Katia đã mượn chiếc xe Lada của Volodia để dùng trong đêm ấy. Barley phải đợi nàng lúc 21 giờ chiếc Lada đột ngột ngừng lại ngay chỗ Barley đang đứng đợi. - Đáng lẽ anh không nên đòi đi với em như thế này. – Katia nói. Cửa sổ của các ngôi nhà hai bên đường có ánh đèn chiếu sang, nhưng đường sá đã vắng người. Thỉnh thoảng bàn tay của ông và nàng chạm nhẹ vào nhau, thỉnh thoảng hai người nắm tay nhau siết chặt. Trong gương chiếu hậu, Barley quan sát những chiếc xe chạy theo ở phía sau, nhưng không vượt qua. Katia rẽ trái, các xe kia vẫn không vượt qua. Nàng không nói gì nên ông cũng im lặng. Ông tự hỏi, không biết bằng cách nào người đàn bà đã có được các giác quan biết chỗ nào có thể nói chuyện và chỗ nào phải im lặng. Và ông nhủ thầm: “Bây giờ là lúc mình phải biết rằng các chiếc xe và các bức tường cũng có lỗ tai như con người”. Chiếc Lada chạy đến một bãi đậu xây dựng còn dở dang. - Anh hãy nghĩ trong đầu rằng anh là y sĩ, - nàng khẽ dặn chàng khi hai người đối mặt nhau ngang qua mui xe. Anh phải làm bộ rất nghiêm trang, nghe không. - Tôi là y sĩ, - Barley nói rất nghiêm trang. Cả hai người đều không nói đùa. Họ tiến bước rất thận trọng giữa những vũng nước phản chiếu ánh trăng lưỡi liềm đến một lối đi có mái che bằng thạch ma không đáy. Lối đi ấy dẫn đến một cái cửa đôi. Barley bắt đầu ngửi thấy mùi của nhà thương: mùi thuốc sát trùng, mùi cồn chín mươi độ. Nàng kéo chàng đi nhanh dọc theo một hành lang và đi ngang qua trước một cái quầy bằng đá cẩm thạch. Trong hành lang tiếp theo, có những bóng người rũ xuống trên những chiếc ghế nhà bếp dọc theo tường. Phòng đợi làm cho người ta có cảm tưởng ở trong một hầm mộ tối tăm, một đầu là một cái bục và đầu kia là những cánh cửa tự bật đóng lại mà ở phía sau của là phòng vệ sinh. Có ai đó đã treo một bóng đèn tạm bợ để chỉ đường, và với ánh sáng lờ mờ của bóng đêm ấy, Barley chợt thấy một phòng thay áo trống trơn sau một cái quầy bằng gỗ và những cái cáng thương. Katia ngồi xuống một cái ghế dài, Barley ngồi xuống cạnh nàng. - Luôn luôn ông ta cố gắng đúng giờ, nhưng đôi khi cũng bị chậm trễ đôi chút, - Katia nói. - Anh có thể nói chuyện với ông ta không? - Không, ông ta sẽ tức giận đấy! - Vì sao? - Nếu bọn họ nghe nói tiếng Anh trong một đường dậy nội thành, lập tức họ sẽ chú ý ngay. Đó là lẽ tất nhiên. Một người đàn ông đầu băng bó, đẩy cửa và đi nhầm vào các phòng vệ sinh dành cho nữ. Hai người đàn bà từ trong đó chặn ngay ông ta lại và chỉ chỗ cho ông ta. Katia mở ví lấy ra một quyển sổ tay và một cây bút máy. - Ông ta sẽ gọi vào lúc 22 giờ 40, - nàng nói. – Ông ta sẽ không nói lâu. Vì như thế là thiếu cảnh giác, ngay cả trên một đường dây bảo đảm. Nàng đứng lên và đi đến máy điện thoại, cúi xuống để luồn qua dưới cái quầy bằng gỗ. Ông ta sẽ nói với nàng rằng ông ta yêu nàng hay không? Barley tự hỏi: “Anh yêu em đến nỗi làm cho tính mạng anh lâm nguy?” Nàng đứng nghiêng nghiêng, mắt đăm đăm nhìn các cánh cửa tự động bật qua bật lại của dãy phòng vệ sinh. Nàng đã thấy một điều gì đáng nghi chăng? Nàng đã nghe một tiếng gì đó chăng? Hay là bây