Dịch giả: Mạc Đỗ
5 - 6

    
àng hiên của ngôi nhà chính ngập những ánh sáng qua những khung cửa sổ sát đất mở rộng, ngoại trừ những khoảng bị vướng những mảnh tường; bóng những chiếc ghế bằng sắt trải dài, kỳ quặc, tới tận một giỏ layơn.
Trong số những bóng người qua lại từ phòng này sang phòng khác, cô Warren nổi bật, ban đầu còn thấy rõ ở đâu đó, sau thì rõ hẳn khi trông thấy Dick, cô gái bước ra. Khi bước qua ngưỡng cửa gương mặt của cô gái như hứng lấy ánh sáng trong phòng và đem theo ra. Cô gái bước theo một nhịp riêng - suốt tuần lễ trong đầu cô gái đầy những âm điệu ca ngợi mùa hè, những khung trời chói lói, những bóng mát âm u, và, khi hay tin người đàn ông trẻ tuổi đã tới, những âm điệu đó trở nên mãnh liệt đến độ cô gái có thể cất tiếng ca vang lên.
Cô gái không thể tách rời tia mắt của mình với tia mắt của Dick, như thể hai bên đã quấn quít vào nhau, cất tiếng chào:
- Kìa Đại úy, Đại úy có mạnh không? Chúng ta ngồi ngoài trời nhé? Quả tình đã là mùa hè rồi.
Đứng lặng, cô gái ngó chung quanh.
Một người đàn bà đi theo cô gái, một người nặng nề, quàng tấm khăn. Nicole giới thiệu với Dick:
- Senora...
Franz xin lỗi đi ra nơi khác. Dick kê ba chiếc ghế gần nhau.
Bà người Tây Ban Nha la lên:
- Thật là một đêm tuyệt vời!
Nicole đáp:
- May bella, đẹp lắm.
Rồi nói với Dick:
- Ông tính ở đây có lâu không?
- Ở Zurich vâng, nếu đó là ý cô muốn hỏi.
Senora nói tiếp:
- Thật đúng là đêm mùa xuân đầu tiên.
- Ông sẽ ở lại Zurich?
- Ít nhất cũng tới tháng Bảy.
- Tôi sẽ ra đi vào tháng Sáu.
Bà người Tây Ban Nha ngỏ ý:
- Ở đây tháng Sáu là tháng thích nhất. Cô nên nán lại ở đây tháng Sáu, tháng Bảy hãy đi, khi đó bắt đầu sóng dữ.
Dick hỏi Nicole:
- Có tính đi đâu?
- Ở đâu đó với chị tôi, nơi nào đời sống thích, vui vẻ, tôi mong như vậy, vì tôi đã bỏ phí mất nhiều ngày giờ quá! Nhưng cũng có thể các bác sĩ sẽ cho rằng tôi nên tới một nơi ít ồn ào, chẳng hạn như Côme. Tại sao ông không đi Côme?
Senora lại nói:
- À, Como!
Trong phòng khách lớn có ba người chơi bài Khinh kỵ của Suppé. Nicole mượn dịp đứng lên. Cảm nghĩ về tuổi trẻ và nhan sắc của cô gái khi đó tràn đầy trong tâm hồn Dick khiến Dick cảm thấy một xúc động mãnh liệt. Cô gái mỉm cười, miệng cười đáng thương hại của đứa trẻ bị bỏ rơi...
- Nhạc ồn quá ở đây không thể nói chuyện được. Chúng ta đi dạo một vòng quanh vườn đi? Buenos noches, Senora, xin chào bà.
- G’t night, g’t night, chào cô.
Hai người tuổi trẻ xuống hai bực thềm, đi vào con đường mòn khuất sâu trong bóng tối. Cô gái cầm cánh tay Dick, và nói:
- Tôi có mấy đĩa hát chị tôi gởi cho từ bên Mỹ. Lần sau ông tới chơi tôi sẽ để ông nghe. Tôi biết một chỗ có thể đặt máy hát mà không ai nghe thấy được.
- Nếu vậy thích quá.
- Ông đã nghe bài Hisdustan chưa? Tôi chưa nghe bao giờ nhưng tôi thích bài đó lắm. Tôi cũng có bài: Tại sao người ta lại gọi là Baby? và bài: Tôi sung sướng đã làm cho em khóc, nữa. Tôi đoán chừng ở Paris chắc ông đã nhảy điệu đó?
