P 4- Chương 4
Những chuyện tình cuối cùng

Anh mặc bộ pi-ja-ma màu nâu, đội mũ lá, đi dép cao su. Vừa ở xã Tây Kết lững thững đi ra đường nhựa lên tỉnh. Tính anh thích đi bộ và hay ngồi ở quán nước. Trời chưa tối hẳn, mọi người còn trông rõ khuôn mặt dầu dãi vất vả của anh. Nó có dáng dấp của ông lão chăn vịt vừa lùa chúng vào dàng, ra ngồi khểnh ở quán làm tợp rượu. Một người đàn ông chừng trên dưới 40 tuổi ngồi ở ghế đối diện. Anh ta ngước mắt nhìn lên, rồi hơi cúi, cố che giấu một nụ cười. Có lẽ cảm thấy cử chỉ của mình có phần thiếu lịch sự, mặt anh hơi đỏ lên. Vốn có tác phong quần chúng, bao giờ Hiếu cũng chủ động bắt chuyện với người mới gặp. Anh hỏi người kia:
- Chắc anh chờ xe lên Hà Nội?
- Từ giờ đến tối còn chuyến nào nữa không bác?
- Nếu bình thường, khoảng hơn tiếng nữa còn chuyến cuối.
Im lặng vẻ sốt ruột. Rồi anh ta lại hơi cúi quên cả câu “cảm ơn”. Một lúc, anh ta ngẩng lên với chiếc điếu cày, vỗ vỗ cho xái thuốc bật ra, đột ngột nói:
- Bác có điều không hay sắp xảy ra.
- Tôi?
- Ngay trong đêm nay. Xem nào. Đúng rồi, chuyện nó phải xảy ra trước sáng ngày mai.
- Chắc là có mấy đồng tiền lẻ trong túi bị móc?
- Nghiêm chỉnh. Việc hệ trọng xảy ra trong gia đình nhà bác, có thể dẫn đến sự tan vỡ.
Anh bắt đầu thấy chột dạ. Thằng con thứ hai của anh mới được ba tuổi đi kiết lị đã nửa tháng nay. Anh đã phải cấp tốc đưa mẹ lên bệnh viện tỉnh trông con đỡ cho vợ đi làm. Anh gọi điện cho bệnh viện và nghe anh em các cơ quan đi thăm cháu về đều bảo đã biến chuyển tốt. Người kia từ từ nhả khói thuốc và mơ màng nhìn theo cái bối khói đang tan ra. Anh sốt ruột hỏi:
- Chuyện gì, anh có thể biết được không?
- Biết.
- Chắc là chuyện các cháu?
- Không. Thằng con thứ hai của bác bị trong vòng mười ngày nay rồi. Bà cụ nhà bác đang ở đấy. Cứ ở đấy rồi sẽ khỏi. Đây là chuyện tình cảm của bác gái nhà ta.
- Vợ tôi?
- Có một người tình cũ vốn là bạn của bác đêm nay lại trở lại ân ái với bà nhà.
- Anh nói cái gì thế?
- Nếu những điều tôi nó từ nãy đến giờ không đúng xin bác bỏ qua và coi như không có chuyện gì.
- À, không không. Tôi xin lỗi anh. Anh cứ tiếp cho. Tôi thấy tại sao... nó lại đúng cả. Xin anh có thể nói qua về người đó được không?
- Người đó hào hoa hơn bác. Ăn nói dịu dàng và rất biết chiều đàn bà. Vào loại “mày râu nhẵn nhụi...”
Ai? Võ hay Phiên, Tịnh hay Phát? Trong hàng chục người tình của cô ta có đến quá nửa vẫn là bạn của anh và thằng nào ăn nói chả lịch sự, dịu dàng, rất biết chiều chuộng. Nhưng ở gần cô ta bây giờ chỉ có Phiên là thư kí khoa học của cơ quan cô ta mà những người làm khoa học thực sự bảo nó là con chó dái đeo cái bằng phó tiến sĩ ở cổ nên ngoài luận cứ về... đàn bà nó có biết gì đâu. Đã có lần qua cánh cửa khép vội anh bắt gặp Phiên ghì riệt lấy vợ anh ở trong phòng làm việc. Khi anh gõ cửa bước vào, hai người mới chỉ kịp buông tay ra, hai cơ thể cứng đờ đang sát lại và vành môi cô ấy còn hằn vệt răng đỏ lựng. Nhưng vợ anh bảo: “Em đang thắc mắc với hắn tại sao lại bắt em làm thêm phần tư liệu tiếng Nga?”. Về đến nhà, anh hỏi vợ:
- Sao môi em lại có vết răng?
- Tôi tự cắn vào môi tôi để đỡ khô đấy. Thắc mắc gì!
- Em giỏi thật. Răng mình tự cắn được lên sát mũi mình thì em đi làm trò ảo thuật tốt quá.
- Này, tôi nói cho mà biết nhá. Nó chỉ đáng tuổi em của tôi đấy. Đi thắc mắc với một thằng trẻ con không biết nhục. Đồ đê tiện, hèn mạt. Quen thói bậy bạ lăng nhăng, tưởng ai cũng lăng nhăng bậy bạ như mình. Thế mà cũng là bí thư với tỉnh uỷ?