giờ những ý nghĩ của nàng đã dành tất cả cho Yakov rồi? Đó là thái độ của nàng khi nàng đợi ông ta, Barley nghĩ thầm, thái độ của một người kiên nhẫn chờ đợi cả một ngày. Tiếng chuông rè rè của cái máy điện thoại đầy bụi bặm vang lên. Một giác quan thứ sáu đã dẫn dắt Katia đến với ông ta ở đầu kia đường dây và tiếng chuông chưa kịp vang lên lần thứ hai, thì nàng đã bắt máy. Một tay cầm ống nghe, một tay áp vào lỗ tai để nghe cho rõ tiếng của người tình. Barley chỉ nghe được Katia lặp đi lặp lại “vâng” “vâng” một cách ngoan ngoãn. “Ông hãy để cho cô ta được yên!” Barley giận dữ nghĩ thầm. “Tôi đã nói có nói với ông như thế rồi, và tôi sẽ nhắc lại với ông cuối tuần này khi gặp lại ông. Ông hãy để cho cô ấy được yên, ông đừng để cho cô ấy dính dấp vào tất cả các chuyện này. Ông hãy tiếp xúc với người mặc đồ xám hay với tôi!”. Quyển sổ tay và cây bút máy để trên một cái kệ, nhưng Katia không đụng đến. Vâng, vâng, vâng. Rồi lại: Vâng, vâng, vâng. Barley thấy Katia so vai rụt cổ, duỗi dài lưng như thể để hít thật sâu hay để hưởng một giây lát hạnh phúc thân mật. Nàng áp mạnh ống nghe vào tai hơn nữa. Vâng, vâng. Và vì sao không nói một câu: Không? Không, tôi sẽ không chấp nhận anh đâu! Barley thấy Katia đưa bàn tay sờ vào cột trụ, cac ngón tay chìa ra, bấu vào cột trụ. Khi nàng xoay người lại, Barley nhìn mặt nàng. Ôi, sao lại thế này? Nét mặt nàng trông rất thảm thương, vẻ nhìn ngây dại. Thân hình nàng bắt đầu tuột xuống dọc theo cột trụ, như thể nàng không còn có thể đứng thẳng được nữa. Trước tiên hai đầu gối quỵ xuống rồi toàn thân nàng từ từ tuột xuống, nhưng Barley đã kịp nhào tới để ôm choàng lấy nàng. Ông giật lấy ống nghe điện thoại mà nàng còn nắm chặt trong tay, đưa lên tai và kêu: “Goethe!”, nhưng không còn nghe gì nữa. Ông cúp máy. Đến khi hai người đã bắt đầu đi được, thì Katia lại có một phản ứng dữ dội chống lại Barley. Chẳng nói chẳng rằng, nàng nắm chặt tay lại đấm vào Barley, nện cho ông một cú đích đáng vào mặt, làm cho ông hoa mắt một lát. Ông nắm lấy hai bàn tay nàng, kéo nàng ra bên dưới cái quầy gỗ, và phải dùng vũ lực lôi nàng ra khỏi bệnh viện, đến tận bãi đậu xe. “Đây là một người bệnh có tính cách thất thường, Barley lẩm nhẩm trong miệng, sẵn sang để giải thích nếu cần. Tôi là y sĩ điều trị của bà ta”. Một tay vẫn ôm Katia, Barley dùng tay còn lại, dốc ngược cái ví tay của nàng trên mui xe, tìm được chìa khóa, mở cửa băng trước, đẩy Katia vào trong xe, rồi vội vã chạy sang phía bên kia và ngồi vào chỗ tài xế. - Em về nhà, - nàng nói. - Anh không biết đường. - Anh hãy đưa em về nhà em, -nàng lặp lại. - Katia, anh không biết đường. Em phải hướng dẫn cho anh, em có nghe anh nói không? Ông ôm lấy vai nàng và nói tiếp: - Em hãy ngồi thẳng dậy nào. Hãy nhìn qua cửa kính. Ôi, chiếc xe chết bằm! Số de của chiếc xe cà tang này ở đâu? Ông sờ soạng một cách nóng nảy cần số xe, cái cần số mà nàng đã nắm lấy và cài vào số de một cái rẹt. - Được rồi, bây giờ đến lượt các đèn pha, ông nói. Barley đã tìm ra cái núm tay, nhưng để Katia bật đèn thay cho mình, làm như thế để buộc nàng phải