- Tôi chưa hề tới Paris.
Chiếc áo màu ngà, lúc thì xanh lúc lại xám khi hai người bước đi, mái tóc thật vàng của cô gái làm cho Dick chói mắt. Cứ mỗi lên Dick quay lại ngó cô gái, cô gái lại mủm mỉm cười, tới khi hai người đi tới gần một ngọn đèn đường thật sáng, gương mặt cô gái rạng rỡ khiến cho Dick liên tưởng tới một thiên thần. Cô gái cám ơn Dick đủ thứ, như thể Dick đưa cô gái đi xem hội, đến độ Dick ngày một không tin chắc nơi nhiệm vụ của mình đối với cô gái nữa, cô gái có vẻ tự tin, cô gái biểu tỏ một sự kích thích phản ánh hết thảy những gì ở trên đời có thể mời chào làm say sưa.
Cô gái nói:
- Bây giờ tôi được tự do muốn làm gì thì làm. Tôi sẽ dạo cho ông nghe hai bản rất hay: Anh hãy đợi khi đàn bò cái về, và Vĩnh biệt Alexander.
Một tuần sau, khi Dick trở lại, Dick tới muộn. Nicole đứng đợi trên lối mòn, tại một nơi mà chắc chắn Dick khi từ nhà Franz tới sẽ phải đi ngang. Mái tóc hất ra phía sau, xõa xuống vai khiến cho khuôn mặt như từ trong mớ tóc lộ ra, cho cảm tưởng cô gái ở trong bóng tối của một khu rừng và hiện ra dưới ánh trăng trong sáng. Cô gái như từ một nơi xa lạ nào trốn thoát tới đây... Dick ao ước thỉnh thoảng cô gái chỉ là một con bé bị bỏ rơi, không hoàn cảnh xã hội, không địa chỉ nào khác vùng đêm tối cô gái mới ra khỏi.
Hai người tới lùm cây nơi cô gái giấu chiếc máy hát, đi vòng bên sau một xưởng thợ, leo lên một tảng đá, rồi ngồi bên sau một bức tường thấp, ngó xuống một khu vực đồng quê rộng trong đêm tối.
Bây giờ hai người như ở Mỹ. Ngay đến Franz, vốn coi Dick như một thứ Lothario không ai cầm lòng được, cũng không thể đoán biết trong tâm hồn Dick có thể đi xa như vậy. “Hai người tới nơi hò hẹn bằng taxi... em yêu... họ có những ý thích riêng về phương diện nụ cười... họ gặp nhau tại Hindoustan... rồi ít lâu sau họ giận nhau, chẳng ai biết chi hết và cũng chẳng ai cần biết... rồi kết cục một trong hai người ra đi, để lại người kia đang khóc, và rơi vào buồn khổ... feeling blue...”
Những âm điệu mỏng manh, quấn quít thời gian đã qua với hy vọng tương lai, trải dài trong đêm thanh. Khi máy hát ngưng, một con dế thay phiên, thổi điệu sáo duy nhất.
Lát sau, Nicole tắt máy, nhè nhẹ hát cho Dick nghe:
Hãy đặt một đồng đô-la bạc.
Dưới chăn em trên mặt đất.
Coi kìa nó lăn,
Bởi vì nó tròn.
Đôi môi cô gái hé mở không thấy tiếng thở. Dick bỗng đứng dậy.
- Sao vậy? Ông không ưa bài bai đó sao?
- Có chứ, ưa lắm!
- Chị bếp ở nhà tôi đã dạy tôi học bài đó.
Không bao giờ người vợ biết.
Chồng mình là người đàn ông tuyệt hảo
Cho mãi đến khi bị hắt hủi...
- Ông có thích bài hát đó không?
Cô gái mỉm cười với Dick, tin chắc rằng miệng cười thâu tóm hết những gì tốt đẹp nhất để trao gửi cho Dick và mang lại lời hứa trọn vẹn cho đi, đổi lại rất ít, một lời đáp lại, một rung động thưởng thức.
Từng phút cô gái cảm thấy êm dịu len vô người, từ những cành liễu thổ lộ ra, từ toàn thể vùng trời đêm đó. Cô gái cũng đứng lên, vấp phải chiếc máy hát, chợt ngã vào người Dick, nép trên bờ vai tròn đầy của Dick.