Thằng phó tiến sĩ “chó dái” ấy “mắt sâu, râu rậm” mà áo quần cũng chẳng “bảnh bao”. Cốt cách nói năng dịu dàng, biết chiều chuộng đàn bà và “mày râu nhẵn nhụi” ấy là của Võ. Nhưng đã ba năm nay mình không gặp hắn và vợ mình có quen thuộc gì hắn đâu? Hắn đang làm việc ở Hà Nội, cũng là phó tiến sĩ kinh tế học ở nước ngoài về. Một phụ nữ làm ở vụ tuyên huấn cùng bộ vốn táo tợn bảo: “Một con bò dắt qua biên giới rồi quay lại trở thành phó tiến sĩ Võ ở bộ ta”. Nhưng là người luồn lọt giỏi, anh ta vẫn làm viện phó viện nghiên cứu của bộ. Khả năng nổi trội nhất, như là bẩm sinh, như là sức mạnh của ông cha truyền lại cho hắn là tài ghẹo gái nhanh như chớp. Từ giọng nói ẽo ợt, dáng đi điệu đà cho đến mọi cử chỉ đều rất “cải lương” rẻ tiền, gượng gượng, giả giả, không thể chấp nhận ở người đàn ông. Khốn khổ cho những con đàn bà như vợ anh luôn luôn chứng tỏ là người sâu sắc, từng trải, tưởng có thể nhìn thấy tận “tim đen” của mọi thằng đàn ông và cái bộ mặt lạnh, rất cao ngạo, coi thường tất cả bọn đàn ông, khinh bỉ sự tầm thường của nó thì lại rất thèm được đàn ông biết giả vờ phỉnh nịnh, ve vuốt, tỏ lòng trân trọng mình. Anh biết Võ qua một nhà báo chuyên viết về ngành lâm nghiệp. Lần đầu tiên, cũng là lần cuối cùng anh đi với nhà báo đến nhà Võ trong một khu tập thể năm tầng ở phía đông nam thành phố. Vợ hắn, một người đàn bà trông già như mẹ hắn, hắn đưa từ quê ở Nam Định lên làm thợ dệt vải ở Hà Nội. Khi anh và bạn đến, hắn đang hôn chùn chụt vào hai má rồi vuốt khuôn mặt khô đét của người vợ. Giọng hắn đờn đợt õng ẹo:
- Độ này công việc nhiều, tối mắt lại chả được ở nhà ngồi bên em xem ti vi, nghe ca nhạc. Buồn quá. Nào, em yêu, hôn anh lần nữa rồi anh đi nhé, nghe em!
Mụ vợ đỏ bừng mặt tưởng phải úp mặt vào tường vì xấu hổ. Mà xem ra vẫn cứ thinh thích. Nhà báo và anh đứng quay mặt ra ngắm cảnh đợi. Hắn xong việc đi ra bảo hai người: “Đi, con bồ nó đang đợi tôi ở cuối đường Lò Đúc”.
Xuống hết cầu thang anh cứ ngớ người ra trước những lời nói tỉnh bơ như không hề có cái cử chỉ hắn cố tình cho mọi người nhìn thấy vợ chồng hắn “tình cảm” phía trong các cửa sổ và cửa chính đều mở.
- Đàn bà là con chó cái. Yêu chó, chó liếm mặt. Các cụ bảo rồi. Cho nên vờn nó, vuốt ve nó như một ông chủ đùa rỡn với con vật. Nó mà quá trớn phải đập ngay vào mặt nó. Bao giờ cũng phải giữ khoảng cách của một ông chủ với con vật, không thể để nó lờn mặt. Có như thế mình mới sai khiến được nó, bắt nó phải thờ phụng mình, chầu chực mình như con chó chầu chực ông chủ. Còn ông chủ thì thả cửa mà ngược xuôi. Hí hí. Đàn ông mà.
Chính cái thằng đàn ông đốn mạt ấy đêm nay lại vờn rỡn vuốt ve vợ anh? Người anh như mê đi. Hai mắt người trẻ tuổi long lên dữ tợn như hai ngọn lửa đốt người anh nóng ran.
- Bác phải trấn tĩnh lại. Nếu không, cả sự nghiệp và công danh của bác tan tành.
- Anh bảo tôi phải làm gì.
- Bác là người có bản lĩnh. Nhiều mưu mẹo. Biết dối mình và dối người trong mọi trường hợp. Bác không việc gì phải chột dạ cái điều tôi vừa nói. Sự dối trá lừa lọc của bác là kinh tởm. Nhưng hôm nay ta khuyên bác hãy tự dối mình rằng chuyện ta nói là không có thật.
- Anh đã bịa đặt để khủng bố tinh thần tôi.
- Phúc cho nhà ngươi còn có một người không dòng dõi, huyết thống với ngươi nhưng lại coi ngươi như con. Người đó đã chết oan uổng nhưng không hằn học lấy oán trả oán như ngươi. Người đó xui khiến cho ngươi được gặp ta, ta báo cho ngươi biết điều dữ để ngươi không bị đột ngột, sinh ra mù quáng làm hỏng hết việc lớn ngươi đang đeo đuổi.
Cách xưng hô tự nhiên thay đổi! Cách nói năng nghiêm khắc, quả quyết như sự phán bảo của bề trên! Anh chưa hề tin vào bất cứ điều gì. Thần thánh, lễ bái lại càng không. Ngay đến đình và chùa khác nhau cái gì, trong mỗi nơi cúng bái ấy cung cách bày đặt, nghi lễ ra sao anh cũng không biết. Đơn giản là những nơi ấy anh chưa hề đặt chân đến. Vậy mà lúc này anh cứ thấy rờn rợn về những điều anh ta nói ra. Anh trấn tĩnh rút thuốc lá mời, dè dặt nói:
- Có thể những điều anh nói chưa xảy ra nên tôi không thể biết thế nào. Xin cho biết rõ về người ở nhà tôi đêm nay. Có được không ạ.