phản ứng. Khi xe vừa ra khỏi bãi đậu, Barley phải cho xe đâm chệch sang bên để tránh một chiếc xe cứu thương chạy với tốc độ tối đa. Nước bùn bắn tung tóe lên kính chắn gió. Vì không phải là mùa mưa, Katia đã không gắn các que gạt nước. Barley buộc phải cho xe ngừng lại, nhảy xuống lấy khăn tay lau kính, trước khi lên cầm tay lái lại. - Rẽ trái, - nàng ra lệnh. – Cho xe chạy nhanh hơn nữa. - Nhưng kịp thôi mà. - Đường một chiều, nhanh lên. Nàng im lặng, và nhất định không nói gì them nữa. Ông đưa cho nàng chai rượu uýt-ky, nhưng nàng không cầm. Ông cho xe chạy chầm chậm, tảng lờ những lời thúc giục của nàng. Trong kính chiếu hậu, ông thấy đèn pha của những chiếc xe đuổi theo sau, nhưng vẫn giữ một khoảng cách. Đó là Wicklow, ông nghĩ thầm. Đó là Paddy, Cy, Henziger. Nét mặt thất thần của Katia thỉnh thoảng thấy rõ khi xe chạy qua dưới ánh sáng đèn đường. Nàng có vẻ như nhìn một ảo ảnh nào đó do nàng tưởng tượng ra. Nàng cắn nắm tay của ông. - Hãy nói cho anh biết rẽ trái hay rẽ phải? - Phải. Nhanh hơn nữa. Sau khi rẽ phải, ông cho xe chạy được một lát thì nàng lại kêu to: - Rẽ. - Rẽ phải hay rẽ trái? - Rẽ trái. Nàng la hét để ra lệnh cho ông. Và sau nhưng tiếng la hét là nước mắt, là những tiếng nấc khóc não nề, chỉ chấm dứt khi xe đã về đến trước căn hộ của nàng. Ông cúi xuống mở cửa cho nàng. Ông muốn đỡ nàng xuống xe, nhưng nhanh hơn ông, nàng đã nhảy ra, lảo đảo chạy đến cửa chung cư. Núp trong bóng tối, một gã trung niên mặc áo bờ lu dông da muốn chặn nàng lại, nhưng Barley đã kịp chạy tới, nên anh chàng kia vội vàng tránh ra để cho hai người đi qua. Không đợi thang máy, hay có thể nàng đã quên không biết bao nhiêu là tầng cấp, đến nỗi Barley bắt đầu sợ Katia đã quên căn hộ của nàng ở tầng nào chăng. Cuối cùng nàng đã dừng lại, lấy chìa khóa trong ví tay ra mở cửa vào trong nhà, nàng chạy ùa vào phòng hai con của nàng, quỳ gối xuống, thở dốc, ôm chặt hai đứa trẻ đang ngủ. ° Một lần nữa, chỉ có phòng ngủ của nàng là hiện thực đối với Barley. Barley dẫn nàng vào trong đó, vì ngay cả trong khoảng không gian chật hẹp này, hình như nàng cũng không còn tìm được đường để đi. Nàng ngồi trên giường rất cẩn thận, như thể nàng đã quên không biết giường cao bao nhiêu. Barley ngồi xuống bên nàng, quan sát gương mặt thất thần của nàng, quan sát gương mặt thất thần của nàng, đôi mắt nhắm nghiền của nàng hé mở một chút rồi nhắm lại. Ông không dám đụng đến nàng, vì nàng quá căng thẳng, quá khiếp đảm và quá xa cách đối với ông. Nàng thở dài thườn thượt. Ông gọi tên nàng, nhưng nàng có vẻ như không nghe. Ông liếc nhìn quanh trong phòng. Một tấm ván nhỏ gắn vào tường để dùng làm bàn trang điểm và đồng thời cũng dùng làm bàn viết. Ở giữa những bức thư cũ, có một tấm giấy rời. Barley lấy một khung ảnh lồng kính treo trên đầu giường xuống và đặt nó lên đầu gối mình. Là một điệp viên đã được huấn luyện kỹ càng, Barley tách một tờ ra khỏi tập giấy, đặt nó lên trên cái khung ảnh lồng kính, dùng bút viết mấy chữ: - Hãy thuật lại đi! Ông đưa tờ giấy cho nàng xem. Nàng xem một cách thờ ơ. Một cách vô thức, nàng tựa người