Cô gái nói:
- Còn một đĩa hát nữa: Vĩnh biệt, Letty. Ồ, chắc ông đã nghe bản đó rồi.
- Chưa, thật vậy. Cô không hiểu sao. Tôi chưa nghe bài nào hết.
Dick đáng lẽ phải nói thêm: chẳng biết chi hết, chẳng cảm thấy chi hết, chẳng được nếm chi hết, ngoại trừ cô gái có hai má nóng hổi, trong những gian phòng kín, ngộp thở. Những người trẻ tuổi mà Dick quen biết ở New Haven, hôn đàn ông và nói: “Thôi nhé!” Để hai tay trên ngực chàng trai giữ cho xa ra. Và bây giờ là cô bé bị bỏ rơi, vừa mới cứu được khỏi tai họa, đem tới cho Dick tính chất của cả một đại lục...

6

Khi Dick gặp lại Nicole lúc đó vào tháng năm. Bữa ăn ở Zurich là một dịp dè chừng. Để đành sự hợp lý của định mệnh khuyên Dick nên xa lánh cô gái. Vậy mà, khi một người ngoại quốc, ngồi tại một bàn gần đó, đưa đôi mắt nảy lửa dán chặt vào cô gái, Dick quay lại phía người đó với một vẻ mặt khiến hai mắt của người kia phải hạ xuống.
Dick vui vẻ giải thích cho Nicole:
- Y chỉ là một người quá tò mò, y ngắm bộ áo của cô gái. Tại sao cô có nhiều bộ áo khác nhau như vậy?
Cô gái khiêm tốn đáp:
- Chị tôi bảo rằng chúng tôi giàu lắm - nhất là từ ngày bà nội tôi mất.
- Tôi tha thứ cho cô.
Dick khá nhiều tuổi hơn Nicole để có thể lấy làm thú những tự mãn nho nhỏ, như kiểu cô gái ngừng lại trước gương lớn, khi ra khỏi quán để thấy mặt gương chính xác phản chiếu hình ảnh của mình. Dick vui sướng thấy Nicole đưa tay ra, đã ý thức được uy lực mới của mình, bây giờ cô gái đã tự biết mình giàu và xinh đẹp. Dick ngay thẳng không để cho cô gái dính một chút gì vào những chuyện riêng tư của mình, chỉ sung sướng trông thấy cô gái tự xây dựng lại được hạnh phúc và tư tưởng trong đó không có phần của mình. Điều khó là Nicole thường hay có ý như đem tới để liệng hết xuống chân Dick những của cải của mình, nhưng một cách trao tặng thần cao và đào tiên vậy.
Tuần lễ đầu mùa hè Dick trở lại ở Zurich. Dick đã ôn lại hết những bài tiểu luận và trọn vẹn công việc đã làm trong thời kỳ bị động viên thành một tập duy nhất và tính dùng để soạn thành cuốn “Tâm lý dùng cho những nhà thần kinh bệnh”, Dick có hy vọng sẽ tìm được một nhà xuất bản. Dick cũng có làm quen với một sinh viên nghèo sẽ lo sửa những lỗi Đức văn. Franz thì cho rằng đó là một công cuộc hơi vội vã, nhưng Dick có nhấn mạnh với Franz về sự quá ư khiêm nhượng của đề tài.
Dick nhấn mạnh:
- Đó là những điều mà không bao giờ tôi được biết rõ cũng như ngay từ bây giờ. Tôi tin chắc nếu chưa được coi như căn bản chỉ vì thiếu sự kiểm điểm thực tế. Cái khổ của nghề nghiệp của chúng ta là hấp lực của nó đối với những người yếu đuối. Vào bên trong nghề, họ tìm thấy những bù trừ mong đợi bằng cách quay sang khía cạnh “Điều trị”, khía cạnh “thực hành”. Họ thắng trận mà không phải chiến đấu. Ngược hẳn lại, anh, Franz, anh là một nhà thần kinh bệnh có tài bởi định mệnh đã chọn cho anh nghề nghiệp này trước khi anh sinh ra. Anh hãy cám ơn trời vì không hề bị chiêu dụ bởi nghề này. Tôi, tôi trở thành chuyên viên về bịnh thần kinh bởi vì ở Sainte Hilda, tại Oxford, có một cô gái cũng theo học một lớp. Tôi cho rằng tôi trở nên tầm thường, nhưng tôi không muốn cho dòng tư tưởng của tôi bị lạc đi vì vài lố ly lave.