- Ta nói rồi. Người đó trắng, cao to, tóc dày và rất đen, nói năng ngọt ngào, dễ nghe. Ở nơi khác, không phải người cùng nơi vợ ngươi làm việc. Người này là bạn của ngươi chứ không phải bạn của vợ ngươi.
Đúng là thằng Võ. Mồ hôi anh toá ra.
- Nếu chưa tin, nội nhật đêm nay ngươi về nhà sẽ gặp người đó. Nhưng nếu ngươi làm ầm ĩ thì chính vợ ngươi sẽ đứng về phía người đó, làm hại ngươi với cấp trên. Ngươi sẽ bị hại ngầm.
- Thưa. Ngoài ba kẻ là bạn tôi, còn có nhiều người khác quan hệ với vợ tôi nữa không ạ?
- Ta không cần biết ngươi là ai. Chỉ nghe nhà ngươi hỏi như thế ta biết về việc vợ con, ngươi là kẻ cạn nghĩ: Những người bạn của ngươi còn ăn ở với vợ ngươi, huống chi những người chỉ “thân” với vợ ngươi mà không “thân” với ngươi, thậm chí càng không biết ngươi là ai, càng tốt. Cái câu hỏi của ngươi, ta có trả lời cũng không để làm gì. Cái chính là vợ ngươi có thể dừng sự đòi hỏi ở bao nhiêu người đàn ông?
- Thưa... Có thể tả hình dáng, tính nết của vợ tôi?
- Ngươi vẫn còn nghi hoặc những điều ta nói? Ta biết khi ta nói đến tận cùng mọi điều, cái khi chất tiểu nhân trong ngươi sẽ giảm đi. Ngươi sẽ khinh bỉ, kinh tởm hơn là sự uất hận, điên loạn... Vợ người có dáng khoáng đạt “Trường túc bất chi lao”. Loại người này đã có thơ rằng: “Những người chân cẳng làng nhàng, một đêm chấp cả mấy làng trai tơ”. Dáng người ấy hợp với bản mệnh. Nhưng toàn bộ con người ấy chỉ nên để ý đến hai con mắt: hai con mắt dài. Mi cũng dài ươn ướt rất quyết rũ. Bao nhiêu người “chết” ở đôi mắt ấy. Hai con mắt nói với ta nhiều điều:
Một: Tâm người này không tĩnh. Vẻ chán chường rầu rĩ triền miên ở đôi mắt nói rằng sự thèm khát ở người này không lúc nào được thoả mãn. Lúc nào cũng cảm thấy thiếu hụt, hao háo. Nỗi thèm khát quá nhiều mà cái được luôn luôn cảm thấy quá ít, luôn luôn thấy trong người dấm dứt mà cứ phải đeo đẳng nó mới sinh ra cắn cảu, chán chường với chồng con.
Hai: Người này quỷ quyệt điêu xảo, tinh quái đến khôn lường. Trông thì hiền. Tâm lại ác. Khi một người ở cạnh mà không được việc gì cho bà ta thì kể cả bố đẻ cũng đuổi ra khỏi nhà. Trông thị e lệ, rụt rè và nghiêm khắc, có thể tát vào mặt kẻ nào dám tán tỉnh bờm xơm. Đặc biệt là người này không biết nói đùa, nhất là những câu nói nhạt nhẽo vô duyên của kẻ khác. Nhưng có thể ngả ngay ra với kẻ mới quen, chỉ cần kẻ đó biết kính nể những giá trị tuyệt vời, có một không hai ở một con người đã không may mắn là bà ta, phải sống với một thằng chồng vũ phu, ngu si, cục cằn thô lỗ, một thằng chồng khốn nạn vô liêm sỉ. Gặp một ngàn thằng đàn ông thì bao giờ cái cử chỉ đầu tiên là đau khổ, lời nói đầu tiên là sự hành hạ của thằng chồng, và nước mắt của bà ứa ra. Một ngàn thằng đàn ông ấy, thằng nào biết làm ra một khuôn mặt sầu muộn, đau đớn, uất giận và tỏ ra có sức mạnh rất ghê gớm sẵn sàng bóp nát cái thằng chó chết ấy đi, thằng ấy sẽ chiến thắng. Nhưng hiệu quả “ăn ngay” vẫn là cử chỉ khéo léo thò tay vào túi rút khăn mùi xoa của mình, lặng lẽ chấm những giọt nước mắt ở trên má rồi, xiết chặt bà vào ngực mình, che chở, an ủi, sưởi ấm cho nỗi cô đơn của bà. Và sau đó, theo cách nói của đám thanh niên bây giờ thì: “Vô tư”.
Điều thứ ba: Ta hỏi: Có lúc nào người để ý đuôi tai của vợ ngươi có tật?
- Dạ, có vết sẹo ở đuôi tai phải do bị ngã từ nhỏ ạ.
- Đấy là vết tích của một con thú bị thương. Nhà ngươi đã trông thấy những con hổ con báo, lợn lòi chó sói bị thương nó hộc lên như thế nào chưa? Ta biết là đã hơn ba năm nay ngươi phải tìm đến các danh y thượng thặng nhất của nước này để tìm thuốc đặc hiệu, gia truyền chạy chữa cho vợ. Nhưng tất cả đông tây y đều bất lực, đều không thấy thuyên giảm. Sức có hạn, mà ý muốn gặp gỡ lại nhiều. Chửa đẻ chưa kịp kiêng khem đã lại đòi hỏi. Thuốc uống, thuốc truyền, thuốc tiêm chưa kịp ngấm đã phung phí tiêu hao, làm gì thuốc chả giã. Đấy là cái lúc “hộc lên” của con thú có tật, có hiểu không?