vào ông. Áo nịt ngực của nàng đã trật ra khỏi vai, và tóc xõa ra rối bù. Ông viết một lần nữa. - Hãy thuật lại đi! Rồi hai tay ôm vai nàng, đôi mắt đắm đuối yêu đương một cách tuyệt vọng, ông nhìn nàng với vẻ cầu khẩn thiết tha. Ông đặt khung ảnh lồng kính trên đầu gối Katia và lấy ngón tay gõ gõ tờ giấy, nàng ngắm nhìn mấy chữ trên tờ giấy, nấc lên một tiếng xé ruột xé gan trước khi viết: - Họ đã bắt Yakov rồi! Barley viết: - Ai đã nói với em điều đó? Katia viết: - Yakov. - Ông ta đã nói những gì? - Thứ sáu ông ta đến Matxcơva. Ông ta đã hẹn gặp anh tại nhà Igor tối thứ sáu lúc 11 giờ. Ông ta đem đến cho anh những thông tin và sẽ trả lời các câu hỏi của anh. Bảo anh phải chuẩn bị một bản kê các câu hỏi thật chi tiết. Đây sẽ là lần cuối cùng ông ta muốn anh cho ông ta biết về quyển sách, thời điểm sẽ xuất bản v.v… - Chính Yakov nói? Nàng gật đầu - Vì sao em lại nói rằng ông ta đã bị bắt rồi? - Ông ta dùng cái tên xấu. - Cái tên nào? - Daiil. Theo mật mã, dùng tên Piotr: nếu mọi sự tốt đẹp, dùng tên Daiil: nếu ông ta bị bọn họ bắt. Ông và nàng chuyền tay nhau cây bút máy rất nhanh. Bây giờ Barley giữ luôn cây bút và viết không ngừng hết câu hỏi này đến câu hỏi khác. - Ông ta đã phạm một sai lầm? Nàng lắc đầu. - Ông ta đã bị bệnh. Có thể ông ta đã quên mật mã? Nàng lắc đầu. - Trước đây không bao giờ ông ta sai lầm? Lần này nàng nói “không” và chụp lấy cây bút máy, viết lia lịa: - Ông ta đã gọi em là Maria. Ông ta đã nói: “Alô, Maria đó hả?” Đó là cái tên mà em phải mang trong trường hợp hiểm nguy. Nếu không, thì tên em là Aléna. - Em hãy viết những gì ông ta nói đi. - Alô, Maria đó hả? Daiil đây. Bài thuyết trình đã là sự thành công vẻ vang hơn hết trong sự nghiệp của anh”. Ông ta nói dối đấy. - Vì sao? - Vì ông ta đã nói với em rằng hễ khi nào ông ta nói ông ta đã thành công vẻ vang hơn hết trong sự nghiệp của ông ta, thì phải hiểu rằng ông ta đã bị bắt và chúng ta không còn phương kế gì để sống được nữa. Barley đi đến cửa sổ và nhìn xuống đường. Là bạn gái đồng thời là đồng lõa của Goethe, Katia đã bị kết án tử hình như Goethe. Bây giờ còn chưa chết, nhưng nàng sẽ chết lúc nào người ta quyết định tóm cổ nàng. Barley đứng bên cửa sổ gần một tiếng đồng hồ để suy nghĩ như thế, trước khi trở lại giường của Katia. Nàng nằm nghiêng co người lại trên giường, hai mắt mở thao láo. Ông choàng một tay xung quanh thân thể nàng và kéo nàng áp sát vào ông. Ông cảm thấy người nàng lạnh như đá cẩm thạch, từ từ chịu để cho ông ôm ấp và ghì chặt, trong lúc nàng khóc nức nở, rồi nín thinh như thể nàng sợ bị nghe lén. ° Ở Luân Đôn, các tin tức diễn biến một cách đều đặn trên các màn hình. Barley đã rời khách sạn Mej. Còn tiếp. Họ đã đến trạm tàu điện ngầm. Còn tiếp. Họ đã đi ra khỏi bệnh viện. Barley dìu Katia. Còn tiếp. Con người có thể nhầm, nhưng máy điện toán không thể nhầm được. Còn tiếp. - Nhưng vì sao lại là Barley lái xe? - Ned hỏi. Sheriton đang trầm ngâm suy nghĩ nên không trả lời, nhưng Bod, đứng ở phía sau Sheriton, có một ý kiến. - Này Ned, đàn ông không muốn để cho đàn bà lái xe. Thói quen cho rằng