Tư lang Tống Quân Sở ở huyện Nghi (tỉnh Sơn Đông) trong nhà vốn chuộng thuật phong thủy, dù là đàn bà con gái cũng thông hiểu sách địa lý. Ông Tống chết, hai vị công tử mỗi người dựng ra một phái, tìm đất chôn cha. Nghe ở đâu có thầy địa lý giỏi thì đường xa ngàn dặm cũng tìm tới, tranh nhau mời mọc nên thuật sĩ trong mỗi nhà có tới trăm người. Hàng ngày ruổi ngựa khắp đồng, chia nhau hai bên ra vào như hai đội quân. Được hơn một tháng, mỗi bên tìm được một ngôi đất tốt, bên này nói sẽ được phong hầu, bên kia nói sẽ được bái tướng, anh em không ai chịu nhịn ai, vì thế tức giận không bàn tính với nhau, cùng chuẩn bị việc chôn cất cha, màn gấm phướn màu đều sắp xếp đầy đủ. Ngày chôn cất, xe chở quan tài tới ngã ba, hai anh em đều dựa vào lời trăn trối của cha để tranh nhau, từ buổi sáng đến xế chiều cũng không ngã ngũ được là chôn ở đâu. Khách khứa dần dần ra về hết, đám đạo tỳ khiêng quan tài đứng chờ đã đổi vai mấy mươi lần, mệt quá không chịu nổi nữa, bèn đặt quan tài xuống cạnh đường. Vì thế cũng không chôn nữa, thuê thợ dựng nhà rạp cạnh đường để che mưa che nắng cho quan tài. Người anh dựng chỗ ở bên cạnh, cho người ở lại canh giữ, người em cũng dựng chỗ ở như anh. Người anh dựng lại thì người em cũng dựng lại, sau ba năm thành một thôn nhỏ. Qua nhiều năm, hai anh em nối nhau chết. Hai chị em bạn dâu mới bàn với nhau, cố gắng xóa hết những lời bàn bạc trái ngược của người trước về nơi chôn cha chồng. Bèn cùng ruổi xe ra đồng, tới nơi hai ngôi đất anh em đã chọn, đều chê là chưa tốt lắm, rồi cùng sắm sửa lễ vật mời thầy địa lý tới vẽ họa đồ đầy đủ mang về trình nhưng hai chị em cứ nói là không được. Mỗi ngày trình lên mấy tấm họa đồ, đều bị bỏ hết, hơn chục ngày mới chọn được nơi tốt. Người chị xem họa đồ mừng rỡ nói "Được rồi!", rồi đưa người em xem, người em nói "Ngôi đất này sẽ phát được một Cử nhân võ trước tiên”. Chôn được ba năm, cháu đích Tôn của ông Tống quả nhiên đậu Cử nhân võ. Dị Sử thị nói: Thuật phong thủy có thể cũng có lý, nhưng say mê tin tưởng quá thì thành ngốc nghếch. Huống chi lại tức giận cãi nhau, quàn quan tài lại bên đường, không kể gì đến đạo hiếu, thì làm sao dựa vào mạch đất để mong con cháu phát phúc được? Như việc làm của hai người chị em bạn dâu kia quả là điều hay đáng truyền lại vậy. 397. Đậu Thị (Đậu Thị) Nam Tam Phục là con nhà thế gia ở huyện Tấn Dương (tỉnh Sơn Tây), có một tòa nhà riêng cách nơi ở hơn mười dặm, cứ hàng ngày cưỡi ngựa qua. Một hôm gặp mưa, trên đường có một xóm nhỏ, thấy một nhà nông dân cổng nẻo rộng rãi bèn ghé vào tránh mưa. Người trong vùng vốn đều kính sợ Nam, nên chỉ giây lát đã thấy chủ nhà ra mời vào, thái độ rất khép nép cung kính. Nam vào nhà