Anh buột miệng kêu và người run lên, lắp bắp:
- Thưa...
- Nhà ngươi muốn hỏi tại sao ta lại biết?
- Thưa vâng. Tất cả những điều ấy đều rất đúng ạ. Xin chỉ bảo cho tôi phải làm gì bây giờ.
- Không làm gì cả. Ta đã nói rồi. Càng làm càng thua, kể cả nhà ngươi nhìn thấy vợ mình và người kia đang quấn quýt nhau cũng phải lặng lẽ mà quay mặt đi.
- Tại sao lại phải thế?
- Nhà ngươi mắc tội hay hỏi. Không cần “tại sao” gì cả. Ta chỉ nói việc đời của người dương cũng phải thế rồi huống hồ cái số của nhà ngươi, các quan đã đóng cái gông vào cổ không thể bỏ ra được. Không bỏ ra được, làm ồn lên làm gì. Ngươi trông thấy vợ mình đang bậy bạ với người khác, vợ ngươi van lạy ngươi, thằng kia cũng van lạy ngươi, nhưng họ mặc quần áo xong, ngươi là thằng vu oan, giá hoạ, một thằng nhỏ nhen đa nghi, ghen tuông vớ vẩn.
Không ngờ những lời ấy lại diễn ra lúc 12 giờ rưỡi đêm. Tại nhà anh. Chỉ có điều anh lại không đủ sự bình tĩnh để làm đúng như lời dạy của nhà chiêm tinh. “Không được làm gì?” Tại sao không được làm gì?” Anh gợi ra tất cả mọi điều đều chính xác đến kinh ngạc ấy để làm gì? Trời ơi! Sao lại “không được làm gì”. Anh đã lấy chân đạp thình thình vào cánh cửa khoá trái trong ngôi nhà, anh chắc chắn có một thằng đàn ông đang ở đấy, lúc nửa đêm.
°

*

Một tay bế cháu, một tay mẹ kéo chiếc khăn dù phủ lên đầu và hai cánh tay cho con. Người con lặng lẽ để mẹ lo toan cho mình như thuở còn lên năm, lên mười. Người mẹ tưởng nỗi vất vả mệt mỏi đang làm cho đứa con ngủ thiếp đi ở cuối chân giường như một kẻ hành khất. Nhưng con thì làm sao mà ngủ được. Lặng lẽ để cho mẹ trùm chăn lên, che kín khuôn mặt méo mó hèn mạt của mình, một kẻ đứng đầu cái huyện tiếng tăm lừng lẫy đã trở thành kẻ nhục nhã, một tên thất trận chạy về ẩn náu ở cuối chân giường bệnh viện, nơi người mẹ đã gần một tháng ròng rã bế cháu vò võ thâu đêm.
“- Anh không được đụng đến anh ấy.
“- Cô bênh nó hả?
“- Thì đã sao?
“- Không ngờ cô là một con đĩ trơ trẽn.
“- Anh muốn nói gì, cho anh nói, đây không thèm chấp. Nhưng để đến mai. Bây giờ để cho con bé ngủ đã. Anh Võ lấy xe đạp của em về đi. Mai em vào cơ quan lấy.
Võ lặng lẽ dắt chiếc xe đạp “mi pha” của vợ do chính tay anh mua. Anh xô ra giữ lấy xe quát:
- Đứng lại đây. Không được mang xe đi.
Vợ anh một tay bế con, một tay giằng tay anh ra khỏi xe. Anh gạt vợ ra, chị hơi chúi người đi. Đứa con gái năm tuổi mới thức dậy lúc anh đạp cửa vợ anh đã bế thốc dậy làm nó khóc ầm lên, bây giờ nó lại kêu thét như bị đánh. Hiền bế con nhao ra khỏi cửa kêu:
- Ối bà con tập thể ôi. Anh Hiếu về giết mẹ con tôi. Ối giời ơi. Anh tưởng anh làm to rồi anh muốn giết ai thì giết hay sao. Ối giời ơi, giời ơi.
Lập tức cả khu nhà sáng loà lên. Các cửa sổ, cửa chính bật tung nghe thình thình. Mọi người đã thức dậy và lắng nghe từ tiếng đạp cửa đầu tiên, tiếng cãi cọi xô xát từ lâu. Ai cũng lặng lẽ chầu chực sẵn sàng, chỉ chờ đợi có dịp như thế này là lao ra ào ạt, vừa háo hức vừa hớt hải lo sợ như cháy nhà giết người đến nơi. Chả mấy chốc hành lang và khoảng sân trước của nhà Hiếu chật ních người. Mọi người đang thì thào nghiêng ngó người đàn ông lạ mặt, mấu chốt của sự ầm ĩ này. Một ông già tóc bạc như ông tiên đi từ tốn và hỏi cũng từ tốn:
- Nào có chuyện gì mà ầm lên thế này?