đàn bà là phái yếu vẫn đang còn. - Cám ơn, - Ned trả lời một cách lịch sự. Clive mỉm cười tán thưởng ý kiến của Bod. Nhưng Ned lại hỏi. - Vì sao Barley lại ôm Katia trong vòng tay từ bệnh viện cho đến tận bãi đậu xe? - Có thể là cô ta đã bị một hạt bụi bay vào mắt, - Sheriton giải thích. - Và rồi chính Barley lái xe, - Ned nhấn mạnh. - Ông ta không có quyền lái xe ở bên đó, nhưng ông ta đã lái. Ông ta đã để cho Katia lái xe trong suốt cuộc đi chơi dã ngoại cũng như lúc về và cả trong chuyến đi đến bệnh viện. Và đột ngột khi trở về, ông ta lại giành cầm tay lái. Vì sao? Sheriton nói: - Thôi được rồi, Ned, thế thì theo ông, Chim Xanh có gọi điện thoại hay không? Ned suy nghĩ một lát rồi mới trả lời. - Chắc chắn là có. Nếu không thì Barley và Katia phải chờ đợi chứ. - Có thể Katia đã nghe được một điều gì chẳng lành, - Sheriton nói - thí dụ những thông tin xấu. Ned lại hỏi: - Barley làm cái trò quỷ quái gì trong nhà Katia mà lâu đến như thế? Tất cả công việc của ông ta là hỏi cô ấy giờ và địa điểm Chim Xanh hẹn gặp Barley. Dù sao đi nữa thì ông ta cũng không cần đến hai giờ để làm việc ấy, phải không nào? - Có thể chàng và nàng có thong dong một chút cũng được thôi, - tôi nói. - Nếu chỉ có thế mà thôi, thì làm gì tôi phải lo âu. - Chắc là Barley còn đang mua một cái nón, - Johnny nói đùa. - Bây giờ Barley đã rời căn hộ của Katia! - Sheriton kêu lên. Trên bản đồ thành phố Matxcơva, một chấm đỏ chỉ căn hộ của Katia. Địa điểm hẹn gặp để Barley báo cáo công tác đã được chỉ định cách đó ba trăm mét về hướng đông, nơi góc đông nam của hai đại lộ, được đánh dấu bằng màu xanh lục. Barley phải đi dọc theo lề đường hướng về phía nam và đi chậm đến chỗ đã quy định, làm như thể đang kiếm một chiếc xe taxi. Xe của chúng tôi sẽ dừng lại gần chỗ ông ta đứng. Barley phải cất cao giọng nói cho tài xế biết khách sạn của ông ta và mặc cả giá của cuốc xe với tài xế bằng cách ra dấu. Đến ngã tư thứ hai, xe phải đổi hướng để vào trong một công trường xây dựng, nơi xe cam-nhông của chúng tôi đậu, tất cả đèn đều tắt hết và tài xế giả vờ ngủ. Nếu thấy có ăngten rađio kéo cao lên, xe chở Barley phải chạy một vòng về phía tay phải và trở lại nơi xe cam-nhông đậu. Nếu không thấy ăngten thì coi như cuộc hẹn đã bị bãi bỏ. ° Bản tường trình của Paddy xuất hiện trên các màn hình lúc 1 giờ sáng, giờ Luân Đôn. Sau đó bản tường trình ấy được phân tích, xem xét một cách kỹ càng. Theo bản tường trình ấy, trước tiên Paddy lấy làm ngạc nhiên về độ chính xác của các sự kiện khi Barley báo cáo công tác. Paddy cũng lấy làm cảm kích vì Barley tỏ ra hăng hái và tận tụy với nhiệm vụ của mình. Ngoài ra, báo cáo của Barley khớp với tất cả những sự kiện mà Paddy đã thu thập được từ các trinh sát theo dõi Barley, kể từ khi ông ta và Katia từ trạm tàu điện ngầm đến bệnh viện, rồi ngồi chờ trên một chiếc ghế dài và tiếng chuông điện thoại reo lên nhưng chấm dứt rất nhanh. Barley giải thích rằng Katia đã đứng ngay trước máy điện thoại khi chuông reo. Chính ông ta cũng hầu như không nghe được gì cả. Do đó Paddy không lấy làm lạ rằng Anastasia, người