4.Đời sống thành thị Thương mãi phát đạt thì thị trấn thành thị cũng phát triển. Trung tâm kinh tế đã từ miền Bắc chuyển xuống miền Nam. Kinh đô đã không còn ở trung lưu sông Hoàng Hà nữa; nó từ Trường An chuyển lại Lạc Dương, rồi từ Lạc Dương đến Biện Kinh (Khai Phong ngày nay), đời Nam Tống nó xuống Hàng Châu. Năm 1170 Hàng Châu đã có nửa triệu người. Chợ búa phố xá rất đông đúc. Miền Nam khí hậu ấm áp hơn miền Bắc, cây cỏ xanh tươi nhiều hồ, nhiều sông, đời sống dễ chịu nên tính tình của con người cũng thay đổi,bớt khắc khổ, đạm bạt, nghiêm ngặt mà phóng khoáng hơn, vui vẻ, ham hưởng lạc, lãng mạn hơn. Giới thương gia ở kinh đô sống trong những dinh cơ rộng: phía trước là ngôi nhà lộng lẫy tiếp khách, có nhà thờ tổ tiên, phía sau là khu cho phụ nữ, trẻ con, chung quanh là vườn rộng có cây cảnh, cây ăn quả, non bộ. Họ có nhiều cao lâu, tửu quán, trà thất để ăn tiệc, chơi bời, ngắm trăng, nước, nghe hát. Muốn biết đời sống của họ, chúng ta có thể đọc những truyện Thuỷ Hử, nhất là Kim Bình Mai, hoặc cuốn La vie quotidienne en Chine la veille de l'invasion mongole của Jacques Gernet. Truỵ lạc là giới thương nhân đó và giới quan lớn mà hầu hết là đại điền chủ. Ở Trung Quốc, thời xưa các quan đều ăn hối lộ không nhiều thì ít, vì lương của họ thấp quá mà họ lại có nhiều vợ, nhiều con, nhiều kẻ hầu người hạ, có khi phải giúp đỡ cho anh em, họ hàng nữa. Một người làm quan thì cả họ được nhờ. Vua Cao Tôn hiểu vậy tăng lương cho họ, không rõ bao nhiêu nhưng có tăng gấp đôi, gấp ba cũng không đủ. Cho nên ông quan nào cũng không có di sản của tổ tiên, hoắc vợ giàu, đảm đang, mà ráng giữ đức thanh liêm thì phải sống đạm bạc như Phạm Trọng Yêm: Vợ con không được bận đồ tơ lụa, bữa cơm chỉ dọn một món thịt, trừ khi có khách mà ông là một đại thần ở triều Nhân Tôn đấy. Còn Tô Đông Pha hồi còn làm chức quan nhỏ, thất phẩm ở Mật Châu (lúc đó triều đình đã giảm lương quan lại), phải chịu mọi cảnh thiếu thốn, con cái nheo nhóc, không đến nỗi chết đói, nhưng có lúc cùng một bạn đồng sự, phải đi hái cúc trong các vườn hoang để ăn cho đầy bao tử.(1) Nhưng đời Tống có điểm đáng khen là nhờ đạo học của các triết gia họ Chu, họ Trình, tinh thần nhà Nho chân chính rất cao, nhiều kẻ sĩ biết trọng khí tiết. Âu Dương Tu, Tư Mã Quang, Trình Hạo, Trình Di, Tô Thức, Tô Triệt, Vương An Thạch đều có đức cả. Nhờ họ mà học sinh thời đó, nhất là học sinh trường Thái học, đa số có tinh thần ái quốc, dám dâng thư vạch lỗi lầm của triều đình như trên tôi đã kể. Xét chung thì sĩ phong thời đó đáng khen, cho nên khi triều đình Tống nhảy xuống biển tự tử, không chịu cái nhục để cho quân Mông Cổ bắt sống, trong nước có cả ngàn người tuẫn tiết