Gần một tháng sau khi hội Triền Túc thảm bại, một người đàn bà gày gò từ trong thành tìm đến tô giới. Tay chị ta khoác cái tay nải nhỏ, chân đi đôi giầy vải to nhưng dáng đi thì vai rung, mộng vặn, người nhô về trước như người bó chân. Có vẻ chị ta đến tô giới lần đầu, mắt cứ ngó nghiêng những nhà gác kiểu tây chỗ tròn, chỗ nhọn, chỗ nghiêng, chỗ vẹo, chỗ thò thụt ra vào, cùng những ngựa tây, xe tây, đèn tây, ô tây, cờ tây, chó tây, người tây, rồi tiếng tây của người tây nói với nhau xí xa xí xô. Chị vừa tò mò lại hơi sợ sệt. Đúng lúc đó có hai người ngoại quốc cao lớn đi tới, một người râu đỏ quạnh, người kia râu đen nhánh. Họ vừa thấy chị thì nhìn sững vào chân chị, dùng tiếng Trung Quốc nửa mùa hỏi: - Cheng pó à? - Bốn con mắt xanh lè cùng lóe sáng. Người đàn bà vội vàng giơ một bên giầy to ra cho họ thấy, tỏ ý mình không bó chân. Hai người ngoại quốc nói liền mấy tiếng: "Nao, nao, nao?" (no) không biết định giở trò gì, rồi cứ lắc đầu nhún vai, ngoác mồm ra cười, đến nỗi nhìn thấy được cả cổ họng của họ qua mớ râư đen, đỏ kia. Người đàn bà sợ quá lùi mãi lùi mãi, tưởng hai người đó định làm nhục chị. Không ngờ hai người ngoại quốc nói cái gì đó như "bai, bai" rồi ha hả cười bỏ đi. Người đàn bà từ đó hết sức cẩn thận, hễ xa xa thấy bóng người ngoại quốc là lập tức tránh liền, thấy người Trung Quốc thì bước đến hỏi thăm đường phố. May không phải vòng vo nhiều lượt, chị tìm được đến nhà số 37 phố Cao Sĩ Đả. Cách cánh cửa song sắt rất rộng, lại cách một vườn hoa to, chị thấy một tòa nhà tây trắng loát, sang trọng. Chị gọi cổng hai lần, bên trong có tiếng thưa, rồi một người đàn bà giúp việc chân to chạy ra, hai bàn chân "bạch bạch" nện xuống đá lát lối đi. Người ấy mở cổng ra, hỏi chị, trở vào báo với chủ nhà rồi dẫn chị đi qua sân thơm ngát hoa vào một căn phòng lớn sáng choang. Khắp phòng là ngọc ngà là những đồ bầy biện kiểu tây, người khác mà thấy ắt ngẩn người ra nhìn. Nhưng người đàn bà này dường nhu không thèm nhìn, chẳng buồn ngắm. Đôi mắt như hai nòng súng bắn thỏ, ngay lập tức thấy Ngưu Tuấn Anh, hội trưởng hội Thiên Túc, rồi cứ thế mà nhằm vào. Lúc ấy Ngưu Tuấn Anh đang uể oải nằm tựa trên chiếc ghế mềm to tướng. Không biết hình người nương theo hình ghế hay hình ghế dựa vào hình người mà trông cô như con thiên nga nằm giữa sóng nước. Chân cô để trần gác lên tay ghế, đầu thắt một băng lụa đỏ tươi, dáng tùy tiện, tự do tự tại mà cũng thật thoải mái, tươi vui xinh đẹp, không phải gắng sức, phí sức và cố sức cho mệt. Ngưu Tuấn Anh thấy người đàn bà bước vào nhưng không ngồi dậy, chỉ nhìn hai lượt từ đầu đến chân. Trước hết cô nhìn một chặp khuôn mặt tỉnh khô không phấn son của người đàn bà rồi nhìn đến đôi giầy to lùng bùng không hóp vào của chị ta. Cô