trinh sát chốt tại bệnh viện, cũng đã không nghe được gì cả. Chuông điện thoại vừa mới reo lên là Katia bắt máy ngay, nhanh như chớp. Cuộc điện đàm giữa Katia và Chim Xanh rất ngắn. Theo Barley, hai phút là tối đa. Chúng tôi cho thêm một điểm tốt. Chúng ta biết rằng Goethe rất ghét nói dài dòng trong khi điện đàm. Với báo cáo chính xác và rõ ràng Barley thoải mái như một con cá ở trong nước, làm sao sau đó có thể tán thành ý kiến cho rằng đáng lẽ Paddy nên dẫn Barley thẳng đến đại sứ quán, bịt miệng và trói gô ông ta lại rồi tống cổ về Luân Đôn? Tuy nhiên, đó là ý kiến của Clive, và nhiều người đã tán thành. Chúng ta hãy trở lại với ba điều bí mật làm cho Ned đau đầu: Barley ôm choàng Katia và dìu nàng đi từ bệnh viện đến bãi đậu xe, Barley cầm lái thay cho Katia, và Barley ở lại hai giờ trong căn hộ của Katia trước khi đến chỗ hẹn để báo cáo công tác. Chúng ta hãy tưởng tượng cái cảnh tượng trong xe cam-nhông: Barley cúi xuống trên bàn, ánh sáng chiếu vào mặt. Hai người cầm ống nghe. Barley thì thầm nói vào ống nói, và nói với Paddy. Cy ngồi trong bóng tối mờ mờ với một cặp ống nghe thứ ba. - Và rồi, vì quá xúc động, nàng đã bắt đầu run, đứng không vững, - Barley nói. - Suốt cả một tuần, nàng mừng khấp khởi, đợi chờ cú điện thoại ấy. Và bây giờ Goethe chỉ nói chưa đầy hai phút là hết. Nhưng như thế cũng đã đủ đối với nàng. Nghe được giọng nói của người tình, biết được chàng sẽ có mặt tại Matxcơva trong hai ngày nữa. Quá xúc động, nàng đã khóc sướt mướt. Kể từ đó, mọi sự tiếp diễn một cách tự nhiên. Các lời lẽ dối trá trở thành lôgíc, Barley nói rằng ông ta đã làm hết sức mình để trấn anh Katia, nhưng cô ta ở trong một trạng thái quá xúc động, đến nỗi ông ta phải choàng vai cô ấy, dìu cô ra xe và lái xe đưa cô về nhà. Dọc đường, cô ta còn khóc đôi chút, nhưng về đến nhà thì cô đã dịu đi. Barley đã phải đun nước sôi để pha cho cô ta một chén trà nóng và cầm tay cô ta cho đến khi chắc chắn cô ta đã hoàn toàn trấn tĩnh. - Ông đóng vai trò của ông giỏi lắm, - Paddy khen. Cuối cùng, còn có câu hỏi của Barley, một câu hỏi đã buộc Cy phải ra mặt. - Danh sách các câu hỏi đâu? Đến khi nào ông mới đưa cho tôi? - Barley hỏi Paddy lúc sắp rời xe cam-nhông. - Để làm gì? - Cy bước ra khỏi bóng tối và hỏi Barley. - Để làm gì à? Để, có lẽ tôi cũng nên nghiên cứu sơ qua một chút, phải không nào? - Chẳng có gì phải nghiên cứu cả, - Cy đáp. - Đó là những câu hỏi trắc nghiệm mà Chim Xanh phải trả lời có hay không. Và điều cốt yếu là ông không nên biết trước một câu hỏi nào hết. Cám ơn nhiều. - Thế thì lúc nào tôi mới có được bản kê ấy? - Luôn luôn thì người ta soạn thảo bản kê các câu hỏi ấy càng chậm càng tốt, - Cy đáp. Còn ý kiến của Cy về tâm trạng của Barley, người ta có thể nhớ câu nhận xét sai lầm một cách kỳ cục này của ông ta: “Đối với người Anh, dù sao đi nữa thì người ta cũng không thể biết được những gì họ nghĩ trong đầu”. Ít ra trong lần này, Cy đã không hoàn toàn sai lầm. ° - Không có một tin tức xấu nào, - Ned nhấn mạnh, trong lúc Brock chiếu lại cuốn băng ghi âm của xe cam-nhông, lần thứ ba, hay