thấy rất nhỏ hẹp, khách đã ngồi xuống chủ nhà mới kịp lấy chổi quét dọn qua loa. Kế pha mật làm trà bưng ra mời, Nam bảo ngồi mới dám ngồi xuống. Hỏi tên họ, xưng là Đình Chương họ Đậu, giây lát lại dọn rượu làm gà tiếp đãi rất chu đáo. Thấy có cô gái tuổi cập kê bưng mâm dọn chén ngoài cửa, chỉ thấp thoáng nửa người, khoảng mười lăm mười sáu tuổi, xinh đẹp không ai bằng. Nam thấy rung động, ngớt mưa chào về, bồi hồi nhớ nhung mãi. Hôm sau Nam mang gạo lụa qua tặng để cám ơn, mượn cớ làm thân. Từ đó trở đi thường mang rượu thịt ghé chơi nhà Đậu, cùng nhau ăn uống trò chuyện. Cô gái cũng quen dần, không tránh mặt quá nữa, cứ qua lại trước mặt khách. Cứ Nam nhìn tới thì cúi đầu mỉm cười, Nam càng say mê, cứ ba ngày phải ghé lại một lần. Một hôm gặp lúc Đậu vắng nhà, Nam ngồi chờ hồi lâu, cô gái ra tiếp khách, Nam nắm tay cưỡng ép, cô gái thẹn thùng giãy giụa chống cự nói "Nhà tuy nghèo nhưng ta cũng phải lấy chồng, sao lại cậy giàu sang khinh người thế!". Lúc bấy giờ Nam vừa chết vợ, bèn chắp tay nói “Nếu được nàng thương yêu, thề không lấy ai khác". Cô gái đòi phải thề, Nam chỉ tay lên trời thề sẽ chung sống với nhau mãi mãi, cô gái mới ưng thuận. Bắt đầu từ hôm đó cứ chờ lúc Đậu đi vắng thì qua gần gũi với cô gái. Cô gái giục “Hẹn hò riêng tư thế này không thể lâu dài được. Được đoái thương che chở cho, nếu chịu ra ơn cưới hỏi, cha mẹ ắt lấy làm vinh dự, chẳng có gì khó khăn cả, nên lo cho mau”. Nam cũng hứa. Nhưng lại nghĩ cô gái là con nhà nông dân không xứng làm vợ mình, nên cứ bịa đặt chuyện nọ kia để khất lần. Gặp lúc có người mối tới bàn chuyện hôn nhân với một nhà giàu có, Nam lúc đầu còn ngần ngừ, kế nghe con gái nhà ấy xinh đẹp nhiều tiền, bèn quyết ý. Cô gái có mang, thúc giục càng gấp, Nam bèn cắt đứt không tới nữa. Không bao lâu, cô gái sinh được một con trai. Đậu tức giận đánh, cô gái kể thật mọi chuyện, lại nói “Chàng Nam có hẹn ước với con mà!". Đậu tha cho, sai người qua nói chuyện với Nam, Nam lập tức chối phắt. Đậu bèn vứt bỏ đứa bé, đánh đập con gái. Cô gái lén nhờ người đàn bà láng giềng kể lại nỗi khổ, Nam cũng bỏ mặc. Cô gái đang đêm trốn đi, nhìn thấy đứa bé bị vứt bỏ vẫn còn sống, bèn bế lên chạy tới nhà Nam, gõ cửa nói với người giữ cổng rằng "Chỉ cần chủ nhân nói một câu thôi thì ta không tới nỗi chết. Ông ta không nghĩ tới ta đã đành, nhưng không nghĩ tới đứa bé sao?”