Franz đáp:
- All right. Anh là một người Mỹ, anh có thể làm vậy không gây tai hại. Tôi, tôi không thích những điều đại quan như vậy. Rồi đây anh sẽ đi tới chỗ viết những cuốn sách nhỏ như “Tư tưởng sâu sắc cho những người tầm thường”, những tư tưởng được giản lực hóa đến độ chắc chắn bảo đảm không gây một tai hại nào. Dick ạ, nếu cha tôi còn sống, ông ấy sẽ ngó anh và càu nhàu. Ông ấy sẽ cầm lấy chiếc khăn bàn, gập lại như vậy là lấy cái khoen - đúng cái khoen này, với cái đầu con heo rừng khắc trên gỗ - và ông ấy khẽ nói: “Hừ, cảm tưởng crot là...” rồi ông ấy ngó anh, bỗng tự nhủ: “Có ích lợi gì?” Một lần nữa ông ấy càu nhàu, và thế là hết bữa ăn.
Dick hơi bực mình, nói:
- Bây giờ tôi là người duy nhất đồng ý với tôi. Nhưng sau đây tôi sẽ không còn một mình nữa. Sau đó tôi sẽ có thể gập chiếc khăn tay của tôi như cha anh, và tôi cũng càu nhàu.
Franz nín lặng một lát.
- Còn cô bịnh nhân của anh thì sao?
- Tôi không hiểu nữa.
- Ồ, bây giờ cô ta phải có một ý kiến rồi chứ.
- Tôi yêu cô ta. Cô ta rất đáng mê. Anh đợi gì nơi tôi? Tôi đưa cô ta đi hái những bông mẩu tử thảo chăng?
- Không. Trước tôi cứ tưởng thế nào anh cũng sẽ có một ý kiến trong những cuốn sách khoa học.
-... Hay tôi sẽ hiến dâng đời tôi cho cô ta?
Franz gọi vợ ở trong bếp:
- Du, Lieber, Gott, binge Dick noch ein Glas Bier.
- Tôi không uống nữa đâu, nếu tôi cần phải nói chuyện với Dohmler.
- Chúng tôi nghĩ rằng bao giờ cũng phải có một chương trình. Đã bốn tuần lễ qua đi rồi. Rõ ràng cô gái đã yêu anh. Điều đó không đáng quan tâm nếu chúng ta ở trong công ty. Nhưng ở đây, tại bịnh viện này, chúng tôi phải có ý kiến.
Dick chấp nhận:
- Tôi sẽ làm những gì mà bác sĩ Dohmler quyết định.
Nhưng Dick không tin Dohmler sẽ soi sáng nhiều trong hoàn cảnh này. Chính Dick cũng là yếu tố không lượng tính được ở trong cuộc. Tuy không có sự quyết ý có ý thức về phần Dick, vấn đề bây giờ cũng ở trong tay Dick. Điều đó nhắc lại cho Dick nhớ một cảnh xảy ra hồi Dick còn nhỏ, khi khắp mọi người trong nhà khổ sở tìm kiếm mãi chìa khóa của tủ đựng đồ bạc, trong khi Dick đã giấu chiếc chìa khóa dưới chồng musoa trong ngăn kéo của bà mẹ. Vào hồi đó, Dick đã biết một thư ly thoát triết học, giống như điều mà Dick cảm thấy lúc bây giờ, trong khi cùng với Franz đi tới văn phòng bác sĩ Dohmler.
Ông giáo sư, với gương mặt đẹp có râu mọc thẳng bao quanh bắt nghĩ tới hàng hiên có phủ cây lá kín của một tòa biệt thự cổ lịch sự, gây một ảnh hưởng bối rối đối với Dick. Dick có biết nhiều y sĩ có tài hơn, nhưng không có ai tư cách hơn.
Sáu tháng sau Dick vẫn nghĩ như vậy, khi gặp lại bác sĩ Dohmler, ánh sáng trên hàng hiên đã tắt, những sợi râu cọ vào chiếc cổ áo có hồ cứng, hai mắt chỉ còn là hai kẽ hở, với cặp mí mỏng mảnh khép kín trên bao nhiêu tranh chấp đã được xét đến.