lần thứ ba mươi. Chúng tôi trở về. Rạng đông ló dạng, nhưng chúng tôi quá bực bội, nên không nghĩ đến việc đi ngủ. - Không có những tin tức xấu. Chỉ hoàn toàn là những tin tức tốt, - Ned lặp lại. “Anh khỏe mạnh. Anh bình an. Anh đã thuyết trình rất xuất sắc. Anh đi máy bay. Chúng ta sẽ gặp nhau thứ sáu. Anh yêu em” và cô ta khóc. - Tôi, tôi không biết vì sao. - Tôi nói một cách miễn cưỡng. - Còn ông, ông chưa bao giờ khóc vì sung sướng sao? - Nhưng cô ta khóc đến nỗi ông ta phải dìu cô ta suốt dọc hành lang. Cô ta khóc đến nỗi không còn lái xe được nữa. Và một khi đã về đến nhà, cô ta nhào vào nhà, như thể không biết có Barley ở đó, vì cô ta quá sung sướng về việc Chim Xanh sẽ đến Matxcơva bằng máy bay theo đúng ngày đã định trước. Và Barley an ủi cô ta. Cần thiết phải an ủi cô ta, với tất cả các tin tức tốt đẹp ấy! Chúng tôi nghe lại một lần nữa tiếng nói được ghi âm của Barley. - Và Barley rất bình tĩnh, - Ned bình phẩm. - Bình tĩnh một cách hoàn toàn. Không có một chút lo âu nào. “Tuyệt vời, Paddy. Mọi sự đều tốt đẹp. Vì thế mà Katia khóc”. Tốt thôi! Ned ngồi chễm chệ trong chiếc ghế bành, nhắm mắt lại. Tiếng nói thật thà và trung thành của Barley vẫn luôn luôn phát ra từ cái máy ghi âm. - Barley không còn là của chúng ta nữa rồi! - Ned khẳng định. - Ông ấy đã từ giã chúng ta rồi. Ned, theo cách của ông ta, cũng đã từ giã chúng tôi. Ông ta đã tổ chức một chiến dịch tuyệt vời. Và bây giờ, nếu tin lời ông ta nói, ông ta chỉ còn việc nhìn nó tiêu tan thành mây khói một cách nhanh chóng. ° Do thám là chờ đợi. Do thám là lo âu. Do thám là vượt trội chính mình. Những công thức phù phép của Walter, người đã chết, và của Ned, người còn sống nhưng coi như đã chết, vang dội trong tai của Barley. Người học trò đã học được các phù phép của thầy, nhưng bây giờ còn tỏ ra cao tay ấn hơn cả thầy dạy cho mình. Tất cả những lời dạy bảo của Walter và của Ned tỏ ra rất hữu hiệu. Bây giờ Barley quay lại lừa dối thầy. Tuy nhiên ông ta không phải là một tên bịp bợm. Barley không phải là một tên phản bội. Nhưng ông ta không phí thời giờ để nghĩ đến những sự thống khổ mà Goethe phải chịu dưới địa ngục, nơi mà chắc chắn chính Barley sẽ sớm đến đó để gặp Goethe. “Ta sẽ khóc Goethe khi nào ta có thì giờ”. Barley tự nhủ. “Còn bây giờ đây, chỉ có một công việc đáng kể, đó là mạng sống của Katia mà Goethe đã đưa vào vòng hiểm nguy một cách vô liêm sỉ, đến phút chót mới cố gắng cứu nàng bằng cách thú nhận tất cả những gì ông đã làm.” Barley lý luận: Katia biết. Katia biết là Goethe đã sa lưới, đã bị bọn họ bắt rồi. Nhưng họ không biết rằng Katia biết. Ngoài Katia và Goethe ra, ta là người duy nhất trên cõi đời này biết rằng Katia biết Goethe đã bị bắt. Katia vẫn luôn luôn được tự do. Vì sao? Người ta đã không bắt con của Katia, không bắt Matvei, không lục soát nhà của Katia. Họ đã không áp dụng một phương pháp tế nhị nào dành cho một phụ nữ Nga tiếp tay cho một nhà vật lý học để tiết lộ những bí mật quốc gia cho một nhà xuất bản phương Tây. Vì sao? Bởi vì họ không biết rằng chúng tôi biết họ biết. Thế có nghĩa là họ muốn