cười, để lộ hai lúm đồng tiền: - Chị cởi đôi giầy to lồng ngoài chân nhỏ đó đi rồi tới đây, không cần cứ phải chân to. Người đàn bà sững sờ giây lát rồi cởi giầy, đôi chân nhỏ đến kì lạ bước đi trên nền nhà. Ngưu Tuấn Anh nói: - Tôi nhận ra chị, người của phe Triền Túc. Hôm đọ chân ở Mã Gia Khẩu chị đứng đằng sau nữ sĩ Bảo Liên đúng không? Chị tìm tôi có việc gì? Thay cái bà định chết trong mớ giẻ bó chân giảng hòa hay là gửi thiếp để đọ nữa? - mắt cô ánh lên vẻ thách thức. - Tiểu thư nói như vậy e tổn thọ đấy! Tôi tìm cô có việc quan trọng.- Người đàn bà không ngờ mặt vẫn tỉnh khô, giọng nói ôn hòa mà cứng rắn. - Được, nói đi! - Ngưu Tuấn Anh uể oải trở mình, hai tay đỡ cằm, hai bàn chân trần chập làm một cọ vào nhau, tinh nghịch nói.- Thật thú vị! Hay là hội Triền Túc định bó chân cho tôi? Chị thấy đôi chân to này còn có thể bó nhỏ như chân Bảo Liên nữ sĩ của các chị không? - Nói xong cô bẻ ngón chân cái và ngón thứ hai kêu răng rắc. - Xin tiểu thư cho người khác lui hết ra! - Người đàn bà nói như ra lệnh. Ngưu Tuấn Anh phướn mày ngạc nhiên khi thấy đồ đảng hội Triền Túc cứng rắn, ngang ngạnh, ngạo mạn nhường ấy. Cô định bụng đấu một phen với người đàn bà này, chọc tức chơi, bèn cười bảo người làm ra ngoài rồi đóng cửa lại. - Không ngại, tôi nghe đây, chị cứ nói. Nhưng Ngưu Tuấn Anh không ngờ người đàn bà này bình tĩnh lạ thường, bằng giọng không cao không thấp, không nhanh không chậm, chị ta nói: - Tiểu thư, tôi là người hầu gần gũi nhất của mợ Cả chúng tôi, tên gọi Đào Nhi. Tôi đến tìm cô không liên can gì đến tôi, cũng không liên quan gì đến mợ chủ chúng tôi mà liên quan đến cô. Xin nói trước, tôi sẽ hỏi cô mười câu, cô cần phải trả lời. Cô không trả lời, tôi bỏ về ngay, sau này cô có tìm tôi, đừng hòng tôi để ý đến cô. Nếu cô có khả năng bức tôi phải chết thì sẽ không có ai nói cho cô biết nữa đâu! Mấy câu đó thật li kì, thật cứng rắn, Ngưu Tuấn Anh bất giác ngồi hẳn dậy. Cô tuy không biết tí gì về cuộc đến thăm của người đàn bà này song rõ ràng cảm thấy không phải bình thường, có điều không thể nhận biết được cái gì qua vẻ mặt của người đó. Cô chớp mắt nói: - Được chúng ta cứ thành thật đối xử với nhau. Ngưu Tuấn Anh quả phóng khoáng. Đào Nhi gật đầu, hỏi: - Thế thì tốt. Tôi xin hỏi, Ngưu Phượng Chương là gì đối với cô? - Ông... chị hỏi ông ấy làm gì? Làm sao chị biết ông ấy? - Chúng ta đã thỏa thuận, hỏi phải trả lời. - Ồ. ông ấy là cha tôi. Người đàn bà cười nhạt.