“Kính chào, giáo sư” Dick đứng nghiêm chào, như vẫn còn bận quân phục.
Giáo sư Dohmler nhẹ nhàng đan mấy ngón tay vào nhau trong khi Franz nói, nửa như một sĩ quan liên lạc, nửa như một viên bí thư. Cấp trên ngắt lời Franz giữa một câu nói. Ông ta nhẹ nhàng nói:
- Chúng ta đã đi được một đoạn đường khá dài. Bây giờ bác sĩ Diver ông sẽ giúp chúng tôi được đắc lực nhất.
Luống cuống, Dick thú thật:
- Quả tình chính tôi cũng không hiểu rõ tôi lúc này...
Dohmler nói tiếp:
- Tôi hoàn toàn không cần biết những phản ứng riêng của ông, nhưng tôi quan tâm nhiều nhất là dữ kiện cái vụ được gọi là “chuyện dịch” đó - Ông ta liếc nhanh con mắt có vẻ diễu cợt tới Franz và Franz cũng ngó lại như vậy - phải được hoàn tất. Cô Nicole đã tiến rất nhiều đó là điều chắc chắn, nhưng cô gái ở tình trạng không thể sống nổi sau những sự việc mà cô ta coi như một thảm kịch.
Một lần nữa Franz muốn nói, nhưng bác sĩ Dohmler ra dấu cho Franz đừng nói.
- Tôi hiểu rằng địa vị của ông không dễ dàng.
- Đó là một dữ kiện.
Ông giáo sư ngả người ra sau ghế cả cười, hai con mắt nhỏ và sắc màu xám của ông ta chói sáng, dứt cười, ông ta nói:
- Có lẽ ông cảm thấy bị ràng buộc về tình cảm...
Nhận thấy mọi người muốn gợi cho mình nói, Dick cũng cười.
- Đó là một cô gái rất xinh đẹp. Hết thảy mọi người đều chú ý tới điều đó. Tôi không có ý định...
Lại một lần nữa Franz định nói, và một lần nữa Dohmler ngăn Franz lại bằng cách hỏi thẳng Dick một câu.
- Ông có tính ra đi không?
- Tôi không thể ra đi được.
Ông bác sĩ quay lại phía Franz.
- Như vậy chúng ta có thể để cho cô Warren đi.
Dick đồng ý:
- Tùy giáo sư. Đó chính là một vấn đề...
Ông giáo sư đứng lên nhưng phải dùng tới nạng. Thản nhiên ông ta nói:
- Nhưng đó là một vấn đề nghề nghiệp.
Dohmler thở dài, thả mình ngồi xuống ghế, đợi những tiếng vang của tràng sấm động mà ông ta vừa gây nên đã dịu bớt trong căn phòng. Dick hiểu rằng Dohmler đã cố gắng hết sức, và không tin rằng chính ông ta sau đó còn sống. Khi sấm động đã dịu lại, Franz mới nói được một câu. Franz nói:
- Bác sĩ Diver là một người tốt. Tôi cảm thấy ông ta chỉ cần suy nghĩ tới những yếu tố của hoàn cảnh là có thể giải quyết được tốt đẹp. Theo ý tôi, Dick có thể tiếp tục hợp tác ở đây mà chẳng cần cho ai ra đi hết.
Ông giáo sư hỏi Dick:
- Ông nghĩ sao?
Dick có cảm tưởng mình là một thứ súc sinh. Đồng thời Dick cũng hiểu rằng đáp ứng với sự im lặng sau những lời nói của Dohmler y không thể cứ thụ động được mãi. Bỗng Dick nói hết ra:
- Tôi hầu như yêu cô ta. Tôi có nghĩ tới cưới cô ta nữa.
Franz tặc lưỡi.
Giáo sư Dohmler khuyên:
- Ông nên đợi.
Nhưng Franz không muốn có sự đợi chờ chi hết.
- Thế nào? Suốt đời anh sẽ vừa là bác sĩ vừa là điều dưỡng và... đủ hết! Ồ, không bao giờ! Tôi biết những thường hợp như vậy sẽ đi đến đâu. Cứ hai mươi vụ may ra có một vụ thành công. Tốt hơn hết đối với anh là đừng bao giờ gặp lại cô gái đó nữa.
Dohmler còn hỏi Dick:
- Ông nghĩ sao?
- Đã đành là Franz có lý.