Hỏi xong, ông cứ đi giữa đám người đã lặng thinh, tự rẽ ra lấy lối ông đi vào tận nhà, từ tốn ngồi xuống ghế sa lông. Ông Văn Yến, bí thư tỉnh uỷ. Ông ở một căn hộ hai tầng, có vườn cây, ao cá ở đối diện với khu tập thể của tỉnh qua một con đường nhựa, hai bên là ruộng rau muống. Ông mặc bộ quần áo ngủ kẻ sọc xanh trên nền trắng, đi guốc mộc. Với địa vị của mình cộng thêm sự giản dị, đức tính liêm khiết mẫu mực của ông khiến ông như một ông tiên để người già, người trẻ đều kính phục và nghe ông mỗi khi có sự “phức tạp” trong gia đình. Từ lúc ông xuất hiện, cả người lớn, trẻ con trật tự như một cuộc họp. Trước khi “làm việc” ông yêu cầu các cháu bé và cả thanh niên chưa vợ chưa chồng nhà nào về nhà nấy. Không cháu nào được làm ồn ảnh hưởng đến giấc ngủ của bà con. Đợi cho đám trẻ ra khỏi sân (thực chất chúng rình rập nghiêng ngó ở ngoài hàng rào), “ông tiên” bắt đầu hỏi từ tốn:
“- Nào, chuyện đầu đuôi ra sao, anh Hiếu nói đi.
Hiếu như không thể kìm được nỗi uất hận, anh nói rằng anh về nhà gọi cửa đến 10 phút mà đèn mới bật sáng. Vợ anh vội vàng chạy vào giường trong buồng bế thốc con ra mở cửa. Loay hoay mãi không mở được, nhưng thực chất đợi cho anh này (Võ) vớ vội lấy đồng hồ, và giấy tờ rơi ra giường rồi cô ấy mới “mở được” cửa.
“- Anh điêu toa vu cáo thế không sợ giời đánh, thánh vật à?
“- Chị cứ bình tĩnh lại. Anh Hiếu còn thấy gì nữa không, trình bày tiếp đi. Tôi yêu cầu không ai được làm ồn. Nói đủ nghe thôi.
“- Báo cáo chú. Đây không phải là lần thứ nhất. Hai năm trước vợ cháu quan hệ với anh này phải đi phá thai.
“- Anh nói thế không sợ tội lòi mắt ra à?
“- Cô giấu tôi. Sau bị nhiễm trùng phải đi viện, chính cô phải thú nhận với bác sĩ, còn nhớ không?
“- Cứ đào mả bố cái thằng nào nó hành tôi hùng hục như trâu húc mả rồi lại vu vạ cho tôi.
“- Cô có nhớ ngày ấy tôi đi học ba tháng không về nhà không.
“- Đi đâu thì lúc anh về tôi mới chửa.
“- Thật không? Tôi mang giấy tờ ngày kết thúc của tôi với giấy cô đi viện nhá.
“- Bây giờ anh muốn giấy gì mà chả có.
“- Thôi nhé. Chuyện cũ qua rồi nhắc lại không để làm gì. Hai người, không ai được đả động gì đến chuyện cũ nữa. Bây giờ tôi yêu cầu anh chị phải hết sức bình tĩnh. Lúc này là lúc phải hết sức tỉnh táo không hỏng hết mọi việc. Nào đến chị Hiền trình bày.
“- Vâng ạ. Thưa, bác bận nhiều việc đi suốt ngày đêm không biết chứ bà con tập thể đây ai cũng thấy cháu khổ cực như thế nào. Chồng biền biệt nằm một nơi, có lúc nào nhìn ngó gì đến gia đình vợ con. Mình cháu, một nách hai đứa con ốm đau quặt quẹo thay nhau vào viện. Hầu hai con rồi còn phải hầu hạ mẹ chồng. Rồi lại việc cơ quan sấp sấp, ngửa ngửa chạy như ma đuổi từ sáng sớm đến tối mịt vòng quanh bệnh viện, rồi cơ quan, rồi về nhà giặt giũ, cơm nước cả cho bà, cho cháu. Người cháu cứ ốm đau gầy còm đi cũng chỉ vì khổ sở vất vả, đầu tắt mặt tối, còn hơi sức đâu mà nghĩ đến chuyện bậy bạ. Cháu chỉ thấy tủi nhục với chị em, mang tiếng lấy được chồng cũng ông nọ bà kia, tưởng được nhờ vả sung sướng không ngờ một mình còm cõn nuôi con, hầu hạ mẹ chồng mà thỉnh thoảng chồng lại gây hết chuyện này đến chuyện khác. Lúc nào anh ấy cũng hành hạ, xỉ vả vợ hơn cả con ở ngày xưa. Hơ hơ... hơ... Hu hu... u... hu. Trời ơi, làm sao mà cháu lại khốn khổ khốn nạn đến mức này.
“- Bình tĩnh. Chị cứ phải bình tĩnh lại.
“- Bác bảo cháu bình tĩnh làm sao được với một con người vong ơn bội nghĩa, sấp mặt với cả bạn mình. Anh Võ đây là người vất vả hàng bao nhiêu ngày nay để giúp cho em gái con nhà cô cháu. Tuy là em cháu nhưng cũng là nể tình bạn với anh Hiếu thì anh ấy mới phải lặn lội vất vả hao công tổn lực mà lại giở mặt với người ta. Chỉ có loại người ăn cơm đổ xuống đất mới như thế.
“- Thôi, chị phải bình tĩnh. Bây giờ xin mời đồng chí.