- lần đầu tiên chị để lộ tình cảm, càng làm cho đối phương không hiểu ra sao. Không ngờ Ngưu Tuấn Anh mở miệng, chị lại hỏi: - Hiện nay ông ta ở đâu? Tiểu thư, cô cần trả lời rõ điểm này. - Ông... năm ngoái chết ở Thượng Hải rồi. Hồi họ bắt đảng cách mạng, ông đang đi ngoài đường thì cảnh sát bắn lầm trúng bụng. - Khi ông chết, cô có mặt đấy không? - Tôi ngồi trông cạnh ông. - Ông có đưa cho cô một vật, phải vậy không? Ngưu Tuấn Anh giật mình, người bật lên khỏi ghế: - Sao chị biết? Đào Nhi không đổi sắc mặt, từ đẫy vải lấy ra cái hộp nhỏ bằng gấm. Ngưu Tuấn Anh vừa thấy cái hộp thì tròn xoe mắt, chằm chằm nhìn Đào Nhi lấy ngón tay đẩy que cài bằng ngà trên miệng hộp mở ra, bên trong có một nủa miếng hổ phù. Ngưu Tuấn Anh kêu lên: - Đúng nó rồi! Chị... Đào Nhi nghe Tuấn Anh kêu lên thì môi run run, giọng cũng run run bảo: - Tiểu thư mang nửa miếng hổ phù kia ra đây khớp lại xem sao đã. Nếu không khớp, tôi không thể nói tiếp phần sau. Ngưu Tuấn Anh cuống quýt không kịp xỏ giầy, chân đất chạy đến trước cái đồng hồ lớn, mở cửa kính ra, tay quay kim giờ ba vòng liền. Bỗng một hồi tinh tang, cót két vang lên, cánh cửa bí mật bên trong mở ra. Tuấn Anh thò tay lấy ra một cái hộp gấm in hệt như thế. Cô đưa cho Đào Nhi, hai mảnh khớp lại vừa vặn, cứ như một con hổ chẻ làm hai. Đằng sau lưng con hổ bằng đồng khảm hai dòng chữ triện đời xưa bằng bạc ròng, một bên là "Dữ nhạn môn thái thú", một bên là "Vi hổ phù đệ nhất". Đào Nhi nhìn thấy tấm hổ phù ghép khít lại với nhau thì những giọt nước mắt to tướng cứ thế tuôn rơi, rỏ xuống mặt bàn trà bằng kính bắn tóe ra xung quanh. Ngưu Tuấn Anh nói: - Cha tôi lúc sắp mất có giao cho tôi vật này. ông đặn tôi sau này có ai mang một nửa hổ phù đến khớp đúng thì tôi phải nghe theo người đó. Bất cứ người ấy bảo gì tôi cũng phải tin. Thì ra người đó là chị. Chị cứ nói, nói dối tôi cũng tin. - Chị việc gì phải lừa em, hả Liên Tâm? - Thế nào... - Ngưu Tuấn Anh lại giật mình - Chị biết cả tên hồi nhỏ của tôi? - Sao lại không biết? Chị trông coi em sáu năm trời từ lúc em cỏn ỉa đùn, đái dầm kia! - Vậy chị là ai? - Chị là vú em của em. Hồi nhỏ em gọi chị là "mẹ Đào" mà! - Chị? Vậy thì cha tôi biết chị, nhưng tại sao ông không hề nhắc tên chị... - Ông Năm Ngưu đâu có phải cha em! Cha em họ Đồng, chết lâu rồi. Em là người nhà họ Đồng, mẹ em chính là Qua Hương Liên, người đọ chân với em hôm nào! - Cái gì? - Ngưu Tuấn Anh thét tiếng rất to, người nhẩy dựng lên khỏi ghế. Trong phút chốc, cô cảm thấy sự việc đáng sợ quá, đáng sợ đến cùng cực, sợ đến nỗi chân lông khắp người sởn cà lên.- Thật không? Không thể như thế được? Tại sao cha tôi hồi còn sống không nói một lời nào về việc này? - Thế tại sao ông Năm Ngưu lúc sắp chết lại dặn nếu có ai khớp đúng mảnh hổ phù với em thì người đó nói gì em cũng phải tin? Em còn bảo dù nói dối em cũng tin. Nhưng chị nói dối em làm gì. Chị quả muốn dấu em, không nói thật với em, vì chỉ sợ em không chịu nổi mà thôi. - Vậy chị nói gì, nói đi... - Giọng Ngưu Tuấn Anh cũng bắt đầu run. Đào Nhi liền kể Liên Tâm