cái gì khác. Họ muốn được chúng ta, và muốn được thêm cái gì khác nữa. Nhưng cái gì khác ấy là cái gì? Vì sao họ kiên nhẫn chờ đợi mà không ra tay ngay? Đó là một điều bí mật mà ta phải suy nghĩ cho kỹ. Cuối cùng rồi mọi người cũng phải khai thôi, Ned đã tuyên bố như thế một cách lạnh lùng. Với các phương pháp hiện đại, tất cả mọi người đều phải khai thôi. Vì thế Ned đã khuyên Barley đừng tỏ ra mình là anh hùng nếu bị bắt. Nhưng Barley không còn nghĩ đến bản thân mình nữa. Barley chỉ nghĩ đến Katia. Mỗi ngày, mỗi đêm liên tiếp sau đó, Barley tính toán trong đầu các nước cờ mà ông phải đi, và như chúng tôi, ông ta chờ đợi cuộc gặp mặt với Chim Xanh vào ngày thứ sáu. Ngay sau khi ăn điểm tâm xong, Barley đã sẵn sàng để đi dự tiệc rượu bế mạc hội chợ triển lãm sách. Một nhà xuất bản và một gián điệp mẫu mực. Mỗi ngày từ sáng đến chiều, Barley là linh hồn của hội chợ triển lãm. Goethe, tôi không thể làm bất cứ điều gì để cứu bạn được nữa rồi. Không có một sức mạnh nào ở cõi đời này có thể cứu bạn ra khỏi nanh vuốt của bọn họ được. Katia và hai con của nàng thì có thể được cứu, nếu tất cả mọi người cuối cùng rồi cũng phải cung khai. Nếu Goethe cũng phải cung khai. Còn về phần ta: không thể nào cứu được nữa rồi. Goethe đã cho ta lòng can đảm, và Katia đã cho ta tình yêu, Barley thầm nghĩ, kế hoạch dự tính của ông đã thành hình. Không. Katia đã cho ta cả lòng can đảm lẫn tình yêu. Và nàng đang tiếp tục cho ta cả hai điều ấy. Và thứ sáu đến, một ngày như các ngày khác, màn hình của chúng tôi hầu như im lặng. Barley chuẩn bị một cách chu đáo để đi dự tiệc rượu trọng thể do Nhà xuất bản Potomac and Blair tổ chức. Và một ngày bình thường, với một phong thái ung dung giả vờ, Barley hỏi thăm sức khỏe của Katia. Ông tranh thủ gọi điện thoại cho Katia lúc nào có thể gọi được để nói chuyện. Nàng dùng chữ “thích hợp” có nghĩa là nàng vẫn luôn luôn khỏe mạnh, mọi sự đều tốt đẹp đối với nàng. Còn ông thì dùng chữ “một cách thành thực” để đáp lại. Ông và nàng không trao đổi với nhau những vấn đề quan trọng, không nói với nhau về tình yêu, về chết chóc, hay về các nhà thơ lớn của nước Đức, mà chỉ nói: Em có mạnh khỏe không? Hội chợ triển lãm sách không làm cho em quá mệt mỏi chứ? Cho anh biết một cách thành thực đi. Hai đứa con sinh đôi của em mạnh khỏe không? Matvei vẫn luôn luôn tỏ ra thích thú với cái ống điếu của bác ấy chứ? Tất cả những điều ấy có nghĩa là anh yêu em, anh yêu em, anh yêu em và anh yêu em một cách thành thực. Để biết rõ hơn Katia có được bình an vô sự không, Barley nhờ Wicklow đến thăm dò gian hàng của Nhà xuất bản Tháng Mười. - Phong độ của cô ta hoàn toàn ung dung, - Wicklow mỉm cười cho Barley biết và ông ta bớt lo âu. - Cám ơn, cám ơn bạn. Lần thứ hai, Barley lại nhờ vả Henziger đến thăm dò một lần nữa mới yên tâm. Nàng vẫn luôn luôn còn sống, vẫn luôn luôn còn thở, nàng đã thay áo để sẵn sàng đi dự tiệc. Nhưng trong tất cả thời gian ấy và ngay cả khi trở về thành phố trước các khách mời để có thể đón tiếp họ, Barley không ngớt kiểm điểm trong đầu óc tất cả những sự kiện một cách khách quan.