“- Vâng! Trước hết tôi thành thật xin lỗi bác và bà con về việc của tôi và anh Hiếu bạn tôi đã làm bác và bà con mất giấc ngủ và phải nghe những lời nói không được văn minh lịch sự cho lắm. Thật lòng với bác và bà con, tôi cũng không ngờ “làm phúc” mà “phải tội” như thế này. Như chị Hiền nói là cô em gái của chị Hiền học kinh tế ở nước ngoài về muốn xin vào công tác ở viện tôi. Nghĩ là em của chị Hiền cũng như em anh Hiếu, người bạn chí cốt của tôi nên tôi đã phải tìm mọi cách thuyết phục các đồng chí thủ trưởng bộ và vụ tổ chức cán bộ. Cũng xin bác và bà con hiểu cho, thời buổi này để được chấp nhận thêm một chỉ tiêu biên chế ở Hà Nội có khó khăn đến mức nào. Phải gần hai năm trời chờ đợi, kì này chúng tôi mới được phép nhận cô ấy. Vì thế, về tỉnh làm việc và có vinh dự đã được tiếp xúc với bác bí thư, tôi rất là bằng lòng với sự vất vả của mình. Suốt một tuần lễ nay xuống các cơ sở nửa đêm mới về, sáng lại đi sớm, không có lúc nào hở. Ngày mai về Hà Nội rồi. Nên đêm nay tuy đã khuya tôi vẫn cố đi bộ đến để báo cho anh chị biết chuyện của em gái mình. Đến đây hỏi mới biết cụ nhà anh Hiếu không có nhà. Nhưng rất may, chị Hiền với cháu bé đây còn đang thức.
“- Vâng ạ. Cháu cũng phải giặt giũ mấy đống quần áo của bà của cháu tích lại hàng tuần nay. Đêm nào cũng phải lụi cụi đến quá nửa đêm.
“Đồ điêu toa. Chưa hề ngày nào cô phải giặt quần áo của mẹ và các con tôi. Chính mẹ tôi phải giặt giũ, cơm nước cả cho cô. Cả bệnh viện người ta biết đấy. Người ta biết cả một mình mẹ tôi phải hầu cô cả ngày, trông cháu cả ngày và cả đêm để cô chỉ có một việc đi đón con bé ở nhà trẻ về ngủ lấy sức rồi sáng mai đi. Việc cơ quan chỉ có chia mấy tờ báo, tạp chí cho các thủ trưởng xong xách túi ngồi sau “em” thư kí khoa học, hoặc các anh ở “cơ quan bạn” chờ sẵn. Hết giờ hành chính về nằm xoài ra thở và ốm. Ngày nào cũng ốm. Tháng nào cũng ốm. Nhưng khi cần đi, đi ngay. Khi cần nằm thì nằm cả tuần, mẹ chồng phải bê cơm mang đến tận miệng”.
Hiền vẫn không để ý đến những ý nghĩ cháy bừng bừng trong đầu chồng. Chị tiếp:
- Chả nhẽ bạn của chồng mình đến báo tin nhận cho em mình được làm việc lại không mời vào nhà uống hớp nước.
- Nếu chỉ thế, khoá cửa vào làm gì? Mà điện lại tắt. Hai người ở một giường. Còn con bé khi nghe tiếng tôi đạp cửa nó mới choàng dậy khóc ở trong buồng?
- Cho anh thả cửa vu cáo. Tôi chỉ biết là tôi không làm được ra cái cầu chì nên lúc điện sáng quá nó đứt, thì tôi phải nhờ bác ấy đánh diêm nối lại hộ.
- Sao phải khoá cửa.
- Không khoá. Chỉ gài vào không có đang xúm chữa điện, kẻ trộm lợi dụng lúc tối tăm.
- Không ngờ cô xảo quyệt, gian trá đến thế.
- Thôi. Thế là rõ. Mọi việc có thể kết luận được rồi. Anh Hiếu ngồi xuống. Bình tĩnh. Không bình tĩnh là hỏng hết mọi việc. Phải thông cảm điện đóm bây giờ nó nhập nhèm lúc sáng lúc tối, khi có khi không. Nhà tôi cũng cháy mấy cái cầu chì rồi. Chuyện vặt, không có vấn đề gì. Đồng chí Võ tận tình có trách nhiệm với bạn bè rất đáng hoan nghênh. Còn anh Hiếu nên rút kinh nghiệm. Những việc vợ chồng nhỏ nhặt như thế này, tuyệt đối không được mất thì giờ nghĩ đến nó nhiều, ảnh hưởng công việc chung. Cũng không được làm ầm ĩ lên. Có gì mình thấy chưa thật hiểu nhau, chưa thật nhất trí, vợ chồng bàn bạc góp ý với nhau, có gì mà phải đao to búa lớn mất hết tình nghĩa vợ chồng, mất danh dự, mất uy tín với quần chúng. Tất cả những chuyện không đáng gì này, phải giải quyết trong phạm vi nội bộ. Trong việc này rõ ràng anh Hiếu vội vàng nóng nảy. Thôi, ta rút kinh nghiệm.
Ông đứng dậy nắm tay Võ thật chặt:
“Xin lỗi đồng chí nhé”.
Tất cả những người ở cửa đều thất vọng vì tính tò mò không được thoả mãn và không ngờ càng ngày Hiếu càng tỏ ra thô lỗ, chấp nhặt, hành động đạp cửa là hành động rất du côn, thô bạo. Thiếu hẳn một sự từng trải lịch lãm mà người ta đã thấy ở anh trong mọi việc xã hội. “Ối dào, tưởng là gì. Mỗi tí cầu chì đứt cũng đùng đùng ầm ĩ làm bao nhiêu người mất ngủ”.