đẻ ra như thế nào, lớn lên như thế nào, mất tích như thế nào, lại kể Hương Liên làm sao lọt được vào nhà họ Đồng, bị khinh rẻ, chọc tức, khổ sở như thế nào, sau lại làm chủ gia đình như thế nào, nhất nhất kể hết một lượt. Khi nhắc lại những chuyện xưa, Đào Nhi không nén được tình cảm, mỗi lúc xúc động lại con cà con kê, rẽ đông ngoặt tây. Nhưng sự việc đều thật, tình cảm cũng chân thật nên chẳng cần nói cho hay, Ngưu Tuấn Anh đã đầm đìa nước mắt, nước mắt chan hòa như vừa rửa mặt. Cô nói: - Nhưng sao em lại đến ở nhà họ Ngưu? - Ông Năm Ngưu chung thuyền trộm cắp với cậu Hai và thằng Hoạt Thụ. Chính ông làm tranh giả khiến ông nội em uất lên mà chết. Mẹ em định thưa quan, ông Năm đến van xin mẹ. Mẹ biết ông Năm không phải người xấu, chỉ vì tham lam mà bị kẻ kia sai khiến. Cũng vì nắm được cái tội của ông Năm, mẹ mới đưa cho ông ta một món tiền lớn rồi giao em cho ông ấy, lại giao một nửa miếng hổ phù, dự phòng sau này tiện kiểm tra, đối chứng... - Giao em cho ông ấy làm gì? Vừa nãy chị chẳng bảo ern bị mất tích đó sao? - Đâu phải mất tích thật! Đó là do mẹ cố ý tung tin để em tránh qua ngày bó chân! - Cái gì? - Câu này khiến Ngưu Tuấn Anh kinh ngạc, nhảy dựng lên khỏi ghế lần nữa.- Vì sao? Mẹ chẳng chăm chút cho chân bó là gì? Tại sao ngược lại không muốn em bó chân? Em chưa hiểu. - Về việc này, chị cũng mãi không hiểu nổi... Nhưng đưa em đến nhà họ Ngưu thì chính tay chị bế đến. Ngưu Tuấn Anh bất giác kêu lên: - Thế tại sao mẹ không sớm đón em về? - Chính cái hôm đưa ma ông nội em, mẹ bảo ông Năm Ngưu đưa em đi xa, sợ ở lại trong thành sớm muộn gì người ta cũng biết. Lúc ấy mẹ có hẹn với ông Năm bất kể đưa em đi đâu cũng phải báo tin về, nhưng ông ấy ra đi là chẳng có tin tức gì hết, ai biết lòng dạ ông ấy ra sao? Mấy năm ấy, mẹ em nhiều lần sai chị đi dò tin em, chỉ biết ông ấy và em ở miền Nam. Miền Nam rộng chừng ấy, chưa ai đi bao giờ, tìm sao được? Mẹ khóc thầm không biết bao nhiêu đêm mà kể, sáng dậy chị thường thấy gối ướt đẫm. Ai ngờ em lại ở đây, gần đến thế này?... - Không phải đâu, cha em mất rồi em mới lên đây! Trước đây em vẫn ở Thượng Hải... Nhưng mẹ và chị làm thế nào nhận ra được em? - Gan bàn chân phải của em có dấu. Hôm ấy em hất chân lên, mẹ liền nhận ra em. - Mẹ em ở đâu? - Ngưu Tuấn Anh vụt đứng dậy hăng hái nóng nảy nói.- Em đi gặp mẹ! - Đào Nhi lắc đầu. - Không được sao? - Ngưu Tuấn Anh hỏi. - Không... - Đào Nhi vẫn lắc đầu. - Mẹ giận em à? - Không, không, mẹ... mẹ không giận em nữa đâu. Người khác cũng đừng giận bà nữa mới phải - Nói đến đây, Đào Nhi chợt trở lại bình tĩnh. - Thế nào? Lẽ nào mẹ... Em hơi sợ, em sợ mẹ chết! - Liên Tâm, chị phải nói thật với em là muộn rồi, em cũng đừng trách chị. Mẹ không cho chị đến làm em. Hôm mẹ nhận ra