. Người giữ cổng bẩm lại, Nam cấm không được cho vào. Cô gái dựa vào cửa khóc lóc thảm thiết, đến gần sáng thì không nghe thấy gì nữa. Sáng ngày ra xem, thì cô gái đã ôm con ngồi dựa vào cửa chết cứng rồi. Đậu căm hờn kiện lên quan, quan cũng cho rằng Nam bất nghĩa, định buộc tội. Nam sợ, đem nhiều tiền bạc hối lộ nên được tha. Nhà giàu kia nằm mơ thấy cô gái xõa tóc bế con tới nói "Không được gả con cho gã bạc tình kia, nếu gả thì ta sẽ giết chết đấy". Nhà giàu lại tham rể giàu sang, rốt lại vẫn gả con gái cho Nam. Đến ngày cưới thì của hồi môn rất nhiều, cô dâu cũng xinh đẹp nhưng hay buồn rầu, cả ngày không thấy cười, lúc ngủ chung thỉnh thoảng lại rơi lệ, Nam hỏi gì cũng không đáp. Được vài hôm người nhà giàu qua nhà Nam, vừa vào tới cửa đã rơi nước mắt. Nam cũng chưa kịp hỏi, vội đi theo vào phòng trong, người nhà giàu nhìn thấy con gái hoảng sợ nói “Vừa thấy con gái ta treo cổ tự tử trên cây đào ở vườn sau, người trong phòng kia là ai thế?”. Người con gái nghe thấy biến sắc, ngã vật ra đất chết luôn, nhìn lại thì ra là cô gái họ Đậu. Vội ra vườn sau xem, thì quả nhiên thấy người vợ mới đã treo cổ tự tử ở đó. Nam hoảng sợ vội tới báo cho Đậu. Đậu cho đào mồ con gái lên, thì quan tài còn mà xác đã mất, nỗi căm tức trước vẫn chưa tan, gặp việc này càng thêm đau xót căm hận, lại kiện lên quan. Quan thấy việc kỳ lạ nên chưa kết tội, Nam lại đem lễ vật rất hậu tới xin Đậu bỏ qua, quan cũng nhận tiền hối lộ của Nam, bèn thôi không xử nữa. Từ đó nhà Nam sa sút, lại vì chuyện quái dị đồn rộng ra nên mấy năm liền không ai dám gả con gái cho. Nam bất đắc dĩ phải đưa lễ vật tới hỏi cưới con gái Tiến sĩ họ Tào cách nhà trăm dặm. Chưa kịp làm đám cưới, lại gặp lúc dân gian đồn đãi là triều đình chọn con gái nhà lương dân để tiến cung, nên những người có con gái đều cho cưới gả ngay. Một hôm có bà già đưa một chiếc xe tới, tự xưng là người nhà họ Tào đưa cô dâu về nhà chồng, đỡ cô gái vào phòng, nói với Nam ràng “Việc triều đình tuyển cung nữ đã sắp tới, vội vàng không được trọn lễ, xin cứ đưa nương tử tới đây". Nam hỏi sao không có khách khứa nào cả, bà già đáp "Cũng có vài món nữ trang chở phía sau”, nói qua loa vài câu rồi đi. Nam nhìn cô gái thấy cũng xinh đẹp, bèn trò chuyện cười đùa.Cô gái cúi đầu cởi dây lưng, cử chỉ giống hệt cô gái họ Đậu, Nam phát sợ không dám nói gì nữa. Cô gái lên giường kéo chăn trùm kín đầu ngủ, Nam cũng cho rằng đó là chuyện thường thấy ở các cô dâu mới nên cũng không để ý. Đến lúc mặt trời lặn, chiểu tối rồi mà người nhà họ Tào vẫn không tới, Nam mới ngờ vực vào giở chăn hỏi, thì người cô gái đã lạnh như băng, tắt hơi từ lâu rồi. Nam ngạc nhiên hoảng sợ, không rõ vì sao bèn sai người tới gấp nhà họ Tào hỏi, thì họ Tào hoàn toàn không có đưa con gái tới, ai nghe chuyện cũng lấy làm lạ lùng. Lúc ấy có con gái viên Cử nhân họ Diêu chết vừa chôn, qua đêm thì mồ bị kẻ trộm đào, phá quan tài lấy mất xác Diêu nghe chuyện là liền tới nhà Nam thử thì đúng là con gái mình, giở chăn nhìn kỹ thì thân thể