theo, đàn bà cũng như đàn ông. (1) Ở nước ta thời Nguyễn cũng vậy. Một quan huyện liêm khiết ngày 25 tết đóng cửa huyện đường mà trong nhà không còn gạo. Nhiều ông làm chức đốc học mà khi chết chỉ có được vài sào ruộng, vài căn nhà lá, từ đường do môn sinh góp tiền cất cho. 5.Hàng Châu - Đời sống các giới. Khi rợ Kim chiếm biện kinh rồi, vua Cao Tôn đầu đời Nam Tống lưu lạc hai ba nơi rồi sau lại Hàng Châu lúc đó chỉ là một cái phủ ở ngay tỉnh lị, tỉnh Chiết Giang. Mới đầu triều đình chỉ tính ở tạm tại đó, coi đó là một "hành tại" (người Âu phiên âm là Quinsay) cũng như hành cung vậy thôi. Sau thấy phong cảnh nơi đó đẹp đẽ, khí hậu mát mẽ, cây cối xanh tươi, nhất là miền đó có nhiều đồi, nhiều hồ, sông rạch và chằm, rợ Kim quen chiến đấu ở miền Bắc, phi ngựa trên những đồng cỏ mênh mông, gặp những sông rạch, chằm đó sẽ bất lợi, nên triều đình Nam Tống lựa Hàng Châu làm kinh đô. Nó nằm trên bắc ngọn sông Chiết Giang- khúc đó cách bờ biển không xa, còn có tên là Tiền Đường (nơi nàng Kiều gieo mình xuống để chấm dứt 15 năm đau khổ), phía nam nó dựa lưng vào núi Ngô Sơn, phía tây nó soi bóng trên Tây Hồ, nổi danh là nơi linh tứ bật nhất của Trung Hoa nhờ cảnh đồi núi, hồ biển tuyệt đẹp, nhờ khí hậu ấm áp, nhờ dân trong miền tính tình vui vẻ, nam thanh nữ tú, tiếng ca hát ngâm thơ vang lên trong các vườn hoa, các trà thất, bên bờ nước, dưới các hàng liễu. Đầu Nam Tống, nó chỉ độ 200.000 dân, cả Nam Tống được độ 60 triệu dân, Bắc Tống được độ 40 triệu nữa. Nhưng nó phát triểu rất mau vào cuối đời Nam Tống, đầu đời Nguyên, nó đã có một triệu dân, thành thị trấn đông dân nhất, giàu có nhất thế giới. Mà coi trên bản đồ chúng ta thấy rất hẹp. Nó có hai vòng thành, vòng trong xây vào thế kỷ VII. Thị trần ở vòng trong: từ Nam tới Bắc độ bảy cây số, chiều ngang độ 2 cây số. Thành trong đắp bằng đất, đá và gạch cao chín thước, dưới chân dày ba thước, có 13 cửa mà 3 ở phía đông quan trọng nhất, xây cất rất vững chắc, canh gác suốt ngày đêm. Từ năm 893 người ta bắt đầu xây thêm vòng ngoài. Dưới chân thành có hào rộng. Có một con đường chính rộng trăm bước chân từ Bắc tới Nam, nơi có cung điện, tôn miếu và đàn Nam giao. Có nhiều đường từ Đông qua Tây cắt ngang đường chính đó, và nhiều kinh chạy song song với đường chính. Không biết ngoại ô lan tới đâu. Và người ta chỉ đoán rằng vào khoảng 1274. Thị trấn rộng trên 20 cây số vuông, mà chứa 1.000.000 người (1) cho nên rất chật chội. (1) con số này tin được vì cứ 2,3 năm một lần, vào những năm nhuận, triều đình kiểm tra lại dân số. Hơn nữa, từ năm 1276 nhà nào ở Hàng Châu cũng phải ghi tên những người trong nhà, kể cả trẻ con, vào một tờ khai dán ở cửa. Bản đồ Hàng Châu năm 1274