em, lúc về nhà mẹ giao nửa mảnh hổ phù này cho chị, chỉ bảo một câu: "Xong việc rồi hãy nói!" Sau đó mẹ hôn mê trên giường, không chịu ăn, chẳng chịu uống, bón thuốc cho mẹ, mẹ ngậm chật mồm lại. Mãi sau tới khi mẹ tắt thở chị mới biết mẹ chủ tâm chết. Ngưu Tuấn Anh ngây dại cả người. Cô còn trẻ, những tưởng chỉ có một mình, không dính dáng giây mơ rễ má với ai, tự do tự tại muốn làm gì tùy ý, hay đâu trên đời có bao nhiêu việc liên quan tới cô, càng không hiểu được nguyên do, căn do của những việc đó. Nhưng vừa có tất cả thì chớp mắt cô lại mất tất cả, không kéo lại được nữa. Cô cảm thấy vừa trống rỗng đau khổ lại vừa ấm ức buồn thương. Cô ôm chầm lấy Đào Nhi, cất tiếng gọi "Mẹ Đào ơi!" rồi cứ thế ôm mặt nức nở, luôn miệng nói: - Tại em làm cho mẹ em chết rồi! Mẹ em chết do em gây ra tất cả! Nếu không đọ chân thì đâu đến nỗi! Đào Nhi đã trở lại vững vàng, nên lời nói của chị cũng làm vững lòng người khác: - Em như người ngủ trong trống từ bấy đến nay có biết gì đâu mà trách em! Vả lại mẹ em từ lâu đã không muốn sống nữa, chị biết chắc! Lúc đó Ngưu Tuấn Anh mới bình tĩnh lại. Cô ngước khuôn mặt xinh đẹp lên, ngơ ngẩn nói: - Chị nói đi, mẹ em vì sao lại thế? Rốt cuộc vì đâu mẹ lại như thế? Đào Nhi biết nói gì? Chị đưa tay lau nước mắt trên mặt Liên Tâm và im lặng. Chuyện đời lúc có lí, lúc vô lí, lúc có lí mà hóa ra không, lúc vô lí trở thành có lí. Vô lí sau một hồi không chừng trở nên có lí, tranh lí, nắm lí, giảng lí, không đếm xỉa đến lí, đạo lí sự lí, công lí, thiên lí... Có lí đi khắp thiên hạ, không lí nửa bước khó đi. Việc không có lí nào là nhất định, lí ở trên trời; sư nói sư phải, vãi nói vãi hay. Thôi đừng nói vòng vo nữa, càng vòng vo lại càng mù mịt. Cổng nhà họ Đồng dán tờ giấy "Xin miễn thứ những điều sơ suất" và lại lo liệu đám ma. Tin cáo phó của Bảo Liên nữ sĩ vừa loan ra, người đến viếng trong chốc lát đã đông nghẹt trước cổng. Nhiều cô gái bó chân không thân không thuộc đều không mời mà đến, chẳng quản cha mẹ có bằng lòng hay không cứ thắt khăn tang mặc áo xô trực bên quan tài, có cô còn kêu trời gạt lệ, đôi chân bó giẫm bành bạch xuống đất. Hộ Thiên Túc không có ai đến viếng, cũng không đến gây ồn hoặc xem cho vui. Bất kể khi sống xấu tốt thế nào, thấy người ta chết mà vui là thất đức. Nhưng đến tuần thứ tư, Tiểu Tôn Vương Ngũ dẫn đầu một nhóm trong đó có gã Trương Hồ Lô, Tôn Mắt Lé, Đổng Bẩy Dao và lão Lí Vạn Năng đều là những nhân vật số dách trong đám càn quấy, đến đòi "chiêm ngưỡng gót tiên của mợ Cả." Họ bảo nếu lần này không được xem thi cả đời không còn được thấy đôi chân nào đẹp nữa, bởi vậy cứ nhất định lên nơi để linh sàng. Người nhà họ Đồng vội vàng thưa ông bẩm ngài, vừa thuyết vừa khuyên, lại biếu mỗi người một bọc bạc to mời