bị lột trần truồng. Diêu tức giận kiện lên quan, quan thấy Nam mấy lần làm điều vô hạnh nên phát ghét, kết án phá mộ trộm xác, khép vào tội chết. Dị Sử thị nói: Buổi đầu tư thông rồi về sau mới cưới hỏi cũng đã không phải là kẻ có đức rồi, huống chi lúc trước thề nguyền mà ngày sau dứt tình sao? Nghe bị đánh đập ở nhà cũng làm ngơ, nghe tiếng khóc than ở cổng cũng làm ngơ, sao mà nhẫn tâm như thế! Nhưng báo oán nhu thế thì so ra còn thảm khốc hơn chuyện chàng họ Lý thứ mười° nhiều.° Chuyện chàng họ Lý thứ mười: xem phần Phụ lục truyện Vũ Hiếu liêm, quyển XV. 398. Lưu Lượng Thái (Lưu Lượng Thái) Hoài Lợi Nhân ở Tế Nam (tỉnh thành Sơn Đông) kể rằng ông Lưu Lượng Thái là hậu thân của hồ. Cha ông ở núi Nam Sơn, thấy có ông già tới nhà, tự xưng là họ Hồ. Ông Lưu hỏi nhà cửa, ông ta đáp "ở trong núi này thôi, nhưng ở đây vắng vẻ chỉ có hai chúng ta, cũng nên sớm tối qua lại thăm hỏi nhau, nên ta tới làm quen". Ông Lưu trò chuyện thấy lanh lợi sắc sảo thích lắm, bèn đem rượu uống với nhau, say khướt ông ta mới ra về. Hôm sau ông ta tới, ông Lưu tiếp đãi còn nồng hậu hơn, nhân nói “Từ khi đội ơn ông tới chơi, chia tay thấy nhớ lắm, nhưng không biết nhà ông ở làng nào, xin hỏi ông ở đâu vậy?". Hồ đáp "Không giấu gì ông, thật ra ta là con hồ già trong núi này, có túc duyên với ông nên mới dám tới xin làm môn hạ, chứ vốn không thể gây họa cho ông được, xin tin nhau đừng sợ hãi". Ông Lưu cũng không ngờ sợ gì, lại càng thân thiết, lập tức so tuổi tác thì Hồ lớn hơn, bèn nhận làm anh. Từ đó qua lại với nhau như anh em ruột, có chuyện hay dở gì Hồ đều báo cho biết trước. Lúc ấy ông Lưu chưa có người nối dõi, chợt ông già nói “Ông đừng lo, ta sẽ làm con ông”, ông Lưu lấy làm kỳ quái vì lời nói lạ lùng, Hồ nói “Ta tính số mình thấy đã hết rồi, sắp đến lúc đầu thai, nhưng đi nơi khác đâu bằng sinh vào nhà cố nhân?". Ông Lưu hỏi "Thần tiên vốn thọ vạn năm, đâu lại tới nỗi thế?”. Ông già lắc đầu đáp “Đó không phải là chuyện ông biết được", rồi đi. Đêm ấy quả nhiên ông Lưu nằm mơ thấy ông già tới nói "Ta tới rồi đây", tỉnh dậy thì phu nhân vừa sinh được một con trai, đó là ông Lưu Lượng Thái. ông Lưu lớn lên, ngôn từ lanh lợi hài hước giống hệt như Hồ. Lúc trẻ đã nổi tiếng văn chương, năm Nhâm thìn đỗ Tiến sĩ, tính lại hào hiệp hay giúp đỡ người hoạn nạn, nên tân khách Tần Sở Yên Triệu° đều tới ở cùng, mở quán bán hàng, trước cổng thành cái chợ. °Tần Sở Yên Triệu: tức vùng Thiểm Tây, Hồ Nam, Hà Bắc, Sơn Tây, gọi theo tên thời Tiên Tần.399. Ma Đói (Ngã Quỷ) Mã Vĩnh người đất Tề (vùng Sơn Đông) tính tham lam vô lại, không có chút của cải gì, người làng gọi đùa là Ma đói. Năm hơn ba mươi tuổi càng bần cùng, quần áo vá chằng vá