°

*

Tuy không biết tường tận tất cả những gì đã xảy ra ở nhà con giai nhưng bà hiểu được nỗi khổ sở, thiểu não của nó. Bế cháu ngồi nhìn con nằm như kẻ chết rồi ở cuối chiếc giường một của bệnh viện, lòng bà quặn lại. Cũng là phận đàn bà, mà bà không thể ngờ đàn bà thời nay lại táo tợn, trơ tráo, chả còn biết đến nhân tâm, luật lệ là gì. Cũng là vì phải giữ cái danh cho con, bà phải cắn răng chịu nhục suốt từ khi chị ấy về “làm dâu” nhà này. Mỗi lần chị ấy đẻ, con cái ốm đau quặt quẹo bà lại được đưa lên tỉnh bốc cứt bốc đái, giặt giũ, hầu hạ con dâu, nâng giấc ôm ấp các cháu. Khi con dâu hết kiêng cữ, đi lại cứng cáp, các cháu chơi đùa khoẻ mạnh, bà lại như thừa ra, vướng víu, như cái của nợ, như con hủi trong nhà. Chị ấy nói cạnh khoé, đá thúng đụng nia nhưng chưa được con trai cho về bà vẫn phải ở lại chịu đựng. Mỗi lần như thế, bà lại bó sẵn quần áo bằng cái dây ni lon xanh anh Hiếu cho từ ngày ở Sài Gòn ra, bỏ vào cái ba lô con cóc chuột khoét cũng của anh Hiếu cho, sẵn sàng: “Thôi mẹ xin các con cho mẹ về dưới quê”. Chị ấy vui vẻ bảo: “Cái thể không ở lại được với cháu, bố nó xem thế nào để bà về khỏi khổ bà”. ấy là những lần sau này. Còn “ngày xưa” khi chị ấy cần đuổi bà thì chị ấy chửi cháu bà mới được dăm bảy tháng là: “Tiên sư cái giống nhà mày ngu. Tao có nợ nần gì mà định hành tao. Thời buổi này miếng ăn có ai nó đổ ra vệ đường mà tưởng cứ há mõm ra là đớp được, mà bắt con này hầu không thiếu bữa nào”. Không những bà chỉ ngu mà còn phải câm và điếc để đợi anh Hiếu về xem đã cho phép bà được đi khỏi hay chưa. Sau này bà mới biết, không lần nào con trai bà làm trái ý vợ nên hễ thấy chị ấy khác ý là bà lấy sợi ni lon xanh buộc quần áo là vừa. Cái số kiếp của bà nó phải như thế là biết phàn nàn, oán giận ai! Đến những cảnh tượng xảy ra gần đây bà thấy đau đớn tủi nhục cho con bà quá. Bà chỉ muốn kêu thấu tận trời cao, đất dày xem làm sao lại có sự ngang trái trớ trêu? Lần đầu tiên bà biết được điều sỉ nhục với con bà mới cách đây mươi ngày. Gần trưa, chị ấy về nằm với con để bà đi nấu ăn. Vừa đặt mình xuống chị ấy đã ngủ mê mệt. Bà cắm nồi cơm điện rồi xách cái túi cước xanh chị ấy vẫn mang theo để mua thức ăn. Mua thịt xong, bà lấy miếng ni lông trong túi ra bọc. Ba bốn cái túi con ở trong ấy rơi ra khiến mọi người kêu rú lên vì kinh tởm. Bà ngơ ngác không biết cái gì định nhặt lên xem. Một bàn tay cầm tay bà, bảo những của nợ ấy là những túi tránh thai vừa dùng xong và giằng lấy miếng ni lông to ở tay bà vứt vào đống rác. Người ta dồn hỏi bà cái túi cước xanh bà mượn của ai. Nó vội vàng hay bất chấp? Chưa tiện chỗ để “phi tang” hay một sự chơi khăm đểu cáng, bẩn thỉu? Bà phải nói dối là bà vừa nhặt được nó ở giữa đường, định khi mua được miếng thịt, con cá, bìa đậu thì gói vào đấy khỏi giây ra túi cước.
Chồng ở xa, con cái ốm đau phải cấp cứu, sao chị ấy còn nỡ làm điều khuất tất? Ban ngày đầu tắt mặt tối lo cho cháu ăn, cháu bậy, lo giặt giũ cơm nước, đêm đến lại vò võ ôm cháu suốt năm canh đã bao lần bà khóc thầm thương phận con lận đận, đau phận mình bị phỉ báng. Ấy vậy mà đêm nào chị ấy cũng gọi điện thoại xuống huyện xem chồng có cầm lấy máy trả lời hay vì sao chậm trễ. Hỏi xem ngày ấy chồng đi những đâu, làm gì, họp hành với ai và hỏi ngay những người ấy xem chồng có nói đúng không. Cứ làm như thằng chồng là kẻ trộm cắp, gian giảo đàng điếm còn chị ấy là người chính chuyên chỉ biết có yêu thương chồng. Thì ra người lành thì chỉ biết chí cốt làm ăn và nghĩ ai cũng tu nhân tích đức, giữ đạo làm người như mình nên ít ngờ vực kẻ khác. Còn kẻ đàng điếm giấm dúi thì lúc nào cũng hốt hoảng ngờ vực. “Gái đĩ già mồm” là thế... Mỗi lần thấy chị ấy nói vào cái máy cho chồng, bà chỉ muốn quát vào miệng cái máy rằng: Vợ anh nó là con đĩ, ngày nào cũng đi ngủ với giai đấy. Công tác, công tộ gì cứ biền biệt suốt năm suốt tháng để cho nó tha hồ ngược xuôi, không ai biết đấy là đâu. Nghĩ đi thì thế. Nghĩ lại, bà sợ có chuyện gì xảy ra khổ thân hai đứa cháu. Mà anh ấy sẽ “ảnh hưởng”. Vì thế cho nên bà cứ phải câm miệng lại, không dám hé răng nói nửa lời, để mọi chuyện khỏi vỡ lở. Có nhẽ chị ấy biết cả hai mẹ con bà đều sợ vỡ lở. Nên ngày càng ngang nhiên bày cái sự bẩn thỉu ấy ra trước mắt bà không cần che giấu. Rồi gặp bất cứ ai, bất kì lúc nào chị ấy cũng ủ rũ, chán chường, đau khổ ốm yếu. “Vì cái thằng chồng khốn kiếp nó hành”. Kêu ca, riếc móc chồng trước mặt thằng đàn ông, có khác gì như bảo thằng kẻ trộm là buồng nhà tôi lúc nào cũng để ngỏ. “Muốn vào lúc nào thì vào, thích gì thì cứ việc. Mạnh bạo mà đi vào nhá. Tôi để sẵn mọi thứ ở đấy”. Có lần con Huyền bảo bà:
- Tại sao bố cháu lại sợ cái mụ đĩ thoã, hợm mình ấy đến thế? Đầu óc thì rỗng tuếch, lúc nào cũng ra vẻ đăm chiêu trí thức. Giữ mấy tờ báo, dăm quyển tạp chí mà cũng khinh khỉnh coi thường tất cả mọi người. Để cháu bảo ông ấy bỏ quách đi.