sang phòng bên cơm no rượu say mới thoát được của nợ. Sau đó yên ổn không xảy ra chuyện gì, chỉ đợi đến ngày khâm liệm, đưa ma, hạ huyệt, đắp mồ là xong. Nhưng trước ngày khâm liệm một hôm bỗng có cô con gái tân thời, mặc áo trắng, choàng sa trắng, đi giầy cao gót trắng bong, mặt cũng trắng nhợt, cả người là một khối trắng, tay ôm một bó hoa kim hương đỏ thắm thật to, từ ngoài cổng bước trên thảm từ từ đi vào linh đường. Nguyệt Quế tinh mắt, nói ngay: - Ngưu Tuấn Anh hội Thiên Túc đấy! Nhìn chân cô ta kìa, sao cô ấy lại đến nhỉ? Nguyệt Lan bảo: - Cáo đến viếng gà, chẳng phải tốt bụng gì đâu! Đào Nhi giật tay áo hai cô, nhắc hai cô đừng nói chuyện. Ngưu Tuấn Anh đặt bó hoa tươi lên linh sàng, lẳng lặng đứng ở đó từ lúc mặt trời chiếu giữa sân cho đến lúc ngả về sau gian buồng xép phía tây, không hề động đậy, hai mắt trống rỗng, không biết nghĩ gì. Cuối cùng cô vái bốn vái, mỗi vái cúi sâu xuống tận đầu gối, sau đó mới ra về. Người nhà họ Đồng sẵn sàng phòng bị chờ đợi cô, tưởng rằng cô định gây chuyện ở linh đường, không ngờ cô đi khỏi một cách nhẹ nhàng như thế. Trong số người đứng đấy, chỉ có Đào Nhi biết, nhưng vị tất đã hiểu hết. Chị không nói gì, làm như không quen biết cô gái tân thời ấy, cũng coi như tất cả đã được phong kín trong lòng chị, không bao giờ còn để lộ ra nữa. Lúc ấy trong lán đọc kinh, chuông trống đang nổi rộn ràng. Đám tang lần này do Nguyệt Quế một tay lo liệu. Theo khuôn phép lúc này, không những mời hòa thượng, ni cô, lạt ma, đạo sĩ dựng bốn lán kinh mà còn mời đội kèn lây ở Mã Gia Khẩu và đội nhạc Cứu thế quân của nhà thờ, một bên áo thụng cà sa, một bên mũ vành chế phục, cổ áo đính miếng đồng ghi chữ "Cứu thế quân"; một bên sênh quản, sáo, tiêu, một bên trống đồng, kèn đồng. Chẳng bên nào quản bên nào, ai thổi của người nấy, nhưng âm thanh thì quện vào nhau. Lúc đầu Bạch Kim Bảo không đồng ý làm như thế, nhưng lúc bấy giờ nhà sang làm đám ma không có đội nhạc tây thì không hiển hách. Tại sao làm như thế, chẳng ai biết mà cũng chẳng ai hỏi; thích sao làm vậy, chỉ như thế mà thôi. Khi Ngưu Tuấn Anh từ nhà họ Đồng ra về, đầu óc dại đi, chân tê buốt, cả một buổi chiều nghe kinh kệ kèn trống vừa nghe cả nhạc tây, tai như không còn của mình, thậm chí không còn biết mình là ai, mình họ Ngưu hay họ Đồng nữa. Lúc ấy ở ngoài cổng, một toán trẻ con mặc quần thủng đít giậm chân mà hát: Cứu thế quân Gây rối mù Đánh trống loạn Thổi kèn rồ! Chúng vừa hát vừa nhảy chân sáo, trên đầu túm tóc "triều thiên" quấn chặt bằng chỉ đỏ vung vẩy, giữa đũng quần con chim đen nhẻm vì nắng đung đưa. Bản gốc tiếng Trung của tạp chí Thu hoạch 3.1986, bản tiếng Việt của tạp chí Văn học nước ngoài, Hà Nội 1999. Bản đăng trên talawas với sự đồng ý của dịch giả Phạm Tú Châu.