đụp, ngày ngày mang một con chim ra chợ làm trò quanh quẩn xin ăn, người ta đều khinh rẻ, coi như súc vật. Trong huyện có ông già họ Chu lúc nhỏ dời lên sống ở kinh đô làm những nghề không tốt đẹp. Khi già về làng ở, bị sĩ phu đàm tiếu chê bai. Nhưng Chu ăn ở hiền lành lương thiện, nên ngươi ta dần dần mới tỏ ra tôn trọng. Một hôm Chu thấy Mã làm trò không được đồng nào lấy làm thương xót bèn cho tiền, lại dắt về nhà cho mấy trăm đồng làm vốn buôn bán nhỏ. Mã về lại không chịu làm ăn, cứ ngồi không ăn sẵn, không bao lâu hết tiền lại làm theo lối cũ, nhưng thường tránh mặt Chu. Sau bỏ làng lên huyện, tối đến vào ngủ ở trường huyện. Gặp đêm đông lạnh quá, cứ lấy lọng trên đầu tượng Khổng tử đắp, lại chẻ cả bàn ghế đốt sưởi. Học quan biết được, tức giận trừng phạt, Mã năn nỉ xin tha, lại hứa sẽ giúp tiên sinh làm giàu. Học quan mừng rỡ tha cho đi. Mã dò xét biết được nhà viên Chư sinh Mỗ giàu có, liền tới cửa bắt đưa tiền, cố ý chọc giận rồi lấy dao tự đâm vào mình, vu cáo để ăn vạ. Học quan đòi viên Chư sinh phải hối lộ nhiều tiền mới bỏ qua, các viên Chư sinh đều căm phẫn, cùng kiện lên huyện. Quan huyện điều tra được sự thật, sai đánh Mã bốn chục trượng, đóng gông giam lại, ba ngày thì Mã chết. Đêm ấy ông già họ Chu nằm mơ thấy Mã đội mũ đeo đai bước vào nói "Chịu ơn lớn của ông, nay tới để báo đáp”, tỉnh dậy thì vợ đã sinh con trai. Ông biết đó là Mã, đặt tên là Mã Nhi. Mã Nhi lúc nhỏ không thông minh nhưng cũng học hành được, năm hơn hai mươi tuổi thi cử mấy lần cũng được vào học ở trường huyện. Sau khi khảo khí, đêm ngủ ở nhà trọ, nhìn thấy trên vách có dán bài văn sách cũ, tới xem thì làm theo đề bài trong thiên Cáo tử sách Mạnh Tử, trong lòng thấy khó khăn nên cố học thuộc. Vào thi thì đề bài ra lại đúng như thế. Mã bèn chép lại nên đỗ hạng ưu, được hưởng lương. Năm hơn sáu mươi tuổi được bổ làm Huấn đạo huyện Lâm Xuyên, tại chức mấy năm không hề lấy đạo nghĩa giao du với ai, cứ thấy ai rút tiền trong tay áo đưa ra thì hón hở như chim cốc bắt được cá, ai không đưa tiền thì nhướng chân mày dài ra cả tấc, nhìn chằm chặp như không quen. Gặp lúc quan trên gặp người Chư sinh mắc lỗi nhỏ, ra lệnh các Học quan phải nghiêm khắc, Mã càng tàn ác như trị giặc cướp, có ai kiện tụng học trò là lập tức gõ cửa Huấn đạo, đủ chuyện như thế nên các Chư sinh không sao chịu nổi. Nhưng Mã gần bảy mươi tuổi thì tai điếc mắt mờ, cứ ra gặp người là sắc thuốc nhuộm tóc nhuộm râu cho đen lại. Có cuồng sinh Mỗ lấy rễ cây nhuộm màu đỏ sắc thuốc cho Mã, sáng ra mọi người cùng nhìn thì thấy râu tóc đỏ rực như tượng Linh quan trong miếu. Mã cả giận sai bắt nhưng người kia đã trốn đi từ đêm, vì thế căm tức thành bệnh, vài tháng thì chết.