“- Kìa cháu, mình là phận con cái, ai lại nói như thế. Từ nay bà không cho cháu được ăn nói với người bề trên như vậy đâu.
“- Nó mà là bề trên của cháu à? Hơn mấy cái tuổi bọ. Không sợ bà buồn, sức mấy cháu gọi bằng cô. Đợi đấy. Nghỉ cho “eo” nhé.
“- Huyền! Không được nói nữa mà.
Đột nhiên Hiếu vứt chiếc chăn dù, ngồi dậy hỏi mẹ.
- Bà có thấy thằng nào thậm thụt với con Hiền ở đây không?
- Nào mẹ có thấy gì đâu.
- Hết giờ làm việc nó có về nhà ngay với cháu không?
- Vưỡn.
- Bà để ý thấy nó có dấu hiệu gì của việc giai gái không?
- Anh bảo, có chuyện gì ai người ta mang đến chỗ mẹ. Còn những chỗ khác thì mẹ có đi đến đâu mà biết.
- Tại sao, đêm nó không ở đây trông con để bà về nhà với con bé lớn?
- Thì chị ấy còn phải nghỉ lấy sức ngày sau công tác. Mà mẹ cũng ít ngủ, trông cháu nó thuận hơn.
- Con này mất dạy lắm. Không thể chịu được nữa.
- Theo mẹ, có chuyện gì con cứ bình tĩnh thu xếp cho ổn thoả. 50 tuổi đầu rồi. Nếu số kiếp nó như thế, phải chịu thế, bới móc ra làm gì để người ngoài người ta cười cho.
- Nhưng mẹ có bảo đảm là nó không có chuyện gì không?
Tuy nói thì thầm với mẹ, giọng anh vẫn rin rít qua hai hàm răng như nghiến lại. Người mẹ vẫn một mực không hề thấy gì, biết gì. Thực ra anh hỏi để mà hỏi. Hỏi như để thoát vợi ra cái làn hơi cộm đầy trong lòng, như để có người chia sẻ nên anh rất cần được nghe trả lời như thế. Đã bao nhiêu lần anh chứng kiến hoặc nghe kể lại chuyện này chuyện khác, anh đã cố công làm cho đến tận cùng mọi nhẽ. Nhưng càng tìm ra nhiều chuyện, càng làm ầm ĩ lên thì anh càng mang tiếng, càng để người ta cười cợt đàm tiếu với nhau. Chỉ vì anh sợ mất danh dự với nhân dân, mất uy tín với cấp trên “cái chuyện riêng tư lặt vặt, đáng gì” mà mất hết. Cái khả năng đặc biệt nhạy bén của đàn bà chỉ ở chỗ cảm nhận trực tiếp những thay đổi tình cảm của người đàn ông. Hiền đã cảm nhận thấy chỗ yếu, cái vết “lõm” của anh để tì xoáy vào đó một cách ác độc, man rợ, buộc anh phải chấp nhận tất cả những mối quan hệ bừa bãi của cô. Càng ngày cô càng bất chấp, càng “công khai hoá” để anh chỉ việc “nhìn ngắm” mà tự nuốt nỗi cay đắng nhục nhã vào lòng. Anh rất thèm có được cái giây phút bất cần! Chả cần bất cứ một thứ gì để con người anh được thoát ra khỏi nỗi sợ. Thèm muốn được sống như mọi con người bình thường khác. Khốn nỗi, anh đã nghiện tất cả những thứ kia rồi làm sao mà “cai” được. Mặc khác, cái thói quen sống giấu giếm vụng trộm suốt năm chục năm nay bây giờ có cho anh được công khai phơi bày tất cả mọi ý nghĩ và hành động, đố anh làm được. Mong mỏi đấy. Thèm khát đấy. Nhưng bỏ đi những thói quen, anh không tài nào chịu nổi. Giống như con chim nhốt trong một cái lồng chỉ tìm cách bay ra. Đến vài ba chục năm sau người ta mở lồng cho nó bay nhưng thể nào nó cũng bay lại cái lồng cũ. Nếu cái lồng đó không còn, nó lại bơ vơ, lại phải loay hoay kiếm tìm cái lồng khác mà chui vào để tìm lại thói quen, tìm lại nỗi nhớ.
Bà Đất nhìn mặt con mỗi lúc một đờ đẫn, dại đi, bà vội vàng ôm cháu đứng sát lại mếu máo nói như van lạy con trai.
- Bố nó nằm giường mà nghỉ đi. Đừng nghĩ ngợi gì nữa. Con mà có chuyện gì thì làm sao mẹ sống được con ơi.

Xem Tiếp: ----