mình. Suốt thời gian chiến tranh mình trao đổi thư từ với ông. - Lagodenko lặng đi, ngừng lại trong giây lát, nhíu cặp lông mày đen, đậm một cách nghiêm nghị, bất chợt nói khẽ: - Mình… mình cũng muốn trở thành một người hiệu trưởng. Vadim lắng nghe Lagodenko nói, cố hình dung ra ông Archom Ilych không quen biết, bất chợt anh so sánh ông với cha mình và anh cảm thấy là hai người phải có điểm gì đó giống nhau. Bởi vì cha anh cũng được học sinh yêu mến, mặc dù ông không bao giờ cố tìm cách để giành lấy một tình yêu như thế và thậm chí, anh còn nhớ rằng trước mặt mẹ anh, cha anh đã nhạo báng những người giáo viên khác cùng trường, những người cố đạo diễn cho được tình yêu của trẻ con, cố sống cố chết để trở thành “một thầy giáo kính yêu”. Không, cha anh là một con người nghiêm nghị, một người đòi hỏi cao đến mức xét nét, một người không biết chiều lòng bất kỳ ai và bất kỳ Việc gì. Vậy thì sức mạnh của ông là ở đâu? Sức mạnh và sức hấp dẫn của những con người như thầy giáo Archom Ilych của Lagodenko, như Makarenko là ở đâu? Mải suy nghĩ câu hỏi đó, Vadim chợt nói to ý nghĩ của mình: - Điều chủ yếu - đó là niềm tin vào con người. Nguyên tắc của Gorky là hết sức kính trọng con người, nhưng đồng thời cũng đòi hỏi cao đối với con người. Đó chính là điều chủ yếu. - Đúng, - Lagodenko khẳng định. - Phải đến với con người với niềm tin tưởng lạc quan. Điều đó Makarenko nói thật đúng. Nhưng trước hết mình phải là một người chân chính đã. Chẳng hạn như mình… - Là một người như vậy chứ gì, - Andrei nhắc khéo, nháy mắt. - Không, gượm đã! - Lagodenko gạt đi. - Đây là một câu chuyện nghiêm chỉnh, hiểu không… Mình tin rằng chị nghiên cứu sinh Kamkova kính mến của chúng ta là một nhà sư phạm hoàn toàn không ra gì. Bởi vì chị ấy là một kẻ mọt sách khô khan, một “Kodensky mặc váy”, đi giữa cuộc đời với chiếc bút chì đỏ trong tay. Có lần mình đã được dự một buổi hội thảo chuyên để của sinh viên năm thứ nhất mà chị ấy hướng dẫn. Các cậu ạ, thật là khô khan, và nghèo nàn hết sức! Đôi mắt lạnh lùng, giọng nói đanh lại! Hầu như lúc nào cũng chỉ có một câu: các anh chị hãy đặt hai tay lên bàn và không được nhìn ra ngoài… Nói chung thì các cậu ạ, - Lagodenko thở dài thật sâu và xoa hai tay vào nhau, đó thật là một công tác khó khăn đối với chúng ta! Liệu chúng ta sẽ làm ăn ra sao đây! Thời gian sẽ trả lời. Phải không các cậu? Còn bây giờ chẳng nên đoán già đoán non làm gì cho mệt… Nhưng, cả bọn vẫn cứ đoán mãi cuộc sống tương lai, cái công tác sắp tới của mình. Lagodenko khẳng định rằng mình nhất định sẽ dạy học ở một thành phố nào đó sát biển, để từ cửa sổ của phòng hiệu trưởng có thể trông thẳng ra biển. Andrei mơ ước một mái trường phổ thông nông thôn hẻo lánh trong một khu rừng tai-ga ở Sibir hay ở Altay. Còn Vadim lại tưởng tượng tới một thị trấn nhỏ bên bờ sông, tất cả đều nằm trong những khu vườn, sân trường cũng là một khu vườn, những cây táo, cây phượng cao to, còn ở phía xa, khoảng hai kilômét là những khu rừng nhỏ trồng thông, là những hồ nước, và anh sẽ cùng các em học sinh tới đó câu cá, sẽ cùng các em thả diều ở đó, đến mùa đông sẽ đi trượt tuyết… đối với họ, dường như cuộc sống đó thật xa vời, không thể nào mơ tưởng được, mặc dù trong thực tế nó thật gần gũi, gần như họ đang đứng ở ngưỡng cửa của nó vậy. Tất cả những điều tưởng tượng của họ đều chưa định hình, mơ hồ và không rõ rệt, nhưng có một điều tất cả họ đều tin tương chắc chắn: đó là họ đã phải lòng cái cuộc sống chưa rõ nét sắp tới này và đang bồn chồn chờ đợi nó. Đến khuya thì Raya Volkova gọi dây nói tới, bắt Lagodenko phải về ngay nhà, nếu anh không muốn ngày mai bị nhỡ tàu. Andrei ngủ lại ở nhà Vadim. Đó là một ngày đầu tiên trong suốt một tháng ròng Vadim được thiếp đi trong tâm trạng bình thản lạ lùng: anh chợt thấy hiện lên niềm tin tưởng rằng ca mổ sẽ tốt đẹp và mẹ anh sẽ bình phục. Mọi việc sẽ ổn thoả. Mọi việc sẽ phải như thế. Một tuần sau ca mổ tiến hành. Và thực tế diễn biến của ca mổ thuận lợi không ngờ. Giáo sư Andreev bước ra khỏi phòng mổ với bộ mặt nhợt nhạt, hơi lúng túng, nhưng ánh lên một nụ cười. Valia lập tức chạy bổ tới: - Giáo sư Sergei Konstantinovich!. Thế nào rồi, thưa giáo sư? Vadim không hiểu tại sao không thể đứng lên được khỏi chiếc ghế dài, anh im lặng, kẹp chặt hai nắm tay trong hai đầu gối, nhìn vào khuôn mặt mệt mỏi, hai bên thái dương lấm tấm mồ hôi của giáo sư. - Tốt lắm, các đồng chí ạ, - Andreev vừa nói, vừa nhìn Vadim. Nhiều người mặc áo choàng trắng vây quanh giáo sư, trong đó có một cụ già có khuôn mặt hồng hào, hơi gầy, và Andreev tiếp tục nói với họ: - Rất may những dự kiến của chúng ta là không đúng. Hạch trong phổi không phải là khối u mà là ấu trùng esinococ. - Còn hôm nọ tôi đoán là gì ấy nhỉ? - một bác sĩ thốt lên. - Xin lỗi. Boris Lvorich! - một bác sĩ khác vội vã ngắt lời. - Anh đã dẫn ra trường hợp của Lalaianxo, nhưng trường hợp của chúng ta lại là… Các bác sĩ tranh nhau nói bằng những thuật ngữ y học khó hiểu, thường nhắc lại câu “trường hợp của chúng ta” làm Vadim phật ý, nhưng anh đã không nghe họ nói nữa. Valia lại gần anh. - Vadim thân yêu! - cô nói với Vadim, sau khi bắt tay anh. - Anh thấy không, mọi việc đều tốt đẹp cả! Em mừng cho anh đấy! Khoảng hai ba tuần nữa là bác sẽ khỏi, bác sẽ vào nhà an dưỡng. Và khoảng hai tháng thôi là bác sẽ đi làm như thường… Vadim không thốt ra được một lời. Anh chỉ im lặng gật đầu và nhìn vào đôi mắt lấp lánh, ngời sáng của cô.